Chỉ mục bài viết

 14. Bệnh tị nạnh

- Quan điểm về bệnh tị nạnh:

"Cái gì cũng muốn "bình đẳng""1.

"Cấp trên vì công việc phải cưỡi ngựa, đi xe. Cấp dưới cũng muốn cưỡi ngựa, đi xe.

Người phụ trách nhiều việc, cần có nhà rộng. Người không phụ trách nhiều việc, cũng đòi nhà rộng.

Phụ cấp cho thương binh cũng muốn nhất luật, không kể thương nặng hay nhẹ.

Làm việc gì, thì muốn già, trẻ, mạnh, yếu đều làm bằng nhau.

Có việc, một người làm cũng được, nhưng cũng chờ có đủ mọi người mới chịu làm"2.

- Nguyên nhân dẫn đến bệnh tị nạnh:

"Bệnh này sinh ra vì hiểu lầm hai chữ bình đẳng. Không hiểu rằng: Người khoẻ gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế là bình đẳng"3.

- Cách chữa bệnh tị nạnh:

"Giải thích cho họ hiểu: Đồng cam cộng khổ là một điều rất hay, rất tốt. Nhất là trong lúc cái gì cũng còn túng thiếu, và mỗi đảng viên, mỗi cán bộ cần phải làm kiểu mẫu trong sự cần lao, tiết kiệm. Nhưng cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh. Cái gì thái quá cũng không tốt. Bình đẳng thái quá cũng không tốt.

Thí dụ: Nếu một chiến sĩ bị thương được đi xe, ăn ngon, các chiến sĩ khác đều đòi đi xe, đòi ăn ngon. Hoặc vì bình đẳng mà bắt buộc một trẻ em cũng ăn nhiều, cũng gánh nặng, như một người lớn. Nếu như thế là bình đẳng, thì bình đẳng đó rất vô lý, rất xấu, chúng ta phải kiên quyết chống lại thứ bình đẳng đó"4.

"Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết "cũng la lết quả dưa".

Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!

Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là "quan liêu hóa", tức là tự mãn tự túc, tức là "mèo khen mèo dài đuôi". Phê bình không phải để công kích, để nói xấu, để chửi rủa"5.

15. Bệnh bàn giấy

- Biểu hiện của bệnh bàn giấy:

"Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến"6.

- Tác hại của bệnh bàn giấy:

"Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn"7.

- Cách chữa bệnh bàn giấy:

"Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo. Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc, phải thải đi.

"Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát.

Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi"8.

"Công việc càng gay go thì sự lãnh đạo càng phải liên hợp chặt chẽ với quần chúng, càng phải liên hợp chặt chẽ chính sách chung với chỉ đạo riêng, để phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy"9.

"Lại nhiều giấy tờ hình thức. Để công ngồi viết hàng trăm tờ giấy mà không lo việc đánh giặc, đi sát quần chúng. Báo cáo cốt để giúp cấp trên chỉ đạo, phải nêu được vấn đề để cấp trên giúp sửa chữa khuyết điểm, để phổ biến ưu điểm. Bác hay đọc báo cáo, nhưng báo cáo dài hàng trăm trang thì Bác cũng chịu"10.

16. Tham danh vọng, tham địa vị

- Biểu hiện của bệnh tham danh vọng, tham địa vị:

"Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình"11.

"Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được ủy viên này, chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc"12.

- Nguyên nhân dẫn đến tham vọng, tham địa vị:

"Vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu, v.v.."13.

"Tham địa vị, nói chung là không hiểu sâu sắc cách mạng phải có phân công. Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất"14.

- Tác hại của tham danh vọng, tham địa vị:

"Có những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể, muốn đem lợi ích của toàn thể phục tùng lợi ích của bộ phận mình. Họ quên hẳn cái chế độ dân chủ tập trung. Họ quên rằng thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể"15.

"Vì ham danh vọng và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng"16.

- Phương châm đấu tranh với tham danh vọng, tham địa vị:

"Chúng ta phải kiên quyết chữa ngay bệnh ấy, mỗi một đảng viên, mỗi một bộ phận, mỗi một lời nói, việc làm, tuyệt đối phải nhằm vào lợi ích của toàn cuộc, lợi ích của toàn Đảng"17.

17. Bệnh hiếu danh

- Biểu hiện của bệnh hiếu danh:

"Tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Có khi vì cái tham vọng đó mà việc không đáng làm cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực"18.

- Tác hại của bệnh hiếu danh:

Theo Người, bệnh hiếu danh rất nguy hiểm bởi nó dẫn tới lòng tham, những việc làm không chính đáng, mau bán ngôi thứ chỉ vì tiền mà bất chấp tất cả. Người từng nói: "Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật, nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền.

Làm tiền bằng cách bán ngôi thứ tức là gây cho dân chúng có óc hiếu danh, trong khi cần phải trừ tiệt óc đó để gây cho mọi người có óc thiết thực, góp sức vào công cuộc giữ gìn và xây dựng đất nước"19.

- Phương pháp đấu tranh với bệnh hiếu danh:

"Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Thí dụ: Một anh nói giỏi, một anh không, khi ra quần chúng anh nói kém sợ anh nói giỏi lên nói sẽ được công chúng vỗ tay hoan nghênh lấn át ảnh hưởng mình đi, nên không cho anh nói giỏi lên nói"20.

18. Bệnh ham chuộng hình thức

- Biểu hiện của bệnh ham chuộng hình thức:

"Việc gì cũng không xét đến kết quả thiết thực, cần kíp, chỉ nhằm về hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai. Thí dụ, ngày nay tập quân sự, cốt là biết bắn súng, dùng dao, ném lựu đạn, dùng địa thế, khéo mò đêm, khéo trinh thám, nói tóm lại: Cốt tập cho mọi người biết đánh du kích. Thế mà có nhiều nơi chỉ để thư gửi các đồng chí Bắc bộ thì giờ tập "một hai, một hai"… Nhiều nơi, những hình thức tuyên truyền cổ động chỉ biết kẻ khẩu hiệu, trưng cờ biển và trang hoàng nhà thông tin tuyên truyền cho đẹp, lập chòi diễn thuyết chỉ làm vì, còn hàng ngày không chịu gần gũi quần chúng để giải thích cho họ hiểu chu đáo những chủ trương của đoàn thể"21.

- Nguyên nhân dẫn đến bệnh ham chuộng hình thức:

"Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu. Kềnh càng. Kiêu ngạo. Chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức"22.

- Tác hại của bệnh ham chuộng hình thức:

Người cho rằng: "Thế thì khác gì tập lễ nhạc để đi chữa cháy. Lại như chào cờ thì bắt người ta dừng xe lại, bắt mặc áo dài, v.v.. Làm hình thức như thế, kết quả chỉ làm cho dân oán"23.

Và bệnh ham chuộng hình thức cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh khai hội. Người khẳng định: "Quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì "đi phu". Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!"24.

Bệnh ham chuộng hình thức là nguyên nhân dẫn đến bệnh lãng phí: "Tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công"25.

- Phương châm đấu tranh với bệnh ham chuộng hình thức:

"Cán bộ thì thi đua nhau phát triển thêm ưu điểm, sửa chữa hết khuyết điểm (như ham hình thức, kém bí mật, chủ quan, khinh địch, v.v.)"26.

"Phải sửa chữa lối làm việc cho hợp lý, vừa với điều kiện của ta, đừng phạm vào hình thức, máy móc"27.

"Phải chống chủ nghĩa hình thức, chống xa rời quần chúng.

Phải trừ cho hết bệnh phô trương, lãng phí, quan dạng, bảo thủ. Phải tăng cường quản lý và giảm nhẹ cơ quan"28.

"Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất"29.

"Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn"30.

"Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Cho nên các cô, các chú phải quan tâm đến việc xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành “bốn tốt”. Phải làm thiết thực, đừng hình thức, đừng báo cáo sai"31.

Dương Quốc Thành (tổng hợp)

Chú thích:

 1, 2,3,4,5; 6,7; 8; 9; 11; 12, 18; 15, 16, 17; 18; 20; 21; 22; 23; 24; 26 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.300-301; 89; 326-327; 333; 295; 90; 276; 68; 88; 624; 94; 287; 361.
10; 13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.321; 100.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.434.
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.62.
25. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.141.
27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.16.
28. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.473.
29, 30. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.113, tr.68, 299.
31. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.278.

Bài viết khác: