1. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khi tiến hành các hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên lãnh thổ Việt Nam. Quy hoạch di tích phải được lập, phê duyệt với thời kỳ quy hoạch là 10 năm, tầm nhìn từ 20 năm đến 30 năm.

Hồ sơ quy hoạch di tích gồm: Tờ trình thẩm định hoặc phê duyệt quy hoạch di tích theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định; báo cáo thuyết minh tổng hợp; bản đồ: Bản đồ vị trí di tích và mối liên hệ với di tích khác trong khu vực nghiên cứu quy hoạch tỷ lệ 1:5.000 - 1:15.000, bản đồ hiện trạng về sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật và bản đồ quy hoạch xây dựng khu vực đã được phê duyệt tỷ lệ 1:2.000, bản đồ xác định khu vực bảo vệ và cắm mốc giới di tích; khu vực cần giải tỏa vi phạm di tích tỷ lệ 1:2.000, bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng; phương án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phát huy giá trị di tích tỷ lệ 1:2.000, bản đồ định hướng tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật tỷ lệ 1:2.000; dự thảo quyết định phê duyệt quy hoạch di tích bao gồm các nội dung chủ yếu quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2019.

Nghị định này quy định chi tiết Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 về nội dung công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương; Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương; trách nhiệm, mối quan hệ của bộ, ngành Trung ương, địa phương và kinh phí bảo đảm công tác quốc phòng.

Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự liên quan đến lĩnh vực quản lý, bộ, ngành Trung ương được bố trí không quá 03 Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự.

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (sau đây gọi chung là cơ quan quân sự địa phương) là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở địa phương cùng cấp.

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Quốc phòng, nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ Công an có trách nhiệm trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về quốc phòng. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bộ, cơ quan ngang bộ, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 36 Luật Quốc phòng. Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và Điều 37 Luật Quốc phòng. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương và Điều 38 Luật Quốc phòng.

vb luat phan 2 nam 2019
Ảnh minh họa: Internet

Bộ, ngành Trung ương, địa phương báo cáo công tác quốc phòng bằng văn bản, định kỳ như sau: Hàng tháng, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15; một năm 2 lần, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 20/6, 20/11; hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh quân khu trước ngày 25/11; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Bộ Quốc phòng trước ngày 25/11; hàng năm, Bộ Tư lệnh quân khu, bộ, ngành Trung ương báo cáo Bộ Quốc phòng trước ngày 30/11; hàng năm, Bộ Quốc phòng tổng hợp, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/12. Khi có yêu cầu, nhiệm vụ đột xuất về quốc phòng và tình hình liên quan, cơ quan, tổ chức phải kịp thời báo cáo.

3. Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ quy định về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Theo Nghị định, Kiểm lâm Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn như: Tham mưu cho người đứng đầu cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nhà nước về lâm nghiệp trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi toàn quốc…

Kiểm lâm được trang bị thống nhất về đồng phục, kiểm lâm hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, cờ hiệu, cờ truyền thống, giấy chứng nhận kiểm lâm: Đồng phục kiểm lâm gồm có quần áo thu đông, quần áo xuân hè, quần áo lễ phục và các phụ kiện kèm theo đồng phục; Kiểm lâm hiệu gắn trên mũ; phù hiệu kiểm lâm gắn trên cánh tay áo bên trái; cấp hiệu kiểm lâm gắn ở cầu vai hoặc ve cổ áo; cờ hiệu kiểm lâm được gắn trên các phương tiện tuần tra, kiểm soát của Kiểm lâm; cờ truyền thống kiểm lâm được dùng trong các buổi mít tinh kỷ niệm ngày truyền thống của Kiểm lâm, đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng cho Kiểm lâm; giấy chứng nhận kiểm lâm được cấp cho công chức Kiểm lâm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật; chứng minh người được cấp giấy chứng nhận là công chức Kiểm lâm đang thực hiện nhiệm vụ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.

4. Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/02/2019.

Nghị định số 02/2019/NĐ-CP quy định, chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 05 năm hoặc khi có thảm họa, chiến tranh.

Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia, kế hoạch phòng thủ dân sự cấp bộ và kế hoạch phòng thủ dân sự của các cấp địa phương được xây dựng theo chu kỳ 05 năm và được điều chỉnh hằng năm.

Kế hoạch phòng thủ dân sự phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống, khắc phục có hiệu quả đối với thảm họa do chiến tranh, thảm họa gây ra.

Dạng chiến tranh cơ bản: Địch tiến công bằng vũ khí thông thường; vũ khí hủy diệt lớn (vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học); vũ khí công nghệ cao.

Các thảm họa cơ bản: Thảm họa tàu hỏa, tàu điện ngầm, tàu ngầm, tàu du lịch đường biển, đường sông, tàu vận tải biển; thảm họa máy bay; bão mạnh, siêu bão; động đất, sóng thần; nước biển dâng cao, hạn hán kéo dài diện rộng; vỡ đê hồ, đập thủy điện quốc gia; dịch bệnh hàng loạt; rò rỉ phóng xạ, bức xạ hạt nhân, tán phát hóa chất độc, môi trường; sập đổ nhà cao tầng, hầm lò khai thác khoáng sản và hang động; cháy, nổ nhà máy hóa chất; cháy, nổ nhà máy điện, hạt nhân; cháy nổ giàn khoan, đường ống dẫn dầu, khí; cháy, nổ khu chế xuất, khu dân cư, chung cư cao tầng; sự cố tràn dầu, cháy rừng quốc gia trên quy mô rộng và các tình huống thảm họa khác do bộ, ngành, địa phương xác định.

Các thông tin liên quan đến nguy cơ hoặc xảy ra thảm họa, chiến tranh, được báo cáo về cơ quan thường trực phòng thủ dân sự cùng cấp để kiểm tra và xử lý.

Sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được tiến hành ở các cấp, do Thủ trưởng các đơn vị Quân đội, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Quân đội phải có đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong lĩnh vực được phân công. Việc sơ kết, tổng kết về phòng thủ dân sự được gắn với sơ kết, tổng kết các mặt công tác của cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và phổ cập kiến thức cơ bản cho toàn dân về phòng thủ dân sự. Sinh viên, học viên, học sinh đào tạo trong các học viện, nhà trường, cơ quan đoàn thể ở các cấp: Thời gian huấn luyện về phòng thủ dân sự được lồng ghép thực hiện trong chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh của từng năm học. Cán bộ, đảng viên, công chức, chức sắc, chức việc tôn giáo học tập về phòng thủ dân sự được lồng ghép thực hiện trong chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật, thời gian ít nhất 05% tổng số thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng của từng đối tượng.

Các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự 01 lần/05 năm.

5. Thông tư số 36/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Thông tư này hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em; cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em.

Quy trình lấy ý kiến của trẻ em bao gồm các bước sau: Bước 1: Chuẩn bị lấy ý kiến của trẻ em; bước 2: Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em; bước 3: Tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của trẻ em; bước 4: Thông tin, phản hồi ý kiến của trẻ em.

Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản thông tin, phản hồi việc tiếp thu ý kiến của trẻ em thông qua một hoặc các hình thức sau: Diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp báo; thông qua điện thoại; thông qua môi trường mạng; các phương tiện thông tin đại chúng; gửi văn bản đến trường học, cộng đồng, địa phương nơi tổ chức lấy ý kiến của trẻ em để niêm yết công khai; các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

6. Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2019.

Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia này bao gồm: Gạo; cà phê; cao su; điều; hồ tiêu; chè; rau, quả; sắn và sản phẩm từ sắn; thịt lợn; thịt và trứng gia cầm; cá tra; tôm; gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

7. Thông tư số 133/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập báo cáo tài chính Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Theo Thông tư, Báo cáo cung cấp thông tin tài chính phải được lập cùng kỳ kế toán năm với Báo cáo tài chính Nhà nước, từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 năm dương lịch.

Báo cáo được lập dưới dạng bản mềm (file điện tử), được phê duyệt, ký số theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của Kho bạc Nhà nước và gửi qua Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước theo định dạng file điện tử do Kho bạc Nhà nước thông báo.

Thời hạn gửi báo cáo: Đối với Báo cáo cung cấp thông tin tài chính gửi Kho bạc Nhà nước cấp huyện để lập Báo cáo tổng hợp thông tin tài chính huyện là trước ngày 30/4 của năm tài chính tiếp theo; đối với Báo cáo cung cấp thông tin tài chính gửi Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh để lập Báo cáo tài chính nhà nước tỉnh là trước ngày 30/6 của năm tài chính tiếp theo; đối với Báo cáo cung cấp thông tin tài chính gửi Kho bạc Nhà nước để lập Báo cáo tài chính nhà nước toàn quốc là trước ngày 01/10 của năm tài chính tiếp theo.

Trình tự lập Báo cáo tài chính Nhà nước như sau: Bước 1 tổng hợp số liệu các chỉ tiêu liên quan được trình bày trên các báo cáo được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo tài chính nhà nước quy định tại Điều 9 của Thông tư; bước 2 loại trừ các giao dịch nội bộ theo hướng dẫn tại Điều 11 của Thông tư; bước 3 tổng hợp và trình bày báo cáo.

Bộ Tài chính kiểm tra Báo cáo tài chính Nhà nước toàn quốc. Kho bạc Nhà nước kiểm tra Báo cáo tài chính Nhà nước tỉnh.

8. Thông tư số 172/TT-BQP ngày 27/12/2018 của Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 102/2016/TT-BQP ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về đăng ký, quản lý, sử dụng xe cơ giới trong Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2019.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 5 như sau: “2. Chữ ký hiệu biển số đăng ký: Được quy định riêng cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Phụ lục II Thông tư này. Trường hợp thành lập mới cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo cơ quan chức năng đăng ký bổ sung theo quy định, bảo đảm thống nhất, chính quy”.

Các trường hợp cấp biển số tạm thời có giới hạn tuyến đường theo quy định gồm: Ô tô nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp trong nước trong quá trình trung chuyển, làm nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt; ô tô chạy khảo sát, thử nghiệm của đề tài, dự án thuộc các chương trình của Bộ Quốc phòng; ô tô cho, tặng; viện trợ; nhập khẩu phi mậu dịch; xe là quà tặng hoặc nhập khẩu là tài sản di chuyển.

Một số ký hiệu biển số của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng: Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng là TM; Tổng cục Chính trị là TC; Tổng cục Hậu cần là TH; Tổng cục Kỹ thuật là TT…

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: