158. Phần thưởng của Bác
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây, tỉnh Hưng Yên - quê tôi bị giặc chiếm đóng, nhưng là một trong những tỉnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh. Xã tôi ở sát đường 39, hằng ngày phải chịu đựng và chứng kiến sự càn quét, bắn phá dã man của địch. Căm thù bọn cướp nước và bán nước, được sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân xã tôi đã không hề khuất phục bọn giặc. Đội du kích xã tôi được xây dựng ngày càng lớn mạnh và lập nhiều chiến công. Nhờ được các chú lớn tuổi dìu dắt, giác ngộ, nên năm 1952 (năm 15 tuổi) tôi được gia nhập đội du kích xã. Hồi đó, để phối hợp với chiến dịch Hòa Bình, các đội du kích hậu địch được lệnh tăng cường hoạt động. Tôi được phân công bám địch ở bốt Lực Điền để thường xuyên báo cáo tình hình cho đội du kích, đánh địch, quấy rối và bao vây chặt không cho bọn chúng kéo đi càn quét, cướp bóc. Đội du kích xã tôi đã chiến đấu dũng cảm, mưu trí, diệt nhiều tên và làm cho bọn địch hoang mang, mất ăn, mất ngủ, không dám ló mặt ra ngoài.
Do lập được thành tích trong chiến đấu, cấp trên đã dành cho tôi một phần thưởng đặc biệt: Tấm ảnh Bác Hồ với dòng chữ “Đoàn kết quân dân, đánh thắng giặc Pháp”. Phía dưới dòng chữ là lời đề tặng do chính tay Bác viết: “Tặng dân quân du kích Hưng Yên”, và dưới đó là chữ ký của Bác, nét chữ nghiêng, rất chân phương, mà sau này tôi thường thấy trong các tấm bằng Huân chương do Chủ tịch nước ký. Thật không sao nói hết được niềm xúc động của tôi khi tôi nhận tấm ảnh của Bác từ tay đồng chí xã đội trưởng. Suốt đêm hôm đó, tôi cứ thao thức mãi không sao ngủ được. Bác có biết bao nhiêu điều phải lo cho đất nước, thế mà Bác vẫn theo dõi sát cuộc chiến đấu của nhân dân ở một vùng địch hậu đồng bằng. Bác tự tay đề tặng vào tấm ảnh của Người cho dân quân du kích Hưng Yên chúng tôi. Rồi chính tôi lại được nhận phần thưởng vô cùng quý báu đó. Tôi không sao nói hết được nỗi xúc động trong lòng. Tôi chỉ biết tâm niệm một điều là phải công tác và chiến đấu sao cho xứng đáng với công ơn to lớn của Người.
Trong cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra với kẻ địch hằng ngày ở địch hậu, chẳng mấy ai dám nghĩ rằng mình chiến đấu để giành phần thưởng của Bác. Đến khi được nhận phần thưởng của Bác thì không gì sung sướng bằng. Đặc biệt đối với đồng bào và chiến sĩ địch hậu hồi đó, một tấm ảnh của Bác Hồ thật vô cùng thiêng liêng và quý báu. Vì hoàn cảnh đất nước còn đang chiến tranh, nhân dân địch hậu lòng thì luôn hướng về Bác, nhưng chưa mấy người được nhìn thấy Bác. Bản thân tôi cũng chưa một lần được trông thấy Bác. Hồi cách mạng mới thành công, chúng tôi thường hay hát: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng. Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh, Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài…” và cứ thế chúng tôi hình dung Bác Hồ theo từng câu hát, theo trí tưởng tượng của mình, chứ có bao giờ chúng tôi dám mơ ước có một tấm ảnh của Bác riêng cho mình. Thế mà giờ đây, không những tôi có riêng một tấm ảnh Bác Hồ, mà tấm ảnh đó lại là phần thưởng của Bác, có chữ ký của Bác. Đối với tôi, phần thưởng của Bác đã thực sự trở thành một cái mốc son đỏ chói dẫn dắt hướng đi cho cả cuộc đời mình.
Hồi đó, tôi có hai ước nguyện. Một là, sớm được đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân để tiếp tục chiến đấu giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Hai là, được gặp Bác Hồ. Ước nguyện thứ nhất đã sớm thành sự thật. Tháng 02-1954, tôi tạm biệt du kích quê hương lên đường nhập ngũ. Hành trang của người lính lúc đó rất đơn sơ, đồ đạc mang theo chẳng có gì. Nhưng đối với tôi lúc đó lại có một vật báu vô giá. Đó là tấm ảnh của Bác Hồ. Phần thưởng tinh thần đó đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để vượt qua những khó khăn, gian khổ. Mỗi khi gặp khó khăn là tôi lại nghĩ đến phần thưởng của Bác, nhớ đến lời tâm niệm lúc đầu: Phải công tác và chiến đấu sao cho xứng đáng với ơn Người.
Thật là sung sướng, hạnh phúc, cuộc sống trong quân đội đã giúp tôi đạt được ước nguyện thứ hai của mình. Lần đầu tiên trong đời, tôi được gặp Bác. Đó là vào một ngày cuối tháng 10-1960, khi tôi đang là học viên của Trường Văn hóa quân đội Lạng Sơn, chuẩn bị đi học kỹ thuật quân sự nước ngoài. Lần đó, tất cả cán bộ, học viên, công nhân viên nhà trường được vinh dự đón Bác, nhưng một số học viên xuất sắc được ưu tiên ngồi ở hàng ghế đầu. Tôi cũng được vinh dự là một người trong số đó. Chỗ tôi ngồi chỉ cách Bác chưa đầy 5 m. Cho đến nay, hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về lần gặp Bác đầu tiên đó vẫn còn mãi mãi in sâu trong ký ức tôi. Tôi vẫn còn như hình dung thấy Bác đang đứng ngay trước mặt mình, cử chỉ nhanh nhẹn, nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp. Tôi vẫn còn nhớ rõ hôm đó, Bác mở đầu buổi gặp mặt bằng lời khen công tác tăng gia của nhà trường có nhiều tiến bộ, nên “trông chú nào cũng béo khỏe cả”. Toàn trường vang lên tiếng cười vui vẻ. Quả thật là hồi đó, đời sống tinh thần, vật chất ở Trường Văn hóa quân đội Lạng Sơn rất khá. Làm theo lời Bác, phong trào tăng gia sản xuất đặc biệt sôi nổi. Chúng tôi thường phân công nhau dậy sớm từ 4 giờ sáng, người thì đi lấy phân, người thì tưới rau. Chuồng lợn của trường thường xuyên ủn ỉn vài chục con. Năm nào nhà trường cũng tự túc được hoàn toàn về rau ăn. Còn thịt thì ngoài việc bảo đảm mức ăn hằng ngày cho bộ đội, các buổi liên hoan, ngày lễ, ngày Tết bao giờ cũng đầy đủ. Hồi đó, chúng tôi là những chàng trai ở vào lứa tuổi hai mươi, ngoài cái hăng say của tuổi trẻ ra, chúng tôi còn nhận thức sâu sắc rằng, tích cực tăng gia sản xuất chính là nghiêm chỉnh thực hiện một trong những lời dạy thường xuyên của Bác đối với quân đội ta. Và thật là sung sướng, hôm nay trường chúng tôi nhận được lời khen của Bác. Lần đầu tiên gặp Bác, lại được ngồi đối diện với Bác nên hầu như toàn bộ tâm trí của tôi tập trung vào Bác, hết nhìn mái tóc bạc phơ, lại nhìn chòm râu trắng như cước. Tôi nhìn và thầm đối chiếu với tấm ảnh Bác, phần thưởng mà tôi được vinh dự nhận cách đây tám năm. Trông Bác đẹp hơn trong ảnh rất nhiều.
Năm đó, Bác vừa tròn tuổi 70. Nhưng da dẻ Bác vẫn hồng hào, dáng đi của Bác vẫn nhanh nhẹn, nét mặt Bác vẫn tươi vui, linh hoạt. Tôi cứ ngắm Bác mải mê thành ra không nhớ hết được đầy đủ những điều Bác dạy, chỉ nhớ được những ý chính: Ngày xưa, nhân dân ta nghèo khổ, rồi lại bị chiến tranh, nên không có điều kiện học tập. Bây giờ các chú được Đảng và quân đội cho đi học, các chú phải cố gắng học cho tốt, để có điều kiện tiếp thu khoa học, kỹ thuật quân sự hiện đại. Bác nói: Đi học cũng là một nhiệm vụ, phải hoàn thành nhiệm vụ học tập như nhiệm vụ chiến đấu và công tác trước đây. Cho đến khi được sang Liên Xô học tập, giữa cuộc sống hòa bình, đầy đủ cả về tinh thần lẫn vật chất, tôi vẫn luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, thường xuyên tự răn mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, sống thật tốt, học thật tốt, để xứng đáng với sự quan tâm giáo dục của Đảng, của quân đội. Trong ba năm xa Tổ quốc, cứ đến ngày 19-5 sinh nhật Bác, tôi lại đem tấm ảnh Bác ra để trên bàn ngắm nhìn, tự mình kiểm điểm lại một năm phấn đấu và rèn luyện, hứa với Bác sẽ cố gắng nhiều hơn để xứng đáng là con cháu của Bác. Học xong, anh em chúng tôi về nước chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Binh chủng tên lửa phòng không được chính thức thành lập. Tôi được điều về làm đội trưởng một đội sản xuất đạn, thuộc tiểu đoàn kỹ thuật Trung đoàn tên lửa 236. Bước vào thời chiến, ba lô, đồ đạc cần gọn nhẹ. Bao nhiêu năm qua, ba lô của tôi, ngoài quần áo, chăn màn, tôi còn có một gói nhỏ đựng những giấy tờ quan trọng, đặc biệt trong đó có tấm ảnh Bác Hồ, được bọc kỹ bằng hai lần giấy bóng, phần thưởng đáng ghi nhớ nhất của đời tôi. Một lần về phép, khi chuẩn bị trở lại đơn vị, tôi cứ phân vân không biết có nên để gói giấy tờ này lại hay không? Hành trang người lính trong chiến tranh, giảm được vật nào hay vật ấy. Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi quyết định để gói giấy tờ lại, nhưng một hành trang tinh thần quý giá nhất - tấm ảnh Bác Hồ, thì tôi vẫn mang theo như 13 năm qua tôi đã mang theo bên mình.
Do góp phần lập được thành tích xuất sắc trong học tập, huấn luyện và chiến đấu, nên ngày 01-9-1965, lần thứ hai trong đời, tôi lại có vinh dự gặp Bác Hồ. Buổi sáng hôm ấy, tôi đang công tác ở đơn vị thì có xe đến đón lên quân chủng, nói là đi công tác. Tôi vừa đến được một lúc thì đồng chí Lê Quang Bửu ở Trường Phòng không cũng đến. Đồng chí Bửu là một giáo viên dạy giỏi của nhà trường, đã có chín năm liền là chiến sĩ thi đua. Xe đưa hai chúng tôi đến Trạm 66. Tại đây đã có một số các đồng chí đại biểu các quân, binh chủng. Chúng tôi được phổ biến là sẽ đến dự buổi chiêu đãi của Chính phủ nhân ngày lễ Quốc khánh lần thứ 20 của đất nước. Tôi sung sướng quá. Thế là sau năm năm kể từ ngày được gặp Bác lần thứ nhất - năm 1960, nay tôi lại có dịp được gặp Bác. Thật chưa bao giờ tôi được dự một buổi chiêu đãi long trọng như thế. Đèn điện sáng trưng trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Những dãy bàn phủ khăn hoa, kê sát nhau trên sân phía sau ngôi nhà lớn. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và quân đội đều có mặt.
Hôm đó có rất đông khách nước ngoài. Trên các dãy bàn bày sẵn thức ăn, bánh, kẹo, bia, rượu. Lần đầu tiên được dự một buổi chiêu đãi lớn nên tôi rất bỡ ngỡ. Đồng chí Lê Quang Bửu cũng không hơn gì tôi. May có chị Nguyễn Thị Chiên - Anh hùng quân đội, hôm ấy cũng là đại biểu trong đoàn quân đội, hướng dẫn cho, nên tôi cũng đỡ lúng túng. Vui nhất, sung sướng nhất, và cũng sôi nổi nhất là khi Bác Hồ xuất hiện. Tuy đã vào tuổi 75, trông Bác vẫn hồng hào, khỏe mạnh, hoạt bát như cách đây năm năm tôi được gặp Bác ở Lạng Sơn. Cũng như lần gặp Bác trước đây, từ khi Bác xuất hiện, tâm trí tôi đổ dồn về phía Bác. Tôi chăm chú ngắm nhìn Bác, quên cả ăn, quên cả uống. Thậm chí khi mọi người nâng cốc chúc mừng nhân ngày lễ lớn, tôi cũng suýt quên. Quả thực là lúc đó tôi cảm động vô cùng, mắt nhìn Bác mà lòng thì cứ nghĩ đến công ơn của Người. Nhờ có Bác, có Đảng, mà tôi từ người chiến sĩ du kích trở thành cán bộ trong một binh chủng hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam, hôm nay lại vinh dự có mặt trong buổi lễ long trọng này và được gặp Bác. Mặc dù trong một không khí rất vui, mà nước mắt tôi cứ rưng rưng. Bác nhanh nhẹn bước đi giữa các hàng ghế, tươi cười nói chuyện với người này, bắt tay thăm hỏi người kia. Đặc biệt đối với các khách nước ngoài, cử chỉ của Bác thật tự nhiên, lịch thiệp mà thân tình. Nhìn Bác, tôi càng thấy tự hào biết bao khi dân tộc Việt Nam ta có một vị lãnh tụ như Bác. Tôi cũng thấy trên nét mặt các vị khách nước ngoài một niềm quý trọng đặc biệt đối với Người. Càng nhìn Bác, tôi càng cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao trào dâng trong tâm hồn, khi được cùng với thế hệ của mình sống và chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Bác Hồ vĩ đại.
Sau ngày bộ đội tên lửa ra quân đánh thắng trận đầu, Bác Hồ đã dành thời gian đến động viên và dạy bảo. Chúng tôi được học tập, quán triệt những lời dạy của Bác. Tôi nhớ nhất bốn ý chính: Một là, phải có lòng tin tuyệt đối vào Đảng, tin vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn. Hai là, phải có quyết tâm cao. Có quyết tâm cao thì làm gì cũng được. Ba là, phải có tinh thần đoàn kết thương yêu nhau, chiến đấu hiệp đồng, lập công tập thể. Bốn là, phải luôn luôn nêu cao tinh thần vượt khó khăn, gian khổ. Cuộc chiến đấu với máy bay giặc Mỹ ở miền Bắc có nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, nhưng so với sự hy sinh của đồng bào miền Nam thì chưa thấm vào đâu. Phải noi gương đồng bào miền Nam để đánh giỏi hơn nữa, giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Sự quan tâm và lời dạy bảo ân cần của Bác đã thực sự tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn Quân chủng Phòng không - Không quân hồi đó nói chung và bộ đội tên lửa nói riêng. Bệ phóng của các đơn vị như có thêm sức mạnh, liên tục giành thắng lợi giòn giã trong các trận đánh tiếp theo. Bộ đội càng đánh nhiều, thắng lớn thì đơn vị kỹ thuật phục vụ chiến đấu chúng tôi càng căng thẳng, vất vả. Vấn đề nổi lên lúc này đối với chúng tôi là làm sao sản xuất đạn kịp thời, đáp ứng yêu cầu chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực đang tỏa đi các hướng tiền phương. Có đơn vị vào tận Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có đơn vị đến tận Phú Thọ, Yên Bái. Bảo đảm đủ đạn đã là khó, nhưng khó hơn, quan trọng hơn là bảo đảm an toàn, bảo đảm kỹ thuật. Khi người sĩ quan điều khiển bấm nút, đạn không rời bệ phóng, hoặc đạn có bay lên nhưng lại bay ra ngoài quỹ đạo thì trận đánh sẽ không giành được thắng lợi. Quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác về tinh thần hiệp đồng chiến đấu, lập công tập thể, cán bộ, chiến sĩ thuộc tiểu đoàn kỹ thuật chúng tôi đã không quản ngày đêm, sớm tối, lo lắng cho từng quả đạn ra đời, chuyển đến tận đơn vị, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chúng tôi có thể vui mừng, tự hào, trong chiến công chung của toàn trung đoàn, có sự đóng góp xứng đáng của cán bộ, chiến sĩ đơn vị kỹ thuật chúng tôi.
Sau khi tên lửa của ta bất ngờ xuất hiện, Lầu năm góc chỉ thị cho bọn không quân của chúng tìm cách tiêu diệt các bệ phóng của ta. Chúng đã nhiều lần đánh phá trận địa của các tiểu đoàn hỏa lực, gây nên một số thiệt hại đáng tiếc. Ngày 17-10-1965, địch tổ chức đánh phá có tính chất hủy diệt Tiểu đoàn 82, Trung đoàn 238. Đúng 20 ngày sau, ngày 07-11-1965, đến lượt cơ sở sản xuất đạn của Tiểu đoàn chúng tôi bị đánh phá dữ dội. Lần đó, ngay sau đợt bom thứ nhất, tuy chưa bị trúng khu chứa khí tài, nhưng cũng đã gây ra một số thiệt hại. Tôi đã bình tĩnh hướng dẫn toàn đội xử trí băng bó cho các đồng chí bị thương, rồi dìu vào nơi an toàn. Giữa lúc đó, địch quay trở lại đánh phá lần thứ hai. Lần này chúng kéo đến đông hơn, đánh phá quyết liệt hơn. Một quả bom nổ cách chỗ tôi chừng tám mét. Cả người tôi như bị nhấc bổng lên. Khi tôi mở mắt ra thì thấy mình đã bị vùi lấp dưới đất đá, người đau ê ẩm, tai ù đặc, miệng đắng ngắt, mắt hoa, đầu choáng váng. Giữa lúc đó, đồng chí Trần Hợi, người Chính trị viên thân thiết và gần gũi với tôi như hình với bóng trong suốt thời gian qua, đã cùng với một chiến sĩ kịp đến đào bới với tôi. Nhưng khi vừa đứng lên, chúng tôi nhìn thấy những quả đạn tên lửa phơi mình trắng xóa, còn xung quanh thì một đám lửa đang rừng rực bốc cháy. Một tình huống hết sức nguy hiểm. Lửa cháy có nguy cơ bén vào chất nổ, sẽ gây thiệt hại không lường hết được. Mà sự thiệt hại của Tiểu đoàn kỹ thuật, nơi ra đời của những quả đạn, nơi góp phần chủ yếu bảo đảm chiến đấu liên tục cho các đơn vị hỏa lực, sẽ ảnh hưởng đến sức chiến đấu của toàn Trung đoàn. Phải tìm cách dập tắt ngay ngọn lửa. Ý nghĩ đó thoáng nhanh trong óc tôi. Không một chút do dự, quên hết cả mệt nhọc, tôi vừa lao vào đám cháy, vừa hô lớn: “Cứu lấy đạn! Các đồng chí đảng viên, đoàn viên, hãy về vị trí chiến đấu của mình”. Đồng chí Chính trị viên Trần Hợi cũng tập hợp ngay một số đồng chí, xông vào, mặc cho sức nóng của lửa, mặc cho tiếng máy bay địch đang gầm rú trên đầu, chúng tôi vẫn tiến vào dập các đám cháy một cách quyết liệt và tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ đã dần dần đẩy lùi được nguy cơ do địch gây ra.
Lại một đợt bom thứ ba của địch ném xuống. Lần này tôi lại bị đất vùi. Khói bom, đất bụi làm cho mắt tôi như có hàng trăm mũi kim châm vào, vô cùng nhức nhối, khó chịu. Tôi đưa tay lên mắt, thấy máu trào ra, ướt đẫm. Tôi nghĩ bụng, thế là mình bị thương vào mắt rồi. Lúc đó lời dạy của Bác cứ vang lên: "Đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ" như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho tôi. Tôi liền quyết định không cho phép mình lui về tuyến sau, phải cùng anh em tiếp tục xông vào cứu đạn. Sau một trận vật lộn với lửa, số đạn và khí tài đã được cứu thoát. Chúng tôi đã thắng giặc Mỹ như trong một trận chiến đấu thực sự. Ai nấy đều cảm thấy tự hào và vui sướng. Riêng tôi, trong trận đó, phải chịu một tổn thất to lớn. Đó là tấm ảnh có chữ ký của Bác Hồ mà tôi đã giữ gìn trong suốt 13 năm, bị thiêu cháy. Tôi cứ tiếc và ân hận mãi. Nhưng sau đó tôi nghĩ, khi tình hình nguy cấp, mình đã xông vào cứu đạn, cứu khí tài trước hết, thì đó chính là điều Bác vẫn thường xuyên dạy bảo chúng tôi. Tuy bị mất đi một kỷ vật nhưng mình làm đúng những lời từng thầm hứa với Bác.
Bước sang năm 1966, đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam và leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Chúng bắn phá Hà Nội và Hải Phòng. Để động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước, Bác Hồ ra lời kêu gọi ngày 17-7-1966. Bác nói: "Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng". Người nêu lên chân lý bất diệt: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!". Tiếp theo lời kêu gọi lịch sử của Bác, để biểu dương tinh thần chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào, Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất đã được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội.
Tôi được vinh dự tham gia đại hội lịch sử đó. Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dành cho Đại hội sự chăm sóc đặc biệt, một tình yêu thương hết sức đằm thắm. Bác dự trọn với đại hội lễ khai mạc và sau đó hầu như ngày nào cũng đến thăm chúng tôi. Bác chia đều niềm vui cho tất cả mọi người. Không có đoàn nào không được Bác hỏi thăm ít nhất một lần. Không có đại biểu nào lại không có dịp được gần Bác. Trong những ngày đại hội, tôi được may mắn ngồi ở hàng nghế thứ ba, phía sau mẹ Suốt, cách Đoàn Chủ tịch chỉ dăm mét nên lại có dịp được nhìn ngắm Bác.
Tôi không thể nào quên được những giây phút tưng bừng nhất, đầm ấm nhất trong ngày 01-01-1967. Hôm đó, Bác gặp mặt và chiêu đãi các anh hùng và chiến sĩ thi đua vừa được Nhà nước tuyên dương. Hôm ấy Bác rất vui, hồng hào, khỏe mạnh. Bác nhanh nhẹn bước đi dọc các hàng ghế, ân cần thăm hỏi các đại biểu. Tôi đang ngây ngất trong niềm vui chung với mọi người thì bất ngờ Bác chỉ thẳng vào tôi, âu yếm bảo:
- Cháu cầm càng cho tất cả cùng hát.
Giây phút đầu tiên tôi hết sức lúng túng. Thấy vậy, Bác nhìn tôi như khuyến khích:
- Cháu hãy mạnh dạn lên.
Thế là tôi đứng dậy, cất cao giọng, bắt nhịp cho mọi người hát bài Kết đoàn quen thuộc. Tất cả mọi người hát rất đều. Tôi phấn khởi quá, vừa bắt nhịp, vừa đưa mắt nhìn Bác. Và sung sướng biết bao, tôi thấy Bác cũng đang hòa chung tiếng hát với mọi người. Hát hết bài Kết đoàn, thấy mọi người vẫn đang dạt dào niềm vui, và thấy Bác vẫn nhìn tôi như khích lệ, tôi lại cất cao giọng, cầm càng cho mọi người hát tiếp bài Giải phóng miền Nam. Cả hội trường lại bừng lên không khí hào hùng, tràn đầy khí thế quyết chiến, quyết thắng. Tất cả vỗ tay theo nhịp của bài hát, Bác cũng vỗ tay, rất nhiệt tình. Mọi người hát say sưa, như để biểu lộ với Bác, hứa với Bác, nguyện đoàn kết để chiến thắng, để giải phóng miền Nam.
Buổi gặp mặt của Bác với chúng tôi ngày Mồng 1 Tết dương lịch năm 1967 đó đã là một kỷ niệm đằm thắm, đẹp đẽ, mãi mãi không bao giờ quên. Chúng tôi như đàn con cháu được trở về sum họp trong gia đình mà Bác là người ông, người cha rất đỗi hiền từ, thân thiết và được nghe những lời dạy bảo ân cần, hết sức quý báu của Bác: Có anh hùng là nhờ có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là nhờ có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng. Bác còn căn dặn chúng tôi thực hiện tốt hai điều chớ và hai điều nên:
Chớ tự cao tự đại.
Chớ có chủ nghĩa cá nhân.
Nên cố gắng học tập để không ngừng tiến bộ.
Nên đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau.
Đêm hôm đó, trở về chỗ nghỉ dành riêng cho các đại biểu Đại hội, tôi cứ thao thức mãi không sao ngủ được. Niềm vui và hạnh phúc đến với tôi lớn quá. Rất khuya, tôi vẫn trằn trọc với bao nhiêu ý nghĩ, bao nhiêu tình cảm xao xuyến trong lòng. Tôi nghĩ về công ơn của Bác, của Đảng. Bác và Đảng đã vạch ra mục tiêu và con đường chiến đấu giải phóng dân tộc. Theo con đường Bác vạch ra, hôm nay con cháu Bác đã trưởng thành. Rồi chính Bác lại dành cho chúng tôi vinh dự lớn lao này: Người trực tiếp chăm sóc dạy bảo chúng tôi. Ở giường bên, Anh hùng không quân Nguyễn Văn Bảy hình như cũng không ngủ được. Tôi thấy anh trở mình luôn. Có lẽ anh cũng đang cùng một tâm trạng như tôi.
Sau Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất, tôi còn được vinh dự gặp Bác nhiều lần. Đó là những lần được tham gia Đoàn chủ tịch một cuộc mít tinh lớn, hoặc tham dự một buổi chiêu đãi của Chính phủ do Bác chủ trì. Ngày 19-5-1968, cùng với đoàn đại biểu quân đội, tôi được lên chúc thọ Bác ở Phủ Chủ tịch. Đồng chí Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, giới thiệu từng người với Bác. Tôi lại vinh dự được Bác bắt tay và thăm hỏi, được Bác khen trẻ, khỏe. Hôm đó, lần đầu tiên, tôi thấy sức khỏe của Bác không còn được như xưa nữa. Cầm bàn tay gầy của Bác trong hai bàn tay của mình, tôi bỗng cảm thấy lo lắng và thương Bác vô cùng. Sức khỏe của Bác có thể không được tốt, nhưng Bác vẫn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của chúng tôi, tình hình công tác của chúng tôi. Cầm tay Bác mà lòng tôi tràn ngập xúc động không sao ngăn được nước mắt. Chưa đầy chín tháng sau, tâm trạng đó lại trở lại trong khi tôi được cùng với đại biểu các đơn vị trong toàn quân chủng đón Bác đến thăm nhân dịp Tết Kỷ Dậu - ngày 16-02-1969. Tay chống gậy, Bác đến từng bàn ở phía trên, bắt tay các đại biểu. Tôi lại được cầm tay Bác hồi lâu trong hai bàn tay của mình và lòng bỗng thấy nao nao xúc động khi thấy bàn tay Bác trước đã gầy, giờ lại gầy thêm và hơi lạnh. Nhưng giọng nói và ánh mắt của Bác thì vẫn hiền từ và ấm áp như xưa. Bác lại ân cần hỏi thăm chúng tôi về tình hình công tác, tình hình sức khỏe. Hôm đó, tôi có may mắn đặc biệt là các nhà nhiếp ảnh đã bù lại cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí phóng viên nhiếp ảnh đã kịp ghi lại cho tôi cái giây phút đặc biệt đó - giây phút bàn tay tôi được nằm trong bàn tay của Bác. Tôi có ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi được bắt tay Bác, được Bác ân cần dạy bảo. Chính vì thế mà tấm ảnh đó đối với tôi, với gia đình tôi lại càng vô cùng quý giá, trở thành một kỷ vật không gì so sánh được. Bố tôi đã chọn nơi trang trọng nhất trong nhà để treo tấm ảnh đó. Từ ngày có tấm ảnh mới này, nỗi ân hận vì tấm ảnh Bác lần trước bị mất trong chiến tranh vợi đi được một phần nào trong tôi. Tôi xem đây như là phần thưởng cuối cùng Bác để lại cho tôi trước khi Bác đi xa.
Ít lâu sau, trong tuần lễ tang Bác, được đứng túc trực bên linh cữu Bác quàn ở Hội trường Ba Đình, tôi đã thầm hứa với Bác, nguyện suốt đời chiến đấu theo con đường của Bác, của Đảng: Vì sự nghiệp độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì dân giàu, nước mạnh. Tôi cũng tự thề trước linh cữu Bác rằng: Phải sống xứng đáng với Bác khi Bác còn sống và càng phải sống xứng đáng hơn khi Bác đã đi xa.
(Đại tá Nguyễn Tuyên, trích trong "Bác Hồ - nguồn sức mạnh của bộ đội Phòng không")
159. Đánh Mỹ trên quê Bác
Mùa Xuân 1968 trong khí thế cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam anh hùng, chúng tôi đã đến quê hương Bác. Ước mơ từ lâu của cán bộ, chiến sĩ Phân đội 69, đoàn Sóc Sơn được chiến đấu trên mảnh đất kiên cường của quê Bác hôm nay đã đến. Chúng tôi tự nhủ; Bác đã dạy: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân…, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…”, giờ đây được chiến đấu trên quê Bác, phải làm sao cho xứng đáng với lời Bác dạy, đánh thắng địch ngay từ trận đầu, hạ tại chỗ bọn cướp Mỹ ngay trên đất Nghệ An để mừng thọ Bác!
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Lời Bác như tiếng kèn xung trận, thúc giục quân và dân cả nước nức lòng làm theo lời Bác, sẵn sàng tiêu diệt giặc Mỹ. Chúng dẫn xác đến ban ngày hay ban đêm, từ bất kỳ đâu đến, quân và dân Xôviết đã liên tiếp lập công xứng đáng.
Trong hàng ngũ chúng tôi hôm nay có người đã chiến đấu ở Điện Biên lịch sử hay trên các chiến trường từ chín năm chống Pháp. Nhưng phần lớn là lớp trẻ, tuổi đời mới mười chín, đôi mươi như sĩ quan điều khiển Nguyễn Trung Đông, như các trắc thủ Dưỡng, Đoán, Lợi, Công… Chúng tôi bảo nhau: Chiến đấu trên quê hương Bác là một vinh dự, dù tình huống nào cũng chỉ cho phép ta đánh thắng. Và những bệ phóng của chúng tôi dựng lên ngay trong đêm ấy.
Đêm 25-4-1968, bộ đội và đồng bào cùng nhau đắp trận địa. Các mẹ, các chị, các anh, các em, người làm đường, người đắp ụ, người chặt lá ngụy trang. Quê Bác ngày xưa với gậy gộc, súng kíp, mã tấu, dao găm, tên tre, đến nay đã có thêm tên lửa diệt thù. Nhiều bà mẹ cảm động đến rưng rưng nước mắt…
Ngay đêm hôm đó, Đảng ủy quân đội đã họp hạ quyết tâm. Mỗi cán bộ, chiến sĩ rạo rực như một ngày hội lớn. Người sửa sang, kiểm tra đạn, người xem lại bệ phóng. Cán bộ tham mưu khẩn trương làm phương án. Bà con chỉ cho hướng địch thường xuyên bay vào, nơi địch thường xuyên đánh phá, chúng thường bay vào lúc nào, loại gì… Trên tấm bản đồ, Phân đội trưởng Thái Hiệp, các sĩ quan điều khiển, trắc thủ và các cán bộ khác chụm đầu phân tích tình hình địch, chọn ra những đường bay cơ bản. Những ánh mắt sáng thông minh, những khối óc mưu trí cùng tìm cách đánh địch. Nét chì xanh, đỏ vạch lên tờ giấy trắng tinh, ngón tay lia theo đường chì phân tích. Tất cả đi đến nhất trí cách tiến công. Máy lại nổ như tiếng trống thúc quân của Xôviết năm xưa, bên dòng sông Lam uốn khúc. Những quả đạn quay theo các hướng, lúc vươn lên nhọn hoắt, khi từ từ trở lại vị trí đợi chờ. Bàn tay các trắc thủ ôm vòng lái nhẹ nhàng, mắt chăm chú làm quen với sóng điện tử từ rú Hồng, rú Mượn quê Bác dội về nhấp nháy. Mọi người tập cho quen, nắm cho chắc địa thế, kiên quyết lọc ra những tên kẻ cướp hay lợi dụng núi non luồn lách gây tội ác. Với khẩu hiệu: “Địch thế nào ta tìm cách đánh như thế” mà tập luyện.
Và giờ lập công đã đến. Giặc Mỹ lại quen lao vào đường cũ. Chúng lượn vòng qua núi X, thăm dò rồi đột nhiên chọc một mũi, địch bất ngờ đánh lén. Nhưng thoát sao được. Cả phân đội bám sát địch từng ly. Ầm! ầm! Tên lửa chớp rạch chân trời lao về hướng địch. Chúng cơ động! Muộn rồi. Một chiếc bị xé đôi trong tiếng nổ khủng khiếp của quả đạn, bốc thành hai khối lửa theo đà lao nhanh xuống đất. Lúa, khoai quê Bác phơi phới reo vui.
Những con đường nhộn nhịp xe ra tiền tuyến như chở thêm cả chiến công đi. Có lẽ ở Thủ đô hôm nay, khi nghe tin chiến thắng mới, Bác Hồ chúng ta khỏe hơn, Bác sẽ dừng bút nhìn về hướng nam cười vui, khen đồng bào Nghệ An chiến thắng, khen bộ đội của Bác ngoan cường, cảnh giác. Cán bộ, chiến sĩ đoàn Sóc Sơn vui mừng trước chiến công nhưng không ngừng xốc tới, cùng với đồng bào cả nước xông lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.
Chỉ trong một thời gian, Phân đội 69 đã bắn tan xác ba máy bay địch kể cả ban ngày lẫn ban đêm, có hai chiếc rơi tại chỗ. Sóc Sơn - nơi kết thúc trận thắng giặc Ân oanh liệt của Phù Đổng, người anh hùng cưỡi ngựa sắt đánh giặc giữ nước tượng trưng cho sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam anh hùng có truyền thống chống ngoại xâm mà đoàn mang tên, đã tăng sức cho đoàn lớn mạnh. Bây giờ, được chiến đấu trên mảnh đất Nghệ An, sục sôi truyền thống cách mạng cổ vũ toàn đoàn càng vững vàng bên bệ phóng.
Với lòng kính yêu Bác, chiến công mới của đơn vị như bông hoa rực rỡ kính dâng lên chúc thọ Người 78 tuổi.
(Theo Sơn Lê kể, trích trong "Theo dấu chân Bác")
Tâm Trang (tổng hợp)