Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo
Toàn thế giới công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng giải phóng dân tộc. Trong suốt thế kỷ XX, cách mạng và kháng chiến Việt Nam là cuộc chiến tranh giải phóng bi hùng nhất, là chiến thắng vang dội nhất, một cuộc cách mạng và kháng chiến đã góp phần lớn vào sự tan rã của các đế quốc thực dân, vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức. Cụ Hồ Chí Minh là người tổ chức thắng lợi đó. Cụ là nhà cách mạng đặc biệt tài năng.
Phần đóng góp quan trọng của Hồ Chí Minh vào chủ nghĩa Mác - Lênin là ởvấn đề dân tộc và thuộc địa. Về vấn đề dân tộc thì Lênin có nhiều tác phẩm lý luận. Về vấn đề thuộc địa thì Quốc tế Cộng sản đã có nhiều văn kiện, đặc biệt làLuận cương về vấn đề thuộc địa của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản. BảnLuận cương chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10 năm 1930, căn bản là tóm lược ứng dụngLuận cương về thuộc địa của Quốc tế Cộng sản năm 1928. Tư tưởng đặc sắc của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và thuộc địa là ở chỗ khác.Chỗ nào là chính? Ngay trong mối tương quan giữa cách mạng tại xứ đế quốc thực dân là cách mạng ở thuộc địa của đế quốc ấy.
Các đảng Đệ nhị Quốc tế không nói đến giải phóng dân tộc thuộc địa. Còn một khoản điều lệ của Quốc tế thứ ba đặt vấn đề ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng thuộc địa như là điều kiện để gia nhập hàng ngũ mình. Ở Tua, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu cho Đệ tam Quốc tế, cho Đảng Cộng sản Pháp, chính vì lẽ ấy. Từ đó, trong ý thức, Nguyễn Ái Quốc đặt cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới. Hướng mới đầy triển vọng sáng sủa. Nhưng còn phải giải quyết vấn đề tương quan giữa cách mạng ở chính quốc và cách mạng ở thuộc địa. Ban đầu, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi giai cấp vô sản chính quốc quan tâm giải phóng dân tộc thuộc địa. Sau đó trên báoLe Paria và trong sáchBản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc quan niệm đế quốc chủ nghĩa như một con đỉa có hai vòi hút máu của vô sản chính quốc và của dân tộc thuộc địa, phải cùng lúc cắt cả hai vòi thì nó mới chết, cầm bằng nó còn một vòi thì vòi kia sẽ mọc lại. Hình tượng chính xác nói lên tương quan gắn bó giữa hai bên. Sâu sắc hơn nữa, Người nhận định rằng, trong nhiều điều kiện cụ thể cách mạng ở thuộc địa có thể thành công trước cách mạng ở chính quốc và như thế góp phần đẩy cách mạng ở chính quốc lên. Thế là Nguyễn Ái Quốc cho cách mạng thuộc địa một thứ độc lập tính và cho đảng cách mạng ở thuộc địa một thế chủ động rộng lớn, một trách nhiệm quốc gia và quốc tế lớn hơn trước. Nói thì hóa ra bất kính, chứ lối nhìn của Nguyễn Ái Quốc đúng hơn lối nhìn của cả Xtalin. Xtalin xem vấn đề thuộc địa như là phụ thuộc vào cách mạng vô sản. Điều ấy không đúng lắm và nó có thể có tác dụng tiêu cực là hạn chế sự hoạt động độc lập của lực lượng cách mạng ở xứ thuộc địa. Xtalin cũng cho rằng vấn đề dân tộc chủ yếu là vấn đề nông dân, điều ấy cũng không đúng lắm, vấn đề nông dân rất quan trọng, nhưng không dễ đơn giản hóa vấn đề dân tộc, vấn đề dân tộc phức tạp hơn vấn đề nông dân rất nhiều. Tư tưởng lêninnít của Nguyễn Ái Quốc dẫn đến việc Người vận động độc lập Đảng Cộng sản Việt Nam thành phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản mà không phải trải qua thời kỳ thuộc Đảng Cộng sản Pháp như hầu hết các tổ chức cộng sản khác ở châu Phi thuộc Pháp trước đây.
Tôi thấy rằng trong Quốc tế Cộng sản, Cụ Hồ quan niệm vấn đề dân tộc một cách đúng và sớm hơn số đông người chuyên lo vấn đề này về lý thuyết và thực tiễn, sớm hơn cả Đimitrốp ở Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII năm 1935. Trước đó, chiến lược là“giai cấp chống giai cấp” tiếng Pháp gọi là“classe contre classe”, là giai cấp đấu tranh triệt để, xem nhẹ vấn đề dân tộc, ý thức dân tộc, tâm lý dân tộc, văn hóa dân tộc, truyền thống dân tộc v.v. do đó mà giai cấp vô sản thường bị cô lập, do đó mà khó tập hợp lực lượng nhân dân rộng lớn, khó đưa cuộc vận động cách mạng phát triển. Quan niệm Cụ Hồ có khác. Cụ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc trong khi không rõ lập trường giai cấp. Cho nên đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản mà đặt tên Đảng Cộng sản ra đời ngày 3-2-1930 là Đảng Cộng sản Việt Nam, khi ấy đồng chí bị chỉ trích là có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa tiểu tư sản, buộc phải đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương. Về sau, khi trở lại tên cũ thì ai nấy đều nhận thấy đủ rõ không phải chỉ là vấn đề tên, mà có cả một chùm vấn đề ý thức hệ tư tưởng, chiến lược chiến thuật trọng đại. Năm 1935, thay mặt Quốc tế Cộng sản, Đimitrốp tự phê bình là các đảng cộng sản đã một thời không chịu nêu cao ngọn cờ dân tộc (và dân chủ), để cho những đảng tiểu tư sản, tư sản, phátxít quốc xã giành ngọn cờ ấy mà hoạt động chống cách mạng; và từ đó mới có những mặt trận bình dân ở Tây Âu, từ đó ở Việt Nam anh em ta mới trở lại với Nguyễn Ái Quốc giành về cho cách mạng những khái niệm, tư tưởng, danh từ có sức động viên lớn như đồng bào, Tổ quốc, yêu nước mà Người đã dùng, còn anh em thì bị chiến lược“giai cấp chống giai cấp” làm lạc ngõ trong một thời gian dài. Chính là tên cơ sở của tư tưởng đó, cái tư tưởng cho rằng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, vấn đề dân tộc phải được đặt lên trên hết, cao hơn các vấn đề giai cấp, chính đảng, chủ nghĩa, cái tư tưởng khẳng định rằng những người cộng sản là người yêu nước kiên cường nhất, là người xứng đáng đại biểu cho truyền thống và giá trị dân tộc đã thấy một chuyển hướng mang lại nhiều hiệu quả. Trên cơ sở tư tưởng (mới mẻ so với tư tưởng đã thấm nhuần nghị quyết Đại hội Quốc tế Cộng sản) vừa trình bày, qua đầu những năn 40, Đảng Cộng sản Việt Nam đã biết tạm thời rút lui khẩu hiệu cách mạng điền địa, không đặt vấn đề liên bang Đông Dương. Nhờ đó, Đảng tập hợp được xung quanh cái trục công nông liên minh một lực lượng đoàn kết dân tộc Việt Nam và đoàn kết các dân tộc Đông Dương ngày càng lớn mạnh, cô lập được các thế lực phản động các loại, tiêu diệt được các đế quốc thực dân. Nếu đó không phải là lý luận cách mạng thì là gì? Đó là một ngọn đèn pha soi rọi đường giải phóng, đó là một bước phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đó là sự nhìn xa, trông rộng của Cụ Hồ, biểu hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Viết đến đây, tôi nhớ ngày nào ông bạn tờrốtkít Tạ Thu Thâu của tôi cười rằng cái tên Ái Quốc mâu thuẫn với con người cộng sản của Nguyễn. Sự thật, có mâu thuẫn gì đâu? Chủ nghĩa cộng sản chân chính đâu phải là thứ“hư vô dân tộc” (nihilisme national), chủ nghĩa hư vô dân tộc đâu phải là chủ nghĩa quốc tế cộng sản? Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám Việt Nam vào lúc chiến tranh thế giới sắp tàn phải được giải thích trước hết bằng tính chính xác của học thuyết Cụ Hồ về vấn đề dân tộc và thuộc địa.Học thuyết của Cụ Hồ về vấn đề dân tộc và thuộc địa có tầm quan trọng vượt biên giới Việt Nam.
Một sáng tạo lớn khác của Cụ Hồ đã có tác dụng quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Namthuộc về vấn đề Đảng. Ai cũng biết, vấn đề Đảng là một bộ phận trọng yếu trong chủ nghĩa Mác – Lênin. Không có Đảng cách mạng thì học thuyết nào cũng là chuyện để nói cho sướng miệng, vui tai. Về vấn đề xây dựng đảng thì Lênin và Quốc tế Cộng sản trình bày rõ các nguyên lý cơ bản rồi, đã dạy phải làm tất cả những gì để bảo đảm tính chất tiên phong, tính chất giai cấp, tính chất quần chúng cho một đảng cộng sản có đủ sức làm bộ tham mưu đắc lực của cách mạng. Vậy thì, ở Việt Nam, Cụ Hồ còn có những chỗ nào để mà sáng tạo?
Các đảng cộng sản tự định nghĩa là đội tiên phong của giai cấp công nhân; giai cấp công nhân được nhận định là động lực đóng vai lãnh đạo ngay cả trong cách mạng“tư sản dân chủ”, tức phản đế và phản phong. Thế nhưng, cho tới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Việt Nam, giai cấp công nhân chỉ chiếm vài phần trăm trong toàn dân, vả lại chưa có truyền thống đấu tranh dài. Trong điều kiện đó, làm sao để có một đảng cách mạng tiên phong của giai cấp công nhân? Phải quan niệm đội tiên phong cách mạng đó như thế nào để hòng xây dựng nó? Nếu quan niệm một cách giáo điều, nếu tập trung nghị lực chú tâm vào xưởng máy hơn hết, thì sẽ có một đảng trong đó số đông là công nhân, nhưng sẽ là một đảng rất nhỏ, bất lực, cô lập, đảng như thế để làm gì? Có thể làm gì? Còn nếu hoạt động rộng khắp thì đảng sẽ gồm đại đa số là tiểu tư sản, trí thức, nông dân, có nguy cơ trượt dài trên đường băng chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong cái thế đó, trong tình hình đó, Cụ Hồ vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng và đã thành công rực rỡ. Kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai ở các xứ thuộc địa, chỉ có Đảng của Cụ Hồ lãnh đạo cách mạng thành công, chẳng những giành được độc lập dân tộc mà còn lập được chính quyền nhân dân do Đảng mácxít - lêninnít lãnh đạo vững vàng. Trong 20 năm xây dựng và chiến đấu tổ chức tiên phong cách mạng của Cụ Hồ vừa tránh được cái nạn cô độc, yếu đuối “tả” khuynh, vừa tránh được cái nguy cơ hữu khuynh quốc gia tiểu tư sản.Đảng do Cụ Hồ xây dựng và rèn luyện mang rõ tính chất tiên phong, tính chất quần chúng, tính chất giai cấp. Phần đông đảng viên không phải là công nhân mà Đảng là Đảng của giai cấp công nhân vì Đảng thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin trong tư tưởng và hành động; Đảng là đội tiên phong vì trong mọi hoạt động chính trị cũng như trong mọi cuộc đấu tranh của công nông và nhân dân lao khổ, các đảng viên đều đi đầu, đều bất chấp khủng bố và hy sinh; Đảng bắt rễ rất sâu xa trong tất cả các tầng lớp nhân dân, số đảng viên đông đảo, hùng hậu hơn bất cứ một đảng nào khác, nhất hô bá ứng, thiên vạn ứng, các khẩu hiệu của Đảng hợp với lòng dân, dân nghe theo, làm theo Đảng của Cụ Hồ. Bầy ong làm ổ không có quan điểm, kế hoạch, mục tiêu như người thợ xây nhà. Quan điểm trước, kế hoạch sẵn, nhắm mục tiêu mà tiến, đó là lý luận. Đạt được mục tiêu, thực hiện được kế hoạch, đó là bằng cớ rằng quan niệm lý luận chính xác. Cụ Hồ thành công, trong lúc anh em ở các thuộc địa chưa thành công, đó là dấu hiệu chứng tỏ Cụ Hồ vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo trong điều kiện cụ thể của nước mình.
Từ thực tiễn xây dựng Đảng tiên phong ở Việt Nam, có thể hiểu rằng những người cộng sản quan niệm đảng mình là một đảng mácxít - lêninnít của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chủ nghĩa Mác - Lênin là tiêu chuẩn chính để xác định tính chất giai cấp của Đảng, còn khái niệm nhân dân lao động thì thường có lao động tay chân và lao động trí óc. Thực ra một đảng số đông đảng viên là công nhân chưa chắc đã là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nếu đảng ấy theo chủ nghĩa cải lương, không muốn thay đổi chế độ tư sản bằng cách mạng. Chủ nghĩa Mác - Lê nin là hệ ý thức của giai cấp công nhân, cho nên một chính đảng của nhân dân lao động theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chính là đảng công nhân, có bản chất công nhân. Quan niệm này cho phép thành lập Đảng Cộng sản chính thống ngay cả ở những nước có kinh tế lạc hậu, cho phép đưa thật đông đảo những người trí thức vào Đảng Cộng sản, người trí thức vào Đảng là những người“giác ngộ lý luận về sự tất yếu của lịch sử”; sự giác ngộ đó không phải là kém cỏi gì so với sự giác ngộ về lợi ích giai cấp của công nông, huống chi trong xã hội hiện tại, tầng lớp khoa học kỹ thuật đông lên mau và đóng một vai trò ngày càng lớn trong toàn bộ sinh hoạt xã hội.“Công nhân chủ nghĩa” đã từng bị xem là một sai lạc lẫn đến cô độc, bất lực, thất bại. Cụ Hồ nhìn xa hơn, đúng hơn. Hãy nhớ rằng những lớp cán bộ đầu tiên mà Cụ Hồ đào tạo trong những năm 1925, 1926, 1927, phần lớn là trí thức, tiểu tư sản mà số đông nhất đã đi với cách mạng cho đến cuối đời, họ chính là những“ông thánh tông đồ” đem chủ nghĩa Mác – Lênin vào công nhân và nông dân. Khả năng cải hóa của chủ nghĩa Mác - Lênin rất lớn, trí thức khoa học yêu nước đua nhau theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là khi chủ nghĩa Mác - Lênin được Cụ Hồ giới thiệu rành mạch như là con đường cứu quốc tốt nhất, đặc biệt nhất. Theo quan niệm đó,Đảng Cộng sản là Đảng công nhân mácxít - lêninnít mà đồng thời cũng được đánh giá là Đảng của dân tộc, Đảng của trí tuệ, và vì nó là Đảng đương đầu thắng lợi với các đế quốc xâm lược nên rõ ràng nó là Đảng của danh dự Việt Nam.
Quan niệm của Cụ Hồ về việc xây dựng Đảng Cộng sản ở Việt Nam bắt đầu từ những cán bộ phần lớn nhất ở trong tầng lớp trí thức, ở trong phong trào dân tộc mà ra, và nói chung Đảng Cộng sản là sản phẩm của phong trào công nhân và sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng nói riêngở Việt Nam, Đảng là sản phẩm của sự truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Yếu tố phong trào yêu nước rất quan trọng. Sau rất nhiều thất bại liên tiếp, những người yêu nước xoay sang chủ nghĩa Mác - Lênin để làm việc cứu nước, thì dường như cứu nước là mục đích, mà chủ nghĩa Mác - Lênin là phương tiện, nhưng nếu hiểu như thế thì chưa phải là giác ngộ sâu sắc về lý luận, về Chủ nghĩa Mác - Lênin, hiểu như thế là giác ngộ hời hợt, nửa vời. Muốn cho sự giác ngộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin được sâu sắc, đảm bảo cho đảng viên đủ tinh thần cách mạng suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân lao động, phục vụ đất nước, thì một mặt phải dạy họ học về lý luận, về học thuyết, về lẽ tất yếu của lịch sử để họ tin chắc vào cách mạng, mặt khác phải làm cách nào cho người giác ngộ lý luận đó hòa nhập với nhân dân lao động, tin vào sức mạnh của quần chúng, thương yêu thực sự nhân dân, quý trọng thật sự nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Một điều sáng tạo cực kỳ quan trọng của Cụ Hồ là sau thời gian huấn luyện có hệ thống, đưa người mới được thụ giáo về công tác ở nhà máy, khu phố nghèo, đồn điền, hầm mỏ, làng mạc, rẻo cao, một mặt thì số anh em chị em đó ra sức tuyên truyền, huấn luyện tổ chức đấu tranh cho quần chúng lao động, mặt khác thì làm quen với đời sống lao khổ, được nhân dân giáo dục cho những đức tính mà người tiểu tư sản trí thức không có, dù cho họ là yêu nước chưa chắc đã là yêu dân, yêu dân mới làm được cách mạng xã hội. Mũi tên buông ra trúng cả hai đích. Đó là cả một triết học về sự xây dựng con người.
Cho nên, những năm 1928, 1929, 1930, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thanh niên trí thức, nhà có ăn, dư để rời ghế nhà trường, công sở, rời gia đình đầm ấm, rời cuộc sống lắm phong lưu, lăn lộn vào chỗ khốn cùng, nước độc, gọi là đi“vô sản hóa” nghĩa là đi vào quần chúng lao động, vô sản gây cơ sở cách mạng, phát động phong trào đấu tranh, bị bắt, bị tù đày nhưng hết tù rồi lại đi hoạt động nữa, không mệt mỏi. Cũng có không ít người bỏ gánh giữa đường, càng ít người“ôm cầm thuyền khác”. Đủ biết, quan niệm của Cụ Hồ về việc giáo dục đảng viên bằng lý luận và bằng công tác là quan trọng nhường nào. Năm 1936, 1937, hàng ngàn đảng viên Quốc dân Đảng cũng gốc tiểu tư sản trí thức được ân xá, trở về nhà, hầu hết họ bỏ cuộc, còn đảng viên Đảng Cụ Hồ hầu hết tiếp tục hoạt động đến khởi nghĩa.Cụ Hồ quả là bậc thầy sáng tạo lương tri, không phải bất cứ thời nào, ở đâu, người ta dễ tìm một bộ óc, một tâm hồn, một chủ trương như vậy.
*
* *
Cụ Hồ, nhà cách mạng cũng là một nhà giáo dục, chẳng những Cụ chăm lo đào tạo cán bộ, Cụ còn chăm lo xây dựng con người. Cụ Hồ có cả một học thuyết về giáo dục, hay nói một cách khác, đọc những bài của Cụ, nghe những lời của Cụ, ta thấy rằng quả Cụ Hồ có một học thuyết về giáo dục.Cụ là một phu tử với đầy đủ ý nghĩa tôn quý của chữ ấy.
Hồ Chí Minh lúc còn là Nguyễn Sinh Cung ở làng Sen, tỉnh Nghệ An đã bắt đầu 10 năm đèn sách bằng bài vỡ lòng“Nhân chi sơ tính bản thiện” 1. Thuyết“tính thiện” này, Nguyễn Ái Quốc sẽ gặp mãi trong các sách Nho và ở các thầy Nho. Nói cho đúng, cũng có phái Nho chủ trương“tính ác”, họ không được xem là chính thống. Chính thống theo mạch Khổng Mạnh là người sinh ra tính vốn lành; tính thiện là thiên phú. Nho gia Việt Nam không ai nói khác.
Nhưng ở sáchNhật ký trong tù Cụ Hồ có bài tứ tuyệt“Dạ bán”, trong đó tác giả viết rằng:lúc ngủ mọi người trông rất lương thiện, lúc tỉnh dậy mới phân biệt người thiện, người ác, thiện ác vốn không phải là bản tính, phần nhiều là do giáo dục mà nên.
Ở bài thơ triết lý này, Cụ Hồ nói lên cái chỗ đứng của mình trong cuộc tranh luận ngàn năm về tính ác, tính thiện ở Trung Quốc và Việt Nam, và không chỉ ở đó. Trong bài thơ, ta chú ý đến chữ“đa do” và chữ“giáo dục”. Phải chăng là khi dùng chữ“đa do”, Cụ Hồ muốn nói rằng không phải giáo dục quyết định tất cả tính tình người ta, còn có những yếu tố quan trọng khác can thiệp vào mà quả có do tự nhiên hay ngẫu nhiên phức tạp làm ra; còn chữ“giáo dục” ở đây là sự cảm hóa về hướng tốt hay hướng không tốt, hoặc tốt xấu lẫn lộn của giáo dục gia đình khi tuổi thơ, của môi trường xã hội hoặc là sự giáo dục có ý thức của thầy, cha, bạn bè hay sách vở, kể cả các việc làm của mình, dần dà góp phần làm ra con người của mình.
Cụ Hồ đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cán bộ phải siêng học. Học thì phải có định hướng; cán bộ học để làm công bộc giỏi cho dân; dân học để làm công dân tốt của nước;tất cả đều học thành nhân . Học không chỉ khi còn trẻ, mà già cũng còn phải học. Với cán bộ tỉnh Nghệ An, Cụ nói:Tôi năm nay 71 tuổi rồi mà vẫn phải học mỗi ngày. Học không biết mệt mỏi. Học phải có mục đích, như một người thợ làm nhà, trước khi làm đã biết cái nhà sẽ ra sao, không phải như con ong, làm tổ theo thói quen bản nhiên. Mục đích của sự học là thành nhân, là chỉnh tâm, là trau dồi lý trí. Người cán bộ trước hết phải biết chỉnh mình, sau mới chỉnh người khác, mình không chỉnh thì còn mong chỉnh ai? Đã trau dồi lý thuyết, còn phải trau dồi tình cảm nữa, phải lo xây dựng nhân cách của mình, phải biết ăn ở xử thế có tình, có nghĩa, tình nghĩa giữa người với người, tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà.
Lời Cụ Hồ:Không tình nghĩa, sao được gọi là theo đúng chủ nghĩa Mác – Lênin?
Hồ Chí Minh trong giáo dục chú trọng đặc biệt đến đạo đức, đạo đức cách mạng. Nói cho rõ hơn có những nhà tư tưởng đặc biệt lớn trên thế giới Đông Tây như Arixtốt, Khổng Tử xem đạo đức là vấn đề số một trong triết học. Cụ Hồ cũng vậy, chú trọng đặc biệt đến đạo đức. Đạo đức Cụ Hồ có kế thừa đạo đức Khổng Tử, Mạnh Tử mà cũng có khác. Trong dạo đức truyền thống Nho giáo thì cương thường là cốt lõi. Trong đạo đức Cụ Hồ thì cốt lõi là:trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Cụ Hồ dạy rằng“Đạo đức là yêu cầu đầu tiên, là phẩm chất quan trọng bậc nhất của những người làm cách mạng”.
Người dân thường cũng vậy. Giáo dục của Cụ Hồ đặt đạo đức lên hàng đầu. Trong hàng ngũ cách mạng quốc tế, tôi chưa thấy ai khẳng định như Cụ Hồ. Có những nhà sử học phương Tây cho rằng đó là tiếng dội tới thời nay của Nho giáo. Tôi nghĩ cũng có ảnh hưởng phần nào của Nho giáo, kỳ thật thì căn bản là truyền thống của dân tộc Việt Nam, đất nước này từ 2000 năm đã phải chống lại hàng chục lần xâm lăng của các nước lớn hơn gấp bội, cho nên muốn tồn tại thì không mong lấy số lượng chọi số lượng, mà lấy chất tốt chọi số đông, dựa vào phẩm chất cao quý của con người mình để đánh bại kẻ xâm lược, lâu ngày thành nếp tư tưởng mà Cụ Hồ đúc kết lại thành học thuyết ở tầm cao.
Cụ Hồ là người học không biết mỏi, Cụ Hồ cũng là người dạy không biết chán, suốt đời làm công việc giáo hóa, trồng người. Bao nhiêu bánh xe và móng ngựa của Phu Tử đã mòn vì ngài chu du thuyết đạo cho vương công thì bấy nhiêu lớp học của Cụ Hồ đào tạo cán bộ có khả năng truyền đạt cho nhân dân chính kiến đạo đức của chính đảng mà Cụ Hồ sáng lập và rèn luyện.Sức cảm hóa giáo dục của Cụ Hồ một phần là ở chỗ Cụ suốt đời nêu gương tốt đẹp, nói và làm như nhau, tư tưởng và nhân cách đều vẹn tòan thống nhất.
Như thế Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tham vọng làm một nhà lý luận, sáng tạo tư tưởng, sáng tạo lương tri, nhưng thực tế Cụ đã góp phần đáng kể vào việc làm phong phú thêm học thuyết Mác – Lênin trong khi vận dụng được thành công xuất sắc chủ nghĩa Mác – Lênin vào cuộc cách mạng và kháng chiến Việt Nam.
__________________
1. Con người sinh ra vốn bản tính thiện (B.T)
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)
Hết