Hàng ngàn lượt máy bay đã thay nhau trút bom xuống Hà Nội
Lực lượng của ta chuẩn bị cho chiến dịch:
Trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh trả B52 năm 1972, công bằng mà nói, lực lượng của ta tham gia chiến dịch là rất có hạn và không thể nào có thể so với lực lượng của Mỹ. Tại thời điểm đó, ở Hà Nội, Hải Phòng chỉ có 5 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ (không kể 8 trung đoàn cao xạ của Quân khu III , Quân khu Việt Bắc); có 4 trung đoàn không quân (trong đó chỉ có 2 trung đoàn MiG- 21); ra đa ta chỉ có 4 trung đoàn rải khắp miền Bắc; ngoài ra là một số đơn vị phòng không của lực lượng dân quân tự vệ chỉ có thể đánh máy bay tầm thấp.
Tuy lực lượng của ta mỏng như vậy, nhưng nhờ bố trí hợp lý, chỉ huy giỏi, thông minh, sáng tạo trong tác chiến, trong cách đánh nên chúng ta đã chiến thắng. Cùng với sức mạnh của toàn quân, toàn dân trong thế trận chiến tranh nhân dân của chiến dịch 12 ngày đêm, phải kể tới vai trò quan trọng của các lực lượng sau:
+ Bộ đội Ra đa: Tuy hoạt động có vẻ thầm lặng, nhưng đây là lực lượng trinh sát, lực lượng “quản lý” vùng trời đã phát hiện chính xác máy bay của địch; thông báo và báo động kịp thời cho các lực lượng Phòng không - Không quân và nhân dân để kịp thời sẵn sàng chiến đấu và sơ tán, trú ẩn… Mưu trí, sáng tạo, nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm cùng với quyết tâm rất cao - đó là sức mạnh của bộ đội ra đa. Trong chiến công lớn của chiến dịch 12 ngày đêm, có đóng góp rất quan trọng của Bộ đội Ra đa.
Ra đa cảnh giới P12, một phương tiện quan trọng để phát hiện B52 từ xa
Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên Đài trưởng rađa P.35 - Đại đội 45 - Trung đoàn rađa 291: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Trung đoàn rađa 291 là trung đoàn duy nhất phát hiện B52 từ xa, đảm bảo cho ta không bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Vì vậy, các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội đã chuyển cấp chiến đấu sớm, bắn rơi tại chỗ B52 ngay từ trận đầu, đêm đầu của chiến dịch. “Con mắt thần” là biệt danh mọi người đã khâm phục đặt cho lực lượng bộ đội rađa phòng không trong chiến dịch chiến thắng B52.
+ Bộ đội không quân tiêm kích: Đây là lực lượng hỏa lực trong chiến dịch, có khả năng đột kích mạnh, cơ động cao, tầm hoạt động xa; có khả năng chi viện cho các khu vực tác chiến mà ở đó lực lượng phòng không mỏng.
Trong chiến dịch, mặc dù B52 của địch chủ yếu đánh về ban đêm nhằm gây khó khăn cho ta, nhất là đối với không quân, nhưng không quân ta đã chủ động, cơ động sơ tán, bố trí máy bay ở các sân bay dã chiến và đã bất ngờ xuất kích 24 chiếc ngay trong đêm 18/12 để đánh chặn địch từ xa khi đội hình của chúng chưa kịp triển khai, gây phân tán, phá vỡ đội hình của địch và làm chỉ huy rối loạn khiến cho cường độ nhiễu đội hình B52 suy giảm, tạo điều kiện cho tên lửa của ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn tiêu diệt máy bay địch. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, không quân ta đã trực tiếp bắn rơi 7 máy bay Mỹ, trong đó có 2 chiếc B52.
Trong đội hình của lực lượng không quân tiêm kích, MiG-21 là loại vũ khí chủ lực góp phần đập tan niềm tự hào của không lực Mỹ và làm nên “Huyền thoại Điện Biên Phủ trên không” vang dội thế giới. Đây là loại máy bay tiêm kích phản lực siêu âm do Liên Xô sản xuất từ những năm 50 của thế kỷ XX. Tiêm kích MiG-21 được thiết kế theo kiểu cánh tam giác, có hình dáng gần giống một mũi tên, được trang bị hệ thống điện tử khá đơn giản bao gồm:
- Thiết bị nhận diện bạn và thù (identification, friend or foe - IFF) dùng để nhận biết các loại máy bay, xe cộ thuộc quân ta hay đối phương. IFF xác định vị trí khoảng cách. MiG-21 hầu hết trang bị IFF SRZO-2 “Khrom-Nikel”.
- Thiết bị thông tin liên lạc RSIU - 5, trừ một số phiên bản đời đầu như MiG-21F-13 trang bị R-802.
- Ra đa cảnh báo trên MiG-21 chủ yếu là SPO-2.
- Kính ngắm cho súng máy ASP-5 (phiên bản đời đầu MiG-21F-13, MiG- 12F), PKI cho các bản tiếp sau.
Ngoài ra, một thiết bị không thể thiếu trên máy bay chiến đấu như ra đa điều khiển hỏa lực. Các máy bay MiG ngoài các mẫu đời đầu, thường được trang bị ra đa RP-21 “Saphir”. Trên lý thuyết loại ra đa này phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 20km và khóa mục tiêu ở cực ly 10 km. Tuy nhiên, thực tế con số này lần lượt ở mức 13 km và 7 km. Các phiên bản MiG-21 trang bị vũ khí chủ yếu là hai tên lửa không đối không tầm nhiệt Vympel K-13 có tầm bắn khoảng 8 km. Vũ khí phụ là pháo 23 hoặc 30 mm.
MiG-21 cất cánh vào trận đánh.
Không quân nhân dân Việt Nam lúc đó được viện trợ các loại MiG- 21F-13/PF/PFM/MF. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, không quân nhân dân Việt Nam đã lập nên kỳ tích bắn rơi hai pháo đài bay B-52. Một “kỷ lục” mà cho tới tận ngày nay vẫn chưa có quốc gia nào trên thế giới làm được.
+ Bộ đội tên lửa phòng không: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, có thể nói bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng chủ yếu đánh B52. Tại khu vực Hà Nội khi đó đã bố trí khoảng 50% lực lượng tên lửa phòng không và chủ yếu tập trung đánh vào ban đêm do B-52 của địch tập trung đánh vào ban đêm. Ngay đêm 18/12, các đơn vị tên lửa đã đánh trận mở màn và đã lập công xuất sắc khi đánh trúng vào đội hình B52. Trong tổng số 34 chiếc B52 bị bắn rơi trong 12 ngày đêm, lực lượng tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc (có 16 chiếc rơi tại chỗ).
Tên lửa SAM-2 luôn sẵn sàng chiến đấu
Trong lực lượng tên lửa phòng không của ta khi đó, hệ thống tên lửa đất đối không SA - 2 giữ vai trò chủ lực của đội hình.
SA-2 (Nga gọi là C-75) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung, tầm cao do Liên Xô phát triển từ những năm 50 của thế kỷ XX; SA-2 sau khi sản xuất, được triển khai chủ yếu ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác trên thế giới.
Hệ thống tên lửa đất đối không SA-2 bao gồm các thành phần:
- Tên lửa V-750 là loại tên lửa hai tầng gồm một tầng phóng chứa nhiên liệu rắn và một tầng chứa nhiên liệu lỏng. Bộ phận phóng hoạt động trong khoảng 4-5 giây, động cơ chính vào khoảng 22 giây. V-750 lắp một đầu đạn 200 kg HE-phá mảnh. Khi cách mục tiêu khoảng 60m thì đầu đạn tự nổ bung ra 12.000 mảnh vụn. Tên lửa có tầm bắn 45km, độ cao bay trên 20 km.
- Ra đa điều khiển hỏa lực FAN SONG , tầm phát hiện mục tiêu khoảng 60 - 120km đối với phiên bản A/B và 75-145km (phiên bản E/F/D). Ra đa có khả năng quét theo dõi đồng thời sáu mục tiêu cùng lúc. Ra đa FAN SONG kết hợp với hệ thống tên lửa SA-2 và ra đa bắt mục tiêu SPOON REST.
- Ra đa bắt mục tiêu và cảnh báo SPOON REST có tầm hoạt động khoảng 275 km.
- Ra đa đo độ cao SIDE NET, độ cao tìm kiếm từ 28 - 32 km.
- Ra đa cảnh báo sớm KNI FE REST, tầm hoạt động khoảng 250 km. Loại này chỉ được trang bị ở một số phiên bản đời đầu của hệ thống SA-2. Trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lực lượng tên lửa phòng không của ta đã phát huy cao độ ý chí ngoan cường, dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo nên đã khắc phục được những hạn chế, đã tìm tòi và khai thác được thế mạnh của vũ khí để chiến thắng kẻ địch có trang bị hơn hẳn ta gấp nhiều lần cả về quy mô và tính hiện đại.
+ Bộ đội pháo phòng không: Đây là lực lượng được bố trí rải nhiều nơi với nhiệm vụ bắn máy bay bay thấp, bay bằng, bổ nhào ném bom ở độ cao thấp và trung bình. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng pháo phòng không đã bắn rơi 29 máy bay chiến thuật các loại. Đó là chiến công lớn, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong 12 ngày đêm khốc liệt.
+ Lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Hà Nội, Hải Phòng: Đây là lực lượng khá đông, tại chỗ, hầu như khu vực địa bàn nào cũng có với nhiệm vụ đánh máy bay địch bay thấp hoạt động tốp nhỏ, trực tiếp bảo vệ những mục tiêu quan trọng trên mỗi địa bàn, địa phương. Tại thời điểm đó, có 364 phân đội dân quân tự vệ với 1428 khẩu pháo và súng máy phòng không…
Trong chiến dịch, lực lượng pháo phòng không địa phương đã bắn rơi 9 máy bay chiến thuật Mỹ. Bắn rơi máy bay hiện đại của địch bằng súng bộ binh, chính là một trong những kỳ tích của lực lượng dân quân tự vệ trong cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực.
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội
Cho tới trước thời điểm xảy ra trận đánh, Thủ đô Hà Nội đã tạo được một thế trận nhân dân vững chắc, sẵn sàng cho trận đánh mang tính lịch sử này. Lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu gồm: Các Sư đoàn phòng không 361, 363, 375; 23 tiểu đoàn tên lửa; 13 Trung đoàn cao xạ; bốn trung đoàn không quân; bốn trung đoàn rađa; một số đơn vị súng phòng không của các quân khu, dân quân tự vệ... (có 30 trận địa tên lửa và 100 trận địa pháo cao xạ các loại), mỗi tiểu đoàn tên lửa được bố trí hơn 2 cơ số đạn; hệ số kỹ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, của pháo phòng không là 95%, của rađa là 96,5%.... Một lưới lửa dày đặc từ tầm thấp lên tầng cao, ở trên tất cả các hướng, quân dân đoàn kết một lòng, đã chuẩn bị sẵn sàng cho trận chiến đấu với quyết tâm cao nhất.
Bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân cũng là một yêu cầu quan trọng được đặt ra trước khi bước vào trận đánh lớn. Chúng ta đã huy động 370 ô tô các loại chở hơn 30 vạn người ra khỏi nội thành (tổng số người sơ tán khỏi nội thành là 55 vạn). Các nhà máy, xí nghiệp mà không thể sơ tán thì được ngụy trang, bảo vệ chu đáo. Khắp nơi đều đào hầm trú ẩn; toàn thành phố đặt 36 còi báo động, 36 đài quan sát ở khu vực nội thành cùng 414 trạm quan sát của các khu, huyện...Tổ chức hoàn chỉnh hệ thống cấp cứu phòng không bốn tuyến với 266 trạm ở các khu, huyện và 64 đội cấp cứu, 11 đội phẫu thuật lưu động... Nhờ vậy đã hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản nhân dân.
Nụ cười của nữ dân quân bên cạnh xác máy bay kẻ thù
Sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng, Bác Hồ nhân tố làm nên chiến thắng
Nhân tố quan trọng hàng đầu làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là sự lãnh đạo mang tầm chiến lược của Đảng và Bác Hồ; đã tạo nên những điều kiện vô cùng quý báu chuẩn bị cho cuộc đối đầu lịch sử. Bởi ngay từ những năm 1967-1968, Bác Hồ đã dự báo sẽ xẩy ra cuộc chiến này và chỉ đạo quân đội mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân tích cực nghiên cứu, chuẩn bị phương án với quyết tâm cao nhất là phải đánh thắng cuộc tập kích khốc liệt bằng B52 của địch. Toàn bộ diễn biến trước và khi xẩy ra chiến dịch đã minh chứng cho sự tài tình đó của Đảng và Bác Hồ.
Trận chiến đấu “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tròn 40 năm về trước làm chấn động dư luận thế giới. Hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách của nhiều tác giả thuộc các lập trường chính trị khác nhau đã viết về sự kiện lịch sử này chỉ để lý giải một câu hỏi: Nguyên nhân gì, sức mạnh nào mà một đất nước với tiềm lực kinh tế cũng như quân sự kém xa Mỹ, chỉ với tên lửa phòng không SAM-2, lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B52- niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ? Có lẽ không một ai trong số họ hiểu được rằng: Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, quân dân ta đã chủ động tích cực chuẩn bị phương án đánh B52 ngay từ khi chúng chưa xâm phạm vùng trời miền Bắc.
Sự lãnh đạo và chỉ đạo chiến lược của Đảng, Bác Hồ
Máy bay chiến lược B52 của Mỹ là loại vũ khí cực kỳ hiện đại; luôn được coi là “bất khả xâm phạm” và đặc biệt với những nước mà kinh tế còn nghèo, tiềm lực quốc phòng còn nhỏ và lạc hậu thì đúng là “bất khả kháng” với B52! Ngay cả hiện nay, sau 60 năm kể từ khi B52 ra đời, vẫn chưa có một loại máy bay quân sự nào có kích thước lớn và sức chở nặng như B52 của không quân Mỹ, với xấp xỉ 30 tấn bom đem theo, để gây nỗi kinh hoàng hơn thế cho những nơi nó đến rải bom... Không những vậy, B52 còn được trang bị một hệ thống gây nhiễu điện tử cực mạnh, tạo thành chiếc “áo giáp điện tử” che giấu toàn bộ lực lượng, biến mỗi chiếc B52 thành một “máy bay tàng hình” che mắt các loại ra đa của đối phương...
Đó là khó khăn rất lớn không dễ gì khắc phục được để có thể chiến thắng B52! Thế nhưng, đối với con người Việt Nam thì sức mạnh của B52 cũng không thể khuất phục. Trái lại, chúng ta đã chiến thắng. Một trong những cội nguồn làm nên chiến thắng chính là nhờ có sự lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược tài tình, Bác Hồ đã có những tiên đoán được lịch sử khẳng định; trong đó những tiên đoán của Người trong chỉ đạo đánh B52 thật là kỳ diệu.
Năm 1962, mười năm sau khi chiếc B52 đầu tiên ra đời, trong lần gặp đồng chí Phùng Thế Tài nhân dịp đồng chí được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Bác hỏi: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”.
Thấy đồng chí Tài lúng túng, Bác cười độ lượng: “Nói thế thôi, chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay trên cao mười cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến thằng B52 này”.
Không chỉ nói như vậy, Bác còn trực tiếp đặt vấn đề với các đồng chí Liên Xô giúp đỡ chi viện cho Việt Nam vũ khí tên lửa phòng không để chuẩn bị cho việc đánh B52. Với sự giúp đỡ của nước bạn, Trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2 đầu tiên mang phiên hiệu H36 ra đời.
Ngày 18/6/1965, 30 máy bay B52 cất cánh từ Guam ở trung tâm Thái Bình Dương vượt gần 9.000 km với 16 giờ bay liên tục, thực hiện cuộc ném bom “rải thảm” lần đầu tiên trên thế giới vào căn cứ Long Nguyên của ta ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (phía Tây Bắc Sài Gòn).
Cùng với bom là những tờ truyền đơn in hình chiếc B52 với đầy đủ kích thước, tính năng của nó và đã gây tác dụng tâm lý nhất định. Một số cán bộ ở miền Nam ra công tác miền Bắc khi kể về những trận rải thảm của B52 đã tỏ ra phân vân, lo lắng. Vì, chỉ cần 10 chiếc B52 lọt vào Hà Nội cũng đủ gây tổn thất nặng nề không lường hết được. Chính vì vậy mà Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến việc đánh trả loại máy bay này. Việc xây dựng quyết tâm dám đánh và quyết thắng B52 được đặt ra ngay từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay B52 đánh phá ở chiến trường miền Nam. Ngày 19/7/1965, Bác thăm Trung đoàn 324, bộ đội Phòng không - Không quân, Người khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng”.
Được sự quan tâm và chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, quyết tâm đánh thắng B52 đã từng bước được cụ thể hóa. Ngày 24/7/1965, Trung đoàn tên lửa H36 ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ chiếc F4C trên bầu trời Hà Tây. Một ngày sau, ngày 25/7/1965, đơn vị lại hạ tại chỗ thêm một máy bay trinh sát không người lái BQM34A ở độ cao 19 km. Hai chiến công đầu của bộ đội tên lửa Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt: Nó khẳng định khả năng tên lửa Việt Nam hoàn toàn có thể bắn rơi được B52.
Ngày 12/4/1966, máy bay B52 lần đầu tiên ném bom ra miền Bắc, tại khu vực đèo Mụ Giạ ở Tây Nam Quảng Bình, mở đầu việc đánh phá của B52 ở miền Bắc nước ta. Ít lâu sau, từ phía Nam, B52 đánh rộng đến Vĩnh Linh, phía bắc giới tuyến 17 với mức độ ngày càng dữ dội.
Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng
với các chiến sỹ phòng không Hà Nội trong chiến dịch 12 ngày đêm đánh B52 Mỹ
Đồng chí Trường Chinh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2
pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô, Tết Nguyên đán Tân Hợi 1971
Tết Quý Sửu 1973, Chủ tịch Nước Tôn Đức Thắng cùng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm và chúc Tết tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa
phòng không 257, đơn vị lập công xuất sắc bắn rơi 4 máy bay
chiến lược B52 trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12/1972).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Đại đội 9, Trung đoàn
Pháo cao xạ 260 thuộc Bộ đội Phòng không Hà Nội.
Bác cho mời đồng chí Đặng Tính, Chính uỷ Quân chủng Phòng không – Không quân lên báo cáo tình hình và trực tiếp giao nhiệm vụ cho quân chủng: “Máy bay B52 Mỹ đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B52. Nhiệm vụ này Bác giao cho các chú Phòng không - Không quân”. Được Bác động viên, khích lệ và trực tiếp chỉ đạo, tháng 5/1966, một số đơn vị tên lửa, ra đa và những cán bộ có kinh nghiệm của quân chủng đã được cấp tốc đưa vào chiến trường. Trung đoàn tên lửa H38 - đơn vị hoả lực đầu tiên nhận trọng trách lớn lao này, đã kịp thời cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ, vượt qua nhiều chặng đường hiểm trở đầy ác liệt của bom đạn Mỹ để tới Vĩnh Linh vào đầu năm 1967, chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu đầy khó khăn và cũng rất quan trọng này. Cùng với đó, một số đơn vị ra đa đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khó khăn đưa máy lên tận đỉnh Trường Sơn để nghiên cứu phát hiện B52... Những động thái như vậy chính là sự chuẩn bị hiệu quả nhất cho một kế hoạch lâu dài. Trong đó, việc đưa tên lửa vào Vĩnh Linh là chặng đường đầu tiên trên con đường dài đi đến chiến thắng B52. Rồi Mỹ cũng biết được tin 1 trung đoàn tên lửa SAM-2 của ta vào Vĩnh Linh. Lầu năm góc hoảng sợ và quyết tập trung tiêu diệt những bệ phóng của ta bằng mọi giá. Nhiều trận ném bom ác liệt đã được chúng thực hiện cho mục đích trên. Các khí tài của ta bị bom, đạn Mỹ đánh hỏng nặng, nhiều cán bộ chiến sỹ bị thương vong... Biết đơn vị gặp khó khăn, Bác thường xuyên quan tâm thăm hỏi xem có biện pháp khắc phục chưa. Khi biết tin một “đoàn công tác B” do đồng chí Hoàng Văn Khánh, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân làm trưởng đoàn đã cấp tốc vào Vĩnh Linh chỉ đạo, giúp đỡ Trung đoàn H38 hoàn thành nhiệm vụ bắn rơi B52, Bác khen như thế là có biện pháp tích cực, kịp thời.
Đại tá Đặng Tính, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân cũng đã trực tiếp vào thăm đơn vị. Đứng ngay trên trận địa của Trung đoàn, đồng chí nói với cán bộ chiến sỹ rằng: “Đưa được cả trung đoàn cùng khối binh khí, kỹ thuật khổng lồ này vào tới chiến trường “lửa” an toàn, là một huyền thoại. Triển khai chiến đấu, đem được cả khối binh khí, khí tài xuống lòng đất mà kẻ thù không hay biết, là hai huyền thoại.
Giấu được quân, giấu được binh khí, khí tài, xe cộ, là ba huyền thoại. Chỉ còn một huyền thoại nữa là chờ các đồng chí bắn rơi B52 trên đất lửa!”. Đó vừa là lời khen ngợi, sự thán phục, vừa là sự động viên, là niềm tin và sự giao nhiệm vụ của đồng chí Tư lệnh đối với cán bộ chiến sỹ Trung đoàn H38... Mảnh đất miền Trung nắng nóng như chảo lửa, lại thêm cái nóng của bom đạn hàng ngày kẻ thù ném xuống, những gian khổ, hy sinh của các chiến sỹ thật không sao kể hết. Lá ngụy trang cho vũ khí ngày nào cũng phải thay mấy lần.
Ngày nọ nối tiếp ngày kia như vậy... đủ biết bộ đội tên lửa phòng không sau này phát được sóng bắn rơi B52 ngay trên bầu trời Vĩnh Linh, gian khổ, công phu biết nhường nào!
Trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt trên đất Vĩnh Linh đó, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cử một số cán bộ, trợ lý khoa học quân sự, tác chiến dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Tham mưu trưởng Vũ Xuân Vinh xuống các trận địa tên lửa, không quản vất vả, hiểm nguy, thu thập tài liệu biên soạn cuốn sách phổ biến kinh nghiệm và cách đánh B52. Từng trang sách nhỏ ấy đã thấm đẫm mồ hôi và cả máu của cán bộ chiến sỹ. Sau này cuốn sách đó đã trở thành cuốn cẩm nang rất bổ ích cho lực lượng tên lửa phòng không trong cuộc đọ sức với B-52 Mỹ.
Cuốn sách mang tên “Cách đánh B52 của bộ đội Tên lửa” ngày đó được in trên giấy đen với bìa đỏ bọc ngoài nên được cán bộ chiến sỹ phòng không - không quân gọi vui là “Cẩm nang bìa đỏ”. Chỉ dày 30 trang đánh máy nhưng nó là kết quả của một quá trình tìm tòi đầy hy sinh gian khổ từ kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn của các đơn vị.
Trong cẩm nang, cách phá “nhiễu”, đánh B52 làm sao cho hiệu quả được chỉ dẫn tận tình. Nhiều anh em chiến sỹ phòng không - không quân đã xem “cẩm nang bìa đỏ” như kim chỉ nam để tìm diệt B52, tạo nên thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 lịch sử. Xin nói thêm về cuộc chiến đấu của bộ đội tên lửa trên vùng đất Vĩnh Linh ác liệt: Ngày 17/9/1967, vào lúc 15 giờ 30 phút Bộ Tư lệnh B5 thông báo cho Trung đoàn H38 biết có tín hiệu B52 bay vào đánh phá khu vực Vĩnh Linh. Tiểu đoàn 84 được lệnh chuyển cấp. Sau hàng loạt những động tác của các bộ phận chuẩn bị cho chiến đấu, cuối cùng trắc thủ cũng đồng loạt báo cáo “nhiễu B52”. Đợi một lát sau khi B-52 đã bay vào đến cự ly quy định, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên ra lệnh bắn và chỉ sau đó ít giây, một chiếc B52 đã bốc cháy lao xuống phía biển... Đây cũng là chiếc B52 đầu tiên bị bộ đội tên lửa phòng không ta bắn rơi.
Nhận được tin vui từ Vĩnh Linh ra, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng Phòng không-Không quân muốn báo tin ngay đến Bác vì Người đã cho phép gọi điện thoại trực tiếp đến bất cứ lúc nào cần thiết. Trời đã khuya, sợ Bác thức giấc, đồng chí Tư lệnh đã gọi cho đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) thì được biết Bác vẫn chưa ngủ. Đồng chí quay số 01 (mật danh điện thoại của Bác), Bác nhận ra giọng đồng chí Phùng Thế Tài và hỏi ngay: “Chú Tài đấy à? Có việc gì thế? Bắn rơi B52 rồi phải không?”
Nhận được tin vui từ chiến thắng quan trọng đó, từ ngôi nhà sàn, Bác đã tự tay viết thư khen quân và dân Vĩnh Linh anh hùng và ký Lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn tên lửa H38 là đơn vị đã trực tiếp lập công. Những bài học xương máu của Trung đoàn H38 được đúc kết lại trong tập tài liệu dày 29 trang in rônêô trên những tờ giấy giang mộc mạc mang tên “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” hay còn được gọi là Cuốn cẩm nang bìa đỏ. Cuốn sách mà sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Chúng ta thắng được B52 Mỹ là do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của cuốn sách này”. Bản tài liệu đơn sơ đầu tiên này là cơ sở cho việc biên soạn tiếp theo những bản tài liệu, những phương án đánh B52 ngày càng hoàn chỉnh.
Bước leo thang của Mỹ đã lên đến đỉnh. Chúng tổ chức những chiến dịch không quân liên tục đánh phá quyết liệt miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân được giao nhiệm vụ chuẩn bị phương án chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong tình huống địch sử dụng B52. Đó là tầm nhìn xa và sự chỉ đạo đúng đắn và chính xác của Trung ươnng Đảng và Bác Hồ đối với cuộc chiến đấu. Ngày 29 tháng 12 năm 1967, trong lần gặp đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngay phút đầu tiên Bác lại hỏi về B52 và nhận định quả quyết rằng: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Đầu năm 1968, trong một lần đến thăm quân chủng Phòng không - không quân, Bác nói với các đồng chí trong đơn vị, đại ý: “Nếu chỉ có lòng căm thù giặc và tinh thần xả thân vì nước vẫn chưa đủ thắng lợi. Các chú phải chú ý đào tạo thật nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu kỹ kẻ thù thì mới trăm trận trăm thắng”.
Ngày 27/2/1968, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được hình thành, tuy còn đơn sơ nhưng đã chứa đựng những nội dung cơ bản. Từ kinh nghiệm thực tế của các chiến trường, bản kế hoạch liên tục được sửa chữa, bổ sung để đến năm 1972, Quân chủng có thêm những “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9” và cuối cùng là “Phương án tháng 11” và đây cũng là bản kế hoạch đánh B52 hoàn chỉnh nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Cốc
tại Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân chủng Phòng không - Không quân (1968)
Tháng 9 năm 1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhận định: “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa được, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”. Liền ngay sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh, chỉ thị: “B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức nào đó cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”. Ngày 5 tháng 4 năm 1972, Quân ủy Trung ương lại chỉ thị cho Quân chủng Phòng không - Không quân và các Quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”.
Tháng 9 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B52, được gọi là “Phương án tháng 9”; xác định những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không như phán đoán âm mưu, thủ đoạn, hướng và mục tiêu tiến công của địch, quyết định sử dụng lực lượng và cách đánh của ta.
Cuối tháng 11 năm 1972, Quân ủy Trung ương, trong chỉ đạo, lại nhắc nhở và nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”. Cũng thời gian đó, ngày 24 tháng 11, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn Kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng Phòng không – Không quân. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh: “ Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3 tháng 12 năm 1972” và còn dặn thêm: “Trước ngày Nich-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ…Phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B52 mà tiêu diệt”.
Có thể nói sự chỉ đạo của Trung ương, của quân đội nói chung và của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu nói riêng đối với Quân chủng Phòng không - Không quân trong suốt quá trình chuẩn bị và cả trong chiến dịch 12 ngày đêm (mà trên đây chỉ là vài thí dụ) là hết sức nghiêm túc, chặt chẽ, đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho Quân chủng Phòng không - không quân cũng như quân dân toàn miền Bắc đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không bằng B52 của Mỹ.
Đầu tháng 12 năm 1972, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng, đã tới Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp nghe tư lệnh Lê Văn Tri báo cáo trình bày kế hoạch đánh B52. Đồng chí nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Từ 8 giờ ngày 17 tháng 12 năm 1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội phòng không - không quân chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, chuẩn bị sẵn sàng đón đánh B52.
Vậy câu hỏi đặt ra là căn cứ vào đâu mà Trung ương Đảng và Bộ quốc phòng ta lại biết được rằng Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập kích bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng? Trên thực tế, Quân đội Mỹ dù hiện đại đến đâu, dù tổ chức chặt chẽ đến mấy, cũng không sao tránh khỏi những sơ hở và lộ liễu. Công tác nắm địch của ta (cơ quan Quân báo của Bộ và của Quân chủng) phải nói là rất xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát hiện những triệu chứng, những nguồn tin từ đối phương. Thí dụ ngày 16, ta nắm được tin hai tàu sân bay Enterprise và Saratoga đang tiến vào Biển Đông, nâng tổng số tàu sân bay ở đây lên 6 chiếc (con số cao nhất từ trước đến nay); nhiều máy bay tiếp dầu trên không KC135 cũng đang được bổ sung đến Phi-lip-pin. Rồi lại có tin Lầu Năm Góc đã cho thành lập cấp tốc một cơ quan chỉ huy để điều khiển chung hai căn cứ không quân chiến lược ở Gu-am và U-ta-pao...
Phân tích những thông tin trên, cán bộ quân báo của ta đã đi đến nhận định: “Sắp đánh lớn đến nơi rồi. Việc B52 đánh vào Hà Nội chỉ còn là ngày một ngày hai nữa thôi?”. Vấn đề còn lại là làm sao phán đoán được chính xác ngày nào chúng sẽ bắt đầu hành động ? Và, Bộ chỉ huy lại phải tiếp tục theo dõi tình hình trong ngày 18 tháng 12. Qua đó nhận thấy: Buổi sáng: Lúc 5 giờ, tàu sân bay America neo đậu ở đông Đà Nẵng điện hỏi cấp trên: “Trực thăng hôm nay làm nhiệm vụ cấp cứu ở đâu?” Buổi trưa: Vào lúc 10 giờ 15 và 11 giờ 46 phút, 2 máy bay không người lái bay thấp vào trinh sát Hà Nội, Hải Phòng. Một máy bay trinh sát khác (RF4C) khi bay qua Hà Nội, điện về căn cứ: “Thời tiết Hà Nội bảo đảm cho không quân hoạt động”.
Buổi chiều: Bộ Tổng Tham mưu thông báo cho Quân chủng tin kỹ thuật (Chú thích: Tin kỹ thuật là tin khai thác được thông qua nghiệp vụ kỹ thuật, do cơ quan Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau - Tuy biết B52 cất cánh, nhưng chưa biết mục tiêu tiến công của chúng): “32 chiếc B52 đã cất cánh từ Gu-am, lúc 12 giờ”.
Trực ban Binh chủng Ra đa tổng hợp tình hình trong ngày, báo cáo với Phó tư lệnh, Trực chỉ huy Quân chủng Nguyễn Quang Bích: “Hôm nay hoạt động của không quân địch giảm đột ngột. Trừ 3 máy bay trinh sát qua Hà Nội, Hải Phòng, không phận bắc vĩ tuyến 20 hoàn toàn yên tĩnh.
Từ vĩ tuyến 20 trở vào không có tốp máy bay nào trên bản đồ đánh dấu đường bay, ngoài 2 tốp B52 hoạt động bên kia Tây Trường Sơn. Ra đa toàn binh chủng không có máy nào bị nhiễu quấy phá”.
Điều đó cho thấy chúng ta đã bám sát chặt chẽ mọi hoạt động, mọi động thái của lực lượng quân sự Mỹ…
Ngay sau đó, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp dưới sự chủ trì của Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Hoàng Phương. Tại cuộc họp này, Tư lệnh Lê Văn Tri nhận định: “Hoạt động của không quân địch giảm đột ngột là dấu hiệu không bình thường. Tổng hợp các nguồn tin trong ngày, chúng ta có thể khẳng định: Đêm nay địch sẽ đánh lớn vào Hà Nội. Có khả năng B52 sẽ đánh từ chập tối”.
Cuối buổi họp ngắn gọn ấy, Bí thư Hoàng Phương kết luận: “Thường vụ Đảng ủy hoàn toàn nhất trí với nhận định của đồng chí Tư lệnh. Cuộc chiến đấu đêm nay sẽ rất quyết liệt. Phải động viên bộ đội kiên cường chiến đấu quyết tâm bắn rơi B52 Mỹ ngay từ trận đầu...”.
Trở về phòng Sở Chỉ huy, Phó Tư lệnh Nguyễn Quang Bích gọi điện thông báo cho các sư đoàn, binh chủng nhận định của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, chỉ thị những việc phải làm. Sau đó, ông nhắc thêm trực chỉ huy Binh chủng Ra đa: “Bộ đội Ra đa phải quản lý không phận thật chặt, quyết không để lọt mục tiêu, nhất là hướng Tây Bắc!”. Thời điểm B52 tiến công Hà Nội như vậy đã được Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định rõ là “đêm nay, 18 tháng 12”. Tình hình tối hôm ấy diễn biến như sau:
- 18 giờ: Sau một ngày hoàn toàn yên tĩnh, các đài ra đa cảnh giới của ta bỗng đồng loạt thông báo có hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. Hiện tượng này dự báo cho biết sắp có một đợt hoạt động lớn của không quân địch.
- 18 giờ 15 phút: Tổng trạm ra đa nhận được thông báo vượt cấp của đại đội 37: có những tốp F111 xuất hiện trên vùng trời phía bắc Sầm Nưa.
- 18 giờ 30 phút: Từ hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc Bắc bộ bắt đầu có nhiễu ngoài đội hình của máy bay EB66.
- 18 giờ 50 phút: Bộ đội phòng không - không quân được lệnh chuyển vào cấp một, cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Tại Sở chỉ huy Quân chủng, Tư lệnh Lê Văn Tri, Chính ủy Hoàng Phương, các Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Quang Bích, cùng kíp trực ban gồm: Tham mưu phó Vũ Xuân Vinh, Trưởng phòng Tác chiến Lê Thanh Cảnh, Trưởng phòng Quân báo Lê Tư, Trưởng phòng Thông tin Nguyễn Tân, Trưởng phòng Cao xạ Đinh Nhẫn, Trực ban khí tượng Đoàn Văn Quảng, Trực ban trưởng Sở chỉ huy Nguyễn Bắc, cùng tất cả sĩ quan trực ban của các cục Chính trị, Kỹ thuật, Hậu cần đều có mặt đầy đủ.
Tại Sở chỉ huy Binh chủng Không quân, Tư lệnh Đào Đình Luyện, Phó Tư lệnh Trần Mạnh, và ở Sở chỉ huy Binh chủng Ra đa, Tư lệnh Bùi Đình Cường, Tham mưu phó Hứa Mạnh Tài cũng đều sẵn sàng ở vị trí chỉ huy.
- 19 giờ: Đại đội 16 ra đa phát hiện có nhiễu B52. Kíp trắc thủ đã kịp thời thông báo những tọa độ đầu tiên của kẻ thù khi nó đang bay lên phía Thượng Lào (Chú thích: Những tốp B52 từ Gu-am, khi đến đông nam Đà Nẵng được hệ thống dẫn đường LORAN đặt ở bán đảo Sơn Trà hướng dẫn bay tiếp sang vùng trời nước Lào để vào Bắc Việt Nam.).
Vài phút sau, từ Sở Chỉ huy quân chủng, tín hiệu “333”, tín hiệu báo động B52 cho toàn thể lực lượng Phòng không - Không quân, được bàn tay các báo vụ viên phát đi trên làn sóng điện.
- 19 giờ 15 phút: Ở Đại đội 45 ra đa, bằng một sự khẳng định hết sức dũng cảm, dứt khoát và đầy trách nhiệm, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo với Đại đội trưởng phán đoán của mình: “B52 đang bay vào Hà Nội”. Nhận được thông báo của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, Trung đoàn trưởng Trung đoàn H91 ra đa Đỗ Văn Năm, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, đã nhanh chóng báo cáo về Trung tâm tin tức cực kỳ hệ trọng đó. Với sự cẩn trọng cao nhất, Tham mưu phó Binh chủng Ra đa Hứa Mạnh Tài lập tức liên lạc thẳng với Đại đội 45, trực tiếp hỏi lại Đài trưởng Nghiêm Đình Tích. Sau khi bảo đảm chắc chắn rằng B52 đang bay vào Hà Nội, Tham mưu phó Hứa Mạnh Tài liền báo cáo lên Bộ Tư lệnh Quân chủng. Quân chủng báo cáo lên Tổng hành dinh. Cục Tác chiến phát lệnh báo động cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Ở trên độ cao hơn 3 vạn phút (Chú thích: Phút (foot): Đơn vị đo chiều dài của Anh, Mỹ. Một phút bằng 0,3048 mét. Ba vạn phút bằng 9.144 mét.) hàng đàn pháo đài bay B52 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như những bầy thú dữ, xé màn đêm bay vào Hà Nội.
Tại Sở chỉ huy Sư đoàn phòng không B61, trực chỉ huy Nguyễn Đình Sơn giao nhiệm vụ chiến đấu cho từng đơn vị. Các trung đoàn trưởng tên lửa, cao xạ đã nhận đủ mệnh lệnh của sư đoàn. Tất cả những bệ phóng, những nòng pháo đang quay về hướng địch.
Giống như một chiếc bẫy đã gài, một dây cung đang chờ bật, quân dân toàn miền Bắc đã sẵn sàng. Cán bộ chiến sĩ toàn Quân chủng Phòng không – Không quân đã sẵn sàng!
19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, thuộc Trung đoàn H57, do Nguyễn Chấn làm Tiểu đoàn trưởng, rời bệ phóng, mở đầu một trận chiến đấu quyết liệt trên bầu trời Thủ đô.
Hàng loạt những “con rồng lửa” tiếp theo của các tiểu đoàn 57, 59, 73, 94 bay vút lên trời, cùng những chiếc MiG-21, trước đó đã rời đường băng, lao vào đội hình “pháo đài bay” dầy đặc của địch.
Trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm vô cùng ác liệt của tháng 12/1972, Trung ương đã chỉ đạo, đảm bảo cả hai mặt: Chủ động tích cực đánh địch, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B52 của chúng và triệt để phòng tránh, sơ tán làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất. Nhờ vậy, công tác phòng tránh, sơ tán được quân và dân ta thực hiện một cách chủ động và triệt để bao trùm các mặt: tổ chức vận động nhân dân sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá; chỉ đạo củng cố và xây dựng hầm hố trú ẩn; tổ chức tốt hệ thống thông tin – thông báo, quan sát báo động; triển khai các phương án khắc phục hậu quả. Đối với lực lượng vũ trang, ngoài việc phối hợp với nhân dân thực hiện các nội dung nêu trên còn phải triển khai xây dựng các trận địa dự phòng, các sân bay dã chiến; sơ tán các xưởng trạm, tập kết vũ khí, đạn dược,nhất là vấn đề đạn tên lửa... Trước khi cuộc tập kích chiến lược bằng B52 diễn ra, Hà Nội đã huy động 370 ô-tô các loại chở hơn 30 vạn người ra khỏi nội thành, đưa số người sơ tán khỏi nội thành lên tới gần 55 vạn. Những nhà máy, xí nghiệp không thể sơ tán, đã được ngụy trang, bảo vệ chu đáo. Ở đâu có người, có tài sản, ở đó đều có hầm trú ẩn. Bên cạnh mạng lưới tình báo quốc gia, ra đa cảnh giới, Hà Nội còn có 36 còi báo động, 36 đài quan sát của thành phố, 414 trạm quan sát của các khu, huyện, hình thành mạng lưới quan sát rộng khắp từ xa đến gần. Tổ chức hoàn chỉnh hệ thống cấp cứu phòng không bốn tuyến với 266 trạm ở các khu, huyện và 64 đội cấp cứu, 11 đội phẫu thuật lưu động... Tất cả những vấn đề đó cho thấy chúng ta đã chủ động chuẩn bị cho trận quyết chiến này như thế nào! Và đó cũng là một trong những tiền đề quan trọng đưa đến thắng lợi của Chiến dịch./.
Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa