Chỉ mục bài viết

 

KỶ NIỆM LẦN THỨ 75 NGÀY SINH BÁC HỒ (1965)

Dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ năm 1965, có thể nói là dịp kỷ niệm đặc biệt: Bác Hồ tròn 75 tuổi. Bác bắt đầu viết Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Buổi sáng thứ hai, ngày 10/5/1965, nhân dịp Ngày sinh của mình, tại Nhà sàn trong Khu Phủ Chủ tịch, đúng lúc 09 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu “Tuyệt đối bí mật” những điều dặn lại muôn đời con cháu mai sau.

Mở đầu, Bác Hồ ghi: “Nhân dịp mừng 75 tuổi. Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”1.

Năm 1965, vào dịp Ngày sinh của mình, Bác Hồ lại đi công tác xa. 18 giờ ngày 14/5/1965, các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng tranh thủ tới chúc thọ Bác, vì được biết Bác đi công tác khoảng một tháng từ sáng ngày 15/5/1965.

Một bó hoa tươi được đặt trang trọng giữa bàn. Bác Hồ đứng dậy thân mật hỏi:

- Bác muốn biết ai đứng ra tổ chức cuộc gặp mặt hôm nay? Hoặc cơ quan nào? Đoàn thể nào?

Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng tủm tỉm cười, đưa mắt nhìn sang đồng chí Phạm Văn Đồng - Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng nhìn sang đồng chí Trường Chinh - Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng chí Trường Chinh đứng dậy hướng về phía Bác Hồ nói:

- Thưa Bác! Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của Bác, chúng tôi thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xin kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu.

Mọi người vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng lời phát biểu của đồng chí Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bác xúc động đứng dậy nói:

- Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên.

Rồi Bác hỏi:

- Chú Kỳ xem có gì chiêu đãi không?

- Thưa Bác! Có ạ - Đồng chí Vũ Kỳ vừa trả lời vừa ra hiệu để các đồng chí phục vụ chuyển bánh kẹo ra.

Bác vui vẻ giơ cao tay mời tất cả mọi người ăn kẹo, ăn bánh, và dặn: “Nhớ để phần cho các thím và các cháu ở nhà nữa”2.

Tất cả cười vang, đầm ấm, chan hòa.

Lễ sinh nhật lần thứ 75 của một vị Chủ tịch Nước diễn ra như thế.

Ngày 15/5/1965, Bác Hồ rời Hà Nội đi thăm Trung Quốc.

Sáng ngày 18/5/1965, tại nhà nghỉ Bắc Kinh, Bác Hồ tiếp các bác sĩ Trung Quốc đến thăm sức khỏe của Người.

Biết các bạn Trung Quốc đang chuẩn bị chúc thọ nhân kỷ niệm Ngày sinh của Bác, Bác nói với cán bộ phụ trách nhà nghỉ: “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ tôi ở đây”3.

Khi đồng chí Nguyên soái Diệp Kiếm Anh đến, Bác cũng trao đổi với đồng chí Diệp Kiếm Anh về việc này. Đồng chí Diệp Kiếm Anh cười thanh minh: “Không! Chúng tôi có tổ chức chúc thọ gì đâu! Chúng tôi hiểu Hồ Chí Minh lắm chứ!”4.

Sáng 19/5/1965, Bác Hồ nghe thư ký báo cáo về tình hình trong nước. Người đặc biệt quan tâm đến tin chiến thắng của quân giải phóng miền Nam. Người nói về quân Mỹ: “Thượng sách là rủ nhau cuốn xéo khỏi Việt Nam”.

8 giờ 30, Bác Hồ rời Bắc Kinh đi thăm quê hương Khổng Tử. Bác Hồ có bài thơ chữ Hán ghi lại cảm xúc cuộc thăm quê hương Khổng Tử:

            “Ngũ nguyệt thập cửu, phỏng Khúc Phụ

            Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hy

            Khổng gia thế lực kim hà tại?

            Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi”.

            Dịch thơ:

            “Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ

            Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa

            Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?

            Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”5.

            Đáp lại lòng yêu mến của mọi người đối với Ngày sinh của mình, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19 tháng 5):

            “Nhân dịp ngày 19/5, tôi đã nhận được thư, điện chúc mừng của:

            Quốc hội,

            Chính phủ,

            Mặt trận,

            Các đảng bạn, các đoàn thể,

            Các đơn vị bộ đội,

            Đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi,

            Kiều bào ở nước ngoài,

            Bà con Hoa kiều,

            Các cơ quan, các xí nghiệp, các công trường,

            Các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp, các nông trường và lâm trường,

            Các trường học,

            Các đồng chí chuyên gia bạn,

            Các anh hùng và chiến sĩ thi đua,

            Các cụ phụ lão,

            Các cháu thanh niên và nhi đồng,

            Các đảng anh em,

            Các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,

            Các vị trong đoàn ngoại giao.

            Tôi rất vui mừng thấy trong thư chúc thọ đều báo cáo những thành tích thi đua tốt đẹp về sản xuất, công tác và chiến đấu; đều nói lên quyết tâm xây dựng và bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam; quyết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

            Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc đồng bào thi đua thắng lợi. Tôi xin cảm ơn các đảng, các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn. Cảm ơn đoàn ngoại giao. Xin chúc tình hữu nghị giữa các dân tộc ngày càng củng cố và phát triển.

HỒ CHÍ MINH”6

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1966

            Vẫn như thường lệ, vào dịp Ngày sinh năm 1966, Bác Hồ lại có kế hoạch sang thăm Trung Quốc. Và đó cũng là sự chấp hành “quyết định của Bộ Chính trị mùa hè này Bác sang nghỉ ở Trung Quốc một thời gian để chữa bệnh”.

            Trước khi sang thăm Trung Quốc, ngày 14/5/1966, Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức tại Trường Phổ thông cấp III Chu Văn An. Bác dạy: “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa, thì chỉ là giáo điều, sách vở”.

            Tháng 5/1965, Bác Hồ đã viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”. Ngày 11/5/1966, Bác Hồ vẫn dành đúng một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, tiếp tục suy nghĩ về những điều dặn lại cho mai sau. Lần này, sau một năm trời, Bác Hồ chỉ viết thêm một câu:

            “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”7, liền sau đoạn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”8.

            Ngày 15 và 16/5/1966, Bác Hồ vẫn dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, chăm chú xem lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.

            18 giờ 45 ngày 16/5/1966, Bác Hồ rời Hà Nội, và đến 1 giờ 20 sáng ngày 17/5/1966 Bác tới Bắc Kinh.

            Ngày 19/5/1966, từ 17 giờ đến 18 giờ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc cùng phu nhân đến dự bữa cơm thân mật với Bác Hồ. Trong bữa cơm có hai món theo phong tục Trung Quốc mang ý nghĩa chúc thọ: Bánh bao hình quả đào và mỳ trường thọ.

            Ngày 20/5/1966, các đồng chí bác sĩ Trung Quốc đến thăm sức khỏe cho Bác.

            Ngày 21/5, từ Trung Quốc, Bác gửi thư về cho các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta:

            “Các đồng chí, ở đây mọi người mạnh khỏe; các đồng chí gái cùng các cháu bé đến thăm đông đúc, vui vẻ. Các thầy thuốc khám mắt và sức khỏe đều nói mọi mặt có tiến bộ. Đã nói chuyện một buổi với đồng chí Lưu, Chu, Đặng, Ngũ. Tôi nói về tình hình chống Mỹ ở miền Nam, tình hình mùa màng ở miền Bắc, quân và dân ta quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

            Các đồng chí cũng đã nói cho nhân dân biết Mỹ có thể gây chiến và có thể phá nát những thành thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, v.v. và khuyên ta cũng nên nói cho nhân dân Hải Phòng, Hà Nội biết trước có thể xảy ra chuyện như thế”9.

            Ngày 21/5/1966, Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam đã đưa tin: “Nhân dịp mừng thọ Hồ Chủ tịch 76 tuổi, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều nước xã hội chủ nghĩa và nhiều vị đứng đầu các nước bạn khác đã gửi điện mừng. Các bức điện đều chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe, sống lâu, chúc nhân dân Việt Nam thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đất nước và trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Hồ Chủ tịch đã lần lượt gửi điện cảm ơn”.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 497.
2, 3, 4. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 35, 46.
5. Vũ Kỳ: Bác Hồ viết Di chúc, Sđd, tr. 58.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 448 - 449
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 498.
8 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr. 497 - 498.
9. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 9, tr. 414.

Bài viết khác: