1. Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/8/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệpviên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/9/2019.
Theo Thông tư, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp và giáo viên giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 10/2018/TT-BNV ngày 13/9/2018 của Bộ Nội vụ và Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
Ảnh minh họa: Internet
- Đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp:
+ Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hạng I), mã số: V.09.02.01 , được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
+ Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính (hạng II), mã số: V.09.02.02, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
+ Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết (hạng III), mã số: V.09.02.03, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
+ Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành (hạng III), mã số: V.09.02.04, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
- Đối với giáo viên giáo dục nghề nghiệp:
+ Giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng I, mã số: V.09.02.05, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.
+ Giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng II, mã số: V.09.02.06, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
+ Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết hạng III, mã số: V.09.02.07, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
+ Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành hạng III, mã số: V.09.02.08, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
+ Giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV, mã số: V.09.02.09, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
2. Thông tư số 40/2019/TT-BTC ngày 28/6/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2019.
Một số điều của Thông tư số 152/2016/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung như sau:
Sửa đổi khoản 1 Điều 6 như sau: Đối với nguồn kinh phí bố trí trong dự toán chi thường xuyên: Quy trình lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho phụ nữ khu vực thành thị lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Dự toán phải kèm theo thuyết minh chi tiết số lao động nữ dự kiến đào tạo và chi phí đào tạo từng nghề năm kế hoạch, báo cáo đánh giá kết quả, hiệu quả đào tạo nghề gắn với chỉ tiêu việc làm năm hiện hành để làm cơ sở bố trí dự toán.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 8 được sửa đổi như sau:
- Việc hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/04/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
- Riêng đối với trường hợp người học là người khuyết tật, cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ký hợp đồng đào tạo vớicác cơ sở đào tạo hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh có Đề án tổ chức dạy nghề gắn với việc làm cho người khuyết tật (đào tạo nghề nghiệp theo hình thức truyền nghề, vừa làm vừa học) và thanh quyết toán theo số người khuyết tật thực tế học và mức chi phí đào tạo do cấp có thẩm quyền quy định.
Sửa đổi khoản 3 Điều 10 như sau: Chi thù lao giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng:
- Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước: Áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng.
- Người dạy nghề không thuộc trường hợp tại điểm a khoản này: Mức chi do thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì xây dựng đơn giá đặt hàng đề xuất, tối đa không quá mức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
3. Thông tư số 46/2019/TT-BTC ngày 23/7/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/9/2019.
Theo quy định của Thông tư, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc được điều chỉnh mức lương cơ sở thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2019/TT-BNV ngày 24/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội và các văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, chú ý một số nội dung sau:
- Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc để xác định nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở là số thực có mặt tại thời điểm ngày 01 tháng 7/2019 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt). Tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) của các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các căn cứ sau:
+ Đối với biên chế của các bộ, cơ quan Trung ương: Biên chế các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; biên chế của Văn phòng Chủ tịch nước theo Quyết định của Chủ tịch nước; biên chế các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương theo thông báo của Ban Tổ chức Trung ương; biên chế của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo quyết định của cấp có thẩm quyền; biên chế hành chính nhà nước, số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương khác theo quyết định giao của Bộ Nội vụ.
+ Đối với biên chế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Biên chế hành chính nhà nước theo quyết định giao của Bộ Nội vụ; số lượng người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo phê duyệt của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật; biên chế các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương theo thông báo của Ban Tổ chức Trung ương. Riêng biên chế cán bộ, công chức cấp xã được xác định trong phạm vi định biên theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
- Không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2019; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật.
- Không tổng hợp số đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP; các cơ quan, đơn vị bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao và các nguồn thu hợp pháp khác để chi trả cho các đối tượng này.
Nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP trong năm 2019 của các bộ, cơ quan Trung ương được quy định như sau:
- Đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể:
+ Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có).
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng).
+ Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có).
+ Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng). Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
+ Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
- Ngân sách Trung ương bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp các nguồn kinh phí theo quy định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
4. Thông tư số 106/2019/TT-BQP ngày 24/7/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/9/2019.
Theo Thông tư, quân nhân đã phục viên, xuất ngũ đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg.
Quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Điều chỉnh tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019 đối với đối trên theo công thức sau:
Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 6/2019 |
x |
1,0719 |
Mức trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng trên sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.891.000 đồng/tháng.
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.977.000 đồng/tháng.
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.064.000 đồng/tháng.
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.150.000 đồng/tháng.
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.235.000 đồng/tháng.
5. Thông tư số 129/2019/TT-BQP ngày 15/8/2019 của Bộ Quốc phòng bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành, liên tịch ban hành, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2019.
Một số văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ toàn bộ như sau:
1. Thông tư liên tịch số 182/2007/TTLT-BQP-BCA-BGDĐT-BNV ngày 04/12/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10/7/2007 của Chính phủ về giáo dục quốc phòng - an ninh.
2. Thông tư số 30/2007/TT-BQP ngày 26/02/2007 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 203/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định ngành nghề chuyên môn của công dân nữ cần cho Quân đội.
3. Thông tư số 03/2008/TT-BQP ngày 09/01/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 150/2007/NĐ-CP ngày 09/10/2007 của Chính phủ về huấn luyện quân nhân dự bị hạng hai.
4. Thông tư số 131/2013/TT-BQP ngày 08/5/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cục Quân báo - Trinh sát thuộc Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng.
5. Thông tư số 1691/TT-QP ngày 08/7/1997 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
6. Thông tư liên tịch số 03/TTLT-BQP-BCA ngày 17/8/1998 hướng dẫn về quan hệ phối hợp trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
7. Thông tư số 148/2012/TT-BQP ngày 20/11/2009 ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ vì Trường Sa thân yêu.
8. Thông tư liên tịch số 190/2005/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 07/12/2005 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005 của Thủ tướng Chỉnh phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9 tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước.
9. Thông tư số 215/2013/TT-BQP ngày 13/12/2013 về việc công nhận xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trong Quân đội.
10. Thông tư số 118/2015/TT-BQP ngày 13/10/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 215/2013/TT-BQP ngày 13/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc công nhận xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trong Quân đội.
11. Thông tư số 196/2010/TT-BQP ngày 26/11/2010 quy định phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án phát triển nhà ở gia đình cán bộ Quân đội.
Khánh Linh (tổng hợp)