6. Hồ Chí Minh - lòng tin ở thắng lợi
Ở đây nói thật là bất lực: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt các bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Bác Hồ vô cùng kính yêu không còn ở vị trí chỉ huy cuộc chiến đấu lâu dài nhất chống đế quốc nữa. Con người mà bằng hoạt động của mình đã trở thành tượng trưng cho khí phách ngoan cường, ý chí kiên quyết và niềm hy vọng, không còn nữa. Nhưng Người để lại tấm gương của Người cho chúng ta. Người vẫn ở với chúng ta. Người vẫn sống mãi mãi, mãi mãi in sâu trong tâm trí nhân dân Việt Nam và các dân tộc ở khắp nơi trên Trái đất này chống lại chủ nghĩa đế quốc và mọi hình thức áp bức, về tự do và độc lập dân tộc, vì một cuộc sống mới trong một xã hội mới.
Khi muốn nói đến cuộc chiến đấu chống đế quốc, chúng tôi sẽ nói: Hồ Chí Minh;
Khi muốn nói đến lòn trung thành với nhân dân, đức độ giản dị và dũng khí kiên quyết, chúng tôi sẽ nói: Hồ Chí Minh;
Chúng tôi sẽ nói đến tên Người Hồ Chí Minh, mỗi khi chúng tôi muốn nói đến lòng tin ở thắng lợi.
Thay mặt tất cả những chiến sỹ chống phát xít và chống thực dân ở Bồ Đào Nha, thay mặt nhân dân nước chúng tôi, những chiến sỹ trong mặt trận yêu nước giải phóng dân tộc Bồ Đào Nha, chúng tôi xin chia sẻ nỗi đau thương với các bạn. Chúng tôi muốn nói với các bạn rằng tang của các bạn cũng là tang của chúng tôi, chúng tôi khóc cùng các bạn và đoàn kết hơn bao giờ hết với các bạn. Chúng tôi sẽ thắt chặt hơn nữa hàng ngũ của chúng ta trong cuộc chiến đấu chung chống chủ nghĩa đế quốc vì tự do và hòa bình.
Chúng tôi xin nhờ các bạn chuyển tới nhân dân Việt Nam lời chia buồn của chúng tôi, lòng khâm phục của chúng tôi và tình đoàn kết của chúng tôi.
(Ngày 05/9/1969, Mặt trận yêu nước giải phóng dân tộc Bồ Đào Nha, trích trong cuốn Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.426-427).
7. Người đã góp phần biến đổi bản đồ thế giới
"Người đã tới, đã nhìn, đã chiến thắng"1. Ngay trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhân vật kiên cường nhất trong phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới đã đi vào truyền thuyết chiến đấu của thời đại chúng ta, tượng trưng cho cuộc chiến đấu giữa người bị áp bức với bọn đi áp bức trên trái đất, để giành một cuộc sống tốt đẹp hơn cho loài người…
Vóc dáng bề ngoài của Người không có gì đặc biệt đáng chú ý. Thân hình mảnh khảnh, lúc nào cũng ăn mặc giản dị, chân đi dép cao su. Ấy thế mà con người đó đã đóng một vai trò lịch sử vô cùng to lớn trong vòng 50 năm nay. Người đã làm lay chuyển hệ thống thực dân, Người đã góp phần biến đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ. Cả ba đặc điểm đó thể hiện khái quát một trong những đường lối chiến đấu hoàn hảo nhất của thời đại của chúng ta…
Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Tất Thành đã được rèn luyện bởi cụ thân sinh là một nhà yêu nước bất khuất đã bị cách chức vì tham gia cuộc khởi nghĩa Văn Thân năm 1885. Ngay từ thời niên thiếu, Người đã dứt khoát hướng về những tư tưởng công lý và tự do. Người viết: "Vì bị áp bức mà phải làm cách mạng, càng bị áp bức thì càng kiên trì và quyết tâm làm cách mạng". Từ những lời lẽ đơn giản này, có thể thấy cách thức tiến hành và con đường chiến đấu của Người. Người nói rõ: Công nông là lực lượng cách mạng quan trọng nhất trong xã hội vì họ là những người bị áp bức nhất và đông đảo nhất. Với hai bàn tay trắng, họ chỉ mất có xiềng xích mà lại được cả thế giới.
Vì vậy họ là những lực lượng quyết tâm nhất, những nhân tố cơ bản của cách mạng. Ngoài ra còn một nhân tố thứ ba nữa thường thấy trong những văn kiện của Người và có thế giúp chúng ta nắm được những điều then chốt về cuộc đời chiến đấu của Người. "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin… Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, tôi dần hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ"2. Như vậy là mọi điều đều được sáng tỏ: Một con người, một mục tiêu, việc tìm kiếm những phương pháp để đạt mục tiêu đó. Về con người thì đó là nhân vật mà nhân dân Việt Nam anh hùng thường kính yêu gọi là Bác Hồ. Mục tiêu là giải phóng Việt Nam. Còn về phương pháp thì quần chúng bị áp bức ở trong nước dựa vào một tổ chức xã hội chủ nghĩa. Một cuộc đời như vậy đã đủ khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành con người có tầm quan trọng đối với toàn thế giới chưa?
Sở dĩ việc Người từ trần đã tác động đến toàn thế giới như một sự kiện có ý nghĩa quan trọng quốc tế, và sở dĩ trong hàng đầu của nhân loại chiến đấu, từ nay đã bị khuyết một chỗ còn lâu mới bù đắp được, chính là vì đồng chí Hồ Chí Minh đã biết gắn chặt cuộc chiến đấu của nhân dân nước Người với cuộc đấu tranh chung của tất cả các dân tộc bị áp bức chống bọn đế quốc xâm lược. Đến Pari từ năm 1917, sau một cuộc chu du vòng quanh thế giới, trí óc thông minh của Người được cọ xát với nền văn hóa và kinh nghiệm nước ngoài, Người đã đến thăm nhiều nơi trong đó có hải cảng Poăngtơ Noa ở Trung Cônggô, sau này trở thành nước Cộng hòa Cônggô Bradavin, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một cuốn sách nhỏ với nhan đề "Bản án chế độ thực dân Pháp". Trong tác phẩm này, người ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nắm được tính chất toàn cầu của chủ nghĩa cá nhân, tính chất toàn cầu đó biểu hiện ở chỗ là bọn thực dân đã đối xử tàn bạo và chà đạp nhân cách của những người mà chúng gọi là "mọi đen và annammít bẩn thỉu" và dùng họ là bia đỡ đạn trên cùng một chiến trường. Bởi vậy, tất nhiên những người vô sản ở mọi phương trời đều phải chống lại bọn thực dân đó…
Sự kiện lớn lao ấy (quật ngã thực dân Pháp năm 1954) lại tái diễn 10 năm sau, khi mà vẫn cái dân tộc nhỏ đó đã từng đánh bại chủ nghĩa thực dân, nhờ được cổ vũ, động viên, tôi luyện bởi những tư tưởng cũng của con người ấy lại đương đầu và hiện vẫn đương đầu trên cùng một chiến trường đó với tên đế quốc hùng mạnh nhất trong thời đại của chúng ta. Đó là hai chiến thắng quan trọng nhất mà Bác Hồ để lại cho toàn thể loài người tiến bộ. Chiến thắng chủ nghĩa thực dân, Người đã đánh bại một hệ thống bóc lột kinh tế dựa trên một tư tưởng lỗi thời mà trên lục địa chúng ta chỉ còn có bọn phân biệt chủng tộc như Xêatanô3, Ian Smit và Vóocstơ4 tán thành mà thôi. Bằng cách đánh bại Mắc Namara, ông trùm của tên lửa đạn đạo mà khi còn ngự trị ở Lầu Năm góc đã tưởng có thể dùng chiến tranh điện tử thắng một dân tộc kém phát triển về quân sự và kinh tế, Bác Hồ đã dạy chúng ta rằng ý chí bất khuất giành độc lập là điều mà trên đời này sức mạnh cơ giới không thể nào khuất phục nổi. Tấm gương của Người sẽ thức tỉnh lòng căm thù chống đế quốc của các chiến sỹ từ đồng ruộng đến các thảo nguyên Ănggôla, Ghinê Bítxao, Môdămbích, qua những căn nhà ổ chuột ở Nam Mỹ. Họ sẽ tìm thấy trong cuộc chiến đấu lâu dài của Người những lý do để tiếp tục đến cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình.
Một con người toàn diện đã sống trên thế gian này. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đó đã suốt đời chiến đấu toàn diện chống các lực lượng đi ngược lại với tiến bộ, công lý và tự do.
(Trích xã luận báo Chiến đấu (Cônggô) ngày 12/9/1969)
8. Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, chúng ta mất đi một nhân vật huyền thoại, một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất của cuộc đấu tranh giải phóng và của sự vùng dậy của Châu Á trong thời kỳ hiện đại. Từ khi còn là một thiếu niên, Người đã hoạt động trong phong trào chống ách thống trị thực dân. Người đã kiên trì tự vạch cho mình con đường dẫn tới đỉnh cao của một lãnh tụ phi thường; Người đã cổ vũ dân tộc mình gồm những nông dân nghèo khổ, đứng lên đương đầu và thách thức một nước giàu nhất, mạnh nhất và có nền kỹ thuật tiến bộ nhất trên thế giới. Trong những cuộc đấu tranh liên tục của Người chống các lực lượng chiếm đóng của phát xít Nhật, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đã không ngừng nhấn mạnh một điểm mà các nước Á - Phi không bao giờ có thể quên được. Người kêu gọi: "Bất cứ một dân tộc nào dù nhỏ nhưng nếu đoàn kết chặt chẽ và kiên quyết chiến đấu... thì nhất định có thể giành thắng lợi bất cứ bọn đế quốc xâm lược nào, kể cả tên đế quốc đầu sỏ là đế quốc Mỹ"5. Trong giai đoạn lịch sử gần đây với những cuộc đấu tranh của mình, Người đã nêu thêm một bằng chứng rõ rằng những bọn đi áp bức mặc dù có ưu thế tuyệt đối về trang bị, hỏa lực, kỹ thuật và huấn luyện, cũng không thể thắng nổi các lực lượng chiến đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc - khi những lực lượng đó biết dựa vào sự tham gia và ủng hộ của nhân dân và biết áp dụng chiến thuật chiến tranh lâu dài. Như vậy là Người đã nhóm lên ngọn lửa hy vọng và tin tưởng mới trong lòng nhân dân trên khắp thế gới đang đấu tranh chống những cuộc tấn công bất ngờ của chủ nghĩa thực dân mới. Kinh nghiệm của Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa lại nguồn lạc quan mới, một sự cổ vũ đối với nhân dân Casơmia đang chiến đấu cho quyền tự quyết của mình, cho những người Ảrập đứng dậy chống lại bọn xâm lược bành trướng Ixraen và những người Châu Phi đang rên xiết dưới ách của bọn phân biệt chủng tộc da trắng tàn bạo. Bức điện của Tổng thống Yahia Khan gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói lên điều đó. Tổng thống khẳng định rằng: "Với việc Người từ trần, không những Việt Nam mà cả Châu Á mất đi một lãnh tụ và một nhà hoạt động nhà nước đáng kính và vĩ đại".
Lịch sử Việt Nam và lịch sử Châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai sẽ khác đi nhiều nếu những người nước ngoài - là những kẻ đã nhảy xổ vào "để cứu vãn nền dân chủ và tự do" trên mảnh đất nhỏ bé đó - hiểu hơn một chút về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào đấu tranh mà Chủ tịch là người tiêu biểu. Trước hết, Người là một chiến sỹ đấu tranh cho tự do. Điều quan trọng không phải ở chỗ Người là một người cộng sản mà ở chỗ Người trước hết là một chiến sỹ chống chủ nghĩa thực dân, một người dân tộc chủ nghĩa. Trong hồi ký của mình, Hồ Chủ tịch đã xác nhận lý do khiến Người tham gia Đảng Xã hội Pháp (và sau này là Đảng Cộng sản Pháp): Đó là "vì các "ông bà" ấy - (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) - đã tỏ đồng tình với… cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức"6. Lúc đó, Người không hiểu mấy về Đảng, công đoàn, chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
Tại Quốc tế III, Người đã hỏi một cách thẳng thắn: "Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cách mạng làm gì?"7. Chủ nghĩa yêu nước chứ không phải chủ nghĩa cộng sản đã thúc đẩy Người kết luận rằng Việt Nam có thể nhờ chủ nghĩa Mác mà giành được độc lập. Người đã đi theo đường lối mà Người tin có thể "giải phóng các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới khỏi cuộc đời nô lệ". Có thể có hai ý kiến về sự phán đoán của Người. Nhưng không ai có thể nghi ngờ lòng chân thành và đức hy sinh tận tụy của Người cho sự nghiệp mà Người chiến đấu. Chỉ riêng điều này đã làm cho người ta thấy rõ hai điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của Người. Một là, ngay cả những kẻ ghét Người cũng không dám phê phán Người không có tính độc lập. Hai là, trong suốt cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, ác liệt chống lại sự can thiệp của giặc ngoại xâm, Người đã tập hợp và lãnh đạo đại đa số đồng bào của Người, kể cả những kẻ không tin vào chủ nghĩa cộng sản.
Chính Tổng thống Aixenhao cũng nói rằng, sau khi đánh đuổi được thực dân Pháp, Cụ Hồ Chí Minh đã được sự ủng hộ của ít nhất 80% nhân dân Việt Nam. Thượng nghị sĩ (sau này là Tổng thống) Giôn Kennơđi cũng có ý kiến tương tự: "Ông Hồ Chí Minh được sự đồng tình và ủng hộ của toàn thể nhân dân". Hiệp định Giơnevơ năm 1954 căn bản là một hiệp định giữa Chính phủ Pháp và chế độ của Cụ Hồ Chí Minh. Dù nước Mỹ không phải là một bên ký kết, Mỹ đã cam kết tôn trọng hiệp định đó. Điểm mấu chốt của hiệp định này là: Không có một nước ngoài nào được quyền can thiệp vào Việt Nam. Do đó, đáng lẽ Mỹ phải để cho cuộc tổng tuyển cử tự do được tiến hành vào năm 1956, đặng thống nhất nước Việt Nam - ngay cả trong trường hợp nhân dân chọn một chính phủ không phù hợp với ý muốn của Mỹ. Ngược lại, chính quyền Mỹ đã biến cuộc xung đột có tính chất địa phương - không có chút quan trọng gì đáng kể đối với Mỹ - thành một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu. Họ đã bịa ra lý thuyết về nghĩa vụ của họ phải "bảo vệ tự do của các dân tộc" ở Việt Nam. Chúng ta khâm phục Cụ Hồ Chí Minh vì Cụ đã chứng minh rằng dân tộc Việt Nam là một, chứ không phải một nước gồm "các dân tộc". Đó là lý do tại sao có cuộc thương lượng hòa bình đang được tiến hành ở Pari hiện nay. Dù kết quả sau này sẽ ra sao, một vấn đề đã sáng tỏ: Những cuộc nói chuyện này sẽ không bao giờ có được nếu không có lập trường kiên định chống sự can thiệp của nước ngoài của Cụ Hồ. Tấm gương của Người do đó sẽ tiếp tục tỏa sáng để làm ngôi sao dẫn đường cho các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi mà một số nguyện vọng của họ đang bị chà đạp bởi những lực lượng hiện nay còn mạnh hơn họ về quân sự và kỹ thuật.
Tên tuổi của Cụ Hồ sẽ còn mãi trong lòng mến yêu và khâm phục lớn lao không chỉ ở Việt Nam mà cả ở ngoài biên giới Việt Nam nữa.
(Xã luận báo Rạng Đông (Pakixtan) ngày 05/9/1969)
Tâm Trang (tổng hợp)
Chú thích:
1. Một câu nói về danh tướng Xêđa thời cổ La Mã, được coi là một nhân vật có thiên tài, dũng cảm, sáng suốt và biết hành động mau lẹ để giành chiến thắng.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.128.
3. Thủ tướng chính phủ phát xít Bồ Đào Nha hiện nay.
4. Ian Smít, đứng đầu chính quyền của bọn da trắng ở Rôđêdi Nam; Vóocstơ4, Thủ tướng Cộng hòa Nam Phi, cả hai đều là những tên phản động, phân biệt chủng tộc, đàn áp những người da đen.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.309.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.126, 127.