1. Công thức tính lương, phụ cấp đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội
Ngày 24/5/2019, Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 04/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội.
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 7 Điều 11 Thông tư này:
Căn cứ vào hệ số lương và phụ cấp hiện hưởng quy định tại các văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 38/2019/NĐ-CP) để tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) như sau:
- Công thức tính mức lương: Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2019 = Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số lương hiện hưởng.
- Công thức tính mức phụ cấp:
+ Đối với các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở: Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 = Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
+ Đối với các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 = Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2019 + Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/7/2019 (nếu có) + Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/7/2019 (nếu có) x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
+ Đối với các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
- Công thức tính mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có): Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/7/2019 = Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng (nếu có).
b) Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này:
Căn cứ vào hệ số hoạt động phí đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật hiện hành để tính mức hoạt động phí theo công thức sau:
Mức hoạt động phí thực hiện từ ngày 01/7/2019 = Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng x Hệ số hoạt động phí theo quy định.
c) Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Khoản 4 Điều 1 Thông tư này:
Từ ngày 01/7/2019, quỹ phụ cấp được ngân sách nhà nước khoán đối với mỗi cấp xã, mỗi thôn, tổ dân phố quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ được tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Việc quy định cụ thể mức phụ cấp đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP.
d) Đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư này:
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an;
- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), thực hiện tính mức lương, mức phụ cấp và mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) theo cách tính quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2019. Mức lương, phụ cấp (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu, nếu có) và hoạt động phí của các đối tượng quy định tại Điều 1 Thông tư này được tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019. Các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo mức lương cơ sở được tính lại tương ứng từ ngày 01/7/2019.
2. Hàng loạt văn bản về lao động sắp hết hiệu lực
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư số 09/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/5/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành.
Theo đó, từ ngày 01/7/2019 sẽ bãi bỏ toàn bộ 68 thông tư và thông tư liên tịch, đơn cử như:
- Thông tư số 40/2009/TT-LĐTBXH ngày 03/12/2009 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn cách tính số lao động sử dụng thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/09/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
- Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Thông tư số 06/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/3/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT/BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC ngày 12/01/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc hướng dẫn phối hợp trong việc giải quyết các vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động khác có dấu hiệu tội phạm.
- Thông tư số 14/LĐTBXH-TT ngày 20/6/1996 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi bổ sung một số điểm tại Thông tư số 05/LĐTBXH-TT ngày 12/12/1996 của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính về không ký hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 và số 88/CP ngày 14/12/1995 của Chính phủ.
- Thông tư số 322-TT/UB ngày 04/7/1994 của Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam về việc thực hiện Chỉ thị 38 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH ngày 16/8/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục…
3. Nhiều chính sách mới đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (có hiệu lực kể từ ngày 25/7/2019), cụ thể như:
a) Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu:
- Theo Nghị định này, sĩ quan, hạ sĩ quan được nghỉ hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
+ Hết hạn tuổi phục vụ theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
+ Nam đủ 25 năm, nữ đủ 20 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên, trong đó có ít nhất 5 năm được tính thâm niên công an và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên nhưng chưa đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu mà Công an nhân dân không còn nhu cầu bố trí hoặc không chuyển ngành hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan tự nguyện xin nghỉ.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí, nếu đã được thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương được 2/3 thời hạn trở lên và được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì được thăng cấp, nâng 01 bậc lương (trừ trường hợp thăng cấp bậc hàm cấp tướng).
- Sĩ quan, hạ sĩ quan khi nghỉ hưu được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trợ cấp một lần của thời gian tăng thêm do quy đổi quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ cao nhất quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 từ đủ 01 năm (12 tháng) trở lên do thay đổi tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền thì ngoài chế độ theo quy định tại khoản 3 Điều này còn được hưởng trợ cấp một lần như sau:
+ Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
+ Được trợ cấp bằng 05 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ 01 năm công tác được trợ cấp bằng 1/2 tiền lương của tháng liền kề trước khi nghỉ hưu.
b) Chế độ, chính sách đối với thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân hy sinh, từ trần:
- Thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ hy sinh được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và được hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
- Thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và hưởng trợ cấp một lần theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 và khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
- Thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ hy sinh, từ trần được hưởng các chế độ trợ cấp trên bao gồm: Vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp hoặc người khác mà sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trước khi hy sinh, từ trần có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
c) Quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ khi sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân thôi phục vụ trong Công an nhân dân, hy sinh, từ trần
- Sĩ quan, hạ sĩ quan có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù được quy đổi để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi thôi phục vụ trong Công an nhân dân như sau:
+ Được quy đổi 01 năm bằng 01 năm 06 tháng đối với thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
+ Được quy đổi 01 năm bằng 01 năm 04 tháng đối với thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp đặc biệt với mức 100% hoặc công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
+ Được quy đổi 01 năm bằng 01 năm 02 tháng đối với thời gian công tác ở địa bàn có phụ cấp khu vực từ hệ số 0,7 trở lên hoặc công việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp trong cùng một thời gian công tác, sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân được hưởng 02 hoặc 03 mức quy đổi quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì chỉ được hưởng theo mức cao nhất.
- Sĩ quan, hạ sĩ quan có thời gian tăng thêm do quy đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng trợ cấp một lần với mức cứ 01 năm được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi sĩ quan, hạ sĩ quan thôi phục vụ trong Công an nhân dân hoặc hy sinh, từ trần.
4. Thêm 03 trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế
Đây là quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BYT ngày 10/6/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2019).
Ảnh minh họa/ Internet
Theo đó, ngoài các trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật số 46/2014/QH13, người có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
a) Người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến) nhưng chưa được thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
b) Trường hợp dữ liệu thẻ bảo hiểm y tế không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác về thông tin thẻ bảo hiểm y tế.
c) Trường hợp người bệnh không xuất trình được thẻ bảo hiểm y tế trước khi ra viện, chuyển viện trong ngày do tình trạng cấp cứu, mất ý thức hoặc tử vong hoặc bị mất thẻ nhưng chưa được cấp lại.
Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp chịu trách nhiệm thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức hưởng trong phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Thu Hiền (tổng hợp)
-----------
1. Điều 1 của Thông tư số 04/2019/TT-BNV:
“Điều 1. Đối tượng áp dụng
1. Cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
2. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý và viên chức hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các hội, tổ chức phi Chính phủ, dự án và cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
4. Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
5. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp hưởng hoạt động phí theo quy định của pháp luật hiện hành.
6. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
7. Các đối tượng sau đây cũng thuộc phạm vi áp dụng Thông tư này khi tính toán xác định mức đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ liên quan đến tiền lương theo quy định của pháp luật:
a) Cán bộ, công chức, viên chức đi học, thực tập, công tác, điều trị, điều dưỡng (trong nước và ngoài nước) thuộc danh sách trả lương của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động;
b) Người đang trong thời gian tập sự hoặc thử việc (kể cả tập sự công chức cấp xã) trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động;
c) Cán bộ, công chức, viên chức đang bị tạm đình chỉ công tác, đang bị tạm giữ, tạm giam;
d) Các trường hợp làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động được ký kết hợp đồng lao động theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang”.