NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1955
15 giờ ngày 19-5-1955, Bác Hồ thăm Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Bác ân cần hỏi thăm tình hình đời sống và công việc của anh chị em công nhân nhà máy, căn dặn cán bộ, công nhân nhà máy: Muốn thi đua cho có kết quả tốt thì phải đoàn kết, phổ biến kinh nghiệm cho nhau, bền gan và cố gắng học tập.
17 giờ ngày 22-5-1955, Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu học sinh Hà Nội đến chúc mừng nhân Ngày sinh của Bác. Bác ân cần hỏi thăm tình hình học tập của các em và cho các em xem những sản phẩm bà con nông dân gửi biếu, trong đó có quả bí ngô nặng 15 kilôgam mà Bác gọi đó là “Những bông hoa đẹp nhất”.
7 giờ ngày 23-5-1955, Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu Khu tự trị Thái Mèo, Đoàn đại biểu đồng bào, chiến sỹ Liên khu V tập kết, Đoàn đại biểu Hải Phòng - Kiến An đến chúc mừng Bác nhân Ngày sinh.
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1956
Nhân dịp Ngày sinh Bác Hồ, Bác đã nhận được nhiều thư chúc thọ của mọi người. Bác cảm ơn. Trong Thư gửi cán bộ miền Nam tập kết, Bác Hồ đã viết:
“Thân ái gửi cán bộ miền Nam tập kết ở miền Bắc.
Từ 19-5 đến nay, Bác nhận được rất nhiều thư chúc thọ của các cô, các chú và các cháu nhi đồng. Bác gửi thư này cảm ơn chung các cô, các chú và các cháu.
Và nhân dịp này, Bác giải thích mấy câu hỏi của các cô, các chú.
- Người ta thường nói: Nam Bắc một nhà, như anh em ruột thịt.
Đó là một câu rất thắm thiết. Nó tỏ rõ tinh thần đoàn kết khăng khít không gì lay chuyển được của toàn dân ta từ Bắc đến Nam. Chính bản thân các cô, các chú đã thể hiện điều đó. Từ ngày tập kết, các cô, các chú đã coi miền Bắc như là gia đình mình, đã khắc phục mọi khó khăn, hăng hái tham gia mọi công tác xây dựng. Người thì ở bộ đội góp phần củng cố quốc phòng. Người thì làm việc ở các cơ quan chính quyền. Người thì tham gia sản xuất nông nghiệp. Người thì công tác ở các xí nghiệp và các công trường. Ai cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhiều cá nhân đã có thành tích xuất sắc và đã được thưởng Huân chương. Có những đơn vị như Đại đội 7, làm việc gì cũng xung phong, đã được khen thưởng 8 lần, đã nêu gương lao động anh dũng của cán bộ miền Nam.
Bác thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi các cô, các chú và khuyên các cô, các chú cố gắng mãi, tiến bộ mãi.
* * *
- Chính sách của chúng ta là: Củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam.
Muốn dựng ngôi nhà tốt, thì phải xây nền cho thật vững.
Muốn cây được mạnh, lá được tươi, hoa được đẹp, quả được tốt, thì phải ra sức săn sóc, vun xới gốc cây.
Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện thống nhất nước nhà. Cho nên mọi việc chúng ta làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của miền Bắc và miền Nam. Vì vậy, các cô, các chú hoạt động ở đây cũng như đấu tranh ở miền Nam, tức là đấu tranh cho miền Nam và cho cả nước Việt Nam ta.
Đấu tranh thì không khỏi gặp khó khăn. Những khó khăn của các cô, các chú cũng là khó khăn chung:
Sau 15 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, miền Bắc mới được giải phóng đang gặp nhiều thiếu thốn về vật chất. Thêm vào đó, các cấp, các ngành phụ trách lại chưa quan tâm đúng mức đến vật chất và tinh thần của các cô, các chú, chưa làm đúng như Đảng và Chính phủ đã quy định. Các cơ quan của Đảng và Chính phủ cũng thiếu đôn đốc, kiểm tra liên tục.
Nay đã thấy những thiếu sót đó, Đảng và Chính phủ đang tích cực lãnh đạo sửa chữa dần dần để thực hiện chính sách đã đề ra. Mong các cô, các chú cũng tích cực góp phần vào việc sửa chữa một cách xây dựng.
Về mặt tinh thần, nếu ai cũng hiểu rõ rằng: Cuộc đấu tranh chính trị của chúng ta nhất định thắng lợi, nhưng phải gian khổ, lâu dài, thì chắc tránh được khuynh hướng sốt ruột, bi quan và những thắc mắc khác.
* * *
- Đấu tranh chính trị nhất định thắng lợi, thống nhất cả nước nhất định thành công.
Chắc các cô, các chú đều biết rằng: Phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân do Liên Xô đứng đầu, ngày càng mạnh mẽ. Khu vực hòa bình gồm có 1.500 triệu người và càng ngày càng mở rộng. Vừa rồi, 3 nước thuộc địa ở châu Phi mới giành được độc lập. Nhiều nước nhỏ như Cao Miên, Xâylan... đã đi theo chính sách trung lập, hòa bình. Nhiều nước phe Mỹ như Thái Lan, Philíppin... cũng có phong trào chống Mỹ. Thế là Mỹ càng ngày càng bị cô lập. Thế là tình hình thế giới có lợi cho ta.
Mỹ và bọn tay sai ra sức phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Chúng từ chối hiệp thương với ta, trốn tránh tổng tuyển cử đúng kỳ hạn như Hiệp định Giơnevơ đã quy định, âm mưu trường kỳ chia cắt nước ta. Chúng phản bội lợi ích của nhân dân, nội bộ chúng lại đầy mâu thuẫn, cho nên tuy chúng ra vẻ hung hăng, nhưng thế lực của chúng bấp bênh như lâu đài dựng trên bãi cát.
Về phía ta, cuộc đấu tranh của ta là chính nghĩa. Nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đều ủng hộ ta. Nhân dân ta từ Bắc đến Nam (gồm cả những người yêu nước trong các giáo phái và các chính đảng ở Nam) đều oán ghét và phản đối Mỹ - Diệm. Miền Bắc ta ngày càng củng cố, làm chỗ dựa, chỗ căn cứ vững chắc cho cuộc đấu tranh của toàn dân ta. Vì những lẽ đó, cuộc đấu tranh chính trị của ta nhất định thắng lợi.
Cuộc đấu tranh chính trị hiện nay là một đoạn đường trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của ta.
Từ ngày thực dân Pháp cướp nước ta, nhân dân ta phấn đấu không ngừng hơn 80 năm. Kết quả Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Kế đến cuộc kháng chiến suốt 8, 9 năm. Kết quả thắng lợi quân sự vẻ vang đã đưa đến thắng lợi vẻ vang về ngoại giao. Hiệp định Giơnevơ đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta.
Nhưng Mỹ và bè lũ tay sai ra sức phá hoại công cuộc thống nhất đất nước của chúng ta. Chúng ta phải tiếp tục phấn đấu.
Cách mạng và kháng chiến thắng lợi là vì nhân dân ta rất đoàn kết, rất hăng hái, rất tin tưởng và đấu tranh rất bền bỉ. Trong cách mạng và kháng chiến, cũng như trong cuộc đấu tranh chính trị hiện nay, đồng bào miền Nam đều xung phong, đều đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh dũng cảm và dẻo dai.
Tình hình thế giới và trong nước đều có lợi cho ta, nhân dân ta đoàn kết và tin tưởng, cho nên tuy cuộc đấu tranh chính trị hiện nay phải lâu dài và gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi.
Thôi, thư này quá dài rồi.
Chắc các cô, các chú đều hiểu rồi. Bác chúc các cô, các chú đều mạnh khỏe và tiến bộ.
Bác gửi các cô, các chú và các cháu nhiều cái hôn.
Ngày 19 tháng 6 năm 1956
HỒ CHÍ MINH”1
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1957
Ngày 19-5-1957, Bác Hồ về thăm chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Đúng dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác Hồ đã đón tiếp Chủ tịch Vôrôsilốp - vị lãnh đạo Nhà nước Liên Xô, sang thăm Việt Nam từ ngày 20-5 đến ngày 24-5-1957, trong tình cảm thân thiết. Bác nói:
“Hôm nay, nhân dân Việt Nam vô cùng sung sướng được đón tiếp đồng chí, vị lãnh tụ Nhà nước Liên Xô, đến thăm Việt Nam và mang đến cho nhân dân Việt Nam tình thân ái của nhân dân Liên Xô anh em”2. Và trong buổi tiễn Chủ tịch Vôrôsilốp, Người nói: “Từ Hà Nội đến Mátxcơva tuy đi qua bốn nước và cách xa hơn một vạn cây số, song đồng chí vẫn không rời đại gia đình xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Bất kỳ đến đâu, đồng chí Chủ tịch và các đồng chí trong Đoàn vẫn gặp anh em, con cháu, bà con và bầu bạn thân yêu. Thật là:
Quan sơn muôn dặm một nhà,
Vì trong bốn biển đều là anh em.
Khi đến thăm Việt Nam, đồng chí đã mang lại cho nhân dân Việt Nam mối tình thân ái nồng nàn của nhân dân Liên Xô anh em.
Nay đồng chí trở về, chúng tôi trân trọng xin đồng chí nhận lấy và nhờ đồng chí chuyển lòng biết ơn và tình yêu mến của nhân dân Việt Nam cho nhân dân, Chính phủ và Đảng Cộng sản Liên Xô vĩ đại.
Sau nữa, tôi xin gửi cho các cháu thanh niên và nhi đồng Liên Xô nhiều cái hôn và lời chúc vui vẻ, mạnh khỏe, học tập tốt, lao động tốt, tiến bộ nhiều”3 .
NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1958
Ngày 19-5-1958, Bác Hồ thăm chùa Hương. Đi thuyền theo suối Yến vào chùa, Bác ghé thăm chùa Thiên Trù, lên động Tiên Sơn, sau đó vào thăm chùa chính (động Hương Tích), rồi nghỉ trưa ở đền Cửa Võng. Ra về, Bác ca ngợi cảnh đẹp của chùa Hương và căn dặn cán bộ, nhân dân địa phương phải trồng nhiều cây dọc hai bờ suối Yến, bảo vệ và xây dựng thắng cảnh đẹp hơn để càng có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm.
Ngày 21-5-1958, buổi sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với ông bà bác sĩ Phơrăngxi Lada (Pháp) tới chúc sức khỏe nhân Ngày sinh của Người.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr. 188-191.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 354.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 361 - 362.