Thứ hai, 23/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - Đặc điểm và cội nguồn

Sau nhiều năm suy ngẫm về con người và sự nghiệp củaHồ Chí Minh, nay đã đến lúc tôi phải đúc kết sự suy ngẫm đó vì e không còn thời gian vật chất và cơ hội thuận lợi nữa. 

Cho phép tôi hiểu rằng tầm cỡ của một nhà hiền triết chưa chắc ở chỗ giải đáp mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ xác định thế giới là thực tại hay ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ lựa chọn giáo điều quen thuộc hay sáng tạo mới lạ; mà chung quy là ở mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trênquả đất này và chắc còn sống lâu dài đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hành động. Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó; vì thế mà Cụ vĩ đại, vì đó mà ta kỷ niệm 100 năm  ngày sinh của Cụ. Tôi xin bàn về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh chưa hề viết hay nói một bài riêng có hệ thống về chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn của Cụ toát ra từ toàn bộ cuộc đời liên tục tranh đấu không biết mỏi, không lúc nghỉ ngơi, đã gặt hái nhiều thành quả và còn gửi gắm lại nhiều kỳ vọng ở đời sau.

*    *

*

Khi còn là thủy thủ tàu buôn, anh Nguyễn đã uất ức đến bật khóc khi chứng kiến thực dân Pháp cảng Đaka bắt người lao động da đen nhảy xuống biển đang gầm thét để nối dây cáp bị đứt, người da đen bị sóng nhấn chìm. Kiếm sống tại Luân Đôn, Nguyễn Ái Quốc cũng khóc ròng khi đọc báo biết một nhà yêu nước Aixơlen tuyệt thực đến chết, chống Anh thống trị. Nguyễn Ái Quốc là một lương tâm dễ xúc động với những gì gần hay xa liên can đến thân phận dân nước mình, đến thân phận con người. Lại phải nói là người xúc cảm mạnh mới viết nổi những trang bi ai đến thế mô tả một cuộc hành hình người da đen ngày nọ theo kiểu Lynch man rợ. Và phải là người biết đau khổ, cái đau khổ của con người mới kể nổi chuyện “Paris" về một cụ cố người Pháp xóm Epinette cùng khổ gần xóm Etoile vương giả, mất nhà, mất vợ, mất hết con vì chiến tranh. Nay phải ngày ngày đứng chờ bữa cháo bố thí. Lòng thương người của Nguyễn chân thành quá và không có giới hạn bởi tiếng nói, màu da. Thấy cái khổ không dửng dưng mà động lòng trắc ẩn, nghĩ tới cách nào cứu khổ, cứu nạn. Cứu ai trước hết vì nghĩa vụ và khả năng? Cứu dân mình đang quằn quại, cứu nước mình bị mất tự do và cứu các dân tộc đồng cảnh ngộ với dân tộc mình. Sau chiến tranh thế giới, nếu tôi không lầm, Nguyễn Ái Quốc là ngòi bút viết nhiều nhất tố cáo các chế độ thực dân, bênh vực mạnh nhất quyền của các dân tộc bị áp bức giành lại nhân phẩm và tự do, hoạt động tổ chức nhiều nhất để tập hợp, ở Pari, ở Quảng Châu, ở các dân tộc Á - Phi mới vừa bị Wilson và bè lũ lừa gạt một lần nữa ở Versallles.

Tình cảm đó, hành động đó là gì nếu không phải là một chủ nghĩa nhân văn sống động nhằm xây dựng mối đồng tâm chiến đấu mà sau này Chủ tịchHồ Chí Minhgọi là “tình nghĩa đồng bào đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ“tình” là tiếng của những sợi tơ lòng quý báu, chữ"nghĩa” nói lên các nhiệm vụ cao cả không thể không làm xuất phát từ đạo lý làm người đối với con người.

Và đây là đoạn văn có thể xem là một lời tâm huyết xuất phát tự đáy lòng của Montaron, nhà báo người Pháp viết trong báoTémoignages chrétiens" (Bằng chứng Thiên Chúa giáo):

“Cụ Hồ Chí Minh là một chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống cho ra người. Cụ đã dạy rằng muốn được giải phóng thì phải dựa vào sức mình là chính và một dân tộc chỉ có thể sống còn khi mà dân tộc ấy không chịu sống nô lệ. Nhất là Cụ dạy rằng cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã đem hết sức mình để mang lại cơm ăn nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ. Bởi vậy, xin chúc Người yên nghỉ và mong rằng những người yêu chuộng công lý phải tiếp tục trên cương vị mình cuộc chiến đấu của Cụ vì nhân phẩm và tự do của các dân tộc bị chà đạp”.

Rất cám ơn Montaron đã cho tôi bao lần khó cầm nước mắt vì cảm động và tự hào. Ông cho tôi hiểu thêm vì sao nhà triết học B.Roussell khẳng định CụHồ Chí Minhtrước hết là một người nhân văn chủ nghĩa. Đúng như ý của Montaron,chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn giải thoát  của những tầng lớp yếu hèn lao khổ, của các dân tộc bị chà đạp, giải thoát chính bằng ý thức lực lượng của mình; nó lớn, rất lớn là vậy.

Chủ nghĩa nhân vănHồ Chí Minhđặc biệt trong sáng và cao cả vì người cưu mang nó là một người vì nghĩa quên mình, suốt đời tận tụy mà không hề nghĩ đến bản thân danh lợi. Ba mươi năm chiến tranh do Pháp- Mỹ gây ra là 30 năm khủng khiếp, man rợ nhưng Cụ Hồ không bao giờ để cuộc chiến tranh tàn khốc và man rợ ấy ảnh hưởng đến bản chất nhân văn, nhân đạo của mình hay in dấu trong tâm hồn các đồng chí mình và thế hệ mai sau. Cụ Hồ gắn bó sâu xa với cuộc đời toàn tâm, toàn ý vì nước, vì dân, vì nhân loại khổ đau mà không có cái gì riêng của mình. Cho nên Burchett mới quả quyết rằng “nói tới một người mà cảmột cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng trong nhân dân thì không có ai ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh ”.

Cụ Hồ thương dân quá, nên dân thương Cụ lắm. Sinh thời, cho đến khi qua đời hãy còn để lại đức tin. Cụ luôn thương người, quý người và ra sức xâydựng con người. Một nhà quan sát nói quả không sai: Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri, xây dựng khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất; Cụ thức tỉnh kẻ u mê, ân cần đỡ dậy người trượt ngã, biến vạn ức người dân bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém. Để hiểu tại sao sức mạnh kỹ thuật của Mỹ có giới hạn trước con cháu Cụ Hồ.

Lòng nhân áiHồ Chí Minhsâu thẳm như biển cả, nhưng đồng thời lại thiết thực như hạt gạo, hạt muối. Ngày ngày, ai cũng có thể thấy Bác Hồ yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ. Ông Vũ Kỳ hồi tưởng:Ở gần Cụ mấy chục năm, không bao giờ bị Cụ cáu quát, chỉ thấy được Cụ thân tình chỉ bảo. Ông Phạm Văn Đồng nói:Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy Cụ tén vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ tôn trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ, đức lớn hài hòa ở con người.

Một lần, tại Bảo tàngHồ Chí Minh, chi nhánh Nhà Rồng, ông Võ Nguyên Giáp nhắc rằng số 1 báo “Le Paria" (Người cùng khổ) mà Nguyễn Ái Quốc chủ trương hồi đầu những năm 1920, đã nói đến con người, giải phóng con người, giành lại nhân phẩm cho các dân tộc. Hơn 55 năm sau, trongDi chúc Cụ Hồ, chúng ta đọc lời Cụ dặn dò về các nhiệm vụ phải làm tròn: “Đầu tiên là công việc đối vớicon người” 1. Lần chót, Bác viết "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên nhi đồng quốc tế”2.

Ngày 2-9-1969, một trái tim lớn đã ngừng đập, nhưng chủ nghĩa nhân văn cao cả Hồ Chí Minh vẫn tỏa sáng từ đó đến nay và mãi mãi về sau.

*    *

*

 Chủ nghĩa nhân văn bắt nguồn từ đâu?

Nguyễn Ái Quốc sinh ra giữa làng Sen, trong một gia đình sĩ phu luôn cần cù lao động, trong một vùng quê mà con người phải cật lực mới biến sỏi đá thành cơm. Mẹ, tay không rời khung cửi để nuôi chồng ăn học. Cha đỗ cao mà về làng không chịu đi võng lọng. Lớn lên trong hoàn cảnh đó thì tự nhiên yêu lao động, yêu nhân dân, quý nghĩa tình. Những yếu tố sơ khai của một tâm trí nhân văn Đất Lam Hồng, khúc sông, ngọn núi nào cũng in dấu sự tích đánh giặc cứu nước hay tụ nghĩa vì dân; nói “địa linh” là thế, địa linh sinh “nhân kiệt”. Nơi đây, đời qua đời, văn học dân gian truyền miệng phong phú cả hình thức lẫn nội dung. Nguyễn Ái Quốc sinh ra và lớn lên như được tắm gội trong môi trường xã hội văn hóa ấy. Rồi đi với cha vào kinh. Với tính cần học di truyền, với trí nhớ thông minh đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu nền quốc học Việt Nam đã phát triển tới mức cao nhất trước giờ trên các mặt lịch sử, triết lý, văn chương cả bác học lẫn dân gian.Chính cái túi khôn ngàn đời đó sẽ giúp cho Nguyễn Ái Quốc tha hương mà không tha hóa, lại sáng tạo được với sắc thái Việt Nam khó lẫn lộn.

Như lời Chu Khảo Đình, đạo Khổng trước hết là đạo nhân. Nhân ái là lời dạy lớn của thánh hiền. Nhờ học không cốt để đi thi, Nguyễn Ái Quốc có thể dành cho mình một khoảng lề rộng để suy xét, nhất là khi“tân thư” bắt đầu vào. Người ta nhận thấy Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minhtrong khi trân trọng với thánh hiền thì không chịu mòn bánh xe móng ngựa đi khuyến thiện vương hầu, nhưng người ta cũng khó thấy Cụ Hồ khước từ dù một chút nhân nghĩa của các hiền triết Đông phương. Hán học có một vị trí lớn trong tâm hồn của Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh. Xưa kia văn hóa Hy - La cũng từng đóng vai trò ấy đối với các vĩ nhân thời Phục sinh châu Âu.

Nguyễn Ái Quốc từng học cả ở kinh thư. Không khí tư tưởng Lam Hồng là không khí thuần Nho. Không khí tư tưởng kinh thư là không khí Nho Phật. Huế, nhiều chùa lớn, kinh luận đủ, sư tăng giỏi. Tư tưởng thiền chủ yếu là vị tha, cứu khổ, cũng là một nhân văn bổ sung cho nhân nghĩa Nho giáo. Vả chăng, mới đó cuộc khởi nghĩa áo vàng Phú Yên nhắc nhở rằng đạo Khổng, đạo Phật có điểm giống nhau trong sự nghiệp chung cứu dân độ thế.

Vậy, Nguyễn Tất Thành sang Âu năm 21  tuổi, mang theo một cái vốn văn hóa quốc học và Đông phương đáng kể. Như thể ruộng đồng đã có nước trước khi nước sông dâng lên.

Sang Âu, bởi có ý thức tìm đường tiến thủ tối ưu hơn là bởi bị tình cờ xô đẩy, Nguyễn Ái Quốc không học ở trường mà tự học, học ở bạn, học trong quần chúng lao động. Mượn tàu buôn làm phương tiện, Nguyễn Ái Quốc đi quan sát khắp các bến cảng Địa Trung Hải, cả hai bờ Đại Tây Dương, rồi định cư ở hai kinh thành phồn hoa: Luân Đôn của Anh và Pari của Pháp.

Nguyễn Ái Quốc học tập Washington mà càng thích Lincoln của Hoa Kỳ, học tập Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền. Chủ nghĩa nhân văn Tây phương cận đại cho dầu hạn chế cũng mở một khoảng chân trời.

 Nắm chắc tiếng Anh, tiếng Pháp và về sau một số tiếng nữa, có đủ điều kiện ngoại ngữ mà Ăngghen nghiêm khắc đòi hỏi ở mỗi nhà khoa học, Nguyễn Ái Quốc nhanh chóng tiếp thu tinh hoa của văn minh Âu- Mỹ, hội nhập với văn minh Đông phương và Việt Nam. Tuy vậy, mặc dù lịch sử cận đại Tây phương rất phong phú, Nguyễn Ái Quốc vẫn trăn trở chưa tìm thấy cái mình muốn tìm từ năm 1911:con đường cứu nước Việt Nam. Mãi đến năm 1920, nhờ sẵn có một tần số tâm hồn tạo ra bởi đã lâu năm lăn lộn với nhân dân lao động, Nguyễn Ái Quốc bắt gặp tiếng gọi của Lênin qua Luậncương vang dộivề vấn  đề giải phóng các dân tộc thuộc địa trong quỹ đạo cách mạng thế giới. Nguyễn Ái Quốc ở Luân Đôn, Pari khá lâu, học tiếng Anh, tiếng Pháp vậy mà không phải Người đi từ Mác đến Lênin mà từ Lênin về với Mác, vào hẳn một dạng chủ nghĩa nhân văn mới, cách mạng, trong đó có khẩu hiệu lớn là:sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người, trong đó khẩu hiệu lớn còn là: bãi bỏ tình trạng xã hội người bóc lột người thì trạng thái xã hội áp bức dân tộc sẽ không còn nữa. Hấp dẫn không cưỡng nổi! Nguyễn Ái Quốc trở thành người mácxít – lêninnít.

Chủ nghĩa nhân vănHồ Chí Minh xuất phát từ những cội nguồn quốc gia và quốc tế ấy, phát triển trên cơ sở cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Trong suốt 30 năm dài, bè bạn năm châu bốn biển đã bền bỉ ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, ấy là đã góp mỗi người một phiến đá tinh thần chochủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, sản phẩm Việt Nam mà cũng là sản phẩm nhân loại.

________________

1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.503, 500.

Còn nữa

Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: