Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969). Ảnh: Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất là người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không phải chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa kiệt xuất vì Người nhận thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn. Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Hơn thế nữa, tấm gương đạo đức ngời sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vẻ vang mà còn là một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất, đạo đức của người cách mạng, tượng trưng cho những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn, ý chí, nhân cách của dân tộc và của loài người. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là tư cách của người cách mạng. Người đề ra và tự mình gương mẫu thực hiện. Đó là một cuộc đời trong sạch, suốt đời thực hành cần, kiệm, liêm, chính, một tấm gương không ngừng học tập và rèn luyện, không ngừng tự đổi mới. Bởi vậy, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức cao cả của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”.
Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác Hồ không tỏ ra quan dân lễ cách, không có sự phân biệt giữa lãnh tụ với dân thường. Hằng năm, cứ đến dịp Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình. Ở Hà Nội, đúng ngày 19-5, Người thường tìm cách đi một nơi khác để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém. Vào dịp đó, Bác thường viết thư, gửi điện cảm ơn đồng chí, đồng bào, các cơ quan, đoàn thể trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết nhân Ngày sinh của mình, và có những lần Bác làm thơ nói về tuổi tác thay vì những lời cảm tạ. Mỗi bức thư, mỗi dòng thơ của Bác Hồ, tuy nói về Ngày sinh của Người, nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm đối với non sông đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với dân”, và là đường lối lãnh đạo của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ở từng thời điểm lịch sử.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của ngày kỷ niệm 19/5 - Ngày sinh của Bác Hồ, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số bức thư, điện, bài thơ cảm ơn nhân dân nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác và một số chuyện kể về Ngày sinh của Người trong cuốn sách "Nhớ mãi Ngày sinh Bác Hồ" của tác giả TS. Trần Viết Hoàn biên soạn.
Phần 1
KỶ NIỆM LẦN ĐẦU TIÊN NGÀY SINH BÁC HỒ (1946)
Sáng 19-5-1946, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo và hơn năm mươi đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng Bác nhân Ngày sinh của Bác. Bác tặng các đại biểu thiếu nhi một cây bách trồng trong chậu và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau, cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây nhớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”.
Đáp lại lòng kính mến của đồng bào, Bác Hồ nói:
“Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi có 56 chưa đáng tuổi được đồng bào chúc thọ. Chỉ vì một nhà báo nào biết đến Ngày sinh của tôi mà đem ra làm bận rộn đến đồng bào. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là việc lớn, không ai có thể một mình làm nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau, các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cường thịnh hơn.
Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”1 .
Cũng chính ngày 19-5-1946, lực lượng thanh niên Thủ đô đã tuần hành thị uy chúc thọ Bác Hồ. Việc đó làm cho các đại biểu Đồng minh thấy rõ uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và kỷ niệm Ngày sinh của Bác Hồ có ý nghĩa lịch sử và tình cảm biết bao!
Ngày 25-5-1946, Bác Hồ gửi Thư cảm ơn đồng bào và các cơ quan, đoàn thể trong nước và nước ngoài đã chúc mừng Ngày sinh của Người:
“Tôi trân trọng cảm ơn:
Quốc hội, Chính phủ, các đảng, các đoàn thể, đồng bào Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, đồng bào Công giáo, Phật giáo, Tin lành, các cháu thanh niên và nhi đồng.
Cảm ơn các bạn hữu Tàu, Pháp, Mỹ, Anh đã tỏ lòng quá yêu tôi và chúc mừng Ngày sinh nhật tôi.
Nhân dịp này, tôi xin hứa với đồng bào rằng từ đây về sau, cũng như từ đây về trước, tôi sẽ ra sức phấn đấu để giữ gìn quyền tự chủ của nước nhà, quyền tự do của dân tộc, quyền dân chủ của đồng bào. Tôi xin hứa với bạn hữu các nước rằng tôi sẽ dùng tinh thần lực lượng nhỏ mọn của tôi để giúp vào xây đắp mối thân thiện giữa các dân tộc.
HỒ CHÍ MINH”2
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1947
Ngày 19-5-1947, chào mừng Ngày sinh của Bác Hồ, các đồng chí phục vụ chuẩn bị sẵn một bó hoa rừng đến chúc thọ Bác. Bác rất xúc động và đề nghị dành những bông hoa đó đi viếng mộ đồng chí Lộc (người mà Bác quen biết hồi hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc, sau đó theo Bác về nước tham gia kháng chiến và được phân công lo việc ăn uống cho Bác) vừa mới mất trước đó ít ngày vì bệnh sốt rét.
Cùng ngày, Người rời Sơn Dương (Tuyên Quang) chuyển đến địa điểm mới.
Ngày 20-5-1947, Bác đến ở và làm việc tại thôn Điền Mạc, xã Thanh Định, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1948
Ngày 19-5-1948, Bác Hồ viết Thư cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã chúc thọ Người nhân Ngày sinh:
“Tôi rất cảm ơn Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, các bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở ngoài nước, cùng các cháu nhi đồng, đã chúc thọ tôi một cách vô cùng thân ái.
Nhưng tôi thiết nghĩ rằng tuy tuổi tác chúng ta có kẻ nhiều người ít, nhưng tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ngày ấy là ngày cách mệnh giải phóng thành công hồi tháng Tám năm 1945.
Xem thế thì dân tộc ta rất trẻ trung, nước nhà ta rất trẻ trung và chúng ta đều trẻ trung. Chúng ta trẻ trung mà chúng ta phải đảm đang hai nhiệm vụ rất vẻ vang, rất to lớn: Phá tan những xiềng xích cũ và xây dựng những tương lai mới.
Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta là những người thừa tự cái truyền thống oanh liệt, quật cường và một cơ đồ gấm vóc của mấy ngàn năm tổ tiên ta để lại. Chúng ta trẻ trung nhưng chúng ta giàu về kinh nghiệm, kinh nghiệm đau xót có, kinh nghiệm vẻ vang có. Do đó mà chúng ta đã có một lực lượng cực kỳ to lớn, vững chắc, lực lượng đại đoàn kết của toàn dân. Nhờ truyền thống và lực lượng ấy, thêm vào cái chí khí trẻ trung của chúng ta, chúng ta đã vượt qua nhiều bước gian nan và tranh được nhiều thắng lợi: Chúng ta đã đánh tan giặc đói, chúng ta đã đánh tan giặc dốt, chúng ta sẽ đánh tan giặc ngoại xâm.
Song, đường chúng ta còn dài, gánh chúng ta còn nặng, chúng ta cần phải phát triển và nâng cao cái truyền thống oanh liệt, cái lực lượng đoàn kết, và cái chí khí kiên quyết ấy lên nữa, nâng cao lên mãi. Nâng cao bằng cách gì? Bằng cách thi đua ái quốc. Cuộc thi đua ái quốc sẽ đưa chúng ta lên một trình độ cao hơn trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, nó sẽ đưa chúng ta mau đến chỗ thành công. Vì vậy đồng bào ta bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, bất kỳ sỹ, nông, công, thương, binh, mọi người đều phải đưa trí sáng suốt, lực lượng và tài năng của mình vào đó, để phụng sự dân tộc, phụng sự Tổ quốc. Đồng bào yêu mến tôi, chúc thọ tôi, tôi biết lấy gì, nói gì để báo đáp lại lòng thân ái ấy? Tôi chỉ có một cách báo đáp là kiên quyết cùng đồng bào chịu cực chịu khổ, quyết cùng đồng bào kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, quyết cùng đồng bào tranh lại thống nhất và độc lập thật sự cho Tổ quốc, quyết cùng đồng bào ra sức làm thế nào cho con cháu chúng ta bây giờ và muôn đời về sau được sung sướng và tự do.
Chào thân ái và quyết thắng.
HỒ CHÍ MINH”3
Trong cuốn sách Bác Hồ viết Di chúc, đồng chí Vũ Kỳ có kể: “Nhớ lại ngày 19 tháng 5 năm 1948, giữa rừng Việt Bắc cách đây gần 20 năm. Hôm đó, tôi có mời một số đồng chí đến ăn cơm với Bác, nhưng vì bận công tác đột xuất nên không ai đến được. Nghĩ Ngày sinh nhật mà Bác phải ngồi ăn cơm một mình, tôi đánh bạo thưa với Bác: - Thưa Bác! Hôm nay cho phép cháu được ăn cơm với Bác. Bác nheo nheo cặp mắt hiền từ nhìn tôi, rồi tủm tỉm cười: - Chú tự mời thì chú cứ đến”4.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1949
Trước ngày 19-5-1949, Bác Hồ viết bài thơ Không đề, trả lời ý kiến của một số cán bộ đề nghị tổ chức mừng Ngày sinh của Người. Bài thơ như sau:
“KHÔNG ĐỀ
Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta.
Năm 1949”5
Trong dịp sinh nhật của mình, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 59:
“Cũng như mọi năm, năm nay các vị đại biểu Quốc hội và đồng sự trong Chính phủ,
Đồng bào các nơi,
Các cơ quan, đoàn thể và bộ đội,
Kiều bào ở nước ngoài và đồng bào những vùng tạm bị địch chiếm,
Các cháu thanh niên và nhi đồng,
hoặc thân hành đến, hoặc gửi quà, gửi thư, gửi điện chúc thọ tôi. Tôi rất cảm động và biết ơn.
Song khác với mọi năm, năm nay tôi đã định không kỷ niệm Ngày sinh nhật của tôi. Vì tôi mong rằng từ ngày 19-5 năm nay, toàn thể đồng bào và toàn thể chiến sỹ sẽ ra sức Thi đua ái quốc hơn nữa, để đẩy mạnh cuộc cầm cự, chuẩn bị đầy đủ tổng phản công.
Năm sau, đến ngày toàn quốc ăn mừng hoàn toàn thắng lợi, trong cuộc kỷ niệm to ấy, tôi sẽ vui vẻ tiếp đồng bào và chiến sỹ, kèm thêm một kỷ niệm nhỏ là Ngày sinh nhật của tôi.
Chào thân ái và quyết thắng.
HỒ CHÍ MINH”6
KỶ NIỆM LẦN THỨ 60 NGÀY SINH BÁC HỒ (1950)
Đầu tháng 5-1950, nghe tin Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề nghị tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 60 của mình, Bác Hồ từ chối việc này bằng cách đọc lại bài thơ Bác làm trong dịp Bác 59 tuổi. Tuy Bác đã khước từ, nhưng trong một cuộc họp cán bộ các cơ quan Trung ương ở Thác Dẫng (Tuyên Quang), nhân sắp đến ngày 19-5-1950, mọi người chúc thọ Bác. Bác cảm ơn đáp lại bằng bài thơ:
“Sáu mươi tuổi hãy còn Xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên! Năm 1950”7.
Ngày 19-5-1950, Bác Hồ tham dự lễ chúc thọ mừng Người tròn 60 tuổi do Chính phủ tổ chức tại Chủ tịch phủ trong An toàn khu Việt Bắc.
Ngày 20-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Trung Quốc và Hội Liên hiệp sinh viên Trung Quốc về những lời chúc mừng nhân kỷ niệm lần thứ 60 Ngày sinh của Người.
Nhân Ngày sinh của Bác, Bác gửi Thư cảm ơn:
“Tôi trân trọng cảm ơn:
Quốc hội, Chính phủ, các đoàn thể, các chiến sỹ, các cán bộ,
Đồng bào trong nước, ngoài nước và trong vùng tạm bị địch chiếm.
Tôi riêng cảm ơn các cụ phụ lão và các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng, đã gửi thư, gửi điện, gửi quà chúc thọ tôi.
Tôi rất sung sướng vì lòng yêu mến của đồng bào. Tôi rất vui mừng vì những món quà của bộ đội đều là chiến lợi phẩm; những món quà của đồng bào đều tự tay đồng bào làm ra trong cuộc thi đua tăng gia sản xuất.
Tôi rất hài lòng, vì phần rất lớn trong các thư, các điện đều báo cáo thành tích trong cuộc thi đua ái quốc cũ, và hứa hẹn trong các cuộc thi đua ái quốc mới.
Vì lòng quá cảm động, tôi không biết nói gì với chiến sỹ và đồng bào trong dịp này. Tôi chỉ nhắc lại rằng:
Trong thời kỳ ta đang chuẩn bị để tiến mạnh sang tổng phản công, ta đã tranh được một thắng lợi chính trị rất to: Trung Quốc, Xô Liên và các nước dân chủ mới đã thừa nhận ta. Thế là trong lịch sử, địa vị nước ta trên trường quốc tế chưa bao giờ vẻ vang như bây giờ.
800 triệu bầu bạn đang nhìn vào chúng ta, đang mong chờ chúng ta thắng lợi, và chắc chúng ta sẽ thắng lợi. Vì vậy, tôi mong rằng toàn thể chiến sỹ, toàn thể đồng bào, mọi người đều giữ lời đã hứa với tôi, tức là mỗi người đều ra sức thi đua thực hiện chương trình Tổng động viên của Chính phủ, mọi người đều nhằm vào một mục đích chung là: Tất cả để chiến thắng.
Về phần tôi, tôi xin báo cáo với chiến sỹ và đồng bào rằng: 60 tuổi cũng còn thanh niên chán. Tôi vẫn đủ tinh thần và sức khỏe để cùng chiến sỹ và đồng bào đánh đuổi giặc Pháp, tranh lại độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc, hợp sức với các nước bạn để giữ gìn dân chủ và thế giới hòa bình.
Chào thân ái và quyết thắng.
HỒ CHÍ MINH”8
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1951
Ngày 19-5-1951 Bác Hồ tiếp đại biểu Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận... đến chúc thọ Bác Nhân ngày sinh của Người. Nói chuyện với các đại biểu, Bác chỉ rõ: Khả năng của nhân dân rất nhiều, nhưng cán bộ phải biết giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách của Chính phủ, của đoàn thể. Nhân dân hiểu rõ sẽ nô nức phục vụ và việc gì cũng sẽ làm được.
Ngày 20-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Lời cảm ơn đồng bào:
“Tôi trân trọng cảm ơn:
Quốc hội và Chính phủ,
Đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài,
Các bộ đội và các cơ quan,
Các đoàn thể nhân dân, các bà mẹ chiến sỹ và các anh em thương binh,
Các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng cảm ơn:
Bà con Hoa kiều và các nhân sỹ bạn ngoại quốc đã gửi quà, thư, điện, chúc thọ tôi. Làm cho tôi vui lòng nhất là đại đa số thư và điện đồng bào gửi đến đều báo cáo kết quả thiết thực trong đợt thi đua vừa qua, và hứa hẹn cố gắng trong đợt thi đua đang tiến.
Tuổi tuy hơi già, nhưng vì nước ta trẻ, dân ta trẻ, cho nên tinh thần và lực lượng tôi vẫn trẻ. Để báo đáp lòng yêu mến của đồng bào, tôi xin hứa rằng: Với sự giúp đỡ của Quốc hội và Chính phủ, với sự đôn đốc và ủng hộ của toàn dân, với chí kiên quyết thi hành mệnh lệnh của cán bộ và bộ đội, tôi quyết đưa cả tinh thần và lực lượng để phụng sự Tổ quốc và hướng dẫn đồng bào cùng bộ đội đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Và góp phần vào sự nghiệp giữ gìn dân chủ, hòa bình thế giới. Chào thân ái và quyết thắng.
Ngày 20 tháng 5 năm 1951.
HỒ CHÍ MINH”9
Nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 61 của Bác Hồ, Anbe Clavie (Alber Clavier), lúc ấy là hạ sỹ quan Pháp đã chạy sang hàng ngũ của ta, đã viết thư chúc mừng sinh nhật Bác Hồ, xin được đóng góp một phiếu công trái trị giá 150.000 đồng cho Chính phủ Việt Nam. Bác Hồ viết thư gửi Anbe Clavie như sau: “Anbe thân mến, Rất cảm ơn vì những lời cháu đã chúc Bác nhân sinh nhật Bác và vì đóng góp của cháu vào phong trào mua công trái của chúng tôi. Chúc cháu đạt kết quả trong công việc, trong học tập cũng như trong việc thi đua trồng rau xanh. Chào thân ái BÁC HỒ”10
1. Báo Cứu quốc, số 244, ngày 20-5-1946.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 238.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 436 - 437.
4. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc (Hồi ký), Thế Kỷ ghi, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.62.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 597
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 601.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 55.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 60 - 61.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 213-214.
10. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 5, tr. 48-49
Ban Biên tập
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1952
Sáng ngày 19-5-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Tôn Đức Thắng, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đại biểu Đảng và đoàn thể đến chúc mừng sinh nhật của Người. Khi đoàn nhi đồng đến chúc mừng, Bác Hồ cùng các đại biểu vui chơi với các cháu1.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện cảm ơn Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào Xuphanuvông và Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng Trung ương Cao Miên Sơn Ngọc Minh đã gửi điện chúc mừng kỷ niệm ngày sinh của Người.
Báo Cứu quốc đã đăng thông cáo cảm ơn của Văn phòng Chủ tịch phủ:
THÔNG CÁO CỦA VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH PHỦ
Trong dịp mừng thọ Hồ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch phủ đã nhận được rất nhiều thư, điện, quà của các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích, đồng bào các giới, các cụ phụ lão, các em nhi đồng trong và ngoài nước, ở vùng tự do, vùng du kích và vùng bị chiếm, gửi về chúc thọ Người và báo cáo lên Người những thành tích thi đua từ đầu năm đến nay. Hồ Chủ tịch rất vui lòng về các báo cáo trên. Vì không thể trả lời riêng, thừa lệnh Người, Văn phòng Chủ tịch phủ xin gửi lời cảm ơn chung đồng bào và bộ đội.
VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH PHỦ2
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1953
Nhân dịp Ngày sinh lần thứ 63, Bác Hồ làm bài thơ chữ Hán nhan đề Thất cửu3
“THẤT CỬU
Nhân vị ngũ tuần thường thán lão,
Ngã kim thất cửu chính khang cường.
Tự cung thanh đạm tinh thần sảng,
Tố sự thung dung nhật nguyệt trường.
1953
Dịch nghĩa:
BẢY CHÍN
Thường người ta chưa đến năm mươi tuổi đã tự than già,
Mình nay sáu mươi ba tuổi vẫn đang khỏe mạnh.
Sống cách thanh đạm tinh thần sáng suốt,
Làm việc thong dong, ngày tháng dài.
1953
Dịch thơ:
SÁU MƯƠI BA TUỔI
Chưa năm mươi đã kêu già,
Sáu ba, mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung.
1953”4
Bác Hồ đã gửi Thư cảm ơn nhân Ngày sinh:
“Ngày 19-5, tôi tiếp được thư và điện mừng của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Liên - Việt, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng.
Điện mừng và báo cáo thành tích thi đua của các đoàn thể nhân dân, bộ đội, các đoàn dân công, các anh hùng và chiến sỹ thi đua, kiều bào ở nước ngoài, cá nhân đồng bào, các cháu thanh niên và nhi đồng.
Nhiều bầu bạn nước ngoài cũng có điện chúc thọ tôi. Tôi trân trọng cảm ơn tất cả. Tôi xin báo cáo rằng tôi rất mạnh khỏe và xin hứa với đồng bào, bộ đội và các bạn rằng: Tôi quyết đưa tất cả tinh thần và sức lực để cùng đồng bào và bộ đội đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, đặng góp phần vào công cuộc bảo vệ hòa bình thế giới.
Chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 5 năm 1953
HỒ CHÍ MINH”5
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1954
Tháng 5-1954, quân dân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, đó là quà đặc biệt dâng Bác Hồ nhân Ngày sinh của Người.
Bác Hồ đã viết Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ như sau:
“Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh.
Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sỹ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác.
Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao.
Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới.
Bác và Chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”. Các chú tán thành không?
Bác dặn các chú một lần nữa:
Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú.
Bác hôn các chú
Bác
HỒ CHÍ MINH”6
Và Bác Hồ đã làm bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ với bút danh là C.B:
“20 tháng 11 năm cũ,
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ.
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava,
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Nava tới.
* * *
Bên ta thì:
Bộ đội, dân công quyết một lòng,
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông,
Khắc phục khó khăn và hiểm trở,
Đánh cho giặc tan mới hả dạ.
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày,
Không quản gian khổ và đắng cay,
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ,
Đã hứa với Bác, Đảng, Chính phủ.
* * *
13 tháng 3 ta tấn công,
Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:
“Mình có thầy Mỹ lo cung cấp,
Máy bay cao cao, xe tăng thấp,
Lại có Nava cùng Cônhi,
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy.
Chúng mình chuyến này nhất định thắng,
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”.
* * *
Hơn 50 ngày, ta đánh đồn,
Ta chiếm một đồn lại một đồn,
Quân giặc chống cự tuy rất hăng,
Quân ta anh dũng ít ai bằng.
Nava, Cônhi đều méo mặt,
Quân giặc tan hoang ta vây chặt.
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta.
Quân ta vui hát “khải hoàn ca”.
Mười ba quan năm đều hàng nốt,
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây,
Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
* * *
Thế là quân ta đã toàn thắng
Toàn thắng là vì rất cố gắng.
Chiến sỹ viết thư dâng Cụ Hồ:
“Xin Bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác,
Chúng cháu cố gắng đã sắm được”.
C.B7
1. Xem: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t.5, tr. 203
2. Báo Cứu quốc, số 2092, ngày 4-6-1952.
3. Chỉ tuổi 63 của Bác Hồ năm đó (7 x 9 = 63).
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 77
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 78.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 276.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 277-279.
Ban Biên tập
Còn nữa
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1955
15 giờ ngày 19-5-1955, Bác Hồ thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đời sống và công việc của anh chị em công nhân nhà máy, căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy: Muốn thi đua cho có kết quả tốt thì phải đoàn kết, phổ biến kinh nghiệm cho nhau, bền gan và cố gắng học tập.
17 giờ ngày 22-5-1955, Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu học sinh Hà Nội đến chúc mừng nhân Ngày sinh của Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình học tập của các em và cho các em xem những sản phẩm bà con nông dân gửi biếu, trong đó có quả bí ngô nặng 15 kilôgam mà Bác gọi đó là “Những bông hoa đẹp nhất”.
7 giờ ngày 23-5-1955, Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu Khu tự trị Thái Mèo, Đoàn đại biểu đồng bào, chiến sỹ Liên khu V tập kết, Đoàn đại biểu Hải Phòng - Kiến An đến chúc mừng Bác nhân Ngày sinh.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1956
Nhân dịp Ngày sinh Bác Hồ, Bác đã nhận được nhiều thư chúc thọ của mọi người. Bác cảm ơn. Trong Thư gửi cán bộ miền Nam tập kết, Bác Hồ đã viết:
“Thân ái gửi cán bộ miền Nam tập kết ở miền Bắc.
Từ 19-5 đến nay, Bác nhận được rất nhiều thư chúc thọ của các cô, các chú và các cháu nhi đồng. Bác gửi thư này cảm ơn chung các cô, các chú và các cháu.
Và nhân dịp này, Bác giải thích mấy câu hỏi của các cô, các chú.
- Người ta thường nói: Nam Bắc một nhà, như anh em ruột thịt.
Đó là một câu rất thắm thiết. Nó tỏ rõ tinh thần đoàn kết khăng khít không gì lay chuyển được của toàn dân ta từ Bắc đến Nam. Chính bản thân các cô, các chú đã thể hiện điều đó. Từ ngày tập kết, các cô, các chú đã coi miền Bắc như là gia đình mình, đã khắc phục mọi khó khăn, hăng hái tham gia mọi công tác xây dựng. Người thì ở bộ đội góp phần củng cố quốc phòng. Người thì làm việc ở các cơ quan chính quyền. Người thì tham gia sản xuất nông nghiệp. Người thì công tác ở các xí nghiệp và các công trường. Ai cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhiều cá nhân đã có thành tích xuất sắc và đã được thưởng Huân chương. Có những đơn vị như Đại đội 7, làm việc gì cũng xung phong, đã được khen thưởng 8 lần, đã nêu gương lao động anh dũng của cán bộ miền Nam.
Bác thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi các cô, các chú và khuyên các cô, các chú cố gắng mãi, tiến bộ mãi.
* * *
- Chính sách của chúng ta là: Củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam.
Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải xây nền cho thật vững.
Muốn cây được mạnh, lá được tươi, hoa được đẹp, quả được tốt, thì phải ra sức săn sóc, vun xới gốc cây.
Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc và miền Nam. Vì vậy, các cô, các chú hoạt động ở đây cũng như đấu tranh ở miền Nam, tức là đấu tranh cho miền Nam và cho cả nước Việt Nam ta.
Đấu tranh thì không khỏi gặp khó khăn. Những khó khăn của các cô, các chú cũng là khó khăn chung:
Sau 15 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, miền Bắc mới được giải phóng đang gặp nhiều thiếu thốn về vật chất. Thêm vào đó, các cấp, các ngành phụ trách lại chưa quan tâm đúng mức đến vật chất và tinh thần của các cô, các chú, chưa làm đúng như Đảng và Chính phủ đã quy định. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ cũng thiếu đôn đốc, kiểm tra liên tục.
Nay đã thấy những thiếu sót đó, Đảng và Chính phủ đang tích cực lãnh đạo sửa chữa dần dần để thực hiện chính sách đã đề ra. Mong các cô, các chú cũng tích cực góp phần vào việc sửa chữa một cách xây dựng.
Về mặt tinh thần, nếu ai cũng hiểu rõ rằng: Cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nhưng phải gian khổ, lâu dài, thì chắc tránh được khuynh hướng sốt ruột, bi quan và những thắc mắc khác.
* * *
- Đấu tranh chính trị nhất định thắng lợi, thống nhất cả nước nhất định thành công.
Chắc các cô, các chú đều biết rằng: Phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân do Liên Xô đứng đầu, ngày càng mạnh mẽ. Khu vực hòa bình gồm có 1.500 triệu người và càng ngày càng mở rộng. Vừa rồi, 3 nước thuộc địa ở châu Phi mới giành được độc lập. Nhiều nước nhỏ như Cao Miên, Xâylan... đã đi theo chính sách trung lập, hòa bình. Nhiều nước phe Mỹ như Thái Lan, Philíppin... cũng có phong trào chống Mỹ. Thế là Mỹ càng ngày càng bị cô lập. Thế là tình hình thế giới có lợi cho ta.
Mỹ và bọn tay sai ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Chúng từ chối hiệp thương với ta, trốn tránh tổng tuyển cử đúng kỳ hạn như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, âm mưu trường kỳ chia cắt nước ta. Chúng phản bội lợi ích của nhân dân, nội bộ chúng lại đầy mâu thuẫn, cho nên tuy chúng ra vẻ hung hăng, nhưng thế lực của chúng bấp bênh như lâu đài dựng trên bãi cát.
Về phía ta, cuộc đấu tranh của ta là chính nghĩa. Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đều ủng hộ ta. Nhân dân ta từ Bắc đến Nam (gồm cả những người yêu nước trong các giáo phái và các chính đảng ở Nam) đều oán ghét và phản đối Mỹ - Diệm. Miền Bắc ta ngày càng củng cố, làm chỗ dựa, chỗ căn cứ vững chắc cho cuộc đấu tranh của toàn dân ta. Vì những lẽ đó, cuộc đấu tranh chính trị của ta nhất định thắng lợi.
Cuộc đấu tranh chính trị hiện nay là một đoạn đường trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của ta.
Từ ngày thực dân Pháp cướp nước ta, nhân dân ta phấn đấu không ngừng hơn 80 năm. Kết quả Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Kế đến cuộc kháng chiến suốt 8, 9 năm. Kết quả thắng lợi quân sự vẻ vang đã đưa đến thắng lợi vẻ vang về ngoại giao. Hiệp định Giơnevơ đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta.
Nhưng Mỹ và bè lũ tay sai ra sức phá hoại công cuộc thống nhất đất nước của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục phấn đấu.
Cách mạng và kháng chiến thắng lợi là vì nhân dân ta rất đoàn kết, rất hăng hái, rất tin tưởng và đấu tranh rất bền bỉ. Trong cách mạng và kháng chiến, cũng như trong cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, đồng bào miền Nam đều xung phong, đều đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh dũng cảm và dẻo dai.
Tình hình thế giới và trong nước đều có lợi cho ta, nhân dân ta đoàn kết và tin tưởng, cho nên tuy cuộc đấu tranh chính trị hiện nay phải lâu dài và gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Thôi, thư này quá dài rồi.
Chắc các cô, các chú đều hiểu rồi. Bác chúc các cô, các chú đều mạnh khỏe và tiến bộ.
Bác gửi các cô, các chú và các cháu nhiều cái hôn.
Ngày 19 tháng 6 năm 1956
HỒ CHÍ MINH”1
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1957
Ngày 19-5-1957, Bác Hồ về thăm chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác Hồ đã đón tiếp Chủ tịch Vôrôsilốp - vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô, sang thăm Việt Nam từ ngày 20-5 đến ngày 24-5-1957, trong tình cảm thân thiết. Bác nói:
“Hôm nay, nhân dân Việt Nam vô cùng sung sướng được đón tiếp đồng chí, vị lãnh tụ Nhà nước Liên Xô, đến thăm Việt Nam và mang đến cho nhân dân Việt Nam tình thân ái của nhân dân Liên Xô anh em”2. Và trong buổi tiễn Chủ tịch Vôrôsilốp, Người nói: “Từ Hà Nội đến Mátxcơva tuy đi qua bốn nước và cách xa hơn một vạn cây số, song đồng chí vẫn không rời đại gia đình xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Bất kỳ đến đâu, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí trong Đoàn vẫn gặp anh em, con cháu, bà con và bầu bạn thân yêu. Thật là:
Quan sơn muôn dặm một nhà,
Vì trong bốn biển đều là anh em.
Khi đến thăm Việt Nam, đồng chí đã mang lại cho nhân dân Việt Nam mối tình thân ái nồng nàn của nhân dân Liên Xô anh em.
Nay đồng chí trở về, chúng tôi trân trọng xin đồng chí nhận lấy và nhờ đồng chí chuyển lòng biết ơn và tình yêu mến của nhân dân Việt Nam cho nhân dân, Chính phủ và Đảng Cộng sản Liên Xô vĩ đại.
Sau nữa, tôi xin gửi cho các cháu thanh niên và nhi đồng Liên Xô nhiều cái hôn và lời chúc vui vẻ, mạnh khỏe, học tập tốt, lao động tốt, tiến bộ nhiều”3 .
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1958
Ngày 19-5-1958, Bác Hồ thăm chùa Hương. Đi thuyền theo suối Yến vào chùa, Bác ghé thăm chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào thăm chùa chính (động Hương Tích), rồi nghỉ trưa ở đền Cửa Võng. Ra về, Bác ca ngợi cảnh đẹp của chùa Hương và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải trồng nhiều cây dọc hai bờ suối Yến, bảo vệ và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để càng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm.
Ngày 21-5-1958, buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với ông bà bác sĩ Phơrăngxi Lada (Pháp) tới chúc sức khỏe nhân Ngày sinh của Người.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 188-191.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 354.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 361 - 362.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1959
Sinh nhật Bác Hồ năm 1959, cùng dịp nhân dân ta kỷ niệm 5 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã lên thăm đồng bào, cán bộ các dân tộc Tây Bắc.
Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tại buổi mít tinh ở Thuận Châu, Bác Hồ khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến cũng như tinh thần đoàn kết sản xuất của tất cả đồng bào, bộ đội, cán bộ trong toàn Khu Tây Bắc. Bác chúc:
"Người người mạnh khỏe,
Đoàn kết chặt chẽ,
Hăng hái thi đua,
Thành công vui vẻ".
và trao tặng lá cờ thêu dòng chữ ĐOÀN KẾT THI ĐUA THẮNG LỢI.
Gặp gỡ mọi người, Bác Hồ hỏi các cô văn công hát bài Con trâu sắt rằng: “Yêu con trâu sắt hay yêu anh bộ đội lái con trâu sắt?”.
Tặng hoa cho các em thiếu nhi, Bác Hồ căn dặn:
“Hoa thơm, nhiều ít cũng thơm
Tăng gia sản xuất thì cơm áo nhiều”1.
Ngày 08-5-1959, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại buổi mít tinh ở Yên Châu, Bác hoan nghênh nhân dân, bộ đội, cán bộ Yên Châu đoàn kết tốt, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia sản xuất, học bình dân. Bác khuyên bà con các dân tộc phải bảo vệ rừng. Bác nói: “5 năm, 10 năm nữa rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”.
Cùng ngày, Bác Hồ tới thăm Nông trường Mộc Châu. Bác trao tặng nông trường Huân chương Lao động hạng Ba và tự tay gắn Huân chương lên lá quân kỳ Quyết thắng của Nông trường. Bác đề tặng Nông trường bốn câu thơ:
"Luôn luôn cố gắng
Khắc phục khó khăn
Tiến lên thật hăng
Làm tròn nhiệm vụ".
Ngày 18-5-1959, Bác Hồ gửi tặng Huy hiệu cho 5 người có thành tích trong phong trào sản xuất nông nghiệp và bình dân học vụ.
Ngày 19-5-1959, Bác Hồ tới thăm Nhà máy Rượu Hà Nội. Qua các phân xưởng sản xuất, thấy công nhân phải làm những việc nặng nhọc, Bác nói với cán bộ nhà máy: “Các chú phải cải tiến để tăng năng suất, giảm bớt sức lao động”.
Cùng ngày, Bác Hồ đến thăm và vãn cảnh chùa Tây Phương ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây.
KỶ NIỆM LẦN THỨ 70 NGÀY SINH BÁC HỒ
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc do Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thủ tướng Chu Ân Lai làm Trưởng đoàn sang thăm Việt Nam vào dịp 70 năm Ngày sinh Bác Hồ.
Ngày 13-5-1960, Bác Hồ đã tới dự tiệc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam do Thủ tướng Chu Ân Lai tổ chức để mừng thọ Bác Hồ 70 tuổi. Thủ tướng Chu Ân Lai chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “thanh xuân trường tại, vạn thọ vô cương”. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trần Nghị đọc bài thơ do ông sáng tác để chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 16-5-1960, Bác Hồ mời đồng chí Hà Vĩ - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến bàn việc chuẩn bị để Bác đi Nam Ninh (Trung Quốc). Chuyến đi này của Bác Hồ nhằm tránh việc tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Người lần thứ 70 ở trong nước. Và ngày 17-5-1960, Bác Hồ sang thăm không chính thức Nam Ninh (Trung Quốc).
Tối 17-5-1960, tại Nam Ninh (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm thân mật do ông Vi Quốc Thanh - Chủ tịch Khu tự trị Quảng Tây tổ chức tại nhà riêng để chào mừng Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 19-5, sáng sớm, đồng chí Vũ Kỳ thay mặt anh chị em cơ quan phục vụ Bác Hồ, chúc thọ Bác, chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Bác nói vui: “Chú không có hoa à?”. Các đồng chí ở Nam Ninh đến thăm Bác và tặng Bác bánh bao hình trái đào, bánh chúc thọ của Trung Quốc.
Sáng 20-5-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được bức điện chúc thọ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, Ủy viên trưởng Chu Đức và Thủ tướng Chu Ân Lai gửi tới do ông Vi Quốc Thanh chuyển. Bức điện gửi “Người sáng lập và lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc nhất của phong trào cộng sản quốc tế và người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc”.
Ngày 28-5-1960, Báo Nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 2261 đã đăng Lời cảm ơn của Bác Hồ:
“Nhân dịp ngày 19 tháng 5, tôi đã nhận được thư, điện chúc mừng của:
Chính phủ,
Quốc hội,
Mặt trận,
Các đảng bạn,
Các đoàn thể,
Các cơ quan,
Các xí nghiệp,
Các công trường,
Các hợp tác xã nông nghiệp,
Các nông trường,
Các đơn vị bộ đội,
Các trường học,
Đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi,
Đồng bào miền Nam,
Kiều bào ở nước ngoài,
Bà con ngoại kiều,
Các đồng chí chuyên gia bạn,
Các anh hùng, chiến sỹ thi đua,
Các cụ phụ lão,
Các cháu thanh niên và nhi đồng,
Các đảng anh em,
Các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,
Các vị trong ngoại giao đoàn.
Tôi rất vui mừng thấy trong những thư chúc thọ của nhiều đơn vị đã báo cáo những kết quả tốt đẹp của cuộc thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm của đồng bào. Tôi rất vui lòng thấy đồng bào đều hứa hẹn tiếp tục đẩy mạnh thi đua lấy thành tích chào mừng Quốc hội khóa II, chúc mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 15 tuổi, chúc mừng Đại hội Đảng Lao động Việt Nam.
Tiếc rằng không thể trả lời riêng cho từng đơn vị và cá nhân, tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc đồng bào thi đua thắng lợi.
Tôi xin cảm ơn các Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,
Xin cảm ơn ngoại giao đoàn,
Xin chúc tình hữu nghị giữa các dân tộc ngày càng củng cố và phát triển.
Chúc hòa bình thế giới vững bền.
HỒ CHÍ MINH”2
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1961
Ngày 03-5-1961, Bác Hồ mời đồng chí Hà Vĩ - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đến bàn việc Bác sang Trung Quốc nghỉ trong dịp Ngày sinh của Bác.
Ngày 16-5-1961, Bác Hồ rời Hà Nội đi Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Quế Lâm là nơi đầu những năm 40 thế kỷ XX Bác Hồ với chức danh Thiếu tá Hồ Quang đã làm việc trong Văn phòng của Bát lộ quân Trung Quốc. Tại Quế Lâm, Bác Hồ bắt đầu chuyến đi nghỉ 15 ngày. Như vậy, trong dịp Ngày sinh của mình, Bác Hồ vắng nhà.
Trước ngày lên đường, Bác Hồ đã thỏa thuận với đồng chí Hà Vĩ: Khi Bác ở Trung Quốc, sẽ không tổ chức những hoạt động chúc thọ Bác dưới bất kỳ hình thức nào; khi Bác đến cũng như khi đi, không cần tổ chức đón tiếp, tiễn đưa (trừ các cháu thiếu nhi)3.
Tuy đang ở thăm Trung Quốc, nhưng Bác Hồ vẫn gửi tặng lụa cho ba cháu sinh ba và tặng Huy hiệu của Bác cho hai cháu thiếu nhi trong nước đã dũng cảm cứu bò của hợp tác xã khỏi bị chết cháy, lấy thân mình ngăn nước, cứu đê4.
Ngày 16-5-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ tại khách sạn Dung Hồ (Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc), Người dùng bút lông viết lại bài thơ chữ Hán mới làm hôm trước khi ngoạn cảnh Ly Giang:
"QUẾ LÂM PHONG CẢNH
Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,
Như thi trung họa họa trung thi,
Sơn trung tiều phu xướng
Giang thượng khách thuyền quy.
Kỳ!
Nhất cửu lục nhất niên ngũ nguyệt".
Dịch thơ:
"PHONG CẢNH QUẾ LÂM
Quế Lâm phong cảnh tuyệt vời,
Thơ đan trong họa, họa cài trong thơ.
Tiều phu trên núi hát ca,
Dưới sông thuyền khách vào ra: Diệu kỳ”5.
Ngày 17-5-1961, Bác Hồ tới Vô Tích, du ngoạn cảnh Thái Hồ - một hồ lớn của Trung Quốc thuộc tỉnh Giang Tô. Xúc cảm trước cảnh đẹp Thái Hồ, Người làm bài thơ chữ Hán sau:
"VỊNH THÁI HỒ
Tây Hồ bất tỷ Thái Hồ mỹ,
Thái Hồ cánh tỷ Tây Hồ khoan.
Ngư chu lai khứ triêu dương noãn,
Tang đạo mãn điền, hoa mãn san".
Dịch thơ:
"VỊNH THÁI HỒ
Tây Hồ khôn sánh Thái Hồ đẹp,
Thái Hồ rộng vượt Tây Hồ xa.
Thuyền cá đi về trong nắng sớm,
Ruộng đầy dâu lúa, núi đầy hoa"6.
Ngày 21-5-1961, tại Vô Tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được điện của Chủ tịch Mao Trạch Đông và các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc chúc mừng Ngày sinh lần thứ 71 của Người. Sau đó, Người rời Vô Tích đến thăm quê hương Chủ tịch Mao Trạch Đông ở Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam. Ngắm từng kỷ vật trong ngôi nhà cũ của Mao Trạch Đông, Người nói với các đồng chí Trung Quốc cùng đi: “Nhà của đồng chí Mao Trạch Đông ở nông thôn, nhà của tôi cũng ở nông thôn. Làng xóm ở quê tôi còn nghèo khổ hơn cả ở đây dưới xã hội cũ”7.
1. Báo Nhân Dân, số 1880, ngày 9-5-1959
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 136 - 137.
3. Báo Nhân Dân, số 2611, ngày 15-5-1961.
4. Báo Nhân Dân, số 2612, ngày 16-5-1961.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 360-361
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 362.
7. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t.8, tr. 85.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1962
Ngày 18-5-1962, Bác Hồ rời Hà Nội, sang thăm thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Lại thêm một dịp tháng Năm, Bác Hồ xa nhà để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém vì Ngày sinh của mình.
Ngày 19-5-1962, đồng chí Vi Quốc Thanh - Chủ tịch Khu tự trị Quảng Tây đến thăm Bác Hồ, chúc thọ Bác và chuyển cho Bác thư chúc thọ của các đồng chí Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai.
Tối 19-5-1962, tại khách sạn Tây Viên, Bác Hồ dự buổi dạ hội văn nghệ nhỏ do các bạn Quảng Tây tổ chức mừng Ngày sinh của Bác.
Bác Hồ cho mời các nhân viên phục vụ cùng đến xem biểu diễn.
Khi màn sân khấu từ từ khép sau tiết mục đồng ca Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bác Hồ đứng dậy giơ cao hai tay đề nghị: “Chúng ta cùng nhau hát bài Đông phương hồng”. Mọi người đứng dậy cùng hát dưới sự bắt nhịp của Bác.
Ngày 23-5-1962, Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 2981 đăng thư của Bác Hồ Cảm ơn những lời chúc mừng nhân dịp ngày sinh:
“Nhân dịp ngày 19 tháng 5, tôi đã nhận được thư, điện chúc mừng của:
Quốc hội,
Chính phủ,
Mặt trận,
Các đảng bạn,
Các đoàn thể,
Các cơ quan,
Các xí nghiệp,
Các công trường,
Các hợp tác xã nông nghiệp,
Các nông trường,
Các đơn vị bộ đội,
Các trường học,
Đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi,
Kiều bào mới về nước và kiều bào đang ở nước ngoài,
Bà con ngoại kiều,
Các đồng chí chuyên gia bạn,
Các anh hùng, chiến sĩ thi đua,
Các cụ phụ lão,
Các cháu thanh niên và nhi đồng,
Các đảng anh em,
Các Chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,
Các vị trong Đoàn ngoại giao.
Những món quà rất quý báu làm tôi rất vui lòng là trong thư và điện chúc thọ, nhiều đơn vị và cá nhân đã báo cáo những thành tích tốt đẹp trong đợt thi đua vừa qua và đã hứa hẹn đẩy mạnh thi đua hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch năm sau.
Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc đồng bào thi đua thắng lợi.
Tôi xin cảm ơn các đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn.
Xin cảm ơn Đoàn ngoại giao.
Xin chúc tình hữu nghị giữa các dân tộc ngày càng củng cố và phát triển.
Chúc hòa bình thế giới vững bền.
HỒ CHÍ MINH”1
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1963
Trong dịp Ngày sinh Bác Hồ tháng 5-1963, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Khóa II có ý định tặng Bác Huân chương Sao vàng. Tại phiên họp cuối cùng kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (08-5-1963), Bác Hồ đã bày tỏ ý kiến của mình trước Quốc hội:
“Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, là Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội.
Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”2.
Bác Hồ đề nghị với Quốc hội: “Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng”3.
Trong dịp sinh nhật, Bác Hồ đã đón Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Trung Quốc do đồng chí Lưu Thiếu Kỳ - Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu sang thăm Việt Nam từ ngày 10 đến 16-5-1963, trong tình cảm mà lúc tiễn đưa Bác Hồ đã nói:
“Tiễn đưa, chẳng muốn chia tay,
Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng.
Cầm tay, lòng lại dặn lòng:
Cùng nhau giương ngọn cờ hồng Mác - Lê”4.
Ngày 18-5-1963, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”5 .
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1964
Năm 1964, Bác Hồ 74 tuổi - đó là tuổi của những người “xưa nay hiếm”. Tại lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa III, Bác Hồ nói:
“Thay mặt các đồng chí đã được bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, tôi xin cảm ơn Quốc hội đã tỏ lòng tín nhiệm. Tôi xin hứa với Quốc hội rằng: Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội.
Về phần tôi:
Bảy mươi tư tuổi vẫn không già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”6.
Để tránh những nghi lễ phiền phức, tốn kém vì Ngày sinh của mình, dịp Ngày sinh năm 1964 Bác Hồ lại xa nhà, sang thăm Trung Quốc. Ngày 11-5-1964, Bác Hồ sang thăm Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ngày 15-5, Bác Hồ thăm Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Ngày 18-5-1964, các đồng chí lãnh đạo Quảng Châu đã chuyển cho Bác Hồ điện chúc thọ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 19-5-1964, đồng chí Đỗ Mười cùng phu nhân đang sang nghỉ ở Quảng Châu, đã đến nhà nghỉ Quảng Châu để chúc thọ Bác Hồ. Buổi tối, các đồng chí lãnh đạo địa phương Khang Sinh, Lưu Ninh Nhất, Âu Mộng Giác..., đồng chí Đỗ Mười cùng phu nhân và các cháu tới dự cơm chúc thọ Bác Hồ.
Bác Hồ đã đề nghị Văn phòng Phủ Chủ tịch gửi lời cảm ơn:
“Nhân dịp chúc mừng Hồ Chủ tịch 74 tuổi, chúng tôi đã nhận được nhiều thư, điện của:
- Các đoàn thể, các cơ quan,
- Các nhà máy, công trường, nông trường,
- Các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp,
- Các đơn vị bộ đội,
- Các trường học, các em thiếu niên, nhi đồng,
- Đồng bào các địa phương,
- Kiều bào ở nước ngoài,
- Các đồng chí và các bạn trong đoàn ngoại giao,
- Các bạn ở trong nước và ngoài nước,
Gửi đến chúc thọ Hồ Chủ tịch.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn chung tất cả”7.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 564 - 565
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 61.
3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 62, 76.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 78
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 280.
7. Báo Nhân Dân, số 3705, ngày 22-5-1964.
KỶ NIỆM LẦN THỨ 75 NGÀY SINH BÁC HỒ (1965)
Dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ năm 1965, có thể nói là dịp kỷ niệm đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Bác bắt đầu viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Buổi sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, nhân dịp Ngày sinh của mình, tại Nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch, đúng lúc 09 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” những điều dặn lại muôn đời con cháu mai sau.
Mở đầu, Bác Hồ ghi: “Nhân dịp mừng 75 tuổi. Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”1.
Năm 1965, vào dịp Ngày sinh của mình, Bác Hồ lại đi công tác xa. 18 giờ ngày 14/5/1965, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tranh thủ tới chúc thọ Bác, vì được biết Bác đi công tác khoảng một tháng từ sáng ngày 15/5/1965.
Một bó hoa tươi được đặt trang trọng giữa bàn. Bác Hồ đứng dậy thân mật hỏi:
- Bác muốn biết ai đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay? Hoặc cơ quan nào? Đoàn thể nào?
Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng tủm tỉm cười, đưa mắt nhìn sang đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng nhìn sang đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Trường Chinh đứng dậy hướng về phía Bác Hồ nói:
- Thưa Bác! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu.
Mọi người vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bác xúc động đứng dậy nói:
- Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên.
Rồi Bác hỏi:
- Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không?
- Thưa Bác! Có ạ - Đồng chí Vũ Kỳ vừa trả lời vừa ra hiệu để các đồng chí phục vụ chuyển bánh kẹo ra.
Bác vui vẻ giơ cao tay mời tất cả mọi người ăn kẹo, ăn bánh, và dặn: “Nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa”2.
Tất cả cười vang, đầm ấm, chan hòa.
Lễ sinh nhật lần thứ 75 của một vị Chủ tịch Nước diễn ra như thế.
Ngày 15/5/1965, Bác Hồ rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc.
Sáng ngày 18/5/1965, tại nhà nghỉ Bắc Kinh, Bác Hồ tiếp các bác sĩ Trung Quốc đến thăm sức khỏe của Người.
Biết các bạn Trung Quốc đang chuẩn bị chúc thọ nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác, Bác nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”3.
Khi đồng chí Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đến, Bác cũng trao đổi với đồng chí Diệp Kiếm Anh về việc này. Đồng chí Diệp Kiếm Anh cười thanh minh: “Không! Chúng tôi có tổ chức chúc thọ gì đâu! Chúng tôi hiểu Hồ Chí Minh lắm chứ!”4.
Sáng 19/5/1965, Bác Hồ nghe thư ký báo cáo về tình hình trong nước. Người đặc biệt quan tâm đến tin chiến thắng của quân giải phóng miền Nam. Người nói về quân Mỹ: “Thượng sách là rủ nhau cuốn xéo khỏi Việt Nam”.
8 giờ 30, Bác Hồ rời Bắc Kinh đi thăm quê hương Khổng Tử. Bác Hồ có bài thơ chữ Hán ghi lại cảm xúc cuộc thăm quê hương Khổng Tử:
“Ngũ nguyệt thập cửu, phỏng Khúc Phụ
Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi”.
Dịch thơ:
“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”5.
Đáp lại lòng yêu mến của mọi người đối với Ngày sinh của mình, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19 tháng 5):
“Nhân dịp ngày 19/5, tôi đã nhận được thư, điện chúc mừng của:
Quốc hội,
Chính phủ,
Mặt trận,
Các đảng bạn, các đoàn thể,
Các đơn vị bộ đội,
Đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi,
Kiều bào ở nước ngoài,
Bà con Hoa kiều,
Các cơ quan, các xí nghiệp, các công trường,
Các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp, các nông trường và lâm trường,
Các trường học,
Các đồng chí chuyên gia bạn,
Các anh hùng và chiến sĩ thi đua,
Các cụ phụ lão,
Các cháu thanh niên và nhi đồng,
Các đảng anh em,
Các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,
Các vị trong đoàn ngoại giao.
Tôi rất vui mừng thấy trong thư chúc thọ đều báo cáo những thành tích thi đua tốt đẹp về sản xuất, công tác và chiến đấu; đều nói lên quyết tâm xây dựng và bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam; quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc đồng bào thi đua thắng lợi. Tôi xin cảm ơn các đảng, các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn. Cảm ơn đoàn ngoại giao. Xin chúc tình hữu nghị giữa các dân tộc ngày càng củng cố và phát triển.
HỒ CHÍ MINH”6
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1966
Vẫn như thường lệ, vào dịp Ngày sinh năm 1966, Bác Hồ lại có kế hoạch sang thăm Trung Quốc. Và đó cũng là sự chấp hành “quyết định của Bộ Chính trị mùa hè này Bác sang nghỉ ở Trung Quốc một thời gian để chữa bệnh”.
Trước khi sang thăm Trung Quốc, ngày 14/5/1966, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường Phổ thông cấp III Chu Văn An. Bác dạy: “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa, thì chỉ là giáo điều, sách vở”.
Tháng 5/1965, Bác Hồ đã viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 11/5/1966, Bác Hồ vẫn dành đúng một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Lần này, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ viết thêm một câu:
“Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”7, liền sau đoạn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”8.
Ngày 15 và 16/5/1966, Bác Hồ vẫn dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, chăm chú xem lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.
18 giờ 45 ngày 16/5/1966, Bác Hồ rời Hà Nội, và đến 1 giờ 20 sáng ngày 17/5/1966 Bác tới Bắc Kinh.
Ngày 19/5/1966, từ 17 giờ đến 18 giờ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cùng phu nhân đến dự bữa cơm thân mật với Bác Hồ. Trong bữa cơm có hai món theo phong tục Trung Quốc mang ý nghĩa chúc thọ: Bánh bao hình quả đào và mỳ trường thọ.
Ngày 20/5/1966, các đồng chí bác sĩ Trung Quốc đến thăm sức khỏe cho Bác.
Ngày 21/5, từ Trung Quốc, Bác gửi thư về cho các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta:
“Các đồng chí, ở đây mọi người mạnh khỏe; các đồng chí gái cùng các cháu bé đến thăm đông đúc, vui vẻ. Các thầy thuốc khám mắt và sức khỏe đều nói mọi mặt có tiến bộ. Đã nói chuyện một buổi với đồng chí Lưu, Chu, Đặng, Ngũ. Tôi nói về tình hình chống Mỹ ở miền Nam, tình hình mùa màng ở miền Bắc, quân và dân ta quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Các đồng chí cũng đã nói cho nhân dân biết Mỹ có thể gây chiến và có thể phá nát những thành thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v. và khuyên ta cũng nên nói cho nhân dân Hải Phòng, Hà Nội biết trước có thể xảy ra chuyện như thế”9.
Ngày 21/5/1966, Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam đã đưa tin: “Nhân dịp mừng thọ Hồ Chủ tịch 76 tuổi, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều nước xã hội chủ nghĩa và nhiều vị đứng đầu các nước bạn khác đã gửi điện mừng. Các bức điện đều chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe, sống lâu, chúc nhân dân Việt Nam thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đất nước và trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Hồ Chủ tịch đã lần lượt gửi điện cảm ơn”.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 497.
2, 3, 4. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 35, 46.
5. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr. 58.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 448 - 449
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 498.
8 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 497 - 498.
9. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 9, tr. 414.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1967
Ngày 14/4/1967, Bác Hồ sang Quảng Châu (Trung Quốc) để chữa bệnh. Kỷ niệm Ngày sinh Bác năm ấy, Người lại vắng nhà.
Ngày 19/5/1967, Bác Hồ dự Lễ chúc thọ Người 77 tuổi do các vị lãnh đạo Trung Quốc tổ chức tại nhà số 1 vườn Tùng (Quảng Châu). Phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu từ Bắc Kinh đến Quảng Châu để chúc thọ và thăm sức khỏe Người. Bà Đặng Dĩnh Siêu thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc chúc thọ và tặng Người bức tượng nữ chiến sỹ du kích miền Nam bằng cẩm thạch.
Bác Hồ cảm ơn các bạn Trung Quốc đã tổ chức mừng thọ Người và sau đó Người dự xem một số tiết mục văn nghệ của Đoàn Văn công quân đội Quảng Châu1.
Từ Quảng Châu, Bác Hồ đã viết bài thơ gửi Bộ Chính trị:
“Thời giờ đi chóng tựa đưa thoi,
Thấm thoát xa nhà một tháng rồi.
Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi,
Một mình nằm tính việc xa xôi”2.
Đáp lại lòng yêu mến của đồng chí, đồng bào, bè bạn dành cho mình nhân Ngày sinh lần thứ 77, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19/5):
“Nhân dịp ngày 19/5 năm nay, tôi đã nhận được thư và điện chúc mừng của:
Quốc hội,
Chính phủ,
Mặt trận,
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam,
Các đảng bạn, các đoàn thể,
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương,
Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong,
Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp,
Các anh hùng và chiến sỹ thi đua,
Các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng,
Kiều bào ở nước ngoài,
Bà con Hoa kiều,
Các đồng chí lãnh đạo các đảng anh em,
Các vị lãnh đạo chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,
Các đồng chí và các bạn trong Đoàn ngoại giao,
Các đồng chí chuyên gia các nước anh em,
Tôi rất vui mừng nhận thấy trong thư của các đơn vị, các đồng chí và đồng bào các địa phương đều nói lên những thành tích thi đua to lớn về sản xuất, công tác, chiến đấu và tỏ rõ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc các đồng chí, đồng bào và chiến sỹ luôn luôn đoàn kết phấn đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, nâng cao lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái thi đua giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sản xuất và chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chúc đồng bào và các chiến sỹ miền Nam yêu quý, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng vẻ vang, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, lập thêm nhiều chiến công oanh liệt.
Tôi xin chân thành cảm ơn các đảng, các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn, các vị trong Đoàn ngoại giao và chuyên gia các nước anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn ngày càng củng cố và phát triển, vì hòa bình thế giới, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
HỒ CHÍ MINH”3
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1968
Kể từ năm 1965, 09 giờ sáng của những ngày từ 10 đến 20/5, trở thành giờ thiêng liêng: Vào giờ đó Bác viết, Bác xem, Bác sửa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau.
09 giờ ngày 10/5/1965, Bác Hồ viết trong phần mở đầu Di chúc của Người: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe”.
Đến năm 1968, sức khỏe Bác Hồ đã kém sút. Vì thế, 09 giờ ngày 10/5/1968, Bác viết câu mở đầu: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”...
Di chúc năm nay Bác viết kỹ hơn về việc riêng:
“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”4.
09 giờ ngày 11/5/1968, Bác Hồ lại ngồi vào bàn, trước bản Di chúc đang viết dở. Bác lại viết thêm, dặn việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn lại Đảng...
09 giờ ngày 12/5/1968, Bác Hồ lại lên Nhà sàn, đọc “tài liệu”, suy nghĩ, sửa chữa. Bác dặn thêm nhiều điểm cụ thể về việc chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh mà Đảng, Nhà nước phải làm:
“Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...)...
Đối với các liệt sỹ...
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ)...
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang...
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ...
Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”5.
Trong các ngày 15, 16, 17 tháng 5/1968, ngày nào Bác Hồ cũng dành đúng một giờ như đã định để đọc, sửa chữa bản Di chúc.
Thường các năm, nếu Bác Hồ không đi công tác, thì từ tối ngày 18, các đồng chí trong Bộ Chính trị, đại diện các cơ quan, đoàn thể đều đến chúc thọ Bác. Vì thế, chiều 18/5 năm nay, Bác dặn ăn bữa cơm chiều xong, Bác đi lên Hồ Tây.
Từ 09 giờ đến 10 giờ ngày 19/5/1968, tại Hồ Tây, Bác Hồ vẫn đem bản Di chúc ra xem và sửa chữa.
11 giờ 20 phút ngày 19/5/1968, một bữa cơm thân mật được tổ chức ở Hồ Tây, gồm một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ nhân kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 78 của Bác Hồ.
Biết Bác Hồ lên nghỉ ở Hồ Tây nên 16 giờ ngày 19/5/1968, các đồng chí trong Bộ Chính trị mang hoa đến chúc thọ Bác. 17 giờ lại có thêm một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đến chúc thọ Bác. Thế là 17 giờ 45, Bác Hồ về Nhà sàn, và bữa cơm chiều hôm ấy, Bác cùng ăn với đồng chí Phạm Văn Đồng.
06 giờ 15 phút ngày 20/5/1968, Bác Hồ dự khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa III. Họp sớm để tránh máy bay Mỹ. Hội trường sôi động hẳn lên, nhất là khi nghe Bác Hồ kết thúc buổi họp vào lúc 08 giờ bằng những lời chân tình và bốn câu thơ đầy lạc quan, tươi trẻ.
Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 5157, ngày 26/5/1968 đăng thư của Bác Hồ:
“Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19 tháng 5).
Để đáp lại và cảm ơn chung những lời chúc thọ thân thiết của các bầu bạn ở các nước ngoài, của các đoàn thể nhân dân, các đơn vị bộ đội, các đội thanh niên xung phong, các cụ phụ lão, các cháu học sinh và nhi đồng, v.v., tôi có mấy câu thơ sau đây:
Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước! Ta cùng con em ta.
HỒ CHÍ MINH”6
1. Xem: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 10, tr. 86.
2. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 10, tr. 83.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 266 - 267.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 501 - 502.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 503 - 504.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 357.
Ban Biên tập
Còn nữa
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1969
Dịp sinh nhật Bác Hồ năm 1969 đã đến.
Ngày 10/5/1969, 7 giờ sáng, Bác Hồ dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 16 tại Nhà khách Hồ Tây. Phát biểu tại Hội nghị, Người nhấn mạnh:
“1. Mỹ ở thế thua, ta ở thế mạnh, thế thắng. Mỹ còn ngoan cố, ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác.
2. Phải ra sức phát triển nông nghiệp.
3. Phải làm tốt việc quản lý kinh tế, từ trên xuống dưới thực hành tiết kiệm. Nhà nước, nhân dân phải tiết kiệm. Thi đua phải thiết thực. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chống chủ nghĩa cá nhân.
4. Phải giữ bí mật.
5. Phải giữ vững tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế”.
Đến 9 giờ, nghỉ giải lao, Bác Hồ xin phép ra về. Về đến Nhà sàn đã hơn 9 giờ. Lần đầu tiên trong bốn năm, Bác Hồ viết và sửa chữa bản Di chúc chậm giờ hơn - từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30.
Hôm nay Bác viết:
“Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 Xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”1.
Ngày 11/5/1969, từ 09 giờ đến 10 giờ Bác Hồ lại sửa Di chúc.
16 giờ 15, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện thân mật với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân. Khi Bác vào phòng họp, mọi người đứng cả dậy hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” cho đến khi với dáng điệu quen thuộc, Bác giơ cao hai tay ra hiệu ngồi xuống thì tiếng hô mới ngừng.
“Bác thân mật cất tiếng hỏi:
- Các chú khỏe cả chứ?
Mọi người vui vẻ trả lời Bác:
- Thưa Bác! Chúng cháu khỏe cả ạ!
- Có vui không?
- Thưa Bác! Vui lắm ạ!
- Thế là tốt. Vậy các chú vỗ tay đi.
Cả hội trường lại được dịp rền vang những tràng vỗ tay vui mừng, phấn chấn, vì mọi người đều thấy Bác rất khoẻ, rất vui.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt anh em mang hoa đến chúc thọ Bác. Xúc động quá nên giọng anh run run:
- Thưa Bác! Nhân dịp mừng thọ Bác 79 tuổi, chúng cháu xin thay mặt cán bộ, chiến sỹ toàn quân, kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu. Toàn thể các lực lượng vũ trang nhân dân tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác.
Anh Vũ vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại anh. Một cử chỉ thật là âu yếm, thật là thân tình”2.
Buổi gặp này có ngờ đâu lại là buổi lễ kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ lần cuối cùng của lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 18/5, từ 14 giờ đến 15 giờ 25, anh em trong cơ quan tổ chức mừng thọ Bác Hồ. Bác xuống dự và vui vẻ báo tin:
- Các chú đã biết chưa, hồi 7 giờ 18 phút giờ Mátxcơva ngày 16/5 vừa qua, trạm tự động Sao Kim 5 của Liên Xô đã đổ bộ nhẹ nhàng xuống Sao Kim mang theo Huy hiệu Lê-nin và Quốc huy của Liên Xô.
Chờ anh em vỗ tay xong, Bác tiếp tục báo tin:
- Đó là tin thế giới. Còn trong nước thì đêm 13, rạng ngày 14/5, Quân giải phóng lại bắn súng lớn vào sân bay Đà Nẵng, gây nhiều đám cháy và tiếng nổ dữ dội làm chấn động cả một vùng. Đây là lần thứ ba, kể từ đêm 11/5, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh Quân giải phóng bắn phá.
Mọi người phấn khởi thưa với Bác đó là quân và dân miền Nam lập công kính dâng Bác nhân Ngày sinh lần thứ 79 của Bác. Nghe nói thế, Bác vừa hiền hậu, vừa thân mật hỏi lại:
- Thế còn các chú ở đây thì chúc thọ Bác cái gì nào?
Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng cho Bác - thay mặt mọi người đứng dậy nói:
- Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt, mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi.
Thật là hạnh phúc cho những cán bộ, đảng viên có vinh dự lớn là hằng ngày được sống cạnh Bác Hồ, phục vụ Bác Hồ, mỗi lần đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác lại được quây quần quanh Bác như đàn con cháu vây quanh người cha, người ông rất đỗi yêu thương.
Mọi người không ngờ rằng, đó lại là dịp kỷ niệm Ngày sinh cuối cùng của Bác Hồ mà họ được hưởng niềm hạnh phúc to lớn.
Chiều 18/5, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng vào chúc thọ Bác Hồ ở nhà họp Bộ Chính trị, ngay sau Nhà sàn. Rất đơn giản và chân tình, Bác Hồ ngồi thoải mái phía đầu bàn, các đồng chí một số ngồi, một số đứng vây quanh Bác, đồng chí Lê Duẩn đứng lên chúc thọ Bác, đồng chí Tố Hữu tặng hoa Bác.
Khi bánh kẹo được bưng ra, Bác thân mật nói:
- Mời các chú cứ tự nhiên. Nhớ mang phần về cho các cô, các cháu ở nhà.
Ngày 19/5/1969, đúng 9 giờ, Bác Hồ ngồi vào bàn làm việc tại Nhà sàn với bản tài liệu “Tuyệt đối bí mật” xem lại các bản viết các năm 1965, 1968, 1969.
10 giờ 30, Bác Hồ tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi), chị Nguyễn Thị Châu (Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh niên sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) đến chúc thọ Bác.
14 giờ, Bác Hồ để các bác sĩ đến khám sức khỏe.
14 giờ 30, Bác Hồ lên Nhà sàn viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong việc chăm sóc trâu, bò.
Trong ngày, Bác Hồ gửi tặng cán bộ, nhân dân tỉnh Nghệ An tấm ảnh chân dung của Bác. Phía dưới tấm ảnh, Bác viết: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”. Bác cũng gửi tặng chân dung của Bác cho cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 79 Ngày sinh của Bác.
Trọn vẹn Ngày sinh của Bác Hồ ở nơi ở và làm việc của Bác tại Khu Phủ Chủ tịch là vậy.
Ngày 23/5/1969, Bác Hồ gửi:
Điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
“Kính gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam,
Thưa Chủ tịch thân mến,
Tôi xin chân thành cảm ơn Chủ tịch và các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về những lời chúc mừng thân thiết nhân dịp Ngày sinh của tôi.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc giải phóng, đồng bào và chiến sỹ miền Nam anh hùng đã phát huy thế thắng, thế mạnh của thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy, lại lập thêm nhiều chiến công vang dội trong mùa Xuân Kỷ Dậu này, đồng thời liên tiếp giành thắng lợi chính trị và ngoại giao to lớn. Giải pháp 10 điểm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng mới đề ra là chí tình, chí lý, chắc được toàn thể nhân dân Việt Nam nhất trí ủng hộ và bè bạn khắp năm châu đồng tình.
Đế quốc Mỹ đã thua to, song chúng còn cố bám lấy miền Nam và đang giở nhiều thủ đoạn cực kỳ tàn ác và gian xảo. Nhưng dân tộc ta đang tiến mạnh đến ngày thắng lợi vẻ vang. Tổ quốc thiết tha kêu gọi đồng bào và chiến sỹ miền Nam yêu quý vượt mọi khó khăn, hăng hái xốc tới, giành nhiều thắng lợi quyết định hơn nữa.
Tôi xin gửi Chủ tịch và các vị trong Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng lời cảm ơn thân thiết. Tôi nhờ Chủ tịch chuyển đến toàn thể đồng bào và chiến sỹ miền Nam yêu quý, đến anh chị em thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với kháng chiến lời hỏi thăm thân ái nhất của tôi.
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1969
HỒ CHÍ MINH”3.
Điện cảm ơn Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.
“Kính gửi Chủ tịch Trịnh Đình Thảo, Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam,
Thưa Chủ tịch thân mến,
Tôi xin chân thành cảm ơn Chủ tịch và các vị trong Ủy ban Trung ương của Liên minh về những lời chúc mừng thân thiết nhân dịp Ngày sinh của tôi.
Ra đời cách đây hơn một năm trong cao trào tổng tiến công và nổi dậy, Liên minh ngày càng phát huy tác dụng to lớn của mình, tập hợp đông đảo các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở các thành thị miền Nam, luôn luôn sát cánh với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, để cùng nhau đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Tôi tin rằng Liên minh sẽ giành thêm nhiều thành tích rực rỡ hơn nữa.
Dù đế quốc Mỹ còn điên cuồng giở những thủ đoạn tàn ác và thâm độc, chúng nhất định sẽ thất bại, nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi.
Xin chúc Chủ tịch, các vị trong Ủy ban Trung ương và toàn thể thành viên của Liên minh cố gắng hơn nữa và giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước.
Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 1969
HỒ CHÍ MINH”4
Báo Nhân Dân số 5522, ngày 28/5/1969 đăng Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19 tháng 5) của Bác Hồ:
“Nhân ngày 19 tháng 5 năm nay, tôi đã nhận được thư và điện chúc mừng của:
- Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chính đảng, các đoàn thể nhân dân.
- Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.
- Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong.
- Các cơ quan, trường học, nhà máy, hầm mỏ, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp.
- Các anh hùng và chiến sĩ thi đua.
- Các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.
- Kiều bào ở nước ngoài.
- Bà con Hoa kiều và các cháu học sinh Hoa kiều.
Trong thư và điện mừng thọ tôi, các đồng chí và đồng bào ta đều báo cáo những thành tích thi đua đã đạt được và hứa tiếp tục phấn đấu lập những thành tích mới. Các đơn vị bộ đội trong cả nước đều hứa quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc và ra sức xây dựng quân đội.
Tôi thân ái gửi lời nhiệt liệt cảm ơn chung.
Chúc đồng bào, chiến sỹ, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên, nhi đồng và bà con Hoa kiều cả hai miền Nam Bắc, đoàn kết chặt chẽ, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, công tác tốt, học tập tốt, giành thêm nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
* * *
Nhân dịp này, tôi cũng nhận được thư và điện chúc mừng của:
- Các đồng chí lãnh đạo các đảng, các chính phủ các nước anh em,
- Các vị lãnh đạo chính phủ và nhân dân các nước bạn,
- Các nhân sĩ đấu tranh cho hòa bình trên thế giới,
- Các đồng chí và các bạn trong Đoàn ngoại giao,
- Các đồng chí chuyên gia các nước anh em.
Tôi chân thành và nhiệt liệt cảm ơn tất cả. Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn, ngày càng củng cố và phát triển”5.
Bức thư cảm ơn chung nhân Ngày sinh này có ai ngờ lại là những lời cảm ơn cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân của Bác Hồ.
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 509 - 510.
2. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr. 110 - 111.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 459 - 460.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 461 - 462.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 463 - 464.
Hết