Thứ năm, 09/01/2025

Chỉ mục bài viết

 

Phan 7 DBP tren khong anh 1
MiG-21 PF 4324 (14 sao): Chiếc máy bay này được sử dụng bởi 9 phi công khác nhau,và đã bắn rơi 14 máy bay trong khoảng thời gian từ 11/1967 tới 05/1968. Hiện nay, máy bay nàyđang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Kỳ tích 14 ngôi sao trên chiếc máy bay MiG-21 DF mang số hiệu 4324

48 năm trước, đúng vào ngày kỷ niệm 34 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1964, với Quyết định số 18/QĐ của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 đầu tiên thuộc Sư đoàn Không quân 371 của Không quân nhân dân Việt Nam ra đời. Tuy với tuổi quân còn rất trẻ, nhưng lực lượng không quân ta đã lập nên những chiến công chói lọi đáng tự hào - bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ với 19 chủng loại, gồm có cả pháo đài bay chiến lược B52 - con át chủ bài - niềm hy vọng lớn nhất của không lực Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc hòng đưa Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá. Trong đó, có chiến công xuất sắc của chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324. Chỉ trong năm 1967, từ chiếc máy bay này, với 9 phi công của Trung đoàn không quân MiG-21 921 thay nhau trực chiến đã lần lượt xuất kích 69 lần, đối mặt với không quân Mỹ 22 lần, thực hiện 16 trận không chiến. Với 25 quả tên lửa không đối không, đã bắn tan xác 14 phản lực cơ của Mỹ gồm cả các loại Thần sấm, Con ma, Chim ưng nhà trời, trinh sát điện tử... mà vẫn bảo đảm an toàn cả máy bay và phi công.

Chiến thắng đầu đầu tiên của MiG 4324 được thực hiện vào lúc 10 giờ 29 phút ngày 30/4/1967, do phi công Lê Trọng Huyền điều khiển, đã xuất sắc bắn rơi chiếc F105 (đầu tiên) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái; anh cũng là phi công được ghi ngôi sao đỏ thứ nhất trên chiếc MiG- 21/4324. Tiếp theo ngày 4/5/1967, phi công Phạm Thanh Ngân giáp trận không chiến thứ hai, trong mấy phút đã hạ chiếc F105 (thứ 2) trên vùng trời Tam Đảo - Vĩnh Phúc, là người được ghi ngôi sao đỏ thứ hai trên chiếc tiêm kích này. Ngay ngày hôm sau 5/5/1967, phi công Nguyễn Ngọc Độ hạ chiếc F4 (thứ 3) trên vùng trời tỉnh Bắc Thái. Ngày 5/6/1967 phi công Nguyễn Văn Lý hạ chiếc F105 (thứ 4) trên vùng trời tỉnh Tuyên Quang. Ngày 5/7/1967 phi công Nguyễn Văn Huyên hạ chiếc A4 (thứ 5) trên vùng trời tỉnh Hải Dương - là người được ghi ngôi sao đỏ thứ năm (hàng thứ nhất) trên thân MiG- 21/4324. Rồi chiến công nối tiếp chiến công, ngày 10/9/1967, phi công Nguyễn Hồng Nhị hạ chiếc RF101 (thứ 6) loại trinh sát điện tử hiện đại nhất của Mỹ lúc đó - nó bị tan xác trên vùng trời Mộc Châu - Sơn La. Đến lúc này trên thân MiG- 21/4324 đã có 6 ngôi sao đỏ được ghi và 6 phi công được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người.

Vào đúng ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga  (7/11/1917- 7/11/1967), hai phi công Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Văn Ngự lần lượt thay nhau lái chiếc tiêm kích này xuất kích không chiến đã hạ chiếc F4 (thứ 7) và chiếc F05 (thứ 8) trên vùng trời Hà Bắc và Yên Bái.

Cũng trong tháng 11/1967, phi công Phạm Thanh Ngân lại lập chiến công lần thứ hai khi lái chiếc MiG-21/4324 hạ chiếc F105 (thứ 9) trên vùng trời Phú Thọ ngày 18/11. Hai ngày sau đó, phi công Nguyễn Văn Cốc cũng với chiếc tiêm kích này đã hạ chiếc F105 (thứ 10) trên vùng trời Vĩnh Phú, là người được ghi ngôi sao đỏ thứ mười (hàng thứ hai) trên thân én bạc. Sau trận không chiến đó, anh cùng với đồng đội trong Trung đoàn không quân 921 được đến báo công với Bác Hồ, Người rất vui chúc không quân ta có nhiều phi công bắn rơi máy bay Mỹ như chú Cốc, Bác mong không quân ta có nhiều Cốc để Bác thưởng Huy hiệu.

Phát huy thắng lợi bắn hạ 4 chiếc trong tháng 11, sáng tháng 12/1967 - tháng kỷ niệm 23 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, MiG-21/4324 lại nhiều lần xuất kích và đã bắn rơi 4 chiếc nữa. Đó là ngày 12/12 phi công Nguyễn Văn Cốc lập chiến công tiếp bắn hạ chiếc F105 (thứ 11) trên vùng trời Hà Bắc; Ngày 17/12 phi công Vũ Ngọc Đỉnh xuất kích cùng với biên đội không quân bạn chặn bắn đội hình 32 chiếc thần sấm, con ma đang lao vào đánh phá Hà Nội, anh đã hạ 2 chiếc F105 (thứ 12 và 13); ngày 19/12, phi công Nguyễn Đăng Kích đã đánh hạ chiếc F4 (thứ 14) trên vùng trời Tam Đảo và là người được ghi ngôi sao đỏ thứ 14 (hàng thứ 3) trên thân MiG-21/4324.

Vậy là chỉ trong năm 1967, 9 phi công ta đã không chiến bằng chiếc MiG- 21/4324 bắn hạ 14 máy bay Mỹ với 4 chủng loại (9 chiếc F105, 3 chiếc F4, 1 chiếc A4, 1 chiếc RF101). Trong đó 6 phi công được Nhà nước vinh danh, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Văn Cốc, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Nguyễn Hồng Nhị và Đặng Ngọc Ngự. (Trong đó cùng với chiến công sử dụng MiG-21 khác, phi công Nguyễn Văn Cốc đã bắn rơi 9 chiếc, phi công Phạm Thanh Ngân và Nguyễn Hồng Nhị mỗi người bắn rơi 8 chiếc - được Bộ Quốc phòng đưa tên vào Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam - là những phi công bắn rơi nhiều máy bay địch nhất, trong đó Anh hùng Nguyễn Văn Cốc đạt kỷ lục 9 chiếc, được thưởng 9 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều Huân chương).

Một bí mật quân sự khác về sự huyền bí của chiếc tiêm kích này nay mới được giải mã. Số là theo tính năng kỹ thuật thì loại tiêm kích MiG-21 được sử dụng tới 1.200 giờ bay. Nhưng đến tháng 12/1967, sau khi đã anh dũng chiế n đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc, hiệu suất chiến đấu cao với 14 ngôi sao đỏ, chiếc máy bay này chỉ mới sử dụng hết 2/3 thời gian quy định (bằng 800 giờ bay), còn có thể tiếp tục xuất kích 400 giờ bay nữa. Nhưng để lưu lại một vật chứng với nhiều chiến tích đặc biệt hiếm có của một quân chủng hiện đại, giữ gìn truyền thống cho các thế hệ nối tiếp kế tục, ngày từ cuối năm 1967, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đã quyết định cho chiếc MiG-21 đầy ắp chiến công này được “nghỉ dưỡng” trước thời hạn. Đồng thời giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân đưa vào nơi bí mật an toàn cất giấu, bảo quản suốt 7 năm. Cho đến dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, ngày 4/12/1974 nó mới được đưa từ sân bay Bạch Mai về Bảo tàng Quân đội và được “trình làng” từ ngày 20-12 năm đó. Đến nay đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng, nghiên cứu lịch sử chiếc tiêm kích huyền thoại anh hùng này...

Có một điều mà không phải ai cũng biết, đó là trước khi diễn ra chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” gần một năm thì không quân Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên trên bầu trời phía Nam quân khu IV rồi. Đó cũng là chiếc B-52 đầu tiên trên thế giới của không quân Mỹ bị đối phương hạ gục. Người anh hùng đã lập chiến công xuất sắc đó là phi công Vũ Đình Rạng. Năm 2000, sách “Quân chủng Phòng không biên niên sự kiện 1953-1998” ghi lại sự kiện trên là: “Ngày 20 tháng 11 năm 1971, Bộ đội Không quân bắn rơi một chiếc B-52. Hai đại đội 45, 41 trung đoàn ra đa 291-290 đã bảo đảm dẫn đường cho chiến sĩ lái máy bay MiG-21 Vũ Đình Rạng bắn rơi một chiếc B-52 ở phía nam Quân khu 4…”.

Báo Giáo dục Việt Nam (Điện tử - số ra ngày 29/8/2011) đã ghi lại sự kiện này:

“...Ngày 20/11/1971: Sở Chỉ huy B8 không rời mắt khỏi tốp B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện từ đài chỉ huy trung tâm hội ý với Phó Tư lệnh Trần Mạnh rồi hạ lệnh cho phi công Vũ Đình Rạng xuất kích. Với Vũ Đình Rạng, anh hiểu rằng được chọn để chiến đấu với B-52 là một thử thách lớn đồng thời cũng là niềm vinh dự của chiến sĩ lái máy bay. Những ngày trực chiến đấu vừa qua thật hồi hộp. Niềm khát khao được lao lên bầu trời tiêu diệt B-52 để trả thù cho đồng đội, đồng bào ta thường trực trong anh.

Tư lệnh Không quân Đào Đình Luyện nhắc nhở các bộ phận không được sơ hở, tuyệt đối giữ bí mật, bình tĩnh bảo đảm chỉ huy chiếc MiG-21 của Vũ  Đình Rạng đến Sở chỉ huy B8 để từ đó theo lệnh chỉ huy của Sở chỉ huy tiền phương tiến công địch. Vũ Đình Rạng bay rất đúng phương án đã chuẩn bị. Chiếc MiG- 21 của Vũ Đình Rạng bay dọc Trường Sơn hùng vĩ theo hướng Đông-Nam cũng là lúc ba chiếc B-52 vượt sông Cửu Long, đang bay thẳng đến mục tiêu gây tội ác trên đường Trường Sơn.

Cánh sóng ra đa do Lê Thiết Hùng chỉ huy bám sát mục tiêu - cả B-52 và chiếc MiG-21 đã hiện lên trên màn hình. Cả Sở chỉ huy tiền phương gần như nín thở, hồi hộp chờ đợi. Tình huống trên bản đồ chỉ huy đã rõ, sĩ quan Nguyễn Văn Chuyên trên tay cầm thước hình tam giác có vòng phương vị và vạch sẵn cự li, anh đo khoảng cách từ B-52 đến MiG-21 và theo dõi chặt chẽ diễn biến trên bàn chỉ huy rồi báo cáo đề nghị thủ trưởng cho tiếp cận địch. Nguyễn Văn Chuyên lệnh cho Vũ Đình Rạng vứt thùng dầu phụ.

Lê Thiết Hùng trực tiếp dẫn trên hiện sóng, cho Vũ Đình Rạng vòng trái rồi liên tục thông báo tình hình địch. Đường bay của Vũ Đình Rạng áp dần đường bay tốp B-52. Tư lệnh Đào Đình Luyện trao đổi nhanh với Phó Tư lệnh Trần Mạnh rồi nhắc nhở ra đa quan sát máy bay địch bám đuôi khi Vũ Đình Rạng công kích. Chiếc én bạc của Vũ Đình Rạng còn cách tốp B-52 chừng 20km, ông ra lệnh cho sân bay Anh Sơn và Thọ Xuân chuẩn bị cho Rạng hạ cánh sau khi công kích trở về.

Vũ Đình Rạng tiếp tục bám sát mục tiêu. Khi khoảng cách giữa MiG -21 với tốp B-52 chỉ còn khoảng 15km, Lê Thiết Hùng lệnh cho Vũ Đình Rạng mở máy ra đa. Bật công tắc, Rạng reo lên: “Đã thấy B-52 ở cự li 11km, xin cho công kích!”. Trung tá Trần Hanh hạ lệnh: “Cho phép công kích!”. Vũ Đình Rạng tăng tốc độ tiếp cận tốp B-52 nhanh nhất, một chiếc B-52 đã được đưa vào vòng ngắm. Vùng phóng đã xuất hiện, Vũ Đình Rạng nhẩm đếm một, hai, ba… Cho đến khi chỉ còn cách chiếc B-52 dưới 2,5km, đường ngắm ổn định, Vũ Đình Rạng bấm nút phóng, một quả tên lửa lao vút về phía B-52, chớp lửa sáng rực bùng lên từ chiếc “pháo   đài bay”. Ông làm động tác thoát li. Sau đó, phát hiện một chiếc B-52 khác, ông đặt máy ngắm và bám sát mục tiêu. Đến cự li cho phép, Vũ Đình Rạng phóng tiếp quả tên lửa còn lại và thoát li về sân bay Anh Sơn hạ cánh an toàn.

Phan 7 DBP tren khong anh 2
Phi công Vũ Đình Rạng

Kết quả chính xác trận tiến công của Vũ Đình Rạng thì sau này ông và đồng đội mới rõ. Đoạn đối thoại sau đây giữa Thiếu tá phi công, nhà văn Mỹ F.Wantterhahn, nguyên là phi công tham gia chiến đấu ở chiến trường Việt Nam  với 180 lần bay vào vùng trời miền Bắc làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay mang bom đánh vào Hà Nội, với Lê Thành Chơn, nguyên sĩ quan dẫn đường ở Sở Chỉ huy B3, được ghi lại đã nói về số phận chiếc B-52 bị Vũ Đình Rạng bắn trúng:

“Trong câu chuyện giữa tôi và F.Wantterhahn, anh ta nói: “Người Mỹ tuyên bố đã hạ được 103 chiếc MiG-17 và MiG-21 trong khoảng thời gian từ 17/6 đến 12/01/1973”.

Tôi nói ngay: “Còn không quân chúng tôi bắn rơi 320 chiếc máy bay Mỹ, trong đó có hai chiếc B-52”.

Anh ta nói rất nghiêm chỉnh: “Ba chiếc B-52, chứ không phải hai”.

Tôi khẳng định: “Chỉ có hai B-52 do hai phi công MiG-21 bắn rơi ngày 27 và ngày 28/12/1972”.

F.Watterhahn cười: “Còn một chiếc B-52 bị Không quân Bắc Việt bắn bị thương rất nặng, nó về đến Thái Lan thì bị “tiêu”.

Tôi hỏi: - Sao vậy?

F.Wantterhahn nói: “Nó bị bắn thủng thùng dầu bên trái, cháy nhưng dập được, một động cơ bị hỏng nặng, nó phải hạ cánh bắt buộc xuống sân bay Nakhom- Phanom và không bao giờ “sống” lại được nữa”.

Tôi mừng quá hỏi: - Năm nào?

Anh ta nói: “Cuối năm 1971, tháng 11, chuyện B-52 bị MiG bắn hỏng, đơn vị tôi ai cũng biết”.

F.Watterhahn nói thêm: “Chiếc B-52 sau đó được tháo ra chở về Utapao… rồi bỏ đi”.

Như vậy, không quân ta đã hạ 3 máy bay B52. Trong đó, người bắn hạ B52 đầu tiên là phi công Vũ Đình Rạng (ngày 20 tháng 11 năm 1971) trong một trận đánh trên bầu trời khu 4; chỉ có điều chiếc B52 đó không rơi tại chỗ mà bay về đến sân bay Nakhom - Phanom trên đất Thái Lan mới bị “chết” hẳn.

Những con người góp phần làm nên huyền thoại

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, đập tan cuộc tập kích chiến lược lớn nhất bằng không quân của Mỹ, góp phần quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong chiến công to lớn ấy, có rất nhiều những cá nhân, ở mọi lĩnh vực của cuộc chiến đấu, bằng ý chí cách mạng và bản lĩnh ngoan cường, đã đóng góp xứng đáng cho thắng lợi. Tuy nhiên, một vài trang sách không thể giới thiệu đầy đủ được tất cả những con người quả cảm và anh hùng như vậy; mà chỉ xin được khái quát mang tính đại diện.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là cuộc chiến đấu anh dũng, quật cường của quân dân Thủ đô và miền Bắc trong suốt 12 ngày đêm (18 - 30/12/1972), chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ với mục đích sử dụng sức mạnh của B52 đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kì đồ đá.

Máy bay B52 được giới quân sự Mỹ mệnh danh là “siêu pháo đài bay bất khả chiến bại”, là thần tượng của không lực Hoa Kỳ và con át chủ bài trong chiến dịch có nhiệm vụ ném bom rải thảm đánh phá hủy diệt miền Bắc, mà trọng điểm là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Trong chiến dịch phòng không này, Bộ Chỉ huy Quân sự ta đã xác định rõ đối tượng tác chiến chính của địch là B52, và lực lượng quân sự tiêu diệt B52 là bộ đội tên lửa, bộ đội pháo cao xạ và không quân Việt Nam. Từ đó ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân với sự tham gia của không quân, tên lửa phòng không, pháo cao xạ phòng không và lực lượng phòng không dân quân tự vệ. Trong 12 ngày đêm chiến đấu ác liệt này, các lực lượng phòng không của ta đã có sự hiệp đồng tác chiến nhuần nhuyễn, nhiều cá nhân và tập thể đã mưu trí, sáng tạo, dũng cảm trong chiến đấu, bắn rơi hàng chục pháo đài bay B52 và máy bay chiến thuật của địch, lập nhiều chiến công hiển hách và góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động toàn cầu.

Phan 7 DBP tren khong anh 3
Đồng chí Lê Văn Tri (thứ 3 từ trái qua) báo cáo đồng chí Lê Duẩn và Thượng tướng Văn Tiến Dũng kế hoạch đánh máy bay B52 năm 1972

Vị Tư lệnh của những trận chiến trên không

Trong mỗi trận chiến đấu, để đi đến thắng lợi cần tới sức mạnh của cả tập thể. Nhưng để dẫn dắt tập thể ấy chiến đấu và chiến thắng cần phải có một vị tư lệnh cầm quân có tài thao lược. Đóng góp vào thắng lợi của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, lịch sử Việt Nam luôn nhớ tới Trung tướng Lê Văn Tri, vị tư lệnh của những chiến công trên bầu trời.

Trên cương vị là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương, tướng Lê Văn Tri cùng các đồng chí của mình đã xây dựng bản kế hoạch tác chiến đánh B52 của quân chủng phòng không - không quân. Ngày 14/12/1972, Bản kế hoạch tác chiến đánh B52 đó được Bộ Tổng Tham mưu thông qua và tướng Lê Văn Tri là người trực tiếp chỉ huy chiến dịch phòng không năm 1972 lịch sử.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt”, Tư lệnh Lê Văn Tri đã đưa ra những kế hoạch và sách lược “chiến tranh nhân dân đất đối không” đánh B52, mang tính chất một chiến dịch phòng không tổng hợp, “quyết tâm đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, tiêu diệt và bắn rơi nhiều B52, bắt sống nhiều giặc lái”.

Trong cuộc chiến không cân sức giữa quân và dân Việt Nam với cường quốc Mỹ suốt 12 ngày đêm, 81 máy bay địch đã bị lực lượng quân chủng phòng không không quân và phòng không dân quân bắn hạ. Điều đó khẳng định sách lược đúng đắn của Bộ Tổng Tham mưu và Tư lệnh Lê Văn Tri, và chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không ba thứ quân của quân đội Việt Nam.

Phan 7 DBP tren khong anh 4
Đồng chí Nguyễn Văn Giằng trắc thủ giỏi của binh chủng
 ra đa đang trao đổi kinh nghiệm bắt mục tiêu bay thấp.

Con “Mắt thần” trên bầu trời

Có thể nói, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972, binh chủng Ra đa có sự liên quan mật thiết đến tất cả các lực lượng quân sự tham gia chiến dịch. Vượt mọi khó khăn gian khổ để đưa máy móc lên những điểm cao, bộ đội ra đa như những “mắt thần” đêm ngày canh giữ vùng trời Tổ quốc. Những cánh sóng ra đa kịp thời phát hiện những tín hiệu trên không, đặc biệt phát hiện chính xác tín hiệu B52 giữa nền nhiễu dày đặc, kịp thời báo về Sở Chỉ huy Trung tâm để điều động các binh chủng triển khai chiến đấu. Do đó, lực lượng Ra đa giữ vai trò và nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự hiệp đồng tác chiến với các lực lượng khác.

Bằng hệ thống gây nhiễu cực mạnh tác động trực tiếp lên tất cả các đài quan sát của ta, không lực Mỹ quyết tâm che giấu và biến lực lượng không kích trở nên tàng hình trên bầu trời. Đối với những người lính ra đa, cuộc chiến với các phương tiện “chiến tranh điện tử” của Mỹ là cuộc chiến trí tuệ thầm lặng nhưng đầy gian khó. Qua nhiều ngày tháng nghiên cứu tìm tòi, với trí tuệ, sự sáng tạo, lòng quyết tâm vượt mọi khó khăn vì tình yêu Tổ quốc, đã có lúc phải đánh đổi bằng những tổn thất hy sinh quyết tìm cho được điểm mạnh, điểm yếu của địch; những người lính ra đa đã “tìm được thù trong nhiễu”, tách được tín hiệu B52 ra khỏi nền nhiễu và các mục tiêu giả trên màn hình hiện sóng. “Màn hiện sóng là hình ảnh thu nhỏ của Tổ quốc” là lời tâm huyết của đài trưởng ra đa Tiểu đoàn 8, Trung đoàn H93 Nguyễn Văn Giằng, thể hiện tình yêu sâu nặng với non sông đất nước.

“Vén màn nhiễu tìm thù” là câu khẩu hiệu của bộ đội ra đa trong “chiến tranh điện tử”. Đó là câu hỏi và cũng là nhiệm vụ to lớn mà những cán bộ khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự phải tìm lời giải đáp. GS-TS Thiếu tướng Trần Thức Vân, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự kể về công việc thầm lặng của những nhà “khoa học chiến sĩ”: Không trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường, nhưng những cán bộ khoa học tập trung nghiên cứu các thiết bị gây nhiễu từ những vật thật, là đống các thiết bị được cán bộ của Viện thu về từ xác những chiếc máy bay bị lực lượng phòng không không quân bắn rơi; cho dù đã bị cháy xém, vỡ nát, lấm bùn đất, nhưng rất có giá trị đối với những người làm công tác nghiên cứu. Từ những mẫu vật này, các nhà khoa học đã tìm cách khôi phục lại đèn phát nhiễu, đo được tín hiệu và công suất của nó. Cộng với các thông tin thu được sau những lần hỏi cung phi công Mỹ tại “Khách sạn Hilton - Hà Nội” về đội hình máy bay, số lượng máy bay, Ban Nghiên cứu đã tìm ra cơ sở khoa học của việc hình thành các giải nhiễu trên mô hình ra đa, từ đó cùng với bên phòng không không quân có giải pháp “vạch nhiễu tìm thù”.

Là người đầu tiên vẽ được đường bay của B52 và đưa lên mạng tiêu đồ tại Sở Chỉ huy, tiêu đồ viên Nguyễn Thị Hường (Trung đội 3, Đại đội 3, Lữ đoàn Thông tin 26) đã giải mã các tín hiệu mooc-xơ từ các báo vụ viên ở các trạm ra đa tuyến trên truyền về, giải mã ra số lượng, ký hiệu loại máy bay, độ cao, vận tốc và thời gian. Những đường chì xanh, đậm nét trên bảng tiêu đồ, theo nhịp tay của Hường cứ kéo dài, kéo dài mãi từ hướng biên giới Tây - Nam đang lao thẳng về phía Hà Nội. Nhờ sự phát hiện kịp thời đó, các binh chủng phòng không của ta đã chủ động chiến đấu và bắn hạ B52 ngay trong trận đánh đầu chiến dịch.

Theo đại tá Nghiêm Đình Tích (Nguyên đài trưởng rađa P.35 - Đại đội 45 - Trung đoàn ra đa 291 ngày ấy): “Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, Trung đoàn ra đa 291 là trung đoàn duy nhất đã phát hiện B-52 từ xa, bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng. Vì vậy, các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội đã chuyển cấp chiến đấu sớm, bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 ngay từ trận đầu, đêm đầu của chiến dịch”. Bộ đội ra đa đã mở đường cho các binh chủng phòng không liên tiếp lập nhiều chiến công, đập tan giấc mộng đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá” của đế quốc Mỹ.

“Rồng lửa Thăng Long” và những chiến công hiển hách

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là chiến công lớn của quân dân miền Bắc. Trong chiến công chung ấy, Binh chủng tên lửa là đơn vị đã lập thành tích xuất sắc nhất, bắn rơi 34 máy bay trong đó có 29 pháo đài bay B52. Mặc dù vũ khí khí tài quân sự chưa nhiều và không hiện đại bằng phía địch, đã có lúc xảy ra tình trạng thiếu đạn cho đơn vị tên lửa, nhưng bằng kinh nghiệm chiến đấu và bản lĩnh của người lính phòng không kinh qua chiến đấu, các chiến sĩ bộ đội tên lửa đã phát huy lối đánh sáng tạo, độc đáo trong từng trận đánh làm kẻ thù khiếp sợ.

Phan 7 DBP tren khong anh 5
Đài ra đa cảnh giới P-35 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Phan 7 DBP tren khong anh 6
Kíp chiến đấu  Tiểu đoàn 77 do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (người thứ hai, từ phải sang trái) chỉ huy, đã bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B52 trong chiến dịch phòng không tháng 12 năm 1972

Là tiểu đoàn tên lửa có lối đánh thông minh, quả cảm, đạt hiệu quả chiến đấu cao, Tiểu đoàn 77 Trung đoàn 257 đã lập chiến công oanh liệt, bắn rơi 4 B52, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Bốn mươi năm đã trôi qua nhưng kí ức những trận đánh trong 12 ngày đêm lửa khói vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Đinh Thế Văn - Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 77. Được giao nhiệm vụ bảo vệ không phận hướng Tây - Tây Bắc thành phố, cả tiểu đoàn hừng hực khí thế quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trên trận địa. Rút kinh nghiệm trận đầu đánh chưa thành công, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn quyết định sử dụng cách đánh bằng phương pháp “phát sóng đánh nửa góc” đã huấn luyện thuần thục, cách đánh mà kíp chiến đấu cho là chắc ăn nhất để tiêu diệt B-52 trong nền nhiễu tích cực, cường độ lớn. Đó là chọn thời cơ phát sóng, chọn chế độ bắn thông minh. Bắt được mục tiêu ở cự ly 27km, phóng ở 24km. Hai quả đạn nổ ở cự ly 20 và 19km. Mục tiêu bốc cháy sáng rực trên nền trời. Chiến công đầu tiên đã tạo cho toàn bộ kíp chiến đấu sự khích lệ và niềm tin vào cách đánh B52, để Tiểu đoàn 77 tiếp tục lập công ở những trận chiến đấu sau.

Góp phần nối dài thêm bảng thành tích chiến công bắn rơi B52 là Tiểu đoàn tên lửa 57, Trung đoàn 261 đoàn tên lửa Loa Thành. Người tiểu đoàn trưởng chỉ huy trận chiến đấu ngày ấy nay là Trung tướng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng Không – Không Quân. Trong những chiến công đó, trận đánh đêm 20 rạng sáng 21/12/1972 với quyết tâm “1 đạn - 1 B52” luôn để lại trong tâm trí của ông nhiều kỷ niệm khó phai. Trước tình hình thiếu đạn tên lửa trên toàn các đơn vị, Tiểu đoàn 77 cũng chỉ còn 3 quả đạn (đủ đánh 1 trận), Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt đã bàn với chính trị viên xin cấp trên cho đánh từng quả một để có thể đánh được 3 trận và hứa sẽ đánh thắng. Phát hiện tín hiệu B52, ông ra lệnh phóng đạn nhưng quả đạn không đi. Lập tức ra lệnh phóng tiếp quả đạn thứ 2, đến cự ly 25km thì đạn nổ, chiếc B52 bị tiêu diệt. Chưa kịp vui mừng chiến thắng, chỉ 5 phút sau, tốp B52 sau bay vào, trận thứ hai bắt đầu. Quả đạn cuối cùng được ông hạ lệnh phóng lên, thì trắc thủ đột nhiên báo cáo nhiễu thông tin trên cả hai màn góc tà và phương vị đều tách dải. Không một giây chần chừ, đồng chí Kiên hạ lệnh: “Ta bám sát dải cao, phương vị bám sát dải phải, thống nhất bám vào một mục tiêu”. Đó là một quyết định đúng thời cơ, chính xác, nếu không như thế mà mỗi trắc thủ bám vào dải nhiễu của mỗi chiếc khác nhau thì chắc chắn không diệt được mục tiêu. Quả đạn tiếp tục bay đến cự ly 24km, đạn nổ. Chiếc B52 đó rơi ở chợ Thá, gần Núi Đôi (nay thuộc huyện Sóc Sơn) và cũng là chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị ta bắn rơi trong trận chiến đấu đêm 20 rạng ngày 21/12/1972 ở Hà Nội. Vâng, trong chiến đấu, thời cơ là điều quan trọng nhất. Nắm được thời cơ, kết hợp với sự sáng tạo, khả năng phán đoán tình hình, vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức cơ bản với thực tế chiến trường đã làm nên thành công. Trong 12 ngày đêm chiến dịch bảo vệ Thủ đô, Tiểu đoàn tên lửa 57 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt chỉ huy đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, trong đó có 4 “siêu pháo đài bay” B52. Điều đáng nói là cách đánh B52 đầy tính sáng tạo và quyết tâm của ông cùng các cộng sự Tiểu đoàn 57 đã mang lại hiệu quả chiến đấu cao trong tình huống thiếu đạn toàn đơn vị. “Rồng lửa Thăng  Long” đã vươn mình đốt cháy B52, bảo vệ vững chắc vùng trời Hà Nội.

Bên cạnh lực lượng bộ đội tên lửa phòng không đánh trả B52 ở tầm cao, bộ đội pháo cao xạ cũng đóng một vai trò chủ chốt trong thế trận phòng không  ới nhiệm vụ chủ yếu đánh máy bay chiến thuật, bảo vệ những mục tiêu trọng yếu và các trận địa tên lửa. Phát huy truyền thống chiến đấu anh hùng từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bộ đội pháo cao xạ cùng đã phối hợp với các đơn vị phòng không khác, cùng quân tự vệ Hà Nội giăng kín lưới lửa dày đặc trên nền trời Hà Nội và miền Bắc. Dưới làn bom dày đặc do B52 trút xuống, những chiến sĩ bộ đội pháo cao xạ bất chấp hiểm nguy, nhưng quyết không chịu rời mâm pháo, sẵn sàng hy sinh kéo địch về phía mình và chia lửa cùng các đơn vị bạn. Pháo cao xạ cùng với các trận địa tên lửa phòng không, không quân và các loại hỏa lực phòng không tầm trung, tầm thấp của lực lượng tự vệ và dân quân thủ đô tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn, rộng khắp nhiều tầng, nhiều lớp, có hiệu quả, tiêu diệt các phương tiện xâm nhập và tập kích đường không của đế quốc Mỹ. Suốt trong 12 ngày đêm ác liệt đó, các chiến sĩ bộ đội pháo cao xạ, bộ đội súng máy đã anh dũng chiến đấu, bắn hạ hàng chục máy bay chiến thuật, góp phần bảo vệ vững chắc các trận địa tên lửa.

Những chiến công trên bầu trời đêm

Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 40 năm về trước, có một đơn vị phòng không đã ghi tên mình vào lịch sử, đó là Đoàn Không quân Sao Đỏ. Những năm 1971-1972, không quân nhân dân Việt Nam mới có chưa đầy 10 phi công MIG -21 có khả năng đánh đêm. Các trung đoàn không quân được bố trí ở các sân bay dã chiến bên ngoài Hà Nội, khi được lệnh là cất cánh đánh B52 và lực lượng máy bay chiến thuật. Song, chính các sĩ quan trẻ này đã bắn hạ những chiếc B52 siêu hạng được bảo vệ “tận răng”, góp phần quan trọng vào thắng lợi “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử.

Ngày 27/12/1972 có thể coi là một sự kiện của Không quân Việt Nam khi bắn rơi B52 với chiến công đầu tiên của phi công Phạm Tuân - người con ưu tú quê hương Thái Bình. Anh là phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi pháo đài bay B52 bằng chiếc MIG -21 trong chiến 12 ngày đêm. Cũng như những đồng đội của mình, anh mang trong mình quyết tâm bắn hạ B52 trừng trị kẻ thù, bảo vệ Hà Nội – trái tim của cả nước. Đêm 27/12, chiếc MIG - 21 do Phạm Tuân điều khiển được lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, đổi chiến thuật bay vòng sang Lào rồi bất ngờ bẻ ngược lại đột nhập vào đội hình dày đặc máy bay Mỹ đang tiến vào bầu trời Hà Nội giữa đêm đen, đôi lúc lại bùng sáng sau những tiếng bom nổ lớn. Dưới sự chỉ dẫn của Sở Chỉ huy mặt đất, với vận tốc bay lên đến 1.200km/h (gấp đôi tốc độ bay của địch), áp sát chỉ cách đuôi chiếc B52 khoảng 1.500m, Phạm Tuân nhấn nút phóng hai quả tên lửa. Chiếc B52 bùng cháy... Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 25 tuổi thành tích bắn rơi B52, anh chia sẻ: “Phải sau 9 ngày chiến đấu, không quân Việt Nam mới bắn rơi được B52. Đó là do những ngày đầu chiến thuật của chúng ta chưa phù hợp nên không nắm được thời cơ.

Sau đó không quân ta đã kịp thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương án chiến đấu, thay đổi khéo léo và sáng tạo nên đã dành chiến thắng. Đây là chiến công của tập thể vì có hàng nghìn người tham gia trận đánh, thành tích của tôi là người nhấn nút phóng quả tên lửa, chứ đây là công lao của tập thể. Tôi sẽ không làm được gì nếu không có đồng đội”.

Không quân Việt Nam luôn nhớ tới chiến công quả cảm của người phi công Anh hùng Vũ Xuân Thiều đêm 28/12, khi anh cùng chiếc MIG -21 của mình đã biến thành quả tên lửa thứ 3 lao thẳng vào chiếc B52 của Mỹ. Là sinh viên năm cuối của trường Đại học Bách khoa, đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp ngành Vô tuyến điện, năm 1965 Vũ Xuân Thiều tình nguyện nhập ngũ và được chọn vào Binh chủng Không quân, được cử đi học lái máy bay MIG -21 ở Liên Xô. Năm 1968, tốt nghiệp về nước, anh được điều về phi đội 5 Trung đoàn Sao Đỏ, huấn luyện bay và chiến đấu đêm; Vũ Xuân Thiều là một trong những phi công bay giỏi của Không quân Sao Đỏ. Trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, sau khi rút kinh nghiệm đánh B52 của Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều hạ quyết tâm: “Lần sau khi phát hiện B52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó.” Tối 28/12, từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy, Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích khi B52 bắt đầu đánh phá. Trên vùng trời Sơn La, anh tiếp cận chiếc B52 và phóng 2 quả tên lửa làm chiếc B52 bị thương, nhưng không rơi. Xin phép Sở Chỉ huy mặt đất công kích lần 2, chiếc MIG -21 do phi công Vũ Xuân Thiều điều khiển đã lao thẳng vào chiếc B52, làm nó bốc cháy và rơi tại chỗ. Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh khi quyết tâm thực hiện ước mơ cao đẹp của mình. Anh trở thành một cảm tử quân với ý chí quyết tử khi thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Trên bầu đêm 28/12 năm ấy, giữa bao luồng ánh sáng của bom đạn và của máy bay B52 bốc cháy là vầng sáng mang tên Vũ Xuân Thiều. Chiến công của anh đã được nhiều sách và báo chí Mỹ viết và ca ngợi. Và hiện nay, trên bàn thờ Vũ Xuân Thiều tại số nhà 21 phố Đặng Dung, có một chiếc đồng hồ Quân chủng không quân tặng gia đình đã được đặt cố định ở 9 giờ 45 phút đêm, thời khắc vinh quang mà người phi công Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vũ Xuân Thiều đã hy sinh anh dũng khi mới 27 tuổi.

Ngày 27 và 28/12/1972, Không quân Việt Nam cũng xuất sắc bắn rơi 2 máy bay F4 và 1 máy bay RA - 5C. Bên cạnh những phi công lái máy bay còn có Sở Chỉ huy mặt đất và những hoa tiêu tiêu đồ (sĩ quan dẫn đường hỗ trợ các phi công lái máy bay MIG đánh máy bay Mỹ). Bằng kinh nghiệm của mình, những sĩ quan dẫn đường đã dẫn dắt phi công vượt qua những tốp máy bay địch, tiếp cận mục tiêu B52 và khai hỏa. Những cái tên như Lê Thành Chơn, Lê Thiết Hùng, Lê Liên, Đặng Dũng… là những sĩ quan dẫn đường giàu kinh nghiệm trong các trận đánh, đã thầm lặng góp phần giúp các phi công bắn rơi máy bay Mỹ, làm nên chiến công oanh liệt của Không quân Việt Nam. Cựu Thiếu tá Lê Thành Chơn đã từng khẳng định: “Lực lượng quân sự trong chiến dịch giữa ta và Mỹ khi đó chênh lệch đến 1/200. Chúng ta thắng được là nhờ trí tuệ và lòng quả cảm. Để gây bất ngờ, MIG -21 của ta xuất kích bay vòng sang Lào, đánh  “thọc nách” đội hình bay của địch. Địch phá sân bay chính thì ta dùng sân bay nhỏ, dã chiến.

Nhờ đó mà không quân Việt Nam đã làm được điều kì diệu là bắn rơi pháo đài bay B52, quấy rối đội hình địch, hỗ trợ đắc lực cho tên lửa, pháo cao xạ lập công”.

Những người “đi trước về sau”

Thầm lặng góp phần vào chiến thắng của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử ấy, có chiến công của những cán bộ, chiến sĩ hậu cần, những con người sau mỗi trận đánh lại nhanh chóng đi xuống từng trận địa, kiểm tra và bổ sung kịp thời đạn dược, kỹ thuật phục vụ chiến đấu.

Một trong nhiều chiến công thầm lặng hơn 40 năm trước ấy của Thượng úy - Kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc - Phòng Vũ khí Phòng không Cục Quân khí. Đang công tác ở phòng quân giới (Cục Quân khí), nghe tin có một Ra đa K860 bị hỏng đang chờ sửa chữa, ông liền xin xuống xưởng quân giới để xem mức độ hỏng hóc thế nào, và sửa chữa theo hướng đã tự mình nghiên cứu. Mất hai năm tự mày mò và tìm ra cách sửa chữa, ông đã mạnh dạn thay đổi thiết kế, cải tiến Ra đa K860, chuyển ứng dụng từ hỗ trợ pháo cao xạ sang hỗ trợ tên lửa sang hỗ trợ tên lửa xác định chính xác mục tiêu máy bay B52 trong vòng 30km, đủ thời gian cho người chỉ huy và trắc thủ quyết định phóng tên lửa. Sự sáng tạo này của ông và đồng đội đã được Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân cho nhanh chóng triển khai cải tiến toàn bộ Ra đa K860, kịp thời chiến đấu và lập nhiều chiến công trong chiến dịch 12 ngày cuối năm 1972 lịch sử. Kết thúc chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, kỹ sư Nguyễn Ngọc Lạc được chọn làm báo cáo để tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, nhưng đến nay ông vẫn chưa được trao tặng danh hiệu cao quý đó. Tuy nhiên, ông vẫn luôn ó trách nhiệm, tận tâm tận lực đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bởi ông quan niệm “ khi mình làm mình có nghĩ sẽ được đề nghị phong Anh hùng đâu”. Nhưng chính những “Chiến công thầm lặng” của những người như ông Nguyễn Ngọc Lạc đã góp phần to lớn cho thắng lợi của dân tộc Việt Nam.

Chuẩn bị chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”, Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân được giao nhiệm vụ chuẩn bị đạn cho tên lửa đánh B52. Trung tướng Lưu Hữu Sắt, nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật Phòng không - Không quân, là người trực tiếp chỉ huy các đơn vị đảm bảo đạn dược cho các trận địa hỏa lực. Kế hoạch tổ chức lắp ráp đạn tên lửa được triển khai chu đáo. Bình quân mỗi tiểu đoàn tên lửa được trang bị khoảng 2 cơ số đạn với các tham số kỹ thuật có hệ số bảo đảm tốt nhất. Với khẩu hiệu “Tất cả cho chiến đấu!”, “Tất cả cho sản xuất đạn tên lửa”, những dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa phục vụ chiến đấu được vận hành hết công suất. Tuy nhiên, khi bước vào chiến dịch, trước sức “tiêu thụ” đạn quá lớn, chỉ sau hai ngày đêm chiến đấu đã xảy ra tình trạng thiếu đạn trên hầu hết các đơn vị tên lửa. Nhận nhiệm vụ giải quyết vấn đề đạn tên lửa, đảm bảo đầy đủ cơ số đạn cho các đơn vị tên lửa đánh B52, ông Sắt phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến việc sản xuất chậm là do chỉ có một dây chuyền lắp ráp đạn tên lửa, trong khi vật tư sản xuất lại để riêng lẻ tại 3 bãi. Muốn vận chuyển vật tư đến dây chuyền sản xuất thì bãi nào cũng cần phải có cần cẩu, trong khi cả ba bãi chứa chỉ có duy nhất một chiếc cần cẩu. Thêm nữa, “qua ba đêm làm việc cật lực, anh em quá mệt mỏi, mắt thâm quầng, chân tay rã rời. Thiếu đèn pin để làm đêm, thiếu vải bạt, nilông che mưa. Mặc dù tiểu đoàn phó Nguyễn Huy đã tổ chức phát động phong trào “Thi đua quyết thắng B52”, 100% quân số, kể cả anh em đang yếu mệt, đều công tác với quyết tâm cao nhưng năng suất sản xuất đạn tên lửa vẫn thấp, nhiều anh em đã ngủ gục bên máy”. Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Sắt đề nghị Tư lệnh quân chủng điều tiểu đoàn kỹ thuật của đoàn 274 vừa từ Quảng Trị ra đang chờ nhiệm vụ, tăng cường cho dây chuyền sản xuất đạn tên lửa của tiểu đoàn 80, điều đội lắp ráp đạn của Xưởng A31 xuống tăng cường tiếp cho tiểu đoàn 80. Việc sản xuất đạn tên lửa được chia một ngày ra ba kíp, vật tư tại ba bãi được tập trung lại một nơi, dây chuyền sản xuất làm việc liên tục. Cục Hậu cần Quân chủng liền cho mở kho, xuất đường, sữa, thịt hộp, lương khô để bồi bổ sức khỏe cho các anh em các tiểu đoàn kỹ thuật. Cả những viên thuốc làm dịu thần kinh, chống cơn buồn ngủ cũng được gửi đến tận tay chiến sĩ. Họ làm việc lặng lẽ mà đầy quyết tâm. Những quả đạn mang dòng chữ “Trả thù cho đồng bào Hà Nội” bằng sơn trắng lần lượt rời dây chuyền sản xuất theo các xe TZM về các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Trong ánh lửa của bom đạn, những quả đạn tên lửa vừa “bóc tem” được chuyển đến đặt ngay trên bệ phóng. Có những quả đạn chỉ ít phút sau khi hoàn tất đã lao vút lên trời tìm diệt máy bay B52. Chưa bao giờ cuộc đời của những quả đạn tên lửa được sản xuất ra lại nhanh chóng được gánh vác nhiệm vụ vinh quang đến như vậy...

Thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, bên cạnh những chiến công của các lực lượng quân sự còn có sự góp công thầm lặng của biết bao người dân, những công nhân, giáo viên, bác sĩ... đã góp sức mình cho chiến dịch. Một trong số đó là Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng, người đã trực tiếp chỉ huy công tác cấp cứu phẫu thuật người bị thương trong suốt 12 ngày đêm của chiến dịch. Nhắc đến GS - BS Tôn Thất Tùng là nói đến vị bác sĩ nổi tiếng trong nền y học hiện đại Việt Nam, một người luôn đam mê nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học hiện đại, và có nhiều công trình khoa học nổi tiếng thế giới.  Không chỉ trực tiếp làm công tác phẫu thuật cho các thương bệnh binh suốt 56 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, đến Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972, GSBS Tôn Thất Tùng lại cùng tập thể y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức kiên trì bám trụ, tổ chức tốt công tác cứu thương tại Bệnh viện Việt Đức. 12 ngày đêm Hà Nội khói lửa ngút trời là 12 ngày đêm tập thể y bác sĩ bệnh viện Việt Đức dưới sự chỉ huy của GS Tôn Thất Tùng liên tục làm việc, phẫu thuật cấp cứu thương binh và dân thường bị trúng bom Mỹ. Làm việc từ sáng tới đêm bên bàn mổ, chỉ kịp thay găng tay mà không kịp thay quần áo mổ, tập thể cán bộ bác sĩ, y tá, sinh viên y khoa ở tất cả các khoa Bệnh viện Việt Đức phối hợp làm việc nhịp nhàng, quên ăn quên ngủ vì mục đích cao cả “cứu người”. GS Tôn Thất Tùng như ngọn lửa soi đường chỉ lối, dẫn dắt tập thể y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thêm sức mạnh làm việc. Trong chiến dịch này, bệnh viện Việt Đức đã cứu chữa thành công hơn 1000 trường hợp bị thương với tỉ lệ tử vong dưới 3%. Năm 1973, Bệnh viện Việt Đức đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho những thành tích cứu thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

12 ngày đêm chiến dịch đánh trả cuộc tập kích đại quy mô của không lực Hoa Kỳ, quân dân miền Bắc đã chứng minh cho đế quốc Mỹ và cả thế giới thấy được tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước nông nàn và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của một dân tộc nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh. Xin được nhắc lại lời của Thiếu tá Lê Thành Chơn: “Lực lượng quân sự giữa ta với địch chênh lệch tới 1/200, nhưng chúng ta đã thắng nhờ trí tuệ, ý chí sắt đá và lòng quả cảm”. Để đạt được thắng lợi này, ta đã phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu và sự hy sinh của biết bao người con ưu tú, những anh hùng của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng vang dội này là thành quả của cả một tập thể những cá nhân ưu tú, những con người luôn đặt hai tiếng TỔ QUỐC ở trong tim. Quả thật, nếu không nặng tình yêu đất nước, sẽ không có được ý chí và nghị lực, hiên ngang trong mưa bom bão đạn để đánh thắng quân thù, lập những chiến công và làm nên một kì tích “Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử nhân loại./.

Thanh Quỳnh (st)

Bài viết khác:

EMC Đã kết nối EMC