Giản dị, khiêm tốn
Trăm người viết về Hồ Chí Minh thì trăm người đều ca ngợi tính giản dị của của Cụ. Ngàn người biết Cụ đều nói Cụ giản dị.
Giản dị là tính tự nhiên của Cụ Hồ. Người giản dị thì có nhiều; nhưng lại có ít, rất ít người, đã đạt thành công to lớn nhất trong sự nghiệp xã hội và cá nhân, đã đạt tới đỉnh của sự vinh quang cả trong nước và thế giới mà tính giản dị tự nhiên vẫn không thay đổi. Suốt 79 tuổi đời, suốt 60 năm hoạt động đều như vậy. Duy, mấy chục năm đầu giản dị là bản tính, mấy chục năm sau tính giản dị có nhằm mục đích giáo hóa, làm gương.
Trong sáchĐường Kách mệnh (1925), quyển sách vỡ lòng cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trang đầu nói về tư cách người đảng viên cách mạng, tác giả Nguyễn Ái Quốc có ghi 12 điểm, mà điểm thứ nhất là“cần kiệm”, điểm thứ 12 là“ít lòng ham muốn về vật chất”, điểm thứ 9 là“không hiếu danh, không kiêu ngạo”. Ba điểm đó đều thuộc tính giản dị cả. Người dạy làm sao thì chính mình làm vậy.
Khi Cụ Hồ mất, báo PhápBằng chứng Thiên Chúa giáo viết:
“Vinh quang đến tột đỉnh, nhưng con người Cụ vẫn như trước kia, nghĩa là vẫn ghét xa hoa hào nhoáng, vẫn giản dị về ăn mặc, sinh hoạt. Khi Cụ để cho các em học sinh vuốt râu mình, lúc Cụ đến thăm trường hoặc khi Cụ đi đôi dép cao su, thì đều không có chút gì là mị dân hoặc giả tạo cả”.
Trên báo AnhTribine, ký giả Petghi Đaphơ viết:
“Cụ Hồ xem khinh mọi vinh hoa và quyền cao chức trọng. Cụ sống không phải trong Chủ tịch phủ mà trong một căn nhà nhỏ bằng gỗ. Cụ mặc bộ quần áo ka ki bạc màu, đi đôi dép lốp cao su. Đây không phải là hình ảnh nhằm phục vụ mục đích tuyên truyền hay chính trị; Cụ không phải là một con người như vậy”.
David Hamberstam, phóng viên báo Mỹ New York Times viết:
“Khác với một số người mà nhân dân Việt Nam đã thấy ở các nước xã hội bị nô dịch, càng lên cao càng bị tha hóa, nhưng đối với Cụ Hồ Chí Minh, tính giản dị của Cụ là một chất liệu có sức mạnh to lớn. Càng lên cao, Cụ càng tỏ ra giản dị và trong sạch và luôn luôn giữ những giá trị Việt Nam vĩnh cửu: Tôn kính người già, yêu mến thiếu nhi, coi thường tiền bạc, giàu sang”.
Tờ báo này còn viết:
“Trên thế giới ngay cả các nước cộng sản, thường người ta đề cao lãnh tụ dữ lắm. Sùng bái cá nhân. Còn Cụ Hồ Chí Minh thì cương quyết không tìm cái vỏ bề ngoài lộng lẫy của quyền uy. Như thế Cụ tự tin và tin chắc vào quan hệ của mình với dân tộc, với lịch sử, đến nỗi Cụ chẳng cần đến tượng đài, đền đài, sách báo và những nhà nhiếp ảnh để chứng minh điều đó cho mình. Cụ không muốn người ta sùng bái cá nhân mình; điều đó cả thế giới thấy rõ”.
Abdel Malik Khalin của nước Cộng hòa Ai Cập cho rằng:
“Thiên thần thoại của Cụ Hồ là ở cuộc sống giản dị và khiêm tốn. Cụ bằng lòng với những sự giản dị đó, và không bao giờ lóa mắt vì những chuyến đi khắp các nước trên thế giới... Khi sống trong rừng núi cũng như khi làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ đều luôn luôn giản dị và thanh bạch”.
Chủ tịch Allendé của nước Chilê nhận xét:
“Cuộc đời gương mẫu và nếp sống giản dị của Hồ Chủ tịch đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi. Không có vẻ kiêu kỳ, không có gì ngạo mạn trong lời nói, mà chỉ thấy lòng tin mãnh liệt vào nhân dân. Không bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau đến vậy”.
BáoQuốc gia (Ấn Độ) phác họa:
“Sau vẻ dịu hiền của Người là ý chí sắt thép; dưới bề ngoài giản dị là một tinh thần quật cường, anh hùng, không có gì uy hiếp nổi”.
Bà Indira Granghi khẳng định:
“Tính độ lượng, tính giản dị, tình yêu nhân loại, sự tận tuỵ hy sinh và lòng dũng cảm của Người sẽ cổ vũ các thế hệ mai sau”.
Về tính giản dị của Cụ Hồ, những đồng chí gần gũi Cụ, những anh em nhiều năm bảo vệ phục vụ Cụ, nói rất nhiều, rất cụ thể:
Về ăn, đồng chí Ngọc Châu tả trong bài“Bữa cơm trên đồi thông” :
“Bữa cơm của Bác thanh đạm lắm. Cá kho sao cho khô đanh. Canh cua đồng nấu cho vừa, điểm chút rau thơm, rau ghém, quả ớt đỏ, cơm dẻo nóng sốt là được rồi. Nếu đổi món thì rau muống luộc cho xanh, trứng 1uộc hơi lòng đào, thêm mấy quả cà pháo muối kiểu Nghệ".
Trong Những bức thư kể chuyện Bác Hồ của những người trước phục vụ Cụ đến ngày chót:
“Bác ăn sáng đơn giản. Hôm thì miếng bánh mỳ với ít mứt, hôm thì bát cháo hoa với đường. Trước khi ăn cơm, cả buổi trưa và buổi chiều Bác đi bộ vài trăm thước. Bữa ăn rất thanh đạm. Bác thích ăn cá kho với lá gừng. Họa hoằn các địa phương biếu Bác tương Nam Đàn, mắm Đồng Hới.
Chiều chiều khi mặt trời đã ngả xuống thấy Bác ngồi bên bờ ao, cho cá ăn. Bác vỗ tay gọi cá. Đám cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ tranh nhau để ăn. Bao giờ Bác cũng nhớ tung thức ăn ra xa cho đàn cá con và con cá gáy vảy đỏ...”
Bác đi thăm Quảng Bình. Các đồng chí lãnh đạo thết một“bữa cơm đặc biệt”:
“Cá thu luộc, rau muống luộc chấm nước mắm Cảnh Dương; khế, chuối xanh chấm mắm tôm Kỳ Hòa; canh rau ngót nấu với tôm Nhật Lệ. Trước hết, Bác gắp lên bát cho mấy anh em chúng tôi ngồi gần mỗi người một khúc cá thu. Bác cũng gắp phần Bác; xong Bác đẩy đĩa ra ngoài cho các đồng chí ngồi xa và Bác kéo bát mắm tôm về phía mình”.
Về ở, ở rừng núi, ở chiến khu tất nhiên ở giản dị. Song có điều là anh em nào đi chọn địa điểm cũng phải theo mấy“phương châm”, mấy“điều kiện” không hề đơn giản chút nào, huống chi phải dời mãi chỗ ở, không ở chỗ nào lâu. Anh em bảo vệ nhớ“bài thơ” gần như tiêu chí để lựa chọn địa điểm làm chỗ ăn ở, làm việc của Cụ:
Trên có núi
Dưới có sông
Có đất ta trồng
Có bãi ta vui
Tiện đường sang Bộ Tổng1
Thuận lợi tới Trung ương
Nhà thoáng, ráo, kín, mát
Gần dân, không gần đường.
Đủ các điều kiện đó rồi thì cất riêng cho Cụ một cái chòi tranh, có khi nhà sàn, hay nhà trệt, đủ để vừa nghỉ ngơi vừa làm việc, nhà khuất dưới tán cây mà gần đó có chỗ cho Cụ trồng trọt, tập thể dục, tắm nước suối. Có một chuyện Diệp Minh Châu nhắc mãi: Hôm đó: "Chủ tịch phủ” phải rời đi nơi khác; anh em lo xếp gọn mang dụng cụ, tài liệu và dỡ chòi. Châu thấy Cụ Hồ hì hục đào hố trồng một cây quýt. Lấy làm lạ, Châu hỏi: Dời nhà rồi, Bác còn trồng làm gì? Cụ Hồ đáp: “Ít bữa cây quýt lớn lên, có trái, người đi đường, đi rừng có thể đỡ khát được”. Vẫn là tư tưởng vì người. Giống y về nội dung của chuyện trồng cây quýt, Cụ Hồ và mấy anh em xắn quần lội qua suối, qua gần tới bờ bên kia, Cụ trượt chân suýt ngã, anh em xúm lại, may Cụ nhờ cây gậy mà không ngã. Cụ dừng lại, tay cầm gậy, tay mò dưới nước chảy. Có ai ngờ được Cụ mò và vớt lên một cục đá tròn đóng rong: Cụ nói: Suýt ngã vì cục đá này, nó vừa tròn vừa đóng rong, dẫm lên nó dễ ngã, rồi Cụ ném cục đá đó lên bờ, bảo: Phải tránh cho người khác, càng đến gần bờ người ta càng chủ quan dễ ngã”.
Về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ, dinh thự to đẹp, tiện nghi, Cụ không ở. Cụ ở một căn phòng cũ, hồi thời Pháp, là chỗ ở của một thợ điện. Phủ Chủ tịch lớn, đẹp Cụ Hồ để tiếp khách. Sau, Cụ bảo cất cho Cụ một cái Nhà sàn nhỏ bằng gỗ có lẽ phần nào cũng để nhớ Việt Bắc. Nhà sàn đó nổi tiếng thế giới, không cần phải nói thêm. Ông Xaraximha Rao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói:“Ngôi Nhà sàn giản dị này là biểu tượng của sự đồng nhất của Cụ Hồ đối với đồng bào mình”.
Ông Trần Đại Nghĩa kể lại một chuyện“bình dị, ung dung” lạ thường của Cụ trên chiến hạm Pháp đi từ Toulon về Hải Phòng năm 1946:
“Chiến hạm Pháp chạy khá chậm, cách ít ngày lại ghé bến sửa chữa. Thường kỳ có bắn tập, phô trương sức mạnh của quân đội Pháp. Tôi còn nhớ một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi đang quây quần bên Bác, nghe Bác nói về Hiệp định sơ bộ 6-3, về âm mưu của thực dân Pháp muốn chiếm nước ta một lần nữa. Còi tàu bỗng réo lên từng hồi báo động. Tiếng chân người chạy rầm rập trên sàn tàu. Tiếng hô lệnh của Hạm trưởng, tiếng thao tác của vũ khí, tiếng nổ chát chúa của pháo tầm xa, pháo phòng không, tiếng súng máy loạn xạ.
“Có gì vậy?”- Chúng tôi hỏi nhau. Riêng Bác bình tĩnh, điềm nhiên hút thuốc lá và mỉm cười bảo mọi người: “Người ta kiểm tra tinh thần của các chú đấy”.
Nếp sống giản dị, ung dung của Bác nhanh chóng chinh phục được cảm tình của những người phục vụ và các thủy thủ trên tàu. Viên hạm trưởng cắt một số thủy thủ phục vụ riêng cho Bác nhưng Bác không bao giờ gọi đến họ. Quản trị trưởng trên hạm tàu báo với Hạm trưởng:“Ngài Chủ tịch rất ít quần áo; vẻn vẹn hai chiếc áo sơ mi, hai đôi tất, hai khăn mặt, hai quần áo lót; ngài còn nói ngài tự giặt lấy quần áo, không phiền đến ai”. Viên Hạm trưởng rất ngạc nhiên. Chuyện ấy lan truyền ra trong thủy thủ; thủy thủ không ngớt bàn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Quốc trưởng giản dị lạ thường, họ dần dần có cảm tình với mọi người trong Đoàn.
Từ đó các cuộc tập trận, diễu võ dương oai chấm dứt.
Ai dè thái độ bình tĩnh và tính giản dị lại có tác dụng tuyên truyền mạnh đến thế, tuy không có một lời nào.
Câu chuyện“Trở về Pác Bó” (năm 1961) của Đàm Quang Trung lại là một câu chuyện trong đó tính giản dị tự nhiên đã thắt chặt tình thắm thiết giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa nhân dân và Nhà nước.
Người Việt Nam thuộc quốc sử thì nhớ chuyện Lê Lợi sau khi thắng Minh rồi, trở về thăm quê hương Lam Sơn, thăm căn cứ Lam Sơn. Lê Thái Tổ tất nhiên là được nhân dân tung hô nhiệt liệt nhất; nhưng Vua thì có triều đình lộng lẫy hạ giá nghiêm mật, dân chỉ có thể bày bát hương án lạy vua dọc đường. Dân vui mừng múa hát theo tục địa phương xưa nay thì bị Vua và triều đình quở trách là man rợ không đúng lễ nghi!
Pác Bó (Cao Bằng) là nơi Cụ Hồ ở khi mới về nước (năm 1941).
Pác Bó là một trong những cái nôi, những căn cứ của cách mạng.
Nên Cụ Hồ về Hà Nội rồi không quên trở lên Pác Bó thăm đồng bào. Hãy nghe Đàm Quang Trung kể:
“Anh Đại Lâm trở ra để đón Bác dọc đường.
- Kia rồi, Bác về đến kia rồi. Mà sao Bác không đi ngựa? Chúng tôi bố trí hai con ngựa tốt nhất để Bác đi kia mà.
Người đang bước thoăn thoắt, vừa đi vừa nói chuyện với mọi người.
- Báo cáo Bác, cháu là Đàm Quang Trung cùng các đồng chí Đại Lâm, Thế Minh Quất được đồng bào cử ra đón Bác.
Người hô dõng dạc: “Nghỉ!
Đi một đoạn, Bác hỏi:
- Có phải ngọn núi kia ngày trước Bác với các chú ở đó không nhỉ?
- Thưa Bác, đúng là ngọn núi đó ạ.
Đi một quãng nữa, thấy có một phiến đá bên đường, Bác bảo mọi người ngồi lại nghỉ giải lao. Sợ Bác mệt, tôi đề nghị:
- Thưa Bác, chúng cháu đã có ngựa để Bác đi cho đỡ mệt ạ.
- Các chú đông vui thế này mà chỉ có hai con ngựa, ai đi ai không?Hơn nữa, trở về đây Bác không thích “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bác chỉ vào phiến đá ven đường, nói tiếp: “Phiến đá này, hồi trước, mỗi khi ra vào căn cứ, Bác thường lấy điểm ấy nghỉ giải lao”.
Thì ra Bác nhớ tỉ mỉ đến thế. Tôi hiểu tại sao Bác cho nghỉ giải lao ở đây và Người lại không đi ngựa.
Đồng bào Dao với những bộ quần áo màu đỏ rực đính thật nhiều nút bạc, hoa bạc trên trang phục, đem theo kèn pilê. Đồng bào Nùng trong bộ quần áo chàm, khăn mặt bông trắng tinh vắt vai, tay cầm hoa picốccà, hoa đào. Đồng bào Tày quần áo chàm thêu chỉ trắng, chỉ đỏ, khăn piêu, gảy đàn tính, hát theo những câu chúc tụng. Đồng bào Mông cũng áo quần đỏ rực, hai vòng hoa bạc quấn quanh cổ xuống tới ngực, đem theo khèn bè, vừa thổi vừa múa. Đồng bào Barí mang theo bộ bát âm. Các cháu thiếu nhi mặc theo dân tộc mình, cổ quàng khăn đỏ. Các cụ mặc quần áo ngày hội, các cụ vui và rơi nước mắt.
Tôi đến Tố Hữu khoe: Anh thấy chưa, đúng là ngày hội lớn của đồng bào.
- Quang Trung tổ chức, xếp đặt khá lắm!
- Chúng tôi chưa kịp dặn dò gì đồng bào cả. Tự đồng bào hết.
... Các lớp già đều biết ông Cụ người cao gầy, xương xương, mặc bộ đồ chàm, thường chuyện trò thân mật với các cụ. Đã hai chục năm xa cách, hôm nay ông Cụ ấy đã trở thành Chủ tịch Nước, lại trở về thăm bản làng, về thăm các cụ. Cụ vẫn giản dị trong bộ quần áo ka ki như bao cán bộ khác. Cụ đội mũ kết, đi bộ vui vẻ chuyện trò với đồng bào, thăm hỏi các cụ trong bản. Chính vì thế mà các cụ già không sao cầm được nước mắt.
Tới bữa tiệc, biết anh Đại lâm sợ Bác phê bình nên chưa đem rượu ra; tôi (Quang Trung) nói:
- Nhà anh Lâm Tết nhất gì mà khổ sở vậy, không có cả chén rượu để đãi Bác với các anh.
- Có chứ.
- Thế thì đem ra đi. Ngày Xuân xin Bác uống cho vài chén vui Xuân.
Bác cười, cũng lấy chai rượu thuốc nho nhỏ của Bác ra. Bác bảo cắt cơm nắm mang theo mỗi người cùng ăn một miếng. Còn chai rượu của Bác, Bác bảo hòa chung vào hũ rượu của anh Lâm để mọi người cùng uống”.
Giản dị thay! Mà cũng là vĩ đại thay!
______________
1. Bộ Tổng tư lệnh (B.T).
Còn nữa
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)