- “… Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang.
… Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm.
Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu.
Mà thoái bộ và lạc hậu thì sẽ bị xã hội tiến bộ sa thải.
Không phải chỉ ở tại nhà trường, có lên lớp, mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được. Trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo. Thời kỳ hoạt động bí mật, thời kỳ khởi nghĩa, thời kỳ kháng chiến và ngày nay công việc xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đều là những trường học rất tốt cho chúng ta rèn luyện đạo đức cách mạng.
Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khǎn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Đó là biểu hiện rất rõ rệt, rất cao quý của đạo đức cách mạng.
Trong Đảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Vǎn Cừ, Hoàng Vǎn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Đảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập.
Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ"; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng.
… Đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng.
… Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng.
… Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng.
… Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hǎng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”53.
III. Phong cách của cán bộ, đảng viên
1. Làm việc có mục đích
- "Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập, khi mà dân được ăn no, mặc đủ.
Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân được học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”54.
- “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”55.
- “Vì ai mà làm? Đối ai phụ trách?
Nếu chúng ta hỏi cán bộ: “Việc đó, làm cho ai? Đối với ai phụ trách?”, chắc số đông cán bộ sẽ trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”.
Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?” thì e nhiều cán bộ không trả lời được.
Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Đó là một lẽ rất giản đơn, rõ ràng. Nhưng nhiều cán bộ chưa hiểu, cho nên trong lúc làm việc, thường sai lầm; đến nỗi chia cán bộ Chính phủ và Đảng ra làm một phía, quần chúng ra một phía.
Chính phủ và Đảng chẳng những làm những việc trực tiếp lợi cho dân, mà cũng có khi làm những việc mới xem qua như là hại đến dân. Thí dụ: Quyên tiền, thu thuế, công tác phá hoại, v.v..
Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: Vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu. Cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, v.v., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán. Thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: Bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!
Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.
Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!
Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.
Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.
Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới. Đó là vì thói không phụ trách “quá hữu”, gặp sao hay vậy.
Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách “quá tả” là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại”56.
- “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm.
Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta kính ta”57.
2. Làm việc có tính tỉ mỉ, cụ thể
- “Người lãnh đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”58.
- “Vì vậy, từ nay bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”59.
- “Chia công việc không khéo thành ra bao biện: Nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ra chỉ có chừng.
Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được”60.
3. Ra các quyết định thật chính xác
“Lãnh đạo đúng nghĩa là thế nào?
Cố nhiên, không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh.
Lãnh đạo đúng nghĩa là:
1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta.
2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong.
3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được.
Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: Trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn.
Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: Họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn.
Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải hợp kinh nghiệm cả hai bên lại”61.
4. Hội họp có nội dung, đúng giờ
- “Bệnh khai hội
Khai hội không có kế hoạch, không sắp xếp kỹ lưỡng, không thiết thực. Khai hội lâu, khai hội nhiều quá.
Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, về làng thì khệnh khạng như “ông quan”. Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: “Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán”.
… Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì “đi phu”. Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!”62.
- “Trong mọi công việc, phải tính toán cân nhắc cẩn thận thì giờ là vàng bạc, phải kiên quyết chống thói hội họp lu bù, mất thì giờ, hại sức khỏe mà không kết quả thiết thực”63.
Thu Hiền (tổng hợp)
------------------
Chú thích:
53. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 9, tr.282-293.
54. Sđd, tập 4, tr.152.
55. Sđd, tập 4, tr.440.
56. Sđd, tập 5, tr.245-246.
57. Sđd, tập 4, tr.440.
58. Sđd, tập 5, tr.292.
59. Sđd, tập 5, tr.242.
60. Sđd, tập 4, tr.38-39.
61. Sđd, tập 5, tr.285-286.
62. Sđd, tập 5, tr.247.
63. Sđd, tập 5, tr.303.