1. Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2019.
Theo Nghị định, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải thực hiện công tác kiểm toán nội bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đáp ứng được một số tiêu chuẩn như: Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán; đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra…
Căn cứ mục tiêu, chính sách, quy mô, mức độ rủi ro của các hoạt động và nguồn lực hiện có, bộ phận kiểm toán nội bộ xây dựng kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm, bao gồm phạm vi kiểm toán, đối tượng kiểm toán, các mục tiêu kiểm toán, thời gian kiểm toán và việc phân bổ các nguồn lực.
Đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán…
Ảnh minh họa: Internet
Báo cáo kiểm toán phải trình bày rõ:
- Nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán; những đánh giá, kết luận về nội dung đã được kiểm toán và cơ sở đưa ra các ý kiến này; các yếu kém, tồn tại, các sai sót, vi phạm, kiến nghị các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót và xử lý vi phạm; đề xuất các biện pháp hợp lý hóa, cải tiến quy trình nghiệp vụ; hoàn thiện chính sách quản lý rủi ro, cơ cấu tổ chức của đơn vị (nếu có).
- Phải có ý kiến của ban lãnh đạo bộ phận/đơn vị được kiểm toán.
- Phải có chữ ký của Trưởng đoàn hoặc Trưởng nhóm kiểm toán hoặc người phụ trách cuộc kiểm toán.
- Báo cáo kiểm toán hàng năm phải có chữ ký của người phụ trách kiểm toán nội bộ. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người phụ trách kiểm toán nội bộ phải gửi báo cáo kiểm toán hàng năm là báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán nội bộ của năm trước cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này.
Đơn vị phải tiến hành đánh giá nội bộ đối với hoạt động của kiểm toán nội bộ để đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ. Đánh giá nội bộ đối với hoạt động kiểm toán nội bộ là việc tự đánh giá lại hoạt động kiểm toán nội bộ vào cuối cuộc kiểm toán và việc tự đánh giá lại hàng năm về tổng thể hoạt động kiểm toán nội bộ do chính bộ phận kiểm toán nội bộ thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng của hoạt động kiểm toán nội bộ.
2. Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/4/2019.
Nghị định này quy định về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là họ); điều kiện làm thành viên, chủ họ; gia nhập, rút khỏi họ; văn bản thỏa thuận về họ; thứ tự lĩnh họ, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ.
Chủ họ là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự; trường hợp các thành viên tự tổ chức dây họ thì chủ họ là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.
Thoả thuận về dây họ được thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây họ được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây họ yêu cầu.
Chủ họ phải lập và giữ sổ họ, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ họ. Trường hợp dây họ không có chủ họ thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ họ.
Chủ họ phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây họ trở lên.
Lãi suất trong họ có lãi do các thành viên của dây họ thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh họ tại mỗi kỳ mở họ nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần họ phải góp trừ đi giá trị các phần họ đã góp trên thời gian còn lại của dây họ. Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.
Trong trường hợp có tranh chấp về họ hoặc phát sinh từ họ thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hoà giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Chủ họ, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về họ.
3. Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2019.
Theo Nghị định này, một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 6 về giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất. Công thức tính giá đất của thời hạn thuê đất tính lệ phí trước bạ như sau:
Giá đất của thời hạn thuê đất tính lệ phí trước bạ |
= |
Giá đất tại Bảng giá đất |
x |
Thời hạn thuê đất |
70 năm |
- Khoản 5 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự mức thu là 2%.
a) Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Trường hợp cần áp dụng mức thu cao hơn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại từng địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung tại điểm này. Ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (Ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống.
b) Ô tô chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống, ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (Ô tô pick-up chở hàng) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Căn cứ vào loại phương tiện ghi tại Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp, Cơ quan Thuế xác định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự theo quy định tại khoản này.”
- Khoản 7 Điều 7 được bổ sung như sau: “7. Tổ chức, cá nhân đã được miễn hoặc không phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy lần đầu, nếu chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân khác hoặc chuyển mục đích sử dụng mà không thuộc diện được miễn lệ phí trước bạ theo quy định thì tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu ô tô, xe máy nộp lệ phí trước bạ với mức thu lần đầu trên giá trị sử dụng còn lại của tài sản.”
- Khoản 3 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau: “3. Đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng vào các mục đích sau đây:
a) Sử dụng vào mục đích công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Thăm dò, khai thác khoáng sản; nghiên cứu khoa học theo giấy phép hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (không phân biệt đất trong hay ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất), đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng, bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoặc xây dựng nhà để chuyển nhượng. Các trường hợp này nếu đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng để cho thuê hoặc tự sử dụng thì phải nộp lệ phí trước bạ.”
- Khoản 5 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau: “5. Việc lập và cấp chứng từ thu lệ phí trước bạ thực hiện theo quy định.
Tổng cục Thuế ký số và truyền dữ liệu điện tử nộp lệ phí trước bạ của tổ chức, cá nhân nộp qua ngân hàng, kho bạc nhà nước hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho tổ chức có thẩm quyền đã kết nối thông tin với Cơ quan Thuế. Dữ liệu điện tử nộp lệ phí trước bạ được ký số là căn cứ để giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký tài sản và tổ chức, cá nhân không phải cung cấp chứng từ giấy.”
4. Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2019.
- Sửa đổi khoản 1 Điều 2 như sau: “1. Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.”
- Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau: “Điều 4. Hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo ở cơ sở nuôi dưỡng
Việc hỗ trợ, tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo nhằm mục đích nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Luật Nuôi con nuôi, pháp luật về tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ cho các cơ sở nuôi dưỡng công lập và ngoài công lập và quy định cụ thể sau đây:
1. Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ nhân đạo thông qua chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hoặc tài trợ cho Quỹ bảo trợ trẻ em.
2. Khi hỗ trợ nhân đạo, cá nhân, tổ chức không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi; cơ sở nuôi dưỡng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo.
Trường hợp cá nhân, tổ chức hỗ trợ nhân đạo bằng tiền thì phải thực hiện thông qua tài khoản của cơ sở nuôi dưỡng.
3. Khi hỗ trợ, tiếp nhận hỗ trợ nhân đạo, ngoài việc thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cha mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam và cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm như sau:
a) Cha mẹ nuôi nước ngoài thông tin cho tổ chức con nuôi nước ngoài về các khoản hỗ trợ nhân đạo đã thực hiện ở Việt Nam;
b) Định kỳ 06 tháng và hằng năm hoặc theo yêu cầu, tổ chức con nuôi nước ngoài báo cáo Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Cục Con nuôi) các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và của tổ chức;
c) Định kỳ 06 tháng và hằng năm hoặc theo yêu cầu, cơ sở nuôi dưỡng báo cáo việc tiếp nhận, sử dụng và quản lý các khoản hỗ trợ nhân đạo theo quy định của pháp luật và báo cáo Cục Con nuôi về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo của cha mẹ nuôi và tổ chức con nuôi nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.”
- Sửa đổi Điều 30 như sau: “Điều 30. Ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài
Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì được ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi trong các trường hợp sau:
1. Việc nuôi con nuôi đã được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước nơi giải quyết việc nuôi con nuôi cùng là thành viên;
2. Việc nuôi con nuôi đã được giải quyết theo quy định pháp luật của nước ngoài, trừ trường hợp vi phạm những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thẩm quyền, thủ tục ghi vào Sổ đăng ký nuôi con nuôi việc nuôi con nuôi đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Đối với trường hợp nuôi con nuôi được giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, thì ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật hộ tịch, hồ sơ còn phải có văn bản chứng nhận việc nuôi con nuôi đã được thực hiện phù hợp với điều ước quốc tế của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
3. Cục Con nuôi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp danh sách các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam theo điều ước quốc tế về nuôi con nuôi.”
4. Thông tư số 02/2019/TT-BTTTT ngày 08/3/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2019.
Thông tư này được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi là các Bộ), các tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tin quảng bá hình ảnh của Bộ được cung cấp qua các phương thức sau đây:
- Hoạt động đối ngoại của Bộ.
- Cổng thông tin điện tử của Bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, cơ quan, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
- Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của Bộ.
- Xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
- Sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chúng trong nước.
- Sản phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nước ngoài.
- Sản phẩm truyền thông phổ biến qua mạng internet.
- Các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài.
- Các hoạt động truyền thông của các sự kiện lớn tổ chức trong và ngoài nước.
- Các phương thức hoạt động thông tin đối ngoại khác theo quy định của pháp luật.
Hệ thống dữ liệu thông tin đối ngoại của các Bộ là hệ thống dữ liệu được số hóa bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, giới thiệu lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, cung cấp đến cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Các Bộ có trách nhiệm:
- Triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, trách nhiệm của các Bộ theo quy định tại Chương III của Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.
- Phân công 01 đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối và cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại chịu trách nhiệm tham mưu để Lãnh đạo Bộ ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình liên quan về thông tin đối ngoại.
- Cung cấp thông tin chính thức về Bộ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tới các cơ quan thông tấn, báo chí, cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài.
- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thông tin đối ngoại theo quy định của pháp luật.
- Sơ kết, tổng kết, đánh giá hoạt động thông tin đối ngoại theo phạm vi quản lý; định kỳ trước ngày 30/11 hằng năm gửi và báo cáo tổng kết năm và kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại của năm tiếp theo về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Mẫu kế hoạch và báo cáo quy định tại Phụ lục số 01 và Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp đột xuất, khi Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản yêu cầu, các Bộ gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, phục vụ công tác quản lý.
Khánh Linh (tổng hợp)