Đài ra đa P-35 , đơn vị phát hiện mục tiêu từ xa tạo điều kiện cho cao xạ,
tên lửa và máy bay của ta đánh địch kịp thời
Thắng lợi của công tác chỉ huy và điều hành chiến dịch
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng làm nên chiến thắng trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chính là nghệ thuật chỉ huy điều hành trong chiến dịch.
Thực tế cho thấy Bộ Tư lệnh chiến dịch không những nắm chắc sự chỉ đạo có tính chiến lược của Trung ương, của Bộ Quốc phòng, mà còn nắm vững khả năng chiến đấu của từng đơn vị, từng bước chuyển hóa thế trận cho phù hợp. Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm có kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của địch vào Hà Nội, Hải Phòng. Ngày 31 tháng 10 năm 1972, Quân chủng đã tổ chức Hội nghị cán bộ, tập trung bàn về cách đánh B52 sao cho có hiệu quả để giành chiến thắng. Đó là những bước chuẩn bị rất cần thiết cho một chiến dịch lớn.
Xe đặc chủng cơ động đưa tên lửa vào bệ phóng
Công tác chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh được các đơn vị tiến hành rất khẩn trương. Ở tầm Quân chủng thì tập trung vào việc điều chỉnh lực lượng đội hình chiến đấu; triển khai Sở chỉ huy dự bị các cấp; huấn luyện các kíp chiến đấu; tiến hành công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, xây dựng quyết tâm, tổ chức đôn đốc kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu...
Về lực lượng, thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí lại thế trận, chuẩn bị các phương án đánh địch, trong đó xác định khu vực đánh phá chủ yếu của địch là Hà Nội, Hải Phòng, trọng điểm là Hà Nội; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, huấn luyện cho cán bộ và chiến sĩ đánh các loại máy bay địch, đặc biệt là tìm cách đánh máy bay B-52.
Trong chiến dịch phòng không lần này, đối tượng tác chiến chủ yếu là máy bay B-52. Lực lượng sử dụng để tiêu diệt máy bay B-52 là tên lửa và không quân. Trên cơ sở đó, ta xác định cách bố trí lực lượng và hướng đánh.
Các trung đoàn tên lửa ở Hà Nội, bố trí trận địa hình thành từng khu vực có trọng điểm, trên từng hướng trọng điểm tạo được chiều sâu hỏa lực đánh máy bay B-52 là chủ yếu, đồng thời phối hợp đánh cả máy bay cường kích.
Hướng tác chiến chủ yếu từ Tây - Tây Bắc, Tây Nam, Đông - Đông Nam, Bắc - Đông Bắc Hà Nội; tổ chức thế đánh cả vòng trong và vòng ngoài, trong đó chủ yếu là vòng ngoài, dãn rộng đội hình tập trung đánh bên sườn, phía sau (đánh đuổi) máy bay địch; đồng thời bố trí một bộ phận tên lửa phục kích đánh địch từ xa.
Cách đánh của bộ đội tên lửa là sử dụng phương pháp bắn trong dải nhiễu không thấy mục tiêu, hoặc nhanh chóng điều khiển tên lửa tiêu diệt mục tiêu khi phát hiện thấy mục tiêu trong nhiễu nhằm đạt hiệu quả bắn cao nhất.
Đối với các trung đoàn không quân bố trí ở các sân bay dã chiến vòng ngoài Hà Nội, khi được lệnh sẽ bí mật cất cánh đánh máy bay B-52, máy bay cường kích địch từ xa ngoài tầm bắn của tên lửa trên các hướng tây bắc, tây nam là chủ yếu kể cả ban ngày và ban đêm trong mọi điều kiện thời tiết.
Các trung đoàn pháo cao xạ và lực lượng phòng không dân quân, tự vệ là lực lượng chủ yếu đánh máy bay chiến thuật được bố trí rộng, nhưng có trọng điểm bảo vệ một số mục tiêu trọng yếu, thời cơ bắn hiệu quả khi máy bay địch bổ nhào, bay thấp.
Riêng pháo phòng không 100mm bố trí ở một số khu vực, sẵn sàng đánh máy bay B-52 khi có thời cơ. Tiểu đoàn ra đa 8 khi phát hiện máy bay B-52, máy bay bay thấp, nhanh chóng thông báo cho các lực lượng kịp thời đánh địch, không để chúng nghi binh đánh lừa ta và hướng dẫn chu đáo cho máy bay ta cất cánh tập trung đánh máy bay B-52.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn hoạt động của địch, các lực lượng bộ đội phòng không, không quân, tên lửa, ra đa và dân quân tự vệ được giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thủ đô Hà Nội đều đã xây dựng quyết tâm, xác định kế hoạch tác chiến, sẵn sàng đối phó với cuộc tập kích chiến lược ồ ạt bằng không quân của địch, bảo vệ vững chắc Thủ đô.
Không chỉ chuẩn bị về vật chất mà công tác chuẩn bị về chính trị, tinh thần nhân dân và bộ đội cũng được thực hiện khẩn trương. Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã cho tiến hành một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng trong toàn lực lượng ngay trước thềm chiến dịch nổ ra, nhằm quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ và tránh tư tưởng chủ quan và “Ảo tưởng hòa bình” trước những thông tin do địch tung ra về một thỏa thuận ngừng bắn và việc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra; làm cho cán bộ chiến sỹ ta nhận thức sâu sắc hơn về âm mưu thâm độc của kẻ thù và tình hình nhiệm vụ của Quân chủng. Việc xây dựng quân đội nhân dân toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng, đã phát huy mạnh mẽ, cao độ nhân tố con người - nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc đọ sức lịch sử trong “12 ngày đêm Hà Nội” nói riêng và là nhân tố hàng đầu của nền nghệ thuật quân sự hiện đại Việt Nam.
Kíp trắc thủ trong xe điều khiển tên lửa SAM-2
Trong kế hoạch chiến dịch đánh B52 được hoàn thành trước đó, những nội dung quan trọng như: Công tác chuẩn bị; điều chỉnh bố trí lực lượng; nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... về cơ bản đã được xác định. Chính vì vậy mà khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như cả về chiến thuật. Ngày đầu tiên, B52 vào đánh phá Hà Nội, Bộ Tổng Tham mưu đã phát lệnh báo động trước 25 phút; còn những ngày sau đó, ta thường phát hiện B52 vào đánh Hà Nội trước 30 phút.
Nhờ phán đoán đúng âm mưu của địch, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, triển khai công tác chuẩn bị một cách đồng bộ, quân và dân ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì nó trong suốt quá trình chiến dịch diễn ra.
Trong chiến dịch phòng không cuối tháng 12/1972, ta đã huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân, đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch. Cách đánh sáng tạo và hiệu quả trong chiến dịch này là kết quả được đúc rút từ nhiều năm chống chiến tranh phá hoại, đặc biệt là những kinh nghiệm được bộ đội ra đa, tên lửa, phòng không tích lũy, thậm chí được trả bằng xương máu qua những năm tháng trực chiến và nghiên cứu cách đánh B52 trên chiến trường Khu 4.
Để bảo đảm chắc thắng và giành thế chủ động ngay từ trận đầu, công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm vật chất, kỹ thuật cũng được các lực lượng vũ trang ta chuẩn bị công phu với nỗ lực rất lớn.
Cho đến trước ngày 18/12/1972, ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội ta đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho pháo cao xạ các loại; mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn hai cơ số đạn; hệ số kỹ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, của pháo phòng không là 95% và của ra đa là 96,5%. Đó là những cố gắng rất lớn trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thể hiện quyết tâm rất cao của quân và dân ta trong việc đập tan cuộc tập kích bằng B52 của địch.
Về nghệ thuật chiến dịch, thành công nổi bật là ta đã đánh giá đúng âm mưu, ý đồ và dự đoán đúng quy luật đánh phá của không quân chiến lược Mỹ. Từ đó tổ chức, sử dụng hợp lý lực lượng phòng không ba thứ quân đánh các loại máy bay chiến lược, chiến thuật của địch cả ban ngày và ban đêm. Đặc biệt, tập trung lực lượng tên lửa phòng không đủ mạnh để đánh mục tiêu chủ yếu là B52, trong khu vực tác chiến chủ yếu là Hà Nội. Trong suốt thời gian chiến dịch, nghệ thuật hiệp đồng tác chiến giữa các binh chủng trong Quân chủng Phòng không - Không quân và giữa các lực lượng phòng không của ba thứ quân đã phát triển lên một trình độ cao, làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là rất to lớn, âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân 1975. Thắng lợi đó đã kiểm nghiệm sự sáng tạo của một phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng, với nghệ thuật quân sự độc đáo, làm giảm hiệu lực hoặc vô hiệu hóa sở trường tác chiến của đối phương, đồng thời hậu thuẫn kịp thời, đắc lực cho mặt trận đấu tranh ngoại giao. Những bài học về nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức, thực hành chiến dịch phòng không vẫn giữ nguyên giá trị để các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trong tình hình mới.
Công tác chỉ đạo thực tiễn rất quan trọng, nhằm kịp thời điều chỉnh những biện pháp thiếu hiệu quả hoặc chưa phù hợp với chiến thuật mà địch thực hiện. Chẳng hạn, đêm 18 tháng 12 khi máy bay B52 bắt đầu đánh vào Hà Nội, mặc dù các đơn vị tên lửa tổ chức đánh địch quyết liệt, nhưng máy bay của ta lại không tiếp cận được B52, mà tên lửa (cụ thể ở Tiểu đoàn 78) bắn cũng chưa diệt được B52, tình huống dường như trở nên phức tạp.
Bộ Tư lệnh chiến dịch kịp thời chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm ngay về cách đánh, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm phát sóng của Tiểu đoàn 78, kiên trì và kiên quyết đánh tập trung, đánh ở cự ly gần để tiêu diệt B52. Các đơn vị đều chấp hành cách đánh mới, tích cực phát sóng tìm mục tiêu... Do vậy, cuộc chiến đấu đã có kết quả cao hơn: Trên hướng Tây - Bắc, 3 tiểu đoàn 94, 57, 59 thực hiện phóng đạn tập trung và đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên tại Phù Lỗ (Đông Anh); một số đơn vị khác cũng đã bắn rơi tại chỗ máy bay B52. Tuy vậy, địch cũng rút kinh nghiệm và thay đổi chiến thuật và thủ đoạn gây nhiễu phức tạp hơn khiến cho tên lửa của ta khó bắn rơi và ngay cả đã đánh trúng B52, nhưng lại không rơi tại chỗ... Ngay lập tức, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức rút kinh nghiệm và phát hiện được nguyên nhân là: Để đánh được B52, các đơn vị ở phía Nam đội hình phải phát sóng trước, phát hiện mục tiêu ở cự ly xa để phối hợp với các đơn vị ở chính diện phát sóng cự ly gần, tạo màn hỏa lực tập trung; phối hợp hiệp đồng, chiến đấu, thông tin phải nhuần nhuyễn, vững chắc, đánh tập trung hơn…Từ đó, các đơn vị có sự điều chỉnh và bố trí lại thế trận, tạo mật độ tập trung cao cho tên lửa; đồng thời tổ chức cho không quân đánh mạnh hơn nữa buộc B52 phải phân tốp và bộc lộ đội hình, tạo điều kiện cho tên lửa đánh trúng hơn. Vì vậy, trận đánh đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12, ta đã giành thắng lợi lớn, bắn rơi 7 chiếc B52, trong đó có 5 chiếc rơi tại chỗ. Trong đó, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi B52 tại chỗ chỉ bằng một quả đạn; trận này khiến địch tổn thất nặng, gây kinh hoàng và làm đảo lộn cả kế hoạch của chúng. Cũng vì vậy mà địch bất ngờ chuyển hướng, thay đổi thủ đoạn bằng việc mở rộng mục tiêu đánh phá ra nhiều nơi khác như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng và giảm hẳn việc đánh Hà Nội, thậm chí tạm dừng đánh phá vào đêm 24/12 nhằm kéo giãn hỏa lực của ta rồi chúng sẽ quay lại tập trung đánh Hà Nội quyết liệt hơn. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã không mắc mưu địch và chỉ đạo các đơn vị phải cảnh giác cao độ, giữ vững thế trận… Đúng như ta đã phán đoán, đêm 26/12 địch tập trung đánh phá Hà Nội dữ dội hơn nhiều các đêm khác (cùng với việc tiếp tục đánh phá một số địa bàn khác) hòng làm cho ta lúng túng, bị động. Do cảnh giác cao và được chuẩn bị kỹ nên quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, lập công xuất sắc, bắn rơi 8 chiếc B52 chỉ trong vòng một giờ (một chiếc B52 rơi xuống làng Ngọc Hà là trong trận này). Đây là trận đánh có tính then chốt của chiến dịch; bởi do bị tổn thất quá nặng về lực lượng máy bay B52 trong suốt chiến dịch, nhất là trong đêm 26/12 nên buộc địch đã phải xuống thang sau đó, cường độ đánh phá giảm đi. Phát huy thắng lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức lại thế trận của không quân, tổ chức cơ động MiG-21 ra tuyến ngoài, dùng sở chỉ huy hỗ trợ dẫn đường, đánh từ phía sau đội hình địch... và kết quả là không quân của ta đã bắn rơi 2 máy bay B52 của địch.
Chiến sĩ tiểu đoàn tên lửa 61 - đơn vị lập công bắn
rơi máy bay A-4E của địch ngày 26/10/1967
Bị thất bại nặng nề, đến 30/12/1972 địch phải chấm dứt cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng với một quy mô chưa từng có từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay. Thất bại của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Linebacker II đầy tham vọng và mưu đồ đen tối, như một báo động cho thất bại hoàn toàn của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Viêt Nam.
Vậy là sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, vượt qua mọi gian khổ, ác liệt, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có nhiều giặc lái B52, kết thúc thắng lợi một trận quyết chiến lịch sử ngay trên bầu trời Hà Nội.
Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị.
Phía Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Pari
Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền Nam, thắng lợi của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không”
Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang của ta khi đó, có một vai trò rất lớn trong việc chỉ đạo quá trình chuẩn bị cũng như trong chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân
Ồ ạt dùng hàng trăm máy bay chiến lược B-52 và hàng nghìn lượt máy bay hiện đại khác tiến hành ném bom hủy diệt Hà Nội vào cuối năm 1972, Mỹ đã thực hiện trận đánh không quân lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam và có thể đây cũng là trận tập kích tập trung lớn nhất trong lịch sử không chiến của không lực Hoa Kỳ bằng máy bay B52.
Không bị động với âm mưu của địch, ngay từ năm 1967, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo và lần lượt góp ý kiến về phương án tổng thể và phương án từng khu vực đánh không quân Mỹ, nhất là đánh B52 trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng. Các phương án này đến cuối năm 1967, được Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trình bày trước Bộ Chính trị với sự có mặt của Bác Hồ, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khác.
Trong những năm từ 1965 đến năm 1968, Bác Hồ đã nhiều lần nhắc nhở và trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề bảo vệ vùng trời Thủ đô nói chung và vấn đề chuẩn bị đánh B52 nói riêng. Trước khi xảy ra trận đánh lớn nhất trên bầu trời Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Tổng tham mưu, với Tư lệnh và các Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, với các binh chủng ra đa, tên lửa…đồng thời góp những ý kiến cụ thể, chỉ đạo về cách đánh sao cho hiệu quả. Ngoài ra, Tổng Tư lệnh còn trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân.
Trận đánh phá cuối năm 1972 khác hoàn toàn với các trận đánh của máy bay Mỹ vào Hà Nội trước đó. Hà Nội là thủ đô của một nước độc lập, có chủ quyền với sự có mặt của mấy chục vị đại sứ các nước lại bị không quân chiến lược của một siêu cường số 1 thế giới là Mỹ ngang nhiên tấn công ào ạt và liên tiếp suốt 12 ngày đêm. Điều đó khiến cả thế giới lo ngại cho sự mất còn của Thủ đô Hà Nội.
Không ít bạn bè lo lắng rằng Hà Nội sẽ tan nát dưới những trận mưa bom, Hà Nội sẽ thất thủ. Nếu Hà Nội mất thì cách mạng miền Nam sẽ bị cắt đứt nguồn chi viện vô cùng to lớn về người, về của, về vũ khí! Sự lo ngại ấy chân thành và chính đáng. Nhưng Hà Nội đã dũng cảm đối mặt với “pháo đài bay” B52 với tư thế của người chiến thắng.
Thời gian đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ căn hầm ngay trong Thành cổ giữa lòng Hà Nội, đã từng giờ từng phút trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu của các đơn vị Phòng không - Không quân Hà Nội chống lại cuộc tiến công lớn nhất của không quân chiến lược Mỹ. Giữa tiếng bom vang rền từ trời cao dội xuống, giữa tiếng pháo gầm thét và tiếng tên lửa vun vút từ mặt đất phóng lên, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần điện đàm với Tư lệnh hoặc các Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các đơn vị tên lửa Hà Nội để nắm bắt tình hình và chỉ đạo kịp thời cuộc chiến đấu.
Trong 12 ngày đêm đó, một số lần, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... cũng có mặt trong Thành cổ Hà Nội cùng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi tình hình chiến đấu.
Trong đại thắng Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, công lao lớn nhất thuộc về các chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, rồi đến các đơn vị dân quân - tự vệ Thủ đô và nhân dân nội ngoại thành Hà Nội. Về mặt chỉ huy, nổi bật là các Chính ủy, Tư lệnh, Phó Tư lệnh, cán bộ tham mưu, v.v... các cấp từ quân chủng trở xuống! Nhưng không thể thiếu được vai trò chỉ đạo của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong dịp kỷ niệm 30 năm trận Điện Biên Phủ trên không (1972 - 2002), Thượng tướng Phùng Thế Tài đã nói đại ý là: Đánh giá đại thắng Điện Biên Phủ trên không, chúng ta cần ghi nhận vai trò to lớn của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người đã nhiều năm dày công, theo đúng các chỉ thị nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo của Quân chủng Phòng không – Không quân từ khâu chuẩn bị cho đến khâu tác chiến.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại vào thời điểm chiếc B52 đầu tiên bị quân và dân Hà Nội bắn rơi trong chiến dịch (chiếc này rơi ngay trên cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ, Đông Anh, chỉ cách trận địa chưa đầy 10km): “20giờ 20 phút. Chuông điện thoại đổ hồi. Ở đầu dây bên kia là đồng chí Nguyễn Quang Bích, Phó Tư lệnh Phòng không - Không quân: “Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bộ đội phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B52”. Tôi hỏi lại: “Có đúng B52 không?”. “Báo cáo đúng là B52”. Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng. Tổng hành dinh náo nức trong niềm vui được thấy “con ngáo ộp” B52 không còn là bất khả xâm phạm trước những con “rồng lửa Thăng Long”. Tôi bước ra Sở Chỉ huy, trời rét đậm và mưa bụi, nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường”.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - nguyên Cục phó Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu kể lại những kỷ niệm được trực tiếp làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Trong đó có đoạn: “... Khoảng 7h tối ngày 18/12/1972, tôi trực ban trong hầm sở chỉ huy của đại bản doanh. Tôi biết Đại tướng có thói quen thức khuya, chưa ăn uống gì. Tôi báo cáo Đại tướng qua điện thoại: “Báo cáo: B52 đang trên đường theo dọc sông Mê Công ra ném bom Hà Nội”. Đại tướng nói: “Cậu phải xem xét rất kỹ lưỡng. Thế Cục 2 (cục quân báo) thế nào?”. Tôi nói: “Cục hai cho tôi biết, tối nay, chúng tập kích lớn”.
-“Vậy cậu đã làm thông báo cho các nơi, các đơn vị chưa?”.
- “Thưa! rồi”.
-“Bây giờ, phòng không nhân dân thì thế nào?”.
- “Thưa, tôi đã đề nghị với tham mưu trưởng kéo còi báo động quy định cứ 10 phút chứ không thì bị bất ngờ vì đang đêm yên tĩnh”.
Vì lúc đó có rất nhiều xe qua sông Hồng và sông Đuống vào chi viện cho miền Nam nên Đại tướng hỏi tiếp: “Thế anh em giao thông đang đi trên đường thì sao?”. Tôi nói: “Việc này tôi đã liên lạc được với Bộ Giao thông Vận tải rồi, đã cho biết tình hình đêm nay rất căng”.
Nghe vậy, Đại tướng đồng ý tất cả và yêu cầu: “Cậu nghe đây, cứ 5 phút một lần cậu phải báo cáo tôi”. Trong đời tôi chưa bao giờ cứ 5 phút lại báo cáo một lần qua điện thoại như thế. Tôi đã chấp hành theo lời đại tướng. Tôi có một còi riêng, khi tôi ấn, thì tất cả thành phố đều phải kéo còi báo động cho nhân dân.
Như vậy, cuộc tập kích rất lớn và bí mật của địch vẫn không làm ta bị bất ngờ bởi có được bị sự chuẩn bị trước. Ta chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Kết quả là quân ta thắng lớn. Nghe giọng qua điện thoại, tôi thấy ở thời điểm Tổ quốc bị uy hiếp như thế, Đại tướng rất xúc động, không bỏ sót một chi tiết nào trong quá trình chỉ đạo cuộc chiến đấu... Sau chiến thắng mấy tháng, quân ta đã tổng kết chiến dịch tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Đại tướng đã gọi tôi đi cùng. Để báo cáo tổng kết, tôi đã chuẩn bị rất nhiều tài liệu. Nhưng bất ngờ, Đại tướng gọi tôi ra và bảo: “Bây giờ không có sách vở gì cả, cậu với tớ ra bờ biển, đi dọc bờ biển tổng kết. Chỉ tớ với cậu thôi”. Lúc đó, Đại tướng hỏi gì tôi phải trả lời ấy. Ông hỏi: “Trong lúc tình hình căng như thế tinh thần anh em phòng không - không quân thế nào? Theo cậu, tại sao quân địch gây nhiễu như thế mà anh em ta vẫn bắn rơi được?”. Tôi nói: “Thưa, thực ra trong một tiểu đoàn pháo binh có 5 anh em làm thành một ê - kíp. Tất cả đều được chuẩn bị trước qua đợt tập huấn chung trước đó và rất ăn ý với nhau, chỉ qua ánh mắt thôi cũng hiểu nhau…”. Vậy là, chỉ qua những câu hỏi của Đại tướng như vậy, sau đó, tự nhiên tất cả các tư liệu mà tôi đã chuẩn bị không sử dụng gì đến nhưng những vấn đề trong chiến đấu, những kinh nghiệm, những tổng kết sâu sắc nhất thì đã nhớ được hết vào trong đầu rồi.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” - như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ sáng tạo Việt Nam. Chúng ta đã buộc Nich-xơn ra lệnh ngừng ném bom đánh phá miền Bắc (30/12/1972), và đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973)”.
Chiến thắng trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 làm nổi bật BỐN ý nghĩa quan trọng là:
1. Góp phần rất lớn vào việc khẳng định bản chất quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo dưới ánh sáng đường lối chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh.
2. Phát triển thành quả to lớn của ba chiến dịch trong năm 1972 (chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh, chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Quảng Trị), tạo ra bước ngoặt cơ bản trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bước ngoặt đó là: Buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari 1973 thực hiện không điều kiện việc rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình không điều kiện ở Việt Nam. Buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện cuộc can thiệp quân sự kéo dài vàoViệt Nam với quy mô khổng lồ (53 vạn tướng sĩ Mỹ đổ bộ vào Việt Nam, các lực lượng chiến lược của không quân và hải quân Mỹ tham gia chiến đấu ở Việt Nam suốt nhiều năm, chi phí cho chiến tranh Việt Nam trên ba trăm tỷ đôla Mỹ, v.v…).
3. Làm cho chính quyền và quân đội Sài Gòn mất chủ, mất chỗ dựa về chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế; suy yếu nhanh chóng về mọi mặt, tiến tới tiêu tan ý chí chiến đấu trên lĩnh vực quân sự. Chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong diễn văn từ chức đã cay đắng và uất ức nói: Ngay cả 50 vạn quân Mỹ cũng còn bị Việt Cộng đánh thua thì quân đội Việt Nam Cộng hòa làm sao mà tự mình địch nổi sức mạnh vũ bão của quân đội Việt Cộng!
4. Tạo điều kiện cơ bản thuận lợi cho các lực lượng vũ trang Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị chủ lực từ miền Bắc tiến vào miền Nam, mở những cuộc tiến công thăm dò ở miền Nam và nhanh chóng chuyển sang những cuộc đại tiến công thần tốc tiêu diệt từng phần, tiến tới tiêu diệt toàn bộ hải, lục và không quân của quân đội Sài Gòn, giành toàn thắng vào ngày 30/4/1975.
Tóm lại, không có chiến thắng “Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội” (tức Điện Biên Phủ trên không) cuối 1972 thì không thể có Hiệp định Pari 1973 với những điều kiện do chúng ta đưa ra. Những điều kiện đó là: Mỹ phải rút quân toàn bộ và không điều kiện ra khỏi Việt Nam đồng thời chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện tất cả các hình thức chiến tranh trên đất nước Việt Nam. Đã có Hiệp định Pari 1973 thì sớm muộn ắt phải có ngày “đánh cho ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như dự đoán và chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, gọi đại thắng trên bầu trời Hà Nội 1972 là “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là hoàn toàn đúng và hoàn toàn chính xác. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tạo tiền đề quét sạch các lực lượng viễn chinh tinh nhuệ Mỹ ra khỏi bờ cõi, quân dân ta đã thực hiện toàn thắng chỉ thị của Hồ Chí Minh: “đánh cho Mỹ cút”.
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh hùng hồn dự đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.
Trận “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không” là chiến thắng có ý nghĩa quân sự, chính trị, lịch sử. Chiến thắng đó đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng vô địch của “không lực Hoa Kỳ”; làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và âm mưu đưa “miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” của Tổng thống Mỹ Nich-xơn; tạo ra cục diện mới để quân và dân cả nước ta thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong bài thơ Xuân năm 1969: “Ðánh cho Mỹ cút”, làm cơ sở để “đánh cho ngụy nhào”, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Chiến thắng “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không” những ngày cuối tháng 12/1972 mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chiến thắng đó đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ 20, là niềm kiêu hãnh của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là bài học quý giá về trí thông minh, lòng dũng cảm và tài nghệ quân sự của quân và dân ta trong chống tiến công hỏa lực đường không của địch.
*
* *
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP là một trong những vị tướng trực tiếp chỉ huy trận chiến đấu quyết liệt này. Trong cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, Đại tướng đã dành một phần nội dung nói về trận “Điện Biên Phủ trên không”. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu phần viết đó của Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP.
... Hà Nội, tháng 12/1972 Nhiệt độ xuống thấp hơn mọi năm. Cái rét mùa đông cộng vào cái vắng lặng của ba mươi sáu phố phường vừa được lệnh triệt để sơ tán, càng làm cho thời tiết thêm giá buốt. Cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở Paris, Thủ đô nước Pháp, đang ở bước gay go. Sau những tháng ráo riết vận động bầu cử với trò “ngoại giao con thoi” và lời hứa mang lại hòa bình, Níchxơn ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai. Ở Sài Gòn, ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu run sợ trước những điều khoản bất lợi cho chúng trong thoả thuận giữa ta và Mỹ ngày 18/10/1972, phản ứng quyết liệt với chủ Mỹ. Các cuộc họp giữa các bên cuối tháng 11 và đầu tháng 12 không đạt kết quả nào. Trong thời gian này, Mỹ cấp tốc vận chuyển cho Thiệu một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh bằng cả một năm trước đó. Để xoa dịu Thiệu và mặc cả với ta, Ních-xơn trở mặt ngang ngược đòi sửa đổi nhiều điều khoản trong bản dự thảo hiệp định lúc này tưởng chừng sắp được ký kết sau hơn ba năm đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế trên đại lộ Klebe. Tất nhiên, ta không chấp nhận. Tình hình rất khẩn trương. Đã mấy ngày liền, anh Văn Tiến Dũng và tôi thường về nhà muộn, có khi ở lại Tổng hành dinh làm việc đến tận nửa đêm. Diễn biến trên mặt trận ngoại giao dự báo sẽ có những diễn biến mới trên mặt trận quân sự. Chúng tôi chỉ thị cho các cơ quan quân báo, tác chiến thường xuyên báo cáo tình hình địch, tình hình các chiến trường, và yêu cầu Bộ Ngoại giao thông báo kịp thời những động thái ở Hội nghị Paris. Ghi sâu lời dặn của Bác Hồ đầu năm 1968 khi Người đến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”, hướng phán đoán là Mỹ có thể mang máy bay ném bom chiến lược B52, con chủ bài cuối cùng ra mặc cả với ta, đánh sâu vào hậu phương miền Bắc. Trải qua tám năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, quân và dân ta đã có nhiều chiến công và kinh nghiệm. Nhưng với B52 thì còn quá ít.
Nhớ lại giữa năm 1965. Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh phá một số căn cứ của ta ở miền Nam. Ngày 12/4/1966, lần đầu tiên Mỹ dùng B52 đánh ra miền Bắc ở đèo Mụ Giạ (Quảng Bình), trục đường số 12, cửa khẩu Việt - Lào. Ngay khi đó, Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Đặng Tính - Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh B52. Quyết tâm bắn rơi B52 được đề ra từ đây. Tháng 5/1966, Trung đoàn tên lửa 238 được điều vào Vĩnh Linh để nghiên cứu đánh B52. Tại đây, ngày 17/9/1967, trung đoàn này đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên. Từ tháng 2/1968, Quân uỷ Trung ương dự đoán Mỹ có thể dùng B52 leo thang đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến. Suốt thời gian sau đó, nhiều đoàn cán bộ Phòng không - Không quân cùng một số trung đoàn tên lửa và biên đội không quân tiêm kích được cử vào nghiên cứu cách đánh B52 trên vùng trời Quân khu IV. Đặc biệt, từ tháng 5/1972, để gây sức ép với ta trên bàn đàm phán, Ních-xơn ra lệnh mở chiến dịch không quân Lainơbếchcơ (Tiền vệ) dùng B52 trút hàng trăm ngàn tấn bom xuống tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn hòng ngăn chặn sự chi viện mạnh mẽ của miền Bắc cho miền Nam. Đây là một dịp để ta nghiên cứu cách đánh loại máy bay chiến lược này của Mỹ.
Việc nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh B52 được triển khai gấp rút và đã căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9/1972. Dựa vào kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài và thủ đoạn hoạt động của địch, tài liệu Cách đánh B52 sau nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh, đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu của bộ đội. Cũng cần nói thêm rằng, mặc dù sự giúp đỡ của Liên Xô về vũ khí, kỹ thuật là quý báu và có hiệu quả, nhưng từ năm 1969, bạn không viện trợ thêm một quả đạn tên lửa nào. Các bộ khí tài tên lửa, rađa cũng dần dần xuống cấp. Điều đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ ta phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất chiến đấu của vũ khí, khí tài có trong tay.
Ngày 22/11/1972, Trung đoàn Tên lửa 263 ở tây Nghệ An bắn hạ một B52. Chiếc máy bay rơi ở phía tây Nakhomphanom, cách căn cứ Utapao (Thái Lan) 64km. Hãng thông tấn Mỹ UPI buộc phải thú nhận tin này. Tuy không bắn rơi máy bay tại chỗ, nhưng lý thuyết sáng tạo bước đầu đã được thực tiễn kiểm nghiệm.
Các báo cáo của Cục Quân báo trong giao ban hằng ngày ở Bộ Tổng Tham mưu cho thấy địch đang ráo riết chuẩn bị: Thành lập Bộ chỉ huy hợp nhất không quân chiến lược chỉ huy cả căn cứ Utapao (Thái Lan) và căn cứ Anđécxơn (Guam); tập trung quá nửa số B52 của không quân Mỹ vào hai căn cứ này; bố trí máy bay tiếp dầu KC135, máy bay trinh sát và gây nhiễu điện tử ở căn cứ Subích (Philippin). Cục Tác chiến được lệnh trực ban 24 giờ trên 24 giờ.
Ngày 24/11, anh Văn Tiến Dũng xuống Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân duyệt phương án đánh B52 của lực lượng phòng không Hà Nội, và chỉ thị chậm nhất đến ngày 3/12 phải hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, các trận địa phòng không của cả ba thứ quân khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu.
Trong buổi giao ban ngày 18/12/1972, Cục 2(2) báo cáo: Hồi 5 giờ sáng, ta bắt được tin của địch từ sân bay hỏi: “Trực thăng hôm nay cấp cứu ở đâu?”. Trưa hôm ấy một máy bay RF4C bay qua Hà Nội báo về căn cứ: “Thời tiết quanh Hà Nội hoạt động được”. Trên bầu trời Khu IV, hoạt động của không quân địch đột ngột giảm xuống, đặc biệt không có tốp B52 nào. Tất cả các đài rađa của mạng cảnh giới mở máy trực ban đều không có nhiễu tích cực. Đây là những dấu hiệu không bình thường, chỉ một ngày sau khi bộ đội Phòng không - Không quân được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
Chiều ngày 18/12/1972, chiếc chuyên cơ BH-195 (3) đưa anh Lê Đức Thọ về nước đáp xuống sân bay Gia Lâm lúc 16 giờ 45 phút. Cũng khoảng thời gian ấy, Níchxơn gửi công hàm như một tối hậu thư, hạn trong 72 giờ ta phải trở lại bàn đàm phán theo những điều kiện của Mỹ.
19 giờ 10 phút. Trong phòng làm việc của tôi tại Tổng hành dinh, tiếng chuông điện thoại reo vang từ một trong bốn chiếc máy có chế độ ưu tiên số 1. Tiếng nói của đồng chí trực ban tác chiến nghe rất rõ:
- Báo cáo thủ trưởng, B52 đã cất cánh từ Guam. Utapao, nhiều tốp bay dọc sông Mêkông lên phía bắc? các lực lượng Phòng không - Không quân đã sẵn sàng, vào cấp 1 xong.
Mấy phút sau, còi báo động rú từng hồi.
19 giờ 45 phút. Có tiếng bom nổ ở phía xa xa. Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo: Máy bay địch đang đánh phá sân bay Hòa Lạc. Tiếp theo đó, nhiều tốp B52 vào đánh các sân bay Nội Bài, Gia Lâm. Tiếng ầm ì khô và nặng của động cơ máy bay B52 mỗi lúc một rõ dần. Những vầng lửa loé lên, chớp giật liên hồi. Theo sau là những tràng tiếng nổ long trời. Rồng lửa Thăng Long nối nhau bay vút lên không trung, đan những vệt sáng màu da cam giữa màn đêm Hà Nội.
Cơ quan Tổng hành dinh àm việc hối hả. Tôi yêu cầu Bộ Tổng tham mưu cứ 5 phút báo cáo một lần. Cục 2 báo cáo: Níchxơn đã ra lệnh bắt đầu chiến dịch Lainơbếchcơ II, dùng máy bay chiến lược B52 từ các căn cứ Mỹ ở Thái Lan, Guam, Philippin tiến công Hà Nội, trong khi các máy bay cường kích F111 tiến công các sân bay gần đó. Chiến dịch này đã được Níchxơn, Kít-xinhgiơ và tướng Hây (Haig) bàn bạc, quyết định tại phòng bầu dục ở Nhà Trắng ngày 14/12. Để thực hiện kế hoạch này, Bộ chỉ huy Sư đoàn không quân chiến lược lâm thời số 57 được thành lập. 50 máy bay KC-135 để tiếp dầu cho B52 được điều thêm sang Philippin. Trên vịnh Bắc Bộ, năm tàu sân bay đang hoạt động, Cục Tác chiến khẩn trương nắm tình hình, liên tiếp chuyển lệnh cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.
20 giờ 20 phút. Chuông điện thoại đổ hồi. Ở đầu dây bên kia là đồng chí Nguyền Quang Bích, Phó Tư lệnh Phòng không - Không quân:
- Báo cáo Đại tướng, hồi 20 giờ 16 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 bộ đội phòng không Hà Nội bắn rơi tại chỗ một chiếc B52.
Tôi hỏi:
- Có đúng B52 không?
- Báo cáo, đúng là B52.
Một lát sau, đồng chí Nguyễn Quang Bích báo cáo cụ thể: Đây là chiếc B52G cất cánh từ Guam. Nó rơi xuống xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Tin chiến thắng xé toang bầu không khí căng thẳng.
Tổng hành dinh náo nức trong mềm vui được thấy “con ngoáo ộp” B52 không còn là “bất khả xâm phạm” trước những con “rồng lửa Thăng Long”. Tôi bước ra ngoài Sở Chỉ huy. Trời rét đậm và mưa bụi. Nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường.
Trong đêm 18 rạng ngày 19/12, địch sử dụng B52 cùng không quân chiến thuật liên tiếp hết đợt này đến đợt khác đánh phá Đông Anh, Yên Viên, Mễ Trì, Gia Lâm, Hòa Mục. Thủ đô chìm trong khói lửa.
4 giờ 39 phút sáng ngày 19/12, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn tên lửa 267 bắn rơi chiếc B52 thứ hai. Máy bay rơi tại chỗ trên cánh đồng xã Tân Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.
Một sự trùng hợp lịch sử: Hà Nội lại nổi lửa diệt thù đúng vào ngày Thủ đô vùng lên kháng chiến, ngày 19/12/1946, hai mươi sáu năm sau. Nhớ lại tháng 9/1971, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa, địch có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng.
Ngay ngày hôm sau, nhân danh Bí thư Quân uỷ Trung ương, tôi chỉ thị cho các Đảng bộ trong toàn quân: “B52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội.
Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”. Bộ đội cao xạ, rađa, tên lửa và không quân được lệnh triển khai huấn luyện chiến đấu theo các phương án đã được kết luận. Một số trận địa tên lửa, trận địa cơ động cho pháo cao xạ và sân bay dã chiến được bí mật xây dựng. Dân quân, tự vệ Hà Nội và một số thành phố được bổ sung hỏa lực bắn máy bay. Công tác bảo đảm quan sát, thông tin được tăng cường.
Ngày 25/11/1972, trong Chỉ thị: Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, Quân uỷ Trung ương cũng nhắc lại: “Sắp tới, địch có thể ném bom bắn phá trở lại các mục tiêu ngoài vĩ tuyến 20 với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng”.
Ngày 27/11, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định có nhiều khả năng địch dùng B52 đánh vào Hà Nội và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Trong bức điện gửi Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh B2, Quân uỷ Trung ương cũng đã thông báo dự kiến khả năng này. Mặc dù vậy, do quán triệt quyết tâm chưa tốt, suy nghĩ lúc này vẫn nặng về khả năng địch dùng B52 đánh phá từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Trị, nên đầu tháng 12 đã có lệnh điều một Trung đoàn tên lửa vào Khu IV, tiếp đó lại điều thêm hàng trăm quả đạn tên lửa của phòng không Hà Nội vào theo.
Sáng 19/12, khi khói lửa còn chưa tan hết, Bộ Chính trị họp tại Tổng hành dinh nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo diễn biến trận đánh B52 trong đêm đầu tiên, khen ngợi chiến công của các lực lượng phòng không và chỉ thị kiên quyết đập tan hành động quân sự điên cuồng, phiêu lưu mới của đế quốc Mỹ. Buổi chiều, tại Câu lạc bộ Quốc tế ở Hà Nội, trước đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng công bố những hành động tội ác của địch đêm 18/12 và kết quả tiêu diệt B52 của quân và dân ta. Sáu tù binh Mỹ vừa bị bắt cúi đầu thú nhận nỗi kinh hoàng của chúng trước lưới lửa dày đặc của lực lượng phòng không Hà Nội.
Đêm 19/12, quân ta chiến đấu hiệu suất thấp, mặc dù địch đã cho xuất kích 87 lần chiếc B52, chỉ kém đêm hôm trước ba lần chiếc. Nguyên nhân do chưa thực hiện đúng hướng dẫn của quân chủng, lại lo thiếu đạn nên chỉ bắn từng quả một.
Thủ đoạn của địch là cho B52 tập kích vào ban đêm và bay ở độ cao 11km nhằm tránh hỏa lực của các loại pháo cao xạ. Ngày cũng như đêm, địch tập trung máy bay tiêm kích và cường kích cùng với các biện pháp gây nhiễu tích cực và tiêu cực chế áp, đánh phá các sân bay và trận địa tên lửa, hy vọng sẽ loại trừ hoàn toàn sự uy hiếp của hai lực lượng chủ yếu có thể đánh được B52 là tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích của ta.
Anh Văn Tiến Dũng xuống họp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chỉ thị phải phát huy sức mạnh của các binh chủng, tích cực tạo điều kiện cho không quân ta đánh B52, phát huy hiệu suất chiến đấu của bộ đội pháo phòng không để đánh địch ở tầm thấp. Anh còn chỉ đạo cụ thể các mặt bảo đảm chiến đấu để đánh liên tục, dài ngày. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh quân chủng, các tiểu đoàn tên lửa kịp thời rút kinh nghiệm, tìm ra cách đánh có hiệu quả nhất theo sở trường, sở đoản từng đơn vị.
Kết quả đêm 20 rạng ngày 21/12/1972, bộ đội tên lửa đã lập công xuất sắc, phóng 35 quả đạn bắn rơi 07 chiếc B52, có 05 chiếc rơi tại chỗ. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Thái cũng hiệp đồng chặt chẽ, bắn rơi 07 máy bay chiến thuật và một máy bay không người lái.
Đòn tiến công trong đêm thứ ba của chiến dịch Lainơbếchcơ II đã bị thất bại nặng nề. Tinh thần của phi công B52 suy sụp nghiêm trọng. Ngày 21/12, tôi chỉ thị cho quân chủng Phòng không – Không quân: Thắng lợi của chúng ta là rất lớn, cần cố gắng phát huy chiến thắng hơn nữa. Địch sẽ tập trung đánh các trận địa tên lửa. Phải tìm mọi cách bảo vệ tên lửa để tiếp tục tiêu diệt B52. Chú ý bảo đảm đạn tên lửa để đánh được liên tục. Cố gắng phát huy tác dụng của không quân nhằm B52 mà đánh. Tôi cũng trực tiếp gọi điện xuống các sư đoàn biểu dương: Bộ đội phòng không Hà Nội vừa qua đánh tốt. Tôi nói: “Cả nước đang hướng về Hà Nội. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội.
Từng giờ từng phút. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương theo dõi cuộc chiến đấu của Hà Nội. Vận mệnh của Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội”.
Sáng 21/12/1972, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động chiến tranh điên rồ của chính quyền Níchxơn. Sau khi nhắc lại lập trường trước sau như một của Việt Nam, bản tuyên bố viết: “Nhân dân ta rất thiết tha với hòa bình, nhưng phải là hòa bình trong độc lập tự do thật sự. Chúng ta có đầy đủ thiện chí, đồng thời có đầy đủ quyết tâm và lực lượng để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản thiêng liêng của mình. Vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, đồng bào và chiến sĩ cả nước hãy nêu cao khí phách anh hùng, đoàn kết một lòng, ra sức thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu trên ba mặt trận quân sự chính trị và ngoại giao nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà”.
Ngay ngày hôm ấy, tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được phát đi trên Đài Phát thanh Giải phóng: “Bọn xâm lược Mỹ đụng đến miền Bắc một, thì quân và dân miền Nam quyết giáng trả chúng gấp năm, gấp mười lần!”. Đài cũng truyền đi thư của Sài Gòn gửi Hà Nội: “Lửa miền Bắc khêu lửa miền Nam, lửa Hà Nội giục lửa Sài Gòn”. Từ ngoài vô trong, từ hậu phương lớn đến tiền tuyến lớn anh hùng đang vang lên tiếng trả lời đanh thép: Đánh! Một màn hiệp đồng tuyệt đẹp trên các mặt trận quân sự dư luận và ngoại giao, giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn. Các mũi giáp công nhằm đúng kẻ thù trong chiến lược tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tổng hành dinh làm việc hết sức khẩn trương. Các đồng chí cơ yếu, quân báo, tác chiến, thông tin, mắt hõm sâu qua những đêm thức trắng. Đạn tên lửa thiếu nghiêm trọng. Các dây chuyền lắp ráp đạn tiến hành liên tục ngày đêm, quá sức chịu đựng của con người, mà đạn vẫn không đủ. Quả đạn vừa lắp xong đã có xe chờ sẵn chuyển ngay về trận địa. Tôi thường xuyên gọi điện cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn phòng không Hà Nội, biểu dương thành tích bắn rơi B52 của bộ đội tên lửa, kiểm tra, tình hình chiến đấu. Tôi, đặc biệt nhấn mạnh phải khẩn trương lắp ráp đạn, tiết kiệm đạn, đạn tên lửa chỉ dùng để đánh B52.
Phòng Thông tấn Quân sự thuộc Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) kịp thời ra các bản tin chiến sự, nóng hổi từng giờ. Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần dừng các buổi phát thanh thường lệ để phát tin chiến thắng. Sau khi ra lệnh ném bom vào dịp Quốc hội Mỹ đang kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Níchxơn lánh mặt đi nghỉ ở Kibiscâynơ, bang Florida, tránh các nhà báo và công luận Mỹ. Thế nhưng “chảy trời không khỏi nắng”. Búa rìu dư luận đã giáng xuống đầu bọn xâm lược, đòi chúng phải chấm dứt ngay “cuộc diệt chủng” ở Việt Nam. Hành động tàn bạo của Níchxơn trùm bóng đen lên ngày lễ Giáng sinh, khiến lương tâm của cả loài người nổi giận. Chưa bao giờ làn sóng phản đối chiến tranh của đế quốc Mỹ lại bùng lên dữ dội như những ngày này trên khắp hành tinh và ngay tại nước Mỹ. Các nhà lãnh đạo các nước xã hội chủ nghĩa ra tuyên bố kịch liệt lên án hành động xâm lược mới của Mỹ, khẳng định sự ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Các Đảng cộng sản và công nhân phẫn nộ tố cáo tội ác của Mỹ, kêu gọi nhân dân các nước đấu tranh đòi hòa bình cho Việt Nam. Ở khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người xuống đường sôi sục biểu tình lên án mạnh mẽ hành động tội ác ghê tởm của Nhà Trắng. Các nghị, sĩ Quốc hội Mỹ ở cả hai viện chỉ trích gay gắt hành động leo thang mới của Níchxơn đã tiến hành mà không tham khảo ý kiến Quốc hội và nhân dân Mỹ. Tờ Thời báo Niu Yoóc, ngày 26/12/1972, cảnh cáo “Mỹ có nguy cơ trở lại một kiểu dã man của thời kỳ đồ đá?”. Duy nhất chỉ có bè lũ Nguyễn Văn Thiệu là hí hứng, vui mừng. Hãng AP (Mỹ) ngày 19/12 đưa tin “một quan chức cao cấp của Nam Việt Nam cho rằng cuộc tiến công trở lại vào vùng trung tâm của Hà Nội và Hải Phòng là để khuyến khích chúng tôi”? rằng “việc này chứng tỏ Mỹ không bao giờ bỏ rơi chúng tôi “, và nhắc lại lời của Thiệu tháng 8/1972 van xin Mỹ “ném bom cho tan nát miền Bắc Việt Nam(!)”. Xấu xa đến mức báo Nhân đạo (L Humamté) ở Pháp đã bình luận: “Ngay như trước đây, trong hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, những tên Pháp gian như Đôriô cũng không dám đề nghị “đồng minh” tàn phá Paris. Thế mà nay Thiệu lại mong muốn Mỹ ném bom tàn phá đất nước mình. Thiệu thật đáng xấu hổ hơn cả sự xấu hổ!”.
Nhân ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), anh Phạm Văn Đồng cùng các anh Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài đến thăm Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân. Thủ tướng đã biểu dương chiến công của bộ đội, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ nêu cao quyết tâm chiến đấu, kiên quyết đánh bại âm mưu đen tối, tàn bạo của Mỹ, giành thắng lợi to lớn hơn nữa.
Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân và các đoàn thể quần chúng ở Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương cũng liên tục cử các đoàn đại biểu đến các trận địa phòng không thăm hỏi và tặng quà cho bộ đội.
Lúc này, địch tập trung tiến công các trận địa tên lửa, đối tượng chính gây nguy hiểm cho các loại máy bay Mỹ. Thủ đoạn của chúng là dùng tên lửa Srai bắt sóng rađa của ta để đánh vào trận địa.
Sáng 22/12, tôi đến trận địa Tiểu đoàn 77 tên lửa ở Chèm đang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Sau khi nghe báo cáo về chiến công bắn rơi B52 đêm trước, tôi vào trong xe chỉ huy yêu cầu Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn và kíp chiến đấu gồm sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức, các trắc thủ phương vị, góc tà, cự ly Mộc, Hà, Tân báo cáo về kỹ thuật và động tác xử trí cụ thể. Những con người dũng cảm, thông minh, kết thành một tập thể ăn ý, cùng một ý chí lập công, chỉ cần một cái nháy mắt cũng đủ hiểu ý định của nhau, đã có những nhận xét khá tinh tế. Xiết chặt tay từng đồng chí, tôi trao đổi, bàn bạc, động viên các chiến sĩ cố gắng tìm thêm cách đánh tối ưu, diệt thêm nhiều B52 của địch.
Ở một tiểu đoàn tên lửa khác, khi tôi đến thăm, anh em báo cáo là đang phải sửa chữa vũ khí, khí tài. Về sau, mới rõ vào thời điểm tôi đến, đơn vị đã có lệnh chuẩn bị chiến đấu. Vì muốn bảo vệ tôi, anh em đã nói dối. Biết vậy, nhưng không nỡ phê bình. Việc này gợi nhớ lại một ngày trước đó, đi thăm một trận địa phòng không thì gặp máy bay địch tới khi xe đang chạy trên đê sông Đáy. Chỉ kịp cho xe dừng lại, tôi và các đồng chí cùng đi nằm ép xuống mặt đường cạnh thân đê. Địch phóng mấy quả tên lửa Srai vào một trận địa tên lửa gần đấy rồi bay thẳng. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Sự việc chỉ có thế thôi mà mấy ngày hôm sau, vài hãng thông tấn phương Tây đưa tin tôi bị tử thương vì bom B52. Mấy nhà báo Pháp đến sứ quán ta ở Paris xin tiểu sử của tôi. Các đồng chí Ba Lan và một số sứ quán ta ở nước ngoài, nửa tin, nửa ngờ, điện về hỏi xem hư thực.
Sau này, tôi còn được biết một số đồng chí ta bị địch giam cầm, khi nghe tin ấy đã bí mật tổ chức truy điệu tôi trong nhà tù. Đài Tiếng nói Việt Nam đã phải cho thu thanh ngay trong hầm chỉ huy của Tổng hành dinh bài diễn văn của tôi nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) và phát lên để gián tiếp cải chính.
Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa