1. Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/3/2019.
Theo đó, mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng chung cho tất cả các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài là 650 đô-la Mỹ/người/tháng và sẽ được xem xét điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tại các địa bàn tăng từ 10% trở lên hoặc tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hệ số địa bàn gồm 5 mức: 1,0; 1,1; 1,2; 1,3 và 1,4.
Đại sứ, Người đứng đầu cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được cấp có thẩm quyền giao kiêm nhiệm công tác tại nước khác hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm địa bàn như sau: Kiêm nhiệm từ một đến hai nước hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác được hưởng mức 15% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn; kiêm nhiệm từ ba nước hoặc tổ chức quốc tế ở nước khác trở lên được hưởng mức 20% mức sinh hoạt phí cơ sở nhân với hệ số địa bàn.
Thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước thanh toán tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền chất đốt, tiền thuê bao cáp truyền hình, tiền thuê bao điện thoại, tiền thuê bao internet; được hưởng 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên (nếu có) và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở trong nước, được tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội như khi công tác trong nước.
Phu nhân/phu quân của thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài nếu không thể đi theo chồng/vợ do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do địa bàn khó khăn, nguy hiểm thì được hưởng 50% mức sinh hoạt phí theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 5 Nghị định này.
Đối với con chưa thành niên đi theo thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được hỗ trợ học phí, nức hỗ trợ học phí tối đa bằng 50% mức sinh hoạt phí cơ sở. Mức hỗ trợ sẽ được xem xét điều chỉnh phù hợp tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
2. Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/3/2019.
Nghị định này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền ban hành và nội dung chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện công tác báo cáo giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, cá nhân liên quan; các yêu cầu đối với việc ban hành chế độ báo cáo; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo và xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ báo cáo.
Ảnh minh họa: Internet
Nghị định này không điều chỉnh: Chế độ báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật về thống kê; chế độ báo cáo mật theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước; chế độ báo cáo trong nội bộ từng cơ quan hành chính nhà nước.
Đối tượng áp dụng bao gồm: Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến việc ban hành và thực hiện các chế độ báo cáo; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chế độ báo cáo do cơ quan hành chính nhà nước ban hành.
Theo Nghị định, một số yêu cầu chung về việc ban hành chế độ báo cáo như: Tên báo cáo phải bảo đảm rõ ràng, ngắn gọn và thể hiện được bao quát nội dung, phạm vi yêu cầu báo cáo; nội dung yêu cầu báo cáo phải bảo đảm cung cấp những thông tin cần thiết nhằm phục vụ mục tiêu quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền; đồng thời, nội dung yêu cầu báo cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, tạo thuận lợi cho đối tượng thực hiện báo cáo…
Phương thức gửi, nhận báo cáo: Gửi trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính; gửi qua Fax; gửi qua hệ thống thư điện tử; gửi qua hệ thống phần mềm thông tin báo cáo chuyên dùng…
Thời hạn gửi báo cáo được xác định căn cứ vào đối tượng thực hiện báo cáo, nội dung báo cáo và thời điểm kết thúc việc lấy số liệu báo cáo, nhưng phải bảo đảm thời gian không ít hơn 01 ngày làm việc tính từ thời điểm kết thúc việc lấy số liệu báo cáo đến thời hạn gửi báo cáo hoặc ước tính thời gian từ khi nhận được báo cáo để tổng hợp đến thời gian hoàn thành báo cáo và gửi đi.
Chế độ báo cáo đột xuất được ban hành bằng văn bản hành chính. Chế độ báo cáo chuyên đề được ban hành bằng văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính. Chế độ báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Ngoài ra việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo và hệ thống thông tin báo cáo quốc gia cũng được quy định trong Nghị định này.
3. Nghị định số 12/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2019.
Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
1. Nghị định số 48/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân và của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở trong nước, ở nước ngoài.
2. Nghị định số 50/2001/NĐ-CP ngày 16/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
3. Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án.
4. Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.
5. Nghị định số 10/2006/NĐ-CP ngày 17/01/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra công tác dân tộc.
6. Nghị định số 30/2006/NĐ-CP ngày 29/3/2006 của Chính phủ về thống kê khoa học và công nghệ.
7. Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 của Chính phủ quy định về đơn vị đo lường chính thức.
8. Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan.
9. Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ về thực hiện thí điểm một số thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng đối với dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp.
Bãi bỏ một phần văn bản quy phạm pháp luật: Bãi bỏ Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 21, 22, khoản 1 Điều 23, khoản 1 Điều 24 Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị.
4. Thông tư số 01/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý tài liệu điện tử trong quá trình xử lý công việc của các cơ quan, tổ chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2019.
Thông tư quy định, tất cả văn bản đến cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống quản lý tài liệu điện tử (gọi tắt là Hệ thống); số đến của một văn bản đến là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đến của cơ quan, tổ chức. Tiêu chuẩn số hóa tài liệu: Định dạng Portable Document Format (.pdf), phiên bản 1.4 trở lên; ảnh màu; độ phân giải tối thiểu: 200 dpi; tỷ lệ số hóa: 100%. Hình thức chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện số hóa trên văn bản số hóa để xử lý công việc trong Hệ thống: Vị trí góc trên, bên phải, trang đầu văn bản; hình ảnh: Dấu của cơ quan, tổ chức số hóa văn bản, màu đỏ, kích thước bằng kích thước thực tế của dấu, định dạng Portable Network Graphics (.png); thông tin: Tên cơ quan, tổ chức, thời gian ký (ngày, tháng, năm; giờ, phút, giây; múi giờ Việt Nam theo Tiêu chuẩn ISO 8601).
Đối với văn bản đi, tất cả văn bản đi của cơ quan, tổ chức phải được đăng ký vào Hệ thống; số của một văn bản đi là duy nhất trong hệ thống quản lý văn bản đi của cơ quan, tổ chức.
Về hình thức chữ kỹ số của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản: Vị trí: Tại vị trí ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản trên văn bản giấy; hình ảnh: Chữ ký của người có thẩm quyền trên văn bản giấy, màu xanh, định dạng (.png).
Về hình thức chữ ký số của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản: Vị trí: Trùm lên khoảng 1/3 chữ ký của người có thẩm quyền về phía bên trái; hình ảnh: Dấu của cơ quan, tổ chức ban hành văn bản, màu đỏ, kích thước bằng kích thước thực tế của dấu, định dạng (.png); thông tin: Tên cơ quan, tổ chức, thời gian ký (ngày, tháng, năm; giờ, phút, giây; múi giờ Việt Nam theo Tiêu chuẩn ISO 8601).
Việc nộp lưu, quản lý hồ sơ điện tử tại Lưu trữ cơ quan và hủy tài liệu điện tử hết giá trị được thực hiện theo quy định tại Chương II Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ. Cá nhân được giao nhiệm vụ giải quyết công việc căn cứ vào Danh mục hồ sơ của cơ quan, có trách nhiệm nộp lưu tài liệu điện tử và các tài liệu định dạng khác nếu có vào Lưu trữ cơ quan. Lưu trữ cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ, đưa hồ sơ về chế độ quản lý “Hồ sơ lưu trữ điện tử” trong Hệ thống.
Đối với việc bảo quản và lưu trữ văn bản, hồ sơ: Lưu văn bản và các thông tin về quá trình giải quyết công việc gồm: Ý kiến chỉ đạo, phân phối văn bản đến của người có thẩm quyền; các dự thảo văn bản của công chức, viên chức được phân công soạn thảo; ý kiến góp ý của cá nhân, đơn vị có liên quan; ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo; ý kiến phê duyệt, chịu trách nhiệm nội dung của lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo; ý kiến phê duyệt chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản của người có thẩm quyền; lịch sử truy cập và xem văn bản; các tác động khác vào văn bản…
5. Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2019.
Theo Thông tư, khi phát hiện sự cố y khoa, nhân viên y tế có trách nhiệm nhận diện và phân biệt sự cố y khoa theo các trường hợp mô tả, diễn biến tình huống, mức độ tổn thương quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Báo cáo sự cố y khoa bao gồm báo cáo tự nguyện và báo cáo bắt buộc. Báo cáo tự nguyện được thực hiện bằng văn bản hoặc báo cáo điện tử. Trường hợp cần báo cáo khẩn cấp thì có thể báo cáo trực tiếp hoặc báo cáo qua điện thoại nhưng sau đó vẫn phải thực hiện ghi nhận lại bằng văn bản. Báo cáo bắt buộc được thực hiện bằng văn bản hỏa tốc hoặc báo cáo điện tử đối với sự cố y khoa gây tổn thương nặng (NC3) quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Đặc biệt đối với các sự cố y khoa nghiêm trọng sau: Sự cố đã xảy ra gây nguy hại kéo dài, để lại di chứng; sự cố đã xảy ra gây nguy hại cần phải hồi sức tích cực; sự cố đã xảy ra có ảnh hưởng hoặc trực tiếp gây tử vong phải báo cáo trước bằng điện thoại trong thời hạn 01 giờ.
Việc xử lý sự cố y khoa được thực hiện như sau: Nhân viên y tế làm việc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi phát hiện sự cố y khoa phải xử lý ngay để bảo đảm an toàn cho người bệnh trước khi báo cáo cho bộ phận tiếp nhận và quản lý sự cố y khoa; Sở Y tế chỉ đạo trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh và tiến hành điều tra, báo cáo nhanh cho Bộ Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố đối với sự cố y khoa quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 5; Bộ Y tế chỉ đạo trực tiếp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh và tiến hành điều tra, báo cáo nhanh trong thời hạn 24 giờ kể từ khi xảy ra sự cố đối với sự cố y khoa quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 5.
Thông tư đưa ra danh mục sự cố y khoa nghiêm trọng như:
- Sự cố phẫu thuật: Phẫu thuật sai vị trí (bộ phận cơ thể); phẫu thuật sai người bệnh; phẫu thuật sai phương pháp (sai quy trình) gây tổn thương nặng; bỏ quên y dụng cụ, vật tư tiêu hao trong cơ thể người bệnh sau khi kết thúc phẫu thuật hoặc những thủ thuật xâm lấn khác; tử vong xảy ra trong toàn bộ quá trình phẫu thuật (tiền mê, rạch da, đóng da) hoặc ngay sau phẫu thuật trên người bệnh có phân loại ASA độ I.
- Sự cố do trang thiết bị: Tử vong hoặc di chứng nặng liên quan tới thuốc, thiết bị hoặc sinh phẩm; người bệnh tử vong hoặc di chứng nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng hoặc liên quan đến chức năng của y dụng cụ trong quá trình chăm sóc người bệnh khác với kế hoạch đề ra ban đầu…
Khánh Linh (tổng hợp)