1. Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019.
Theo đó, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như sau:
Thông báo tuyển dụng:
- Thông báo tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải được đăng tải trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng là báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình; đồng thời được đăng tải trên trang điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức.
Ảnh minh họa: Internet
- Nội dung thông báo tuyển dụng bao gồm:
+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển.
+ Số lượng công chức cần tuyển tương ứng với vị trí việc làm.
+ Thời hạn và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển của người đăng ký dự tuyển; số điện thoại di động hoặc điện thoại cố định của bộ phận được phân công tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển.
+ Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển; thời gian và địa điểm thi tuyển hoặc xét tuyển.
- Khi có thay đổi về nội dung thông báo tuyển dụng thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức phải thực hiện việc công khai thông báo tuyển dụng bổ sung theo quy định.
Xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi được tuyển dụng:
- Việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi được tuyển dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Thông tư số 13/2018/TT-BNV ngày 09/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi khoản 8 mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV; Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và các văn bản khác có liên quan.
- Cơ quan quản lý công chức quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để có ý kiến trước khi quyết định việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi được tuyển dụng theo quy định của pháp luật.
Một số điều của Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được sửa đổi, bổ sung như sau:
Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
- Viên chức trúng tuyển trong kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải dự thi đủ các bài thi của các môn thi, trừ những môn được miễn thi theo quy định của pháp luật; có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50 điểm trở lên, các bài thi được chấm theo thang điểm 100.
- Viên chức trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành quy định về nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
- Không bảo lưu kết quả các kỳ thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
2. Thông tư số 08/2019/TT-BNV ngày 10/6/2019 của Bộ Nội vụ quy định chế độ báo cáo công tác ngành Nội vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2019.
Theo Thông tư quy định, ngành Nội vụ có các loại chế độ báo cáo sau: Chế độ báo cáo công tác định kỳ, chế độ báo cáo công tác chuyên đề và chế độ báo cáo công tác đột xuất.
Đối với chế độ báo cáo công tác định kỳ gồm:
- Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm thực hiện 01 lần/01 năm trước ngày 10/6 năm báo cáo.
- Báo cáo tổng kết công tác năm thực hiện 01 lần/01 năm trước ngày 10/12 năm báo cáo.
Nội dung yêu cầu báo cáo
- Tổng hợp tình hình, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong từng lĩnh vực công tác ngành Nội vụ bao gồm: Kết quả công tác tham mưu xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản nghiệp vụ và các chế độ, chính sách thuộc lĩnh vực Nội vụ; kết quả, tiến độ triển khai thực hiện các quyết định, chính sách của các cấp có thẩm quyền về lĩnh vực Nội vụ; việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác.
- Công tác tham mưu giúp lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc bộ, ngành và địa phương trong thực hiện công tác thuộc lĩnh vực Nội vụ.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, kiến nghị, phản ánh và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực Nội vụ.
- Đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ; chỉ ra ưu điểm, nhược điểm và phân tích nguyên nhân.
- Dự kiến kế hoạch, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm và năm liền kề của kỳ báo cáo (năm thực hiện báo cáo); giải pháp tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và các kiến nghị, đề xuất với các cấp có thẩm quyền (nếu có).
Báo cáo được gửi đi bằng văn bản điện tử có chữ ký số của người có thẩm quyền gửi Bộ Nội vụ theo địa chỉ trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
3. Thông tư số 31/2019/TT-BTC ngày 05/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2019.
Kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã, được thực hiện như sau:
- Đối với các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan khác đang được áp dụng cơ chế đặc thù (trong trường hợp quy định về cơ chế đặc thù đã bao gồm kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế: Cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội): Sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
Đối với các cơ quan còn lại:
- Cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách được giao hàng năm và nguồn thu của đơn vị được để lại sử dụng theo quy định (đối với đơn vị có nguồn thu) để chi trả các chế độ sau:
+ Trợ cấp một lần bằng 03 tháng tiền lương hiện hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 6, Điểm a Khoản 1 Điều 7 và Khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
+ Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho những người trong diện tinh giản biên chế trong độ tuổi quy định có nguyện vọng đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC.
+ Tiếp tục trả lương trong thời gian đi học nghề và trợ cấp khoản kinh phí học nghề cho đối tượng trong độ tuổi được tạo điều kiện cho đi học nghề quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC.
- Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chế độ còn lại theo nguyên tắc:
+ Đối với đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP do Trung ương quản lý thì ngân sách trung ương đảm bảo bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP do địa phương quản lý thì ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và được bố trí từ nguồn thực hiện cải cách tiền lương đã bố trí trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị. Các địa phương tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế vào nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương hàng năm.
4. Thông tư số 79/2019/TT-BQP ngày 11/6/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2019.
Thông tư này áp dụng đối với:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và công chức quốc phòng.
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Cách tính mức lương, phụ cấp quân hàm, hệ số chênh lệch bảo lưu và phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng trên như sau:
- Mức lương
- Mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp quân hàm thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng |
- Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng |
- Mức phụ cấp tính theo mức lương cơ sở
+ Đối với người hưởng lương
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định |
+ Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức phụ cấp quân hàm binh nhì (tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định |
- Mức phụ cấp tính theo tỷ lệ %
+ Đối với người hưởng lương
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
+ |
Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
+ |
Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
x |
Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định |
+ Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định |
- Mức trợ cấp tính theo mức lương cơ sở
Mức trợ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Số tháng được hưởng trợ cấp theo quy định |
Khánh Linh (tổng hợp)