Chỉ mục bài viết

 19. Chúng tôi biết rõ: Ở việt Nam có một Cụ già rất yêu thương nhân dân mình, nhất là thanh niên và thiếu niên, nhi đồng. Người cũng yêu thương nhân dân và tuổi trẻ toàn thế giới.

(Phriđơrích Đrếchxlơ19)

20. Mặc dù phải chịu đựng sự rùng rợn của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, chúng tôi vẫn có thể thấy rõ lòng thương yêu và tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với chúng tôi. Tôi đã tận mắt nhìn thấy những người phụ nữ Việt Nam tải thương cáng thương binh của chúng tôi trên những con đường mòn qua rừng sâu, vực thẳm. Cùng với sự chăm sóc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam - những người đã cho chúng tôi thuốc men và cơm ăn, cứu sống chúng tôi bằng cả trái tim nhân hậu, trái tim của những người lính Điện Biên Phủ, để dạy cho chúng tôi biết rằng hai dân tộc của chúng ta được sinh ra để hòa thuận với nhau…

Trong tấm lòng biết ơn nhân dân Việt Nam, tôi không thể nào quên Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng khoan dung, đại lượng và chính sách khoan hồng của Người đối với chúng tôi. Kính chào Người, tận đáy lòng tôi xin được phép hô to: Tình hữu nghị Pháp - Việt muôn năm. Hòa bình thế giới muôn năm.

(Mácxen La-Pagiơ20)

21. Tôi tiếc không có cơ hội được gặp Người… Nhưng, tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi mà người dân trên toàn thế giới được nghe rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Người trong các cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Việc Việt Nam giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến đã nêu một tấm gương sáng cho các dân tộc bị áp bức noi theo. Hồ Chủ tịch là nhà lãnh đạo thiên tài của Việt Nam và là vĩ nhân của thế giới… Thời sinh viên, tôi đã được biết rất nhiều về Người qua các bài học về lịch sử chiến tranh cũng như lịch sử thế giới. Không chỉ riêng tôi hay những người dân Ô-xtrây-li-a mà nhân dân thế giới đều có một tình cảm hết sức đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là sự khâm phục, kính trọng mà còn là một tình cảm gần gũi, thân thiết. Tôi thực sự ngỡ ngàng vì không thể tưởng tượng nổi một nhân vật tầm cỡ thế giới, một vĩ nhân như Chủ tịch lại là một Cụ già bình dị đến thế!

Tôi chỉ tiếc mình là thế hệ sinh sau đẻ muộn nên không có cơ hội được gặp Người.

(Brô-phi21)

22. Từ khi còn là sinh viên khoa tiếng Việt trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông, tôi đã biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ một người bạn Việt Nam cho tôi một cuốn sách viết về thân thế, sự nghiệp của Người. Tôi thực sự khâm phục những phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ được người dân trên cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ nhưng lại có đời sống thật giản dị và nhân hậu. Cha tôi đã từng đến Việt Nam và kể cho tôi nghe rất nhiều điều về Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi đó tôi rất muốn sang Việt Nam.

Trong thời gian ở Hà Nội, tôi đã xem một số phim tư liệu; đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết; thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, vào Lăng viếng Người… Qua tìm hiểu, tôi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh quá nhiều, thậm chí không lập gia đình để dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Vì thế, tôi muốn thế hệ trẻ Việt Nam cần tìm hiểu sâu rộng hơn nữa và trân trọng những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam.

(Sô-ri An-át-ta-si-a22)

23. Tôi là sinh viên khoa Kinh tế trường Đại học Mi-chi-gân Mỹ. Tôi rất vui khi đến Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ hội để tôi tìm hiểu hơn nữa về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trước đây ở Mỹ tôi không được biết. Tôi đã tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh và xem triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp chấn hưng đất nước” tại đây. Qua những tài liệu, hiện vật và những hình ảnh, tôi đã hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cứu nước và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tôi thật sự khâm phục tài năng và ý chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(Si-lơ Đắc-lin-sơ23)

24. Sống và làm việc tại Việt Nam, tôi hiểu vì sao mọi người lại nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ngưỡng mộ đến như vậy. Bác Hồ là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

(Xtê-phan-ni (người Ma-đa-ga-xca)24)

25. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Trước khi đến đây, một số người bạn đã từng đến Việt Nam kể cho tôi rất nhiều điều thú vị về đất nước các bạn, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy phần lớn người Anh biết đến Việt Nam, lịch sử Việt Nam đều biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc. Đến Việt Nam lần này, tôi đã đi thăm nhiều khu di tích, lịch sử ở Hà Nội, trong đó có Bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Chủ tịch. Qua đó tôi biết thêm rất nhiều điều về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như lịch sử Việt Nam.

Tôi cảm thấy một điều gì đó thiêng liêng khi nhìn thấy hàng đoàn người, trong đó rất nhiều người nước ngoài, đứng xếp hàng để vào Lăng viếng Người. Khi về Anh tôi sẽ kể những điều này cho các bạn tôi nghe.

(Ghét San-đơ-ma (quốc tịch Anh)25)

26. Tôi có một thiệt thòi lớn là chưa từng được gặp Bác Hồ. Nhưng, tôi vẫn có cảm giác Người là một nhân vật vừa vĩ đại, vừa gần gũi, và tôi đặc biệt tự hào vì dưới thời bí mật, Bác Hồ đã đến hoạt động ở quê hương tôi, đó là vùng Vết-đinh (Wedding) nằm ở phía Tây thành phố Béc-lin… Tổng cộng lại, tôi đã viết hàng trăm bài báo về Việt Nam, về Bác Hồ. Ý nguyện của tôi là giúp các bạn trẻ trên đất nước tôi ngày càng hiểu Việt Nam, càng hiểu Bác Hồ.

(Hoóc-xtơ Sê-pô-ních26)

27. Có biết bao tấm gương cổ vũ lớp người trẻ tuổi đứng vào hàng ngũ của phong trào cộng sản. Hồ Chí Minh đã và đang là tấm gương như vậy. Đức tính cao quý, cách mạng và đầy lòng nhân ái của Người đã làm cho hàng trăm chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi ở đất nước chúng tôi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Bởi vậy, đồng chí Hồ Chí Minh đã dựng lên một tượng đài kỷ niệm sống vĩ đại ở Cộng hòa Liên bang Đức.

(He-bớc Mi-đơ (Herbert Mies)27)

28. “Tinh thần của Việt Nam

Đã được qua biên giới Đông Dương

Thức tỉnh niềm tin của hàng triệu trái tim khắp nơi, trên con đường tranh đấu.

Những kẻ đói nghèo

Cũng cất tiếng hát lên bài ca chiến thắng.

Bài ca mãi mãi ngân vang

Với cái tên yêu dấu của Người.

Hồ Chí Minh!

Hồ Chí Minh!

(An-giê-ri trabani Akhơmét28)

29. Tâm hồn Người bao trùm thế giới.

(Apđen Malackhain (Cộng hòa Ả Rập thống nhất29)

30. Người đã hồi sinh cuộc sống

Lên ngang tầm thời đại Việt Nam

Người là vầng dương

Đôi mắt Người trời cao lộng sáng

Người là tình yêu vô tận

Đôi chân Người đã đặt tới muôn phương.

Người là vừng dương

Đang đem lại bình minh cho nhân loại.

(Môninđra Ray30)

31. Nhà thơ Hồ Chí Minh

Đưa quyền sống hòa bình

Từ Việt Nam

Ra toàn nhân loại.

(Vichto Hara31)

32. “Hoa hồng dâng Bác

Ba bông hồng đỏ

hôm nay cháu mang đến dâng Người

Bác Hồ ơi, đứng cạnh ảnh Người

tấm bản đồ Việt Nam cũng đỏ màu chiến thắng!

Ba bông hồng đỏ

hôm nay cháu mang đến dâng Người,

cháu cũng được kéo lên ngọn cờ chói lọi

trên thành phố Sài Gòn

in đậm tấm bản đồ Việt Nam chiến thắng!

Ba bông hồng đỏ

hôm nay cháu mang đến dâng Người

và tặng cả bè bạn trên đất nước Việt Nam

khi sông Bến Hải không còn sự cách ngăn

từ miền Bắc tới miền Nam

rực rỡ sắc màu của mùa Xuân mới,

lấp lánh vui ánh mắt Bác Hồ cười

chiếu tỏa niềm hạnh phúc của ngày hội lớn

đường Việt Nam đi rộng mở tới chân trời!

Ba bông hồng đỏ

Bác Hồ ơi,

cháu mang đến đây tiếng nói của loài người:

tiếp tục làm hết sức mình cho các bạn Việt Nam

đó là cách cảm ơn Việt Nam tốt nhất!”.

01.5.1975

(Regina Toromer32)

Thu Hiền (tổng hợp)

-------------

19. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 86
20. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 91-92.
21. Xem báo Hà Nội mới, số ra ngày 20-5-2005.
22. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 98-99
23. Xem báo Hà Nội mới, 19-5-2005
24. Xem báo Nhân dân, 19-5-2005
25. Xem báo Hà Nội mới, 19-5-2005
26. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 101-102
27. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 102
28. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 103-104
29. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 104
30. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 104
31. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 105
32. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 105-106.

Bài viết khác: