Chỉ mục bài viết

 5. Hủ hóa

- Biểu hiện của hủ hóa:

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hủ hóa là: "Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công"1.

- Đối tượng dễ mắc phải hủ hóa: "Cán bộ mậu dịch nắm nhiều tiền bạc và hàng hóa trong tay rất dễ hủ hóa"2.

- Nguyên nhân dẫn đến hủ hóa:

"Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở"3.

"Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủ hóa"4.

- Tác hại của hủ hóa: "Một số cán bộ hủ hóa, làm hại đến danh dự của Đảng, của Chính phủ, của tất cả cán bộ. Đó là một điều thật đáng thương tâm"5.

- Phương châm, phương pháp đấu tranh với hủ hóa:

"Phải tẩy những phần tử đã hủ hóa ra khỏi Đảng và cơ quan chính quyền, để giữ gìn tính trong sạch của Đảng và của chính quyền. Mỗi đảng viên phải ghi nhớ rằng: Đảng cách mạng của vô sản không thể tha thứ sự hủ hóa. Vì vậy, nhất là khi thắng lợi và thành công, đảng viên càng phải ra sức tu dưỡng, để giữ vững tính trong sạch và tư cách cách mạng của mình"6.

"Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính"7.

6. Bệnh lười biếng

- Biểu hiện của bệnh lười biếng:

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện của bệnh lười biếng là do: "Tự cho mình là cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh"8.

"Khi tiếp được mệnh lệnh hoặc nghị quyết, không chịu nghiên cứu rõ ràng. Không lập tức đưa ngay mệnh lệnh và nghị quyết đó cho cấp dưới, cho đảng viên, cho binh sĩ. Cứ xếp lại đó.

Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn"9.

- Tác hại của bệnh lười biếng:

Kết quả nhỏ là: Nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần.

Kết quả nặng là: Phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi10.

- Cách chữa bệnh lười biếng:

Các cơ quan chỉ đạo phải có cách lãnh đạo cho đúng. Mỗi việc gì đều phải chỉ bảo cách làm.

Cấp trên phải hiểu rõ tình hình cấp dưới và tình hình quần chúng, để chỉ đạo cho đúng.

Khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành.

Mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến dân chúng.

Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích.

Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng.

 Cấp dưới cần phải báo cáo. Cấp trên cần phải kiểm soát"11.

7. Bệnh xa quần chúng

- Nguyên nhân dẫn đến bệnh xa quần chúng:

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân của bệnh xa quần chúng là do: "Những người có độ lượng nhỏ bé, như cái vỏ hến, một giọt nước cũng đủ đầy tràn. Khi có chút ít thành tích, thì họ liền ra mặt “anh hùng”.

Họ không hiểu rằng: Có thành tích đó là nhờ lực lượng của quần chúng, nhờ chính sách của đoàn thể. Họ tự cao tự đại, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, không cầu tiến bộ nữa. Tiếp đến, việc to họ không làm được, việc nhỏ họ không muốn làm. Rồi họ than phiền “đại tài, tiểu dụng”, quần chúng quên “ơn” họ, đoàn thể quên “công” họ. Họ đâm ra uất ức, bất mãn. Họ không biết rằng: So với thành tích của toàn Đảng, toàn dân, toàn giai cấp, toàn thế giới thì thành tích của họ khác nào một hạt cát trên bãi bể Đông"12.

Trong tư tưởng của Người, bệnh xa rời quần chúng là do cán bộ mắc phải bệnh kiêu ngạo: "Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng"13.

"Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng"14.

"Từ trước đến nay, vì cán bộ chỉ làm việc quản lý, không tham gia lao động sản xuất, cho nên xa rời công việc thực tế, xa rời quần chúng công nhân"15.

- Tác hại của bệnh xa quần chúng:

"Kinh nghiệm các địa phương cho biết: Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích"16.

"Thanh niên hăng hái là tốt nhưng chớ xa rời quần chúng, xa rời thì không làm được đầu tàu - đầu tàu rời toa là vô dụng"17.

"Cách xa quần chúng, thì việc gì cũng không thành"18.

"Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng"19.  

"Muốn phụng sự nhân dân phải gần dân, học dân, nghe theo dân, lãnh đạo là dìu dắt người ta, xa quần chúng thì không lãnh đạo được"20.

"Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại"21.

"Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được"22.

- Cách chữa bệnh xa quần chúng:

Người cho rằng: "Người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng. Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi23.

"Nhưng gần quần chúng không phải là đến nằm ở nhà người ăn, chè chén. Gần gũi học hỏi nghe ngóng, lãnh đạo mấy điều đó phải đi với nhau, không rời nhau được"24.

"Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại"25.

"Đối với nhân dân, nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc26.

8. Thói ba hoa

- Biểu hiện của thói ba hoa:

"Dài dòng, rỗng tuếch - Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài"27.

"Có thói "cầu kỳ" - Trên các báo, sách, bức tường, thường có những bức vẽ, những khẩu hiệu, nhiều người xem không ra, đọc không được"28.

"Khô khan, lúng túng - Nói đi nói lại, cũng chẳng qua kéo ra những chữ "tích cực, tiêu cực, khách quan, chủ quan", và một xốc danh từ học thuộc lòng. Thậm chí những danh từ đó dùng cũng không đúng. Chỉ làm cho quần chúng chán và ngủ gật"29.

"Báo cáo lông bông - Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, thì suýt ra nhiều. Còn khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng. Hoặc báo cáo chậm trễ. Thành thử khi cấp trên nhận được báo cáo, thì việc đã trễ rồi, không đối phó kịp.

Hai là trong báo cáo chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c, v.v.. Không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề. Không nói rõ tán thành hoặc phản đối"30.

"Lụp chụp cẩu thả - Những tệ kể trên, một phần vì thiếu kinh nghiệm, mà một phần vì tính lụp chụp, cẩu thả"31.

"Bệnh theo "sáo cũ" - Chẳng những viết, nói, có thói ba hoa, mà huấn luyện, khai hội cũng mắc chứng đó"32.

"Nói không ai hiểu - Đảng thường kêu gọi khoa học hóa, dân tộc hóa, đại chúng hóa. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có "hoá" gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô "đại chúng hoá", mà trong lúc thực hành thì lại "tiểu chúng hóa". Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng"33.

"Bệnh hay nói chữ - Tiếng ta có thì không dùng, mà cứ ham dùng chữ Hán. Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to"34.

- Cách chữa thói ba hoa:

1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng.

2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu.

3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?".

4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết.

5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: "Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói".

Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần.

Làm được như thế - đảng viên và cán bộ ta quyết phải làm như thế - thì thói ba hoa sẽ bớt dần dần cho đến khi hoàn toàn hết sạch mà công việc của Đảng, tư cách của cán bộ và đảng viên sẽ do đó mà tăng thêm"35.

Dương Quốc Thành (tổng hợp)

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t4, tr.65.
2, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t7, tr.193, 217, 180.
5,7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t9, tr.307, 47.
6, 18, 19, 20,21,24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t6, tr.296, 13,367,370,.
8,9,10,11,16,23,25,26,27,28, 29, 30,31,32,33,34,35. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr.295, 299-300,326,278,485,339-346.
12,13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t8, tr.338,507.
14, 15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t11, tr.609, 537.
17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t12, tr.19.
22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t10, tr.260.

Bài viết khác: