Chỉ mục bài viết

 9. Việt Nam không chỉ đại diện cho một nước. Hồ Chí Minh không phải là một con người bình thường. Bác là biểu tượng của nguyện vọng độc lập, không chỉ độc lập theo ý nghĩa chính trị mà độc lập cả về tinh thần… Đối với chúng tôi, Người là lý tưởng, Người không chỉ là một cá nhân cụ thể. Và Người sống mãi trong đời…

(C.Foshi9)

10. Mẹ tôi… Bà từng là chiến sĩ của phong trào giành độc lập cho đất nước Ấn Độ. Bà bị thực dân Anh kết án tù chung thân và bị ngồi tù 12 năm rưỡi trong 9 nhà tù của thực dân Anh trước khi được giải thoát. Theo như cách nghĩ của bà, Hồ Chí Minh là đại diện cho nguyện vọng tự do dân tộc trong Bà. Cha tôi là một người cộng sản theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Ông hiểu rõ sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác và đối với cuộc đấu tranh của các nước nghèo lạc hậu. Cha, mẹ tôi đã qua đời nhưng đối với tôi, Hồ Chí Minh vẫn sống mãi. Hình ảnh Người vẫn in đậm nét trong tâm trí tôi.

(C.Foshi10)

11. Khi còn trẻ, tôi không biết nhiều về đất nước Việt Nam, chỉ nghe tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng, giờ đây, tôi hiểu Hồ Chí Minh là ai. Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn nữa nhưng tôi có thể thấy hình ảnh của Người ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Thậm chí, trong tính cách của mỗi người Việt Nam đều phảng phất tính cách Hồ Chí Minh. Tôi vào Lăng viếng Người và chung cảm giác Người còn sống mãi trong tâm tưởng mỗi người Việt Nam. Tôi nghĩ chắc hẳn Hồ Chí Minh là con người tuyệt vời, vừa gần gũi, yêu thương trẻ thơ nhưng lại là một con người cực kỳ mạnh mẽ. Người đã trải qua nhiều đau khổ, bị tù đày, tra tấn dã man, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường Người đã vượt qua tất cả. Có thể nói, Hồ Chí Minh là con người vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Từ khi còn rất trẻ, Người bôn ba đi khắp năm châu học hỏi để rồi tự vạch ra con đường cứu đất nước khỏi gông cùm nô lệ. Cả cuộc đời Người phấn đấu vì tự do cho đất nước, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Đọc Nhật ký trong tù tôi càng khâm phục sâu sắc nghị lực và ý chí của cụ Hồ Chí Minh.

(A.E.Phlori11)

12. Kính thưa Bác Hồ!

Như cách đây 11 năm, Bác đã cầm tay chúng cháu và chúng cháu sung sướng được đi với Bác trong thành phố Ai-den-huýt-then-xtát, những năm qua, xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước chúng cháu đã dẫn dắt chúng cháu vào cuộc sống. Chúng cháu đã trở thành những đội viên tốt trong Đội thiếu niên “Enxtơ Tenlơman”, sau đó thành những đoàn viên tích cực của Đoàn Thanh niên xã hội chủ nghĩa và ngày nay chúng cháu đang học nghề hóa chất nông học, vẽ thiết kế máy và kỹ thuật cơ khí viễn thông. Trong mỗi bước đi trong đời, chúng cháu không bao giờ quên tình đoàn kết với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho tự do. Trong tương lai, chúng cháu cũng hành động như vậy. Đặc biệt là với nhân dân Việt Nam hiện nay đang đấu tranh cho tự do của mình.

(Magit Uybese (Margit Ueberscheer), Hanôlôre Pátxên (Hanalore Patzel), Dibile Khalơ (Sybille Kahl)12)

13. Tổ tiên gia đình Cơ người Phước Kiến xa xưa, dưới ách Mãn Thanh áp bức bóc lột, xuôi thuyền về Nam mưu sinh lập nghiệp. Từ tuổi thiếu niên, chị đã đứng trong hàng ngũ tuổi trẻ Việt Nam chiến đấu chống thực dân xâm lược. Hát say sưa bài ca cách mạng Lên đàng, Thanh niên hành khúc Việt Nam, chị từng kêu gọi: “Học sinh, hãy hành động dưới ngọn cờ Việt Minh của Bác Hồ!”. Là một thiếu nữ thông minh, dũng cảm, nhạy bén, Trần Bội Cơ đã từng mưu trí giải vây cho hàng trăm đồng bào bị giặc ức hiếp.

Tại Sài Gòn, chị từng kêu gọi: “Học sinh sinh viên Hoa Việt đoàn kết chống thực dân Pháp và tay sai đàn áp học đường! Bọn sói lang đã dẫm lên điều ngay lẽ phải trên đời!... Hồ Chí Minh! Người là chỉ huy, ở ngay trong lòng ta đó!”.

Cây dao nhọn của kẻ thù đã thọc vào ngực Cơ. Tuổi 18, Cơ dâng trọn trái tim thiếu nữ cho cách mạng Việt Nam.13

14. Có biết bao tấm gương cổ vũ lớp người trẻ tuổi đứng vào hàng ngũ của phong trào Cộng sản. Hồ Chí Minh đã và đang là tấm gương như vậy. Đức tính cao quý, cách mạng và đầy lòng nhân ái của Người đã làm cho hàng trăm chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ở đất nước chúng tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh đã dựng lên một tượng đài kỷ niệm sống vĩ đại ở Cộng hòa Liên bang Đức!

(Hebớt Midơ (Herbert Mies))14

15. Tôi thường được đọc và được nghe thấy tên Hồ Chí Minh, Việt Nam ở khắp mọi nơi, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lúc đó trong tôi - một đức trẻ Đức - chỉ có hai nhân vật thần bí: Một là ông già Noel và hai là Hồ Chí Minh.

Thần bí, nhưng không hề xa lạ. Bạn biết không trên nhiều đường phố của Châu Âu, tôi thấy bức ảnh Bác Hồ ôm hôn cháu bé phóng to được treo trên cao, ở những vị trí trang trọng, kèm theo một câu thơ của Người: “Trẻ em như búp trên cành”. Anđơhôn cũng từng nhìn thấy bức ảnh ấy, và cảm giác của chị là Người không xa lạ, Người gần gũi vô cùng.

(E. Anđơhôn15)

16. Người là Chủ tịch nước, nhưng có lẽ những ai vinh dự có lần gặp Người đều không nghĩ rằng Bác đứng ở một vị trí khác biệt mà trái lại rất gần gũi như một người Cha, một người Bác ruột thịt….

(Môđê16)

17. Vào dịp tôi sắp sinh cháu, đồng chí Lin (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) ái ngại cho tôi vẫn cứ phải dịch trong những buổi thuyết trình. Đồng chí đã dịch giúp tôi trong một số buổi. Tất nhiên đồng chí không phải là người phiên dịch chuyên nghiệp, nên có lần tôi góp một vài ý, đồng chí vui vẻ nói: “Bạn thân mến, tôi sẽ cố gắng để bạn yên tâm”. Tôi sinh cháu trai vào ngày 13-8-1936. Nhà tôi là một học viên trong nhóm nói tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi sống với nhau được rất ít, vì nhà tôi trở về nước hoạt động. Biết tin tôi sinh cháu, đồng chí Lin và nhiều học viên đã mang hoa đến mừng tôi. Sự quan tâm của đồng chí đến mọi người là điều tôi không thể nào quên...

(Liđia Xamôilốpna Pháctơ17)

18. Vì ông Nguyễn rất yêu trẻ con nên ông nghiên cứu kỹ vấn đề nhi đồng ở Liên Xô. Lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần thầy thuốc đến thăm nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước và sau khi đẻ, vẫn được lương. Mỗi nhà máy có một chỗ nuôi trẻ do những thầy thuốc và nữ y tá trông nom. Người mẹ làm thợ cứ vài giờ lại được nghỉ việc trong mười lăm phút để cho con bú. Những đưa trẻ ngoài chín tháng có thể gửi ở những vườn trẻ, có thầy thuốc chăm sóc.

Buổi sáng, khi đứa trẻ đến, thầy thuốc khám và cân. Rồi người nữ y tá tắm cho nó và bận áo quần sạch sẽ của vườn trẻ. Khi mới đến và hai giờ chiều nó được uống sữa, mười giờ sáng và bốn giờ chiều được ăn cơm. Mỗi đứa trẻ có một cái giường nhỏ để nghỉ trưa từ mười một giờ đến một giờ chiều. Có những bàn ghế và đồ dùng nhỏ hợp với trẻ em. Trang hoàng thì có những chậu hoa và những bức tranh vui, vẽ thú vật chim chóc, cây cối hoặc những chuyện trẻ em.

Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Trẻ em ngoài bốn tuổi, bắt đầu học đếm và học những chữ cái với những đồ chơi. Ví dụ đếm bàn ăn, chúng vừa chia những nĩa nho nhỏ hoặc những cái bát nhỏ cho các bàn vừa đếm một, hai, ba, bốn v.v.. Có những khối gỗ nho nhỏ sơn nhiều màu và có nhiều chữ vừa là đồ chơi vừa là sách học. Trẻ em lớn tuổi hơn có những đồ chơi khác. Chúng có đủ đồ để học vẽ, học nặn. Có một mảnh vườn con để tập trồng trọt.

Trẻ em được tự do làm theo ý thích của chúng. Chỉ khi nào đứa trẻ đã làm xong hoặc chơi xong, lúc bấy giờ người phụ trách mới phê bình hoặc gợi ý.

Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng, hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan.

Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa Xuân.

Hết giờ làm việc, cha mẹ đến tìm con. Thường thường các em muốn ở lại vườn, không thích về nhà.

Ngoài trường học, thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em.

Các thành phố lớn đều có cung văn hóa cho thiếu nhi. Đây là một lâu đài rộng lớn, có đủ các thứ để cho trẻ có thể vừa chơi vừa học. Ở đây có văn chương, nhạc, thiên văn, hóa học, nhà hát, trò chơi, v.v.. cho đến cả tàu điện, ô-tô và xe lửa. Mỗi một thứ đó đều do một nhà chuyên môn giảng giải cho trẻ em.

Kết quả của lối giáo dục tự do này rất tốt.

Ví dụ: Một bé em mười hai tuổi đã tự mình làm được một máy vô tuyến điện tí xíu có thể để trong hộp diêm, em khác mới mười bảy tuổi đã giúp được việc cho đài thiên văn Mátxcơva.

Ở cửa bể Ôđétxa có mấy chiếc tàu nhỏ mà nhân viên từ người chỉ huy cho đến người cầm lái, đều là các em thiếu nhi.

Trong một thành phố khác, có một đường xe lửa dài năm cây số của thiếu nhi do thiếu nhi điều khiển.

Các thành phố đều có thư viện và cửa hàng sách đặc biệt cho trẻ em.

Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Tờ “Sự thật thiếu nhi” ở Mátxcơva có một số lớn biên tập viên và thông tin viên trẻ em với độ một triệu bạn đọc nhỏ.

Những trẻ em đặc biệt có tài năng được Chính phủ giúp đỡ. Ví dụ: Chính phủ đã giao cho những gia sư âm nhạc phụ trách năm trẻ em có khiếu âm nhạc. Trong cuộc thi âm nhạc quốc tế ở thủ đô nước Bỉ, những em này đã được giải thưởng nhất, ba, tư và hai giải khuyến khích.

Về mùa hè, thiếu nhi được đi nghỉ một tháng ở những nơi nghỉ mát, ngoài bể hoặc trên rừng thông. Những nhà nghỉ mát đều như những cung điện rất sang. Bữa ăn ngon và nhiều. Sau một tháng chơi và nghỉ, các em nặng thêm từ hai đến bốn ki-lô.

Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ em. Vì vậy, sự sinh đẻ tăng lên rất mau và nạn chết yểu giảm xuống rất thấp.

Thiên đường của trẻ em này không làm cho ông Nguyễn quên Tổ quốc Việt Nam. Trái lại, ông càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ em nước nhà. Ông cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Liên Xô…

(Trần Dân Tiên18)

Thu Hiền (tổng hợp)

-------------

9. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.64.
10. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 64-65.
11. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 65.
12. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 72.
13. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 74-75.
14. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 76
15. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 78.
16. Trích trong “Nhật ký phiên dịch”.
17. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 80-81
18. Trích trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”.

Bài viết khác: