Chỉ mục bài viết

 

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1967

Ngày 14/4/1967, Bác Hồ sang Quảng Châu (Trung Quốc) để chữa bệnh. Kỷ niệm Ngày sinh Bác năm ấy, Người lại vắng nhà.

Ngày 19/5/1967, Bác Hồ dự Lễ chúc thọ Người 77 tuổi do các vị lãnh đạo Trung Quốc tổ chức tại nhà số 1 vườn Tùng (Quảng Châu). Phu nhân Thủ tướng Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu từ Bắc Kinh đến Quảng Châu để chúc thọ và thăm sức khỏe Người. Bà Đặng Dĩnh Siêu thay mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc chúc thọ và tặng Người bức tượng nữ chiến sỹ du kích miền Nam bằng cẩm thạch.

Bác Hồ cảm ơn các bạn Trung Quốc đã tổ chức mừng thọ Người và sau đó Người dự xem một số tiết mục văn nghệ của Đoàn Văn công quân đội Quảng Châu1.

Từ Quảng Châu, Bác Hồ đã viết bài thơ gửi Bộ Chính trị:

“Thời giờ đi chóng tựa đưa thoi,

Thấm thoát xa nhà một tháng rồi.

Nghìn dặm vui nghe tin thắng lợi,

Một mình nằm tính việc xa xôi”2.

Đáp lại lòng yêu mến của đồng chí, đồng bào, bè bạn dành cho mình nhân Ngày sinh lần thứ 77, Bác Hồ đã gửi Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19/5):

“Nhân dịp ngày 19/5 năm nay, tôi đã nhận được thư và điện chúc mừng của:

Quốc hội,

Chính phủ,

Mặt trận,

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam,

Các đảng bạn, các đoàn thể,

Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương,

Các đơn vị bộ đội, công an nhân dân vũ trang, dân quân, tự vệ, thanh niên xung phong,

Các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp,

Các anh hùng và chiến sỹ thi đua,

Các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng,

Kiều bào ở nước ngoài,

Bà con Hoa kiều,

Các đồng chí lãnh đạo các đảng anh em,

Các vị lãnh đạo chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn,

Các đồng chí và các bạn trong Đoàn ngoại giao,

Các đồng chí chuyên gia các nước anh em,

Tôi rất vui mừng nhận thấy trong thư của các đơn vị, các đồng chí và đồng bào các địa phương đều nói lên những thành tích thi đua to lớn về sản xuất, công tác, chiến đấu và tỏ rõ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tôi thân ái gửi lời cảm ơn chung và chúc các đồng chí, đồng bào và chiến sỹ luôn luôn đoàn kết phấn đấu, không sợ hy sinh, gian khổ, nâng cao lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hăng hái thi đua giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa trong sản xuất và chiến đấu để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Chúc đồng bào và các chiến sỹ miền Nam yêu quý, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng vẻ vang, đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, lập thêm nhiều chiến công oanh liệt.

Tôi xin chân thành cảm ơn các đảng, các chính phủ và nhân dân các nước anh em và các nước bạn, các vị trong Đoàn ngoại giao và chuyên gia các nước anh em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Chúc tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn ngày càng củng cố và phát triển, vì hòa bình thế giới, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

HỒ CHÍ MINH”3

NGÀY SINH BÁC HỒ NĂM 1968

Kể từ năm 1965, 09 giờ sáng của những ngày từ 10 đến 20/5, trở thành giờ thiêng liêng: Vào giờ đó Bác viết, Bác xem, Bác sửa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để gửi lại cho đời sau.

09 giờ ngày 10/5/1965, Bác Hồ viết trong phần mở đầu Di chúc của Người: “Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe”.

Đến năm 1968, sức khỏe Bác Hồ đã kém sút. Vì thế, 09 giờ ngày 10/5/1968, Bác viết câu mở đầu: “Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”...

Di chúc năm nay Bác viết kỹ hơn về việc riêng:

“Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.

Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”4.

09 giờ ngày 11/5/1968, Bác Hồ lại ngồi vào bàn, trước bản Di chúc đang viết dở. Bác lại viết thêm, dặn việc phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi là hàn gắn vết thương chiến tranh, chỉnh đốn lại Đảng...

09 giờ ngày 12/5/1968, Bác Hồ lại lên Nhà sàn, đọc “tài liệu”, suy nghĩ, sửa chữa. Bác dặn thêm nhiều điểm cụ thể về việc chăm lo đời sống của nhân dân sau chiến tranh mà Đảng, Nhà nước phải làm:

“Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...)...

Đối với các liệt sỹ...

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ)...

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang...

Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ...

Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”5.

Trong các ngày 15, 16, 17 tháng 5/1968, ngày nào Bác Hồ cũng dành đúng một giờ như đã định để đọc, sửa chữa bản Di chúc.

Thường các năm, nếu Bác Hồ không đi công tác, thì từ tối ngày 18, các đồng chí trong Bộ Chính trị, đại diện các cơ quan, đoàn thể đều đến chúc thọ Bác. Vì thế, chiều 18/5 năm nay, Bác dặn ăn bữa cơm chiều xong, Bác đi lên Hồ Tây.

Từ 09 giờ đến 10 giờ ngày 19/5/1968, tại Hồ Tây, Bác Hồ vẫn đem bản Di chúc ra xem và sửa chữa.

11 giờ 20 phút ngày 19/5/1968, một bữa cơm thân mật được tổ chức ở Hồ Tây, gồm một số anh em phục vụ, lái xe, bảo vệ nhân kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 78 của Bác Hồ.

Biết Bác Hồ lên nghỉ ở Hồ Tây nên 16 giờ ngày 19/5/1968, các đồng chí trong Bộ Chính trị mang hoa đến chúc thọ Bác. 17 giờ lại có thêm một số đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đến chúc thọ Bác. Thế là 17 giờ 45, Bác Hồ về Nhà sàn, và bữa cơm chiều hôm ấy, Bác cùng ăn với đồng chí Phạm Văn Đồng.

06 giờ 15 phút ngày 20/5/1968, Bác Hồ dự khai mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội Khóa III. Họp sớm để tránh máy bay Mỹ. Hội trường sôi động hẳn lên, nhất là khi nghe Bác Hồ kết thúc buổi họp vào lúc 08 giờ bằng những lời chân tình và bốn câu thơ đầy lạc quan, tươi trẻ.

Báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam, số 5157, ngày 26/5/1968 đăng thư của Bác Hồ:

“Lời cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật (19 tháng 5).

Để đáp lại và cảm ơn chung những lời chúc thọ thân thiết của các bầu bạn ở các nước ngoài, của các đoàn thể nhân dân, các đơn vị bộ đội, các đội thanh niên xung phong, các cụ phụ lão, các cháu học sinh và nhi đồng, v.v., tôi có mấy câu thơ sau đây:

Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến bước! Ta cùng con em ta.

                                                                                                            HỒ CHÍ MINH”6

1. Xem: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 10, tr. 86.
2. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 10, tr. 83.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 266 - 267.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 501 - 502.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 503 - 504.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 357.

 

Ban Biên tập

Còn nữa

Bài viết khác: