1. Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2019.

Nghị định này quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) về sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, định mức và giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thực hiện theo quy định điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước của Luật điều ước quốc tế.

Nguyên tắc quản lý chi phí đầu tư xây dựng như sau:

- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải bảo đảm mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án đã được phê duyệt, phù hợp với trình tự đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Xây dựng, nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư của dự án, phương thức thực hiện của dự án. Chi phí đầu tư xây dựng phải được tính đúng, tính đủ cho từng dự án, công trình, gói thầu xây dựng, phù hợp với yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, điều kiện xây dựng, kế hoạch thực hiện dự án, mặt bằng giá thị trường tại khu vực xây dựng công trình và các biến động giá dự kiến trong quá trình đầu tư xây dựng.

- Nhà nước thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng thông qua việc ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; hướng dẫn phương pháp lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến khi kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng trong phạm vi tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt gồm cả trường hợp tổng mức đầu tư được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm tra, kiểm soát và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

- Các công trình xây dựng đặc thù thuộc loại công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng và hệ thống công cụ định mức, đơn giá xây dựng, chỉ số giá quy định tại Nghị định này để xác định chi phí đầu tư xây dựng, làm cơ sở xác định giá trị hình thành tài sản công đối với các công trình xây dựng này. Việc thẩm định, phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng các công trình này được thực hiện theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng đặc thù tại Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

- Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới áp dụng nguyên tắc, phương pháp xác định chi phí đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định này và phù hợp với đặc thù, tính chất các công trình thuộc các Chương trình này.

- Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chi phí đầu tư xây dựng phải được thực hiện theo các căn cứ, nội dung, cách thức, thời điểm xác định, phương pháp xác định các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng, hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng của công trình đã được người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thống nhất sử dụng phù hợp với các giai đoạn của quá trình hình thành chi phí theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại Nghị định này.

2. Nghị định số 69/2019/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2019.

Theo Nghị định, tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi là Dự án BT) gồm:

- Quỹ đất.

- Đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.

- Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Các loại tài sản công khác theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Trường hợp bán đấu giá tài sản công để lấy nguồn thanh toán cho Hợp đồng BT thì việc sử dụng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Cụ thể:

- Quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư áp dụng hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Giá trị trụ sở làm việc thanh toán Dự án BT là giá trị quyền sử dụng đất và giá trị của tài sản trên đất xác định tại thời điểm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị trụ sở làm việc thanh toán.

- Giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán Dự án BT là giá trị quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng và pháp luật có liên quan. Giá trị tài sản kết cấu hạ tầng thanh toán Dự án BT được xác định tại thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho Nhà đầu tư và không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định; trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

- Việc sử dụng tài sản công khác để thanh toán Dự án BT thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan và được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo đề nghị của Bộ, ngành, địa phương quản lý tài sản công.

Việc lập dự toán ngân sách Nhà nước được quy định như sau:

- Giá trị tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được ghi trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao dự toán ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Giá trị tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT được dự toán thu về giá trị tài sản công trong ngân sách nhà nước. Giá trị Dự án BT được dự toán chi về đầu tư phát triển trong ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách nhà nước.

- Ngân sách trung ương ghi dự toán thu, chi ngân sách nhà nước đối với tài sản công thuộc trung ương quản lý; ngân sách địa phương ghi dự toán thu, chi ngân sách nhà nước đối với tài sản công thuộc địa phương quản lý.

3. Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23/8/2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2019.

Nghị định này quy định đối tượng tuyển chọn và thời gian phục vụ như sau: Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu thì được xem xét, tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể độ tuổi tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đơn vị sử dụng và quy định ngành nghề cần thiết để tuyển chọn công dân nữ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phù hợp với nhu cầu sử dụng trong từng thời kỳ.

công an nhân dân
Ảnh minh họa: Internet

Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là 24 tháng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2018.

Thời gian thực hiện nghĩa vụ được tính từ ngày giao nhận công dân; trong trường hợp không giao nhận tập trung thì tính từ ngày đơn vị Công an nhân dân tiếp nhận đến khi được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Có lý lịch rõ ràng.

- Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không có tiền án, tiền sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, quản chế, không trong thời gian bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc; có phẩm chất, đạo đức tư cách tốt, được quần chúng nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, công tác tín nhiệm.

- Bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.

- Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Các xã miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tuyển công dân có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Thể hình cân đối, không dị hình, dị dạng và đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

  1. Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019.

Thông tư này áp dụng đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và thực hiện các quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ.

Khi tham gia giao thông trên đường bộ, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe (thuộc chủng loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng) được ghi trên biển báo hiệu đường bộ.

Tại những đoạn đường không bố trí biển báo hạn chế tốc độ, không bố trí biển báo khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải thực hiện theo đúng quy định.

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mặt độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn giao thông

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc):

Loại xe cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên

Đường hai chiều: đường một chiều có một làn xe cơ giới

Các phương tiện xe cơ giới

60

50

Tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc):

Loại xe cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên

Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới

Xe ô tô con, xe ô tô chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải nhỏ hơn hoặc bằng 3,5 tấn.

90

80

Xe ô tô chở người trên 30 chỗ (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc).

80

70

Ô tô buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc; xe mô tô; ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông).

70

60

Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông, ô tô xi téc.

60

50

Tốc độ tối đa cho phép đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự trên đường bộ (trừ đường cao tốc):

Đối với xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông tốc độ tối đa không quá 40 km/h.

Tốc độ của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc:

- Tốc độ tối đa cho phép khai thác trên đường cao tốc không vượt quá 120 km/h.

- Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ sơn kẻ mặt đường trên các làn xe.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: