- Cách đối với cán bộ
Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước.
Chúng ta phải tẩy sạch các bệnh kiêu ngạo, bệnh hẹp hòi, bệnh bao biện.
Tóm lại, đối với cán bộ có năm cách:
a) Chỉ đạo - Thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ.
Nhưng phải luôn luôn tùy theo hoàn cảnh mà bày vẽ cho họ về phương hướng công tác, cách thức công tác để cho họ phát triển năng lực và sáng kiến của họ, đúng với đường lối của Đảng.
b) Nâng cao - Luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ.
c) Kiểm tra - Không phải ngày nào cũng kiểm tra. Nhưng thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm.
Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ.
d) Cải tạo - Khi họ sai lầm thì dùng cách “thuyết phục” giúp cho họ sửa chữa.
Không phải một sai lầm to lớn, mà đã vội cho họ là “cơ hội chủ nghĩa” đã “cảnh cáo”, đã “tạm khai trừ”. Những cách quá đáng như thế đều không đúng.
đ) Giúp đỡ - Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang. Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và sự thân ái đoàn kết trong Đảng”72.
- Mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ
Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt.
Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý mấy việc dưới đây:
Hiểu biết cán bộ,
Khéo dùng cán bộ,
Cất nhắc cán bộ,
Thương yêu cán bộ,
Phê bình cán bộ.
a) Hiểu biết cán bộ - Biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ.
Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh sau này:
1. Tự cao tự đại,
2. Ưa người ta nịnh mình,
3.n Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người,
4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.
Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.
Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng.
…
Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào hơi khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hóa phản cách mạng, làm mật thám. Muốn làm mật thám được việc, thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng, thì lầm nó là cán bộ tốt.
… Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ.
Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt.
Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt.
Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ73.
b) Khéo dùng cán bộ - Lúc dùng cán bộ, nhiều người phạm vào những chứng bệnh sau đây:
1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.
2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực.
3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.
Vì những bệnh đó, kết quả những người kia đã làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ, khiến cho chúng càng ngày càng hư hỏng. Đối với những người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo.
Thế nào là dùng cán bộ đúng?
- Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi.
- Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gụi những người mình không ưa.
- Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ.
- Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt.
- Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình.
Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức, hoặc công tác không hợp, chắc không thành công được.
Vì vậy, muốn cán bộ làm được việc, phải khiến cho họ yên tâm làm việc, vui thú làm việc. Muốn như thế, phải thực hành những điểm này:
1. Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng.
Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Vì không phải họ không có gì nói, nhưng vì họ không dám nói, họ sợ. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hoá ra oán ghét, chán nản.
Như thế mà muốn cán bộ công tác cho giỏi thì sao được?
2. Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không. Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có. Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hoá ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hoá ra tài nhỏ.
Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến.
Trước khi trao công tác, cần phải bàn kỹ với cán bộ. Nếu họ gánh không nổi, chớ miễn cưỡng trao việc đó cho họ. Khi đã trao cho họ phải hoàn toàn tin họ. Không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác.
Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí.
Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công.
Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng.
3. Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới.
Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ.
Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ.
Nếu họ phê bình ta, ta phải vui vẻ thừa nhận. Không nên tỏ vẻ bất bình, để lần sau họ không dám phê bình nữa.
Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công tác không hợp với năng lực của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm74.
c) Phải có gan cất nhắc cán bộ - Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy.
Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào.
Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không.
Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem công việc của họ trong một lúc, mà phải xem cả công việc của họ từ trước đến nay.
Biết rõ ràng cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực.
Cất nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ.
Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng.
Nhưng khoe khoang, kiêu ngạo không phải là tự trọng. Đó là một chứng bệnh. Vì vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình.
Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra “chỉnh” một lần, thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập”, mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng.
Vì vậy hễ thấy cán bộ sai lầm, phải lập tức sửa chữa ngay. Nếu không việc to quá, họ làm không nổi, tốt nhất là đổi việc khác cho thích hợp với họ, mà không cần cho họ biết vì họ không làm nổi việc kia. Đó là để giữ lòng hăng hái của họ, để cho họ khỏi nản lòng75.
d) Yêu thương cán bộ - Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ.
Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc.
Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..
Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta phải cho họ hiểu rằng: Năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại76.
đ) Đối những cán bộ sai lầm - Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm.
Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm.
Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Tóm lại, phải phê bình cho đúng.
Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi.
Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục, cảm hoá, dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng.
Vì vậy, cần phải phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng.
Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”.
Phê bình cho đúng, chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm77.
Thu Hiền (tổng hợp)
------------------
Chú thích:
72. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.276-277.
73. Sđd, tập 5, tr.277-279.
74. Sđd, tập 5, tr.280-281.
75. Sđd, tập 4, tr.282.
76. Sđd, tập 4, tr.283.
77. Sđd, tập 4, tr.283-284.