1. Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25/02/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2019.

Theo Nghị định, cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân về hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

quy dinh ve to cao va giai quyet to cao trong cong an nhan dan

Ảnh minh họa: Internet

Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Công an nhân dân được phân cấp cụ thể như:

- Trưởng Công an phường, Trưởng đồn, Trưởng trạm Công an, Trưởng Công an thị trấn, Trưởng Công an xã thuộc biên chế của lực lượng Công an nhân dân (gọi chung là Trưởng Công an cấp xã) giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc quyền quản lý trực tiếp, trừ Phó Trưởng Công an cấp xã.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Phó Trưởng Công an cấp huyện; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp huyện, cấp phòng và đơn vị tương đương do Công an cấp tỉnh quản lý trực tiếp.

- Tố cáo cán bộ, chiến sĩ hoặc cơ quan, đơn vị cấp dưới của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đang quản lý cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.

Tố cáo cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân đã bị giải thể do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị Công an trước khi bị giải thể giải quyết…

Ngoài ra, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân.

Việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo được quy định: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân có trách nhiệm công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong Công an nhân dân có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo.

Bộ trưởng Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của mình. Chánh Thanh tra Bộ Công an giúp Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân; theo dõi kết quả giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an về công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Tổng thanh tra Chính phủ có trách nhiệm xem xét việc giải quyết tố cáo mà Bộ trưởng Bộ Công an đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết lại.

2. Thông tư số 01/2019/TT-BGDĐT ngày 25/02/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/4/2019.

Thông tư quy định, các cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy như sau:

- Cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo quy định của Thông tư này, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

- Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy hàng năm được xác định bằng tổng quy mô đào tạo chính quy xác định trên cơ sở năng lực của từng khối ngành, đáp ứng đồng thời các tiêu chí quy định tại Điều 6 của Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT trừ đi tổng quy mô sinh viên chính quy đang đào tạo tại cơ sở giáo dục và cộng thêm số sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm tuyển sinh.

- Đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định.

- Đối với ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục đại học, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 06/2018/TT-BGDĐT nhưng không vượt quá 120% chỉ tiêu đào tạo của ngành đó trong năm trước liền kề; phải công bố công khai trong đề án tuyển sinh và chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và cơ quan có thẩm quyền.

- Đối với cơ sở giáo dục trong ba năm liền kề không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành, có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường thì được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng đào tạo, nhu cầu xã hội và các quy định sau:

+ Chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục  được xác định theo năng lực đào tạo quy định tại khoản 2 Điều này; sau đó, ngành có chương trình đã kiểm định được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 7; ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề nếu kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát sinh viên có việc làm hàng năm của cơ sở giáo dục).

+ Nếu tỷ lệ việc làm trung bình của sinh viên trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát sinh viên có việc làm hàng năm của cơ sở giáo dục), có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo điểm a khoản này còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong bốn năm trước liền kề năm tuyển sinh. Nếu cơ sở giáo dục chưa đủ bốn năm có sinh viên tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng sinh viên bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.

- Cơ sở giáo dục chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề; trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7.

- Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo liên thông đại học chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy và được xác định theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học.

3. Thông tư số 02/2019/TT-BGDĐT ngày 28/02/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017; đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT ngày 01/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2019.

Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý sau:

- Các trường có thủ tục sơ tuyển; các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia: Xác định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và một số phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, hồ sơ đăng ký sơ tuyển; thủ tục, điều kiện đạt yêu cầu sơ tuyển; phương thức tổ chức thi, phương thức xét tuyển và đề thi minh họa đối với các trường tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt; thực hiện quy trình xét tuyển quy định tại khoản 5 Điều 13 của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017.

- Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự thi, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú trước khi nhập ngũ.

- Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên; các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng như sau:

+ Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên:

Trình độ đại học xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, Huấn luyện thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên; ngành Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao xét tuyển các đối tượng là vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đã từng đạt huy chương tại Hội khỏe Phù Đổng, các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

Trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Riêng các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất và Huấn luyện thể thao, Sư phạm Thể dục thể thao xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ trung bình trở lên.

+ Đối với các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng trình độ đại học: Xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi vào các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược học; xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên vào các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Dinh dưỡng, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng.

4. Thông tư số 01/2019/TT-BYT ngày 01/3/2019 của Bộ Y tế quy định việc thực hiện điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2019.

Thông tư quy định: Việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày do bác sĩ quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thời gian theo dõi, điều trị nội trú ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày.

- Đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.

Người bệnh điều trị nội trú ban ngày được thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng hằng ngày hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ điều trị và được hưởng chế độ điều trị nội trú, theo dõi và chăm sóc trong thời gian làm việc ban ngày. Các lần thăm khám hàng ngày trong thời gian điều trị không được tính tiền khám cho người bệnh.

Trường hợp bệnh diễn biến nặng, bất thường hoặc cần theo dõi 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì chuyển người bệnh vào điều trị nội trú và ghi trong hồ sơ bệnh án về diễn biến bệnh, hồ sơ bệnh án của người bệnh được tiếp tục sử dụng. Ngày điều trị nội trú được tính từ thời điểm người bệnh được chuyển sang điều trị nội trú 24/24 giờ.

Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án, chi phí khám bệnh, chữa bệnh điều trị nội trú ban ngày được thực hiện theo quy định đối với hình thức khám bệnh, chữa bệnh nội trú 24/24 giờ.

Chi phí giường bệnh điều trị nội trú ban ngày thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.

5. Thông tư số 10/2019/TT-BTC ngày 20/02/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/4/2019.

Thông tư này quy định, cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thẩm quyền xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản xem xét, quyết định. Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ được quyền thuê doanh nghiệp thẩm định giá hoặc tổ chức có chức năng tư vấn về giá có dù năng lực và kinh nghiệm thực hiện thẩm định giá, tư vấn cho việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Một số căn cứ xác định giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ như:

- Phạm vi giao quyền: Giao quyền sở hữu hoặc giao quyền sử dụng tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Đặc điểm kỹ thuật của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ví dụ công dụng, mục đích sử dụng, chức năng, dự kiến hiệu quả kỹ thuật.

- Đặc điểm pháp lý của của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ví dụ: Sự cần thiết và khả năng được đăng ký bảo hộ; tình trạng và phạm vi bảo hộ.

- Đặc điểm kinh tế của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

- Giá giao dịch trên thị trường của một số tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ tương tự có thể so sánh trong nước, trên thế giới và giá trị trong các giao dịch đã thực hiện đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cần được xác định giá trị (nếu có)…

Việc xác định giá trị tài sản dựa trên kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện theo công thức sau:

Giá trị của tài sản

=

Kinh phí đầu tư cho nhiệm vụ

+

Lợi nhuận dự kiến (nếu có)

+

Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

+

Thuế giá trị gia tăng, thuế khác (nếu có)

Các phương pháp xác định giá trị tài sản theo cách tiếp cận từ thu nhập được thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá tài sản vô hình do Bộ Tài chính ban hành và theo ba phương pháp: Phương pháp tiền sử dụng; phương pháp lợi nhuận vượt trội và phương pháp thu nhập tăng thêm.

Chi phí xác định giá trị tài sản bao gồm chi phí thuê thẩm định giá; chi phí thuê tổ chức dịch vụ có chức năng tư vấn về giá để xác định giá trị tài sản; chi văn phòng phẩm và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc xác định giá trị tài sản.

Mức chi cho các chi phí trên thực hiện theo các quy định tại Điều 33 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.

6. Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2019.

Theo Thông tư, trường hợp chi thanh toán cá nhân cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc diện bắt buộc phải thanh toán bằng chuyển khoản theo quy định tại Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN, thì các đơn vị giao dịch và Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện chi trả qua tài khoản như sau:

- Đối tượng áp dụng:

+ Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hưởng lương từ NSNN; cán bộ hợp đồng hưởng lương từ NSNN (trừ lao động hợp đồng vụ, việc, khoán gọn).

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có đăng ký hợp đồng chi trả lương qua tài khoản với ngân hàng thương mại (các lực lượng thuộc danh mục Mật, Tuyệt mật, Tối mật theo quy định của danh mục bí mật quốc gia thực hiện trả lương theo hình thức phù hợp).

+ Các đối tượng khác hưởng lương từ NSNN.

- Nội dung thực hiện chi trả qua tài khoản, bao gồm: Tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương; chi bổ sung thu nhập; tiền điện thoại đối với các chức danh có tiêu chuẩn; các khoản thanh toán cho cá nhân thực hiện chế độ giao khoán kinh phí theo quy định và các khoản chi thanh toán cho cá nhân khác.

Các đơn vị sử dụng NSNN khi giao dịch với đơn vị KBNN mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ một trăm triệu (100.000.000) đồng trở lên trong 01 lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi đơn vị KBNN mở tài khoản theo quy định tại khoản 2 Điều 8, trừ các trường hợp sau:

- Đơn vị có khoản nộp vào KBNN và khoản chi bằng tiền mặt trong cùng một lần giao dịch; đảm bảo sau khi bù trừ, số chi thực tế bằng tiền mặt tại KBNN có giá trị không quá một trăm triệu (100.000.000) đồng.

- Đơn vị KBNN trực tiếp chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền

Phí mở và duy trì tài khoản thanh toán của đơn vị tại ngân hàng thương mại (nếu có); phí chuyển tiền từ tài khoản thanh toán của đơn vị vào từng tài khoản thanh toán của đối tượng thụ hưởng; các loại phí phát hành, phí thường niên của thẻ tín dụng của đơn vị (nếu có) được hạch toán, quyết toán vào mục chi khác, tiểu mục chi các khoản phí, lệ phí của các đơn vị sử dụng NSNN.

Các khoản chi phí mà đơn vị sự nghiệp công lập phải trả cho ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi thực hiện các khoản thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công là một khoản chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập và được thực hiện theo quy định của Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: