Chỉ mục bài viết

1. Bệnh chủ quan

- Nguyên nhân của bệnh chủ quan

"Mỗi chứng bệnh sinh ra do nhiều nguyên nhân. Nhưng kết quả nó đều làm cho người ta ốm yếu. Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông"1.

- Tác hại của bệnh chủ quan:

"Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi.

Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu "biện chứng" là cái gì?

Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại.

Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan.

Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: Nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: Kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.

Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.

Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn.

Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.

Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.

Xem nhiều sách để mà lòe, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận.

Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận"2.

- Cách chữa bệnh chủ quan:

"Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.

Đây phải nói rõ vấn đề trí thức.

Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều.

Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.

Trí thức là gì?

Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác.

Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.

Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.

Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.

Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.

Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành3.

2. Bệnh cận thị

- Nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cận thị là: "Không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ"4.

- Tác hại của bệnh cận thị: "Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn"5.

- Cách chữa bệnh cận thị: "Khi đặt kế hoạch phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là "một bộ ba" để hoàn thành tốt kế hoạch"6.

3. Chủ nghĩa cá nhân

- Nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân: "Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!"7.

- Tác hại của chủ nghĩa cá nhân:

"Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu"8.

"Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm"9.

"Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó"10.

"Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"11.

"Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở.

Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Do đó mà đáng lẽ thắng to thì chỉ giành được thắng nhỏ và thắng rồi không phát triển được. Quân đội ta là quân đội dân chủ, nhưng dân chủ không phải là không có mệnh lệnh. Mỗi mệnh lệnh đưa xuống, cấp trên đã thảo luận cân nhắc kỹ càng nên cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng và kiên quyết chấp hành, nhất là lúc tác chiến.

Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó khăn. Mọi việc đều khó khăn. Đánh giặc lại càng khó khăn hơn. Nếu dễ thì ai làm cũng được. Không phải chờ đến các chú. Vì vậy gặp khó khăn phải cố vượt cho bằng được thì nhất định thắng lợi"12.

"Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm"13.

- Phương châm đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân:

"Thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân…. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”14.

"Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân"15.

4. Lãng phí

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãng phí có nhiều cách:

- Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.

- Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.

- Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, đây chỉ nêu vài thí dụ:

+ Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm.

+ Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý.

+ Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để.

+ Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng.

+ Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn.

+ Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất.

+ Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí...

+ Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm.

+ Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma, v.v.."16.

- Nguyên nhân của lãng phí: "Có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu"17.

- Tác hại của lãng phí: "Lãng phí là những tội lỗi đối với Tổ quốc, đối với đồng bào"18.

"Tuy không trộm cắp của công như tham ô, nhưng lãng phí cũng làm cho nhân dân và Chính phủ thiệt thòi, hao tổn, kết quả thì lãng phí cũng có tội như tham ô"19.

- Biện pháp đấu tranh với lãng phí:

"Tham ô, lãng phí là có tội nặng, ai thấy phải phê bình, phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Trường hợp nào thấy cần, phải có kỷ luật nghiêm minh"20.

"Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ"21.

"Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được.

Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ. Việc gì trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong 1 ngày.

Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ"22.

"Phải chống tham ô lãng phí cũng như cảnh giác chống địch phá hoại"23.

ThS. Dương Quốc Thành (tổng hợp)
Học viện An ninh nhân dân
Còn nữa

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.273.
2, 3, 4, 5, 7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr.274, 275, 297, 298, 276, 624.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t14, tr.462
9, 10, 13, 14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t11, tr.602, 611, 249, 609-610.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t15, tr.672.
12, 16, 17, 18, 20, 21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t7, tr.217, 356, 322, 352.
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t12, tr.222.
19, 22, 23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t10, tr.496, 294

Bài viết khác: