- Niềm tin và sức mạnh (tiếp theo)
Rời Sở chỉ huy Sư đoàn 361, tôi quyết định xuống thăm các đơn vị ở khu Đông. Khu Đông là nơi có những mục tiêu quan trọng mà kẻ địch đang cố sức dứt điểm bằng bất cứ giá nào: Cầu Long Biên, cầu Đuống, Nhà máy điện Yên Phụ.
Xe chạy dọc theo đại lộ Nguyễn Thái Học, rẽ vào đường Hùng Vương, vòng qua Quảng trường Ba Đình. Tháng Năm, đi giữa Hà Nội, qua Ba Đình, lòng ai mà chẳng tràn đầy những cảm xúc trong sáng và đẹp đẽ. Nhất là tháng Năm này Hà Nội vừa trải qua những trận chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Ngày mai đã là ngày 07-5, ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đúng ngày này, cách đây 13 năm, tôi còn đứng ở Lũng Lô trên đỉnh đèo Pha Đin, bên cạnh những khẩu súng 12,7 mm, chiến đấu với những chiếc máy bay cánh quạt của giặc Pháp.
Bây giờ đây là cả một chiến dịch phòng không hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh trả hàng trăm máy bay phản lực Mỹ, để bảo vệ không phải một đỉnh đèo mà là cả một thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội này. Khi xe qua Quảng trường Ba Đình, tôi bảo đồng chí lái xe cho đi chậm lại một chút. Đã hơn 3 giờ chiều, khu vườn Chủ tịch im ắng, tĩnh mịch. Nắng tháng Năm vàng rực trên những cành sấu sum suê lá. Tôi đưa mắt nhìn vào trong đó và tự hỏi: Có đúng là giờ này, Bác đang ngồi làm việc trong ngôi nhà sàn mà cách đây mấy tháng tôi đã được đến gặp Bác để báo cáo với Bác tình hình chiến đấu của quân chủng? Hôm ấy, Bác rất vui. Bác hồng hào khỏe mạnh với tuổi 76 của mình.
Tháng Năm này Bác lại thêm một tuổi. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang hướng về ngày sinh của Người để chiến đấu và công tác. “Các chú cứ bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe”. Mấy tháng nay trên các trận địa đánh máy bay Mỹ của bộ đội phòng không, câu nói đó đã được các chiến sĩ nhắc đi nhắc lại như là một khẩu hiệu hành động hằng ngày của mình.
Xe chúng tôi vòng lên cầu Long Biên. Vào giờ này, cầu ít người qua lại, làm cho nó càng như to rộng thêm ra và dài hun hút. Nó là một chiếc cầu thôi, và đã có mặt ở đây hơn nửa thế kỷ rồi, và tôi cũng đã từng qua đây nhiều lần, nhưng sao hôm nay đi qua đây, trái tim tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Từ ngày địch cho hàng trăm lần chiếc máy bay với âm mưu thâm độc đánh sập cầu Long Biên và cầu Đuống, hình ảnh hai chiếc cầu thường hiện ra trước mắt chúng tôi, kể cả trong bữa ăn, giấc ngủ. Sau mỗi đợt đánh phá, điều mà chúng tôi cần đồng chí trực ban báo cáo trước tiên là cầu có việc gì không? Đồng chí Phùng Thế Tài, đồng chí Đặng Tính đã từng đứng hàng giờ trên hai chiếc cầu này, sục đến các trận địa hai bên chân cầu, suy nghĩ tìm cách đánh để làm sao bảo vệ được an toàn cho hai chiếc cầu quan trọng trên trục đường giao thông huyết mạch của Tổ quốc.
Buổi chiều hôm ấy, đi đến trận địa nào tôi cũng thấy các chiến sĩ đang hân hoan đón mừng thư Bác. Thư Bác không gửi riêng cho quân chủng, cho sư đoàn, nhưng ai nấy đều cảm thấy như là Bác gửi thư cho chính đơn vị mình. Có đơn vị nắn nót chép toàn văn thư của Bác lên bảng tin thi đua. Có đơn vị chép lại thành nhiều bản phát xuống các khẩu đội để anh em vừa trực ban vừa đọc thư Bác cho nhau nghe. Thú vị nhất là những phút đến với các chiến sĩ Đại đội 72 Trung đoàn 212 bảo vệ cầu Đuống.
Trận địa Đại đội chỉ cách chân cầu chưa đầy nửa cây số. Trong những trận đánh vừa qua, trận nào Đại đội cũng phải đương đầu với sự đánh phá ác liệt của kẻ thù. Trung đoàn 212 pháo 57 mm là đơn vị làm nhiệm vụ chốt, bảo vệ cầu, thực hiện cách đánh mới sớm nhất của bộ đội phòng không Hà Nội. Khi đưa vấn đề này vào nghị quyết Đảng ủy quý I năm 1967, chúng tôi cũng đã phải thảo luận rất nhiều. Nổi lên là sự tổn thất nặng nề của bộ đội có thể xảy ra. Từ hơn một năm nay, kẻ địch thực hiện một âm mưu rất thâm độc là vừa đánh các mục tiêu vừa tăng cường đánh chế áp các trận địa phòng không. Nhiều trận chúng dùng hẳn một nửa lực lượng máy bay để đánh phá trận địa. Nhưng không thể có cách nào khác. Bởi vì qua rất nhiều cuộc rút kinh nghiệm, vấn đề đã được kết luận: Có áp sát mục tiêu mới đánh được địch bổ nhào. Có dũng cảm đánh địch bổ nhào mới tiêu diệt được máy bay địch. Có tiêu diệt được máy bay địch mới bảo vệ được mục tiêu, mới bảo vệ được sinh lực của ta.
Thực tiễn chiến đấu trong những ngày qua đã chứng minh nghị quyết của Đảng ủy về việc bố trí hỏa lực áp sát mục tiêu là hoàn toàn đúng đắn. Ngày 25-4-1967, Đại đội 72 đã bắn rơi tại chỗ một chiếc F.105, bắt sống giặc lái khi nó đang bổ nhào xuống đánh cầu Đuống. Quá trình hình thành cách đánh địch bổ nhào là quá trình đấu tranh tư tưởng chống mọi biểu hiện dao động, là quá trình thống nhất tư tưởng chỉ đạo tác chiến, trong đó nổi lên vấn đề giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, giữ gìn lực lượng. Đại đội trưởng Đại đội 72 dẫn tôi ra bàn cát, chỉ vào vị trí Đại đội nằm cạnh chân cầu, hồ hởi nói:
- Cấp trên cho chúng tôi vào đây đánh khoái lắm Thủ trưởng ạ! Khi nó cắm đầu, cắm cổ lao xuống, chúng tôi phất cờ cũng sướng, chiến sĩ đạp cò cũng sướng, chỉ huy hô lệnh bắn cũng sướng, chứ trước đây, bố trí xa hàng cây số, bắn đạn lên cứ như vuốt đuôi, tức anh ách.
Tôi vui vẻ hỏi các chiến sĩ:
- Thế khi thấy nó bổ nhào xuống đỉnh đầu, nhất là khi thấy bom nó rơi thẳng xuống trận địa mà các cậu không sợ à?
Hai, ba chiến sĩ trẻ cùng trả lời một lúc:
- Nó sợ mình chứ mình sợ gì nó, Thủ trưởng. Mấy trận trước chúng tôi thấy nó khi nhào xuống còn có vẻ hùng hùng hổ hổ lắm. Còn trận hôm qua chúng tôi thấy hình như nó vừa lao xuống vừa run. Tất cả đều bật cười thích thú.
Đứng ở trận địa này, thấy cầu Đuống sừng sững ngay trước mặt, hầu như giơ tay là có thể sờ thấy được. Một chuyến tàu xình xịch chạy qua. Hành khách trên tàu thò tay qua cửa sổ vẫy chào các chiến sĩ.
Tôi lên đường trở về Sở chỉ huy quân chủng khi Hà Nội đã lên đèn. Đường phố vẫn đông vui. Hòa trong dòng người tấp nập trên đường phố là bóng dáng các cô tự vệ vai đeo súng, đầu đội mũ sắt, trông vừa hiên ngang, vừa nhí nhảnh. Chắc các cô vừa từ trận địa bắn máy bay trên các tầng nhà cao trở về. Chính những tay súng này đây đã góp phần tạo nên lưới lửa mà sau này một nhà báo Mỹ đã viết: “Trong tháng qua các phi công Mỹ đã phải bay qua một bức bình phong của súng phòng không và tên lửa dày đặc chưa từng có trước đây”.
*
* *
Ngày 19-5 đã đến.
Khi buổi phát thanh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi bản nhạc chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh thì các đoàn đốc chiến của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh phòng không hối hả lên đường xuống các đơn vị. Theo nhận định của trên, ngày hôm nay địch sẽ tổ chức đánh lớn vào Hà Nội.
Buổi sáng hôm ấy, đồng chí Phó Tư lệnh Lê Văn Tri và tôi trực chỉ huy chiến đấu.
Tôi nói mấy lời ngắn gọn động viên các sĩ quan tác chiến và nhân viên ở Sở chỉ huy hoàn thành nhiệm vụ thật tốt, phục vụ các đơn vị đánh thắng giòn giã, diệt thật nhiều máy bay địch, bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái để chào mừng ngày sinh của Bác.
Trên bảng thực lực, những ngọn đèn tín hiệu lấp lánh báo tin: Tất cả gần 200 bệ phóng tên lửa sẵn sàng chiến đấu tốt. Bộ đội pháo cao xạ ở tất cả các khu vực phòng không cũng đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ đội rađa đã phát đi những tin tức đầu tiên về những tốp mục tiêu xa. Riêng khu vực Hà Nội, lực lượng tên lửa là hơn 100 bệ phóng, lực lượng cao xạ có trên dưới 10 Trung đoàn. Theo lệnh Bộ Tổng Tham mưu, tất cả lực lượng không quân tiêm kích được giao nhiệm vụ tập trung bảo vệ Hà Nội.
Theo thói quen của mỗi lần trực chỉ huy, công việc đầu tiên của tôi là cầm máy, gặp các đồng chí chính ủy các đơn vị. Anh Trương Công Cẩn, Chính ủy Binh chủng Tên lửa rất vui. Anh cho biết, theo quyết định của Bộ Tư lệnh binh chủng, hôm nay tất cả các cấp trưởng từ đại đội đến binh chủng đều làm nhiệm vụ trực chỉ huy.
Anh Cẩn nói:
- Đơn vị nào cũng muốn được góp phần bắn rơi máy bay địch trong ngày 19-5 hôm nay.
Có đồng chí nói:
- Một chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi trong ngày 19-5 này có giá trị gấp nhiều lần vào những lúc khác.
Tôi nói với anh Cẩn:
- Cũng đúng thôi anh ạ. Đó là tấm lòng của anh em mình đối với Bác.
Tôi qua điện cho Sư đoàn 361 và nhận ra ngay tiếng anh Văn Giang, Chính ủy Sư đoàn ở đầu dây nói:
- Sáng nay, tất cả các đơn vị đều tổ chức mít tinh ngắn gọn kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác ngay tại trận địa. Khí thế bộ đội lên cao lắm. 100% các đơn vị có khẩu hiệu trên mâm pháo, trên mũ hướng về Ngày sinh của Bác. Anh Văn Giang là một Chính ủy bao giờ cũng có những cái mới trong công tác lãnh đạo. Tôi quay sang nói với anh Lê Chí Hướng, Trưởng phòng Tuyên huấn:
- Dưới 361 có những hình thức động viên phong phú lắm đấy. Tuyên huấn nhớ theo dõi để biểu dương kịp thời và rút kinh nghiệm phổ biến cho các nơi khác.
Từ Hải Phòng, giọng anh Lương Tý, Chính ủy Sư đoàn 363 vẫn rất rõ:
- Hôm nay là Ngày sinh của Bác, đồng thời là ngày kỷ niệm ba năm thành lập Sư đoàn, chúng tôi sẽ chiến đấu “một người bằng hai” để lập thành tích thật xuất sắc mừng thọ Bác Hồ 77 tuổi.
Chiến đấu “một người bằng hai” cũng là một hình thức thi đua đáng khuyến khích. Tôi lại quay sang nói với anh Hướng cần cử ngay một trợ lý thi đua xuống Hải Phòng nắm tình hình chiến đấu của bộ đội để biểu dương kịp thời.
Những ngày qua Hải Phòng chiến đấu tốt, được Bác gửi thư khen, được Quốc hội và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là lần đầu tiên Huân chương cao quý này được tặng thưởng cho một thành phố. Riêng Sư đoàn 363 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai.
Tôi nói với anh Tý:
- Sắp tới địch sẽ đánh mạnh Hà Nội, để gây sức ép tối đa với ta. Nhưng chúng sẽ đánh Hải Phòng ác liệt. Các anh ở xa quân chủng, phải độc lập tác chiến, vì vậy cần tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết với địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh; vừa chiến đấu vừa xây dựng. Làm tốt được những điều đó, nhất định Hải Phòng sẽ cùng với Hà Nội đập tan bước leo thang nghiêm trọng mới của kẻ thù.
9 giờ 50 phút, địch ùn ùn kéo vào từ hướng Tây Nam và Tây Bắc.
Đồng chí Lê Văn Tri phát lệnh báo động cấp I cho toàn quân chủng. Anh nhắc Binh chủng Tên lửa phải cố gắng đánh sớm, chặn đứng từng cánh quân địch ngay trên đường bay vào.
10 giờ 01 phút, các tiểu đoàn của Trung đoàn 236 bắt đầu phóng đạn. Tiểu đoàn 61 ở trận địa Văn Điển, Tiểu đoàn 64 ở trận địa Yên Nghĩa cũng phóng bốn quả đạn vào một tốp. Tin báo về một chiếc A.4 rơi tại chỗ ở Thanh Oai, Hà Tây. Trận mở đầu đẹp quá. Tôi bảo đồng chí Trực ban Chính trị thảo ngay một bức điện biểu dương kịp thời Trung đoàn 236 và thông báo cho các đơn vị khác để thi đua với 236.
Tiếp đó, 16 chiếc máy bay gồm F.4 và F.8 vào đánh phá khu kho Văn Điển. Tiểu đoàn 28, Sư đoàn 367, vừa được lệnh về đây được hai ngày đã đánh giỏi, bắn rơi một F.8, bảo vệ an toàn khu kho. Sư đoàn 361 cũng liên tiếp báo tin bắn cháy, bắn rơi máy bay địch...
Cả Sở chỉ huy náo nức. Buổi chiều bọn máy bay hải quân địch tập trung đánh vào Nhà máy điện Yên Phụ. Trên vùng trời hồ Tây, bọn A.4E quần đảo, lồng lộn, tìm cơ hội phóng bom vô tuyến vào nhà máy, nhưng bị Trung đoàn 220 bắn rát, không thực hiện được ý đồ. Trên trận địa ôm sát nhà máy điện, Đại đội trưởng Đại đội 1 anh hùng Nguyễn Huy Cảnh, tỉnh táo bỏ qua bọn F.8 nghi binh, chỉ huy đơn vị tập trung diệt bọn bổ nhào, đánh trả quyết liệt, làm cho bom của địch chệch xa ra ngoài. Các Trung đoàn 230, 210, 241 của Sư đoàn 367 đã phối hợp chặt chẽ đánh tan hai đợt công kích liên tục của địch vào nhà máy điện.
Biết không thể đánh chính diện được, bọn địch dùng thủ đoạn đánh lẻ. Trong lúc bọn F.8 lượn vòng phía tây nam hòng thu hút sự chú ý của ta, thì một chiếc A.3J là thấp theo trục sông Hồng định dở trò cắn trộm, lập tức bị lưới lửa của Đại đội 1 Trung đoàn 234 và Đại đội 1 Trung đoàn 241 quất thẳng vào mặt. Tên “chiến sĩ nhà trời” bị trọng thương, đâm đầu xuống phố Lê Trực. Tin máy bay địch rơi tại chỗ trên đường phố Hà Nội làm cho không khí Sở chỉ huy sôi động hẳn lên. Đây là một sự kiện đặc biệt, chưa từng xảy ra ở Thủ đô. Thực ra, ngày 12-6-1966 cũng đã có một chiếc rơi ở Hòa Mục, nhưng đó là một chiếc không người lái, lại rơi ở ngoại thành. Còn đây là một chiếc phản lực, hiện đại, địa điểm rơi chỉ cách nơi Bác ở khoảng 1 km. Tôi rất nóng ruột về tên giặc lái. Nó nhảy dù ra được, hay chết luôn trong máy bay. Bắn rơi tại chỗ một máy bay địch đã là quý rồi, nhưng bắt sống được giặc lái thì giá trị lại càng tăng thêm gấp bội, ý nghĩa chiến thắng được nhân lên nhiều lần. Có giặc lái, nhất định tối nay chúng ta sẽ tổ chức họp báo.
Tôi gọi điện cho anh Văn Giang nói bằng mọi cách bắt sống giặc lái nhanh nhất, đề phòng những chuyện bất trắc xảy ra.
Anh Tri chỉ thị cho đồng chí Phó phòng Quân báo Lê Tư đến ngay chỗ máy bay rơi để nắm tình hình cụ thể. Khoảng nửa tiếng sau có tin chính thức báo về: Hai tên giặc lái đã bị bắt sống. Một tên rơi xuống nóc chuồng gà nhà số 71, một tên rơi xuống ngõ 124 Thụy Khuê. Như vậy, địa điểm giặc lái bị bắt sống chỉ cách nơi Bác ở vài trăm mét. Thật là tuyệt vời. Tôi ngả người trên ghế và cảm thấy như tim mình nghẹn lại vì sung sướng. Bác đã biết tin này chưa? Nhất định Bác sẽ vui lòng với món quà sinh nhật của chúng tôi.
Rất tiếc là không có đồng chí Đặng Tính ở đây để cùng nhau chia sẻ niềm vui to lớn này. Mặc dù vậy, tôi vẫn hình dung thấy rõ nét mặt hân hoan và nụ cười bao giờ cũng hết cỡ của anh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc này đang có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 361. Đồng chí đã nhiệt liệt biểu dương chiến công xuất sắc của bộ đội phòng không Hà Nội.
*
* *
Những trận đánh tháng 5-1967 còn tiếp diễn cho đến ngày 22-5-1967 và Hà Nội đã ghi vào lịch sử của mình một con số đáng tự hào: Chỉ riêng tháng 5 ta đã bắn rơi 35 máy bay giặc Mỹ, diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Cuộc tập kích quy mô lớn bằng không quân của địch vào Hà Nội với 436 lần chiếc, đánh vào cả ba cụm mục tiêu: Giao thông, công nghiệp, điện đã bị đập tan. Hà Nội đã đứng vững và tự hào nhận tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ký lệnh tặng thưởng cho đồng bào và chiến sĩ Thủ đô. Còn bọn giặc lái Mỹ thì kinh hoàng nghĩ đến một chuỗi máy bay đã vĩnh viễn mất hút trong khoảng xanh bất tận đầy nắng tháng năm của trời Hà Nội, "một vùng trời không vui" đối với chúng. Bọn giặc lái đã bắt đầu ghê sợ khi nhắc đến vùng trời ở 21 độ vĩ tuyến Bắc, 105 độ kinh tuyến Đông, mà chúng gọi là "tọa độ lửa". Tên Mác Cônen, Tham mưu trưởng không quân Mỹ, sau đòn đầu tháng năm đã phải thốt lên: "Vùng Hà Nội, Hải Phòng có hệ thống phòng không tập trung mạnh nhất mà người ta chưa hề thấy trong lịch sử phòng thủ của bất kỳ một thành phố nào, hoặc một khu vực nào trên thế giới".
(Theo Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, trích trong ""Bác Hồ - nguồn sức mạnh của bộ đội Phòng không")
Tâm Trang (tổng hợp)