Chỉ mục bài viết

I. Bác Hồ với tuổi trẻ quốc tế

1. “Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp

Các bạn thân mến,

Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.

Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.

BH voi tn
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi Hungari, năm 1957. Ảnh Internet

Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.

Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.

Công việc chung của chúng ta "Hội Liên hiệp thuộc địa" và tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.

Chúng ta phải làm gì?

Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.

Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.

Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập.

Có lẽ một vài người trong các bạn cũng phải và có thể làm như tôi. Còn các bạn khác thì tiếp tục công việc hiện thời của chúng ta: Củng cố "Hội liên hiệp thuộc địa" và phát triển tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ của chúng ta.

Các bạn thân mến,

Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.

Các bạn tha lỗi cho tôi không hôn các bạn trước khi đi. Các bạn biết rằng tôi bị theo dõi riết.

Khi các bạn được thư này, Nguyễn của các bạn ít nhất cũng đã xa nước Pháp 24 giờ rồi.

Đại, người đồng hương của tôi, sẽ giao lại cho ông B. thìa khóa của tòa báo, giấy tờ và tài liệu của Hội và của tờ báo, cũng như quỹ của tờ báo. Tôi đã trả tiền thuê nhà cho tòa báo đến cuối nǎm. Tiền in cũng đã thanh toán. Chúng ta không mắc nợ ai. Sổ thư viện để ở trong ngǎn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về, trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn.

Nói tóm lại, các việc đều đâu vào đấy trước khi tôi đi.

Tôi sẽ viết thư cho các bạn. Nhưng tôi không dám hứa với các bạn, vì không phải dễ viết thư khi người ta hoạt động bí mật. Dù tôi có viết thư cho các bạn hay không, các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người bạn Pháp của chúng ta.

Bây giờ, một vài lời với cháu trai và cháu gái.

Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.

Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô Alítxơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.

Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Mariuýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.

Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.

CHÚ NGUYỄN”1.

In trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.51-54

2. “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản

… CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG

1/ Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt.

2/ Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng.

3/ Cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva.

4/ Xây dựng dây liên lạc Mátxcơva - Đông Dương - Pari.

HỢP TÁC

a/ Điều gì mà Đảng có thể làm thì đã liệt kê trong thư gửi cho nó do Ban phương Đông chuyển.

b/ Tổng công hội thống nhất đã hứa làm hết sức mình để 2 hoặc 3 đồng chí người Pháp có thể sang Đông Dương để tổ chức công nhân.

c/ Thanh niên cộng sản Pháp phải lợi dụng chủ nghĩa quân phiệt để đưa những thành viên chắc chắn nhất đăng lính vào đội quân thuộc địa để dắt dẫn sự tuyên truyền trong những người bản xứ.

2/ Sự giúp đỡ của Thanh niên cộng sản Trung Quốc là tuyệt đối cần thiết cho sự hoạt động ở Đông Dương.

Một cuộc thảo luận giữa những đại biểu của Đảng, của Tổng công hội thống nhất, của Thanh niên và của Ban phương Đông có thể ló ra nhiều ánh sáng khác”2.

3. “Tình hình ở Trung Quốc

Cương lĩnh của các sinh viên cách mạng

Nguyên nhân của tình hình tồi tệ hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều. Trước hết Trung Quốc bị yếu vì sự mâu thuẫn giữa miền Bắc và miền Nam. Sau đó, tính chất thủ cựu của chủ nghĩa nghị trường bắt chước theo kiểu phương Tây và tham vọng mù quáng cá nhân của chủ nghĩa quân phiệt biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác dựa vào nước ngoài đang phá hoại Trung Quốc. Và cuối cùng là do những cường quốc tư bản chủ nghĩa từng phút một, cố ý gây ra sự rối loạn bên trong để kìm hãm thậm chí cả những cải cách không đáng kể.

Thế nhưng rất may mắn là tiếng vang của Cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng. Hội có khoảng 100 nghìn hội viên trong cả nước Trung Hoa. Hội xuất bản nhiều tờ báo, mỗi tỉnh có một hoặc hai tờ. Năm 1919, Hội đã khuyên đoàn đại biểu Trung Quốc từ chối ký Hiệp ước Vécxây. Đó là những người tham gia việc tổ chức tẩy chay Nhật Bản. Ở Bắc Kinh, sinh viên đã thiêu huỷ những lâu đài xa hoa của hai bộ trưởng bán cho tư bản Nhật, buộc những người này từ chức và có những lời cảnh cáo xác đáng trước đối với họ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ tư, Hội đã thông qua cương lĩnh chính trị, mà những điểm cơ bản của nó là:

Chính sách đối nội. Nghị viện và chính phủ phải thực hiện trung thực ý chí của nhân dân.

Hoàn toàn tự do tổ chức, hội họp, ngôn luận và báo chí.

Quyền đình công cho công nhân.

Địa vị độc lập của tòa án.

Quan hệ quốc tế. Quyền tự quyết của các dân tộc.

Đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.

Vấn đề phụ nữ. Bình đẳng về giáo dục chính trị và kinh tế cho cả nam và nữ. Thi hành hệ thống trường học thống nhất - tức là thành lập các trường học trong đó con trai và con gái cùng học.

Trả công như nhau cho lao động như nhau.

Quyền nghỉ ngơi và tiền trợ cấp cho trường hợp đau ốm và sản phụ.

Hội ủng hộ tất cả các yêu sách của công nhân.

Hội có mục đích: Ủng hộ tất cả những yêu sách và mọi phong trào cách mạng của nông dân, công nhân và tiểu thương.

Hội kêu gọi tất cả nhân dân lao động và sinh viên tiến hành một cuộc tuần hành chung toàn quốc để tưởng nhớ những người công nhân đường sắt bị tướng Ngô Bội Phu giết chết trong thời gian đình công trên đường sắt Bắc Kinh - Hán Khẩu). Hội coi việc giúp đỡ công nhân nạn nhân của cuộc đấu tranh, là nghĩa vụ của mình, vạch trần và lên án trước toàn quốc hành động tội ác của chính phủ và bè lũ quân phiệt của nó trong thời gian đình công.

Chúng ta cũng nói thêm là Liên đoàn sinh viên còn yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng khôi phục quan hệ với nước Nga.

NGUYỄN ÁI QUỐC”3.

Báo L'Humanité, ngày 04-12-1923.

4. “Phụ nữ phương Đông

Trong các tổ chức công đoàn Nhật Bản, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc mới thành lập được ba năm đã có trong hàng ngũ của mình hơn 150 nữ công nhân và nữ sinh viên.

Từ khi đồng chí Lênin mất, các tổ chức chính trị, văn hóa và các tổ chức khác của học sinh các nước phương Đông tổ chức nhiều cuộc mít tinh và hội họp.

Dưới đây là lời kêu gọi của một nữ sinh viên đăng trên Báo Phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc):

"Hỡi các chị em!

Từ khi có chủ nghĩa tư bản, toàn bộ cơ thể xã hội đều bị ảnh hưởng tai hại của nó. Các vật phẩm do tất cả mọi người sản xuất ra, đáng lẽ phải thuộc về tất cả mọi người thì lại thuộc đặc quyền của một vài người! Ách áp bức kinh tế đã nô dịch con người, cũng ách áp bức ấy đã biến phụ nữ thành những đồ vật tuỳ thuộc quyền sử dụng của nam giới!

Từ bao thế kỷ nay, bao nhiêu triệu con người đã bị xiềng xích như thế? Bao nhiêu triệu đàn bà đã bị hy sinh?

Trong lúc cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ác liệt, trong lúc hàng triệu người không làm hại đến ai, đang muốn sống, nhưng lại bị đưa vào chỗ chết, Lênin đã đạp bằng gian khổ và khó khăn, đã thức tỉnh giai cấp vô sản Nga nổi dậy, đã tổ chức các xôviết.

Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây ở bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức.

Điều đó há chẳng đáng để ta kính cẩn mặc niệm trước anh linh vĩ đại của Tiên sinh hay sao?

Ngày 21 tháng 1 há chẳng mãi mãi là một ngày tang cho tất cả những nam nữ đang chịu khổ cực hay sao?

Nước Nga đang đến phồn vinh. Nhưng muốn có được một nền hòa bình thực sự thì còn phải tiến lên hơn nữa và còn phải làm nhiều việc nữa. Loài người đang thức tỉnh, nhưng muốn tự giải phóng hoàn toàn thì còn phải đấu tranh".

Lời kêu gọi trên đây nói lên rằng đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga sa hoàng.

NGUYỄN ÁI QUỐC”4

Tạp chí Rabôtnhitsxa, tiếng Nga, số 9, tháng 5-1924.

5. “Thư gửi tướng Lơcléc

… Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hy vọng của hai nước chúng ta, và đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em”5.

In trong sách Lời Hồ Chủ tịch,

Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr. 17-18.

6. “Thanh niên Mỹ chống chiến tranh

Bà Mácin Tô, Giám đốc một Trường Trung học Mỹ, viết trong Nữu Ước thời báo: “Hiện nay thanh niên Mỹ chỉ lo phải đi lính. Những thanh niên đã đi lính trong cuộc Thế giới đại chiến thứ hai thì lo: Có phải đi lính lần nữa không?”. Những thanh niên ấy sinh trưởng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Họ thấy những việc không công bằng, rồi họ kết luận: Chỉ có những người cách mạng chống lại những sự bắt đi lính ấy. Họ xem nhiều sách quá rồi họ thất vọng và cho rằng đời sống là trống rỗng, vô ích”.

Bà Mác chỉ nói đúng một nửa. Một phần thanh niên Mỹ ghét chiến tranh, song không biết chống lại. Còn một phần thanh niên khác thì hăng hái chống đế quốc chủ nghĩa, chống chiến tranh. Họ không ở trong các Trường Trung học, cho nên bà Mác không biết họ.

Đ.X”6.

Báo Cứu quốc, số 1945, ngày 09-11-1951.

Thu Hiền (tổng hợp)

-----------

1, 2, 3,4. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.208-210, tr.221-222; tr.242-243; tr.288-289.
5. Sđd, tập 5, tr.6.
6. Sđd, tập 7, tr.229.

Bài viết khác: