I. Tuổi trẻ quốc tế với Bác Hồ
1… Đối với chúng tôi, những người cộng sản ở Cộng hòa Dân chủ Đức, toàn thể nhân dân có nhiều điều gắn bó với sự nghiệp và thân thế của Hồ Chủ tịch. Nhiều mối quan hệ mật thiết có tính chất cá nhân không ngừng tăng lên trong mấy chục năm qua đã nói lên sự đồng nhất về mục tiêu và tư tưởng của chúng ta. Ngay từ những năm 20, Hồ Chủ tịch đã ở Béc-lin nhiều tuần và kết bạn với nhiều đồng chí. Người đã quen biết vị lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đức: Đồng chí En-xtơ Ten-lơ-man (Ernst Thaelmann). Người đã học được từ Đức đầu tiên là “Genosse” (đồng chí) do Clara Zetkin, một trong những chiến sĩ tiên phong của phong trào cộng sản Đức và quốc tế dạy cho, một từ mà những người cộng sản vẫn thường gọi và xưng hô với nhau. Với vị Chủ tịch đầu tiên của chúng tôi, đồng chí Vin-hem Pích, từ thời kỳ hoạt động chung Quốc tế cộng sản, Người đã có một tình bạn sâu sắc, mà sau này trong cuộc đi thăm Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1957 đã nhiều lần thể hiện mối thân thiết cảm động trong những lần gặp riêng cuối cùng với Chủ tịch Vin-hem Pích (Wilhelm Pieck).
Trong cuộc đi thăm đó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đến nhiều thành phố và thôn xóm khác nhau của đất nước chúng tôi và hàng nghìn người dân lao động nước chúng tôi đã được chứng kiến trực tiếp và yêu mến tình cảm gắn bó với nhân dân của Người, tính vui của Người và sức mạnh của lòng tin vào chiến thắng của những người cộng sản ở Người.
Bản thân tôi cũng có may mắn có dịp được gặp Người vào năm 1956 ở Hà Nội. Bấy giờ, tôi dẫn đầu một đoàn đại biểu của Phong trào thanh niên quốc tế sang dự Đại hội của Đoàn Thanh niên Việt Nam. Chúng tôi rất vinh dự biết tin sẽ được đồng chí Hồ Chí Minh tiếp. Cuộc gặp và tọa đàm với Người thuộc vào trong những ấn tượng sâu sắc và không bao giờ quên của đời tôi. Tôi vẫn còn thấy rõ trong tiếng nói của Người, còn nhận thấy sâu sắc sự chú ý và đức tính ham hiểu biết của Người, về cả những gì chúng tôi đã được chứng kiến ở Việt Nam cũng như những vấn đề của phong trào thanh niên quốc tế hồi đó.
Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói những gì trong giờ phút ấy, trong lần gặp ấy? Với phong cách vô cùng thân ái và cởi mở, mà người khách đến thăm lập tức không cảm thấy bất cứ một điều gì phải lo ngại và bất cứ một hình thức nghi lễ nào, Người hỏi về những cảm tưởng của chúng tôi và muốn biết ngay nhận xét của chúng tôi đối với đại hội thanh niên, đối với phong trào thanh niên dân chủ ở từng vùng trên thế giới; và quay lại phía tôi, Người hào hứng nhắc đến một vài kỷ niệm ở Đức và với các đồng chí Đức…
Người nói về thanh niên Việt Nam với lòng yêu mến sâu xa và điều làm tôi xúc động mãnh liệt trước hết là lòng tin không gì lay chuyển nổi của Người đối với lớp thanh niên này. Hồi đó chắc chắn không phải là thời gian dễ dàng gì, một số bước phát triển đang còn hoàn toàn ở giai đoạn đầu và không ai có thể nhìn nhận tốt hơn đồng chí Hồ Chí Minh về những thử thách nặng nề còn đặt ra đối với đất nước và thanh niên của đất nước Người.
Nhưng, lớp thanh niên đó của Việt Nam - mà về sức mạnh của họ, về những nhiệm vụ nặng nề và tốt đẹp của họ, Hồ Chủ tịch đã nói một cách sôi nổi như vậy - trong ngót 20 năm qua, kể từ thời kỳ đó, đã đứng bên cạnh các đồng chí cao tuổi hơn, vượt qua những thử thách nặng nề nhất trong cuộc đấu tranh cách mạng một cách hiên ngay và đầy thắng lợi, bất chấp cả sự khủng bố ác liệt nhất của bom đạn, đã đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc tiến lên và đã chiến thắng kẻ thù ở miền Nam.
(Vécnơ Lambécxơ, “Thắng lợi vẻ vang trong tên tuổi của Người”1)
2. Đối với tôi, lần nào tới Việt Nam cũng là những kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Nhưng lần khiến tôi xúc động nhất là vào tháng 10 năm 1956, khi đó tôi và Raymông Điêng được vinh dự gặp Bác Hồ. Chúng tôi cứ ngỡ được gặp Người trong một căn phòng lộng lẫy nào đó. Thú thật với các bạn, dẫu sao thì nếp sống phương Tây vẫn là một thói quen của chúng tôi, hơn nữa Người là vị lãnh tụ của cả một dân tộc cơ mà! Khi được dẫn tới gặp Người tại một ngôi nhà nhỏ ven hồ, tôi, Raymông Điêng và những người cùng đoàn đã không kìm được sự ngạc nhiên và xúc động. Nơi ở của Người đây ư? Một vị lãnh tụ dân tộc lại có thể giản dị đến thế sao? Từ vật dụng trong ngôi nhà đều toát ra vẻ mộc mạc như chính chủ nhân của nó. Khi Người cầm tay chúng tôi, ân cần hỏi thăm, tôi mới hiểu ý nghĩa của từ mà người Việt Nam vẫn gọi vị lãnh tụ của mình một cách trìu mến: “Vị cha già dân tộc”. Giây phút đó đã đọng lại trong tôi như là một kỷ niệm sâu sắc nhất của cuộc đời. Để đến hôm nay, khi trở lại thăm ngôi nhà sàn bé nhỏ và Lăng Bác, tôi vẫn ngỡ Người đang ở đây chờ chúng tôi và sẽ lại hỏi thăm ân cần như trước.
(Hăngri Máctanh2)
3. Thật gần gũi và ấm cúng biết bao! Nhìn Bác trong Lăng, tôi thấy Bác như đang sống. Thực tế sự nghiệp cách mạng của Người đang sống. Nhân dân Việt Nam đi theo con đường Người đã chọn, đã và đang nỗ lực thực hiện Di chúc của Người.
Bác Hồ là lãnh tụ vĩ đại, dẫn dắt cách mạng Việt Nam thành công, góp phần làm thay đổi cục diện chính trị thế giới.
Người là hiện thân của nhân dân Việt Nam, thể hiện khát vọng của người Việt Nam. Người trao đổi với dân, lấy ý kiến của dân, từ đó chỉ cho dân cách làm để thực hiện ý tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng sáng tạo. Người luôn luôn tìm cái mới, luôn nghĩ đến dân tộc và trăn trở tìm cách giúp dân, giúp nước. Người luôn sống cùng dân, sống trong dân nên Người tự cảm thấy nhân dân muốn gì để từ đó tìm được giải pháp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đó là một trong những đặc tính nổi bật của Người so với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới. Bài học “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nóng hổi tính thời sự cho hôm nay và cho cả mai sau…
(Hăngri Máctanh3)
4. Nói về Hồ Chí Minh, không thể không nhắc đến tình đoàn kết quốc tế hữu nghị, trong sáng mà đương thời Người đã dày công gây dựng và vun đắp. Sự nghiệp đoàn kết quốc tế của Người mang tính nhân văn sâu sắc, đã và đang được lớp lớp con cháu gìn giữ và phát huy!.
(Hăngri Máctanh4)
5. Tôi rất cảm ơn số phận đã gắn cuộc đời tôi với Việt Nam. Tôi vẫn nhớ như in chuyến tôi được đến đất nước Việt Nam những năm 60. Sau khi tôi thực hiện thành công chuyến bay lên vũ trụ và được Bác Hồ cùng Chính phủ Việt Nam mời đến thăm đất nước tươi đẹp của các bạn. Thời gian đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã bắt đầu. Mặc dù bận muôn vàn công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo khác vẫn dành cho tôi sự đón tiếp rất ân cần. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tôi xuống nghỉ mát ở Vịnh Hạ Long và Người đã dành cho tôi một vinh dự bất ngờ lấy tên tôi đặt cho một hòn đảo trên Vịnh. Mặc dù đã nhiều năm qua đi, tôi cũng trải qua biết bao công việc, song bận đến đâu, vào những ngày lễ của Việt Nam như ngày Quốc khánh 02-9 và đặc biệt là ngày 19-5, bằng mọi cách tôi phải đến với Bác Hồ, đến với những người bạn Việt Nam đầy tình nghĩa. Cho đến giờ, ở nhà tôi vẫn còn hẳn một phòng để trưng bày những kỷ vật mang từ Việt Nam về. Vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi dùng cả đũa bát để ăn theo kiểu Việt Nam. Vợ và con cháu tôi cũng rất thích như vậy. Chúng cũng yêu Việt Nam như ông và cha của chúng.
(Anh hùng G.Titốp5)
6. Bác Hồ thật giản dị, gần gũi như người nhà, không có gì tỏ ra cách biệt giữa một vị đứng đầu Nhà nước với dân thường. Người mặc quần áo ka ki thường, không thắt cà vạt, không đi giày da mà mang dép cao su. Nhìn khuôn mặt hiền từ rạng rỡ của Người, chúng tôi bị cuốn hút ngay từ giây phút đầu tiên. Thật đúng là một hiền triết phương Đông. Bác Hồ bắt tay và hỏi tên tuổi, gia đình từng người. Đến lượt tôi, tôi nói tên mình, Bác Hồ khen: “Thật là một cái tên hay; đẹp và đầy ý nghĩa của Nga” (trong tiếng Nga, chữ “Liubốp” có nghĩa là tình yêu)… Bác Hồ thật là một người uyên thâm trong mọi lĩnh vực. Tôi không bao giờ quên được kỷ niệm đẹp đẽ đó.
… Bác Hồ đi tới từng bàn chúc chúng tôi ăn ngon, tự nhiên như ở nhà. Bác hỏi chúng tôi về khẩu vị với món ăn dân tộc Việt Nam. Bác nói tiếng Nga giải thích cho chúng tôi về lịch sử của món bánh chưng độc đáo của Việt Nam. Bác còn hướng dẫn chúng tôi cách dùng đũa để gắp thức ăn, nhất là với bánh chưng, một món tuyệt ngon mà trong đời tôi chưa hề nghe nói tới và được thưởng thức bao giờ cả. Được Bác Hồ chăm sóc việc ăn uống, chúng tôi cảm động quá!.
(Liubốp Lukinitriva Baranôva6)
7. … Đến hôm nay, Phong vẫn nhớ, hôm đó trời mưa nên máy bay đến muộn. Phong cầm hoa trong tay, nhìn phải nhìn trái, bỗng thấy mọi người vẫy tay reo lên: “Bác Hồ đến rồi, Hồ Chủ tịch đến rồi!”. Vương Phong cũng hướng về chỗ người lớn đang hoan hô náo nhiệt, em thấy một người đang bước đi trên nền sân bay còn đọng nước vì trời mưa. Đó là một Cụ già có mái tóc bạc và bộ râu bạc, vừa đi vừa giơ tay vẫy chào thân thiết mọi người. Phong reo lên: “A! Bác Hồ đến thật rồi!”. Cô bé nhẩy cẫng lên, vừa nhẩy vừa vẫy hoa.
Một lát sau, Bác Hồ bước đến trước đoàn ngoại giao, nói chuyện thân mật với Đại sứ La Quý Ba và cầm tay cháu bé Trung Quốc, hỏi bằng tiếng Hoa: “Cháu mấy tuổi rồi? Biết nói tiếng Việt Nam không?”. Cháu bé nhìn Bác Hồ giống như ông nội ở quê nhà, cũng gương mặt hiền từ, trìu mến, và nói liền ba câu tiếng Việt duy nhất mà cháu biết cho Bác nghe: “Ăn cơm chưa?”, “Ăn rồi”. “Xin chào đồng chí!”. Nghe thấy vậy, Bác cười rất to và hỏi: “Cháu có thích Việt Nam không?”. Không nghĩ ngợi lâu, cháu bé thưa với Bác Hồ:
- Cháu thích Việt Nam, cháu cũng yêu Bác Hồ!
Bác nghe xong, liền ôm cháu bé vào lòng, hôn nhẹ lên má cháu. Vương Phong có cảm giác lúc này là đứa bé hạnh phúc nhất, vì em đã được gặp người mà ngày đêm em từng mong ước; hơn nữa lại được Người ôm hôn trìu mến. Lúc đó, các phóng viên, nhà báo thi nhau chụp ảnh hai Bác cháu…
(Vương Phong7)
8. Khi Bác tới thăm Cancútta, tôi mới 11 tuổi, còn học phổ thông, nhưng vẫn nhớ như in lần gặp Bác. Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Thậm chí bọn trẻ chúng tôi tại các trường phổ thông lúc đó hầu như ai cũng biết tên Bác Hồ, bởi Bác là hiện thân cho cuộc đấu tranh vì hòa bình. Tôi nhớ khi Bác Hồ tới thăm Viện thống kê Ấn Độ, nơi mẹ tôi công tác, và ghé thăm nhà chúng tôi, lúc đó ở 172/1, Lowa, Circular Road, Cancútta. Mẹ tôi nói với chúng tôi rằng chúng tôi sắp được đón một người - một con người vĩ đại, một con người khác thường. Thế rồi chúng tôi đột nhiên nhìn thấy một người nhỏ nhắn, râu dài, dáng đi nhanh nhẹn. Từ bộ quần áo giản dị, đôi dép cao su… toát lên một điều gì đó khó tả, như mẹ tôi nói với chúng tôi “con người khác thường”, có lẽ đó là sức mạnh nghị lực phi thường tiềm ẩn bên trong con người của Bác. Lúc đó nhiều người chúng tôi cứ đứng ngây ra nhìn Bác… Thế rồi Bác ngồi xuống nói chuyện với từng người… Không chỉ nói chuyện, Bác còn tặng quà cho chúng tôi nữa. Bác không ngồi trên ghế xa-lông, mà ngồi ngay ở sàn nhà theo phong tục truyền thống của Ấn Độ. Bác hiểu rất rõ phong tục truyền thống của Ấn Độ chúng tôi.
(Chand Joshi8)
Thu Hiền (tổng hợp)
-------------
1. Theo sách “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr.41.
2. Báo Quân đội nhân dân, ngày 02-9-2004.
3. Báo Quân đội nhân dân, ngày 02-9-2004.
4. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 53.
5. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 58.
6. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 58-60.
7. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 60-61.
8. “Bác Hồ với tuổi trẻ năm châu”, sđd, tr. 63.