Con người là tinh anh của thiên nhiên, thiên nhiên như cha mẹ của con người. Nhưng không phải mỗi ai đều biết yêu thiên nhiên, đều biết gắn thiên nhiên với cuộc sống chiến đấu của mình. Biết yêu thiên nhiên, biết gắn thiên nhiên với cuộc sống chiến đấu là biểu hiện của sự tiến bộ văn hóa, của trạng thái quân bình trong tâm hồn.
Cụ Hồ đem hết nghị lực của mình cho đấu tranh xã hội, ấy vậy mà Cụ Hồ gắn bó với thiên nhiên rất đằm thắm. Ở Cụ Hồ, thiên nhiên như có tính tình của con người, thiên nhiên là bạn tri ân, thiên nhiên như được nhân hóa. Cụ Hồ sống hòa nhập với thiên nhiên, nhưng Cụ không bao giờ là một người ưa du nhàn tản lánh đời như những môn đồ Lão Trang.
Cụ Hồ vốn là con đất Lam Hồng. Đất Lam Hồng đẹp hơn tranh vẽ, đời qua đời danh nhân từng chạm trổ ra thơ những nét kỳ vĩ của danh thắng Lam Hồng. Bây giờ Cụ Hồ tiếp nối cái truyền thống đó, và điều quan trọng là Cụ đem lại một yếu tố mới trong thơ ca ngợi thiên nhiên, yếu tố mới đó là hoài bão cách mạng. Yếu tố đặc sắc - lòng yêu thiên nhiên với hoài bão cách mạng quyện vào nhau, nâng đỡ nhau giống như núi và mây trong một bài thơ nổi tiếng của Cụ Hồ.
Liệu có thể tin được câu:“tôi không phải là một thi sĩ”. Cụ nói với người bạn trẻ Nga có công dịchNhật ký trong tù, “chỉ vì ở tù Quốc dân Đảng nhàn rỗi quá nên tôi làm thơ cho thời gian qua mau”. Ông bạn trẻ kia bị thuyết phục, bèn đọc một bài thơ của Cụ Hồ làm năm 1947 hồi còn ở Việt Bắc, (lúc ấy có thể nói rằng Cụ rất ít thì giờ nhàn rỗi), bài thơ đó chứng tỏ rằng Cụ quả thật là một nhà thơ:
“Phương đông màu trắng chuyển sang hồng
Bóng tối đêm tàn, sớm sạch không;
Hơi ấm bao la trùm vũ trụ
Người đi, thi hứng bỗng thêm nồng”1.
Với bốn câu thơ này, chỉ với bốn câu thơ thôi, Cụ Hồ đã khó chối rằng mình là một nhà thơ. Tứ thơ hay. Hình tượng sống động. Lời văn giản dị mà tư tưởng sâu. Trời và người như một lòng. Tứ thơ đó là vẻ riêng của tình yêu thiên nhiên ở Cụ Hồ, không phải thơ ai cũng có, nhưng thường gặp khi Cụ Hồ vịnh thiên nhiên. Không nói ra thì e thiếu sót, nói ra thì sợ rằng thừa, loại thơ này cốt để nó tự thấm vào nội tâm hơn là được giải ra bằng lời lẽ, ở đây, màu trắng và màu hồng chẳng những là trắng, là hồng mà còn là đế quốc với cách mạng, nô lệ và giải phóng, phi nghĩa và chính nghĩa đấu tranh nhau. Bóng tối đêm tàn quét sạch không, là trời đã sáng, cũng là đấu tranh cách mạng thắng lợi, là cách mạng thế giới đem lại tự do cho cả loài người cũng như mặt trời đem lại hơi ấm cho vũ trụ bao la. Thi hứng của ông lão trên dặm trường là vừa thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, vừa bộc lộ hoài vọng của chính mình, của đồng bào đang kháng chiến cứu nước. Trong thơ Cụ Hồ, chim đậu cửa sổ, trăng vào đòi thơ, mây ôm núi, núi đỡ mây, tiếng suối hát, dòng sông êm đềm, tất cả thiên nhiên đều là bạn hiền, đều là đồng minh chiến đấu của con người mang chính nghĩa. Quả thật"trong thơ có thép" mà thơ vẫn là“mênh mông bát ngát tình”.
* *
*
Trong văn xuôi của Cụ Hồ, không thấy mô tả thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên chiếm một chỗ rất quan trọng ở trong thơ của Cụ.
“Rằm xuân lồng lộng trong soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”1.
(Rằm tháng Giêng, 1948)
“Xem sách, chim rừng vào cửa đậu,
Phê văn, hoa núi ghé nghiên soi.
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ Cụ thơ Xuân tặng một bài"3.
(Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn, năm 1948)
“Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
- Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau,
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận Liên khu báo về”4.
(Tin thắng trận, năm 1948)
“Chống gậy lên non xem trận địa,
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”5.
(Lên núi, năm 1950)
Trăng ngân đầy thuyền, không phải rượu lưng bầu, mà giữa dòng bàn việc quân; kháng chiến toàn quốc bắt đầu nhưng chiến sĩ nhà thơ vẫn thưởng thức đủ đêm xuân lồng lộng. Chim rừng đậu cửa sổ, hoa núi soi nghiên mực, trăng đòi thơ, mây núi trùng trùng trên trận địa, tất cả thiên nhiên như tỏ mối cảm tình với chiến đấu và chào mừng chiến thắng của quân ta.
Cũng có những vần thơ vịnh thiên thiên, tả cảnh vật mà không cần miễn cưỡng nói đến chiến đấu, như là nhằm để cho cảnh vật thiên nhiên yên tĩnh cái phút cần yên tĩnh của nhà thơ.
“Dòng sông lặng ngắt như tờ,
Sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo.
Bốn bề phong cảnh vắng teo,
Chỉ nghe cót két tiếng chèo thuyền nan”6.
Hay là:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”7.
Hoặc:
“Trên đồi cỏ mọc xanh xanh,
Một đàn cò đậu ngoài ghềnh xa xa”8.
Đọc hai câu thơ chấm phá tranh thủy mặc này, người ta nhớ bàiLên núi Cụ Hồ viết từ hồi trước cách mạng:
“Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: Mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai”9.
Người cách mạng đâu phải lúc nào cũng nắm tay, cắn răng mà nhiều lúc ưng thả tâm hồn vào thiên nhiên êm dịu để tịnh dưỡng, để tìm lại thế quân bình sau những tháng ngày sôi nổi, cam go đấu tranh.
Lạ nhất trong thơ Cụ Hồ, là thiên nhiên vẫn có mặt khi Cụ bị giam cầm đầy đọa, khổ cực không thể tả hết. Làm thơ để có cảm tưởng thời gian qua mau, nhà thơ vẫn ca ngợi"trăng hoa tuyết núi sông”, lấy vẻ hiền dịu của thiên nhiên mà đối kháng với sự khốc liệt của nhà tù.
Ngồi tù, nhất là khi Thu sang, nhà thơ nhớ trăng rằm:
“Trung thu ta cũng Tết trong tù,
Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu;
Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt,
Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu”10.
Nhà thơ trong ngục tuy thế vẫn là bạn của trăng và trăng vẫn là bạn của nhà thơ:
“Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ;
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”11.
Thậm chí tay bị trói, chân bị xiềng, Người bị dắt từ nhà tù này sang nhà tù khác, nhà thơ vẫn thưởng thức được vẻ đẹp của thiên nhiên, đau khổ cuộc đời bớt đi trong giây khắc, đường rừng núi cũng bớt xa, xiềng gông đỡ nặng.
“Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng;
Vui say, ai cấm ta dừng,
Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu”12.
Người đọc thơ có cảm giác rằng thân thể người yêu nước dù bị cầm tù, tâm hồn ý chí người yêu nước vẫn tự do ngoài cương tỏa.
Ra tù, Cụ Hồ tập đi bộ, leo núi để mau hồi sức, khỏe chân, sớm về nước tiếp tục công việc cách mạng bị bỏ dở. Bây giờ lòng yêu thiên nhiên quyện với lòng nhớ đồng chí bên nước nhà đang lo buồn không biết mình còn mất thế nào.
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông 1ại trời Nam, nhớ bạn xưa”13.
Có cảnh núi ôm mây, mây ấp núi, mặt sông như gương, thì tình bạn sẽ thêm ấm áp và lòng người thêm trong sáng. Người đọc cảm thấy sự ấm áp và trong sáng trong những vần thơ .
Cụ Hồ thật sự yêu thiên nhiên hay chỉ là một người biết làm thơ có tài dùng những hình tượng quen thuộc về “mây gió trăng hoa tuyết núi sông” để chuyển tải tư tưởng chính trị được phổ biến, ưa thích? - Có đủ bằng chứng để nói rằng Cụ Hồ thật yêu thiên nhiên, yêu thiên nhiên là một tình cảm vốn có của Cụ Hồ. Tình cảm ấy sâu sắc, chỉ khi nào có dịp thì nó mới biểu lộ thành lời thơ, còn thì nó biểu lộ hàng ngày trong cuộc sống, trong nếp sống.
Nhà nghệ sĩ hội họa và điêu khắc Diệp Minh Châu có may mắn được ở chung với Cụ Hồ sáu tháng tại chiến khu Việt Bắc thời kháng Pháp. Anh nhận thấy ở Cụ Hồ một tình yêu thiên nhiên tha thiết:“Có thể nói rằng Bác là một nhà nghệ thuật, một tâm hồn lớn về nghệ thuật mang đầy tính chất nhà thơ Á Đông. Không những Bác chú ý đến việc vẽ của tôi, phê bình, góp ý kiến, mà trong cuộc sống, Bác rất chú ý đến cái đẹp của thiên nhiên, Bác thích nơi có tre trúc rủ trước nhà, trông xa mây vờn lưng núi, suối khe róc rách gần bên. Tôi theo Bác đi tìm mấy chục hang, Bác chỉ chọn có ba hang. Và trên đường đi, chỗ nào có cảnh đẹp thì Bác dừng lại giây lát để thưởng thức. Lần đầu được theo Bác đi tìm địa điểm mới, trong khi lội qua suối, Bác dừng lại chỉ tay ra phía trước hỏi: “Chú Châu, chú thấy có đẹp không?". Tôi nhìn theo tay Bác Hồ trỏ, thấy giữa dòng suối có một hòn đá, nước suối chảy mạnh đập vào tung tóe, bụi nước tung lên như ánh bạc. Có một đêm hai Bác cháu đang nghe đài phát thanh, bỗng Bác gọi: - Chú Châu qua đây! Tôi đến ngồi bên Bác. Bác kéo đầu tôi ghé vào vai Bác, trỏ ra khung cửa sổ. Một mảnh trăng lưỡi liềm nhô ra khỏi núi, tỏa sắc xanh huyền ảo xuống những dải rừng xa. Bác nói: “của chú đấy”! Cái gì đẹp, thơ mộng thì Bác cũng cho là của nghệ sĩ. Chính thật là của Bác. Bác đã tạo ra một sắc thái mới cho trời”.
Tâm hồn của Cụ Hồ là một tâm hồn yêu cái đẹp, trước hết là cái đẹp thiên nhiên.
Nhà thơ Cu Ba, P.Rodrighet mấy chục năm sau nói gần y như Diệp Minh Châu. Có khác một điều là Diệp Minh Châu và Cụ Hồ ở núi rừng, còn bây giờ Rodrighet thăm nhà sàn của Bác ở Thủ đô Hà Nội. Thời điểm khác, địa điểm khác mà cũng chỉ là một tình yêu quý thiên nhiên, đây là phong cảnh mình tạo ra, kia là thiên nhiên tự nó, Rodrighet viết:“Chúng tôi được biết có hai điều Bác Hồ yêu thích, đó là hoa và tiếng chim ca. Hoa và chim luôn luôn ở bên Người. Ngôi nhà nhỏ của Bác nhìn ra phía nào cũng có một ô cửa sổ, một bức tranh bằng ánh sáng, trong đó thể hiện lên những cành cây, và khi gió nhẹ thổi qua, bức tranh như có sức sống”.
Còn gì hơn nữa để nói lên tình yêu thiên nhiên trong Cụ Hồ. Ở Thủ đô, cũng như ở Việt Bắc cũng là chim vào cửa đậu, hoa ghé nghiên soi trong lúc chủ nhà cần cù việc dân, việc nước, việc con người.
Trăng gió núi mây đẹp mà thiên tạo, không dành riêng cho ai, ai có tâm hồn, ai có văn hóa tha hồ mà hạnh hưởng.
Cụ Hồ của chúng ta đi xa hơn, muốn tạo ra một thiên nhiên giàu đẹp cho cả nhân dân Việt Nam chung lòng ca ngợi, chia đều lợi lộc muôn đời: Ta hãy xem, kìa rừng thông, rừng phi lao bát ngát xanh rờn dọc hàng ngàn cây số biển, đằng sau những bãi trắng cát vàng; ta hãy xem bao nhiêu đường lớn, đường nhỏ, bờ ruộng, bờ ao như được viền cây xinh xắn, ta hãy xem bao nhiêu đồi núi xưa trần trụi nay được mặc áo làm cho thời tiết điều hòa hơn, cho người đi đường có bóng mát dừng chân buổi trưa hè, những cái đẹp có lợi ích chung đó bắt đầu từ tiếng gọi“Tết trồng cây” của Cụ Hồ. Ở đây yêu thiên nhiên cũng là làm đẹp, làm giàu cho dân, cho nước, là tái tạo thiên nhiên vì lợi ích con người.
_______________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.315.
2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.378, 542.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.544.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.142.
6,7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.690, 336.
8,9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.242, 235.
10,11,12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.291, 288, 327.
13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.439.
Còn nữa
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)