Thứ ba, 31/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Phan 6 DBP tren khong anh 1


Tên lửa SAM-2, trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972 được gọi là “Rồng lửa
Thăng Long” đã đánh sập uy thế không lực Mỹ

HUYỀN THOẠI SAM -2:

Để có thể bắn hạ các loại máy bay ném bom tầm cao mà không có tính  năng né tránh vũ khí của đối phương, như B-47, B-52 của Mỹ, từ năm 1953 Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển hệ thống tên lửa đất đối không SAM thay thế pháo cao xạ từ Thế chiến thứ II đã không thể đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới. Với tiêu chí đó, SAM không cần đổi hướng liên tục, chỉ cần tốc độ và có khả năng vô hiệu hóa những biện pháp chống tên lửa của máy bay địch. SAM-2 lần đầu tiên “trình làng” trong lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc tế Lao động ở Moskva năm 1957.

SAM-2 là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Surface -To Air Missile Type 2” (Tên lửa đất đối không kiểu 2) do phương Tây đặt cho loại tên lửa mang tên Đvi-na (là tên một dòng sông Nga) – ký hiệu là C-75 (theo tiếng Nga) của Liên Xô.

Phan 6 DBP tren khong anh 2
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 67 (trung đoàn 257)trong chiến dịch12 ngày đêm

Về tính năng tác dụng, SAM-2 sử dụng ra đa cảnh báo sớm Spoon Rest với tầm hoạt động 275km. Ra đa này cung cấp thông tin sớm về máy bay địch và chuyển về ra đa thu nhận Fan Song. Với tầm hoạt động 65km, Fan Song có nhiệm vụ xác định vị trí, cao độ và tốc độ của máy bay địch. Tên lửa dùng trong hệ thống SAM- 2 là V-750 hai tầng, tầng phóng sử dụng nhiên liệu rắn, tầng động cơ chính sử dụng nhiên liệu lỏng để duy trì quỹ đạo bay.

Với tầm bắn khoảng 45km và độ cao lên đến 27km, được dẫn đường bằng tín hiệu radio, V-750 có thể hạ gục “pháo đài bay” B-52 bất cứ lúc nào.

Đầu đạn của SAM-2 là loại phân mảnh, nặng 195kg, chứa lượng thuốc nổ tương đương 200kg TNT và tốc độ bay đạt Mach 3. Cách mục tiêu 60m, hiệu ứng vô tuyến sẽ kích hoạt và đầu đạn tự nổ. Khi đó, máy bay đối phương cùng lúc chịu sức ép cực mạnh của sóng xung kích và sức nóng ngàn độ của quả cầu lửa 12 nghìn mảnh đạn “bung” ra.

Điểm yếu của SAM-2 là nhiên liệu lỏng ở tầng 2, gồm 2 chất riêng biệt, rất độc hại và thường xuyên phải thay thế. Ngoài ra, ra đa Fan Song và Spoon cũng rất dễ bị vô hiệu hoá khi bị gây nhiễu mạnh.

Hệ thống SAM-2 được tổ chức theo cơ cấu trung đoàn với 3-4 tiểu đoàn hỏa lực và một tiểu đoàn kỹ thuật. Mỗi tiểu đoàn hỏa lực có 6 bệ phóng và 6 tên lửa thường trực, các ra đa sục sạo mục tiêu, ra đa ngắm bắn và ra đa điều khiển (kết hợp ra đa cảnh giới của trung đoàn)...

SAM-2 bắt đầu được triển khai ở Liên Xô từ năm 1957 và kết thúc vào giữa thập niên 1960 với khoảng 1.000 trận địa. Ngoài Liên Xô, SAM-2 cũng được triển khai ở Đông Âu như “chiếc ô” bảo vệ bầu trời cho tất cả các thành viên khối Warsaw.

Trước khi đến Việt Nam, bảng thành tích của SAM-2 được ghi nhận với những cái tên “tế thần”: 2 chiếc U-2 của Mỹ (bị bắn rơi ở Liên Xô và Cuba) và nhiều máy bay trinh sát RB-57 của Đài Loan (bị Trung Quốc bắn rơi).

Cũng cần nói thêm rằng, tên lửa SAM-2 được thiết kế để bắn mục tiêu trên không tới độ cao 27km. Trong cuộc chiến tháng 6/1967 ở Trung Đông, quân đội Ai Cập đã triển khai 18 tiểu đoàn tên lửa SAM-2, nhưng chỉ phóng được 22 quả, bắn rơi 2 máy bay Mirage của Israel.

Trong cuộc chiến tranh này, một số khí tài SAM-2 nguyên vẹn đã rơi vào tay quân đội Israel và được chuyển ngay cho Mỹ nghiên cứu, tìm hiểu...Sau 4 tháng “mổ xẻ” SAM-2, Mỹ đã cho ra lò nhiều thiết bị gây nhiễu để đối phó với loại tên lửa này, trong đó có loại nhiễu rất nguy hiểm cho rãnh điều khiển tên  lửa (nhiễu rãnh đạn).

Từ cuối năm 1967 đầu năm 1968, Mỹ đã trang bị rộng rãi những thiết bị gây nhiễu mới cho các loại máy bay tham chiến ở Việt Nam. Vì vậy, khắc phục và phần nào đã “vô hiệu hóa” được hệ thống gây nhiễu của B52 cũng như của cả lực lượng không quân Mỹ, là một sáng tạo lớn, một chiến công tuyệt vời của bộ đội PK-KQ Việt Nam.

Nhờ ý chí quyết thắng và sức sáng tạo của chiến sĩ tên lửa ta nên từ khi hiện diện tại Việt Nam (năm 1965) tên lửa SAM đã liên tục nối dài bảng vàng thành tích để trở thành huyền thoại khi “hạ gục” không quân Mỹ, đặc biệt là “pháo đài bay” B52 trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Thực tế đó đã làm nên sức mạnh thần kỳ của “SAM Việt Nam”. Sức mạnh ấy được thể hiện hết sức sinh động trong các cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên miền Bắc; đặc biệt là trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972.

Phan 6 DBP tren khong anh 3

Quyết tâm chiến thắng của các chiến sĩ một đơn vị tên lửa SAM-2 của Bộ đội
Phòng không Hà Nội trước trận đánh

Trong cuộc đọ sức và đấu trí quyết liệt, để khống chế sức mạnh của SAM-2 và trí lực của quân đội ta, Mỹ đã nghiên cứu SAM-2 thu được từ cuộc chiến 6 ngày giữa Ai Cập-Syria với Israel ở bán đảo Sinai. Sau đó, Mỹ đã chế ra máy phát nhiễu ALQ-71 nhằm vô hiệu hoá khả năng dẫn đường của ra đa, nhằm biến SAM-2 trở thành “trò chơi” của B.52. Đó là một hiện thực và không phải không gây cho chúng ta những khó khăn ban đầu. Thế nhưng, bằng lòng dũng cảm, trí thông minh, sự sáng tạo, bộ đội tên lửa phòng không của ta đã không chấp nhận lùi bước. Sau một số lần phóng tên lửa không trúng đích, hoặc không điều khiển được, nghiên cứu kỹ, các kỹ sư Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định: ra đa đã bị gây nhiễu. Khi dùng biện pháp thu sóng cộng chụp ảnh, chúng ta đã phát hiện ra dải tần số, cường độ của loại nhiễu này. Cán bộ chiến sỹ trong lực lượng đã khắc phục bằng phương pháp “át nhiễu” với việc nâng công suất sóng ra đa lên gấp 3 lần, đủ sức vượt qua cường độ nhiễu không chỉ của ALQ-71, mà cả những loại có công suất lớn hơn như ALQ-101, ALQ-107. Đó là một yếu tố và sự sáng tạo rất quan trọng. Chúng ta đã sáng tạo những cách đánh của Việt Nam, đã sử dụng yếu tố bất ngờ, phục kích và lập ra các trận địa SAM-2 giả để đánh lừa không quân Mỹ…

Với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sức sáng tạo của cả dân tộc, chúng ta đã vô hiệu hóa “sức mạnh vô địch” của không quân Mỹ và gây nỗi khiếp đảm một thời đối với họ.

Trong 8 năm (1965-1972), các đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh 3.542 trận, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, trong đó có 43 máy bay B52. Việt Nam trở thành nước duy nhất trên thế giới sử dụng tên lửa SAM-2 tiêu diệt máy bay B52 với một hiệu suất đáng nể: 7,1 tên lửa/1 B52. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM-2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B-52…Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí “Không quân Mỹ” cũng phải cay đắng thừa nhận: “B52 đã được tung ra với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận một kết cục bi thảm chưa từng thấy!”

Thực ra, với tầm cao khống chế mục tiêu của SAM-2 từ 25 đến 27 km, tầm xa tới 45 ki-lô-mét, trong khi trần bay của B-52 là 15 km, độ cao ném bom hiệu quả của B-52 trong khoảng 9 - 11km thì việc nâng tầm tên lửa SAM-2 là không cần thiết, không như lời đồn đoán lâu nay. Nhưng, những sáng tạo của bộ đội phòng không Việt Nam để làm nên chiến thắng là hoàn toàn có thật. Trong đó, có sự cải tiến đáng kể nhất không thể không nhắc đến đối với SAM-2, đó là cải tiến về kỹ thuật để có thể chống lại cả hai dạng gây nhiễu điện tử của không quân Mỹ, bảo đảm cho bộ khí tài điều khiển tên lửa hoạt động bình thường, có thể “vạch” nhiễu để phát hiện chính xác B-52 và điều khiển SAM bay tới tiêu diệt mục tiêu. Bên cạnh đó, một trong những sáng tạo được thực hiện cận kề nhất khi chiến dịch gần diễn ra, đó là việc khắc phục khó khăn thiếu đạn tên lửa.

Thực ra, tại thời điểm đó số đạn tên lửa trong kho của ta vẫn còn khá nhiều, nhưng lại là những quả đạn đã quá hạn sử dụng (vì được Liên Xô viện trợ từ những năm 1964 - 1966).Nếu muốn sử dụng được số đạn này thì phải có một quy trình công nghệ phức tạp mà ngành kỹ thuật quân sự của ta chưa trải qua. Để bảo đảm có đủ đạn tên lửa cho cuộc chiến đấu, đặc biệt là cuộc chiến đánh B52 trong chiến dịch 12 ngày đêm, một nhiệm vụ nặng nề đặt ra là phải làm hồi sinh được những quả tên lửa đã quá hạn sử dụng. Với trí thông minh và sự sáng tạo, các cán bộ kỹ thuật của quân đội ta đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình “Lắp ráp ngược”.Theo đó, đầu tiên là lấy hết nhiên liệu ra, rửa sạch các khoang chứa, sấy thật khô, rồi dùng thiết bị đặc biệt kiểm tra độ chịu đựng áp suất cao của từng khoang. Sau đó tháo rời tầng đuôi, đầu đạn, cánh lái, xếp gọn tất cả vào thùng, xong cặp chì lại y như mới... Chính nhờ có số đạn được “hồi sinh”này mà trong chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa có đủ đạn chiến đấu với B52 Mỹ, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” huyền thoại.

Tình trạng thiếu đạn tên lửa xảy ra và lan nhanh bởi nhiều lý do. Trước hết chúng ta chưa dự đoán đầy đủ quy mô lớn của trận tập kích chiến lược với số lượng B52 tham chiến lớn như vậy. Theo lời mô tả của viên đại uý phi công Mỹ Rô-bớt Vôn-phơ đăng trên tạp chí Air Forces -1977 thì đêm 18 tháng 12 “đàn voi con” bao gồm 67 chiếc B52 nối đuôi nhau dài tới 70 dặm ầm ầm kéo vào Hà Nội. Cường độ đánh phá cũng đạt tới mức kỷ lục: Đêm 18 có 90 lần chiếc tập   kích liên tiếp 3 đợt vào hầu hết các mục tiêu quan trọng ở Hà Nội. Ngày 19 có 87 lần chiếc và ngày 20 tới 93 lần chiếc được huy động. Máy bay địch bay vào ngày càng đông, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong trận đầu dẫn đến bắn trượt, bắn hỏng cộng với việc sử dụng đạn tên lửa có phần phung phí ở một vài đơn vị đã góp phần dẫn đến việc khan hiếm đạn. Điều này biểu hiện rõ nhất trong đêm 18 và 19 là những đêm mà ta sử dụng số lượng đạn tên lửa lớn trong khi chỉ bắn rơi 3 chiếc B52 (đêm 18) và 2 chiếc B52 (đêm 19).

Trong chiến công chung của Bộ đội Tên lửa Phòng không, Bệ phóng và tên lửa SA-75 của Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 trong chiến dịch “Điện Biên phủ trên không”, 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, là bệ phóng duy nhất đã bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ, trong đó có 3 chiếc rơi tại chỗ. Trước đó, từ năm 1966 đến năm 1972, đơn vị này đã bắn rơi tổng số 25 máy bay hiện đại của Mỹ như: F105, F 4C, A 6A...

Sau khi lập nhiều chiến công xuất sắc, bệ phóng đã được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Các loại pháo phòng không ta sử dụng trong chiến dịch “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”:

+ Súng máy phòng không tầm thấp(cỡ 12,7mm và 14,5mm):Súng máy DShK 12,7mm được LiênXô phát triển từ cuối những năm 1930,với mục đích tạo ra loại súng có khả năngchống thiết giáp hạng nhẹ và máy bay tầmthấp. Súng máy phòng không 12,7mmhoạt động theo cơ chế trích khí, được làmmát bằng không khí; nặng khoảng 137kg(tính cả giá đỡ ba chân), được điều khiểnbởi một tổ ba người và cả ba người nàysẽ phụ trách tháo lắp di chuyển từng phầnsúng khi cần; được lắp một hộp tiếp đạncỡ 50 viên. Tầm bắn tối đa 2000m, tuynhiên tầm bắn hiệu quả chỉ là 1.000m. Sơtốc đầu đạn 850 viên/phút, tốc độ bắn 600viên/phút. Súng máy phòng không DShK12,7mm đặt trên giá ba chân.

+ Súng máy phòng không ZPU-1/2/4 (sử dụng cỡ nòng 14,5mm):

Tất cả seri ZPU đều được Liên Xôphát triển trong khoảng thời gian 1945-1947, đến đầu năm 1950 chúng được đưavào biên chế của Hồng Quân. Mặc dùra đời từ cách đây nửa thế kỉ, nhưng tớitận ngày nay, chúng vẫn nằm trong thànhphần trang bị của hàng chục quốc gia trênthế giới, trong đó có Việt Nam.

Các seri của ZPU bao gồm:

- ZPU-1 được lắp một nòng cỡ14,5mm

- ZPU-2 được lắp hai nòng cỡ14,5mm

- ZPU-4 lắp bốn nòng cỡ 14,5mm

Tất cả các series ZPU trên đều bắnloại đạn API (BS41) trọng lượng 64,4gram.Sơ tốc đầu đạn 1000m/s, tầm bắn tối đachống máy bay 5000m, tuy nhiên thật sựhiệu quả ở cự ly 1400m. Tốc độ bắn trên lýthuyết 600 viên/phút còn thực tế chỉ là 150viên/phút.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủtrên không, DShK 12,7mm kết hợp vớicác khẩu đội ZPU-1/2/4 với nhiệm vụchống máy bay địch bay thấp đã phát huytác dụng bắn rơi nhiều máy bay quân địch,đặc biệt là chiến công bắn hạ 5 máy baycánh cụp cánh xòe F-111 “con lợn đất”của không quân Mỹ.

 + Pháo phòng không 37mm M1939 (61-K):

M1939 (61-K) là pháo phòng không cỡ nòng 37mm được Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1930 và sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh thế giới  thứ hai. Pháo 37mm được thiết kế chủ yếu để chống lại máy bay ném bom bổ nhào, các mục tiêu tầm thấp, tầm trung hoặc chống lại các loại xe thiết giáp hạng nhẹ. Đây là loại pháo nòng dài rãnh xoắn, được đặt trên xe kéo bốn bánh ZU-7l; có tầm bắn chống máy bay 2500m, tốc độ bắn khoảng 180 viên/phút. Khẩu đội bao gồm 8 người. Pháo được ngắm bắn bằng kính ngắm quang học.

Năm 1972, pháo 37mm tiếp tục tham gia vào chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” với vai trò phòng không bảo vệ cầu cống, kho tàng, bến bãi,… và các trận địa tên lửa chống máy bay địch bay tầm thấp.

+ Pháo phòng không 57mm AZP S-60:

Đây là loại pháo phòng không tầm thấp, tầm trung do Liên Xô phát triển từ những năm 1950.

Cũng giống như pháo 37mm, S-60 57mm còn được sử dụng để chống lại các loại xe thiết giáp hạng nhẹ và bắn máy bay tầm thấp. Thông thường, 57mm S-60 được kéo bởi một xe Ural- 375.

Một sự khác biệt lớn với 37mm M1939 (61-K) là hệ thống ngắm bắn của 57mm S-60 được triển khai cùng với hệ thống điều khiển với máy chỉ huy PUAZO-6/60 và ra đa SON- 9/9A, hoặc tương tự pháo 57mm cũng sử dụng máy chỉ huy PUAZO-5 và ra đa SON-4.

Trong tác chiến phòng không, pháo 57mm có tầm bắn 4.000m nếu dùng kính ngắm quang học và 6.000m nếu có ra đa dẫn đường. Trong một trung đoàn trang bị 57mm thường được bố trí thành bốn khẩu đội. Mỗi khẩu đội gồm 6 pháo, ra đa điều khiển hỏa lực, máy chỉ huy.

Sau này, các chuyên gia còn cải tiến lắp pháo 57mm lên thân xe tăng T-54 để tăng khả năng cơ động. Mẫu cải tiến này được đặt tên là ZSU-57-2 (pháo 57mm hai nòng). Loại này cũng được trang bị cho quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Pháo 57mm AZP S-60 nằm trong thành phần lực lượng phòng không tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Phan 6 DBP tren khong anh 4
Pháo phòng không giáng trả quyết liệt không quân Mỹ ném bom Hà Nội

+ Pháo phòng không 100mm KS-19:

Đây là loại pháo phòng không tầm trung, tầm cao của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Pháo 100mm được điều khiển bởi một tổ 15 người, khi cần thiết chúng được di chuyển bởi xe kéo bánh xích hạng trung AT-S và hạng nặng AT-T.

Trong tác chiến chống máy bay, 100mm KS-19 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao 10.000m. Các loại đạn sử dụng cho KS-19 bao gồm: đạn HE (thuốc nổ mạnh), đạn HE-nổ mảnh, đạn nổ mảnh.

KS-19 sử dụng kính ngắm quang học hoặc dùng hệ thống điều khiển bao gồm ra đa SON-9A và máy chỉ huy PUAZO-6/19 tăng thêm độ chính xác. Tuy nhiên, tốc độ bắn của KS-19 khá chậm (15 viên/phút).

Tương tự pháo 37, 57mm, KS-19 cũng được dùng để chống lại xe thiết  giáp hạng nhẹ. Chúng có thể xuyên giáp dày 185mm ở khoảng cách 1000m.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, lực lượng phòng không quân ta với trang bị từ súng máy phòngkhông 12,7mm, ZPU-1/2/4 14,5mm tới pháo 37mm, 57mm, 100mm đã tạo thành lưới lửa tầm thấp, tầm trung, tầm cao phủ khắp miền bắc. Tập trung đánh địch từ mọi hướng, bảo vệ an toàn cho các kho tàng, bến bãi, sân bay, trận địa tên lửa... Tính riêng từ ngày 18 đến 30 tháng 12, bộ đội phòng không đã bắn rơi hàng chục chiếc máy bay hiện đại của quân Mỹ, trong đó có cả loại mới nhất F-111.

Không quân nhân dân Việt Nam - Những cánh én quả cảm

* Không phải cứ hiện đại hơn là thắng

Tính tới thời điểm xảy ra chiến dịch Mỹ sử dụng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội - Hải Phòng, tháng 12 năm 1972, có thể nói về lực lượng không quân, chưa có nước nào bằng Mỹ, kể cả về số lượng máy bay và về tính hiện đại của các loại vũ khí này. Không quân của Việt Nam ta càng không thể so sánh được với không quân Mỹ trên cả hai tiêu chí đó. Cũng vì vậy, thời kỳ những năm cuối của thập kỷ 60 Thế kỷ XX, lực lượng không quân non trẻ của ta đã rất khó khăn trong việc lập công khi không chiến với không quân Mỹ và đã có những thiệt hại trong những trận chiến đấu.

Nhưng không vì thế mà bộ đội không quân nản chí. Quyết tâm tìm cách đánh hợp lý để tiêu diệt máy bay địch là điều từ Bộ Tư lệnh Binh chủng đến chỉ  huy các đơn vị và tới mỗi chiến sỹ phi công đều trăn trở... Để rồi cuối cùng cách đánh ngày được hoàn thiện hơn theo tinh thần: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Và, chính bản lĩnh, ý chí, sự dũng cảm và tinh thần quyết đánh quyết thắng của bộ đội không quân ta đã chiến thắng kẻ thù có sức mạnh gấp nhiều lần.

Trong các bài viết phân tích về phương tiện máy bay và các trận không chiến giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam, ngay các chuyên gia của Mỹ cũng đã nêu lên những ưu thế hơn hẳn về phương tiện kỹ thuật Mỹ so với máy bay MiG của không quân nhân dân Việt Nam.

Tuy vậy, càng về sau, không quân Mỹ càng mất dần ưu thế trong các trận không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam. Cũng bởi các phi công trẻ của ta bên cạnh lòng quả cảm, đã kịp thời đúc rút kinh nghiệm, biết hạn chế những mặt mạnh của máy bay Mỹ và phát huy tối đa mặt ưu điểm của máy bay ta (tuy những ưu điểm đó không nhiều).

Trong cuốn sách “Những trận không chiến trên bầu trời Bắc Việt, 1965-1972” - Marshall L. Michel III - Naval Institute Press 1997, có đoạn: “...Kết quả cho thấy máy bay Mỹ to và nặng hơn nhiều máy bay MiG, có ưu thế ở tốc độ cao và độ cao thấp; trong khi MiG nhẹ và ngoặt tốt ở tốc độ thấp và độ cao cao. Trừ phi các lại máy bay F của Mỹ không ngoặt theo MiG thì còn có thể giữ ưu thế, còn khi đã vòng tiếp cận, đặc biệt ở tốc độ thấp, ưu thế lại thuộc về MiG”.

Đoạn viết trên phần nào cho thấy rằng, không một loại phương tiện kỹ thuật nào mà không có nhược điểm hoặc không có ưu điểm. Vấn đề là nắm được những ưu, nhược điểm đó để có cách khai thác, lợi dụng sao cho phát huy được hiệu quả chiến đấu. Đó cũng là một trong những “thế mạnh” của các phi công Việt Nam trong cuộc đối đầu với không quân hiện đại của Mỹ. Điều đó cũng có nghĩa là tuy địch mạnh hơn ta, nhưng ta thắng được là nhờ biết khai thác sức mạnh và kỹ thuật để đánh vào điểm yếu của địch.

Trong Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng vậy, lực lượng không quân còn rất non trẻ với số lượng không nhiều của ta, đã phải chiến đấu với lực lượng không quân hết sức hiện đại của Mỹ (đặc biệt là máy bay chiến lược B52) với số lượng máy bay lớn gấp hàng chục lần máy bay ta. Nhưng không vì thế mà không quân nhân dân Việt Nam chịu lùi bước.

Ngay trước khi diễn ra chiến dịch, Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân đã xác định lực lượng không quân chủ yếu của ta được sử dụng để đánh B52 là MiG-21. Vì thế, nhiều ngày trước đó, Binh chủng đã tích cực tổ chức cho các phi công lái MiG- 21 tập bay cả ban ngày và ban đêm với những tình huống “không chiến” sẽ có thể xảy ra.

* Những cánh én quả cảm

Trong chiến dịch 12 ngày đêm, nhiệm vụ của không quân ta là chặn đánh địch từ xa, tiêu diệt các máy bay hộ tống và tìm cách bắn hạ máy bay B52; đồng thời làm rối loạn đội hình địch, tạo điều kiện cho tên lửa và các đơn vị phòng không mặt đất bắn rơi máy bay địch, đặc biệt là B52.

Công bằng mà nói, những trận “không chiến” ngày ấy diễn ra thực sự không cân sức. Máy bay MiG của ta vừa nhỏ (mà cũng chỉ có MiG-21 là tham gia chiến đấu ở tầng cao đánh B52 của địch), vừa có số lượng ít giữa cả bầy chiến đấu cơ hiện đại, đủ các loại, rất hùng hậu của địch. Vậy mà, những cánh én quả cảm của Không quân nhân dân Việt Nam vẫn mưu trí “tả xung hữu đột” gây rất nhiều khó khăn cho máy bay địch, thậm chí có nhiều lúc địch tỏ ra bị động trong việc chống đỡ với máy bay ta và đội hình địch trở nên rối loạn.

Đặc biệt, chỉ với số lượng không nhiều máy bay xuất kích, lại chỉ có một loại máy bay là MiG-21, không quân của ta, với lối đánh thông minh, với tinh thần quả cảm, đã hạ gục “thần tượng B52” của không lực Mỹ mà trước đó vẫn được coi là “Bất khả chiến bại”, là con “ngáo ộp” khiến nhiều người (nhiều quốc gia) vẫn... sợ. Góp phần làm nên những chiến công quan trọng đó có phi công Phạm Tuân lái MiG-21 lần đầu tiên bắn hạ máy bay B52 trong chiến dịch này (đêm 27/12/1972).

Chiến công của ông khi đó đã khích lệ các chiến sỹ lái máy bay rất nhiều, tạo thêm niềm tin vào việc MiG-21 của không quân ta hoàn toàn có thể đối đầu và chiến thắng B52.

Trong chiến dịch, không quân của ta đã đáng trân trọng biết nhường nào! Các anh phải vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm để chiến đấu và chiến thắng kẻ địch có ưu thế vượt trội hơn mình.

Có thể nêu lại một số diễn biến trong các trận chiến đấu để hiểu hơn về bản lĩnh và trí thông minh, lòng quả cảm của các phi công ta: Ngày 18/12, vào lúc 19 giờ phi công Trần Cung đã lái máy bay MiG- 21 cất cánh từ sân bay Hoà Lạc, nhưng do không phát hiện địch, anh quay về hạ cánh sân bay Nội Bài. 19 giờ 25 phút cùng ngày, phi công Phạm Tuân cất cánh từ sân bay Nội Bài, bay đến khu vực Hoà Bình, Phạm Tuân phát hiện từng chùm kim loại gây nhiễu do F4 thả, nhìn phía trước phía sau đều có máy bay địch, chúng bật đèn, bay thẳng về phía Hà Nội. Phạm Tuân bật tăng lực, cơ động tránh tên lửa. Mấy giây sau, phát hiện dãy máy bay địch, mỗi chiếc có 4 đèn sáng (B52), anh mở ra đa, nhưng ra đa bị nhiễu không bắt mục tiêu.

Địch phát hiện MiG-21 bật tăng lực nên đã kịp đối phó. Phạm Tuân bay về sân bay Nội Bài, nhưng sân bay vừa bị 6 chiếc B52 ném bom rải thảm, hệ thống đèn đường băng hỏng, lợi dụng ánh sáng của các loại hoả lực từ mặt đất bắn lên và một máy bay địch đang bốc cháy trên bầu trời, Phạm Tuân đã hạ cánh an toàn.

Những ngày sau đó, các phi công ta vẫn tiếp tục cất cánh chiến đấu với máy bay địch. Phi công Vũ Đình Rạng, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Thanh Quí cất cánh chặn địch từ đằng xa. Chiều 23/12/1972, biên đội Nguyễn Văn Nghĩa và Lê Văn Kiền cất cánh từ sân bay Nội Bài bay vào vùng trời Hoà Bình chặn địch. Nguyễn Văn Nghĩa bay số 1, phát hiện 6 biên đội F4 của địch (24 chiếc) trước mặt. Từ độ cao 8.000m, các anh lao vào đội hình địch, vừa tránh tên lửa của địch, vừa tìm thế tấn công. Nguyễn Văn Nghĩa chiếm được vị trí thuận lợi, bám ngay sau chiếc F4, anh bình tĩnh cho máy bay địch vào vòng ngắm, bóp cò. Máy bay rung lên, tên lửa vút đi. Tiếng Lê Văn Kiền hô to: “cháy rồi”. Chiếc máy bay con ma F4 như một bó đuốc cháy rực rơi nhanh xuống đất. Các anh còn quần nhau với địch một hồi, rồi thoát ly về sân bay. Đường băng chính bị địch bắn phá hỏng nặng, các anh đề nghị kiểm tra đường lăn. Nghe báo đường lăn chưa bị trúng bom, hai phi công nhanh chóng hạ cánh xuống. Trên trời máy bay F4 địch bắn đại liên xối xả, nhưng đều không trúng máy bay ta. Máy bay tiếp đất, phi công bình tĩnh đưa máy bay vào hầm trú ẩn trong núi.

Phan 6 DBP tren khong anh 5
Phi công Nguyễn Hồng Mỹ trước giờ cất cánh

Ngày 27/12/1972 vào giữa trưa, Biên đội Đỗ Văn Lanh và Dương Bá Kháng cất cánh từ sân bay Nội Bài lên vùng trời Vĩnh Phú thì gặp máy bay địch. Dương Bá Kháng số 2 phát hiện hai chiếc F4 địch bám theo Đỗ Văn Lanh đang chuẩn bị công kích. Lập tức Kháng thông báo cho Lanh tránh đạn địch và anh bám theo một chiếc F4. Máy bay địch mải công kích Lanh, không phát hiện Kháng. Đưa máy bay địch vào vòng ngắm, Kháng bóp cò, tên lửa bay ra khỏi máy bay trúng ngay chiếc F4 nổ tung.

Vào 14 giờ cùng ngày 27/12/1972, Trần Việt lái MiG-21 cất cánh từ sân bay Miếu Môn bay vào vùng trời Hòa Bình, ở độ cao 7.000m. Sở chỉ huy thông báo cho anh biết địch có 4 chiếc. Khi phát hiện trước mặt máy bay địch bay góc 90 độ. Anh lập tức tăng lực, dùng động tác vòng gấp bám địch phía sau. Bọn địch phát hiện MiG-21 của ta, lập tức uốn éo tránh đạn và phân tốp đan chéo tìm cách tiêu diệt ta. Trần Việt ngắm chiếc máy bay số 2 ở cự ly 1.500m, phóng tên lửa, máy bay địch bốc cháy, anh nhanh chóng thoát ly, trở về sân bay Nội Bài an toàn.

Cũng ngay đêm đó, địch tiếp tục cho B52 vào đánh Hà Nội. Lúc 22 giờ 20 phút, phi công Phạm Tuân lái MiG- 21 cất cánh từ sân bay Yên Bái bay vào đánh địch trên vùng trời Mộc Châu (Sơn La). Vượt qua nhiều vòng máy bay địch, đến gần Mộc Châu, Phạm Tuân thả thùng dầu phụ, bật tăng lực, lấy độ cao 7000m. Anh đã phát hiện phía trước có đội hình B52 của địch. Anh báo cáo: “Đã thấy mục tiêu xin được công kích, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”. Sở chỉ huy ra lệnh: “bắn hai quả thoát ly nhanh”. Máy bay địch vẫn bay theo đội hình cơ bản, chưa phát hiện được máy bay MiG bám đuôi. Phát hiện 2 máy bay B52 bay cách nhau khoảng 2km, Phạm Tuân bình tĩnh kiểm tra công tắc, chỉnh lại đường ngắm và bắn hai quả tên lửa. Một quầng lửa trùm lên chiếc B52, và đó là chiếc B52 đầu tiên bị không quân ta bắn rơi trong chiến dịch. Phạm Tuân lật máy bay vòng trái xuống độ cao 2000m, bay trong mây về sân bay Yên Bái hạ cánh an toàn.

Ngày 28/12/1972, biên đội Lê Văn Kiền và Hoàng Tam Hùng cất cánh từ sân bay Nội Bài. Ngay sau đó, Hoàng Tam Hùng phát hiện bên trái 45 độ cự ly khoảng 12km có một tốp 4 chiếc máy bay địch. Lập tức Hùng vào công kích. Lê Văn Kiền phát hiện phía sau 120 độ 4 chiếc máy bay địch đi chiều ngược lại. Kiền vòng lại bám địch. Địch chui vào mây. Hoàng Tam Hùng bám sát chiếc F4, khi đưa máy bay địch vào vòng ngắm, anh phóng tên lửa trúng chiếc F4, rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Nhưng rồi Hoàng Tam Hùng cũng bị trúng tên lửa của địch, hy sinh anh dũng.

Cùng ngày 28/12/1972 vào lúc 21 giờ 41 phút, Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thuỷ, được sở chỉ huy Thọ Xuân dẫn vòng ra phía sau đội hình B52. Đến vùng trời khu vực Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu. Mặc dù ở cự ly gần, nhưng anh vẫn xin vào công kích quyết tâm tiêu diệt địch. Anh đã dũng cảm chiến đấu máy bay B52 địch bốc cháy. Nhưng Vũ Xuân Thiều không kịp thoát ly và đã hy sinh anh dũng.

Lúc 21 giờ ngày 29/12/1972, phi công Bùi Doãn Độ cất cánh từ sân bay Nội Bài đi về hướng Mộc Châu, Sơn La. Tại đây anh gặp tốp máy bay F4 bảo vệ B52. Bùi Doãn Độ đã bình tĩnh tránh đạn địch, dũng cảm, mưu trí bắn rơi một chiếc F4, rồi thoát ly về sân bay Nội Bài, hạ cánh an toàn.

Tới ngày 30/12/1972, sau 12 ngày đêm tập kích Hà Nội, bị thất bại nặng nề, chính quyền Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại diện Chính phủ ta tại Pari, bàn việc ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. Trong chiến dịch, riêng không quân xuất kích 24 lần đã bắn rơi 7 chiếc máy bay trong đó có 2 chiếc B52.

Các biên đội không quân đã 8 lần phá vỡ đội hình bay chiến đấu của địch, tạo điều kiện cho tên lửa và các lực lượng phòng không đánh thắng.

Từ chỗ chỉ bắn rơi các loại máy bay chiến thuật hiện đại của địch, bộ đội không quân trẻ tuổi đã bắn rơi “siêu pháo đài bay” B52, ghi một chiến công mới vào trang sử chiến đấu trên không và lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta. Binh chủng không quân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1976. Các phi công bắn rơi máy bay trong 12 ngày đêm được tuyên dương Anh hùng là: Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Văn Nghĩa (trong đó 2 phi công bắn rơi B52 là Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều).

Phan 6 DBP tren khong anh 7
Phi công Nguyễn Nhật Chiêu (người đứng) cùng các phi công Phạm Thanh Ngân (ngồi bên trái) và Nguyễn Văn Cốc (ngồi bên phải) trao đổi sau trận đánh ngày 23-8-1967

Đúng như nhận xét của các chuyên gia quân sự khi cho rằng: Một trong những bí ẩn của cuộc chiến tranh cục bộ tại Việt Nam là cuộc đối đầu giữa hai lực lượng, một lực lượng không quân hùng mạnh nhất thế giới và một lực lượng không quân sinh ra trong khói lửa chiến tranh, còn rất non trẻ. Trong cuộc đối đầu rất “không cân sức” ấy, lạ thay không phải lúc nào phần thắng cũng thuộc về phía “mạnh” và trong những thời điểm có tính chất quyết định của cuộc chiến thì thắng lợi lại thuộc về phía vốn được coi là “yếu” – Không quân Viêt Nam!

Lý giải về điều này, chuyên gia quân sự người Nga A.I.Trernhusev đã viết bài mang tựa đề “Giải mã những bí ẩn của chiến tranh không quân Việt Nam”. Trong đó viết về cuộc đối đầu về không quân trong chiến dịch 12 ngày đêm, hay còn gọi là chiến dịch Linebacker II cuối năm 1972, có đoạn:

“...Trong 12 ngày chiến dịch Linebacker II, trong 8 trận không chiến, người Mỹ đã triệt để sử dụng kỹ thuật gây nhiễu tích cực, kỹ thuật này đã gây rất nhiều khó khăn cho các phi công MiG- 21, do không ít lần trên màn hình ra đa vũ khí của MiG-21 hoàn toàn bị tín hiệu nhiễu phủ kín, các phi công Việt Nam phải bắn bằng kính ngắm thường và sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, nhưng khi sử dụng tên lửa tự dẫn hồng ngoại, tầm bắn bị giảm sút và khoảng cách phóng cũng không chính xác.

Đây cũng là điểm yếu nhất của MiG-21 về rađa bám và theo dõi mục tiêu. Dù vậy, trong 8 trận không chiến, không quân Mỹ cũng bị mất 7 máy bay, trong đó có 4 F-4 và đặc biệt có 2 chiếc “pháo đài bay”B-52; Đồng thời Không quân Việt Nam cũng mất 3 chiếc MiG-21. Dù với lực lượng phi công đã được huấn luyện kỹ về các chiến thuật chống MiG-21, đồng thời với chiến thuật áp dụng nhiễu dày đặc và bay đêm, người Mỹ vẫn bị tổn thất nặng nề.

“...Trong cả năm 1972, giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam xảy ra 201 trận không chiến. Phía Việt Nam mất 54 máy bay, trong đó có 36 máy bay MiG- 21 và 1 máy bay huấn luyện MiG-21 US. Phía Mỹ thiệt hại 90 máy bay trong đó có 74 máy bay F-4 và 2 máy bay trinh sát RF-4C, 2 máy bay B52. Riêng MiG-21 diệt 67 máy bay đối phương.

...Như vậy, tỷ lệ 2/1 gần như được giữ suốt cuộc chiến tranh trên không giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam. Từ góc độ chiến thuật, có thể nhận thấy rằng: Mặc dù liên tục thay đổi chiến thuật và phương thức tác chiến, vũ khí trang bị, với những phi công dày dạn kinh nghiệm và có số giờ bay lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng không Mỹ cũng không thể tiêu diệt được không quân nhân dân Việt Nam, mà còn bị tổn thất nặng nề. Với không gian thu hẹp của chiến trường miền Bắc Việt Nam, với gần 4.000 máy bay bị tổn thất, có thể nói người Mỹ đã thua trên bầu trời miền Bắc Việt Nam”.

Trong cuộc chiến đấu của bộ đội không quân, để chiến thắng được kẻ địch vừa đông, vừa mạnh về hỏa lực, các phi công Việt Nam đã thể hiện sự dũng cảm và sáng tạo trong cả hai phương diện chiến thuật và kỹ thuật, làm kinh ngạc đối phương. Trong suốt các cuộc không chiến giữa không quân Việt Nam với quân đội Mỹ, phía Việt Nam có 16 phi công đạt đẳng cấp “Át” (tức đã bắn hạ được từ 5 máy bay đối phương trở lên), trong đó người cao nhất là phi công MiG-21 Nguyễn Văn Cốc đã bắn hạ 9 máy bay Mỹ.

Một số chiếc máy bay MiG nổi tiếng của không quân nhân dân Việt Nam trong các trận không chiến với không lực Mỹ:

* Chiếc MiG-17A số hiệu 2310 do phi công Phạm Ngọc Lan (Đoàn 921) lái. Đây là chiếc máy bay đầu tiên do phi công Việt Nam bắn hạ máy bay đối phương trong không chiến.

* Chiếc MiG-17F số hiệu 2011 thuộc Đoàn 923. Đây là chiếc máy bay từng được phi công Ngô Đức Mai điều khiển trong trận không chiến ngày 12 tháng 5 năm 1967 và đã bắn hạ chiếc F-4C số hiệu BN 63–7614, thuộc Phi đoàn 390 TFS, Không đoàn 366 TFW, do Đại tá Không quân Norman C. Gaddis (phi công) và Trung úy James M.Jefferson (lái phụ) điều khiển. Đại tá Gaddis là một chuyên gia chuyên chống MiG nhưng bị chính MiG bắn hạ và bị bắt sống.

* Chiếc MiG-17F số hiệu 2047 và 2011 thuộc Đoàn 923. Đây là 2 chiếc máy bay từng được kỹ sư Trương Khánh Châu cải tiến đeo bom để tấn công tàu khu trục Mỹ Oklahoma City và Highbee ngoài khơi vịnh Bắc Bộ ngày 19 tháng 4 năm 1972.

* Chiếc MiG-17F số hiệu 3020 thuộc Đoàn 923. Đây là một những chiếc MiG-17 đạt được nhiều thành tích nhất với thành tích bắn hạ 8 máy bay đối phương. Hai trong số các phi công đã từng lái máy bay này là Nguyễn Văn Bảy (có biệt danh là Bảy A) và Lê Hải, đều đạt đến đẳng cấp Ace.

* Chiếc MiG-21 F-13 số hiệu 4420 do phi công Nguyễn Ngọc Độ (Đoàn 921) lái. Chiếc này đã hạ 6 máy bay đối phương.

* Chiếc MiG-21 F-13 số hiệu 4520 do phi công là Phạm Thanh Ngân (Đoàn 921) lái, hạ 8 máy bay. Hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Thái Nguyên.

* Chiếc MiG-21 PF số hiệu 4324 thuộc Đoàn 921, được sử dụng bởi 12 phi công khác nhau, từng cất cánh chiến đấu 69 lần, tiếp chiến 22 lần, khai hỏa 25 quả tên lửa đối không, bắn hạ 14 máy bay Mỹ trong khoảng thời gian tháng 11 năm 1967 đến tháng 5 năm 1968. Đây là chiếc máy bay “may mắn” vì không chỉ nó có số lượng máy bay do nó bắn hạ cao nhất (14 chiếc) mà 3/4 số phi công điều khiển đều từng bắn hạ đối phương. Trong số 12 phi công đã từng điều khiển máy bay này, có 9 người đã bắn hạ máy bay đối phương, 8 phi công đạt đẳng cấp Ace, 7 người được tuyên dương anh hùng, 5 người trở thành tướng lĩnh. Hiện nay máy bay này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ở Hà Nội.

* Chiếc MiG-21 PF số hiệu 4326 (Đoàn 921) cũng hạ được nhiều máy bay (13 chiếc) và được nhiều phi công sử dụng, trong đó có phi công Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Phạm Phú Thái. Hiện nay, chiếc 4326 đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không - Không quân; thậm chí có một phiên bản của nó đang được trưng bày tại Mỹ.


Mig 21 trên bầu trời...

* Chiếc MiG-21 PFM số hiệu 5020 thuộc Đoàn 927 cũng là máy bay được nhiều “Át” sử dụng, gồm Nguyễn Tiến Sâm (hạ được 6 máy bay), Lê Thanh Đạo (hạ được 6 máy bay), Nguyễn Đức Soát (hạ được 6 máy bay), và Nguyễn Văn Nghĩa (hạ được 5 máy bay). Bản thân chiếc máy bay này cũng hạ gục được 12 máy bay đối phương. Chiếc này đang được trưng bày tại bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân Hà Nội.

* Chiếc MiG-21 MF số hiệu 5121 từng được Phạm Tuân sử dụng và dùng nó để bắn hạ B-52 đêm ngày 27 tháng 12 năm 1972. Chiếc này cũng từng bắn hạ được 8 máy bay đối phương và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

* Chiếc MiG-21 PFM số hiệu 5033 (Đoàn 921) là chiếc máy bay tham dự trận không chiến cuối cùng giữa MiG-21 và F-4 vào ngày 27 tháng 12 năm 1972, do phi công Trần Việt lái. Phía Việt Nam ghi nhận ngày hôm đó, chiếc máy bay này đã bắn rơi 3 chiếc F-4, nhưng người Mỹ chỉ công nhận hai chiếc rơi.

* MiG-21 PFM 5040: Phi công Lê Thanh Đạo (sau này làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương), Đoàn không quân Lam Sơn. Điểm đặc biệt của chiếc này là được sơn ngụy trang toàn bộ bằng màu xanh đậm.

* MiG-21 PFM 6122: Thuộc đoàn Lam Sơn, sau khi giải phóng miền Nam, toàn bộ MiG-21 PFM còn sử dụng được đều chuyển về cho Đoàn 372 (Hải Vân) tại Đà Nẵng. Chiếc này của quân đội Xô Viết được sơn ngụy trang theo kiểu của Khối Warszawa trước khi đến Việt Nam. Màu sơn ngụy trang này không thay đổi, chỉ có số hiệu máy bay và huy hiệu được thay đổi theo Không quân Việt Nam. Chiếc này đang được trưng bày tại Bảo tàng của sân bay Đà Nẵng./.

Thanh Quỳnh (st)
Còn nữa

Bài viết khác: