Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 27/01/2025

1. Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019.

Theo Nghị định, tổ chức là đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch bao gồm:

- Doanh nghiệp hoạt động du lịch được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

- Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoạt động du lịch.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động du lịch.

- Văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực.

- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch.

- Ban quản lý điểm du lịch, khu du lịch, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động du lịch.

- Nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

Van ban thang 8 phan 2
Ảnh minh họa/internet

Đối với những vi phạm quy định chung về kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, Nghị định quy định sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Thông báo không đầy đủ các nội dung tới cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch trước khi đi vào hoạt động theo quy định.

+ Thông báo hoạt động không đúng thời hạn theo quy định;.

+ Không niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thông báo trước khi đi vào hoạt động theo quy định.

+ Không thông báo về việc thay đổi tên cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

+ Không thông báo về việc thay đổi quy mô cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

+ Không thông báo về việc thay đổi địa chỉ cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

+ Không thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai nội quy của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán không đúng giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp theo hợp đồng đã giao kết với khách du lịch.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi đã thông báo tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động.

+ Hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 49 của Luật Du lịch.

Đối với những vi phạm về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ lưu trú du lịch tối thiểu sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không có giường hoặc đệm hoặc chiếu hoặc chăn hoặc gối theo quy định.

+ Không có khăn mặt hoặc khăn tắm theo quy định.

+ Không thay bọc đệm hoặc chiếu hoặc bọc chăn hoặc bọc gối khi có khách mới.

+ Không thay khăn mặt hoặc khăn tắm khi có khách mới.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không bảo đảm nhà vệ sinh theo quy định (đồng thời đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng)…

Các quy định này cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.

2. Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thể thao được quy định tại Nghị định này là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, đồi trụy, kích động bạo lực, trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện, thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

Đối với hành vi gian lận trong hoạt động thể thao sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian lận về tên, tuổi, giới tính, thành tích để được tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao hoặc tham gia thi đấu thể thao; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi bao che, dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận trong hoạt động thể thao; phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.

Những vi phạm quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức giải thi đấu thể thao thiếu một trong những nội dung về tên giải, thời gian, địa điểm, chương trình thi đấu, điều kiện an ninh, trật tự, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không thành lập Ban tổ chức giải thi đấu.

+ Không có Điều lệ giải thi đấu.

+ Không báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, kết quả giải thi đấu.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức giải thi đấu thể thao không đúng thẩm quyền.

3. Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2019.

Nghị định trên quy định vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 2 vùng: Vùng 1 là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải; vùng 2 là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.

Theo Nghị định, trách nhiệm của người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 12 của Luật Du lịch thì phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước và tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.

4. Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ban hành ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2019.

Nghị định này áp dụng cho các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, cá nhân, tổ chức phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Mức phạt tiền tối đa trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

- Tước quyền sử dụng có thời hạn từ 01 đến 03 tháng: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, Giấy chứng nhận hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh, Giấy phép chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ, Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá, giám định công nghệ.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Nghị định, đối với vi phạm quy định về hoạt động khoa học và công nghệ sẽ:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước vượt quá thời gian đã cam kết mà chưa được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi nộp hồ sơ, tài liệu để phục vụ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có số liệu, nội dung sai sự thật.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Kê khai sai sự thật trong hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn, xét giao trực tiếp nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

+ Báo cáo sai sự thật về tiến độ, nội dung, kết quả nghiên cứu.

5. Thông tư số 38/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020-2022; kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/8/2019.

Theo đó, khi lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương năm 2020 thì:

- Các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); một phần nguồn thu được để lại theo chế độ quy định; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư.

- Các địa phương thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ); một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của các cơ quan, đơn vị; nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết); phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư - nếu có.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/8/2019. Nội dung, quy trình và thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2020 - 2022 và kế hoạch tài chính 05 năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: