1. Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05/7/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30/7/2014 của Chính phủ về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải thưởng về khoa học và công nghệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/9/2019.

Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2014/NĐ-CP như sau:

Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi: Đối với công trình được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc chung quy định tại Khoản 2 Điều này còn phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

- Mỗi công trình chỉ được đề nghị xét tặng một giải thưởng trong một đợt xét tặng giải thưởng.

- Công trình đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước; Công trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước thì không được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Sửa đổi, bổ sung điểm c, d và đ khoản 3 Điều 21 như sau:

- Đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo tới tác giả công trình hoặc tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng theo góp ý của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước.

- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng trình Thủ tướng Chính phủ, gồm: Tờ trình; danh sách, báo cáo tóm tắt công trình đủ điều kiện, tiêu chuẩn được xét tặng giải thưởng và được ít nhất 80% tổng số thành viên Hội đồng dự họp bỏ phiếu đồng ý; biên bản họp xét tặng giải thưởng của Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp nhà nước.

- Gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng quy định tại điểm d Khoản này đến Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xét tặng giải thưởng ở Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước.

2. Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019.

Hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công

Phạt tiền đối với hành vi thực hiện đầu tư, mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo các mức phạt sau:

- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua dưới 100.000.000 đồng.

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có tổng giá trị một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp đầu tư, mua sắm tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện mua sắm tập trung đối với các loại tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Ngoài ra đối với hành vi đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về đi thuê tài sản; hành vi vi phạm hành chính đối với các quy định về giao, sử dụng tài sản công, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công… cũng được quy định cụ thể trong Nghị định này.

Hành vi vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định, mức phạt trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Phạt tiền đối với hành vi mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp không đúng danh mục được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các mức phạt sau:

- Từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua dưới 50.000.000 đồng.

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trang thiết bị không đúng danh mục trong một lần mua từ 100.000.000 đồng trở lên.

Đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước sai mục đích, tôn chỉ của quỹ do cấp có thẩm quyền ban hành.

+ Hành vi sử dụng quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước không đúng quy chế hoạt động, cơ chế tài chính của quỹ được cấp có thẩm quyền ban hành.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn, vượt định mức, đơn giá theo quy định của pháp luật.

3. Thông tư số 02/2019/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019.

Thông tư quy định người giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, mẫu vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật trên cơ sở hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định. Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau đây:

- Xác định đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.

- Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

- Xác định giá trị quyền tác giả, quyền liên quan, xác định giá trị thiệt hại.

- Các nội dung khác có liên quan về quyền tác giả, quyền liên quan.

sở hữu trí tuệ
Ảnh minh họa: Internet

Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23/7/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

4. Thông tư số 03/2019/TT-BVHTTDL ngày 05/7/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019.

Theo Thông tư, người giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật (sau đây gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật (sau đây gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.

Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định để xác định niên đại (tuyệt đối hoặc tương đối) và các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Việc xem xét đối tượng giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau đây:

- Hình dáng, kích thước, chất liệu, thành phần hóa học, màu sắc và hoa văn trang trí, văn tự trên hiện vật.

- Các dấu hiệu khác có liên quan.

Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định tư pháp phải tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Việc tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDL ngày 23/7/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khi việc thực hiện giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.

5. Thông tư số 10/2019/TT-BNV ngày 02/8/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2019.

Thông tư này hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ quy định mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành văn thư (sau đây viết tắt là Thông tư số 14/2014/TT-BNV).

Các ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV được áp dụng Bảng 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

- Ngạch văn thư chính (mã số 02.006) áp dụng bảng lương công chức loại A2 (nhóm 1).

- Ngạch văn thư (mã số 02.007) áp dụng bảng lương công chức loại A1.

- Ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) áp dụng bảng lương công chức loại B.

Trường hợp công chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là ngạch văn thư trung cấp nhưng có trình độ cao đẳng trở lên thì bổ nhiệm vào ngạch văn thư trung cấp và áp dụng bảng lương của công chức loại B.

Việc chuyển xếp lương đối với công chức đang làm công tác văn thư từ các ngạch công chức chuyên ngành văn thư hiện giữ hoặc các ngạch công chức khác sang ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BNV được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, cụ thể như sau:

- Xếp lương ngạch văn thư chính (mã số 02.006) đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch chuyên viên chính văn thư và tương đương.

- Xếp lương ngạch văn thư (mã số 02.007) đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch chuyên viên văn thư và tương đương.

- Xếp lương ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008) đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch cán sự văn thư và tương đương hoặc công chức hiện đang xếp lương ngạch nhân viên văn thư có trình độ từ trung cấp trở lên.

Khánh Linh (tổng hợp)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: