Chỉ mục bài viết

 - “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”32.

- Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này; dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”33.

- “Muôn người như một

Quân tốt, dân tốt

Muôn sự đều nên

Gốc có vững cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”34.

- “Ai cũng có lòng tự trọng. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng.

Nhưng khoe khoang, kiêu ngạo không phải là tự trọng. Đó là một chứng bệnh. Vì vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình”35.

- “Yêu thương cán bộ - Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đoàn thể phải thương yêu cán bộ.

Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc.

Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v..”36.

- “Đối với những cán bộ sai lầm - Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm.

Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm...

Trừ những người cố ý phá hoại, ngoài ra không ai cố ý sai lầm, sai lầm là vì không hiểu, không biết. Vì vậy, đối với cán bộ bị sai lầm ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm. Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào. Làm thế nào mà sửa chữa. Tóm lại, phê bình cho đúng.

Sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo.

… Cần phân tách rõ ràng cái cớ sai lầm, phải xét kỹ lưỡng việc nặng hay nhẹ, phải dùng xử phạt cho đúng”37.

- “Ta là cán bộ cách mạng, ta nói và viết cho quần chúng nhân dân mà mọi người không hiểu ta nói cái gì, sao có thể gọi là cán bộ cách mạng được.

… Đối với đồng chí mình phải thế nào; Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh rẻ bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”38.

- “Đối với người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người”39.

- “Tư cách người công an cách mệnh là:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ.

Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.

Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.

Đối với công việc, phải tận tụy.

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”40.

4. Cán bộ phải có tri thức, có lý luận khoa học

- “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra…

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm vào lý luận…

Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”41.

- “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính.

Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta ngoài công việc thực tế.

Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”42.

- “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế thì lý luận suông”43.

- “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại”44.

5. Người cán bộ phải sáng tạo và đổi mới

- “Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái

Chúng ta thường nêu vấn đề đó. Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?

Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.

Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.

Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.

Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.

Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị “trù” là khác.

Họ không dám nói ra thì họ cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng”, “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm”, sinh ra thói “thậm thà thậm thụt” và những thói xấu khác.

Kinh nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh “thì thầm thì thào” cũng hết.

Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.

Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.

Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.

Một vấn đề nữa: Chúng ta thường nói đến hai chữ sáng kiến một cách mênh mông, không thiết thực. Như là phải có tài giỏi đặc biệt mới có sáng kiến. Nếu ta thử hỏi: sáng kiến là gì? thì chắc nhiều người trả lời không xuôi. Như thế mà mong cán bộ và đảng viên có sáng kiến thì sao mà có được!

Chúng ta phải nhận rõ: Bất kỳ việc to việc nhỏ, hễ thêm điều lợi, trừ điều hại cho quần chúng, giúp quần chúng giải quyết vấn đề khó khăn, tăng kết quả của việc làm, tăng sức sản xuất của xã hội, đánh đổ sức áp bức của quân thù, đó đều là sáng kiến.

Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực.

Bất kỳ ai, nếu có quyết tâm làm ích lợi cho quần chúng, lại chịu học, chịu hỏi quần chúng, óc chịu khó nghĩ, tay chịu khó làm, thì nhất định có sáng kiến, nhất định làm được những việc có ích cho loài người.

Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính “gặp chăng hay chớ” ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm”45.

6. Cán bộ phải có năng lực tổ chức, vận động quần chúng, kỷ cương

- “Vì cán bộ và đảng viên không hiểu rõ hai lẽ: Vì ai mà làm, đối ai phụ trách, khi gặp mỗi công việc không biết tìm đủ cách giải thích cho dân hiểu, cho nên những việc trực tiếp lợi cho dân, như đắp đê, hộ đê, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ..., cán bộ chỉ làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Kết quả dân không hiểu, dân oán thì có gì lạ đâu? Một thí dụ rất tầm thường, dễ hiểu: bánh ngọt là một thứ ngon lành, nhưng đem bánh ngọt bắt người ta ăn, nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán!”46.

- “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng.

Nếu không vậy, cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”47.

Thu Hiền (tổng hợp)

------------------

Chú thích:

32. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.285.
33. Sđd, tập 5, tr.246.
34. Sđd, tập 5, tr.410.
35. Sđd, tập 5, tr.282.
36. Sđd, tập 5, tr.282-283.
37. Sđd, tập 5, tr.283-284.
38. Sđd, tập 5, tr.54.
39. Sđd, tập 2, tr.260.
40. Sđd, tập 5, tr.406-407.
41. Sđd, tập 5, tr.235.
42. Sđd, tập 5, tr.233-234.
43. Sđd, tập 5, tr.234.
44. Sđd, tập 5, tr.234.
45. Sđd, tập 5, tr.243-245.
46. Sđd, tập 5, tr.245-246.
47. Sđd, tập 5, tr.248.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: