Thứ sáu, 29/03/2024

Chỉ mục bài viết

155. Bác Hồ dạy chúng tôi làm báo

Cách đây hơn sáu thập kỷ, vào mùa Xuân năm 1948 (Xuân Mậu Tý), lực lượng Công an nhân dân ngày đó mới chưa đầy ba tuổi. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã lập nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và bảo vệ nhân dân. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vẫn là một công tác đặc biệt thường xuyên được coi trọng… để động viên tổ chức toàn dân vượt mọi khó khăn quyết đánh thắng hoàn toàn thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Đối với lực lượng Công an nhân dân thì công tác chính trị tư tưởng lại càng quan trọng. Nhận thức sâu sắc điều đó, Sở Công an Khu 12 một mặt ra sức tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ, mặt khác coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Chấn chỉnh tờ nội san, cơ quan tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn công tác của lực lượng. Sở Công an Khu 12 lúc bấy giờ hoạt động trên một địa bàn tương đối rộng gồm sáu tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh.

Cũng mùa Xuân năm đó, nội san Bạn Dân ra số "Xuân" với nội dung, hình thức được cải tiến một bước đáng kể và được in bằng máy. Sau khi nhận được số báo mới in xong, mọi người đều hăng hái nhiệt tình góp sức để phát hành nhanh chóng, mong sao báo đến tay bạn đọc đúng vào dịp Tết Nguyên đán.

Một buổi tối giáp Tết năm ấy, mọi người quây quần trong phòng họp của Sở, kể cho nhau nghe về những chiến công của quân và dân ta trên chiến trường Việt Bắc, những lần được gặp Bác Hồ tại các cuộc hội nghị, những lớp học hoặc những lần được bảo vệ Bác. Và cũng trong buổi nói chuyện đầm ấm cuối năm ấy, đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Sở Công an Khu 12 nghĩ đến việc gửi thư chúc Tết Bác Hồ và kính biếu Người một tờ báo Xuân. Về kỷ niệm này, đồng chí Hoàng Mai kể lại:

Đêm đó, tại phòng làm việc ở núi rừng Việt Bắc, tôi ngồi viết thư chúc Tết Bác Hồ. Nội dung chính là chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu mãi mãi để cùng với Trung ương Đảng, toàn dân đánh thắng hoàn toàn giặc Pháp xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Đồng thời, kính biếu Bác một số báo Tết của Sở Công an Khu 12 và đề nghị Bác cho ý kiến chỉ bảo để tờ báo có thể làm tròn chức năng của mình. Tôi chọn một phong bì đẹp, có in một nhành hoa Xuân và tìm một tờ báo đẹp nhất đóng gói cẩn thận, ngoài phong bì tự tay viết một dòng chữ “Kính gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!” rồi đưa giao liên của Sở gửi theo đường nhanh nhất. Mặc dù với niềm hy vọng thiết tha rằng Bác sẽ đọc và sẽ trả lời, nhưng rồi vẫn lo Bác bận trăm công nghìn việc quan trọng của cách mạng, của đất nước, không biết Bác có thời gian đọc và trả lời không...

Nhưng một điều rất bất ngờ đã đến! Một buổi sáng mùa Xuân năm Mậu Tý (năm 1948), mưa Xuân lất phất đầy trời, cây đào dưới góc sân đang nở rộ như cùng vui Xuân với những người chiến sĩ công an. Tôi đang làm việc thì đồng chí giao liên đưa đến một phong bì đề chính tên tôi. Cầm phong bì, nhìn nét chữ đề ngoài phong bì mà linh tính như mách bảo, có thể là thư của Bác. Tôi hồi hộp bóc thư. Nhìn tiêu đề của bức thư và con dấu, chữ ký… đúng là thư của Bác rồi. Tôi mừng quá, đọc một lượt nhanh rồi đọc lại một lần nữa, lần nữa…

"Ngày 11 tháng 3 năm 1948

Gửi: Đồng chí Hoàng Mai

Bác đã nhận được thư và báo cháu gửi tặng Bác. Bác thấy có sự cố gắng, đáng hoan nghênh. Nhưng báo theo cháu nói từ 24 đến 32 trang thì dài quá, cần làm ngắn lại và viết những vấn đề thiết thực, mọi người đều có thể hiểu và làm được như thế mới có tác dụng giúp thúc đẩy công tác, đẩy mạnh thi đua, trên báo cần thường xuyên làm cho anh chị em công an nhận rõ công an của ta là công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc. Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai, mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách, đạo đức…

Chào thân ái và quyết thắng!

Hồ Chí Minh"

Sau khi nhận được thư Bác, tờ nội san của Công an Khu 12 đã chấn chỉnh lại theo ý kiến chỉ bảo của Bác. Và cũng từ mùa Xuân ấy, Công an Khu 12 cũng như khắp nơi hưởng ứng phong trào học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Lời Bác dạy năm xưa cho đến nay đã hơn 65 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Lực lượng Công an nhân dân đã lấy đó làm phương châm, nguyên tắc và là kim chỉ nam cho mọi hành động và công tác hằng ngày.

(Theo lời kể của đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Sở Công an Khu 12)

156. Một lần đón Bác

Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời chiến sĩ là lần cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 Đoàn cao xạ sông Đuống chúng tôi được vinh dự đón Bác Hồ đến thăm, ngày 15-2-1961 (ngày mùng Một Tết âm lịch). Thấm thoát đã trên 30 năm, chúng tôi không bao giờ quên được những ấn tượng sâu sắc trong lần được đón Người năm ấy. Cuối năm 1960, sau khi được huấn luyện chuyển loại pháo 88 mm sang pháo 100 mm, từ trận địa Gia Thượng huyện Gia Lâm, đại đội chúng tôi hành quân về trận địa Nam Dư (trận địa "Đê Bùng") thuộc xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Được trang bị loại pháo và khí tài mới, hiện đại, nhất là được bảo vệ bầu trời Thủ đô Hà Nội, cả đơn vị ai nấy đều phấn khởi, lao vào học tập và rèn luyện với một quyết tâm rất cao. Nhờ vậy, kết thúc năm 1960 Đại đội 1 được đánh giá là đơn vị mạnh toàn diện, riêng về huấn luyện được tặng cờ thi đua "Đơn vị huấn luyện khá nhất". Với khí thế đó, ngay từ đầu năm 1961, bằng đợt thi đua "Mừng Xuân dâng Đảng" mà nội  dung chính là sẵn sàng chiến đấu cao nhất, giữ nghiêm kỷ luật và tổ chức cho bộ đội đón Tết thật chu đáo đã tạo nên cho đơn vị một niềm tin và sức mạnh mới.

Lúc đó quân số của đơn vị có hơn 100 đồng chí, hầu hết ở Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Nội. Ban chỉ huy gồm có tôi là Đại đội trưởng, quân hàm Trung úy, anh Lê Mai, Thượng úy là Chính trị viên, anh Mai quê ở miền Nam, anh Trần Ngọc Thái và anh Bùi Hữu Nam là Đại đội phó và Chính trị viên phó. Ngoài 10 đồng chí có thành tích xuất sắc trong năm hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được giải quyết về ăn Tết cùng gia đình, còn lại toàn đơn vị đều yên tâm, phấn khởi đón Xuân ngay trên trận địa.

Tôi nhớ, hai ngày trước Tết Nguyên đán có hai đồng chí công an đến thăm và thông báo cho biết là vào dịp Tết sẽ có đồng chí cán bộ cấp cao đến thăm đơn vị. Đồng chí cán bộ cấp cao đó là ai, đến vào lúc nào chúng tôi không được biết. Chúng tôi hội ý trong Ban chỉ huy để tổ chức cho đơn vị vừa sẵn sàng chiến đấu cao, vừa đón Xuân và đón khách thật tốt, đồng thời báo cáo lên trung đoàn tin vui này.

Trong không khí phấn khởi ấy, buổi đón giao thừa của đơn vị kéo dài thêm. Sợ anh em mệt, sáng mùng Một Tết chúng tôi cho báo thức muộn 30 phút so với ngày thường. Nhưng cả đơn vị ai cũng dậy sớm để đón ngày đầu năm mới trong niềm phấn khởi lạ thường. Nổi giữa khu trận địa và doanh trại của đại đội là lá cờ Tổ quốc nhẹ bay trong gió Xuân.

Tôi mặc bộ quân phục mới nhất đi xuống các trung đội để "xông nhà" và chúc Tết anh em. Vừa bước ra khỏi nhà, tôi sững người lại vì nhìn thấy ngay cạnh nhà chỉ huy trung đội, bên hàng dây phơi một cụ già đang cúi xuống nhẹ nhàng nhặt từng chiếc khăn mặt rơi xuống đất vắt lên dây. Tôi nhận ra ngay cụ già đó là Bác Hồ. Xúc động quá, tôi reo lên như con trẻ: Bác! Bác Hồ! và chạy đến bên Người. Cũng lúc đó tôi mới nhận ra mấy đồng chí đi cùng Bác. Bác tươi cười nói:

- Bác với mấy chú "đánh tập hậu" các nhà quân sự, các chú bị bất ngờ rồi đấy.

Tiếp đó, nhìn vào hàng dây phơi khăn mặt, Người ân cần bảo tôi:

- Phải có cặp, cặp khăn mặt, quần áo khi phơi cho anh em không gió làm rơi hết. Nếu chưa mua được cặp thì lấy cặp tre cũng được.

Vừa nói, Bác vừa hướng dẫn cách làm. Vừa lúc đó, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chạy ùa đến. Ai cũng muốn đứng gần Bác. Tôi xin phép Bác tập trung đơn vị để nghe Bác nói chuyện. Sau khi chúc Tết đơn vị, nhìn khắp lượt chiến sĩ, Bác ân cần hỏi:

- Các chú mặc có đủ ấm không? Ngủ có ổ rơm không?

Chúng tôi thưa với Bác là mặc đủ ấm và không có ổ rơm. Bác quay sang tôi, hỏi:

- Sao đơn vị không làm ổ rơm để anh em ngủ cho ấm?

Tôi thưa với Bác là tranh thủ những ngày nghỉ, đơn vị đã liên hệ với các nhà máy ở gần để tìm việc làm và tổ chức cho anh em lao động lấy tiền. Số tiền đó đơn vị đã dành để mua thêm cho mỗi người một chiếc chăn. Cùng với chiếc chăn được cấp, anh em đắp đủ ấm. Bác khen "Thế là tốt" rồi Bác nói tiếp:

- Bác được biết năm qua đơn vị các chú là đơn vị huấn luyện khá nhất. Vậy nếu máy bay địch vào các chú có đánh được không?

Toàn đơn vị đồng thanh trả lời Bác: "Có ạ". Sau đó Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ đơn vị không được chủ quan, phải chịu khó học tập để quản lý và sử dụng thành thạo loại vũ khí, khí tài hiện đại vừa được trang bị để bảo vệ Tổ quốc. Phải tích cực tăng gia sản xuất. Bác khen năm qua đơn vị đã tăng gia sản xuất tốt, năm nay phải làm tốt hơn. Bác còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Cán bộ phải chăm lo đến chiến sĩ từ nơi ăn chốn ở, phải có trách nhiệm với gia đình, với nhân dân nơi đóng quân. Riêng với cán bộ đơn vị, Bác hỏi chúng tôi có dành tiền lương gửi về giúp gia đình không? Thay mặt anh em tôi trả lời: "Thưa Bác có ạ", Bác khen: "Thế là tốt".

Sau đó, Bác lấy thuốc lá tự tay chia cho từng người và tặng cho đơn vị một gói quà. Riêng với gia đình anh Lê Mai (vợ anh Mai là quân y sĩ cũng người miền Nam) còn có một hạnh phúc lớn hơn là hôm ấy cả gia đình gồm anh, chị và cháu gái cũng có mặt. Bác đã dành riêng cho gia đình anh Mai - những người con của miền Nam ruột thịt những tình cảm thật đặc biệt. Hình ảnh Bác bế đứa cháu, con anh Mai và tự tay đưa kẹo cho cháu làm cho chúng tôi xúc động.

Sau khi nghe Bác nói chuyện xong, chúng tôi mời Bác và những cán bộ cùng đi ra tham quan trận địa và xem cán bộ, chiến sĩ chuyển cấp chiến đấu. Bác vui vẻ nói:

- Hôm nay là ngày Tết, để dịp khác Bác sẽ đến thăm và xem các chú luyện tập.

Nói rồi Bác đi kiểm tra nhà bếp, kiểm tra công trình vệ sinh và công sự, trận địa của đơn vị, Bác chào chúng tôi và ra xe.

Niềm vui lớn đến với chúng tôi thật bất ngờ. Xe chở Bác và những đồng chí cùng đi đã ra khỏi đơn vị, nhưng chúng tôi vẫn bàng hoàng như vừa qua một giấc mơ.

Đáp lại sự quan tâm của Bác, đơn vị chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi học tập về những lời dạy bảo của Người trong lần đón Bác hôm ấy và phát động phong trào thi đua thực hiện tốt lời Bác dạy. Nhờ vậy, năm 1961 và nhiều năm sau đó, Đại đội 1 chúng tôi đã liên tục đứng đầu Trung đoàn.

(Theo Đại tá Bùi Biếng, trích trong "Bác Hồ - nguồn sức mạnh của bộ đội Phòng không")

157. Bảo vệ Bác đi chiến dịch Biên giới

Thu Đông năm 1950, Trung ương quyết định mở chiến dịch Biên giới, nhằm khai thông đường liên lạc giữa nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa. Để nắm tình hình giúp Ban Chỉ huy chiến dịch và động viên tinh thần bộ đội, cuối tháng 8-1950, Bác Hồ đi chiến dịch. Một kế hoạch bảo vệ Bác được xây dựng khẩn trương, do Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo.

"Các chú khỏe thử theo kịp Bác không?"

Lực lượng bảo vệ được Bác cho đi cùng khác với tất cả các lần đi trước. Thường đi công tác với Bác chỉ có hai cán bộ đi cùng, lần này có tới sáu đồng chí. Ngoài ba đồng chí Nhất, Định, Thắng còn có ba đồng chí nữa là Khởi, Lừ, Tô, chiến sĩ thuộc Tiểu đội AD, đơn vị được thành lập từ tháng 5-1950 có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài nơi Bác ở và làm việc. Ngoài ra, Trung ương còn cử bác sĩ Chánh đi chăm sóc sức khỏe cho Bác và anh em trong đội. Đồng chí Định được Bác phân công làm Tiểu đội trưởng. Mọi người trước khi lên đường đã chuẩn bị khá cẩn thận và đầy đủ: Vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm…, đồng chí Trần Đăng Ninh trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị của đoàn và giao nhiệm vụ cụ thể.

Theo kế hoạch, Bác cháu rời "Chủ tịch phủ" lên đường với bộ quân phục. Bác đội mũ lá quai cột bằng chiếc khăn mặt bông, khi đội luôn che kín bộ râu, tay chống gậy, vai đeo túi dết quen thuộc. Mọi người trong đoàn cũng hóa trang như một đơn vị bộ đội đi công tác. Anh em đã làm sẵn và mang theo một chiếc cáng định bụng sẽ cáng Bác đôi đoạn. Gọi là "cáng" cho oai chứ thực ra chỉ là một tấm vải thô rộng, hai đầu cột vào đòn tre. Biết ý định của các chiến sĩ, Bác bảo: "Thôi các chú cất nó đi". Tiểu đội còn phân công đồng chí Nhất và đồng chí Thắng bí mật chuẩn bị ngựa dắt đi trước. Ra đến cửa rừng, đồng chí Thắng dắt ngựa lại mời Bác đi. Bác không đồng ý, nói: "Chúng ta có tám người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?". Đồng chí Định cố nài nỉ: "Thưa Bác, chúng cháu còn trẻ, Bác đã nhiều tuổi, đường lại xa, công việc nhiều, xin Bác cứ lên ngựa cho".

Bác nói: "Ừ, các chú đều khỏe, còn trẻ cả, để đi đường xem có chú nào theo kịp Bác không? Thôi được, các chú đã mang theo ngựa, hãy để nó chở ba lô, gạo, muối, thức ăn. Trên đường đi ai mệt thì cưỡi". Anh em vâng lời Bác dắt ngựa theo.

Ra khỏi Thành Cóc, mọi người gặp con suối chảy về Chợ Chu. Đang có nước lũ, những gốc cây, những khúc gỗ mục lao băng băng…, nước réo ầm ầm tưởng chừng như không có cách nào vượt qua được. Các chiến sĩ tiền trạm đã tìm chỗ nông lội thử, nhiều chỗ lội qua nước tới bả vai. Nếu chỉ có mấy anh em bảo vệ thì sức nước chảy mạnh cũng chẳng có gì là khó khăn. Nhưng việc phải lo là làm sao đưa Bác vượt suối an toàn? Anh em phân công chia nhau men theo bờ suối xem có chiếc mảng nào thì chèo sang, hoặc có một cây nào thì chặt ngả tạm làm cầu, nhưng tìm khắp xung quanh chẳng thấy thứ gì cả.

Anh em đã đề nghị Bác nghỉ tạm chờ nước rút hãy đi. Bác nói: "Trời còn có thể mưa lâu, chờ thì đến bao giờ? Phải tìm mọi cách qua mới được". Bác lại hỏi: "Các chú đã tìm hết lối sang suối chưa?".

Đồng chí Định trả lời thay anh em:

- "Thưa Bác! Chúng cháu vẫn chưa tìm được ạ!".

Bác cười, anh em đều ngạc nhiên đổ dồn vào ánh mắt Bác. Bác đưa tay chỉ ra xa rồi ôn tồn: "Ở đây hai bên suối đều có ruộng nương. Chả nhẽ, vì ngày mưa lũ đồng bào lại không đi nương à? Các chú tìm lối sang suối mà chỉ tìm dọc bờ là không biết dựa vào dân".

Lúc này, anh em mới để ý theo hướng tay Bác chỉ. Xa xa thấy ruộng nương tươi tốt hai bên bờ. Hai đồng chí chạy vội lên một bãi gần đó. Một lát hai người trở lại cho biết, cách nơi Bác đứng một đoạn, bờ bên kia có một chiếc mảng cột dưới gốc cây. Bác và mọi người rất mừng, cùng nhau đi tới đó và qua bên kia bờ nhờ mảng của dân. Tối hôm đó đoàn tới Chợ Chu, tính ra thì mới đi được 30 cây số. Để bảo đảm bí mật, mọi người đề nghị Bác cho nghỉ lại ở một ngôi đình giữa đồng.

Đi bộ 1.000 cây số trong một tháng

4 giờ sáng hôm sau, đoàn lên đường.

Chặng đường rừng ngày thứ hai tương đối dễ đi. Bác luôn nhắc tất cả phải cố đi nhanh để bù lại ngày hôm qua. Chiều tối, Bác và mọi người nghỉ lại ở một gian nhà cũ bỏ không gần Chợ Mới. Bữa cơm hôm đó ngoài món "thịt hộp Việt Minh", còn có thêm một ít rau tàu bay luộc. Bác nói đùa: "Rau tàu bay có khác, ăn vào nhẹ cả người, lại có cả mùi măng".

Tiểu đội trưởng Định còn nhớ một lần đi đêm, trời đã khuya, may sao gặp một cái quán làm bằng vài tấm tranh cột trên bốn chiếc cọc tre. Bác đặt ba lô làm gối, ngả lưng trên chiếc ghế dài làm bằng hai cây gỗ cong queo để ngủ. Anh em bảo vệ cũng nằm xung quanh Bác.

Trước lúc ngủ, Bác còn dặn: "Cắt gác nhớ cắt cho Bác một ca".

Đến đường số 4, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho một chiếc xe Jeep ra đón, anh em mừng và khẽ bảo nhau: "Bây giờ khỏi cuốc bộ rồi!"

- Không ngờ Bác nói với một cán bộ trên xe: "Đưa xe về chở đồ tiếp tế cho bộ đội. Bác đi bộ quen rồi!". Thế là Bác cháu lại đi đường tắt về Lam Sơn. Gần nửa đêm mới đến địa điểm cơ quan lãnh đạo địa phương. Bác vào làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng. Anh em phân công nhau lo chuẩn bị chỗ ngủ. Nhưng làm việc xong Bác lại đi tiếp tới Quảng Uyên. Lúc đó đã quá nửa đêm. Trước lúc lên đường, Bác họp đội lại "đả thông tư tưởng" và phổ biến tình hình.

Anh em lại cùng Bác theo đường tắt đi tiếp. Nửa đêm hôm sau bỗng xảy ra một việc: Khi Bác và mọi người đang vượt qua một đèo nhỏ đột nhiên có tiếng súng trên đèo bắn xuống, đạn rít chéo ngay trên đầu. Đồng chí Định hô lớn: "Trung đội một vòng phải, Trung đội hai vòng trái, Trung đội ba theo tôi xung phong!".

Các chiến sĩ trong đội đều hét lớn: "Xung phong!". Hò hét nghi binh vậy chứ làm gì có ba Trung đội lúc bấy giờ. Sau đó anh em để ba đồng chí ở lại yểm trợ, số còn lại đưa Bác lánh vào rừng. Bỗng những tiếng kêu ầm ĩ vang lên: "Đừng bắn! Đừng bắn! Người nhà thôi!…". Nghe vậy đồng chí Định và các đồng chí tiền trạm lén lên phía trước thăm dò, hóa ra du kích ta.

Khi Bác về tới Quảng Uyên thì trời đã sáng. Anh em liên lạc với Ban chỉ huy chiến dịch. Trong bài nói chuyện, Bác nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến dịch: "Chiến dịch này rất quan trọng, các chú chỉ được thắng mà không được thua. Phải có quyết tâm cao và tinh thần dũng cảm trăm phần trăm".

Đúng 6 giờ sáng ngày 16/9/1950, tiếng súng mở màn chiến dịch đã nổ. Trong lúc bộ binh tiến đánh các đồn Phìa Khóa, Yên Ngựa, Cam Phầy thì pháo binh của ta bắn vào đồn chính để dập hỏa lực và phá hủy công sự của địch. Máy bay địch lồng lộn trút từng đợt bom xuống những nơi nghi có quân ta. Đài quan sát rất gần trận địa. Anh em bảo vệ ai cũng lo cho Bác. Nhưng Bác như không để ý gì đến máy bay, Người ngồi, quần xắn cao vừa chăm chú nhìn xuống cứ điểm giặc vừa đối chiếu với tấm bản đồ tham mưu. Bác nghe một cán bộ của Ban chỉ huy chiến dịch báo cáo tình hình. Hình ảnh này của Bác đã được nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp lại.

Đến trung tuần tháng 10-1950, ta giải phóng khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn) và chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Bác đi thăm các đơn vị quân đội và các đoàn dân công tham gia chiến dịch rồi trở lại Tân Trào. Sau hơn một tháng, các chiến sĩ cận vệ bảo vệ Bác trở lại "Chủ tịch phủ". Vậy là Bác đã đi bộ cả tháng trên 1.000 cây số. Đối với Bác ở tuổi 60 quả là một chuyện thần kỳ.

(Trích trong "Theo dấu chân Bác")

Tâm Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: