Yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ
Yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ là đức tính lớn của Cụ Hồ. Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, kính già là một điểm quan trọng của đạo đức, phong tục xưa nay không khác mấy. Còn yêu trẻ, thân mật với trẻ em, săn sóc tuổi trẻ, đặt hy vọng vào tuổi trẻ, trồng người từ tuổi niên thiếu một cách có ý thức, có hệ thống, thì có thể nói là xưa nay ở xứ ta chưa từng thấy ai bằng Cụ Hồ, cũng chưa từng thấy người Việt Nam nào được nhi đồng thương yêu, tôn kính bằng Cụ Hồ. Đến như trọng phụ nữ thì đến mấy nghìn năm Nho giáo, phong kiến, rồi thực dân đã làm suy yếu cái truyền thống tốt đẹp vốn có từ nghìn đời, có lẽ từ thời bộ tộc mới hình thành, từ khi mà Âu Cơ xuất hiện trong truyền thuyết. Trải qua thời gian dài này, bà mẹ Việt Nam vẫn được tôn trọng mà người phụ nữ nói chung thì bị xem rẻ trong xã hội phong kiến, thực dân. Mãi sau này, vị trí, vai trò của phụ nữ mới được xác định rõ trong cách mạng hiện đại Việt Nam, do Cụ Hồ mở đầu. Nếu như trong cách mạng và kháng chiến của ta, số thiếu nhi anh hùng, phụ lão anh hùng, phụ nữ anh hùng xuất hiện thật nhiều, thì cái đó là do truyền thống anh hùng của một dân tộc bất khuất, mà cũng là vừa do tính tình gương mẫu tuyệt đẹp của Cụ Hồ yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ được vạn ức cán bộ và đồng bào noi theo.
* *
*
Cụ Hồ yêu trẻ lắm, yêu trẻ và săn sóc trẻ; tư tưởng của Cụ, nhiều lần được nói lên là“Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”. Trồng cây để làm rường cột cho nhà mà ai cũng phải có, trồng người để làm rường cột cho nước nhà ai cũng phải xây dựng. Trồng người còn lâu dài công phu hơn trồng cây, nhưng lại có tính khẩn cấp hơn; đời người có hạn mà thời gian thì qua nhanh. Sự nghiệp cách mạng càng khó khăn bao nhiêu, cần phải chú trọng bấy nhiêu đến sự đào tạo các thế hệ trẻ. Cụ Hồ là người thấy xa, lo xa. Cụ Hồ lại là người có lòng nhân ái mênh mông; yêu trẻ là tính vốn có, tính bản nhiên của Cụ. Cụ quên mình vì nước, vì dân, không có gia đình riêng, xem cả dân tộc, đồng bào là gia đình, thì tấm lòng yêu trẻ là điều dĩ nhiên lắm, không hạn chế ở con em ta mà bao trùm lên tuổi thơ rộng lớn. Không lạ nếu báoDân chúng nước Paragoay ở tận Nam Mỹ nhận xét rằng:“Chủ tịch Hồ Chí Minh có trái tim bao la như vũ trụ, có lòng thương vô hạn với trẻ em”.
Trong sáchBác Hồ về nước , ở bài Bác Hồ đến bản tôi, có đoạn kể một câu chuyện nhỏ có ý nghĩa lớn, nói lên rằng Bác Hồ yêu quý trẻ em, săn sóc trẻ em y như cha đối với con trong nhà mình, con nhà nhiều lúc lại không được như thế:
“Ngày hôm sau ông Cụ sang ở nhà tập thể cất trong rừng sâu để tránh khủng bố, ở chung với chúng tôi. Ở lán, bữa ăn trưa chỉ có cháo bẹ loãng nấu bằng chảo nấu cám lợn. Ai đói thì múc lấy mà ăn với quả bí đỏ luộc chín trong nồi gang. Thiếu muối phải ăn nhạt. Thấy ông Cụ ăn ít, mọi người không vui. Bữa chiều, người lớn kiếm được ít gạo, nấu riêng cho ông Cụ. Cụ bảo mình muốn ăn cháo bẹ mà thôi. Rồi ông Cụ đưa bát cơm đó cho một em bé gái nhỏ, ông Cụ tự múc lấy một bát cháo, ăn ngon lành. Bữa này ông Cụ ăn được nhiều hơn. Thấy đứa trẻ nào ăn gần hết bát cháo, ông Cụ đứng dậy múc cho.
Có một buổi trưa, ông Cụ xách một dậu than, vác cuốc ra chỗ nguồn nước. Bọn trẻ con chúng tôi chạy ra theo sau. Thấy ông Cụ quét dọn đống lá mục rơi đầy vũng nước, có đứa hỏi:
- Ông làm gì vậy?
- Ông đào vũng nước rộng thêm.
Ông Cụ khơi một khe nhỏ cho nguồn nước chảy ra đó. Khe cũ cạn nước, ông Cụ cuốc thành một cái hố sâu, tròn, to hơn cái đầu một tý. Phía dưới, ông Cụ đào hai cái hố tròn, mỗi cái bằng vũng trâu nằm, hai hố ngang nhau. Đoạn ông Cụ lấy dậu than, đổ than xuống hố trên, dùng cán cuốc đầm nhiều lần cho chặt. Rồi ông Cụ tháo nước nguồn chảy xuống. Nước vàng nhạt được than hút vào; trẻ con chúng tôi reo ầm lên, cứ tưởng than khát nước uống mãi không biết chán. Bỗng thấy nước thấm qua lớp than, chảy xuống cái hố bên dưới, trong veo như nước suối. Đợi đến lúc gần đầy nửa hố, ông Cụ rủ chúng tôi ra về. Ngay chiều hôm ấy, ông Cụ vác máng đập lúa ra chỗ hồ nước, múc đầy máng, rồi cùng chị Việt Thần tắm cho các trẻ nhỏ. Những đứa trẻ trong máng đập lúa vỗ tay chân, nước bắn tung tóe vào người ông Cụ. Ông Cụ rửa mặt, kỳ cọ, tắm cho từng đứa trẻ, gội đầu cho từng đứa. Rồi cùng chị Việt Thần, ông Cụ giặt quần áo cho cả bọn. Khi ra về, ông Cụ bế đứa nhỏ nhất. Lũ trẻ được tắm sạch thơm tho, cười như hoa nở”.
Đó là chuyện ở Cao Bằng năm 1941, ngày Cụ Hồ mới về nước.
Việc làm ấy xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ bản nhiên của Cụ Hồ hay đơn thuần là một cách dân vận để được lòng bản làng mình ở? Câu chuyện sau đây có thể trả lời đầy đủ. Anh Hoàng Hữu Kháng là cận vệ tin cẩn nhiều năm của Cụ Hồ từ những năm trước khởi nghĩa Việt Bắc đến lúc cách mạng thành công đã kể lại trong sách Những ngày đầu gần Bác:
“Tính Bác rất dễ xúc động. Có một đêm Bác ngủ trên gác một căn nhà, tới 4 giờ sáng Bác thức giấc. Ngoài trời gió vun vút, đập vào cửa kính; ngồi trong nhà còn thấy lạnh, thế mà đã có trẻ con rao hàng dưới đường. Bác khoác áo, mở cửa sổ, ngó nhìn tới khi em bé đi khuất, mới từ từ khép cửa lại”.
Ở trong nước thì âu yếm với thiếu nhi trong nước, sang Pari thương thuyết với Chính phủ Pháp thì Cụ Hồ âu yếm với thiếu nhi Việt kiều. Đoạn hồi ký sau đây hàm chứa nhiều ý nghĩa:
“Một hôm các cháu thiếu nhi Việt Nam được một cô giáo trẻ người Việt Nam dẫn đến thăm Bác, ngày rằm tháng Tám. Các cháu được hát mừng Bác Hồ. Hát xong, cô giáo định cho các em ra về, sợ quấy phiền Bác lâu quá. Song Bác vui vẻ giữ lại. Phân phát kẹo bánh cho các cháu, Bác hỏi các cháu có thuộc bài Quốc ca Pháp không. Các cháu thưa rằng: Có. Bác bảo các cháu hát cho Bác nghe. Các cháu hát vang bài “Marseillaise”, bài hát cách mạng đã trở thành Quốc ca Pháp. Những người Pháp có mặt trong buổi họp mặt rằm tháng Tám này rất lấy làm phấn khởi và vinh dự”.
Phải chăng, một cái biểu hiện về tình yêu trẻ em Việt kiều mà cũng là gián tiếp một bài học chính trị?
Năm 1946 là năm nổ ra toàn quốc kháng chiến. Pháp tấn công ta và ta phản công địch trong Hà Nội. Nhân dân Thủ đô sơ tán. Theo lời kể lại của đồng chí Giulapxki, Đại sứ Ba Lan, trong bàiBa lần gặp Bác thì Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo được Cụ hỏi ngay hôm 19 tháng 12:Vậy chớ các chú đã kịp cho các cháu rời xa chiến trường chưa? Nhớ đến các cháu thiếu nhi là ở trong điều đầu tiên Cụ nhớ. Khi tiếng đại bác nổ rồi, chẳng những các cháu thiếu nhi Thủ đô, các cháu ở những thị xã gần Hà Nội cũng phải chạy giặc. Các chiến sĩ cận vệ của Cụ kể lại rằng:“Vào cuối tháng 7 năm 1947, Bác bảo chúng tôi đi gom các em ở trong tỉnh Phú Thọ chạy tránh càn, lạc cha mẹ, đưa về một chỗ để tiện nuôi dậy và bảo vệ. Cụ ở trại của các em suốt 25 ngày, trong thời gian đó Cụ cũng nằm trên giường nứa mà các em nằm, cũng làm việc trên các bàn nứa mà các em ngồi học”.
Cụ Hồ muốn "cộng khổ" với các cháu của Cụ là thế.
Đồng chí Giulapxki cũng kể rằng, năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ,“Người trở về Hà Nội không cần một nghi thức nào cả. Người trở về như bao nhiêu người khác trở về, để đỡ tốn kém. Bác kéo cháu bé tặng hoa vào lòng, rồi Bác ngồi nép lại một bên, dành chỗ cho cháu bé cùng ngồi. Hai Bác cháu ngồi vào chiếc ghế bành mà vẫn rất vừa chỗ. Hồ Chủ tịch luôn luôn có một tình cảm đặc biệt đối với thiếu nhi”.
Việc Cụ tỏ tình cảm đặc biệt đối với thiếu nhi Việt Nam thì làm sao kể xiết được:Ở nhà trẻ, ở nhà trường, ở quảng trường, ở ngay trong vườn, ở trong Phủ Chủ tịch. Các em quấn quýt xung quanh Cụ như cháu ruột xung quanh ông, chớ không phải tôn kính mà đứng xa. Các em thuộc và làm theo lời dạy của Bác Hồ. Trung thu đến các em mong đợi lời chúc Tết của Bác Hồ.
Biết bao nhiêu lần, thân mật, Cụ Hồ cho rước trẻ em vào nơi Cụ ở vui chơi với Cụ, ca hát cho Cụ nghe. Nghệ sĩ Ái Liên kể:“Đầu năm 1968, gia đình vừa ăn cơm xong thì có người tới hỏi. Đó là một chú bảo vệ của Bác; chú đến từ lâu nhưng thấy gia đình đang ăn cơm nên chưa vào. Bác cho gọi Ái Xuân, Ái Vân lên (chú bảo vệ nói đáng lẽ cho cả Ái Thanh cùng đi, nhưng hôm đó trời rét nên Bác bảo để Ái Thanh ở nhà). Hai chị em mừng quá toan đi ngay, chú bảo vệ bắt hai chị em mặc đủ quần áo ấm. Tới nơi Bác ở, chú Kỳ, Thư ký của Bác, nói Bác đợi đã mươi phút. Hai chị em chạy ùa vào, Bác dang rộng tay đón hai cháu nhỏ.
- Hai cháu có rét không?
- Có ạ.
- Hai cháu về Hà Nội hôm nào?
- Hôm qua ạ.
- Ở nơi sơ tán, ăn cơm có nhiều không?
- Dạ có.
Bác xoa đầu hai chị em:
- Chắc ăn vào phần tiêu chuẩn của Má phải không?
Hai chị em cười rúc rích. Bác bảo hai chị em hát cho Bác nghe. Vân và Xuân nhìn nhau chưa biết hát bài gì. (Lần trước hai chị em hát bài “Miền Nam ơi chúng tôi sẵn sàng”, Bác khen hay, nhưng đến câu: “miền Nam yêu quý ta ơi, ta hiến dâng cả...” thì hai chị em thấy Bác rút khăn lau nước mắt). Còn đang ngần ngừ, thì Bác giơ tay ra làm hiệu:
- Nào! “miền Nam yêu quý ta ơi!’, bắt đầu đi!
Hát xong, Bác cháu lại nói chuyện. Xuân thích quá kể cho Bác nghe đủ chuyện. Nào chuyện Xuân thích ăn ốc luộc, để dành tiền trong lợn đất, thèm ốc lại đập vỡ lợn, lấy tiền mua. Nào chuyện Xuân ở lớp học, có lần bị bạn trai bắt nạt, bèn gửi cặp sách đánh nhau tay đôi với bạn đó. Bác cười.
Nói chuyện rồi lại hát.
Bác cho hai cháu cùng xem phim. Ái Vân, Ái Xuân được ngồi bên Bác, cứ nắm chặt bàn tay Bác.
Xem phim xong, Bác cười, hỏi:
- Thế nào, bây giờ hai cháu muốn gì nào?
- Muốn ngồi bên Bác như lúc xem phim.
Nhưng Bác đã lấy ra một đĩa kẹo nhỏ nữa, bảo:
- Bây giờ hai cháu về nhé! Về thì phải có quà cho ba, má và cho bé Thanh.
Ái Xuân bật nói: “Cháu chưa muốn về đâu!”. Bác xoa đầu Xuân.
Kể sao hết những lần Cụ Hồ gọi các cháu nhỏ là con của cán bộ, văn nhân, nghệ sĩ dẫn đến cùng Cụ, chung vui như trong gia đình đầm ấm? Lũ trẻ con hân hạnh được gần Bác, sau lần lượt đều trở thành cán bộ, văn nhân, nghệ sĩ, chiến sĩ tràn đầy lòng nhân ái của Cụ Hồ.
Ở Cụ Hồ, lòng yêu trẻ đi đôi cùng nhịp với kính già. Kính già là kính số công lao mà người già đã hiến cho xã hội, là trọng những kinh nghiệm ở đời đã thu góp được, là đánh giá cao uy tín của các phụ lão đối với thanh niên.
Anh Dương Đại Lâm, một đồng chí ở Cao Bằng, tại một bản gần hang Pác Bó, kể rằng:
“Sau Tết ít lâu, bà tôi vừa đúng 85 tuổi (đó là vào năm 1941). Nhà có tổ chức lễ mừng thọ như tục lệ xưa nay. Nghe tin, Cụ Hồ gọi tôi lên hỏi tổ chức như thế nào, tổ chức lễ thì họ hàng gần xa có đông không, ăn mấy bữa, ở bao lâu. Người cũng hỏi: Thường thì con cháu họ hàng mấy giờ đến? Tôi thưa: Bà con họ hàng thường đến vào buổi xế chiều, ăn cơm xong thì tối lúc lên đèn, tức là bà con họ hàng thường đến vào lúc 4, 5 giờ chiều. Tôi tưởng Người hỏi thế để cho biết; không ngờ hôm tổ chức lễ thượng thọ bà tôi, thật là hạnh phúc hiếm có cho gia đình tôi, Người đã bố trí công việc để đến chúc mừng. Chiều hôm ấy, Người đến rất sớm, lúc đó khoảng 2 giờ chiều, trong khi nhà còn vắng khách. Người làm cái đèn lồng bằng trúc, mang đến mừng bà tôi. Chuyện trò một tý, Người đã xin phép ra về. Để giữ bí mật, Người đi đâu thường không báo trước, đến đâu thường đến sớm hơn ai hết rồi cũng ra về trước để tránh những cuộc gặp gỡ đông. Người thường bảo chúng tôi: Muốn làm công tác vận động cách mạng tốt thì khi vào một gia đình nào đó điều trước tiên là phải làm sao tranh thủ được lòng yêu mến của người già; mà người già đã yêu mến thì con cháu họ cũng yêu mến mình, gần gũi thân mật với mình, con cháu yêu mến gần gũi mình thì bố mẹ chúng cũng gần gũi thân mật với mình. Vậy người nào thành thật kính già, yêu trẻ thì thường là người vận động cách mạng giỏi”.
Ta dễ hiểu tại sao năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cũng ra lời kêu gọi phụ lão lúc kêu gọi đồng bào đứng lên dưới cờ của Việt Minh.
Ta dễ hiểu tại sao Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công thì Cụ Hồ thiết tha mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, cụ Võ Liên Sơn, cụ Nguyễn Văn Tố, v.v. ra hợp tác để xây dựng đất nước.
Và ta cũng dễ hiểu tại sao trong kháng đến lâu dài và gian khổ, nước Việt Nam có những đội dân quân du kích, những đội bạch đầu quân lập nhiều chiến công hiển hách.
Nữ văn sĩ J.Stern tham dự một Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Hội trường Ba Đình kể lại rằng:"Trước mặt Cụ Hồ là cả một gian phòng rộng lớn tụ hội đến hai ngàn người già trẻ, gái trai, có người mặc quân phục, có người mặc quần áo công nhân - những Anh hùng Lao động và Anh hùng Quân đội. Hồ Chủ tịch nói chuyện với họ thân tình, đầm ấm như trong không khí gia đình. Chợt, Người phát hiện ra hai cụ bà ngồi ở hàng thứ nhất hội trường. Người cầm hai bó hoa mà các cháu đã dâng lên Người, đi thẳng tới tặng hai cụ bà, rồi nói chuyện với hai cụ bà một lúc rồi trở lên Chủ tịch đoàn. Người nhìn xuống, hỏi: Các đồng chí có biết tôi vừa nói chuyện với ai không? Và Người kể về bà mẹ Suốt 62 tuổi, quê Quảng Bình, ngày đêm chèo đò qua sông Nhật Lệ để chuyển quân, chuyển vũ khí đạn dược (vào Nam đánh Mỹ) chẳng kể mưa nắng, bom đạn. Và bà cụ ngồi bên mẹ Suốt là người mẹ có sáu con gia nhập bộ đội hiện đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.”.
Cụ Hồ mỗi năm gửi nhiều món quà, Huy hiệu, Bằng khen, áo lụa cho các cụ ông, cụ bà ở các địa phương mà lập được nhiều chiến công, hoặc gương mẫu trong sinh hoạt ở xóm làng. Cụ Hồ còn tạo ra cho đoàn thể này đoàn thể khác điều kiện để tỏ lòng tôn kính người già. SáchTheo Bác đi kháng chiến có đoạn viết:“Một hôm, Bác mang đến ba cái áo len cho Hội Liên hiệp Phụ nữ. Chị Hoàng Thị Ái bấy giờ phụ trách cơ quan, không dám nhận và thưa để Bác cho chiến sĩ có công. Bác bảo: Bác có cho các cô đâu mà các cô từ chối; đây là Bác cho các cô để các cô biết cách trọng người già: Một cái các cô đem biếu bác Tôn gái, một cái các cô biếu mẹ liệt sĩ Bùi Thị Cúc, còn một cái để dành đấy khi cần thì sẵn tặng phẩm mà dùng”.
Cụ Hồ kính già và muốn cho cán bộ, đoàn thể cũng đều kính già, cũng đều có đức tính cao quý ấy.
Câu chuyện nghĩa tình quốc tế cộng sản sau đây cũng là câu chuyện kính già. Trong bàiHồ Chí Minh niềm hy vọng lớn nhất, văn sĩ Blaga Dimltrova, người Bungari kể lại rằng:
“Khi đồng chí bác sĩ Anđrây Bansep, bác sĩ của chúng ta hy sinh ở Việt Nam trong khi làm nghĩa vụ quốc tế của mình, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đến sứ quán Bungari, không cầm được nước mắt, Cụ hỏi:“Chúng ta sẽ báo tin cho mẹ đồng chí ấy thế nào?”. Và khi tới thăm Sophia, Hồ Chủ tịch muốn được gặp mẹ đồng chí Bansep. Những vấn đề quốc gia quan trọng không làm Người quên sự quan tâm đến một bà mẹ đau thương. Chính mẹ đồng chí Bansep đã kể lại cho tôi kỷ niệm rất cảm động về cuộc gặp gỡ ấy và sự thông cảm qua giọng nói ấm áp của Bác Hồ.”.
* *
*
Trọng phụ nữ là một đức tính của Cụ Hồ mà các ký giả quốc tế nhiều lần ca ngợi và chị em trong nước rất cảm phục.
Giáo sư Phạm Huy Thông có kể lại câu chuyện xảy ra trong một cuộc họp báo tại Pari vào năm 1946:“Cuộc họp báo khi vãn, nhân trên bàn có trang trí mấy bông hồng, Cụ Hồ đứng dậy lấy một bông hồng tặng chị Francoise de Corrife vì chị là nhà báo phụ nữ”. Tuần báoRegard đã đăng tấm hình Cụ Hồ tặng hoa nữ ký giả Pháp với lời chú thích hóm hỉnh:“40 năm đấu tranh cách mạng mà vẫn lịch thiệp như thường!”. Hơn 20 năm sau, khi nghe tin Hồ Chủ tịch qua đời, nhà báo và nhà thơ Francoise de Corrife đã ôm một bó hoa hồng đến trước Đại sứ quán ta tại Pari mà khóc.
Một phiên dịch viên người Đức, Iréan Mod, đã ghi trong cuốn nhật ký của mình viết năm 1968:“Cụ Hồ cùng Thủ tướng Grotehol đi chào mừng những người có mặt trong lễ đón tiếp ở sân bay. Đến chỗ quần chúng, Người càng vui. Bác chợt thấy một phụ nữ trên đầu có hai màu tóc. Người bước lại gần, thân mật hỏi:
- Cô đấy à! Cô Rosa?
- Vâng, xin kính chào đồng chí Chủ tịch”.
Người phụ nữ ấy chính là đồng chí Rosa Michel, phóng viên báoL" Humanité (Nhân đạo) ở Béclin, đã từng gặp Bác Hồ ở trụ sở Đảng Xã hội Pháp trước năm 1920 và nhiều lần ở trụ sở Quốc tế Cộng sản. Mùa hè năm 1968, Rosa Michel về Pháp nghỉ nhưng vừa được tin Bác Hồ sang thăm Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng chí trở lại ngay vị trí chiến đấu của mình. Được Bác Hồ nhận ra mình, đồng chí Rosa rất sung sướng nói với mọi người:“Bác Hồ có một trí nhớ rất đặc biệt”. Cuộc gặp gỡ bất ngờ chắc cũng làm Bác Hồ cảm động nhiều. Dọc đường từ sân bay về thành phố, Người vẫn còn nhắc đến cô Rosa bé nhỏ ngày xưa. Bác nói với tôi:“Cô Rôsa bé nhỏ thế ấy mà bây giờ đã có cháu kêu bằng bà rồi đấy. Tôi còn nhớ như in hình ảnh của cô Rôsa tại một cuộc họp cách đây 33 năm, cô từ Pari đến, mặc chiếc áo lụa màu hồng óng ả, lúc cô lên diễn đàn, người ta chú ý đến cả dáng đi nhẹ nhàng của cô và có cảm tưởng như trước mặt mình là một con bướm hồng, chớ không phải là một chiến sĩ! Nhưng rồi cô ấy đã nói và nói rất hay, ai cũng lắng nghe và đều nhận ra rằng đó là tiếng nói của một chiến sĩ thực sự”.
Nếu không trọng phụ nữ, nhất là chiến sĩ phụ nữ, thì làm sao có thể nhớ rõ người và chuyện ở một thời xa xưa như vậy? Chúng ta có thể nói rằng đó thuộc vào một trường hợp đặc biệt, còn thường thường trong việc hàng ngày thì sao? Rudolf Plátzner, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Đức nhận xét: TrongBác Hồ như tôi đã biết có ghi:“Những năm ấy, Bác Hồ nhiều lần tổ chức chiếu phim trong Phủ Chủ tịch và cho mời Đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa đến xem. Bác dặn chúng tôi mang cả vợ con đi. Một lần tôi không đưa vợ đi cùng, Bác hỏi tôi bằng tiếng Đức: “Còn cô nàng của chú đâu?”- “Thưa Bác! Nhà cháu mệt”. Bác không tin, bèn cho gọi xe đi đón ngay. Quả thật Bác quý nhà tôi, cứ gặp đâu là cũng cho ngồi gần. Sau này đối với vợ chồng đồng chí Eduard Clouđiut cũng vậy. Tôi được nghe kể rằng có lần chị Clouđiut đau chân, bị bó bột, nhưng phải có mặt trong buổi đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Giữa đám đông người mà Bác Hồ vẫn nhận ra chị ấy bị đau chân, Bác liền nhấc ghế đến cho chị ngồi. Ai cũng cảm phục sự quan tâm hết sức chu đáo của một vị Chủ tịch nước”.
Có lẽ từ ngàn xưa ở nước Việt Nam ít có nhân vật văn hóa hay chính trị nào trọng người phụ nữ như Hồ Chí Minh, không ai đánh giá tầm quan trọng của phụ nữ trong lịch sử như Hồ Chí Minh, không ai ân cần bồi dưỡng phụ nữ như Hồ Chủ tịch.
Bước vào thời kỳ lịch sử hiện đại, người đầu tiên trình bày trước thế giới nỗi khổ và nguyện vọng của phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc trongBản án chế độ thực dân Pháp ở thuộc địa và trong diễn văn đọc tại Đại hội Nông dân thế giới. Cũng Nguyễn Ái Quốc là người tầu tiên ở xứ này nêu lên khẩu hiệu nam nữ bình đẳng, nêu lên một tư tưởng chính trị cơ bản lànếu không có hàng triệu phụ nữ tham gia cách mạng thì cách mạng không thành công được.
Cụ Hồ là vị lãnh tụ chủ trương rằng trong mỗi cấp ủy, đoàn thể, trong mỗi ủy ban nhân dân nhất định phải cố gắng đạt một tỷ lệ phụ nữ nhất định. Dự các cuộc hội nghị lớn, Cụ Hồ lần nào cũng hỏi:Hội nghị có bao nhiêu đại biểu nữ? Và Cụ lúc nào cũng mời đại biểu phụ nữ lên ngồi ở những hàng ghế trên.
Chị Hồ Thị Bi kể lại: Đoàn đại biểu các anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc, khi chụp ảnh, Bác biểu chị Hồ Thị Bi và cô Tạ Thị Kiều ngồi hai bên Bác, còn đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí cán bộ cao cấp khác ngồi hàng trước. Nữ phóng viên báo Phụ nữ là Tuyết Thanh kể rằng: Ở Hà Nội, Tết năm nào Bác Hồ cũng đến thăm cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước tiên và Cụ ghét nhất những người đàn ông đánh vợ.
Còn nữa
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)