Chỉ mục bài viết

1. Vị trí, vai trò của người cán bộ, đảng viên

- “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”1.

 can bo Phan 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội dịp Tết Quý Mão 1963. Ảnh
https://anninhthudo.vn

- “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”2.

- “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”3.

- "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"4.

- “Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc”5.

- "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp"6.

- “Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người Đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ”7.

- “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong

Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định. Sau đây là những kinh nghiệm rõ ràng:

Chính phủ muốn giúp đồng bào làng X. ở thượng du mở mang văn hóa, đã lập ra trường và phái giáo viên đến mấy lần, nhưng không ai đến học. Các giáo viên đều lắc đầu trở về.

Đồng chí A ở Vệ quốc quân, đánh giặc bị thương, gẫy tay, không cầm súng được nữa, xin đi làm giáo viên.

Được phái đến làng X, A liền đi thăm các nhà, nói chuyện với các bậc cha mẹ và trẻ em. Kết quả những cuộc nói chuyện đó là: Vì nhà nghèo, thiếu người, trẻ em phải ở nhà giúp việc không đi học được.

A liền tìm cách giải quyết: Vừa học vừa làm. Khuyên các trẻ em họp thành tiểu tổ, như tổ chăn trâu, tổ cắt cỏ, tổ đan nón, v.v.. Các trẻ em vừa làm vừa học. Nhờ cách hợp tác, làm lại được nhiều hơn làm riêng ở nhà. Đồng bào trong làng thấy vậy, chẳng những cho các con đã lớn đi học, mà gửi cả con còn bé cho thầy, “học được chữ nào hay chữ ấy”. Rồi người lớn thấy vui cũng đi học.

Nhà trường dột, đồng chí A tự mình lợp lại. Đồng bào thấy vậy, kéo nhau đến giúp.

Đối với các em làm biếng hoặc nghịch ngợm, A không đánh phạt, chỉ dùng cách khuyên dỗ, và bày cho các em khác phê bình. Thành thử dần dần em nào cũng trở nên ngoan ngoãn.

Khi dân làng có việc gì, A cũng ra tay giúp. Khi có ai cãi cọ nhau, thì A lấy tư cách thầy học trong làng đến dàn xếp.

Thành thử dân làng, nhất là những cha mẹ học trò, ai cũng kính trọng và yêu mến đồng chí A. Những nhà gần làng thấy vậy, cũng gửi con đến học.

Đồng chí A chỉ có bằng tiểu học mà đã làm được công việc những ông giáo khác không làm nổi.

Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến như A. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc.

Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”8.

- “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”9.

- “… Cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể”.

Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”10.

- “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ,

- Nghèo khó không thể chuyển lay,

- Uy lực không thể khuất phục”11.

- “Nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa”12.

- Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng”13.

- “Đảng ta là Đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân”14.

- “Chính phủ ta là chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”15.

- “Những người được cử vào Quốc hội khóa II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đày tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”16.

- “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân.

Đó là vinh dự cao nhất. Nếu có thành tích gì thì Chủ tịch và người nấu cơm phải chia nhau cái vinh dự ấy. Tóm lại không có việc sang, hèn. Công việc gì làm tròn, bổ ích cho kháng chiến, cho nhân dân đều là công việc sang, công việc gì bên ngoài có vẻ loè loẹt mà không làm tròn là công việc xấu… Người nào vượt khó khăn làm tròn nhiệm vụ, đó là anh hùng”17.

- “Đảng ta là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng.

Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng.

Vì vậy, đã là đảng viên thì phải cố thành một đảng viên “bốn tốt”, tức là phải hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, làm đúng chính sách của Đảng, nếu không thì vào làm gì? Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay khoan là hãy vào.

… Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân”.

Lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân và phải làm cho tốt”18.

- “Muốn xứng đáng là người cán bộ, đảng viên tốt phải cố gắng quyết tâm suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản”19.

Thu Hiền (tổng hợp)

------------------

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.68.
2. Sđd, tập 5, tr.309.
3. Sđd, tập 5, tr.313.
4. Sđd, tập 15, tr.622.
5. Sđd, tập 7, tr.54.
6. Sđd, tập 10, tr.67.
7. Sđd, tập 7, tr.55.
8. Sđd, tập 5, tr.280-281.
9. Sđd, tập 5, tr.309.
10. Sđd, tập 6, tr.356.
11. Sđd, tập 7, tr.50.
12. Sđd, tập 5, tr.272.
13. Sđd, tập 13, tr. 83-84.
14. Sđd, tập 13, tr.107.
15. Sđd, tập 9, tr.81.
16. Sđd, tập 12, tr.567.
17. Sđd, tập 7, tr.434.
18. Sđd, tập 15, tr. 291-292.
19. Sđd, tập 10, tr.68.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: