Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

1. Thông tư số 01/2019/TT-BVHTTDL ngày 17/01/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/3/2019.

Theo Thông tư, tiêu chí số người tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên là người tập luyện mỗi tuần ít nhất 3 lần; mỗi lần tập luyện ít nhất 30 phút.

Số công trình thể thao bao gồm: Tổng số nhà tập luyện, thi đấu thể thao bao gồm: Tổng số nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng; tổng số nhà tập luyện, thi đấu thể thao đơn môn; tổng số bể bơi bao gồm: Tổng số bể bơi có chiều dài 50 mét; tổng số bể bơi có chiều dài 25 mét; tổng số các loại bể bơi khác; tổng số sân tập luyện, thi đấu thể thao ngoài trời bao gồm: Tổng số sân vận động có khán đài, tổng số sân vận động không có khán đài, tổng số sân bóng đá mini, tổng số sân bóng chuyền, tổng số sân bóng rổ, tổng số sân cầu lông, tổng số sân quần vợt, tổng số các loại sân tập luyện, thi đấu thể thao khác.

Việc đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng được thực hiện định kỳ một năm một lần. Thời điểm ấn định thông tin đánh giá là ngày 31/10 hàng năm. Mốc thời gian để tính kỳ đánh giá đầu tiên là ngày 01/11/2019.

Trước ngày 30/11 hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua Tổng cục Thể dục thể thao theo mẫu báo cáo được quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này.

Trước ngày 15/12 hàng năm, Tổng cục Thể dục thể thao tổng hợp kết quả đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng toàn quốc, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kết quả đánh giá phong trào thể dục, thể thao quần chúng toàn quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trước ngày 15/01 của năm liền kề sau năm của kỳ đánh giá; được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thể dục thể thao.

2. Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/01/2019 của Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào và yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2019.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Việc thiết kế cấu trúc dữ liệu thông tin đầu vào phải bảo đảm thống nhất với tiêu chuẩn thông tin đầu vào của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử của các cơ quan, tổ chức.

Tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ được quy định như sau:

1. Tài liệu lưu trữ điện tử được số hóa từ tài liệu lưu trữ nền giấy: Định dạng Portable Document Format (.pdf), phiên bản 1.4 trở lên; ảnh màu; độ phân giải tối thiểu là 200 dpi; tỷ lệ số hóa 100%; hình thức chữ ký số của cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ số hóa: Vị trí góc trên, bên phải, trang đầu tài liệu; hình ảnh: Dấu của cơ quan, tổ chức, màu đỏ, kích thước bằng kích thước thực tế của dấu, định dạng Portable Network Graphics (.png); thông tin: Tên cơ quan, tổ chức, thời gian ký (ngày, tháng, năm; giờ, phút, giây; múi giờ Việt Nam theo Tiêu chuẩn ISO 8601); tên file: Gồm mã hồ sơ và số thứ tự văn bản trong hồ sơ, cách nhau bởi dấu chấm.

2. Tài liệu ảnh: Định dạng JPEG; độ phân giải tối thiểu 200 dpi.

3. Tài liệu phim ảnh: Định dạng MPEG-4, .avi, .wmv; bit rate tối thiểu 1500 kbps.

4. Tài liệu âm thanh: Định dạng MP3, .wma; bit rate tối thiểu 128 kbps.

5. Dữ liệu thông tin đầu vào của cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ hình thành từ Hệ thống quản lý tài liệu điện tử của các cơ quan, tổ chức nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử được đóng gói theo tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ảnh minh họa: Internet

Một số yêu cầu của việc bảo quản cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ như: Không lưu cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trên các thiết bị kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông; không chuyển mục đích sử dụng các thiết bị đã lưu cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ triệt để cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ phải được sao lưu ít nhất 02 bộ, mỗi bộ trên 01 phương tiện lưu trữ độc lập. Việc sao lưu phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời, an toàn…

Định kỳ hàng năm thực hiện kiểm tra cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.

3. Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 15/01/2019 của Bộ Tài chính quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2019.

Theo Thông tư, nguồn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện hoạt động sáng kiến thuộc trách nhiệm thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Hội đồng sáng kiến được thành lập theo quy định tại Điều 8 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nội dung và mức chi họp của Hội đồng sáng kiến thực hiện như sau: Chủ tịch Hội đồng: Tối đa không quá 500.000 đồng/buổi họp; Phó Chủ tịch Hội đồng, thư ký Hội đồng và các thành viên Hội đồng (gồm các chuyên gia hoặc những người có chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung sáng kiến): Tối đa không quá 200.000 đồng/người/buổi họp; các thành phần khác tham gia Hội đồng theo quyết định của người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến: Tối đa không quá 100.000 đồng/người/buổi họp; chi tiền tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ họp Hội đồng: Thanh toán theo hóa đơn thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

Đối với mức chi phổ biến sáng kiến: Các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp phổ biến sáng kiến thuộc lĩnh vực quản lý của mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Điều lệ Sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02/3/2012 của Chính phủ. Mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/1 đơn vị tham gia.

Việc lập dự toán ngân sách nhà nước, chấp hành ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước đối với hoạt động sáng kiến thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

4. Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2019.

Thông tư này quy định: Thời điểm thống kê đất đai định kỳ hàng năm được tính đến hết ngày 31/12 hàng năm (trừ năm thực hiện kiểm kê đất đai); thời điểm kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất định kỳ 05 năm được tính đến hết ngày 31/12 của năm có chữ số tận cùng là 4 và 9.

Chỉ tiêu loại đất thống kê, kiểm kê được phân loại theo mục đích sử dụng đất và được phân chia từ tổng thể đến chi tiết theo quy định như sau:

a) Nhóm đất nông nghiệp, bao gồm:

- Đất sản xuất nông nghiệp gồm đất trồng cây hàng năm và đất trồng cây lâu năm.

- Đất lâm nghiệp bao gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; trong đó gồm đất có rừng tự nhiên, đất có rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng.

- Đất nuôi trồng thủy sản.

- Đất làm muối.

- Đất nông nghiệp khác.

b) Nhóm đất phi nông nghiệp, bao gồm:

- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan.

- Đất quốc phòng.

- Đất an ninh.

- Đất xây dựng công trình sự nghiệp như đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa; đất xây dựng cơ sở dịch vụ xã hội; đất xây dựng cơ sở y tế; đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo…

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông; đất thủy lợi; đất có di tích lịch sử - văn hóa; đất danh lam thắng cảnh…

- Đất cơ sở tôn giáo.

- Đất cơ sở tín ngưỡng.

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối.

- Đất có mặt nước chuyên dùng.

- Đất phi nông nghiệp khác.

c) Nhóm đất chưa sử dụng gồm đất bằng chưa sử dụng; đất đồi núi chưa sử dụng; núi đá không có rừng cây.

d) Đất có mặt nước ven biển gồm đất mặt nước ven biển nuôi trồng thuỷ sản; đất mặt nước ven biển có rừng ngập mặn; đất mặt nước ven biển sử dụng vào mục đích khác.

Việc thống kê, kiểm kê định kỳ đất quốc phòng, đất an ninh do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các địa điểm và diện tích đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về số liệu thống kê, kiểm kê đất quốc phòng, đất an ninh ở địa phương.

5. Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2019.

Thông tư quy định: Hồ sơ bệnh án điện tử được lập, cập nhật, hiển thị, ký số, lưu trữ bằng phương tiện điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư này thì có giá trị pháp lý như hồ sơ bệnh án giấy quy định tại Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Việc lập, cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này và Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa 12 giờ, kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp thời gian khám, chữa bệnh kéo dài trên 12 giờ hoặc có sự cố về công nghệ thông tin thì thời gian cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử tối đa không quá 24 giờ. Hồ sơ bệnh án điện tử phải được lưu trữ dự phòng tại một cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu (data center) đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thì lưu trữ dự phòng hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) y tế thay cho việc in phim khi đáp ứng được các yêu cầu sau đây: PACS đạt mức nâng cao theo quy định tại Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế; thiết bị lưu trữ hình ảnh y tế phải có đủ dung lượng để đáp ứng thời gian lưu trữ hồ sơ bệnh án theo quy định tại Khoản 3 Điều 59 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Hồ sơ bệnh án điện tử phải áp dụng các tiêu chuẩn công nghệ thông tin sau đây: Tiêu chuẩn HL7 gồm kiến trúc tài liệu lâm sàng HL7 CDA và HL7 FHIR; tiêu chuẩn hình ảnh số và truyền tải trong y tế (DICOM) phiên bản 2.0 trở lên; tiêu chuẩn về an toàn thông tin y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Y tế.

6. Quyết định số 05/2019/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quyết định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019.

Quyết định này đã bãi bỏ toàn bộ 39 văn bản quy phạm pháp luật trong đó có 18 văn bản, như:

1. Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.

2. Quyết định số 64/1998/QĐ-TTg ngày 21/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền mua nhà ở cho một số đối tượng khi mua nhà ở đang thuê thuộc sở hữu nhà nước.

3. Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

4. Quyết định số 175/2003/QĐ-TTg ngày 29/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2010”.

5. Quyết định số 121/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về du lịch giai đoạn 2006 - 2010.

6. Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý công sở các cơ quan hành chính nhà nước.

7. Quyết định số 226/2006/QĐ-TTg ngày 10/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công và lễ khánh thành công trình xây dựng.

8. Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg ngày 12/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

9. Quyết định số 125/2007/QĐ-TTg ngày 31/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2006 - 2010.

10. Quyết định số 141/2008/QĐ-TTg ngày 22/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý trụ sở, nhà làm việc các đơn vị sự nghiệp công lập.

11. Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

12. Quyết định số 80/2010/QĐ-TTg ngày 09/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về miễn phí xây dựng.

13. Chỉ thị số 30/1999/CT-TTg ngày 26/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị.

14. Chỉ thị số 08/2004/CT-TTg ngày 08/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Xây dựng.

15. Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với Đạo Tin lành.

16. Chỉ thị số 34/2006/CT-TTg ngày 26/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Nhà ở.

17. Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

18. Chỉ thị số 11/2007/CT-TTg ngày 08/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Kinh doanh bất động sản.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: