Chỉ mục bài viết

 - “... Đạo đức cách mạng là:

Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.

Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.

Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.

Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”14.

- “… Một cán bộ phải kiên quyết làm bằng được những điều sau này:

a) Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc).

b) Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được.

c) Ham làm những việc ích quốc lợi dân. Không ham địa vị và công danh phú quý.

d) Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, đối với việc.

e) Quyết tâm làm gương về mặt: Siêng năng, tiết kiệm, trong sạch.

f) Chớ kiêu ngạo, tự mãn, tự túc. Nói ít làm nhiều, thân ái đoàn kết”15.

- “Bệnh tự kiêu, tự ái

Hai thứ bệnh nguy hiểm đó đều do bệnh chủ quan, hẹp hòi mà sinh ra.

Việc thế giới, việc xã hội, việc nước nhà to lớn vô cùng, nhiều vô cùng.

Dù ai tài giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả.

Xưa nay những bực tài giỏi như cụ Khổng Tử, cụ Lênin cũng không biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Cụ Khổng không biết nấu cơm, cụ Lê không biết may áo. Vì vậy, cần nấu cơm thì cụ Khổng phải học hỏi người làm bếp. Cần may áo thì cụ Lê phải học hỏi người thợ may.

Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc. Mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi.

Lời đầu tiên của cụ Khổng trong sách Luận ngữ, là: “Học mà thường tập, chẳng cũng vui lắm thay”.

Lời cụ Lê thường thường nhắc nhủ mọi người, là: “Học, học nữa, học mãi”. Và “phải học hỏi quần chúng”.

Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai.

Kỳ thực, tự kiêu là mù quáng, chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được.

Tự kiêu là hẹp hòi. Tài đức độ lượng nhỏ nhen, không bao dung được những ý kiến và những phê bình của người khác. Thí dụ một cái cốc, vì hẹp hòi mà chỉ đựng được rất ít nước, thêm một chút nước nữa, là phải tràn. Trái với cái độ lượng rộng lớn của bể, bao nhiêu nước cũng vẫn chứa được.

Tự kiêu là thoái bộ. Vì tự mãn tự túc, không cố gắng học hỏi thêm. Không theo kịp sự tiến bộ của thời đại. Tự mình ngǎn trở sự tiến bộ của mình.

Tự kiêu là hủ hóa. Vì không chịu học những sự hay sự tốt của người; không ưa những lời phê bình thẳng thắn để sửa chữa những khuyết điểm của mình. Mà người đời ai chẳng có khuyết điểm to hay nhỏ, ít hay nhiều!

Nói tóm lại: Tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại. Vì kiêu ắt đi đôi với nịnh. Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng. Như thế thì sao khỏi hỏng việc.

Cụ Khổng Tử có nói: “Nếu có tính tự kiêu, thì dù tài giỏi vô cùng như ông Chu Công, thì tài giỏi ấy cũng vất đi”.

Nghĩa chính của chữ tự ái là giữ đúng chữ cần, kiệm, liêm, chính. Không làm điều gì có hại đến danh dự và đạo đức của mình. Thế là chân chính tự ái, mà ai cũng phải tự ái.

Nhưng người ta thường hiểu lầm chữ tự ái. Do đó mà hay chấp vặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng - thì gọi là tự ái. Tự ái này luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc. Và kết quả là tự khí, nghĩa là mình tự ngǎn trở mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu tự ái, thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc. Đã cô độc, thì chẳng việc gì thành công.

KẾT LUẬN: Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy cho sạch bệnh tự kiêu, “tự ái”. Đó là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.

Thang thuốc thánh để chữa bệnh này gồm có bốn vị là:

a) Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình.

b) Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm.

c) Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ.

d) Thực hành đoàn kết”16.

- ... Đạo đức vô sản, đạo đức cách mạng là thế nào?

Mỗi một người công nhân phải hiểu rằng trong mấy mươi năm nay, Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta đấu tranh cách mạng để đánh đuổi bọn đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến, cho nhân dân nói chung, cho giai cấp công nhân nói riêng làm chủ nước nhà.

Vậy, đã là người chủ nước nhà, thái độ phải thế nào cho đúng?

Công nhân phải hiểu tương lai của công nhân và tương lai của xí nghiệp phải dính liền. Công nhân phải hiểu xí nghiệp là của mình, làm chủ nước nhà là nói chung, làm chủ xí nghiệp là nói riêng, xí nghiệp có phát triển, tương lai của công nhân mới tiến lên.

Cá nhân mỗi công nhân, đối với nước nhà phải như thế nào?

Chế độ này của ta, phải bảo vệ chế độ của ta. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của ta, phải bảo vệ Nhà nước của ta. Ai xâm phạm đến Nhà nước của ta, đến chế độ ta, ta phải chống lại họ, bất cứ bằng lời nói hay việc làm.

... Của cải mình lao động ra là của nước nhà, của nhân dân, là của mình, là của công. Nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân, phải bảo vệ của cải ấy. Để bảo vệ của cải chung đó, đối với thói tham ô, lãng phí, ta phải chống lại.

… Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ.

Thi đua là phải làm cho tốt. Làm xấu mau hỏng, dùng không bền. Lại phải làm nhiều mới đủ dùng. Phải làm nhanh và phải là rẻ, không phí phạm thì giờ, nguyên vật liệu, v.v..

... Tóm lại, về đạo đức vô sản, công nhân phải hiểu mình là chủ xí nghiệp, chủ nước nhà, hiểu lao động là vẻ vang, phải giữ gìn của công, chống tham ô lãng phí, phải bảo vệ kỷ luật lao động, phải thi đua làm tốt, nhiều, mau, rẻ. Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”17.

- “Tư cách một người cách mệnh

Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hòa mình không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công, vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối với người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người.

Làm việc phải:

Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.

Quyết đoán.

Dũng cảm.

Phục tùng đoàn thể”18.

- “… Những người trong các công sở đều có nhiều, hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

1. Cần - Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.

2. Kiệm - Giấy bút, vật liệu đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân, ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ dân hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.

3. Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.

4. Chính - Mình và người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”19.

- “Cán bộ phải có đức tính như thế nào?

1. Mình đối với mình: Đừng tự mãn, tự túc; nếu tự mãn, tự túc thì không tiến bộ. Phải tìm học hỏi cầu tiến bộ. Đừng kiêu ngạo, học lấy điều hay của người ta. Phải siêng năng tiết kiệm.

2. Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị...”20.

Thu Hiền (tổng hợp)

------------------

Chú thích:

14. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 11, tr.603.
15. Sđd, tập 5, tr.216-2017.
16. Sđd, tập 5, tr.631-633.
17. Sđd, tập 10, tr.477-481.
18. Sđd, tập 2, tr.280-281.
19. Sđd, tập 5, tr.122-123.
20. Sđd, tập 5, tr.68.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: