Nhiều ký giả, chính khách, văn nhân nước ngoài và trong nước đồng thanh ca ngợi trí nhớ lạ lùng của Cụ Hồ. Nhưng, lạ lùng hơn, là ai đã thấy Cụ Hồ, ai đã được Cụ Hồ tiếp chuyện dẫu chỉ là nột lần thôi, dù việc ấy đã xảy ra lâu lắm rồi, đều nhớ diện mạo, dáng đi, giọng nói, cử chỉ của Cụ, chưa kể tư tưởng, chính kiến.
Có phải rằng, bởi vì Cụ Hồ đã trở thành một danh nhân lớn nên những người quen biết Cụ hoặc có dịp tiếp xúc với Cụ, cố ý hay vô tình tô điểm chân dung, tính tình, phong thái Cụ bằng óc tưởng tượng và tình cảm của mình để tỏ lòng kính trọng danh nhân chăng? Cái đó, thường thấy trong lịch sử, người đời sau thậm chí còn xây nên những huyền thoại, truyền thuyết xung quanh vĩ nhân. Thời nay có khác. Vả lại, Cụ Hồ có nhiều bạn bè thân thiết và còn có cả những địch thủ tầm cỡ nữa. Vậy mà, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều chú ý về chân dung, tính tình, phong cách của Cụ ở những chỗ trùng nhau và nhận xét của họ rất giống nhau. Vậy thì trong đó phải có sự thật khách quan không thể chối cãi trong đó hẳn biểu lộ bản chất của con người được phác họa, được nhận xét.
Xem phác họa, đọc cảm tưởng của người mình về Cụ Hồ, chúng ta có thể hỏi:Không biết có phải vì mấy trăm năm nay, dân tộc Việt Nam mới có được một vị Anh hùng, một vĩ nhân tầm cỡ như thế nên người mình dễ thấy ở Cụ Hồ cái nét chân dung nào cũng đẹp, cũng hay, cũng đặc sắc đến phi thường chăng? “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”, còn gì hơn nữa? Vậy thì ta hãy nghe người nước mình và người nước ngoài nói gì, viết gì về chân dung, tính tình, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi ghi chép theo thứ tự thời gian. Và cũng chỉ ghi chép lại một số trong mấy chục, mấy trăm bản phác họa chân dung của Cụ Hồ .
TrongĐặc san Quốc học Huế , số ra tháng 2 năm 1971, có đăng hồi ức của Lê Thanh Cảnh“Dưới mái trường Quốc học Huế”,viết:
“Khi mới vào lớp nhì trường Đông Ba, anh Côn (Nguyễn Sinh Cung) còn giữ lối ăn mặc của học sinh xứ Nghệ, đi guốc gỗ mũi cao cong lên, quai mây, đội nón tre sơn, mặc áo nhuộm bằng củ nâu. Sau một thời gian, anh tiếp tục thu được cách ăn mặc của học trò xứ Huế, mặc áo vải dù đen, cắt tóc ngắn, đội nón 16 vành. Còn cúp tóc ngắn như các bạn trong lớp nhưng không chải ngược lên hay chải tém qua bên mà thường để mái tóc xuống trán, các thày người Pháp khó tính cho đó là mái tóc bướng bỉnh”.
Ông Dương Đình Nghệ kể:
“Có lần cha tôi đọc sách của Andreé Viollis về Đông Dương, trong đó có nói về Nguyễn Ái Quốc, cha tôi biết Nguyễn Ái Quốc là trò Nguyễn Sinh Cung cùng học một lớp với cha tôi vào niên khóa 1908 - 1909. Trò Cung có dáng cao cao, gầy gầy, trán cao, tính trầm lặng hay có vẻ suy tư, rất giống chị là cô Thanh mà về sau đó cha tôi có quen biết... ".
Ông Lê Thiện kể lại:
“Khi học lớp nhứt Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, trò Cung là một trong 10 học sinh giỏi nhất lớp, được chọn đi thi vuợt cấp. Bấy giờ chúng tôi học thầy Lê Nguyên Lương kiêm hiệu trưởng dạy Pháp văn và cụ Hoàng Thống dạy Hán, thầy Chonquet bên Quốc học sang dạy địa dư. Trò Cung học các môn đều khá, Hán văn thì không ai bì kịp, nhiều bài luận được thày giáo khen trước lớp”.
Ông Lê Thiện kể tiếp về lúc Người học ở Quốc học Huế:
“Trò Cung thích nhất là chơi trò vật tay. Trò Cung giỏi Hán văn, Pháp văn. Có một lần, bạn Cung làm bài vận tiếng Pháp bằng thơ. Trong giờ trả bài, giáo viên Queignec cầm bài của bạn Cung giơ lên, vừa cười vừa nói: Cung đã làm bài luận bằng thơ, ấy là một học sinh thông minh đặc biệt thật! Cung nghỉ học, đi vào Bình Thuận. Bạn Cung đã tỏ ra là một học sinh tuấn tú rất lễ phép đối với thầy, hòa nhã đối với bạn".
Trong sáchNăm nhân vật và nước Pháp , tác giả Lacoutture kể chuyện Giáo sư F. Challaye, một nhà lãnh đạo Hội Nhân quyền Pháp, có lần đi míttinh tại Salle des hortieulteurs, năm 1919, gặp ở cửa phòng họp một thanh niên Việt Nam đang phát truyền đơn kịch liệt lên án chủ nghĩa thực dân, anh thanh niên đó“mảnh khảnh, vầng trán mênh mông, tóc dựng, cử chỉ nhanh nhẹ: Nguyễn Ái Quốc”. Cũng sách trên có đoạn viết về Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội Tua năm 1920 của Đảng Xã hội Pháp (từ Đại hội này, Đảng Cộng sản Pháp ra đời):"Về Đại hội Tours, các báo lúc bấy giờ và nhiều quyển từ điển bách khoa sau đều có đăng những tấm ảnh, ở đó người ta thấy Nguyễn Ái Quốc trong bộ y phục dạ đen xùng xình dường như thuê ở một tiệm nào, áo sơ mi cổ đứng nghiêm trang, không râu, tóc rối, cùng ngồi với các chiến sĩ Đảng Xã hội to người và để râu, vuốt theo kiểu gôloa”.
Lúc này Nguyễn Ái Quốc còn ở Pari. Tại Pari, có lần Nguyễn Ái Quốc bị đòi lên Bộ Thuộc địa: Lần ấy họ có chụp hình Nguyễn Ái Quốc. Bức ảnh này còn cất ở Sở Lưu trữ. Ông Lacouture có được xem mà ông không có thêm thắt gì về chân dung của Nguyễn Ái Quốc, chỉ nói rằng hôm ấy anh đội một cái mũ nhỏ hơn đầu mình, cũ mèm (có lẽ lại mượn của anh bạn nào cũng nên).
Anh thợ Jean Fort ở cùng nhà với Nguyễn Ái Quốc trong ngõ hẻm Compoint, thuật rằng:“Ngõ hẻm Compoint có bốn căn nhà: Ba căn nhà cho mướn để xe; căn thứ tư, tầng trệt là quán cà phê, trên gác có hai buồng, tôi và anh Nguyễn ở trọ. Buồng anh Nguyễn vừa đủ chỗ kê một chiếc giường sắt và một cái bàn nhỏ trên đó có một chậu thau, trong chậu thau có một pô nước rửa mặt. Khi nào anh Nguyễn cần viết thì anh phải để chậu thau và pô nước dưới gầm giường. Không có đồ đạc gì khác".
Ta hãy để bức chân dung phác họa của Lacouture trong cái khung mà J.Fort vừa tả, thì ta có một bức tranh đặc sắc:Bên cái bàn nhỏ, cạnh chiếc giường sắt hẹp, bên dưới là chậu thau, pô nước một người thanh niên gầy, vầng trán mênh mông, cặm cụi viết bài cho báo L" Humannité. Đó là Nguyễn Ái Quốc ở Pari.
Năm 1921, tại Đại hội Mácxây của Đảng Cộng sản Pháp, ký giả Grassier trên báoL" Humanité có vẽ mấy nét chân dung của đại biểu Nguyễn Ái Quốc:"Mặt dài xương xương, mái tóc lãng mạn" (longue face, traits creux, mèche romantique).
Lúc Nguyễn Ái Quốc ở Pari, chỉ có một người Việt Nam phác họa chân dung anh Nguyễn. Người đó là thủy thủ tàu buôn Bùi Lâm. Đó là vào năm 1922, Bùi Lâm muốn gặp anh Nguyễn, tìm đến phố Gobelins:
“- Anh tìm ai?
- Tôi tìm ông Nguyễn Ái Quốc!
- Tôi đây! Mời anh vào!
- Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tươi cười thân mật, mở rộng cửa mời tôi vào. Đồng chí dáng người cao, dong dỏng gầy trong bộ quần áo dạ đen đã cũ, và đặc biệt đôi mắt, đôi mắt to sáng lạ lùng ấy. Tôi vào nhà, thoải mái tự thiên ngay, không rụt rè nữa”.
Cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pari sang Mátxcơva. Ký giả Manđenstam của báo Ogoniok đến phỏng vấn anh Nguyễn. Manđenstam viết:“Khi anh Nguyễn vào phòng họp, người ta thấy anh mảnh khảnh, cao cao, mặc áo dạ, dáng dấp có cái gì lịch thiệp; tế nhị; anh Nguyễn là người Việt Nam duy nhất ở Liên Xô”.
Năm 1924, đồng chí R.Fischer, người Đức gặp anh Nguyễn tại trụ sở Quốc tế Cộng sản Mátxcơva, kể lại:“Anh Nguyễn đến. Người ta thấy anh Nguyễn mảnh khảnh, không sôi nổi hoạt bát, không lẫm liệt oai phong như anh bạn cách mạng khác người châu Á, nước Ấn Độ tên là Roy. Nhưng mà lập tức Nguyễn được tất cả chúng tôi ưa thích, yêu mến. Giữa những chiến sĩ dày dạn hoạt động cách mạng, giữa số các nhà trí thức lắm đòi hỏi lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đem lại một cái gì đẹp lòng, là giản dị mà ai nấy đều hoan nghênh. Giữa chúng tôi, anh Nguyễn là người thực thà ít nói. Thật ra, học thức của anh rộng hơn, sâu hơn là người ta tưởng tượng”.
Từ năm 1925 đến 1934, tôi không thấy bài báo nào thuật lại hành tung của anh Nguyễn. Vì đang công tác bí mật nên anh Nguyễn thay hình đổi dạng như thế nào không ai biết. Năm 1935, đồng chí Dahlem, người Đức, gặp anh Nguyễn ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII tại Mátxcơva, 30 năm sau, Dahlem viết:“Ở Quốc tế Cộng sản, tôi gặp anh Nguyễn chỉ một lần thôi. ấy vậy tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đồng chí Nguyễn: thân mình mảnh dẻ, đôi mắt sáng quắc, trán rộng, mặt xương xương, có vẻ khắc khổ, cái miệng hay cười, phong thái thì điềm tĩnh, nhã nhặn mới hấp dẫn làm sao!”.
Trong sáchCụ Hồ, người cha của quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phác họa hình ảnh đồng chí Vương ở Côn Minh năm 1940:“Hè ở Côn Minh. Một hôm anh Phùng Chí Kiên rủ tôi đi Thúy Hồ. Đồng chí Vương đã đến và hẹn gặp ở đó. Trên bờ Thúy Hồ, chúng tôi đang đi thủng thỉnh dạo chơi thì gặp một người đứng tuổi, gầy, mặc âu phục, đội mũ phớt xám. Anh Kiên đứng lại giới thiệu người ấy với tôi: “Đồng chí Vương”. Đúng rồi! Và tôi biết ngay rằng đây là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so Người với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Người ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn ở trong ảnh nhiều. Và nếu so với ngày nay thì ngày ấy, hai mươi năm trước, Bác vẫn chỉ một dáng gầy như thế, nhưng ngày ấy Bác còn trẻ và chưa để râu. Khi gặp Bác, nay nhớ lại, tôi không thấy vẻ gì lạ hoặc đặc biệt, như trước đây tôi hằng tưởng tượng, mà chỉ thấy, chỉ gặp một phong cách, một cảm tưởng trong sáng, giản dị và cho mãi về sau này, trong công tác trực tiếp với Bác, cái phong cách trong sáng, giản dị ở Bác, tôi vẫn giữ một cảm giác nguyên như ngày mới gặp. Tôi mới gặp đồng chí Vương lần đầu, nhưng thấy từ phút đầu đã gần gũi ngay, rất gần như đã quen từ lâu”.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ thì Cụ Hồ trở về Việt Nam hoạt động ở căn cứ Cao Bằng và hoạt động dưới bí danh Thu Sơn. Trong một chuyến đi công tác ở Quảng Tây (Trung Quốc), Cụ bị chính quyền Quốc dân Đảng bắt giam cho đến năm 1943, Cụ mới ra khỏi tù. Trở về nước, Cụ gặp lại một đồng chí cơ sở. Anh Dương Chí Nần trước có lần gặp Cụ nhưng không biết tên gọi, không biết chức vụ của Cụ. Dương Chí Nần tả “Ông Cụ” khi ấy (năm 1943) như sau:“Ông Cụ lâu nay công tác ở đâu mà không nhắn tin về, ai cũng mong ngóng Ông Cụ. Ông Cụ cho biết là hồi năm ngoái trên đường từ đây đi Liễu Châu, bị bắt; ra khỏi tù, về đây luôn. Thảo nào Ông Cụ gầy quá. Mắt trũng sâu. Vầng trán y như cũ, vẫn cao rộng. Mặt ông Cụ vẫn không có gì khác trước; ánh mắt tươi cười bao trùm lên mọi người. Và cả giọng nói nữa, giọng nói quen thuộc từ thuở ấy...”.
Vài nét phác thảo chân dung Cụ Hồ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là như vậy:Dáng mảnh khảnh, mặt xương xương, trán mênh mông cao và rộng, mắt chói sáng, người nhanh nhẹn, phong cách lịch thiệp, giản dị.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, số đồng bào và người nước ngoài gặp Cụ ngày càng đông, kể hàng ngàn, hàng vạn, mà những nét đặc tả về chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn bản là không khác trước bao nhiêu, song cũng ghi thêm được nhiều nét đặc sắc, do người quan sát chú ý hơn, do Cụ Hồ nhiều tuổi hơn.
Một lần, Cụ Hồ nói chuyện với đồng bào tại Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội. Anh chiến sĩ người Đức, sĩ quan của quân đội cách mạng Việt Nam, kể lại về ngày hôm đó:“Bấy giờ (tháng 9-1945), tôi chưa hiểu tiếng Việt nhiều, nhưng tôi cũng chen vào giữa đám người khổng lồ để được đứng gần Người, lắng nghe Người nói. Người mặc bộ ka ki màu vàng, sơ mi trắng, có gương mặt xương xương, vầng trán cao và đôi mắt sáng. Người nói rất ấm, chậm rãi, rõ ràng! Có hỏi mọi người: "Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?”. Và từ đám đông im lặng bỗng vang lên hai tiếng “Rõ ạ" như sấm dậy. Ấn tượng của tôi qua cuộc mít tinh này chính là gương mặt đầy vẻ thông minh của Người, là sự cởi mở chân thành của Người đối với quần chúng”.
Được thấy Bác Hồ lần đầu tại một cuộc triển lãm ở Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, năm 1945, nhà thơ Xuân Diệu viết về Cụ như sau:“Mắt Bác sáng lạ thường. Có thể nói người nào tà vọng ở trong lòng thì không dám nhìn vào mắt Bác. Do mắt Bác sáng quắc nên trong bức ảnh Nguyễn Năng An chụp Bác được in thành bưu ảnh bán phổ biến nơi nơi, người ta trông thấy trong đó mắt Bác có bốn chấm sáng, đồng bào nhiều người truyền nhau mắt Bác có bốn con ngươi là bởi đó. Trong bức ảnh đầu tiên chụp Bác, Bác Hồ đáng mến yêu vô cùng, vẻ người trong sáng, hiền triết và cách mạng, nhuần nhị như mang truyền thống của các bậc sĩ nho, đôi mắt vừa hiền từ vừa kiên quyết”.
Năm cách mạng mới thành công, ký giả Pháp Lacouture có lần được yết kiến Hồ Chủ tịch. Lacouture ngồi chờ ở phòng khách mà chưa thấy Cụ Chủ tịch vào. Bỗng một người vào phòng khách mà không có dáng của một ông Chủ tịch. Thình lình, ký giả nghe nói:"Tôi cảm ơn ông đến thăm tôi”. Lacouture viết:"Tiếng nói nhẹ nhàng, giọng nói khó tả. Không cần thiết phải biết cuộc đời đầy thần thoại mà sách báo đã viết rất nhiều rồi, tôi vẫn bị thôi miên bởi nhân vật mới vào phòng. Trước khi đến đây, tôi tưởng tượng đâu ông Hồ phải cao lớn hơn, lưng phải khòm hơn, tướng đi không bình thản thư thái cho lắm. Tôi tưởng tượng đâu vì bị truy nã luôn, tù tội mãi, ông Hồ hẳn phải giữ những dấu vết đắng cay đó trên gương mặt. Nhưng không phải như thế. Cái mà tôi chú ý trước hết là cái nhìn nóng cháy lạ lùng ở dưới làn chân mày rậm, cái trán mênh mông, cái mái tóc dựng đã ngả màu xám, gương mặt và dáng vóc đầy nhân cách”.
Tại Đại hội Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội năm 1945, nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi rằng:“Cụ Hồ người gầy và xanh, nhưng tiếng nói của Người thì sang sảng như tiếng chuông".
Còn ký giả Giulapxki, người Ba Lan thì kể chuyện gặp Cụ Hồ ở Pari năm 1946:“Tôi được gặp Hồ Chủ tịch 1ần đầu tiên đã khá lâu rồi. Đó là đầu năm 1946, ở Pari, khi Người sang Pháp để đàm phán hòa bình. Ảnh của Bác được in trên hầu hết các báo. Cho nên khi Người bước vào phòng họp, tôi nhận ra ngay. Có điều là, trong thực tế, Người khác hẳn: vẫn cái dáng gầy, nhã nhặn với chòm râu thưa và bộ quân phục trang nhã; nhưng không một bức ảnh nào thu được cái ánh sáng long lanh của đôi mắt và lột nổi vẻ đẹp cân đối tuyệt vời của cái thân hình đó”.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cụ Hồ ở Việt Bắc. Tướng Lê Trọng Tấn tả lại:“Bác đi nhanh nhẹn, đôi mắt Bác nhìn thấy như Bác cười, giọng Bác trầm, ấm một cách lạ thường”.
Hình ảnh Cụ Hồ được tả đẹp nhất trong thơ của Tố Hữu:
“Giọng của Người, không phải sấm trên cao
Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
...
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời
Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười
Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!” 1.
Hay là:
“Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...” 2.
Tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc (năm 1950), một lần Cụ đến thăm chị em. Chị Bích Thuận ghi nhớ:“Bác đã đến rồi kia. Những cặp mắt sáng không rời nhìn Bác. Nước da Bác rám hồng rạng rỡ. Vầng trán rộng của Bác còn đọng lấm tấm những giọt mồ hôi: Bác vừa vượt qua một chặng đường xa vất vả đến thăm chúng tôi. Bác đây: bộ quần áo nâu chân chất, chòm râu bạc phơ, khuôn mặt hiền từ, luôn luôn nở một nụ cười độ lượng trước những câu hỏi thăm, những lời chào của đàn cháu gái”.
Ký giả người Ôxtrâylia nổi tiếng thế giới, Burchett viết:
“Ấn tượng nổi bật nhất là, bất cứ ai lần đầu tiên gặp Hồ Chủ tịch cũng cảm thấy trí tuệ tập trung ở đôi mắt ngời sáng của Người và lòng nhân đạo, sức hấp dẫn làm cho người đến thăm thấy gần gũi ngay với Người. Ấn tượng thứ hai là khả năng của Người đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề bằng những lời lẽ ngắn gọn và rất trúng".
Một buổi sáng năm 1960, nhà thơ Xôviết Antônki, người dịch:Nhật ký trong tù đến gặp Cụ Hồ. Anh nhớ như in:“đúng 6 giờ rưỡi, chúng tôi đến chờ Người. Chúng tôi vừa mới bước qua ngưỡng cửa của phòng khách thì từ phía cánh cửa đối diện bước ra một người đứng tuổi, nước da ngăm ngăm, vóc người tầm thước, bận một chiếc áo ka ki màu sáng và chân đi đôi dép. Người niềm nở mỉm cười. Nếu như ở đây tôi dùng chữ “đứng tuổi” ấy chính là vì tôi biết rõ tuổi Hồ Chủ tịch. Đúng hơn cả là nên gọi đồng chí là người không có tuổi. Thật vậy, mái tóc Người đã bạc trắng, mà dáng dấp mảnh dẻ, gọn gàng của Hồ Chủ tịch trong mọi cách đi đứng, điệu bộ vẫn giữ được cái gì đó của tuổi thanh niên, một cái gì nhanh nhẹn, khỏe khoắn vĩnh viễn vui tươi. Chủ tịch mời tôi ngồi vào bàn, trên đó bày một bình cà phê đặc và hoa quả. Người rót cà phê một cách nhanh nhẹn, khéo léo... Đôi tay nhẹ nhàng, nhỏ nhắn của Người đưa nhanh lên chiếc bàn với vẻ duyên dáng gần như phụ nữ".
Cũng năm 1960 đó, tại Thủ đô Hà Nội có dạ hội liên hoan của thanh niên. Cụ Hồ đến dự. Nhiều khách quốc tế có mặt, trong số đó, người ta chú ý đến Cuốc Hagơ, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức. Đồng chí C.Hagơ viết về Cụ Hồ trong đêm liên hoan đó như sau:“Tối ấy, Người mặc bộ bà ba lụa, tay áo rộng phất phơ. Trong ánh sáng đủ màu lung linh của những bóng đèn điện treo trên vòm lá, phong thái ung dung, nụ cười đôn hậu của Bác càng hấp dẫn một cách lạ thường. Chòm râu và mái tóc bạc trắng như bông của Bác lúc này dễ làm người ta nghĩ đến một ông tiên trong truyện cổ tích".
Năm 1969, đồng chí Fourniau, học giả người Pháp, nguyên là đại diện báoL" Humanité ở Hà Nội, một lần nữa nói về con người, về chân dung Cụ Hồ, một cách tiếp cận với triết lý:“Cũng vẫn là con người tôi đã được biết cách đây mấy năm, con người mà mặt phi thường như choán hết cả gian phòng, có thể nói là xóa nhòa sự có mặt của những người khác. Nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hòa nhã của Người đối với khách làm cho người ta lúng túng đôi chút ban đầu nhưng sau đó lại tạo ra một bề không khí thân mật, thoải mái ngay. Nét của Hồ Chủ tịch trông có vẻ rất trẻ nếu như không có đôi mắt sáng ngời và chòm râu dài. Ở Người, hình hài như thu lại đến mức nhỏ nhất, chỉ còn toát ra ý chí và trí tuệ tuy đã thoát ra khỏi thể xác, nhưng vẫn hoàn toàn hiện thực”.
Một họa sĩ Đông phương có thể sau khi đọc những lời trích dẫn tản mạn trên đây, vẽ ra một bức chân dung với những nét truyền thần, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở miền Nam, có nghệ sĩ Diệp Minh Châu, từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tuy chưa hề được gặp Cụ Hồ mà đã bằng máu chích từ bàn tay của mình, vẽ một bức tranh có một không hai:Cụ Hồ với ba thiếu nhi Việt Nam Trung - Nam - Bắc. Ở bức tranh đó, người ta vẫn thấy“vầng trán mênh mông", “đôi mắt sáng ngời", “cái miệng tươi cười”, “gương mặt xương xương”, “chòm râu hiền từ”. Dân gian gọi những điều ấy là tướng, cái tướng biểu hiện cái tâm, cả cái chí nữa, của một bậc hiền triết.
_______________
1. Tố Hữu: Thơ Tố Hữu, Nxb. Kim Đồng. tr.69.
2. Tố Hữu: Thơ Tố Hữu, Nxb. Kim Đồng. tr.90.
Còn nữa
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)