I. Bác Hồ với tuổi trẻ quốc tế
1. “Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp
Các bạn thân mến,
Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau.
Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em.
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi Hungari, năm 1957. Ảnh Internet
Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta.
Trong cuộc chiến đấu của chúng ta, chúng ta không cô độc, vì chúng ta có tất cả dân tộc của chúng ta ủng hộ và vì những người Pháp dân chủ, những người Pháp chân chính, đứng bên cạnh chúng ta.
Công việc chung của chúng ta "Hội Liên hiệp thuộc địa" và tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ đã có những kết quả tốt. Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.
Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc.
Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta.
Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập.
Có lẽ một vài người trong các bạn cũng phải và có thể làm như tôi. Còn các bạn khác thì tiếp tục công việc hiện thời của chúng ta: Củng cố "Hội liên hiệp thuộc địa" và phát triển tờ báo NGƯỜI CÙNG KHỔ của chúng ta.
Các bạn thân mến,
Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn luôn gần các bạn.
Các bạn tha lỗi cho tôi không hôn các bạn trước khi đi. Các bạn biết rằng tôi bị theo dõi riết.
Khi các bạn được thư này, Nguyễn của các bạn ít nhất cũng đã xa nước Pháp 24 giờ rồi.
Đại, người đồng hương của tôi, sẽ giao lại cho ông B. thìa khóa của tòa báo, giấy tờ và tài liệu của Hội và của tờ báo, cũng như quỹ của tờ báo. Tôi đã trả tiền thuê nhà cho tòa báo đến cuối nǎm. Tiền in cũng đã thanh toán. Chúng ta không mắc nợ ai. Sổ thư viện để ở trong ngǎn kéo bên phải. Sách cho mượn đã lấy về, trừ những sách cho những hội viên đi nghỉ mượn.
Nói tóm lại, các việc đều đâu vào đấy trước khi tôi đi.
Tôi sẽ viết thư cho các bạn. Nhưng tôi không dám hứa với các bạn, vì không phải dễ viết thư khi người ta hoạt động bí mật. Dù tôi có viết thư cho các bạn hay không, các bạn hãy tin chắc rằng lòng tôi luôn luôn yêu các bạn. Nhờ các bạn bắt tay những người bạn Pháp của chúng ta.
Bây giờ, một vài lời với cháu trai và cháu gái.
Các cháu rất yêu chú và chú cũng rất yêu các cháu, phải không các cháu? Chú sẽ nói với những người bạn nhỏ Việt Nam là các cháu rất ngoan. Chú sẽ thay mặt các cháu bắt tay các bạn nhỏ Việt Nam.
Có lẽ rất lâu, các cháu sẽ không được thấy chú Nguyễn, không được leo lên đùi, lên lưng chú như các cháu thường làm. Và cũng rất lâu chú sẽ không thấy cô Alítxơ (Alice) và cậu Pôn (Paul) của chú. Khi chú cháu mình gặp nhau, có lẽ chú đã già, các cháu đã lớn bằng ba và má. Điều đó không ngại gì. Chú sẽ luôn luôn nhớ đến các cháu. Các cháu luôn luôn vẫn là cô bé Alítxơ và cậu bé Pôn thân yêu của chú.
Các cháu ngoan. Học thuộc bài. Vâng lời cha mẹ. Đừng đánh con chó nhỏ Mariuýt (Marius) của các cháu. Khi các cháu đã hơi lớn, các cháu sẽ đấu tranh cho Tổ quốc của các cháu cũng như ba má, chú Nguyễn và những chú khác.
Các cháu nhỏ thân yêu của chú, chú hôn các cháu rất kêu. Các cháu hôn mẹ hộ chú.
CHÚ NGUYỄN”1.
In trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.51-54
2. “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản
… CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
1/ Xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt.
2/ Tập hợp những phần tử dân tộc cách mạng.
3/ Cố gắng đưa những thanh niên người bản xứ đi Mátxcơva.
4/ Xây dựng dây liên lạc Mátxcơva - Đông Dương - Pari.
HỢP TÁC
a/ Điều gì mà Đảng có thể làm thì đã liệt kê trong thư gửi cho nó do Ban phương Đông chuyển.
b/ Tổng công hội thống nhất đã hứa làm hết sức mình để 2 hoặc 3 đồng chí người Pháp có thể sang Đông Dương để tổ chức công nhân.
c/ Thanh niên cộng sản Pháp phải lợi dụng chủ nghĩa quân phiệt để đưa những thành viên chắc chắn nhất đăng lính vào đội quân thuộc địa để dắt dẫn sự tuyên truyền trong những người bản xứ.
2/ Sự giúp đỡ của Thanh niên cộng sản Trung Quốc là tuyệt đối cần thiết cho sự hoạt động ở Đông Dương.
Một cuộc thảo luận giữa những đại biểu của Đảng, của Tổng công hội thống nhất, của Thanh niên và của Ban phương Đông có thể ló ra nhiều ánh sáng khác”2.
3. “Tình hình ở Trung Quốc
Cương lĩnh của các sinh viên cách mạng
Nguyên nhân của tình hình tồi tệ hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều. Trước hết Trung Quốc bị yếu vì sự mâu thuẫn giữa miền Bắc và miền Nam. Sau đó, tính chất thủ cựu của chủ nghĩa nghị trường bắt chước theo kiểu phương Tây và tham vọng mù quáng cá nhân của chủ nghĩa quân phiệt biểu hiện ở mức độ này hay mức độ khác dựa vào nước ngoài đang phá hoại Trung Quốc. Và cuối cùng là do những cường quốc tư bản chủ nghĩa từng phút một, cố ý gây ra sự rối loạn bên trong để kìm hãm thậm chí cả những cải cách không đáng kể.
Thế nhưng rất may mắn là tiếng vang của Cách mạng Nga hình như đã thức tỉnh thế hệ mới của Trung Quốc. Lực lượng trẻ mới ra đời có đầy nhiệt tình và sức sống. Điều này thể hiện đặc biệt rõ rệt nhất là Hội sinh viên cách mạng. Hội có khoảng 100 nghìn hội viên trong cả nước Trung Hoa. Hội xuất bản nhiều tờ báo, mỗi tỉnh có một hoặc hai tờ. Năm 1919, Hội đã khuyên đoàn đại biểu Trung Quốc từ chối ký Hiệp ước Vécxây. Đó là những người tham gia việc tổ chức tẩy chay Nhật Bản. Ở Bắc Kinh, sinh viên đã thiêu huỷ những lâu đài xa hoa của hai bộ trưởng bán cho tư bản Nhật, buộc những người này từ chức và có những lời cảnh cáo xác đáng trước đối với họ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ tư, Hội đã thông qua cương lĩnh chính trị, mà những điểm cơ bản của nó là:
Chính sách đối nội. Nghị viện và chính phủ phải thực hiện trung thực ý chí của nhân dân.
Hoàn toàn tự do tổ chức, hội họp, ngôn luận và báo chí.
Quyền đình công cho công nhân.
Địa vị độc lập của tòa án.
Quan hệ quốc tế. Quyền tự quyết của các dân tộc.
Đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Vấn đề phụ nữ. Bình đẳng về giáo dục chính trị và kinh tế cho cả nam và nữ. Thi hành hệ thống trường học thống nhất - tức là thành lập các trường học trong đó con trai và con gái cùng học.
Trả công như nhau cho lao động như nhau.
Quyền nghỉ ngơi và tiền trợ cấp cho trường hợp đau ốm và sản phụ.
Hội ủng hộ tất cả các yêu sách của công nhân.
Hội có mục đích: Ủng hộ tất cả những yêu sách và mọi phong trào cách mạng của nông dân, công nhân và tiểu thương.
Hội kêu gọi tất cả nhân dân lao động và sinh viên tiến hành một cuộc tuần hành chung toàn quốc để tưởng nhớ những người công nhân đường sắt bị tướng Ngô Bội Phu giết chết trong thời gian đình công trên đường sắt Bắc Kinh - Hán Khẩu). Hội coi việc giúp đỡ công nhân nạn nhân của cuộc đấu tranh, là nghĩa vụ của mình, vạch trần và lên án trước toàn quốc hành động tội ác của chính phủ và bè lũ quân phiệt của nó trong thời gian đình công.
Chúng ta cũng nói thêm là Liên đoàn sinh viên còn yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng khôi phục quan hệ với nước Nga.
NGUYỄN ÁI QUỐC”3.
Báo L'Humanité, ngày 04-12-1923.
4. “Phụ nữ phương Đông
Trong các tổ chức công đoàn Nhật Bản, phụ nữ chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc mới thành lập được ba năm đã có trong hàng ngũ của mình hơn 150 nữ công nhân và nữ sinh viên.
Từ khi đồng chí Lênin mất, các tổ chức chính trị, văn hóa và các tổ chức khác của học sinh các nước phương Đông tổ chức nhiều cuộc mít tinh và hội họp.
Dưới đây là lời kêu gọi của một nữ sinh viên đăng trên Báo Phụ nữ ở Thượng Hải (Trung Quốc):
"Hỡi các chị em!
Từ khi có chủ nghĩa tư bản, toàn bộ cơ thể xã hội đều bị ảnh hưởng tai hại của nó. Các vật phẩm do tất cả mọi người sản xuất ra, đáng lẽ phải thuộc về tất cả mọi người thì lại thuộc đặc quyền của một vài người! Ách áp bức kinh tế đã nô dịch con người, cũng ách áp bức ấy đã biến phụ nữ thành những đồ vật tuỳ thuộc quyền sử dụng của nam giới!
Từ bao thế kỷ nay, bao nhiêu triệu con người đã bị xiềng xích như thế? Bao nhiêu triệu đàn bà đã bị hy sinh?
Trong lúc cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra ác liệt, trong lúc hàng triệu người không làm hại đến ai, đang muốn sống, nhưng lại bị đưa vào chỗ chết, Lênin đã đạp bằng gian khổ và khó khăn, đã thức tỉnh giai cấp vô sản Nga nổi dậy, đã tổ chức các xôviết.
Lênin không những chỉ giải phóng nam giới và nữ giới trên đất nước Tiên sinh, mà còn chỉ đường cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới. Và bất chấp bọn bạch vệ tấn công ở bên trong, bọn tư bản bao vây ở bên ngoài, ý chí kiên cường của Lênin đã cứu đồng bào của Tiên sinh ra khỏi cảnh đau khổ và lầm than, và đã nêu cao ngọn cờ của Quốc tế cho tất cả những người bị áp bức.
Điều đó há chẳng đáng để ta kính cẩn mặc niệm trước anh linh vĩ đại của Tiên sinh hay sao?
Ngày 21 tháng 1 há chẳng mãi mãi là một ngày tang cho tất cả những nam nữ đang chịu khổ cực hay sao?
Nước Nga đang đến phồn vinh. Nhưng muốn có được một nền hòa bình thực sự thì còn phải tiến lên hơn nữa và còn phải làm nhiều việc nữa. Loài người đang thức tỉnh, nhưng muốn tự giải phóng hoàn toàn thì còn phải đấu tranh".
Lời kêu gọi trên đây nói lên rằng đã có một bước ngoặt lớn ở các nước phương Đông từ khi ngọn cờ đỏ in hình búa liềm tung bay trên nước Nga sa hoàng.
NGUYỄN ÁI QUỐC”4
Tạp chí Rabôtnhitsxa, tiếng Nga, số 9, tháng 5-1924.
5. “Thư gửi tướng Lơcléc
… Thưa Đại tướng, thân hữu, tôi nói với ngài với một tấm lòng thành thực và đau đớn. Đau đớn vì thấy bao nhiêu chiến sĩ thanh niên Pháp và Việt đang tàn sát lẫn nhau. Những thanh niên hy vọng của hai nước chúng ta, và đáng lẽ phải sống cùng nhau như anh em”5.
In trong sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr. 17-18.
6. “Thanh niên Mỹ chống chiến tranh
Bà Mácin Tô, Giám đốc một Trường Trung học Mỹ, viết trong Nữu Ước thời báo: “Hiện nay thanh niên Mỹ chỉ lo phải đi lính. Những thanh niên đã đi lính trong cuộc Thế giới đại chiến thứ hai thì lo: Có phải đi lính lần nữa không?”. Những thanh niên ấy sinh trưởng trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Họ thấy những việc không công bằng, rồi họ kết luận: Chỉ có những người cách mạng chống lại những sự bắt đi lính ấy. Họ xem nhiều sách quá rồi họ thất vọng và cho rằng đời sống là trống rỗng, vô ích”.
Bà Mác chỉ nói đúng một nửa. Một phần thanh niên Mỹ ghét chiến tranh, song không biết chống lại. Còn một phần thanh niên khác thì hăng hái chống đế quốc chủ nghĩa, chống chiến tranh. Họ không ở trong các Trường Trung học, cho nên bà Mác không biết họ.
Đ.X”6.
Báo Cứu quốc, số 1945, ngày 09-11-1951.
Thu Hiền (tổng hợp)
-----------
1, 2, 3,4. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.208-210, tr.221-222; tr.242-243; tr.288-289.
5. Sđd, tập 5, tr.6.
6. Sđd, tập 7, tr.229.
7. Thanh niên Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam
“Trong phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, thanh niên Pháp rất hoạt động. Vì vậy, anh Hǎngri Máctanh, chị Raymông Điêng và nhiều thanh niên khác đã bị tù (nhờ nhân dân Pháp đấu tranh mạnh, nay đã được tha).
Tại Đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Thủ đô nước Rumani, hồi tháng 8, có 3.500 đại biểu thanh niên Pháp, trong đó có đủ các tầng lớp và các tôn giáo. Sau một cuộc gặp gỡ rất thân mật với đoàn đại biểu thanh niên Việt, đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã thông qua một quyết nghị tóm tắt như sau:
“Chúng tôi có hân hạnh lớn được gặp thanh niên Việt - Miên - Lào. Trong lúc chúng tôi hôn nhau như anh em, thì chiến tranh tàn nhẫn vẫn tiếp tục ở Đông Dương.
“Chúng tôi sung sướng cảm thấy rằng thanh niên Việt - Pháp rất gần gũi nhau, có thể hiểu biết nhau và lập mối quan hệ thân thiết lâu dài với nhau. Vì vậy, cuộc gặp gỡ này cũng như một hành động hòa bình, như một sự khuyến khích thanh niên Pháp phát triển đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam… Thanh niên Pháp sẽ đấu tranh không ngừng, để đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh là đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam…
“Hòa bình ở Việt Nam và nối lại quan hệ kinh tế và vǎn hóa với Việt Nam, thì nước Pháp sẽ gây được cảm tình thân thiện với một dân tộc lớn. Hòa bình ở Việt Nam thì nước Pháp có thể xây dựng đời sống của mình với số tiền bạc khổng lồ mà hiện nay đang hoang phí vào chiến tranh. Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta, là lợi ích chung của hai Tổ quốc chúng ta”.
Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Nhân dân thế giới nhất là nhân dân Pháp đều phản đối. Quân đội thực dân Pháp không có chỗ dựa. Trái lại, cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy địch nhất định thua, ta nhất định thắng.
C.B”.
Báo Nhân Dân, số 144, từ ngày 26 đến 31-10-19537.
8. Thư gửi thanh niên Pháp
“Gửi các bạn thanh niên nam nữ Pháp,
Các bạn thân mến,
Các cháu thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan Bucarét về đã kể lại cho chúng tôi nghe những cử chỉ thân ái thật là cảm động giữa các bạn thanh niên Pháp - Việt. Chúng tôi rất cảm kích với tấm lòng của các bà mẹ và các bạn nữ thanh niên Pháp đã gửi cho các bà mẹ và các cháu nhi đồng Việt Nam những món quà xinh và những chiếc ảnh đẹp.
Chúng tôi lại biết rằng các bạn là những người thanh niên nam nữ đang cùng toàn thể nhân dân anh dũng của nước Pháp can đảm đấu tranh chống cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam. Điều đó chứng tỏ một lần nữa rằng nhân dân hai nước chúng ta sẵn một lòng thương yêu nhau và thông cảm với nhau. Chỉ có bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là những kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh phi chính nghĩa này, nó đã gây nên bao nhiêu khổ cực và tang tóc cho nhân dân Pháp cũng như nhân dân Việt Nam.
Cho nên các bạn và chúng tôi, chúng ta phải sát cánh cùng nhau đấu tranh kiên quyết để thắng kẻ thù chung của chúng ta. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể thực hiện được mục đích chung của chúng ta là cộng tác thân ái với nhau trên cơ sở độc lập, tự do và hoà bình, vì lợi ích chân chính của cả hai nước chúng ta.
Hoan nghênh các bạn thanh niên Pháp đang đấu tranh cho hòa bình và dân chủ!
Tình thân ái giữa nhân dân hai nước Việt - Pháp muôn nǎm!
Hôn tất cả các cháu
HỒ CHÍ MINH
Viết cuối tháng 10-1953, Báo Nhân Dân, số 147, từ ngày 11 đến 15-11-19538.
9. Nhân dịp Hội nghị Quốc tế bảo vệ quyền lợi thanh niên
"Đại biểu thanh niên của 70 nước đã họp xong hội nghị ở Viên (thủ đô nước Áo), bàn cách giữ gìn quyền lợi của thanh niên. Nhân dịp này, C.B. có mấy lời cống hiến cho thanh niên Việt Nam ta:
Hiện nay, quyền lợi chung của dân tộc và riêng của thanh niên ta, đang bị bọn đế quốc Pháp - Mỹ và lũ phong kiến bù nhìn xâm phạm. Để tranh lại và để giữ gìn quyền lợi của mình, thanh niên ta:
- Cần phải hǎng hái tham gia kháng chiến.
- Cần phải rèn luyện mình thành những chiến sĩ kiên quyết và gan góc, không sợ nguy hiểm, không sợ khó khǎn.
- Cần phải yêu lao động và kính trọng của công; chống quan liêu, tham ô, lãng phí.
- Cần phải tuyệt đối yêu Tổ quốc, dũng cảm hy sinh cho Tổ quốc.
- Cần phải gắn chặt lòng yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế chân chính, thật thà trung thành với nhân dân, với Đảng và Chính phủ.
C.B. lại trích một đoạn trong bài hát của 16 triệu thanh niên cộng sản Liên Xô, để tặng thanh niên ta:
“Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả mọi khó khǎn,
“Chiến thắng Nam cực, Bắc cực và chân trời.
“Khi Tổ quốc bảo chúng ta làm việc gì to lớn gay go mấy,
“Chúng ta cũng quyết tâm làm được, không ngần ngại, không kiêu cǎng.”
Đó cũng là con đường vẻ vang chung của thanh niên thế giới, và riêng của thanh niên Việt Nam ta.
C.B.
Báo Nhân Dân, số 105, từ ngày 06 đến 10-4-19539.
10. Diễn vǎn trong tiệc chiêu đãi ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên)
“… Một điều khác làm cho chúng tôi sung sướng là những thành tích to lớn của nhân dân Triều Tiên trong công cuộc dựng lại nước nhà. Vài thí dụ:
Trong chiến tranh, Bình Nhưỡng đã bị đế quốc Mỹ tàn phá thành đất bằng, ngày nay Bình Nhưỡng đã trở nên một Thủ đô mới đẹp.
Sức lao động sáng tạo của giai cấp công nhân cùng với trí tuệ của anh em trí thức đã làm cho công nghiệp Triều Tiên chế tạo được nhiều máy móc và nhiều đồ dùng trong đời sống hằng ngày.
Chính sách của Đảng và Chính phủ trong cải cách ruộng đất, sức lao động cần cù của nông dân, kết quả tìm tòi của các nhà khoa học, đã làm cho sản xuất nông nghiệp tǎng nǎng suất lên nhiều.
Do sự hǎng hái xung phong mỗi nǎm làm một tháng lao động nghĩa vụ, thanh niên và học sinh đã tham gia xây những ngôi nhà nguy nga và đắp những con đường rộng rãi…
Có những thành tích đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động và Chính phủ Nhân dân Triều Tiên, do sự đoàn kết nhất trí và cố gắng của toàn thể nhân dân, do sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa.
Những thành tích đó của các đồng chí khuyến khích nhân dân Việt Nam rất nhiều…”.
Đọc ngày 10-7-1957, Báo Nhân Dân, số 1221, ngày 12-7-195710.
11. Thư gửi thiếu nhi Liên Xô
“Thân gửi các cháu nam nữ thiếu nhi Liên Xô bé nhỏ của Bác,
Tòa soạn tờ báo của các cháu yêu cầu Bác viết cho các cháu một vài dòng. Bác vui lòng thực hiện yêu cầu đó.
Từ Việt Nam xa xôi, các bạn thiếu nhi Việt Nam bé nhỏ của các cháu nhờ Bác chuyển tới các cháu nhiều lời chào mừng thân ái và nhiều cái hôn. Các bạn thiếu nhi Việt Nam của các cháu coi các cháu như anh em trong một nhà.
Các cháu yêu quý của Bác,
Chỉ ít ngày nữa ở Mátxcơva sẽ khai mạc cuộc Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 6. Nhân dịp này, Bác gửi lời chào mừng các cháu, Bác mong các cháu luôn luôn yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, kính trọng và yêu mến cha mẹ, thầy học và anh em bạn và luôn luôn đoàn kết chặt chẽ với thiếu nhi Việt Nam cũng như thiếu nhi toàn thế giới.
Bác hôn các cháu
Mátxcơva, ngày 17 tháng 7 nǎm 1957
BÁC HỒ của các cháu”
In trong sách Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1958, t.IV, tr.10211.
12. “Tôi xin gửi cho các cháu thanh niên và nhi đồng Liên Xô nhiều cái hôn và lời chúc vui vẻ, mạnh khỏe, học tập tốt, lao động tốt, tiến bộ nhiều”.
(Trích Diễn văn trong buổi tiễn Chủ tịch Vôrôsilốp, Báo Nhân Dân số 1173, ngày 25-5-195712).
13. Lời chúc thiếu nhi Liên Xô tại trại Atếch
“Bác chúc tất cả các cháu vui vẻ, thành công và mạnh khỏe. Bác chuyển tới các cháu lời chào anh em của các cháu thiếu nhi Việt Nam. Bác hôn tất cả cả cháu”11.
BÁC HỒ”
Báo Nhân Dân, số 1265, ngày 25-8-195713.
14. Điện gửi Tổng thống Pháp Rơnê Côty yêu cầu huỷ bỏ án tử hình chị Giamila
“Kính gửi: Ông Rơnê Côty, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp,
Tôi vô cùng xúc động trước việc chị Giamila Buhirét, người nữ thanh niên yêu nước Angiêri, bị kết án tử hình. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi đề nghị Ngài có biện pháp phù hợp với truyền thống yêu chuộng công lý và nhân đạo của nhân dân Pháp để cứu sống tính mạng của chị.
Kính gửi Ngài lời chào trân trọng.
Ngày 07 tháng 3 nǎm 1958
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
HỒ CHÍ MINH”
Báo Nhân Dân, số 1460, ngày 11-3-195814.
15. Nói chuyện với sinh viên đại học chào mừng Tổng thống Xucácnô
“Hà Nội ta có nhiều trường mà Trường đại học của các cháu được nhiều vinh dự đón khách quý. Những khách từ các nước bạn anh em đến Việt Nam là đến thǎm các cháu.
Bác Cácnô không muốn người ta gọi là Bác mà là Anh cả, là Bung Cácnô bởi vì Bác Cácnô muốn gần gũi nhiều, gần gũi mãi với thanh niên. Hôm nay Bác Cácnô đến thǎm các cháu, đấy chẳng những là một vị lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc 88 triệu dân đưa đến cho các cháu tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân Inđônêxia, của thanh niên Inđônêxia mà Bác Cácnô đến thǎm các cháu lấy danh nghĩa là cựu sinh viên. Bác Cácnô đến đây chẳng những để nói chuyện với các cháu, nhưng mà các cháu phải xem Bác Cácnô là một tấm gương cách mạng từ lúc nhỏ, từ trong trường học ra ngoài trường học, từ lúc tự do cũng như mười mấy nǎm tù tội, luôn luôn hy sinh phấn đấu cho độc lập dân tộc, cho dân chủ, cho hoà bình thế giới.
Bác Cácnô đã nói với các cháu những gì? Nói tương lai của loài người một phần lớn là ở trong các cháu thanh niên - tức là các cháu là chủ nhân, là ông chủ, bà chủ tương lai của trái đất. Nhưng muốn cho xứng đáng với ông chủ, bà chủ thì phải làm thế nào? Không phải cứ ngồi khoanh tay sẽ là ông chủ, bà chủ, mà:
1. Phải đoàn kết chặt chẽ.
2.Cố gắng học tập cho tốt.
3. Phải lao động cho tốt.
4. Vượt mọi khó khǎn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả những khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ thứ XX.
Muốn như thế thì phải thế nào? Bác Cácnô đã nói: Phải chiến thắng những tật xấu cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần xã hội chủ nghĩa. Các cháu đã có tinh thần xã hội chủ nghĩa, còn cá nhân chủ nghĩa cũng còn nhiều. Các cháu chắc biết trong xã hội, trong một con người cũng thế, có cái thiện và ác. Hai cái nó tranh đấu với nhau. Nói cái “thiện” tức là tinh thần xã hội chủ nghĩa, tinh thần chiến đấu mà thắng thì cá nhân chủ nghĩa sẽ thua, mà nếu cá nhân chủ nghĩa thắng thì tinh thần xã hội chủ nghĩa sẽ thua. Các cháu là những người tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đây là xây dựng chủ nghĩa xã hội cho các cháu. Bác, đàn anh có tuổi rồi, có hưởng xã hội chủ nghĩa cũng không được mấy vì già rồi, hưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa là các cháu. Vì vậy các cháu phải ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần xã hội chủ nghĩa, muốn có tinh thần xã hội chủ nghĩa phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Các cháu có đánh bại được chủ nghĩa cá nhân không? Có quyết tâm không? Có học được gương sáng Bung Cácnô không? Thế thì Bác và Bung Cácnô chờ đợi những thành tích của các cháu trong học tập, trong lao động, trong đoàn kết, trong việc đánh bại chủ nghĩa cá nhân và trong thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Các cháu có làm được không? Có chắc chắn không?
Bây giờ đây, thay mặt các cháu, Bác gửi đến các bạn thanh niên và các bạn học sinh, sinh viên Inđônêxia tất cả tình hữu nghị thắm thiết và ý chí thi đua xã hội chủ nghĩa của thanh niên và sinh viên Việt Nam”.
Nói ngày 26-6-1959, Báo Nhân Dân, số 1929, ngày 27-6-195915.
Thu Hiền (tổng hợp)
-----------
7. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.317-318.
8. Sđd, tập 8, tr.324-325.
9. Sđd, tập 8, tr.107-108.
10. Sđd, tập 11, tr.5-6.
11. Sđd, tập 11, tr.15.
12. Sđd, tập 10, tr.558.
13. Sđd, tập 11, tr.76.
14. Sđd, tập 11, tr.360.
15. Sđd, tập 12, tr.12.
16. Chế độ nào, thanh niên ấy
Ngày 17 tháng 01 nǎm 1960, chiếc thuyền nhỏ chở bốn thuỷ thủ trẻ tuổi Liên Xô (Digansin, Palốpxki, Criútcốpxki, Phêđôtốp), bốn người thuộc ba dân tộc, đều mới vào bộ đội bị bão to cuốn ra khơi Thái Bình Dương. Máy vô tuyến điện hỏng, đứt liên lạc với trên bờ. Trên thuyền chỉ có lương đủ cho hai ngày và hai mươi kilô khoai. Bốn người lênh đênh xiêu bạt suốt bốn mươi chín ngày đêm. Lương thực hết, họ phải nấu giầy ủng mà ǎn. Ǎn hết giầy họ phải ǎn cả chiếc đàn gió bằng da. Nước hết, họ hứng nước mưa và mỗi người mỗi ngày chỉ được uống nửa cốc. (Để mừng ngày sinh của Criútcốpxki, các bạn tặng anh một cốc nước đầy, nhưng anh không nỡ uống).
Đói, khát, rét, mệt, nguy hiểm đến cực độ, nhưng bốn thanh niên anh hùng ấy vẫn giữ vững tinh thần, không chút nản chí. Lênh đênh trên mặt biển, không có việc gì làm, họ thay phiên nhau ngâm thơ, đọc sách, kéo đàn (khi chiếc đàn hãy còn) để khuyến khích lẫn nhau.
Cuối ngày thứ bốn mươi chín, thì một chiếc tàu binh Mỹ vớt họ lên.
Đó là tiêu biểu tinh thần đoàn kết và chí khí bất khuất của thế hệ thanh niên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
*
* *
Ai cũng biết rằng ở Mỹ, số thiếu niên và thanh niên phạm tội ngày càng nhiều. Nhất là ở các thành phố lớn, ngày nào cũng xảy ra những vụ thiếu niên và thanh niên phạm tội trộm cắp, hãm hiếp, cướp của, giết người. Ví dụ: Cách đây không lâu, tên E.Pakê, mười sáu tuổi, đã bắn chết cha và em gái của cô A. Khi bị bắt, nó khai rằng nó đã chuẩn bị kế hoạch từ lâu định giết cả mẹ và hai em gái của cô A. Nhưng “không may” ba người đã chạy thoát.
Vừa rồi, chỉ trong mấy ngày (từ 2-2 đến 2-3), tên D.Hoaini, mười bảy tuổi, quê ở Caliphoócnia, đã giết chết nǎm người đàn ông và một người đàn bà. Khi bị bắt, nó thản nhiên nói: “tôi định giết mười hai người. Tiếc rằng tôi chưa làm được như ý muốn”.
Đó là đầu óc hư hỏng và cử chỉ điên cuồng của thế hệ thanh niên dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.
Hai chế độ xã hội khác nhau đã giáo dục nên hai thế hệ thanh niên khác nhau?
T.L.
Báo Nhân Dân, số 2203, ngày 30-3-196016.
17. Lời khen ngợi bốn thuỷ thủ trẻ tuổi Liên Xô
Những kỳ công tuyệt vời của bốn chiến sĩ trẻ tuổi Liên Xô đã làm cho toàn thể nhân dân Việt Nam chúng tôi khâm phục. Những người con trung thành của đất nước Liên Xô, được Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin giáo dục và Đảng Cộng sản vĩ đại bồi dưỡng, đã tỏ ra có một nghị lực phi thường, có một tinh thần kiên cường, có lòng dũng cảm và lòng yêu nước cao cả. Chủ nghĩa anh hùng của họ là một gương sáng cho thanh niên Việt Nam trong cuộc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và giành thống nhất nước nhà.
Là một người cộng sản lão thành, tôi hết sức tự hào, khen ngợi và gửi những cái hôn thân ái đến những anh hùng trẻ tuổi ấy, đại biểu xứng đáng cho thế hệ thanh niên xôviết đang xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Báo Nhân Dân, số 2203, ngày 30-3-196017.
18. Điện cảm ơn lời chúc mừng năm mới của Hội Liên hiệp sinh viên quốc tế
Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế,
Praha
Các bạn thân mến!
Tôi thành thật cảm ơn các bạn về những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp của các bạn. Tôi thân ái chúc Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế và toàn thể sinh viên thế giới nhiều thành tích mới lớn lao hơn nữa trong công cuộc đấu tranh bền bỉ cho hòa bình thế giới, cho sự hợp tác hữu nghị giữa sinh viên các nước và cho lợi ích của tuổi trẻ.
Chào thân ái
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 2504, ngày 26-01-196118.
19. Điện mừng kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế
Các bạn thân mến,
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế, tôi chào mừng những cố gắng to lớn và những thành tựu tốt đẹp của Hội trong cuộc đấu tranh để củng cố sự thống nhất và hợp tác của sinh viên, để chống chủ nghĩa quốc tế và thực dân, giành hòa bình và độc lập dân tộc và cải thiện điều kiện sinh hoạt và học tập của sinh viên.
Thời đại chúng ta là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mong rằng các bạn sinh viên và các tổ chức sinh viên, đoàn kết chặt chẽ trong Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế, hăng hái tiến lên giành những thắng lợi to lớn mới.
Tôi gửi các bạn những lời chúc mừng tốt đẹp nhất và những lời chào thân ái.
Bác
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 2791, ngày 12-11-196119.
20. Điện gửi Đại hội sinh viên quốc tế
Các bạn thân mến,
Tôi xin gửi Đại hội lần thứ VII Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế những lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Tôi thành thật hoan nghênh sự đóng góp to lớn của Hội Liên hiệp Sinh viên quốc tế vào cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình, giành độc lập dân tộc và dân chủ hoá nền giáo dục và vào việc thống nhất phong trào sinh viên thế giới.
Tôi hết lòng chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Bác
Hồ Chí Minh
Báo Nhân Dân, số 3068, ngày 18-8-196220.
21. Ủng hộ Cuba chống đế quốc Mỹ
… Mặc dù Mỹ trắng trợn đe dọa, Cuba anh hùng vẫn bằng chân như vại. Đã mấy năm nay, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Phiđen Caxtơrô, nhân dân Cuba luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc mình. Từ ngày 22-10, thanh niên gái và trai cùng công nhân và nông dân đều tự động vác súng ra mặt trận. Gia đình họ tự động bảo đảm công việc sản xuất ở nhà máy và nông trường. Các em bé thì tự động làm những công việc nhẹ… Mọi người quyết tâm kháng chiến đến giọt máu cuối cùng, biến Cuba thành mồ chôn bọn đế quốc xâm lược…
T.L.
Báo Nhân Dân, số 3175, ngày 04-12-196221.
22. Điện gửi Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới
Nhân dịp ngày 24-4, tôi sung sướng gửi lời chào mừng nhiệt liệt đến Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới và các bạn thanh niên toàn thế giới. Chúc các bạn đạt được nhiều thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, để giành lấy và giữ gìn độc lập dân tộc và hoà bình thế giới, để thực hiện sự hợp tác anh em giữa tất cả các dân tộc. Các bạn hãy tǎng cường thống nhất, đoàn kết để bảo đảm thắng lợi và tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ.
Hôn tất cả các bạn
BÁC HỒ
Báo Nhân Dân, số 3315, ngày 24-4-196322.
23. Trả lời phỏng vấn của đồng chí Xalômông, Tổng biên tập báo Người bình dân - Urugoay
… Phong trào của nhân dân Mỹ kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam chứng tỏ hùng hồn rằng chính sách gây chiến và xâm lược của giới cầm quyền Mỹ là hết sức xấu xa, phản động, vì nó chà đạp lên quyền sống của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng trái ngược với lợi ích của nhân dân Mỹ. Phong trào đó cũng vạch cho nhân dân thế giới thấy những lời ba hoa của Tổng thống Mỹ Giônxơn nói rằng không có người Mỹ nào phản đối chính sách của họ ở Việt Nam hoàn toàn là những lời lừa bịp hết sức trơ trẽn. Nhân dân Việt Nam rất cảm động trước sự hy sinh cao cả của những công dân Mỹ như bà cụ Henga Hécdơ, các thanh niên Noman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ và bà Xilin Giancaoxki…
Báo Nhân Dân, số 4267, ngày 10-12-196523.
24. Thư gửi thiếu nhi Trung Quốc
Các cháu thân mến,
Cảm ơn các cháu đã gửi thư cho Bác.
Các cháu rất quan tâm và đồng tình với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Tinh thần quốc tế vô sản đó của các cháu rất tốt. Bác vui mừng báo cho các cháu biết: các chú Giải phóng quân và du kích miền Nam Việt Nam đánh rất giỏi, đang liên tiếp giành thắng lợi. ở miền Bắc, từ ngày 5-8-1964 đến nay, gần 300 máy bay của bọn xâm lược Mỹ đã bị bắn rơi.
Vừa được sự ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc và các nước anh em, được sự đồng tình nhiệt liệt của nhân dân thế giới, vừa dựa vào sức mình, nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh đến cùng. Đế quốc Mỹ nhất định thua. Việt Nam nhất định thắng.
Bác thân ái chúc các cháu lao động tốt, học tập tốt, sức khoẻ tốt, cố gắng trở thành cháu ngoan của Bác Mao.
BÁC HỒ
Báo Nhân Dân, số 4058, ngày 14-5-196524.
25. Thư gửi cháu Mariana (Liên Xô)
cháu Mariana thân mến,
Cảm ơn cháu đã gửi thư cho Bác. Cháu muốn sang Việt Nam tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ý muốn đó rất đúng đắn. Đó là tinh thần quốc tế vô sản cao quý của cháu.
Hiện nay nhiều thanh niên các nước cũng có ý muốn như cháu.
Bao giờ có điều kiện hoan nghênh thanh niên tình nguyện các nước đến Việt Nam, Bác sẽ báo cho cháu biết.
Bác chúc cháu lao động tốt, học tập tốt, sức khỏe tốt.
Nhờ cháu chuyển lời chào thân ái của Bác cho bố mẹ cháu.
Bác gửi cháu nhiều cái hôn.
Ngày 12 tháng 5 năm 1965
BÁC HỒ25
26. Thư gửi các cháu thiếu niên tiền phong (Liên Xô)
Các cháu Thiếu niên Tiền phong thân mến!
Cảm ơn các cháu đã gửi cho Bác khăn quàng đỏ, huy hiệu và bức thư.
Tiếc vì Bác nhận được thư quá chậm cho nên không trả lời đúng ngày Đại hội (29-4-1965) của các cháu.
Nay Bác gửi tặng các cháu một bức ảnh và chúc các cháu học tập tốt, sức khỏe tốt, tiến bộ nhiều.
Gửi các cháu nhiều cái hôn.
Ngày 12 tháng 5 năm 1965
BÁC HỒ26
Thu Hiền (tổng hợp)
-----------
16. Theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.540-541.
17. Sđd, tập 12, tr.539.
18. Sđd, tập 13, tr.19.
19. Sđd, tập 13, tr.239.
20. Sđd, tập 13, tr.441.
21. Sđd, tập 13, tr.509.
22. Sđd, tập 14, tr.70.
23. Sđd, tập 14, tr.678-679.
24. Sđd, tập 14, tr.544.
25. Sđd, tập 14, tr.548.
26. Sđd, tập 14, tr.549.
I. Tuổi trẻ quốc tế với Bác Hồ
1… Đối với chúng tôi, những người cộng sản ở Cộng hòa Dân chủ Đức, toàn thể nhân dân có nhiều điều gắn bó với sự nghiệp và thân thế của Hồ Chủ tịch. Nhiều mối quan hệ mật thiết có tính chất cá nhân không ngừng tăng lên trong mấy chục năm qua đã nói lên sự đồng nhất về mục tiêu và tư tưởng của chúng ta. Ngay từ những năm 20, Hồ Chủ tịch đã ở Béc-lin nhiều tuần và kết bạn với nhiều đồng chí. Người đã quen biết vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đức: Đồng chí En-xtơ Ten-lơ-man (Ernst Thaelmann). Người đã học được từ Đức đầu tiên là “Genosse” (đồng chí) do Clara Zetkin, một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào cộng sản Đức và quốc tế dạy cho, một từ mà những người cộng sản vẫn thường gọi và xưng hô với nhau. Với vị Chủ tịch đầu tiên của chúng tôi, đồng chí Vin-hem Pích, từ thời kỳ hoạt động chung Quốc tế cộng sản, Người đã có một tình bạn sâu sắc, mà sau này trong cuộc đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957 đã nhiều lần thể hiện mối thân thiết cảm động trong những lần gặp riêng cuối cùng với Chủ tịch Vin-hem Pích (Wilhelm Pieck).
Trong cuộc đi thăm đó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đến nhiều thành phố và thôn xóm khác nhau của đất nước chúng tôi và hàng nghìn người dân lao động nước chúng tôi đã được chứng kiến trực tiếp và yêu mến tình cảm gắn bó với nhân dân của Người, tính vui của Người và sức mạnh của lòng tin vào chiến thắng của những người cộng sản ở Người.
Bản thân tôi cũng có may mắn có dịp được gặp Người vào năm 1956 ở Hà Nội. Bấy giờ, tôi dẫn đầu một đoàn đại biểu của Phong trào thanh niên quốc tế sang dự Đại hội của Đoàn Thanh niên Việt Nam. Chúng tôi rất vinh dự biết tin sẽ được đồng chí Hồ Chí Minh tiếp. Cuộc gặp và tọa đàm với Người thuộc vào trong những ấn tượng sâu sắc và không bao giờ quên của đời tôi. Tôi vẫn còn thấy rõ trong tiếng nói của Người, còn nhận thấy sâu sắc sự chú ý và đức tính ham hiểu biết của Người, về cả những gì chúng tôi đã được chứng kiến ở Việt Nam cũng như những vấn đề của phong trào thanh niên quốc tế hồi đó.
Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói những gì trong giờ phút ấy, trong lần gặp ấy? Với phong cách vô cùng thân ái và cởi mở, mà người khách đến thăm lập tức không cảm thấy bất cứ một điều gì phải lo ngại và bất cứ một hình thức nghi lễ nào, Người hỏi về những cảm tưởng của chúng tôi và muốn biết ngay nhận xét của chúng tôi đối với đại hội thanh niên, đối với phong trào thanh niên dân chủ ở từng vùng trên thế giới; và quay lại phía tôi, Người hào hứng nhắc đến một vài kỷ niệm ở Đức và với các đồng chí Đức…
Người nói về thanh niên Việt Nam với lòng yêu mến sâu xa và điều làm tôi xúc động mãnh liệt trước hết là lòng tin không gì lay chuyển nổi của Người đối với lớp thanh niên này. Hồi đó chắc chắn không phải là thời gian dễ dàng gì, một số bước phát triển đang còn hoàn toàn ở giai đoạn đầu và không ai có thể nhìn nhận tốt hơn đồng chí Hồ Chí Minh về những thử thách nặng nề còn đặt ra đối với đất nước và thanh niên của đất nước Người.
Nhưng, lớp thanh niên đó của Việt Nam - mà về sức mạnh của họ, về những nhiệm vụ nặng nề và tốt đẹp của họ, Hồ Chủ tịch đã nói một cách sôi nổi như vậy - trong ngót 20 năm qua, kể từ thời kỳ đó, đã đứng bên cạnh các đồng chí cao tuổi hơn, vượt qua những thử thách nặng nề nhất trong cuộc đấu tranh cách mạng một cách hiên ngay và đầy thắng lợi, bất chấp cả sự khủng bố ác liệt nhất của bom đạn, đã đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến lên và đã chiến thắng kẻ thù ở miền Nam.
(Vécnơ Lambécxơ, “Thắng lợi vẻ vang trong tên tuổi của Người”1)
2. Đối với tôi, lần nào tới Việt Nam cũng là những kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Nhưng lần khiến tôi xúc động nhất là vào tháng 10 năm 1956, khi đó tôi và Raymông Điêng được vinh dự gặp Bác Hồ. Chúng tôi cứ ngỡ được gặp Người trong một căn phòng lộng lẫy nào đó. Thú thật với các bạn, dẫu sao thì nếp sống phương Tây vẫn là một thói quen của chúng tôi, hơn nữa Người là vị lãnh tụ của cả một dân tộc cơ mà! Khi được dẫn tới gặp Người tại một ngôi nhà nhỏ ven hồ, tôi, Raymông Điêng và những người cùng đoàn đã không kìm được sự ngạc nhiên và xúc động. Nơi ở của Người đây ư? Một vị lãnh tụ dân tộc lại có thể giản dị đến thế sao? Từ vật dụng trong ngôi nhà đều toát ra vẻ mộc mạc như chính chủ nhân của nó. Khi Người cầm tay chúng tôi, ân cần hỏi thăm, tôi mới hiểu ý nghĩa của từ mà người Việt Nam vẫn gọi vị lãnh tụ của mình một cách trìu mến: “Vị cha già dân tộc”. Giây phút đó đã đọng lại trong tôi như là một kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời. Để đến hôm nay, khi trở lại thăm ngôi nhà sàn bé nhỏ và Lăng Bác, tôi vẫn ngỡ Người đang ở đây chờ chúng tôi và sẽ lại hỏi thăm ân cần như trước.
(Hăngri Máctanh2)
3. Thật gần gũi và ấm cúng biết bao! Nhìn Bác trong Lăng, tôi thấy Bác như đang sống. Thực tế sự nghiệp cách mạng của Người đang sống. Nhân dân Việt Nam đi theo con đường Người đã chọn, đã và đang nỗ lực thực hiện Di chúc của Người.
Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại, dẫn dắt cách mạng Việt Nam thành công, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị thế giới.
Người là hiện thân của nhân dân Việt Nam, thể hiện khát vọng của người Việt Nam. Người trao đổi với dân, lấy ý kiến của dân, từ đó chỉ cho dân cách làm để thực hiện ý tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng sáng tạo. Người luôn luôn tìm cái mới, luôn nghĩ đến dân tộc và trăn trở tìm cách giúp dân, giúp nước. Người luôn sống cùng dân, sống trong dân nên Người tự cảm thấy nhân dân muốn gì để từ đó tìm được giải pháp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đó là một trong những đặc tính nổi bật của Người so với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Bài học “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nóng hổi tính thời sự cho hôm nay và cho cả mai sau…
(Hăngri Máctanh3)
4. Nói về Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tình đoàn kết quốc tế hữu nghị, trong sáng mà đương thời Người đã dày công gây dựng và vun đắp. Sự nghiệp đoàn kết quốc tế của Người mang tính nhân văn sâu sắc, đã và đang được lớp lớp con cháu gìn giữ và phát huy!.
(Hăngri Máctanh4)
5. Tôi rất cảm ơn số phận đã gắn cuộc đời tôi với Việt Nam. Tôi vẫn nhớ như in chuyến tôi được đến đất nước Việt Nam những năm 60. Sau khi tôi thực hiện thành công chuyến bay lên vũ trụ và được Bác Hồ cùng Chính phủ Việt Nam mời đến thăm đất nước tươi đẹp của các bạn. Thời gian đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã bắt đầu. Mặc dù bận muôn vàn công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác vẫn dành cho tôi sự đón tiếp rất ân cần. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tôi xuống nghỉ mát ở Vịnh Hạ Long và Người đã dành cho tôi một vinh dự bất ngờ lấy tên tôi đặt cho một hòn đảo trên Vịnh. Mặc dù đã nhiều năm qua đi, tôi cũng trải qua biết bao công việc, song bận đến đâu, vào những ngày lễ của Việt Nam như ngày Quốc khánh 02-9 và đặc biệt là ngày 19-5, bằng mọi cách tôi phải đến với Bác Hồ, đến với những người bạn Việt Nam đầy tình nghĩa. Cho đến giờ, ở nhà tôi vẫn còn hẳn một phòng để trưng bày những kỷ vật mang từ Việt Nam về. Vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi dùng cả đũa bát để ăn theo kiểu Việt Nam. Vợ và con cháu tôi cũng rất thích như vậy. Chúng cũng yêu Việt Nam như ông và cha của chúng.
(Anh hùng G.Titốp5)
6. Bác Hồ thật giản dị, gần gũi như người nhà, không có gì tỏ ra cách biệt giữa một vị đứng đầu Nhà nước với dân thường. Người mặc quần áo ka ki thường, không thắt cà vạt, không đi giày da mà mang dép cao su. Nhìn khuôn mặt hiền từ rạng rỡ của Người, chúng tôi bị cuốn hút ngay từ giây phút đầu tiên. Thật đúng là một hiền triết phương Đông. Bác Hồ bắt tay và hỏi tên tuổi, gia đình từng người. Đến lượt tôi, tôi nói tên mình, Bác Hồ khen: “Thật là một cái tên hay; đẹp và đầy ý nghĩa của Nga” (trong tiếng Nga, chữ “Liubốp” có nghĩa là tình yêu)… Bác Hồ thật là một người uyên thâm trong mọi lĩnh vực. Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm đẹp đẽ đó.
… Bác Hồ đi tới từng bàn chúc chúng tôi ăn ngon, tự nhiên như ở nhà. Bác hỏi chúng tôi về khẩu vị với món ăn dân tộc Việt Nam. Bác nói tiếng Nga giải thích cho chúng tôi về lịch sử của món bánh chưng độc đáo của Việt Nam. Bác còn hướng dẫn chúng tôi cách dùng đũa để gắp thức ăn, nhất là với bánh chưng, một món tuyệt ngon mà trong đời tôi chưa hề nghe nói tới và được thưởng thức bao giờ cả. Được Bác Hồ chăm sóc việc ăn uống, chúng tôi cảm động quá!.
(Liubốp Lukinitriva Baranôva6)
7. … Đến hôm nay, Phong vẫn nhớ, hôm đó trời mưa nên máy bay đến muộn. Phong cầm hoa trong tay, nhìn phải nhìn trái, bỗng thấy mọi người vẫy tay reo lên: “Bác Hồ đến rồi, Hồ Chủ tịch đến rồi!”. Vương Phong cũng hướng về chỗ người lớn đang hoan hô náo nhiệt, em thấy một người đang bước đi trên nền sân bay còn đọng nước vì trời mưa. Đó là một Cụ già có mái tóc bạc và bộ râu bạc, vừa đi vừa giơ tay vẫy chào thân thiết mọi người. Phong reo lên: “A! Bác Hồ đến thật rồi!”. Cô bé nhẩy cẫng lên, vừa nhẩy vừa vẫy hoa.
Một lát sau, Bác Hồ bước đến trước đoàn ngoại giao, nói chuyện thân mật với Đại sứ La Quý Ba và cầm tay cháu bé Trung Quốc, hỏi bằng tiếng Hoa: “Cháu mấy tuổi rồi? Biết nói tiếng Việt Nam không?”. Cháu bé nhìn Bác Hồ giống như ông nội ở quê nhà, cũng gương mặt hiền từ, trìu mến, và nói liền ba câu tiếng Việt duy nhất mà cháu biết cho Bác nghe: “Ăn cơm chưa?”, “Ăn rồi”. “Xin chào đồng chí!”. Nghe thấy vậy, Bác cười rất to và hỏi: “Cháu có thích Việt Nam không?”. Không nghĩ ngợi lâu, cháu bé thưa với Bác Hồ:
- Cháu thích Việt Nam, cháu cũng yêu Bác Hồ!
Bác nghe xong, liền ôm cháu bé vào lòng, hôn nhẹ lên má cháu. Vương Phong có cảm giác lúc này là đứa bé hạnh phúc nhất, vì em đã được gặp người mà ngày đêm em từng mong ước; hơn nữa lại được Người ôm hôn trìu mến. Lúc đó, các phóng viên, nhà báo thi nhau chụp ảnh hai Bác cháu…
(Vương Phong7)
8. Khi Bác tới thăm Cancútta, tôi mới 11 tuổi, còn học phổ thông, nhưng vẫn nhớ như in lần gặp Bác. Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Thậm chí bọn trẻ chúng tôi tại các trường phổ thông lúc đó hầu như ai cũng biết tên Bác Hồ, bởi Bác là hiện thân cho cuộc đấu tranh vì hòa bình. Tôi nhớ khi Bác Hồ tới thăm Viện thống kê Ấn Độ, nơi mẹ tôi công tác, và ghé thăm nhà chúng tôi, lúc đó ở 172/1, Lowa, Circular Road, Cancútta. Mẹ tôi nói với chúng tôi rằng chúng tôi sắp được đón một người - một con người vĩ đại, một con người khác thường. Thế rồi chúng tôi đột nhiên nhìn thấy một người nhỏ nhắn, râu dài, dáng đi nhanh nhẹn. Từ bộ quần áo giản dị, đôi dép cao su… toát lên một điều gì đó khó tả, như mẹ tôi nói với chúng tôi “con người khác thường”, có lẽ đó là sức mạnh nghị lực phi thường tiềm ẩn bên trong con người của Bác. Lúc đó nhiều người chúng tôi cứ đứng ngây ra nhìn Bác… Thế rồi Bác ngồi xuống nói chuyện với từng người… Không chỉ nói chuyện, Bác còn tặng quà cho chúng tôi nữa. Bác không ngồi trên ghế xa-lông, mà ngồi ngay ở sàn nhà theo phong tục truyền thống của Ấn Độ. Bác hiểu rất rõ phong tục truyền thống của Ấn Độ chúng tôi.
(Chand Joshi8)
Thu Hiền (tổng hợp)
-------------
1. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.41.
2. Báo Quân đội nhân dân, ngày 02-9-2004.
3. Báo Quân đội nhân dân, ngày 02-9-2004.
4. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 53.
5. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 58.
6. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 58-60.
7. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 60-61.
8. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 63.
9. Việt Nam không chỉ đại diện cho một nước. Hồ Chí Minh không phải là một con người bình thường. Bác là biểu tượng của nguyện vọng độc lập, không chỉ độc lập theo ý nghĩa chính trị mà độc lập cả về tinh thần… Đối với chúng tôi, Người là lý tưởng, Người không chỉ là một cá nhân cụ thể. Và Người sống mãi trong đời…
(C.Foshi9)
10. Mẹ tôi… Bà từng là chiến sĩ của phong trào giành độc lập cho đất nước Ấn Độ. Bà bị thực dân Anh kết án tù chung thân và bị ngồi tù 12 năm rưỡi trong 9 nhà tù của thực dân Anh trước khi được giải thoát. Theo như cách nghĩ của bà, Hồ Chí Minh là đại diện cho nguyện vọng tự do dân tộc trong Bà. Cha tôi là một người cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Ông hiểu rõ sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác và đối với cuộc đấu tranh của các nước nghèo lạc hậu. Cha, mẹ tôi đã qua đời nhưng đối với tôi, Hồ Chí Minh vẫn sống mãi. Hình ảnh Người vẫn in đậm nét trong tâm trí tôi.
(C.Foshi10)
11. Khi còn trẻ, tôi không biết nhiều về đất nước Việt Nam, chỉ nghe tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, giờ đây, tôi hiểu Hồ Chí Minh là ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng tôi có thể thấy hình ảnh của Người ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Thậm chí, trong tính cách của mỗi người Việt Nam đều phảng phất tính cách Hồ Chí Minh. Tôi vào Lăng viếng Người và chung cảm giác Người còn sống mãi trong tâm tưởng mỗi người Việt Nam. Tôi nghĩ chắc hẳn Hồ Chí Minh là con người tuyệt vời, vừa gần gũi, yêu thương trẻ thơ nhưng lại là một con người cực kỳ mạnh mẽ. Người đã trải qua nhiều đau khổ, bị tù đày, tra tấn dã man, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường Người đã vượt qua tất cả. Có thể nói, Hồ Chí Minh là con người vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Từ khi còn rất trẻ, Người bôn ba đi khắp năm châu học hỏi để rồi tự vạch ra con đường cứu đất nước khỏi gông cùm nô lệ. Cả cuộc đời Người phấn đấu vì tự do cho đất nước, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Đọc Nhật ký trong tù tôi càng khâm phục sâu sắc nghị lực và ý chí của cụ Hồ Chí Minh.
(A.E.Phlori11)
12. Kính thưa Bác Hồ!
Như cách đây 11 năm, Bác đã cầm tay chúng cháu và chúng cháu sung sướng được đi với Bác trong thành phố Ai-den-huýt-then-xtát, những năm qua, xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước chúng cháu đã dẫn dắt chúng cháu vào cuộc sống. Chúng cháu đã trở thành những đội viên tốt trong Đội thiếu niên “Enxtơ Tenlơman”, sau đó thành những đoàn viên tích cực của Đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa và ngày nay chúng cháu đang học nghề hóa chất nông học, vẽ thiết kế máy và kỹ thuật cơ khí viễn thông. Trong mỗi bước đi trong đời, chúng cháu không bao giờ quên tình đoàn kết với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho tự do. Trong tương lai, chúng cháu cũng hành động như vậy. Đặc biệt là với nhân dân Việt Nam hiện nay đang đấu tranh cho tự do của mình.
(Magit Uybese (Margit Ueberscheer), Hanôlôre Pátxên (Hanalore Patzel), Dibile Khalơ (Sybille Kahl)12)
13. Tổ tiên gia đình Cơ người Phước Kiến xa xưa, dưới ách Mãn Thanh áp bức bóc lột, xuôi thuyền về Nam mưu sinh lập nghiệp. Từ tuổi thiếu niên, chị đã đứng trong hàng ngũ tuổi trẻ Việt Nam chiến đấu chống thực dân xâm lược. Hát say sưa bài ca cách mạng Lên đàng, Thanh niên hành khúc Việt Nam, chị từng kêu gọi: “Học sinh, hãy hành động dưới ngọn cờ Việt Minh của Bác Hồ!”. Là một thiếu nữ thông minh, dũng cảm, nhạy bén, Trần Bội Cơ đã từng mưu trí giải vây cho hàng trăm đồng bào bị giặc ức hiếp.
Tại Sài Gòn, chị từng kêu gọi: “Học sinh sinh viên Hoa Việt đoàn kết chống thực dân Pháp và tay sai đàn áp học đường! Bọn sói lang đã dẫm lên điều ngay lẽ phải trên đời!... Hồ Chí Minh! Người là chỉ huy, ở ngay trong lòng ta đó!”.
Cây dao nhọn của kẻ thù đã thọc vào ngực Cơ. Tuổi 18, Cơ dâng trọn trái tim thiếu nữ cho cách mạng Việt Nam.13
14. Có biết bao tấm gương cổ vũ lớp người trẻ tuổi đứng vào hàng ngũ của phong trào Cộng sản. Hồ Chí Minh đã và đang là tấm gương như vậy. Đức tính cao quý, cách mạng và đầy lòng nhân ái của Người đã làm cho hàng trăm chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ở đất nước chúng tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh đã dựng lên một tượng đài kỷ niệm sống vĩ đại ở Cộng hòa Liên bang Đức!
(Hebớt Midơ (Herbert Mies))14
15. Tôi thường được đọc và được nghe thấy tên Hồ Chí Minh, Việt Nam ở khắp mọi nơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lúc đó trong tôi - một đức trẻ Đức - chỉ có hai nhân vật thần bí: Một là ông già Noel và hai là Hồ Chí Minh.
Thần bí, nhưng không hề xa lạ. Bạn biết không trên nhiều đường phố của Châu Âu, tôi thấy bức ảnh Bác Hồ ôm hôn cháu bé phóng to được treo trên cao, ở những vị trí trang trọng, kèm theo một câu thơ của Người: “Trẻ em như búp trên cành”. Anđơhôn cũng từng nhìn thấy bức ảnh ấy, và cảm giác của chị là Người không xa lạ, Người gần gũi vô cùng.
(E. Anđơhôn15)
16. Người là Chủ tịch nước, nhưng có lẽ những ai vinh dự có lần gặp Người đều không nghĩ rằng Bác đứng ở một vị trí khác biệt mà trái lại rất gần gũi như một người Cha, một người Bác ruột thịt….
(Môđê16)
17. Vào dịp tôi sắp sinh cháu, đồng chí Lin (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) ái ngại cho tôi vẫn cứ phải dịch trong những buổi thuyết trình. Đồng chí đã dịch giúp tôi trong một số buổi. Tất nhiên đồng chí không phải là người phiên dịch chuyên nghiệp, nên có lần tôi góp một vài ý, đồng chí vui vẻ nói: “Bạn thân mến, tôi sẽ cố gắng để bạn yên tâm”. Tôi sinh cháu trai vào ngày 13-8-1936. Nhà tôi là một học viên trong nhóm nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi sống với nhau được rất ít, vì nhà tôi trở về nước hoạt động. Biết tin tôi sinh cháu, đồng chí Lin và nhiều học viên đã mang hoa đến mừng tôi. Sự quan tâm của đồng chí đến mọi người là điều tôi không thể nào quên...
(Liđia Xamôilốpna Pháctơ17)
18. Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Liên Xô. Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước và sau khi đẻ, vẫn được lương. Mỗi nhà máy có một chỗ nuôi trẻ do những thầy thuốc và nữ y tá trông nom. Người mẹ làm thợ cứ vài giờ lại được nghỉ việc trong mười lăm phút để cho con bú. Những đưa trẻ ngoài chín tháng có thể gửi ở những vườn trẻ, có thầy thuốc chăm sóc.
Buổi sáng, khi đứa trẻ đến, thầy thuốc khám và cân. Rồi người nữ y tá tắm cho nó và bận áo quần sạch sẽ của vườn trẻ. Khi mới đến và hai giờ chiều nó được uống sữa, mười giờ sáng và bốn giờ chiều được ăn cơm. Mỗi đứa trẻ có một cái giường nhỏ để nghỉ trưa từ mười một giờ đến một giờ chiều. Có những bàn ghế và đồ dùng nhỏ hợp với trẻ em. Trang hoàng thì có những chậu hoa và những bức tranh vui, vẽ thú vật chim chóc, cây cối hoặc những chuyện trẻ em.
Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Trẻ em ngoài bốn tuổi, bắt đầu học đếm và học những chữ cái với những đồ chơi. Ví dụ đếm bàn ăn, chúng vừa chia những nĩa nho nhỏ hoặc những cái bát nhỏ cho các bàn vừa đếm một, hai, ba, bốn v.v.. Có những khối gỗ nho nhỏ sơn nhiều màu và có nhiều chữ vừa là đồ chơi vừa là sách học. Trẻ em lớn tuổi hơn có những đồ chơi khác. Chúng có đủ đồ để học vẽ, học nặn. Có một mảnh vườn con để tập trồng trọt.
Trẻ em được tự do làm theo ý thích của chúng. Chỉ khi nào đứa trẻ đã làm xong hoặc chơi xong, lúc bấy giờ người phụ trách mới phê bình hoặc gợi ý.
Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng, hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan.
Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa Xuân.
Hết giờ làm việc, cha mẹ đến tìm con. Thường thường các em muốn ở lại vườn, không thích về nhà.
…
Ngoài trường học, thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em.
Các thành phố lớn đều có cung văn hóa cho thiếu nhi. Đây là một lâu đài rộng lớn, có đủ các thứ để cho trẻ có thể vừa chơi vừa học. Ở đây có văn chương, nhạc, thiên văn, hóa học, nhà hát, trò chơi, v.v.. cho đến cả tàu điện, ô-tô và xe lửa. Mỗi một thứ đó đều do một nhà chuyên môn giảng giải cho trẻ em.
Kết quả của lối giáo dục tự do này rất tốt.
Ví dụ: Một bé em mười hai tuổi đã tự mình làm được một máy vô tuyến điện tí xíu có thể để trong hộp diêm, em khác mới mười bảy tuổi đã giúp được việc cho đài thiên văn Mátxcơva.
Ở cửa bể Ôđétxa có mấy chiếc tàu nhỏ mà nhân viên từ người chỉ huy cho đến người cầm lái, đều là các em thiếu nhi.
Trong một thành phố khác, có một đường xe lửa dài năm cây số của thiếu nhi do thiếu nhi điều khiển.
Các thành phố đều có thư viện và cửa hàng sách đặc biệt cho trẻ em.
Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Tờ “Sự thật thiếu nhi” ở Mátxcơva có một số lớn biên tập viên và thông tin viên trẻ em với độ một triệu bạn đọc nhỏ.
Những trẻ em đặc biệt có tài năng được Chính phủ giúp đỡ. Ví dụ: Chính phủ đã giao cho những gia sư âm nhạc phụ trách năm trẻ em có khiếu âm nhạc. Trong cuộc thi âm nhạc quốc tế ở thủ đô nước Bỉ, những em này đã được giải thưởng nhất, ba, tư và hai giải khuyến khích.
Về mùa hè, thiếu nhi được đi nghỉ một tháng ở những nơi nghỉ mát, ngoài bể hoặc trên rừng thông. Những nhà nghỉ mát đều như những cung điện rất sang. Bữa ăn ngon và nhiều. Sau một tháng chơi và nghỉ, các em nặng thêm từ hai đến bốn ki-lô.
Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ em. Vì vậy, sự sinh đẻ tăng lên rất mau và nạn chết yểu giảm xuống rất thấp.
Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam. Trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Liên Xô…
(Trần Dân Tiên18)
Thu Hiền (tổng hợp)
-------------
9. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.64.
10. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 64-65.
11. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 65.
12. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 72.
13. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 74-75.
14. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 76
15. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 78.
16. Trích trong “Nhật ký phiên dịch”.
17. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 80-81
18. Trích trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”.
19. Chúng tôi biết rõ: Ở việt Nam có một Cụ già rất yêu thương nhân dân mình, nhất là thanh niên và thiếu niên, nhi đồng. Người cũng yêu thương nhân dân và tuổi trẻ toàn thế giới.
(Phriđơrích Đrếchxlơ19)
20. Mặc dù phải chịu đựng sự rùng rợn của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chúng tôi vẫn có thể thấy rõ lòng thương yêu và tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với chúng tôi. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ Việt Nam tải thương cáng thương binh của chúng tôi trên những con đường mòn qua rừng sâu, vực thẳm. Cùng với sự chăm sóc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - những người đã cho chúng tôi thuốc men và cơm ăn, cứu sống chúng tôi bằng cả trái tim nhân hậu, trái tim của những người lính Điện Biên Phủ, để dạy cho chúng tôi biết rằng hai dân tộc của chúng ta được sinh ra để hòa thuận với nhau…
Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng khoan dung, đại lượng và chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi. Kính chào Người, tận đáy lòng tôi xin được phép hô to: Tình hữu nghị Pháp - Việt muôn năm. Hòa bình thế giới muôn năm.
(Mácxen La-Pagiơ20)
21. Tôi tiếc không có cơ hội được gặp Người… Nhưng, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi mà người dân trên toàn thế giới được nghe rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Người trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Việc Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến đã nêu một tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức noi theo. Hồ Chủ tịch là nhà lãnh đạo thiên tài của Việt Nam và là vĩ nhân của thế giới… Thời sinh viên, tôi đã được biết rất nhiều về Người qua các bài học về lịch sử chiến tranh cũng như lịch sử thế giới. Không chỉ riêng tôi hay những người dân Ô-xtrây-li-a mà nhân dân thế giới đều có một tình cảm hết sức đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là sự khâm phục, kính trọng mà còn là một tình cảm gần gũi, thân thiết. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì không thể tưởng tượng nổi một nhân vật tầm cỡ thế giới, một vĩ nhân như Chủ tịch lại là một Cụ già bình dị đến thế!
Tôi chỉ tiếc mình là thế hệ sinh sau đẻ muộn nên không có cơ hội được gặp Người.
(Brô-phi21)
22. Từ khi còn là sinh viên khoa tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông, tôi đã biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ một người bạn Việt Nam cho tôi một cuốn sách viết về thân thế, sự nghiệp của Người. Tôi thực sự khâm phục những phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ được người dân trên cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ nhưng lại có đời sống thật giản dị và nhân hậu. Cha tôi đã từng đến Việt Nam và kể cho tôi nghe rất nhiều điều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi đó tôi rất muốn sang Việt Nam.
Trong thời gian ở Hà Nội, tôi đã xem một số phim tư liệu; đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, vào Lăng viếng Người… Qua tìm hiểu, tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh quá nhiều, thậm chí không lập gia đình để dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Vì thế, tôi muốn thế hệ trẻ Việt Nam cần tìm hiểu sâu rộng hơn nữa và trân trọng những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam.
(Sô-ri An-át-ta-si-a22)
23. Tôi là sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Mi-chi-gân Mỹ. Tôi rất vui khi đến Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để tôi tìm hiểu hơn nữa về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trước đây ở Mỹ tôi không được biết. Tôi đã tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và xem triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp chấn hưng đất nước” tại đây. Qua những tài liệu, hiện vật và những hình ảnh, tôi đã hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cứu nước và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tôi thật sự khâm phục tài năng và ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
(Si-lơ Đắc-lin-sơ23)
24. Sống và làm việc tại Việt Nam, tôi hiểu vì sao mọi người lại nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ngưỡng mộ đến như vậy. Bác Hồ là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
(Xtê-phan-ni (người Ma-đa-ga-xca)24)
25. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Trước khi đến đây, một số người bạn đã từng đến Việt Nam kể cho tôi rất nhiều điều thú vị về đất nước các bạn, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy phần lớn người Anh biết đến Việt Nam, lịch sử Việt Nam đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc. Đến Việt Nam lần này, tôi đã đi thăm nhiều khu di tích, lịch sử ở Hà Nội, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Chủ tịch. Qua đó tôi biết thêm rất nhiều điều về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lịch sử Việt Nam.
Tôi cảm thấy một điều gì đó thiêng liêng khi nhìn thấy hàng đoàn người, trong đó rất nhiều người nước ngoài, đứng xếp hàng để vào Lăng viếng Người. Khi về Anh tôi sẽ kể những điều này cho các bạn tôi nghe.
(Ghét San-đơ-ma (quốc tịch Anh)25)
26. Tôi có một thiệt thòi lớn là chưa từng được gặp Bác Hồ. Nhưng, tôi vẫn có cảm giác Người là một nhân vật vừa vĩ đại, vừa gần gũi, và tôi đặc biệt tự hào vì dưới thời bí mật, Bác Hồ đã đến hoạt động ở quê hương tôi, đó là vùng Vết-đinh (Wedding) nằm ở phía Tây thành phố Béc-lin… Tổng cộng lại, tôi đã viết hàng trăm bài báo về Việt Nam, về Bác Hồ. Ý nguyện của tôi là giúp các bạn trẻ trên đất nước tôi ngày càng hiểu Việt Nam, càng hiểu Bác Hồ.
(Hoóc-xtơ Sê-pô-ních26)
27. Có biết bao tấm gương cổ vũ lớp người trẻ tuổi đứng vào hàng ngũ của phong trào cộng sản. Hồ Chí Minh đã và đang là tấm gương như vậy. Đức tính cao quý, cách mạng và đầy lòng nhân ái của Người đã làm cho hàng trăm chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ở đất nước chúng tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh đã dựng lên một tượng đài kỷ niệm sống vĩ đại ở Cộng hòa Liên bang Đức.
(He-bớc Mi-đơ (Herbert Mies)27)
28. “Tinh thần của Việt Nam
Đã được qua biên giới Đông Dương
Thức tỉnh niềm tin của hàng triệu trái tim khắp nơi, trên con đường tranh đấu.
Những kẻ đói nghèo
Cũng cất tiếng hát lên bài ca chiến thắng.
Bài ca mãi mãi ngân vang
Với cái tên yêu dấu của Người.
Hồ Chí Minh!
Hồ Chí Minh!
(An-giê-ri trabani Akhơmét28)
29. Tâm hồn Người bao trùm thế giới.
(Apđen Malackhain (Cộng hòa Ả Rập thống nhất29)
30. Người đã hồi sinh cuộc sống
Lên ngang tầm thời đại Việt Nam
Người là vầng dương
Đôi mắt Người trời cao lộng sáng
Người là tình yêu vô tận
Đôi chân Người đã đặt tới muôn phương.
…
Người là vừng dương
Đang đem lại bình minh cho nhân loại.
(Môninđra Ray30)
31. Nhà thơ Hồ Chí Minh
Đưa quyền sống hòa bình
Từ Việt Nam
Ra toàn nhân loại.
(Vichto Hara31)
32. “Hoa hồng dâng Bác
Ba bông hồng đỏ
hôm nay cháu mang đến dâng Người
Bác Hồ ơi, đứng cạnh ảnh Người
tấm bản đồ Việt Nam cũng đỏ màu chiến thắng!
Ba bông hồng đỏ
hôm nay cháu mang đến dâng Người,
cháu cũng được kéo lên ngọn cờ chói lọi
trên thành phố Sài Gòn
in đậm tấm bản đồ Việt Nam chiến thắng!
Ba bông hồng đỏ
hôm nay cháu mang đến dâng Người
và tặng cả bè bạn trên đất nước Việt Nam
khi sông Bến Hải không còn sự cách ngăn
từ miền Bắc tới miền Nam
rực rỡ sắc màu của mùa Xuân mới,
lấp lánh vui ánh mắt Bác Hồ cười
chiếu tỏa niềm hạnh phúc của ngày hội lớn
đường Việt Nam đi rộng mở tới chân trời!
Ba bông hồng đỏ
Bác Hồ ơi,
cháu mang đến đây tiếng nói của loài người:
tiếp tục làm hết sức mình cho các bạn Việt Nam
đó là cách cảm ơn Việt Nam tốt nhất!”.
01.5.1975
(Regina Toromer32)
Thu Hiền (tổng hợp)
-------------
19. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 86
20. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 91-92.
21. Xem báo Hà Nội mới, số ra ngày 20-5-2005.
22. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 98-99
23. Xem báo Hà Nội mới, 19-5-2005
24. Xem báo Nhân dân, 19-5-2005
25. Xem báo Hà Nội mới, 19-5-2005
26. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 101-102
27. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 102
28. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 103-104
29. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 104
30. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 104
31. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 105
32. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 105-106.