Chỉ mục bài viết

19. Cậy thế, bệnh công thần

- Quan niệm về cậy thế, bệnh công thần:

"Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân"1.

"Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là "cứu tinh" của dân, "công thần" của Đảng. Rồi đòi địa vị, đòi danh vọng. Việc to không làm được, việc nhỏ không muốn làm. Bệnh công thần rất có hại cho đoàn kết ở trong Đảng cũng như ở ngoài Đảng.

Cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ.

Những đồng chí mắc bệnh ấy không hiểu rằng: Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng"2.

- Tác hại của cậy thế, bệnh công thần:

"Vì bệnh công thần nên sinh ra nhiều cái thiếu: Thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật. Nếu một đảng cách mạng thiếu tính tổ chức, thiếu tính kỷ luật thì đảng ấy có thành đảng cách mạng không?"3

"Đã mắc phải bệnh công thần, thì không tiến bộ mà thoái bộ, sinh ra quan liêu, bảo thủ, tự cao tự đại"4.

- Phương pháp đấu tranh chống cậy thế, bệnh công thần:

"Trong Đảng ta có một số không ít đồng chí mắc bệnh công thần, cho rằng mình đã tham gia cách mạng lâu năm mà tự kiêu, tự mãn. Hoạt động cách mạng lâu năm là tốt, nhưng phải khiêm tốn học tập để tiến bộ mãi. Xã hội tiến lên không ngừng. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà thì phải cố gắng học tập"5

"Chúng ta phải làm đúng lời dạy của Lênin vĩ đại: Giữ gìn sự thống nhất của Đảng như con ngươi của mắt. Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ; tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Càng có công lao, càng phải khiêm tốn. Chớ vì có ít nhiều công lao mà sinh bệnh công thần, kèn cựa, địa vị. Phải nhớ rằng: Mọi thành công là do sức phấn đấu, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, không phải của một cá nhân anh hùng nào. Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là: Suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân"6.

20. Bệnh quan liêu

- Quan niệm về bệnh quan liêu:

"Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những “ông quan liêu” là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách"7.

"Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ"8.

- Nguyên nhân dẫn đến bệnh quan liêu:

"Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.

Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân  cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân"9.

- Tác hại của bệnh quan liêu:

"Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc"10.

"Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.

Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí"11.

"Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu12.

"Quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ"13.

- Cách chữa bệnh quan liêu:

Theo Người, để chữa bệnh quan liêu phải tích cực xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa"14.

"Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo"15.

"Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:

1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.

2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.

4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên""16.

21. Kéo bè, kéo cánh

- Biểu hiện của kéo bè, kéo cánh:

"Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai"17.

"Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe"18.

- Tác hại của kéo bè, kéo cánh:

"Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống.

Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình. Nó làm mất sự thân ái, đoàn kết giữa đồng chí. Nó gây ra những mối nghi ngờ"19.

"Đó là một khuyết điểm rất có hại. Nó làm cho đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc. Đó là một chứng bệnh rất nguy hiểm"20.

22. Bệnh cấp bậc

- Quan niệm, tác hại của bệnh cấp bậc:

"Hình trạng bệnh ấy đại khái như sau:

A làm ở cấp tỉnh, nay được phái đi làm cấp huyện, thì không khỏi hậm hực, tức bực. A tự hào rằng tài năng như mình, đáng được “thăng” chức, nay lại bị “giáng” chức. Thật rõ “trai hữu tài vô duyên”. Do đó, mà A đâm ra chán nản, tiêu cực. B ở cấp huyện, nay được phái làm cấp tỉnh. Đối với những cán bộ cũ cấp tỉnh, thì B rụt rè, khúm núm, sợ lòi ra mình còn kém, sợ anh em cười, không dám bạo dạn nói bàn, làm việc.

Đối với những cán bộ cấp huyện, thì B tỏ vẻ tự kiêu, tự đại, ra vẻ “nay ta là cấp trên”.

Cũng vì bệnh cấp bậc mà mỗi người đối với B có một thái độ khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ sai lầm: Cán bộ cũ ở tỉnh thì xem khinh B cho B là non nớt, chưa đủ tư cách.

Cán bộ huyện thì không trọng B vì rằng “hôm qua B chẳng hơn gì chúng tôi, hôm nay B lãnh đạo chúng tôi sao được”.

Lại cũng vì bệnh cấp bậc mà những cán bộ cùng một cấp được điều động đến cơ quan khác, công việc khác, thí dụ: C làm chánh văn phòng, D làm việc trong văn phòng. Thế là D có vẻ hậm hực, không muốn nghe mệnh lệnh C.

Kết quả là vì bệnh cấp bậc mà cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy!"21

 - Nguyên nhân dẫn đến bệnh cấp bậc:

"Vì cán bộ chưa gột sạch óc quan liêu, ngôi thứ.

Vì còn mang nặng chứng “quan cách mạng”.

Vì không hiểu rằng: Trong công việc cách mạng, công việc kháng chiến kiến quốc, không có việc sang, việc hèn, mọi việc đều quan trọng. Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi ngành và tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới dễ dàng thành công"22.

- Cách chữa bệnh cấp bậc:

Đã biết rõ kết quả không tốt của bệnh cấp bậc, thì từ nay mỗi người cán bộ phải gắng chữa cho hết bệnh ấy đi. Thang thuốc hay nhất là:

1. Dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân. Phải chữa cái bệnh cấp bậc.

2. Đặt công việc chung, lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Có chữa khỏi bệnh cấp bậc, mới xứng đáng là người cán bộ cách mạng. Mong anh chị em cán bộ cố gắng thành công"23.

Dương Quốc Thành (tổng hợp)

Chú thích:

1, 17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65.

2; 8,9,10; 11; 15Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.33; 176; 357; 177.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.608.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.167.

5, 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.333-334,11.

6; 7,12,13; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.67-68;417

16; 17,20; 19; Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.337-338; 88; 297

21, 22,23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.407-409.

Bài viết khác: