Chỉ mục bài viết

38. Chủ tịch nước Việt Nam giản dị quá chừng. Quanh năm ông mặc một bộ kaki xoàng, khi những người cộng tác xung quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải ăn vận trang trọng, ông mỉm cười trả lời: “Chúng ta cứ tưởng mình được quý trọng vì có áo đẹp, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần dương rét run ở các nơi”.

Sự ăn mặc giản dị đến như ẩn sĩ, là một đức tính cụ thể nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi tuần ông nhịn ăn một bữa, không phải vì để hành hạ mình cho khổ sở, chính là để nêu gương nhường áo xẻ cơm cho đồng bào, để làm giảm bớt nạn đói trong xứ. Hết thảy mọi người đều theo gương ông.

Bình nhật, ông dùng cơm ở dinh Chủ tịch ngồi chung với tất cả mọi người. Quây quần quanh bàn ăn: Các ông Bộ trưởng, những người thư ký và cả những cậu thiếu niên phụ việc bàn giấy. Nhờ có tính giản dị của ông nên khi ngồi ăn chung, không ai phải giữ kẽ, không khí chung lộ ra lối nhà trọ lúc nào cũng thân, cũng vui, gây cho bữa ăn một vẻ gia đình.

(Bài đăng trên báo Đây Pari, ngày 18/6/1946)

39. Nếu cần một từ để đặc trưng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ đến từ vĩ đại, tư tưởng cao thượng, tính cách cao quý. Nhưng trước hết, Người vĩ đại bởi thiên tài, thiên tài chính trị tỏa rộng. Và thiên tài ở Người, như ở những người thực sự vĩ đại gắn liền với một đức tính cực kỳ giản dị. Đó là một con người thẳng thắn, nhìn thấy tất cả, tiên đoán được tất cả. Nếu đúng như thiên tài chỉ là một quá trình kiên trì lâu dài, thì ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiên tài chính trị là thành quả của một kinh nghiệm từng trải về chính trị được tích lũy ở mọi xứ sở và qua nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều lĩnh vực. Thiên tài này, khi đạt tới đỉnh cao hoàn thiện của nó, có một khả năng tiên đoàn đến kỳ lạ, nói như vậy không phải là kém sự thực. Trí tuệ Người chỉ thoáng qua cũng thấy rõ cái cần phải thấy trong những hoàn cảnh rối ren nhất.

Chưa bao giờ có vị lãnh tụ nào lại gần gũi với nhân dân mình hơn, dưới ách áp ức cũng như sau giải phóng, khi đứng đầu một tổ chức cách mạng cũng như khi đứng đầu một Nhà nước cộng hòa. Trái tim Người cùng nhịp đập với trái tim của toàn dân Việt Nam, đồng bào nông thôn cũng như đồng bào thành thị, người lao động chân tay cũng như người lao động trí óc, thế hệ hôm nay cũng như thế hệ mai sau. Người đau nỗi đau của nhân dân, hiểu nguyện vọng của nhân dân và đoán được sự tiến hóa sâu xa đang diễn ra. Bí quyết sức mạnh của Người, nền tảng quyền lực của Người là ở đó. Người càng hiểu và yêu nhân dân bao nhiêu, nhân dân cũng hiểu và yêu Người bấy nhiêu. Vì vậy nhân dân tin ở Người và theo Người. Người ta sẽ không hiểu được lịch sử Việt Nam những năm qua nếu không thấu hiểu điều đó.

(Bài đăng trên báo Le Peuple, Pháp, năm 1946)

40. Hơn cả cái đức hạnh chân thành và sâu rộng, kết quả tốt đẹp của sự phối hợp của một tấm lòng nhân từ không bờ bến với cái ý chí cứng cỏi ít bì kịp, nguyên do địa vị siêu việt của Hồ Chí Minh có lẽ là ở chỗ phối hợp đức hạnh ấy với một sáng suốt vừa cao xa, vừa rộng rãi, vừa tinh vi, nhắm được đường lối đúng so với thời cuộc thế giới mà không bỏ dở trước nhiều tình cảnh éo le, nhỏ nhặt.

Hồ Chí Minh thành công vì ý chí vững, vì hy sinh lớn nhưng hơn cả, vì đã nhận định một con đường đúng.

Con người mảnh khảnh, ăn mặc xoàng mà cốt cách dễ yêu đã cám dỗ được phóng viên các báo. Theo báo Forces Francaises (Lực lượng Pháp): "Khi đến gần con người gầy ốm, có dáng khổ hạnh trong bộ quần áo sơ sài ấy, tức thì người ta kính nể và tôn trọng ngay”. Theo báo Cité Soir (Chiều đô thị): “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dáng dễ thương, có gương mặt thông tinh mà chòm râu mềm làm thêm xinh”. Theo báo Gavroche (Trẻ ranh): “Chủ tịch của Việt Nam Dân chủ cộng hòa… có tâm hồn rắn như thép trong thân hình yếu đuối”…

Ông K.P.Ghost, trong bang United Press of India (Báo Ấn Độ liên hiệp)  luôn luôn giữ một kỷ niệm kỳ diệu những khi hầu chuyện Cụ. Sau ngày kỷ niệm thứ nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau một cuộc đàm luận thân mật, đây là cuộc đi chơi ở Soisy - Montmorancy: “Nơi ấy, lời ông Ghost nói, trong không khí tự do, không thúc ép của một buổi chiều ngoài nơi khoáng giã, một lúc người ta không thấy đâu nữa một người chỉ huy quân đội và người Chủ tịch Chính phủ mà chỉ thấy sự hiền lành giản dị và lòng bác ái của một người thường, khi Ngài chơi đùa với một trẻ con Pháp như cháu Ngài… Như vậy thì Chủ tịch Hồ Chí Minh được dân tộc Ngài yêu chuộng có gì lấy làm lạ”.

Sau bốn mươi năm chiến đấu, thiếu thốn và đau khổ, khi thanh danh đã lên tột bậc, Ngài vẫn giữ tính giản dị tự nhiên của một người trong dân chúng mà quyền thế không làm kiêu hãnh, vẫn luôn luôn làm gương, gương mẫu hy sinh và khiêm nhường (theo báo France au Combat - Nước Pháp trong chiến đấu).

Đó là đời bôn ba kỳ dị của người trong sạch vô cùng, một nhà ái quốc chỉ sống vì xứ sở, với một tấm lòng thành thật và hy sinh mà chúng ta phải kính phục. Người không biết oán ghét, người đứng trên những tình cảm ấy, Người chỉ có một tin tưởng: Độc lập cho nước nhà. Ngài đã hy sinh cả cho tin tưởng ấy, cả đến tên tuổi cũng hy sinh. Đôi mắt Người chiếu ra một đời trầm tư phi thường. Ngày trước Người mắc phải bệnh lao, bây giờ có lẽ đã hết. Nhưng điều đó có quan hệ gì. Chưa hề nghe có người nào thấy Người nói một câu oán ghét nước Pháp.

Đã là người hy sinh cho lý tưởng, cho dân tộc, Hồ Chủ tịch không bao giờ lo nghĩ đến sự sung sướng, giàu sang của mình. Tuy nhiên, không phải Cụ không chú ý đến bản thân. Trái lại, Cụ rất chú ý, nhưng sự chú ý ấy chỉ có một mục đích, một ý nghĩa là rèn luyện một thân hình tráng kiện, dẻo dai để phụng sự cho lý tưởng. Sự chăm lo ấy không phải ở chỗ nghỉ ngơi, tẩm bổ theo quan niệm thường tình mà là một kỷ luật nghiêm khắc gần như khổ hạnh.

Cảnh lầm than của dân chúng làm cho Cụ đau thương ngay từ lúc còn trai trẻ. Bởi thế cho nên khi trưởng thành, thoát được khuôn khổ của cha mẹ, họ hàng, Cụ không hề nghĩ đến việc vợ con. Cũng như Cụ đã hy sinh bản thân và Cụ hy sinh nốt cả sự đầm ấm gia đình để phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân, cho lý tưởng. Bốn mươi năm lưu lạc, chỉ có một gia đình là tất cả những người lầm than, đau khổ trên thế giới.

Cụ đối với dân tộc Việt Nam thế nào, không phải một trang giấy, một cuốn sách có thể viết ra hết được. Cả đời của Cụ chỉ là để lo cho dân tộc. Khi lưu lạc, trôi nổi khắp hoàn cầu, khi bị giam ở các nhà lao, khi gối đất nằm sương ở khu giải phóng, cũng như lúc làm Chủ tịch nước Việt Nam, đời của Cụ, Cụ đã hoàn toàn hiến cho dân tộc.

Hồ Chủ tịch là người như thế nào, đối với mọi người ra sao và dân chúng Việt Nam đối với Cụ thế nào, không bút mực nào nói hết ra được. Mọi lời bình luận, dù ca tụng đến đâu cũng không thể tả đúng uy tín của Cụ, vì cái uy tín ấy to lớn và sâu rộng vô cùng, một nhà văn nghệ có bản lĩnh siêu quần không ai mô tả được.

(Bài viết được Nha thông tin Chi bộ Pari xuất bản tháng 12 năm 1947)

41. Có lẽ bạn sẽ không biết Người trong một đám quần chúng và sẽ không phân biệt được Người về dáng dấp bên ngoài, vì Người cũng như mọi người khác. Nhưng không thể không biết Người, bởi vì Người không phải như mọi người. Người là Hồ Chí Minh.

(Trích bài đăng trên báo Sự thật, Liên Xô ngày 07/9/1969)

42. Đối với tất cả mọi người Việt Nam, Người là tượng trưng cho thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì tự do và tiến bộ. Đối với tất cả các dân tộc bị áp bức, Người đã vạch ra con đường đấu tranh đúng đắn để giành thắng lợi, thì đó là người cộng sản vĩ đại, đã trở thành ngọn cờ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống bạo lực của chủ nghĩa đế quốc.

(Trích xã luận báo Diễn đàn nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản thống nhất Ba Lan, ngày 05/9/1969)

43. Người ra đi để lại các hoạt động và sự nghiệp giải phóng với lòng tin vững chắc là cuộc đấu tranh này sẽ đi đến thắng lợi. Địa vị độc đáo của Người trong lịch sử cũng giống như vĩ nhân Lênin, Găngđi, Mađini và những người khác bằng nhiều cách đã góp phần giải phóng đất nước và dân tộc họ, giải phóng loài người.

(Bài đăng trên báo Ấn Độ Thế kỷ, ngày 06/9/1969)

44. Chính tấm gương của con “người mới” này - một con người xa lạ với chủ nghĩa cá nhân - con người không thể thiếu được, hiện thân của mọi cái gì là xã hội chủ nghĩa, đó là con người của tương lai.

(Xã luận báo Chiến sỹ, cơ quan Trung ương của Mặt trận dân tộc giải phóng Angiêri, ngày 05/9/1969)

45. Hồ Chủ tịch thuộc lớp người vô song khó ai có thể sánh kịp, khó ai có thể vượt hơn. Nhưng với sự kết hợp những đức tính đó, Người cũng là tấm gương mà nhiều người khác có thể noi theo và làm được như Người.

(Xã luận báo Gơranma, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Cuba, ngày 14/9/1969)

46. Cá nhân Cụ có một sức hấp dẫn đặc biệt không gì so sánh được, không những đối với nhân dân nước Cụ, mà còn đối với tất cả những ai không mang nặng đầu óc thù hằn hay thành kiến.

(Xã luận tuần báo Ấn Độ Ánh điện, ngày 13/9/1969)

47. Tất cả những người tiến bộ, tất cả những người có thiện ý mãi mãi trông vào tấm gương của ông, tấm gương về chủ nghĩa yêu nước không khoan nhượng gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản, tấm gương về nhà lãnh đạo cộng sản biết giúp đỡ nhân dân nước mình tìm ra con đường riêng tới chủ nghĩa xã hội, tấm gương về con người chói ngời sự sáng suốt và sự khiêm nhường. Đối với mỗi người Việt Nam và đối với hàng triệu người khác, ông là “Bác Hồ” rất mực đáng yêu, đáng kính.

(Đăng trên báo L’Humanité, ngày 04/9/1969)

48. Bác Hồ chỉ chết về phần thể xác, phần vật chất, phần có thể mai một. Nhưng ý nghĩa của cuộc đời chiến đấu của Người thì như một kim chỉ nam sẽ hướng dẫn con đường đi cho các chiến sỹ chống thực dân và chống đế quốc. Trong chiến đấu, không khỏi có những giây phút do dự, mệt mỏi, nản lòng. Chính trong những giây phút đó, tấm gương Bác Hồ trở nên vô cùng quý báu, sẽ làm rắn chắc những trái tim đang dao động và sẽ tôi luyện thêm những ý chí đang rụt rè.

(Xã luận báo Êtumba, Cônggô, ngày 12/9/1969)

49. Người vẫn như xưa, vẫn là Bác Hồ không hề nao núng. Tất nhiên cảnh tàn phá ghê gớm do sự xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra có dày vò Người, nhưng Bác vẫn giữ một phong thái ung dung…, vì Người tin chắc ở thắng lợi.

Cuộc đời và những hoạt động của Người đã thể hiện lòng tin không thể lay chuyển của Người vào nhân dân, vào những người nam, nữ bình thường, những công nhân, nông dân, thanh niên, sinh viên có khả năng vượt qua nững trở ngại ghê gớm nhất và giữ vững tinh thần dũng cảm, tận tụy với sự nghiệp giải phóng dân tộc, chống lại một nước đế quốc mạnh nhất trên thế giới.

Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những người đã làm nên lịch sử hiện đại. Sự lãnh đạo của Người đối với nhân dân Việt Nam không những ảnh hưởng đến lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến cả chiều hướng phát triển của những sự kiện trên toàn thế giới.

(Bài đăng trên báo Sao mai, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Anh, ngày 05/9/1969)

50. Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa của quyền cao chức trọng và Cụ sống không phải trong Phủ Chủ tịch mà trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Cụ mặc một bộ quần áo kaki bạc màu, đi dép cao su bằng lốp ô tô cũ. Đây không phải là một hình ảnh nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền hay chính trị. Cụ không phải con người như vậy.

Cụ có thể mềm dẻo như một cái cung và lao thẳng tới đích như một mũi tên. Cụ vận dụng trăm phương ngàn kế, đánh đánh, đàm đàm, kết hợp nhiệt tình với quan điểm thực tế, nhưng không bao giờ đi chệch mục tiêu của mình.

(Bài đăng trên báo Diễn đàn, Pháp, ngày 12/9/1969)

51. Nhiều kẻ thù của Người tỏ lòng khâm phục và kính trọng đối với Người. Nhiều người tự do ở phương Tây ca ngợi những cống hiến của Người cho sự tiến bộ của nhân loại.

(Xã luận báo Diễn đàn Canađa, ngày 10/9/1969)

52…. Đông đảo nhân dân trên toàn thế giới vô cùng đau buồn trước cái chết của vị lãnh tụ lỗi lạc nhưng khiêm tốn của nhân dân Việt Nam. Người ta có thể nói chưa có nhà lãnh đạo chính trị nào qua đời lại làm cho đông đảo nhân dân trên toàn thế giới đau buồn sâu sắc như cái chết của Cụ Hồ Chí Minh.

(Bài đăng trên tạp chí Rơkixi Hyôrông, Nhật Bản, tháng 9 năm 1969)

53. Hầu hết các lãnh tụ đều phải xuống hòa mình cùng quần chúng nhưng Cụ Hồ Chí Minh đã sinh ra từ quần chúng, đã sống và chiến đấu cùng với quần chúng. Cụ không thích khoa trương, không thích kiểu cách. Nếu chúng ta cố tìm một lãnh tụ Châu Á giống như thế thì người đó rất có thể là Mahátma Găngđi quá cố của Ấn Độ.

Điều làm cho Cụ Hồ Chí Minh trở thành một lãnh tụ quần chúng tuyệt vời có thể là sự kết hợp chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa xã hội, cũng như sự kết hợp phong trào độc lập dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa.

(Báo Asahi buổi chiều, ngày 05/9/1969)

54… Cuối cùng chúng ta tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh không những vì Người có những cống hiến vĩ đại như trên đã nói mà còn vì đạo đức tuyệt vời của Người và vì ánh sáng mà Người đã tỏa ra khắp nơi. Vị nguyên thủ ấy, nhà lãnh đạo được mọi người tôn kính ấy, người đã làm cho bọn đế quốc phải kinh hồn khiếp vía ấy chính là một người có đức tính dịu dàng, khiêm tốn, chỉ nghĩ đến người khác. Những đức tính tốt đẹp đó của Người đã biến thành một sức mạnh mà ngày nay - ngay cả trong giờ phút chúng ta tỏ lòng thương tiếc - đang được triển khai trên thế giới…

(Đăng trên báo Nhân đạo, Pháp, ngày 12/9/1969)

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: