160. Đoàn Sóng Điện nhớ Bác Hồ
Thật bất ngờ và hạnh phúc, một buổi sáng mùa Hè năm 1966, Bác Hồ đã đến với chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Đại đội 12 thuộc Đoàn thông tin Sóng Điện... Không ai báo trước cho chúng tôi để chúng tôi đón Bác. Ban Chỉ huy Trung đoàn cũng không biết. Đến cả Bộ Tư lệnh Quân chủng cũng không hay. Mãi sau này chúng tôi mới biết đó là tác phong của Bác. Đi thăm đâu cũng bất ngờ, không "tiền hô hậu ủng". Bác thường nói với các đồng chí cán bộ giúp việc là có như thế mới vừa giữ được bí mật, vừa nắm được thực chất tình hình. Nghe nói có lần một cơ quan nọ biết Bác sẽ đến thăm và biết Bác thích nơi nào cũng có vườn hoa cây cảnh, liền bắt anh em làm suốt đêm để biến một cái sân gạch thành một "vườn hoa". Hôm sau Bác đến phát hiện ra "vườn hoa" có dấu hiệu úa héo liền cầm một cây thử nhổ lên. Thế là bị bắt quả tang... Bác nói với đồng chí lãnh đạo cơ quan ấy, giọng không vui: "Các chú làm như thế này để làm gì? Bác thích hoa, thích cây, nhưng là hoa thật, cây thật, chứ không phải là hoa giả, cây giả như thế này. Các chú cần nhớ là trong công tác cũng như trong cuộc sống thường ngày, cái thật bao giờ cũng đẹp, cũng quý hơn cả". Lần này Bác đến với chúng tôi trong lúc chúng tôi đang phân tán mỗi người mỗi việc. Khi thấy chiếc ôtô con dừng lại ở chân dốc và một cụ già từ trong xe bước xuống, một chiến sĩ trông thấy liền reo lên:
- Bác Hồ! Các đồng chí ơi! Bác Hồ!
Bác Hồ giơ tay ngang mặt ra hiệu và nói nhỏ với đồng chí chiến sĩ ấy, giọng thân mật:
- Chú nói khẽ thôi kẻo lộ bí mật.
Rồi Bác bảo dẫn Bác lên thăm đơn vị. Nhưng đơn vị lúc đó chỉ có Đại đội phó Dinh và tổ anh nuôi đang làm nhiệm vụ. Sáng hôm ấy, Đại đội 6 công trình và Đại đội 12 vô tuyến điện chúng tôi, sau khi hoàn thành lắp ráp các thiết bị thông tin liên lạc trong Sở chỉ huy dự bị của quân chủng, đang tiếp tục triển khai các công việc khác ở vòng ngoài.
Năm 1966, tuy đã ở tuổi 76, trông Bác vẫn hồng hào khỏe mạnh. Bác bước rất nhanh lên sườn đồi, đôi dép cao su êm nhẹ dưới chân, chiếc áo lụa màu nâu bay bay trong gió, cùng với mái tóc và chòm râu bạc phơ, lại giữa khung cảnh núi đồi tĩnh mịch của chùa chiền nên trông Bác như một ông tiên.
Nơi đầu tiên Bác vào là nhà bếp của đơn vị. Các đồng chí nuôi quân vừa thấy Bác liền lập tức ngừng công việc ùa ra đón như đàn cháu thấy người ông đi xa lâu ngày trở về. Bác cười hiền từ vẫy tay đáp lại. Bác xem nơi nấu cơm, rồi ra chuồng lợn. Bác khen chuồng sạch, lợn béo. Tiếp đó Bác hỏi việc tăng gia. Đại đội phó Dinh báo cáo ở đây toàn núi đá, đất ít, nước hiếm nên khó trồng rau. Bác nói hồi ở Chiến khu Việt Bắc cũng có nơi cơ quan của Bác đóng rất hiếm đất, anh em trong cơ quan đã chuyển đá đi nơi khác rồi mang đất bùn ở dưới suối lên thay vào để trồng rau, bí, kết quả rất tốt, mùa nào cũng đủ rau ăn, có lúc còn dư thừa, đem biếu cơ quan bạn. Bác nói: "Chỉ cần có quyết tâm thì làm gì cũng được. Có trồng, có ăn. Các chú chịu khó tăng gia, tự cung tự cấp để đỡ một phần đóng góp của nhân dân". Bác còn nói vui: "Khi nào trồng được rau các chú gửi lên biếu Bác một bó". Chúng tôi nghe Bác nói mà cảm thấy vô cùng thấm thía. Rõ ràng là chúng tôi chưa thật cố gắng, còn cho mình là bộ đội chiến đấu thì Chính phủ phải cung cấp đầy đủ.
Trở lại nhà ăn, Bác mở lồng bàn xem kỹ một mâm cơm, hỏi anh em ăn như thế này có đủ no, đủ chất không? Bác động viên các đồng chí nuôi quân cố gắng nấu nướng cho tốt để bộ đội ăn ngon, ăn hết, mới bảo đảm sức khỏe, công tác và chiến đấu. Nhìn bảng kinh tế công khai của đơn vị, Bác thấy ngày hôm ấy chi ăn quá 1 đồng. Bác hỏi và khi đồng chí quản lý thưa với Bác là hôm nay anh em đi lao động ngoài trời nặng nhọc nên Ban chỉ huy đại đội đồng ý chi thêm để tăng chất lượng nồi canh lên một chút. Nghe xong Bác khen bảo đảm cho đơn vị ăn hết tiêu chuẩn như thế là tốt. Nhưng muốn cải thiện thì phải tăng gia sản xuất thêm. Bác còn gợi ý nên tiết kiệm mỗi ngày một ít để hằng tuần, hằng tháng tổ chức cho anh em ăn tươi một lần.
Sau đó Bác vào phòng câu lạc bộ của đơn vị. Bác dừng lại khá lâu trước bức tranh Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, và tờ báo tường của đơn vị. Bác khen ở đơn vị mà tổ chức được nhà câu lạc bộ, lại có cả báo tường như thế là tốt. Lúc này Chính trị viên phó mới biết Bác đến, vội chạy ra đứng nghiêm báo cáo. Bác cười bảo, Bác đã xem hết rồi còn báo cáo gì nữa. Bác dặn là cần cặp đủ báo để anh em thay nhau đọc. Dù thiếu thốn, gian khổ đến mấy cũng cần phải bảo đảm thật tốt đời sống văn hóa cho chiến sĩ. Tin Bác đến như một làn sóng điện truyền nhanh đến các bộ phận. Chẳng bao lâu cả hai đại đội đã tập hợp trước sân chùa, cả bộ phận công tác xa nhất cũng đã về đủ để nghe Bác nói chuyện. Bác nói về tình hình và âm mưu địch, về nhiệm vụ và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Về nhiệm vụ của đơn vị, Bác nói: "Công tác thông tin liên lạc là một công tác rất quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người. Do đó, nhiệm vụ của các chú rất quan trọng. Các chú phải cố gắng làm thật tốt nhiệm vụ của mình". Bác hỏi trình độ văn hóa của anh em rồi căn dặn: "Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ các chú phải vừa chiến đấu vừa không ngừng học tập, nâng cao trình độ kỹ thuật. Muốn học tập kỹ thuật tốt, phải học văn hóa". Về kỷ luật của bộ đội thông tin Bác dạy: "Đây là Sở chỉ huy quân chủng nên các chú phải hết sức giữ bí mật. Bác nhắc lại là phải giữ bí mật thật tốt, có như thế mới đánh thắng được địch".
Sau khi hỏi chúng tôi có biết là hiện nay miền Bắc đã bắn rơi được bao nhiêu máy bay giặc Mỹ, và đồng chí Hồi đã trả lời đúng, được Bác khen, Bác tiếp tục nói với chúng tôi: "Là bộ đội thông tin các chú phải nắm vững tin tức, tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Biết để thực hiện cho tốt, rồi còn để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân địa phương, để nhân dân hiểu và thông suốt cùng mình thực hiện".
*
* *
Hôm ấy Bác ở lại và làm việc suốt một ngày ở trong chùa Trầm, Bác bảo chúng tôi, các chú cứ làm việc của các chú, Bác làm việc của Bác. Cùng làm việc hôm ấy với Bác còn có đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác, đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an, đồng chí Hoàng Hữu Kháng, bảo vệ và đồng chí Lê Hoàng.
Sau này chúng tôi mới biết là hôm đó Bác muốn chọn một nơi thật yên tĩnh để hoàn thành văn kiện lịch sử "Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước", kịp công bố vào ngày 17-7-1966. Và chính điều đó đã làm cho niềm vinh dự của chúng tôi, niềm hạnh phúc của chúng tôi được nhân lên gấp bội... Chúng tôi có ngờ đâu là trong cái ngày 13-7-1966 ấy, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Đại đội 12 Đoàn thông tin Sóng Điện, được ở gần Bác, được chứng kiến nơi đã sản sinh ra lời hịch thiêng liêng của Bác Hồ với những câu nói bất hủ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Giữa buổi làm việc buổi chiều, Bác nghỉ tay xuống nhà bếp thăm hỏi các đồng chí anh nuôi. Bác lấy bao thuốc chia cho mỗi người một điếu, nhưng không ai hút mà đều cất đi. Bác cũng lấy cho mình một điếu, rồi nhìn quanh tìm đóm để châm lửa. Thấy vậy một đồng chí anh nuôi vội chạy lại đưa cho Bác bao diêm. Nhưng Bác lắc đầu và nói: "Cả bếp lửa đang hồng thế kia tha hồ mà dùng sao lại lãng phí một que diêm. Chú dành diêm để mà nhóm bếp. Chú có biết phải qua tay bao nhiêu người mới làm ra được một que diêm không? Đất nước ta còn nghèo, lại đang có chiến tranh nên càng phải tiết kiệm".
Câu chuyện về que diêm sau này trở thành một bài học sâu sắc trong toàn đơn vị mà Bác Hồ đã để lại cho chúng tôi. Một việc nhỏ thôi, một que diêm thôi mà bài học thì thật lớn. Mới hay rằng sự vĩ đại thường bắt nguồn từ sự bình thường nhất, giản dị nhất. Trông thấy một ít cơm rơi vãi quanh bếp và ở rãnh nước, Bác liền phê bình: "Các chú để cơm rơi vãi như thế là không nên. Bà con nông dân phải một nắng hai sương mới làm ra được hạt gạo nên các chú phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí".
Lúc đi dạo quanh chùa, Bác phát hiện ra một con đường mòn bị rào lại. Bác hỏi nguyên nhân tại sao. Khi được biết đó là con đường nhân dân vẫn thường dùng để đi làm, nay đơn vị về triển khai Sở chỉ huy nên rào lại để giữ bí mật. Nghe vậy Bác hỏi ngay: Thế nhân dân đi đường nào? Trước câu hỏi của Bác chúng tôi đều bị bất ngờ không trả lời được. Bởi vì chúng tôi đâu có quan tâm đến chuyện đó. Và một bài học thứ hai nữa vô cùng thấm thía đã đến với chúng tôi, khi được nghe Bác nghiêm khắc dạy bảo: "Các chú làm như thế là không được. Cấm đường để giữ bí mật quân sự là đúng, nhưng các chú phải đắp con đường khác để nhân dân đi chứ. Đó là chưa nói đến việc các chú rào đường mà không xin ý kiến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương là khuyết điểm lớn. Giả sử ở nhà các chú có một lối đi, có người tự dưng rào lại, bắt các chú phải chịu, liệu các chú có chịu được không? Nhân dân có con đường để làm ăn sinh sống, quân đội mang tiếng là quân đội nhân dân lại đi ngăn lại như vậy, làm ảnh hưởng đến việc làm ăn của nhân dân là không đúng, không nên". Sau khi nghiêm khắc phê bình chúng tôi, Bác hiền từ vạch ra hướng khắc phục, sửa chữa: "Bây giờ các chú phải vào trực tiếp xin lỗi dân và làm ngay một con đường mới để nhân dân đi làm, nhân tiện trồng cây xanh hai bên cho mát mẻ, sau này nếu mình chuyển đi nơi khác sẽ là một công trình của bộ đội để lại một kỷ niệm đẹp trong lòng dân". Bác cho chúng tôi hạn một tuần, làm xong báo cáo cho Bác biết. Chúng tôi đã thi đua cùng với đoàn tên lửa Sông Đà đóng quân gần đấy, thực hiện đúng lời Bác, chỉ một tuần sau làm xong con đường, được nhân dân hết sức hoan nghênh. Nhiều cụ già trong làng vuốt râu tấm tắc khen: "Như vậy mới đúng là bộ đội Cụ Hồ chứ".
*
* *
Chiều gần tối, Bác và các đồng chí cùng đi mới lên xe ra về. Trước lúc chia tay, Bác còn ân cần căn dặn chúng tôi: "Các chú phải thường xuyên rèn luyện để thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân tin yêu bộ đội, giúp đỡ và bảo vệ bộ đội. Có dựa vào dân, đoàn kết với dân mới bảo vệ được mình, che mắt địch và đánh thắng địch". Bác còn dặn thêm là: "Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân, nơi đóng quân của các chú hiện nay là một thắng cảnh, bây giờ chiến tranh ta phải dùng để phục vụ nhiệm vụ quân sự. Các chú phải biết giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt...".
Từ đó đến nay đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua. Ghi sâu những lời Bác dạy, Đoàn thông tin Sóng Điện chúng tôi đã thường xuyên vươn lên trong mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trung đoàn đã được tặng thưởng hai Huân chương Quân công, 12 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Ngày 30-10-1987, Trung đoàn đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
(Theo Nguyễn Thu kể, trích trong "Kể chuyện Bác Hồ")
161. Làm theo lời Bác
Đêm 11-8-1965, tại trận địa Xích Thổ, Tiểu đoàn 61 tên lửa chúng tôi liên tiếp phóng ba quả đạn diệt gọn một tốp A.4E. Chúng toàn toàn không ngờ tên lửa phòng không Bắc Việt lại xuất hiện ở vùng trời phía Nam Hà Nội nhanh chóng như thế.
Sau trận đó, chúng tôi nhận được một phần thưởng quý báu: Bác Hồ đến thăm. Đó là buổi chiều ngày 26-8-1965, khi ánh nắng đầu thu đã nhạt dần trên đỉnh núi Ba Vì. Không sao nói hết được niềm xúc động lớn lao của chúng tôi trong giây phút đó. Sau khi xem xét kỹ càng nơi ăn chốn ở của đơn vị, Bác dừng lại hồi lâu xem một khẩu đội thao tác lắp đạn lên bệ phóng. Thấy công việc của các chiến sĩ bệ phóng nặng nhọc, vất vả, Bác trao đổi với các đồng chí lãnh đạo quân chủng cần khắc phục khó khăn, chăm sóc bồi dưỡng cho anh em, để anh em đủ sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 61 chúng tôi ghi sâu mãi mãi lời dạy của Bác Hồ trong buổi đến thăm hôm đó:
- Hôm nay, Bác đến thăm các chú, thấy chú nào cũng khỏe mạnh, vui vẻ, Bác rất mừng. Bác vừa nghe báo cáo là bộ đội tên lửa đã ra quân đánh thắng trận đầu và đến nay đã bắn rơi được 12 máy bay địch, như thế là rất tốt. Nếu ta phấn đấu làm sao bắn ít đạn hơn mà lại rơi được nhiều máy bay địch hơn nữa thì càng ưu điểm... Bác khuyên chúng tôi không bao giờ được chủ quan mà phải thường xuyên rèn luyện để nâng cao trình độ chiến đấu về mọi mặt. Phải đoàn kết thương yêu nhau và có tinh thần hiệp đồng, lập công tập thể. Bác còn phân tích để khẳng định sự thất bại không tránh khỏi của đế quốc Mỹ mà một vài người trong số chúng tôi hồi đó vẫn còn phân vân vì thấy Mỹ nó giàu mạnh, và có nhiều vũ khí hiện đại quá. Bác đã củng cố niềm tin cho chúng tôi. Bác dặn không được sợ khó, ngại khổ, không được sốt ruột, nôn nóng. Cần phải có quyết tâm cao. Có quyết tâm thì làm gì cũng được.
Cuối năm 1965 một niềm vui lớn nữa lại đến với Tiểu đoàn 61 chúng tôi là được lệnh lên đường vào chiến đấu trên quê hương Bác. Chúng tôi biết đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, vì khí tài tên lửa cồng kềnh, nặng nề, nhất là bệ phóng và các loại xe đặc chủng. Có loại như xe TZM chở đạn dài đến 15 m. Còn đài phát phóng của trung tâm điều khiển thì phải ba xe loại lớn mới chở hết dàn ăngten đồ sộ của nó. Khi triển khai hoặc thu hồi phải có riêng một xe cần cẩu loại lớn đi theo để làm nhiệm vụ lắp ráp. Thông thường những bệ phóng tên lửa cần được đặt vững chắc trong những hệ thống công sự kiên cố, vì thế mà lúc đầu bọn Mỹ cho rằng, SAM2 Bắc Việt với số lượng hạn chế chỉ có thể bố trí các trận địa xây bằng bê tông cốt sắt xung quanh Hà Nội. Nhưng dưới ánh sáng của đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, vũ khí tên lửa do Liên Xô viện trợ khi đến Việt Nam được sử dụng một cách sáng tạo theo cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Và các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã luôn luôn bị bất ngờ. Ngày 24-7-1965, bộ đội tên lửa Việt Nam ra quân đánh thắng trận đầu ở một vùng núi ven sông Đà, cách Hà Nội hơn 60 km. Hơn hai tuần sau, ngày 11-8-1965, đã bất ngờ xuất hiện ở Ninh Bình cách Hà Nội 135 km, diệt gọn một tốp A.4E, và hai tuần sau đó, những bệ phóng lại đã có mặt ở Yên Bái, miền Tây Tổ quốc, bắn rơi hai chiếc F.105. Nhưng dù sao thì những bệ phóng đó vẫn nằm trong hậu phương lớn của miền Bắc, có nhiều lực lượng phòng không mạnh bảo vệ. Còn lần này, chúng tôi được lệnh vào tận tuyến lửa Khu IV, đường hành quân vô cùng khó khăn, nhiều cầu, nhiều phà, vừa hẹp, vừa yếu, kẻ địch lại ngày đêm đánh phá ác liệt..., liệu chúng tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ không? Nhớ lại lời dạy của Bác: "Có quyết tâm thì làm gì cũng được", chúng tôi phấn khởi lên đường, đầy lòng tin tưởng vào thắng lợi sẽ giành được. Đặc biệt lần này được về chiến đấu trên quê hương Bác, dù phải hy sinh gian khổ đến mấy, cũng là một hạnh phúc lớn đối với chúng tôi.
Đúng đêm 30 Tết Bính Ngọ năm 1966, toàn tiểu đoàn chúng tôi vượt cầu Hàm Rồng, rồi theo đường 15 tiến vào đất Nghệ An. Qua bao nhiêu vất vả gian nan, cuối cùng chiến thắng đã đến với chúng tôi. Đúng 8 giờ 45 phút ngày 07-3-1966, tại trận địa Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, chỉ bằng một quả đạn, tiểu đoàn chúng tôi đã bắn rơi hai chiếc máy bay trinh sát hiện đại RF.101 của đế quốc Mỹ. Đây lại chính là chiếc máy bay thứ 900, 901 bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc nên niềm vui của chúng tôi như được nhân lên gấp đôi. Đặc biệt có ý nghĩa đây là những chiếc máy bay bị bộ đội tên lửa bắn rơi tại chỗ đầu tiên trên quê hương Bác. Thế là chúng tôi đã thực hiện được lời dạy của Bác: "Bắn ít đạn hơn mà tiêu diệt được nhiều máy bay địch hơn thì càng ưu điểm"... Đêm ấy bốn anh em trong kíp chiến đấu chúng tôi gồm sĩ quan điều khiển Trần Ngọc Lân, trắc thủ góc tà Nguyễn Thanh Tân, trắc thủ phương vị Trần Văn Hưng và tôi là trắc thủ cự ly, nằm bên nhau trong chiếc lều bạt dã chiến nhìn lên bầu trời quê hương Bác mà cảm thấy nhớ Bác vô cùng.
Chắc rằng ở Hà Nội, Bác cũng đã nhận được tin chiến thắng của chúng tôi và chắc là Bác vui lắm. Tình cảm của Bác, những lời dạy của Bác là nguồn sức mạnh giúp chúng tôi giành được chiến thắng vừa qua, và sẽ là nguồn sức mạnh động viên chúng tôi tiếp tục trên chặng đường chiến đấu sắp tới.
Hơn mười ngày sau, 7 giờ 30 phút ngày 18-3-1966, Tiểu đoàn 61 chúng tôi lại đánh thắng một trận xuất sắc, tại trận địa Giang Sơn, bắn rơi hai máy bay F.3, D.2 khi chúng đang lượn vòng trinh sát đập Đô Lương.
Sau những trận thắng giòn giã ở Nghệ An, chúng tôi được lệnh đưa những bệ phóng tiến sâu hơn vào địa bàn Hà Tĩnh. Đêm ngày 11-4-1966, toàn tiểu đoàn vượt phà Bến Thủy bằng hai phà song song. Ngày 12-4-1966, những bệ phóng phủ kín lá ngụy trang náu mình dưới chân núi Hồng Lĩnh để đêm ngày 13-4 triển khai vào trận địa Nga Lộc, huyện Can Lộc. Ngày hôm sau, 14-4-1966, vào hồi 14 giờ 30, những quả đạn tên lửa đầu tiên đã được phóng lên trên bầu trời Hà Tĩnh, thiêu cháy một chiếc RF.101, làm chấn động Nhà trắng và Lầu năm góc.
Tháng 3-1965, khi được tin tình báo cho biết SAM2 đã vào Bắc Việt, các chuyên gia của Lầu năm góc đã dự đoán với trình độ phát triển thấp về quân sự của Việt Nam thì giỏi lắm phải đến tháng 6-1966, tên lửa phòng không Việt Nam mới có thể xuất hiện được. Thế mà nay, chỉ mới tháng 4-1966, "những vùng khói da cam đáng sợ" đã xuất hiện trên bầu trời "vùng cán xoong", nơi mà lâu nay hầu như không quân Mỹ vẫn hoàn toàn làm chủ. Sau trận đánh ở Nga Lộc, chúng tôi đã phải trải qua những ngày cực kỳ gian khổ. Địch lùng sục suốt ngày đêm với quyết tâm "làm cỏ những bệ phóng SAM2". Những lời dạy của Bác Hồ về bí mật, bất ngờ càng trở nên vô cùng quý giá đối với chúng tôi lúc này. Hầu như cứ cách một ngày một đêm là chúng tôi phải di chuyển trận địa. Thức trắng đêm đối với chúng tôi đã trở thành chuyện bình thường. Cả một tuần liền không kịp tắm giặt, râu ria không kịp cạo, mặt mũi hốc hác, nhưng ánh mắt thì ai nấy vẫn đều linh lợi, tin tưởng. Bởi trong những lúc gian khổ, khó khăn nhất, chúng tôi như có Bác đang ở bên cạnh mình, và cảm thấy Bác đang theo dõi khuyến khích chúng tôi, như buổi chiều ngày 26-8-1965, Bác đứng hồi lâu theo dõi chúng tôi thao tác đưa những quả đạn lên bệ phóng...
Buổi chiều đáng ghi nhớ ấy, mãi mãi là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời người lính chúng tôi. Vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn, đặc biệt là sự lùng sục gắt gao của máy bay địch, chúng tôi đã đưa những bệ phóng cơ động hầu khắp địa bàn Hà Tĩnh vào giáp địa phận Quảng Bình, bắn rơi thêm một số máy bay địch.
Ngày 27-4-1966, tại trận địa Hương Thu thuộc huyện Hương Khê, Tiểu đoàn 61 chúng tôi đã phóng những quả tên lửa đầu tiên về hướng Trường Sơn, tiêu diệt một máy bay F.4, ngay trên đỉnh đèo Mụ Giạ. Cho đến khi đế quốc Mỹ liều lĩnh leo những nấc thang cao nhất đánh vào Hà Nội ngày 29-6-1966, thì toàn Tiểu đoàn 61 chúng tôi được lệnh cấp tốc đưa những bệ phóng về bảo vệ Hà Nội, bảo vệ Bác Hồ. Bất chấp kẻ địch đánh phá, ngăn chặn, chúng tôi vẫn hành quân suốt ngày, suốt đêm không nghỉ. Tin kẻ thù đã đánh vào Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, nơi Bác Hồ đang sống và làm việc, làm lay động đến tận trái tim mỗi chúng tôi... Và chúng tôi nguyện với nhau quyết bắt kẻ thù phải đền tội ác.
Ngày 17-7-1966, tại trận địa Văn Điển án ngữ phía Nam Hà Nội, đúng 6 giờ sáng, toàn Tiểu đoàn chúng tôi tập hợp bên những bệ phóng, nghiêm trang nghe lời hịch lịch sử của Bác Hồ: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trong giờ phút thiêng liêng ấy, mỗi chúng tôi thành kính lắng nghe từng lời của Bác, mà cảm thấy như đang nghe lời của non sông đất nước, của lịch sử vọng về.
Nhân dịp này, Bộ Tư lệnh Quân chủng phát động phong trào thi đua: "Làm theo lời Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Và chỉ hai hôm sau ngày Bác ra lời kêu gọi, ngày 19-7-1966, Tiểu đoàn 61 chúng tôi bắn rơi một chiếc F.8U của giặc Mỹ ngay tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Thi đua với Tiểu đoàn 61, hướng về lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước thiêng liêng của Bác Hồ, các đơn vị liên tiếp đánh thắng. Ngày 20-7-1966, Tiểu đoàn 72 thuộc Trung đoàn tên lửa 285, tại trận địa Vô Tranh ở Bắc Thái đã bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay điện tử hiện đại EB.66, diệt và bắt sống một lúc sáu tên giặc lái, hầu hết là chuyên viên điện tử cao cấp của không quân Mỹ. Tiếp đó, từ ngày 21 đến ngày 30-7-1966, các đơn vị tên lửa, không quân, cao xạ hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị rađa đã liên tiếp chiến thắng, bắn rơi thêm 14 máy bay địch, bắt sống hàng chục giặc lái tại Bắc Thái, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng.
Bước sang tháng Tám, phong trào thi đua hưởng ứng lời kêu gọi của Bác càng thêm sôi nổi. Đúng ngày 01-8-1966, các Tiểu đoàn 72, 62 bắn rơi hai chiếc ở Thái Nguyên, Tiểu đoàn 88 bắn rơi một chiếc ở Vĩnh Phú. Trên hướng Hải Phòng, mở đầu tháng Tám, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh phòng không Hải Phòng cũng liên tiếp lập công. Đặc biệt xuất sắc là trận đánh mờ sáng ngày 02-8-1966, trong vòng 5 phút bắn rơi năm máy bay, trong đó riêng Trung đoàn 252 mang tên Sông Cấm bắn rơi bốn chiếc. Ngày 04 và 05-8-1966, Tiểu đoàn tên lửa 72 vừa được lệnh cấp tốc hành quân từ Bắc Thái về triển khai ở trận địa An Hồng bảo vệ Hải Phòng đã liên tiếp bắn rơi ba máy bay Mỹ, trong đó có chiếc thứ 50 của Hải Phòng. Nhân dịp này đồng bào và chiến sĩ Hải Phòng đã được Bác Hồ gửi thư khen.
Lời kêu gọi lịch sử: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Bác thực sự đã thổi bùng một sức mạnh mới trong các đơn vị thuộc bộ đội phòng không. Riêng Tiểu đoàn 61 chúng tôi, đơn vị được vinh dự Bác đến thăm, đã có những chuyển biến mạnh mẽ chưa từng thấy. Tinh thần hăng say luyện tập sôi nổi suốt ngày đêm để nâng cao trình độ chiến đấu, ứng phó với thủ đoạn mới của không quân địch, trong đó có thủ đoạn bay thấp hết sức nham hiểm. Kẻ thù biết rõ, loại tên lửa SAM2 chỉ có thuận lợi khi bắn mục tiêu ở độ cao từ 5 km trở lên, còn khi mục tiêu bay thấp thì các trắc thủ rất khó bám sát, và nếu bay thấp dưới 1 km thì càng khó, rất dễ xảy ra nguy cơ đạn điều khiển bị rơi xuống đất gây nguy hiểm cho các vùng dân cư. Luyện tập đánh máy bay bay thấp là một quá trình hết sức gian khổ đối với các trắc thủ tên lửa chúng tôi, đặc biệt là đối với trắc thủ góc tà.
Ngày 04-11-1966, chúng tôi đã đánh một trận trong tình huống địch bay thấp 700 m và đã giành thắng lợi. Chiếc RF.101 cắm đầu rơi xuống một thửa ruộng đang gặt dở trên cánh đồng xã Cổ Nhất thuộc ngoại thành Hà Nội. Chiến công này trước hết phải kể đến trắc thủ góc tà Nguyễn Thanh Tân (lúc này tôi đã trở thành sĩ quan điều khiển).
Với những thành tích đạt được, trong Đại hội thi đua quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đầu năm 1967, Tiểu đoàn 61 chúng tôi đã được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là Tiểu đoàn tên lửa đầu tiên của Binh chủng tên lửa được tặng danh hiệu cao quý này.
Trong buổi đón nhận danh hiệu Anh hùng, tất cả chúng tôi, trong niềm vui chung nhưng ai nấy đều nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Chính Bác là nguồn sức mạnh, là nguồn cổ vũ lớn lao, động viên, khích lệ chúng tôi trên mỗi chặng đường chiến đấu.
(Theo Đại tá Nguyễn Xuân Đài, trích trong "Bác Hồ - nguồn sức mạnh của bộ đội Phòng không")
Tâm Trang (tổng hợp)