1. Nghị định số 28/2019/NĐ-CP ngày 20/3/2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/5/2019.
Nghị định này áp dụng đối với:
- Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền tố cáo.
- Quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quốc phòng.
- Người giải quyết tố cáo; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.
- Người tố cáo, người được bảo vệ liên quan đến tố cáo trong Quân đội nhân dân.
- Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo trong Quân đội nhân dân.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được xác định như sau:
- Trung đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện, Đồn trưởng đồn Biên phòng và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng do mình quản lý.
- Cục trưởng, Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và cấp tương đương có thẩm quyền sau đây:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng của cơ quan, đơn vị cấp dưới do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
- Giám đốc học viện, Hiệu trưởng nhà trường, Viện trưởng Viện nghiên cứu, Giám đốc bệnh viện và cấp tương đương có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do mình quản lý.
- Tư lệnh Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn, Tư lệnh vùng Hải quân, Tư lệnh vùng Cảnh sát biển và cấp tương đương có thẩm quyền:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và cán bộ sĩ quan do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.
- Tư lệnh Quân khu, Quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) và cấp tương đương, Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ có thẩm quyền:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị cấp Sư đoàn và tương đương do mình quản lý trực tiếp.
- Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm các tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng có thẩm quyền:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc và quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc do mình quản lý trực tiếp.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền:
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người chỉ huy cơ quan, đơn vị, tổ chức, quân nhân do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ do mình quản lý trực tiếp;
+ Giải quyết các tố cáo thuộc thẩm quyền của cấp dưới khi xét thấy cần thiết.
Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được thực hiện theo quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31, khoản 1 Điều 32, các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
Trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thực hiện theo quy định tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31; khoản 1 Điều 32; các Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 của Luật Tố cáo năm 2018.
2. Nghị định số 30/2019/NĐ-CP ngày 28/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2019.
Theo Nghị định, thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước được xác định như sau:
- Nếu thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà thì xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng.
- Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở không ghi thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thì xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng đó.
- Nếu thuộc diện ký lại hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên.
- Nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền thuê nhà ở trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; trường hợp khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở mà cơ quan có thẩm quyền đã truy thu tiền thuê nhà ở (có giấy tờ chứng minh việc truy thu tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm tính truy thu tiền thuê nhà ở.
- Nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có quyết định hoặc văn bản phân phối bố trí sử dụng nhà ở (sau đây gọi chung là văn bản bố trí sử dụng) và có tên trong văn bản đó trước thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản bố trí sử dụng; nếu trong văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản đó.
Ảnh minh họa: Internet
Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó; nếu trong văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản này.
Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở thuộc diện nhận chuyển quyền thuê nhà ở (có hợp đồng thuê nhà hoặc có văn bản bố trí sử dụng nhà ở này nhưng không có tên trong hợp đồng hoặc trong văn bản đó) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người đầu tiên có tên trong hợp đồng hoặc văn bản bố trí sử dụng nhà ở.
Thời hạn giải quyết cho thuê nhà ở cũ là không quá 30 ngày, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị thuê nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời hạn hợp đồng thuê nhà ở cũ là 05 năm, tính từ ngày ký kết hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp người thuê có nhu cầu thuê thời hạn ngắn hơn.
Khi hết thời hạn thuê nhà ở mà bên thuê vẫn đủ điều kiện thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó thì được gia hạn hợp đồng thuê nhà ở bằng với thời hạn thuê nhà trước đó, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở theo quy định của pháp luật.
3. Thông tư số 03/2019/TT-BGDĐT ngày 18/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/5/2019.
Thông tư quy định, thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia nhằm mục đích: Dùng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung thi nằm trong Chương trình cấp trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Về bảo quản, sử dụng Đề thi và bảo quản bài thi tại Điểm thi, Thông tư quy định:
- Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng Điểm thi và Phó Trưởng Điểm thi là người của trường Đại học, Cao đẳng phối hợp), chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ. Khi mở niêm phong phải có chứng kiến của Công an và những người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong; biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trường Điểm thi và những người chứng kiến.
- Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 01 cán bộ làm nhiệm vụ tại Điểm thi của trường Đại học, Cao đẳng (Phó Trưởng Điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.
Học sinh Giáo dục THPT, học viên Giáo dục thường xuyên (GDTX) trong diện xếp loại hạnh kiểm, học viên GDTX tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với chương trình văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT có Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong Giấy chứng nhận nghề, Bằng tốt nghiệp trung cấp như sau:
- Loại giỏi đối với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với Bằng trung cấp: cộng 2,0 điểm.
- Loại khá đối với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với Bằng trung cấp: cộng 1,5 điểm.
- Loại trung bình: cộng 1,0 điểm.
Điểm xét tốt nghiệp đối với Giáo dục THPT được tính theo công thức sau:
Điểm xét tốt nghiệp đối với GDTX được tính theo công thức sau:
4. Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2019.
Quyết định này quy định, Tủ sách pháp luật là nơi lưu giữ, quản lý sách, báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu chính sách, pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin pháp luật, hòa giải ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia là Tủ sách pháp luật có sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng số và được khai thác thông qua truy cập máy tính, các thiết bị điện tử và mạng viễn thông để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc. Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân là Tủ sách pháp luật có các bộ phận sách, tài liệu pháp luật được lưu giữ, quản lý dưới dạng giấy và các vật mang tin khác để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người lao động trong lực lượng vũ trang nhân dân.
Địa điểm đặt Tủ sách pháp luật phải thuận tiện cho việc khai thác, sử dụng; sắp xếp, bố trí phòng đọc phục vụ đọc sách tại chỗ. Thường xuyên rà soát, phân loại sách, tài liệu bảo đảm khoa học, tra cứu thuận tiện; chọn lọc sách, tài liệu pháp luật có chất lượng, giá trị để bổ sung, trang bị theo định kỳ, phù hợp điều kiện, đặc điểm vùng, miền, cơ quan, đơn vị. Thực hiện quản lý, khai thác thống nhất sách, tài liệu của Tủ sách pháp luật với sách, tài liệu pháp luật của Thư viện xã, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, Trung tâm học tập cộng đồng tại xã đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng, duy trì Tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định và yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị.
Các loại sách, tài liệu trong Tủ sách pháp luật gồm:
- Tài liệu, đề cương giới thiệu các luật, pháp lệnh.
- Sách, tài liệu hỏi đáp, bình luận, giải thích, hướng dẫn pháp luật; tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật.
- Sách, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về các lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Văn bản quy phạm pháp luật được liên kết, trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử pháp điển, thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; sách, tài liệu được liên kết, trích xuất từ các cơ sở dữ liệu thông tin phù hợp khác.
- Các sách, tài liệu pháp luật cần thiết khác phù hợp với nhu cầu khai thác của người sử dụng.
Nội quy hoạt động của Tủ sách pháp luật quy định về thời gian, hình thức phục vụ; quyền hạn, trách nhiệm của người phụ trách Tủ sách pháp luật; điều kiện và thủ tục mượn sách; trách nhiệm bảo quản, bồi thường thiệt hại của người đọc, người mượn khi làm mất, làm hỏng sách, báo, tài liệu pháp luật và nội dung phù hợp khác. Tủ sách pháp luật mở cửa phục vụ hàng ngày theo thời gian làm việc của từng cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp phục vụ ngoài thời gian làm việc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định rõ ngày, giờ phục vụ người đọc. Tủ sách pháp luật phục vụ bằng hình thức đọc tại chỗ hoặc cho mượn.
Khánh Linh (tổng hợp)