Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

1. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2019.

Nghị định này quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công gồm:

- Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên trong các lĩnh vực sự nghiệp và các hoạt động kinh tế theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trong đó:

+ Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của các bộ, cơ quan Trung ương từ nguồn ngân sách Trung ương.

+ Kinh phí thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của địa phương từ nguồn ngân sách địa phương.

- Nguồn phí được để lại chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí.

- Nguồn thu dịch vụ sự nghiệp công theo giá dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá.

- Nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

VBPL thang 6
Ảnh minh họa: Internet

Các bộ, cơ quan Trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách Trung ương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương.

Trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với sản phẩm, dịch vụ công có tính đặc thù từ nguồn ngân sách Trung ương (nếu có), thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chỉ thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên được giao kinh phí cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

Căn cứ chức năng và ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ sự nghiệp công tham gia đấu thầu; căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực thuộc diện Nhà nước cấp phép hoạt động và các điều kiện tham gia đấu thầu khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có); nhà thầu được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này theo các hình thức:

- Đấu thầu rộng rãi cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 20 Luật Đấu thầu; trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Nghị định này.

- Đấu thầu hạn chế cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu.

2. Thông tư số 03/2019/TT-BTTTT ngày 06/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/6/2019.

Theo Thông tư, nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam và thông tin giải thích, làm rõ quy định tại khoản 1 các Điều 7, 8, 9, 10 Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại.

Việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí phải bảo đảm nguyên tắc sau:

- Đăng, phát nội dung thông tin đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân Việt Nam.

- Không đăng, phát nội dung thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế, hình ảnh Việt Nam; gây phương hại đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các nước; kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.

Yêu cầu về việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí đối với báo chí đối ngoại như sau:

- Đối với thông tin về các vấn đề quan trọng của Việt Nam và thế giới: Sau khi nhận được quan điểm của Nhà nước Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cung cấp, việc đăng, phát được thực hiện như sau:

+ Vị trí đăng, phát: Trang nhất đối với báo in; trang chủ đối với báo điện tử; bản tin thời sự đối với kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại.

+ Thời gian đăng, phát: Chậm nhất 02 giờ đối với báo điện tử; 05 giờ đối với báo điện tử phải chuyển ngữ; 24 giờ đối với báo in; phát vào bản tin thời sự kế tiếp đối với kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại.

- Đối với thông tin giải thích, làm rõ: Đăng, phát ở vị trí dễ tiếp cận, vào thời gian sớm nhất.

- Đối với các nội dung thông tin đối ngoại khác quy định tại Điều 4 Thông tư này: Đăng, phát vào thời gian trong ngày.

- Ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài:

+ Tăng số lượng tin, bài, chương trình sản xuất tiếng nước ngoài (không qua quy trình chuyển ngữ) để đăng, phát trên báo chí.

+ Chủ động tăng số lượng ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng nước ngoài để phục vụ đối tượng thông tin đối ngoại ở các quốc gia khác nhau, trong đó chú trọng phát triển các thứ tiếng ở địa bàn trọng điểm của thông tin đối ngoại theo từng thời kỳ.

Đối với báo chí thực hiện việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại: Khi thực hiện việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại, khuyến khích:

- Đăng, phát kịp thời, ở vị trí dễ tiếp cận.

- Đăng, phát thông tin về quan điểm của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề trong nước và quốc tế vào thời gian sớm nhất hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Đăng, phát tin, bài, chương trình có nội dung thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài hoặc phụ đề bằng tiếng nước ngoài để thúc đẩy hiệu quả thông tin đối ngoại.

- Các đài phát thanh, truyền hình ở địa phương:

+ Tổ chức phát lại nội dung thông tin đối ngoại đã phát trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia trên cơ sở thỏa thuận giữa các cơ quan báo chí về nhu cầu đăng, phát.

+ Cung cấp nội dung thông tin của địa phương để đăng, phát trên báo chí đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh địa phương ra thế giới.

Quyền của báo chí thực hiện việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại:

- Được Nhà nước đặt hàng thực hiện đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí.

- Được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí Việt Nam.

Trách nhiệm của báo chí thực hiện việc đăng, phát nội dung thông tin đối ngoại:

- Thông tin tích cực về đất nước và con người Việt Nam trên các lĩnh vực.

- Khuyến khích mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề để tăng cường hiệu quả thông tin đối ngoại và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia.

- Phân công phóng viên, biên tập viên theo dõi về thông tin đối ngoại.

- Tổ chức tổng kết, đề xuất khen thưởng, báo cáo kết quả thực hiện nội dung thông tin đối ngoại trên báo chí khi có yêu cầu.

3. Thông tư số 09/2019/TT-BGDĐT ngày 14/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ Thông tư số 31/2018/TT-BGDĐT ngày 24/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/6/2019.

Theo đó, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập nêu tại Thông tư số 31/2018/TT-BGDĐT chính thức bị bãi bỏ. Thay vào đó sẽ thực hiện theo khoản 11 Điều 2 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạnh công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, các chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập phải tập sự trong thời gian:

- 12 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo đại học. Riêng đối với chức danh nghề nghiệp bác sĩ là 09 tháng.

- 09 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng.

- 06 tháng đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo trung cấp.

Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên, thời gian nghỉ không hưởng lương và thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật không được tính vào thời gian tập sự.

Trong khi đó, trước đây, Thông tư số 31/2018/TT-BGDĐT áp dụng thời gian tập sự như sau:

- 12 tháng với chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III.

- 09 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III.

- 06 tháng với chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV.

4. Thông tư số 24/2019/TT-BTC ngày 22/4/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/6/2019.

- Xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan Trung ương như sau:

+ Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này theo công thức sau:

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
(xe)

=

Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người
(đơn vị)

: 2

+ Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung xác định cho nhóm đơn vị này là bằng số lượng đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị.

- Xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ, Ban và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Tổng cục và tổ chức tương đương:

+ Đối với nhóm đơn vị có số biên chế dưới 50 người/01 đơn vị theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này theo công thức sau:

Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
(xe)

=

Số lượng các đơn vị có số biên chế dưới 50 người
(đơn vị)

: 3

+ Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của nhóm đơn vị này được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

+ Đối với nhóm đơn vị mà trụ sở làm việc không nằm chung địa bàn tỉnh, thành phố với trụ sở của Tổng cục theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được xác định cho nhóm đơn vị này tối đa 01 xe/01 đơn vị.

- Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định như sau:

+ Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km)

x

Số ngày làm việc thực tế trong tháng (ngày)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

+ Hình thức khoán gọn:

Mức khoán (đồng/ tháng)

=

Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km)

x

Số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

- Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối với công đoạn đi công tác:

+ Hình thức khoán theo km thực tế:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

+ Hình thức khoán gọn:

Mức khoán (đồng/tháng)

=

Số km đi công tác bình quân hàng tháng (km)

x

Đơn giá khoán (đồng/km)

 

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: