Cụ Hồ và những bước ngoặt của lịch sử Việt Nam hiện đại
Tiếp theo những thời tiệm tiến thì lịch sử gặp những bước ngoặt. Thường nhất, thân tài xuất hiện ở những bước ngoặt này. Nhân tài là người trong cuộc, nhạy bén với mọi tình huống, nhìn xa thấy rộng, giải quyết đúng các vấn đề mấu chốt, mở đường cho lịch sử tiến tới. Trong hơn nửa đầu thế kỷ XX của lịch sử Việt Nam hiện đại, Cụ Hồ là “người của những bước ngoặt”, là nhân tài xuất chúng, lần nào cũng nhạy bén với tình huống dù phức tạp mấy; nhìn xa thấy rộng giữa những rối ren, giải quyết các vấn đề một cách sáng suốt, cho phép lịch sử tiến mạnh tới thành công của cách mạng và kháng chiến. Nhìn lại sau năm sáu mươi năm cuộc đời sóng giới bão táp của Cụ Hồ và của đất nước, người ta có thể tự hỏi vậy. Nếu dân tộc không có vinh dự sinh ra được một Hồ Chí Minh, thì lịch sử hiện đại Việt Nam sẽ ra sao, có đạt nổi chăng những thành tựu mà ngày nay chúng ta hạnh hưởng? Lẽ tất yếu trong lịch sử và sức sáng tạo của quần chúng, chắc không ai bảo là bài trừ vai trò của cá nhân, của thiên tài, mà trái lại góp phần cắt nghĩa nó.
* *
*
Định hướng cho cách mạng là vấn đề trọng đại nhất hồi đầu thế kỷ XX. Đi ngả nào mới tới đích? Đường cứu nước là đường nào? Trong khi các chí sĩ lớn tuổi đi tìm ở hướng Đông (Nhật) rồi ở hướng Bắc (Tàu) thì thanh niên Nguyễn Tất Thành đi sang Châu Âu (năm 1911) tìm cách đánh đuổi thực dân Tây phương mà đi về hướng Tây. Đi ngược chăng? Chưa một ai ngờ rằng đi ngược mà sẽ về xuôi. Không vào hang hổ sao tróc được hổ? Nhưng, ở Pháp quốc cộng hòa, ở kinh thành Pari sôi động những tư tưởng của thời đại, không phải mỗi ai yêu nước cũng có thể tìm thấy ánh sáng rọi đường. Cụ Tây Hồ (Phan Bội Châu) tiếng tăm lừng lẫy, không ai không tin Cụ yêu nước chân thành, Cụ lại chọn con đường“ỷ Pháp cầu tiến” nghĩa là“Pháp - Việt đề huề”, nghĩa là một ngõ cụt. Khác với Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc chọn đường vạch ra bởi Đệ tam Quốc tế, đặt cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam vào quỹ đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới. Như thế là:Không chủ nghĩa quốc gia cải trang tư sản, không chủ nghĩa quốc gia cách mạng tiểu tư sản, mà chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại. Năm 1920, là một bước ngoặt lịch sử thứ nhất.
Trước khi sang Pháp, anh Nguyễn có mười năm đèn sách, có Hán học và Quốc học đủ rộng. Sang Âu, anh Nguyễn tự học tiếng Anh đủ để đọc Dickens, tiếng Pháp đủ để đọc Michelet, viết truyện ngắn đăng trênL" Humanité, và viết kịch bản diễn ở Câu lạc bộ ngoại ô. Nhờ ngoại ngữ Nguyễn nắm được văn hóa Tây phương, nắm được các trào lưu chính trị thế giới và hiểu thấu chủ nghĩa xã hội khoa học. Anh Nguyễn lại là người có mười năm lăn lộn trong giới lao động tay chân Luân Đôn và Pari, giống như tạo ra cho tâm hồn mình một tần số nhờ đó tiếp thu nhanh tiếng gọi vùng lên của Cách mạng Tháng Mười. Trong số tất cả các chính khách Việt Nam đầu thế kỷ, duy chỉ có một mình Nguyễn Ái Quốc (tức Nguyễn Tất Thành trước đó, và Hồ Chí Minh sau này) hội đủ ba điều kiện trên để sớm xuất hiện như một ngôi sao sáng ngay từ buổi đầu.
Hãy đọc lại lời của Sào Nam ca tụng Cách mạng Tháng Mười Nga, sánh với luồng gió mát trong lúc trời oi bức, với tia sáng trong đêm đen dày đặc thì biết được cáiđịnh hướng mới của Nguyễn Ái Quốc là hợp thời, hợp tình biết mấy!Sự khủng hoảng đường lối từ sau Cần Vương từ đây được giải quyết tốt đẹp.
* *
*
Cho nên, bắt tay vào việc đào tạo cán bộ, tập hợp lực lượng, tổ chức đoàn thể cách mạng (năm 1925), Nguyễn Ái Quốc thu được kết quả nhanh và chắc. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của anh Nguyễn, nếu không phải là tổ chức cách mạng sớm nhất, thì là tổ chức cách mạng mạnh nhất nước sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng trong lúc anh Nguyễn vắng mặt vì công tác quốc tế thì Thanh niên chia rẽ: Xuất hiện hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Đảng Tân Việt sau đó trở thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Thế là cuối năm 1929, đầu 1930, trong một nước Việt Nam có tới ba tổ chức cộng sản, không ai chịu ai, chê bai nhau, kích bác nhau, tranh giành chính thống, tranh giành quần chúng, ngồi chung không được, hợp lực bất thành, kẻ địch thực dân chực sẵn lợi dụng kẽ hở để lách lưỡi dao vào hàng ngũ cách mạng. Chính trong lúc rối ren đó, Nguyễn Ái Quốc lại xuất hiện. Do uy tín là anh cả, là thày học, là đại biểu Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc hợp nhất dễ dàng thành công hai tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930); Đảng Cộng sản Việt Nam thu nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào hàng ngũ. Và từ nay, trên đất nước Việt Nam chỉ có một tổ chức tiên phong thống nhất lãnh đạo, thống nhất hành động cách mạng, không đảng nào tranh được, đế quốc không tiêu diệt nổi.
Ở nhiều nước châu Á, trước kia và cả ngày nay, lực lượng cộng sản chia rẽ, quần chúng hoang mang, phong trào đấu tranh làm sao lên nổi, cách mạng làm sao thành công? Thấy đó thì càng rõ tầm quan trọng lịch sử của sự hợp nhất tháng 2 năm 1930. Nói rằng hợp nhất thành công căn bản do nhu cầu của lịch sử và của phong trào đang lên. Cái đó có thật, nhưng nhu cầu khách quan của phong trào là một chuyện mà làm được là một chuyện khác. Nếu lúc ấy thiếu một nhân vật có đủ đức đủ tài, có uy tín bao trùm như Nguyễn Ái Quốc, thì dễ gì ai nghe ai, chia rẽ kéo dài thành hố sâu khó lấp, thì làm gì có cách mạng thành công? Nhu cầu của lịch sử thường chỉ được thực hiện qua con người có ý thức và có tài ba, thiếu con người như vậy thì lịch sử phải trải qua những khúc quanh co, có khi lùi lại để rồi tiến lên đầy trắc trở. Nhờ Nguyễn Ái Quốc, lịch sử hiện đại nước ta đỡ phải bị những trở ngại do chính mình gây nên.
Ta lại nhận diện cái bước ngoặt lịch sử mồng 3 tháng 2 năm 1930 ở chỗ: Nó tạo ra tiền đề điều kiện cho một cao trào cách mạng rộng lớn của đông đảo quần chúng, cao trào 1930 - 1931, diễn ra từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam; chưa bao giờ có một phong trào cách mạng lớn như thế từ cuối thế kỷ trước. Và từ đây Đảng Cộng sản là lực lượng nắm quyền lãnh đạo, ngày càng được đông nhân dân tín nhiệm. Nhìn chung trong các thuộc địa bao la của Pháp, không có nơi nào mà Đảng Cộng sản có uy tín độc nhất vô nhị như ở Việt Nam.
Tiếp đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có nhiều quyết định mới rất quan trọng, chuyển hướng chiến lược cả chiến thuật và tổ chức đấu tranh nhằm nhân cơ hội chiến tranh đế quốc để làm cách mạng giải phóng dân tộc, điều mà các nhà cách mạng tiền bối đã ra sức làm hồi 1914 - 1918 nhưng thất bại. Chuyển hướng chiến lược đó được quyết định trong lúc Nguyễn Ái Quốc bị kẹt ở Mátxcơva. Đảng ta chủ trương thành lậpMặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương (thay choMặt trận Dân chủ ); đặt vấn đề cách mạng điền địa ở hàng nhiệm vụ căn bản thứ hai (trước thì cách mạng phản đế và cách mạng phản phong đi song song), rút khẩu hiệu "Liên bang Đông Dương" (xác định thêm rõ Lào, Miên là hai quốc gia dân tộc có chủ quyền), chuyển trọng tâm công tác từ thành thị về nông thôn, v.v.. Nhưng phải đến khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh thì mới thật sự tạo ra một bước ngoặt đầy đủ về đường lối. Từ nay, tất cả các hoạt động đều nhắm vào một mục tiêu chính: Giành độc lập dân tộc; rút khẩu hiệu cách mạng điền địa, và rút tất cả những gì có thể gây trở ngại cho sự tập hợp các lực lượng dân tộc. Không tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương mà lập Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh); không tổ chức công hội mà tổ chức công nhân cứu quốc; đó không phải chỉ là đổi tên; từ nay các cuộc đấu tranh kinh tế, xã hội đều phải tính đến lợi ích dân tộc tối cao, phải điều chỉnh chừng mực thế nào để vừa bênh vực được quyền lợi giai cấp của công nông, vừa bảo đảm quyền lợi của tư sản dân tộc và của thân sĩ, địa chủ yêu nước không phải bị thiệt thòi, động viên họ gia nhập hàng ngũ giải phóng dân tộc của Việt Minh. Không đặt nhiệm vụ lập chính phủ công nông như trước, mà lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng chủ trương quyết tâm đứng về phe Đồng minh chống Đức, Italia, Nhật và chủ trương chẳng những đấu tranh chính trị mà còn đấu tranh vũ trang chống Nhật, Pháp, đi đến giải phóng từng vùng, khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng sẽ thành công dưới cờ hiệu Việt Minh, điều đó chứng tỏ rằng Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, sự thành lập Việt Minh đúng là một bước ngoặt lịch sử.
Có người ngẫm nghĩ về con số 10 "thần bí":"Thần bí: Sau 10 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc gặp được chủ nghĩa Lênin và đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng thế giới. Sau 10 năm hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức, Nguyễn Ái Quốc lập được Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất. Và 10 năm sau đó, Nguyễn Ái Quốc lập mặt trận Việt Minh, trao cho dân tộc ngọn cờ đỏ sao vàng. Ba bước ngoặt nối tiếp đưa cách mạng đến thành công. Người ngoài cuộc có thể tưởng chừng đâu Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công là một tình cờ may mắn: Việt Minh, Việt cộng lẹ tay hái một trái chín muồi. Đâu phải như vậy! Nhìn lại xem, có gì là tình cờ, gặp may?
* *
*
Bước ngoặt quan trọng nhất, quyết định nhất trong lịch sử Việt Nam là chọn thời điểm tiến hành tổng khởi nghĩa là ban hành lệnh Tổng khởi nghĩa. Người ta có thể công phu chuẩn bị lâu dài, nhưng, nếu quyết định Tổng khởi nghĩa sớm quá, lực lượng cách mạng chưa đủ mạnh, phe địch chưa đủ yếu, đồng minh của cách mạng chưa đủ ngả về cách mạng, thì đó là khởi nghĩa non sẽ dẫn đến thất bại; khởi nghĩa thất bại thì thoái trào kéo dài nhiều năm. Còn khi thời cơ đến, giờ khởi nghĩa đã điểm mà do dự không dám khởi nghĩa, thì thời cơ sẽ trôi qua, không trở lại nữa, là kẻ địch sẽ đàn áp dữ dội, cách mạng sẽ khó thành công.
Trong thực tế Việt Nam hồi Chiến tranh thế giới thứ II, hỏi lúc nào là lúc thời cơ đến và chín muồi? Có lực lượng vẫn chưa đủ, còn phải có thời cơ chín muồi. Có thời cơ chín muồi chưa đủ, còn phải có đủ lực lượng. Lực lượng do ta là chính, thời cơ do khách quan là chính. Đảng và Mặt trận có 15, 20 năm để chuẩn bị lực lượng, lại có kinh nghiệm thực tế lịch sử của biết bao cuộc khởi nghĩa. Khi trên chiến trường thế giới, phe phát xít chỉ còn có đế quốc Nhật và khi Nhật thất trận liên tiếp ở Đông Nam Á, nhất là ở Thái Bình Dương, tại vùng phụ cận Nhật nữa, thì thời cơ đã có thể khởi nghĩa ở Việt Nam; tuy thế, thời cơ chưa chín muồi. Phải chuẩn bị gấp rút bằng phát triển vùng giải phóng và vùng chiến tranh du kích, bằng phát triển lực lượng chính trị ở các thành thị trung tâm: Quyết tâm của Hồ Chủ tịch và của Đảng rất lớn. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thuật lại rằng vào tháng 8-1945 ở Tân Trào, sau cơn sốt, Cụ Hồ tỉnh lại, gọi ông đến dặn rằng dẫu có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do. Rồi thời cơ chín, giờ khởi nghĩa điểm. Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, quân đội Xôviết tiến vào Mãn Châu, Nhật đầu hàng, Cụ Hồ và Đảng quyết định Tổng khởi nghĩa ngay; đó là vào ngày 16-8-1945. Ở Việt Nam, Nhật tuy còn 100.000 quân tinh nhuệ nhưng thối chí hoàn toàn, phe thân Nhật tuy còn đông mà hoang mang đến cực độ; các tầng lớp trung gian trông đợi Việt Minh nổi dậy giành độc lập thống nhất. Toàn quốc nhất tề đứng lên:
Ngày 16-8: Lệnh Tổng khởi nghĩa ban hành, Quân giải phóng tiến công ở Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Ngày 19-8: Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội.
Ngày 23-8: Khởi nghĩa thành công ở Huế.
Ngày 25-8: Khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn.
Trong vòng không đầy một tuần lễ, chính quyền đã về tay nhân dân trên cả nước Việt Nam. Khoảng cách giành chính quyền ở Hà Nội và Sài Gòn cũng là khoảng cách giữa khởi nghĩa Lêningrát và Mátxcơva. Thần tốc, quyết thắng, thành công trọn vẹn.
Nếu khởi nghĩa trước đó vài tuần thì 100.000 quân Nhật tinh nhuệ có thể tiêu diệt lực lượng khởi nghĩa ở thành phố. Nếu chờ đợi vài tuần nữa, thì quân Đồng minh đã vào Hà Nội và Sài Gòn, tất không còn có khởi nghĩa nữa. Lực lượng Đồng minh này - Quốc dân Đảng Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 17, Anh (và Pháp) ở nam vĩ tuyến 16 - nói vào Đông Dương để tước vũ khí Nhật, kỳ thật để ngăn cản cách mạng Việt Nam, để cuối cùng giao quyền lại cho Pháp. Nhưng tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, đã hết sức kịp thời giống như bắn rơi nhạn đương bay. Quân Đồng minh vào Việt Nam bằng tầu chiến, máy bay (ở phương Nam) thì khi đó cả dân tộc Việt Nam đã làm lễ Quốc khánh 2-9, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, hàng chục triệu người Việt Nam đã thề đem trí tuệ, của cải, tính mạng của mình để bảo vệ giang sơn mới giành lại được sau gần 80 năm chiến đấu.
Một quốc gia mới được dựng lại thì điều cần nhất là hòa bình. Chính phủ ra sức duy trì hòa bình. Nhưng nếu kẻ địch quyết thủ tiêu nền độc lập của nước, chà đạp tự do của dân, thì tất nhiên quốc gia đó phải kháng cự mãnh liệt nhất, phải bảo vệ cho kỳ được với bất cứ giá nào những thành quả cách mạng. Để bảo vệ độc lập thống nhất, Việt Nam phải đương đầu liên tiếp với hai cường quốc phương Tây trong một cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, một cuộc chiến tranh giải phóng bi hùng nhất của thế kỷ XX, người đứng đầu và là linh hồn của cuộc chiến tranh giải phóng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp dâng Đông Dương cho Nhật; Nhật thua, Pháp theo gót quân Anh trở lại Sài Gòn, một lần nữa Pháp định lấy Nam Kỳ để chiếm cả nước Việt Nam như hồi thế kỷ XIX. Cho nên Pháp gây hấn ở Sài Gòn ngày 23-9-1945 và ở Hà Nội ngày 19-12-1946. Hiệp định Sơ bộ mùng 6 tháng 3, Tạm ước 14 tháng 9, mọi cố gắng thương lượng hòa bình của Cụ Hồ, Pháp đều không kể đến. Chúng quyết chinh phục lại bằng vũ lực, muốn giữ nguyên đế quốc thuộc địa mênh mông của nó. Lúc bấy giờ Pháp khôi phục lực lượng ở châu Âu, được Anh ủng hộ hết mình trong vấn đề Đông Dương và thuộc địa; quyết tâm của hai đế quốc này là phải dập tắt ngọn lửa cách mạng Việt Nam mới khỏi mất các thuộc địa khác. Còn tình thế của Việt Nam thì không thuận lợi về mặt quốc tế: Phe xã hội chủ nghĩa ở xa, Tàu còn bị Quốc dân Đảng thống trị phần lớn, ở các thuộc địa Pháp chưa có phong trào khởi nghĩa, xung quanh Việt Nam toàn thấy kẻ thù, Việt Nam như một hòn đảo bốn bề bị bão táp. Vậy thì trước sự tiến công của Pháp, ta phải làm sao? Đánh hay không? Đánh thì có thể thắng không? Hồ Chủ tịch quyết định đánh và tính toán rằng đánh thì sẽ thắng. Sẽ thắng là vì bên trong ta càng đánh càng mạnh, ta có sức đánh lâu dài cho đến lúc quân thù kiệt quệ, voi già sẽ xổ ruột vì trâu non, vì các dân thuộc địa của Pháp sẽ nổi lên nếu Việt Nam giành nhiều thắng lợi, phe xã hội chủ nghĩa sẽ có ngày cách mạng Trung Quốc phát triển mà dính liền biên giới với ta, giúp đỡ được Việt Nam cả về vật chất lẫn chính trị, thế cô lập của Việt Nam sẽ chấm dứt. Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng Pháp, đó là một bước ngoặt mới. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ai dè kéo dài 9 năm. Voi già xổ ruột thật. Đòn chí tử Điện Biên Phủ đưa đến Hiệp định Giơnevơ. Cuộc chiến đấu chống Pháp của Việt Nam đưa đến sự giải tán một đế quốc thuộc địa lớn, không phải chỉ của Pháp mà thôi, từ sau cuộc sụp đổ của đế quốc La Mã hồi đầu công nguyên, chưa hề thấy sự sụp đổ đế quốc thuộc địa thảm hại đến như vậy.
Thua trận, Pháp "Bán cái” cho Mỹ, Mỹ - Diệm không chịu thi hành Hiệp định Giơnevơ, chẳng những thế, chúng còn hô hào "lấp sông Bến Hải". Nhân dân miền Nam nổi lên đồng khởi chống chế độ thuộc địa kiểu mới. Diệm đàn áp không nổi. Mỹ can thiệp vũ trang vào miền Nam, đưa vào miền Nam 500.000 quân Mỹ, chưa kể quân bù nhìn và quân chư hầu; Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng Hạm đội 7, đánh phá miền Bắc bằng máy bay, dọa rằng sẽ đẩy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở lại thời kỳ đồ đá. Cụ Hồ, Đảng và Chính phủ quyết định ủng hộ đồng bào miền Nam đánh Mỹ. Khi đó, toàn thế giới (tuy sự cảm tình với Việt nam không thiếu) rất hiếm nước nào, kể cả nước xã hội chủ nghĩa, tin rằng Việt Nam sẽ thắng. Ai cũng rõ nước Mỹ rất mạnh, giàu nhất, mạnh nhất, có kỹ thuật chiến tranh hiện đại nhất; Cụ Hồ lại tin là thắng. Cụ đã tính toán đầy đủ chăng? - Có. Mỹ giàu lắm nhưng đánh mãi sẽ suy so với các nước khác; đánh mãi mà không thắng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa thì ngay dân Mỹ sẽ ngày càng phản đối, phản chiến còn dữ dội hơn nhân dân Pháp hồi 9 năm. Phong trào hòa bình dân chủ thế giới lên án Mỹ, ủng hộ Việt Nam sẽ lên cao mãi, Mỹ không thể không tính đến. Chính phủ Mỹ sẽ phải chùn chân nản chí; kỹ thuật Mỹ cao thật nhưng sức mạnh kỹ thuật nào cũng có giới hạn khi đối đầu với con người, trước hết là con người yêu nước Việt Nam. Cho nên Cụ Hồ nói Hà Nội, Hải Phòng có thể bị bom Mỹ phá rụi hết, mà ta cứ quyết tâm chống Mỹ, ta sẽ thắng, Mỹ sẽ phải cút, ngụy sẽ phải nhào, nước Việt Nam sẽ vinh dự là một nước nhỏ mà đánh bại hai nước lớn là Pháp và Mỹ, góp phần mình vào sự nghiệp hòa bình và giải phóng các dân tộc. Cụ Hồ tính toán đúng, quyết định đúng; đó là một quyết định cực kỳ dũng cảm, sáng suốt, hợp với lòng dân, hợp với chiều hướng lịch sử nhân loại.
* *
*
Ở những khúc quanh bước ngoặt lịch sử mới rõ những bậc kỳ tài. Hồ Chí Minh quả là phượng hoàng của dãy Trường Sơn, như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Còn nữa
Theo cuốn sáchHồ Chí Minh - Vĩ đại một con người của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản.
Huyền Trang (st)