23. Bệnh địa phương chủ nghĩa
- Biểu hiện của bệnh địa phương chủ nghĩa:
"Chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Làm việc ở bộ phận nào chỉ biết bênh vực vun đắp cho bộ phận ấy. Do khuyết điểm đó mà sinh ra những việc, xem qua thì như không quan hệ gì mấy, kỳ thực rất có hại đến kế hoạch chung. Thí dụ, muốn lấy tất cả cán bộ và vật liệu cho địa phương mình, không bằng lòng để cấp trên điều động cán bộ và vật liệu đến những nơi cần thiết"1.
"Bộ đội này với bộ đội khác, địa phương này với địa phương khác, cơ quan này với cơ quan khác, đều phải phản đối bệnh ích kỷ, bệnh địa phương. Thí dụ: Không muốn cấp trên điều động cán bộ, hoặc khi điều động thì chỉ đùn những cán bộ kém ra. Có vật liệu gì dù mình có thừa, hoặc không cần đến, cũng thu giấu đi, không cho cấp trên biết, không muốn chia sẻ cho nơi khác"2.
- Nguyên nhân dẫn đến bệnh địa phương chủ nghĩa:
"Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá, v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!"3
- Phương châm đấu tranh với bệnh địa phương chủ nghĩa:
"Bệnh địa phương đó phải tẩy cho sạch"4.
Kiên quyết quét sạch bệnh hẹp hòi từ Trung ương đến cơ sở: "Từ trước đến nay, vì bệnh hẹp hòi mà có những sự lủng củng giữa bộ phận và toàn cuộc, đảng viên với Đảng, cán bộ địa phương và cán bộ phái đến, cán bộ quân sự và cán bộ "mặt trận", cán bộ mới và cán bộ cũ, cơ quan này và cơ quan khác, bộ đội này và bộ đội khác, địa phương này và địa phương khác.
Vậy từ nay, chúng ta phải tẩy cho sạch cái bệnh nguy hiểm đó, khiến cho Đảng hoàn toàn nhất trí, hoàn toàn đoàn kết"5.
24. Tham ô
- Quan niệm về tham ô:
"- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công làm của tư
Đục khoét của nhân dân
Ăn bớt của bộ đội.
Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô.
- Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế"6.
- Nguyên nhân của tham ô:
"Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra"7.
"Còn cơ quan, đoàn thể có tham ô, lãng phí. Đó là một phần do xã hội cũ. Nhưng phần nữa là do những người ở cơ quan đó phụ trách quan liêu"8.
"Thiếu tổ chức kỷ luật, ví dụ: Như ăn, ở, đi lại, mua bán... Xa xỉ, ăn diện, tự do, bắt chước lối sống không tốt. Vì những lý do trên nên dễ sinh ra tham ô, hư hỏng"9.
- Tác hại của tham ô:
"Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ.
Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta.
Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính"10.
- Biện pháp đấu tranh với tham ô:
"Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp"11.
"Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ, gây tự phê bình và phê bình, làm cho mọi người biết tự phê bình mình và dám phê bình người. Tất nhiên không phải nói lu bù nhưng phải để cho người phụ trách thấy, để quần chúng thấy, thì tham ô lãng phí không thể nảy nở được"12.
"Các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô. Phát hiện ra những việc lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra được những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô"13.
"Các cơ quan phụ trách cần phải nghiêm khắc ngăn ngừa tham ô, lãng phí và kịp thời thi hành kỷ luật đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi"14.
25. Bệnh độc đoán
- Nguyên nhân dẫn đến bệnh độc đoán:
"Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền"15.
- Tác hại của bệnh độc đoán:
"Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc"16.
- Phương pháp đấu tranh với bệnh độc đoán:
"Đối với cán bộ quản trị hợp tác xã, cần nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu, chí công vô tư, liêm khiết, rèn luyện tác phong dân chủ, mọi việc đều làm theo đường lối quần chúng, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, độc đoán. Cần giáo dục cho cán bộ hợp tác xã tinh thần bình đẳng đối với xã viên"17.
Thực hành dân chủ: "Cán bộ ta cần hiểu thấu và nhớ kỹ rằng: Tổ đổi công phải theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện. Lãnh đạo tổ đổi công cần phải dân chủ.
Dân chủ nghĩa là: Việc to thì phải bàn bạc với các tổ viên mà quyết định. Việc nhỏ thì cán bộ bàn bạc với nhau mà làm. Quyết không nên độc đoán, bao biện, gò ép"18.
"Tập trung ý kiến, ra sức thi hành. So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm"19.
26. Kèn cựa, suy bì đãi ngộ và địa vị
- Biểu hiện của kèn cựa, suy bì đãi ngộ và địa vị:
"Đối với tập thể thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì ích lợi cho nhân dân, cho xã hội"20.
Suy bì tức là so sánh, mà so sánh có nên không? Nên. Nhưng biết so sánh như thế nào cho tốt, so sánh như thế nào là không tốt. Đảng, Trung ương rất cảm thông với các đồng chí, nhất là các đồng chí ở xã gặp khó khăn nhiều, về sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất. Nói về so sánh thì nên so sánh nhưng chúng ta cần phải so sánh với những đồng chí, những cán bộ có đạo đức cách mạng hơn mình, lập trường tư tưởng vững hơn mình, tác phong dân chủ và tinh thần trách nhiệm hơn mình. So sánh với những đồng chí như thế để mà học, để mà tiến bộ. Thế là nên so sánh. Còn so sánh về vật chất thì ngược lại nên so sánh với những đồng chí cố nông, bần nông, với những đồng bào thiểu số. Chắc các cô, các chú cũng biết bây giờ thì cải cách ruộng đất rồi nhưng đồng bào bần nông, cố nông và một số đồng bào thiểu số hãy còn thiếu thốn, so sánh như thế là mình cảm thông và gần gũi nhân dân, gần gũi quần chúng, chứ không phải cứ so sánh với người ăn no mặc ấm hơn mình. Người cách mạng không ai so sánh như thế. Trong truyền thống cách mạng và giáo dục cách mạng không bao giờ có như thế. So sánh không đúng sinh ra kèn cựa địa vị, người cách mạng không phải như vậy. Cố nhiên là Đảng, Chính phủ trong lúc cân nhắc phải công bằng hợp lý, nhưng đảng viên ta, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng rất đông, có hàng mấy vạn người không phải luôn luôn nói chuyện với hội nghị cán bộ... xếp đặt hợp lý được. Cố nhiên phải tìm cách làm cho công bằng hợp lý, nhưng cũng khó hoàn toàn. Vì vậy kèn cựa địa vị là không nên, không tốt. Đây là một điểm"21.
- Nguyên nhân dẫn đến kèn cựa, suy bì đãi ngộ địa vị:
"Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: Lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v.. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội"22.
"Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng"23.
"Cá nhân chủ nghĩa đẻ ra hàng trăm tính xấu như siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, nghĩ đến mình không nghĩ đến đồng bào, tham danh lợi, địa vị, v.v.."24
- Tác hại của kèn cựa, suy bì đãi ngộ địa vị:
Người đánh giá: "Lãng phí nhiều: Ở các xí nghiệp, bình quân mỗi người thật sự làm việc chỉ độ sáu giờ rưỡi, máy móc chỉ dùng hết độ 65% công suất, lại vì chăm sóc kém mà thường hư hỏng. Các chú thử tính xem, vì lãng phí thời giờ, lãng phí máy móc, lãng phí nguyên liệu, cộng lại nó đã tổn hại bao nhiêu tài sản của Nhà nước, của nhân dân? Nguyên nhân chính của những khuyết điểm trên đây là do: Cán bộ lãnh đạo kém đoàn kết, có nhiều cán bộ còn kèn cựa về địa vị, thắc mắc về đãi ngộ; một số ít cán bộ thậm chí tham ô, hủ hóa. Nói tóm lại, cán bộ còn nặng chủ nghĩa cá nhân, không làm gương mẫu tốt"25.
"Suy bì so sánh cá nhân, thắc mắc về phụ cấp, cấp bậc, do đó không yên tâm công tác. Các cô, các chú có biết đối với cách mạng, cái gì cao quý nhất? Được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả. Không phải thấy người này chánh, người khác phó, bậc này cao, bậc kia thấp mà suy tỵ, kèn cựa. Đảng có dạy thế không? So sánh là cần, nhưng phải biết so sánh về đạo đức, ý chí, lập trường cách mạng. Nên so sánh với những đồng chí lập trường vững chắc, tác phong tốt, ý chí, xem mình đã được như thế chưa. So sánh để mà học, mà tiến bộ. Không nên so sánh cái áo này xấu, cái áo kia đẹp, lương nhiều, lương ít, v.v.. Đầu óc tư tưởng người đảng viên là đưa hết tinh thần, lực lượng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Thế nhưng, một nửa phục vụ nhân dân, một nửa lại suy tỵ, như thế là chưa toàn tâm, toàn lực, là chưa xứng đáng tư cách của người đảng viên"26.
- Phương hướng đấu tranh với kèn cựa, suy bì đãi ngộ địa vị:
"Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng"27.
"Phải đặt lợi ích của giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa tức là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn luôn cố gắng tiến bộ làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho"28.
"Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau"29.
Dương Quốc Thành (tổng hợp)
Chú thích:
1; 2, 4; 3; 5; 16; 19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.87-88;277; 266; 277-278; 620; 337
6; 7; 10; 12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.355-356; 297; 357; 434
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.7
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.58
11; 20; 22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.419; 29; 90
13; 17; 28. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.503; 360; 123
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.298
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.547
18; 21; 26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.361; 606-607; 617
23, 25, 29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.186, 440, 187
24, 27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.595, 603