Chỉ mục bài viết

Ngày 01/8

“Đào tạo con người là vấn đề chiến lược”.

Ngày 01-8-1922, báo Le Paria (Người Cùng Khổ) đăng ba bài báo của Nguyễn Ái Quốc tố cáo cuộc sống xa hoa và tính cách khác thường của Vua Khải Định (bài “Sở thích đặc biệt”); thông qua cái chết của một nhân viên Sở Hỏa xa Nam Kỳ để lên án “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh giả tạo của xứ Đông Dương thì ở An Nam đang có những người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta đang giết người!”1   (bài “Khai hóa giết người”); thuật lại vụ án binh lính Pháp hãm hiếp một bé gái và hai phụ nữ Việt Nam rồi giết hại, bài báo kết luận: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa...”2 (bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp”).

Ngày 01-8-1941, Nguyễn Ái Quốc ra số báo Việt Nam Độc lập đầu tiên nhằm tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh đăng lời kêu gọi “Khuyên đồng bào mua báo Việt Nam Độc lập” bằng bài văn vần:

“… Báo “Độc lập” hợp thời đệ nhất,

Làm cho ta mở mắt mở tai.

Cho ta biết đó biết đây,

Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian:

Cho ta biết kết đoàn tổ chức.

Cho ta hay sức lực của ta

Cho ta biết chuyện gần xa.

Cho ta biết nước non ta là gì...”3.

Ngày 01-8-1942, cũng trên báo này, đăng bài thơ “Nhóm Lửa” của Nguyễn Ái Quốc ví sự nghiệp cách mạng như việc nhóm lửa để có ngày:

“Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi,

Chiếu lá cờ độc lập, tự do!”4.

Ngày 01-8-1945, tại chiến khu Tân Trào, Đại đội Việt - Mỹ, đơn vị vũ trang hỗn hợp giữa 200 chiến sĩ Việt Minh và đơn vị “Con Nai” của tổ chức OSS được thành lập bước vào đợt huấn luyện sử dụng các loại vũ khí mới, để tổ chức chống phát xít Nhật.

Ngày 01-8-1949, Bác ra “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công” khẳng định: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. Khẩu hiệu Thi đua ái quốc, hiện nay là: Tất cả để chiến thắng. Chiến thắng giặc thực dân. Chiến thắng giặc dốt. Chiến thắng giặc đói. Chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta...”5.

Ngày 01-8-1951, Bác viết lời điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu với tình cảm “thân thiết hơn anh em ruột”: “Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, Đoàn thể mất một người đồng chí trung thành, và tôi mất một người anh em chí thiết. Mấy nguồn thương tiếc, cộng vào trong một lòng tôi!... Tôi lại hứa với chú: Toàn thể đồng sự và đồng chí sẽ cố gắng noi gương đạo đức cách mạng của chú, noi gương chú đó tận trung với nước, tận hiếu với dân”6.

Ngày 01-8-1959, kết thúc chuyến thăm Liên Xô, khi máy bay bay ngang ngọn Thiên Sơn (Trung Quốc), Bác cảm tác một bài thơ chữ Hán và tự dịch:

“Xa trông cảnh đẹp núi Thiên San

Ráng đỏ vây quanh, tuyết trắng ngàn

Sáng dậy mặt trời như lửa tía

Muôn hào quang đỏ chiếu nhân gian”7.

Ngày 01-8-1969, tiếp Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Huy Giáp bàn về việc xuất bản sách “Người tốt việc tốt”, Bác căn dặn: “Đào tạo con người là vấn đề chiến lược, phong trào “Người tốt việc tốt” chính là một biện pháp quan trọng của chiến lược đào tạo con người đó”8.

Ngày 02-8

“Chúng nhất định thất bại/ Mình sức càng dồi dào”.

Ngày 02-8-1919, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội Pháp đăng bài “Vấn đề dân bản xứ” nhắc lại những nội dung cơ bản của “8 yêu sách của nhân dân An Nam” đã gửi tới Hòa hội Vécxây (Versaille) (6-1919) để nhấn mạnh rằng: “Rất ôn hòa cả về nội dung lẫn về hình thức, các nguyện vọng của chúng tôi nhằm vào những cải cách chủ yếu cho việc giải phóng chúng tôi, và nhằm vào những quyền tự do mà nếu không có chúng thì con người ngày nay chỉ là một kẻ nô lệ khốn nạn. Không ai có thể phủ nhận rằng nếu không có các quyền tự do ấy, thiết yếu cho việc truyền bá những tư tưởng và kiến thức mà đời sống hiện đại đòi hỏi, thì không thể trông mong tiến hành bất cứ một công cuộc giáo hóa nghiêm chỉnh nào cả”9.

Đầu tháng 8-1942, lãnh tụ Việt Minh Nguyễn Ái Quốc sáng tác “Bài ca du kích” để vận động các tầng lớp tham gia vũ trang đánh Tây, đuổi Nhật, trong đó có đoạn: “… Kẻ có súng dùng súng/ Kẻ có dao dùng dao/ Kẻ có cuốc dùng cuốc/ Người có cào dùng cào/ Thấy Tây cứ chém phứa/ Thấy Nhật cứ chặt nhào... Chúng nhất định thất bại/ Mình sức càng dồi dào”10.

Tháng 8-1943, Bác tiếp tục bị Trung Hoa Quốc dân đảng giam cầm tại Cục Chính trị Đệ Tư chiến khu đã sáng tác nhiều bài thơ chữ Hán như “Thu Cảm, I-II”, “Nhân đỗ ngó” (nhân lúc đói bụng), “Trần khoa viên lai thám” (Khoa viên họ Trần tới thăm), “Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư” (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một bộ sách), “Mông thượng lệnh chuẩn xuất lung hoạt động” (được lệnh trên cho đi lại ngoài buồng giam). Những bài thơ này góp vào tập “Ngục trung nhật ký” sau này được tập hợp lại.

Ngày 02-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở thăm nước Pháp tiếp nhiều nhà báo Pháp và Trung Quốc, cựu Thủ tướng Hêriốt (Herriot), thống chế Lơcléc (Leclerc), một số nghị sĩ và lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 2-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự cuộc họp Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 7 do Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì bắt đầu từ hôm trước đang sôi nổi thảo luận về vấn đề Đảng ra công khai và lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời cũng chuẩn bị nội dung cương lĩnh Đại hội II sẽ triệu tập trong thời gian tới. “Nhật ký Bộ trưởng” của Lê Văn Hiến thuật lại: Buổi tối họp tại Hội trường, Hồ Chủ tịch chủ tọa. Cụ lần lượt trả lời tất cả các thắc mắc của anh em và cuối cùng tuyên bố hội nghị có nhiệm vụ phải nghiên cứu phương pháp thi hành cho được việc đảng ra công khai với tên là Đảng Lao động Việt Nam. Toàn thể hội nghị yên lặng tuân theo. Tên đảng tuy là Đảng Lao động Việt Nam, những nội dung không khác trước bao nhiêu... Vấn đề đặt ra là cần có chiến thuật mềm dẻo, linh động để thống nhất giai cấp công nhân, lôi kéo các tầng lớp dân tộc dân chủ, cô lập các tầng lớp phát xít, tiến tới lập một mặt trận dân tộc, dân chủ... Sự đổi tên của Đảng chẳng những chỉ có lợi cho cuộc chiến đấu trong một nước mà cũng cùng theo chiến lược chung của mặt trận dân chủ thế giới.

Ngày 02-8-1969, Bác họp Bộ Chính trị để nghe báo cáo về quy hoạch xây dựng Thủ đô và nhắc nhở đã quy hoạch thì phải làm đúng theo quy hoạch. Tiếp đó, cuộc họp bàn về vấn đề đấu tranh ngoại giao và tình hình miền Nam.

Ngày 03-8

“Cán bộ phải đi sát dân, bám dân”.

Ngày 03-8-1919, Nguyễn Ái Quốc gửi tới Giăng Agianbéc (Jean Ajalbert), một nhà văn Pháp đã từng đến và có cảm tình với nước ta, nhiều tài liệu như “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân An Nam”, bài báo L’Humanité viết về các yêu sách đó, một số bản tin trong đó có tin cụ Phan Châu Trinh đã từ trần.

Ngày 03-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đẩy mạnh vận động hành lang chính giới và báo chí Pháp, gặp gỡ nhiều nhà báo trong đó có tờ báo L’Ordre (Trật Tự) vốn hay công kích Việt Nam. “Nhật ký hành trình” chép: “Nhưng khi ông Buré (của tờ L’Ordre - BT) gặp Cụ Chủ tịch thì thái độ ông rất nhã nhặn. Hồ Chủ tịch đem tình hình nước ta và nguyện vọng dân ta nói chuyện rõ ràng, thì nhà viết báo lão thành kia tỏ ý cảm động. Sau đó, ông Buré phái một người đến yết kiến Hồ Chủ tịch, rồi đăng một bài báo đứng đắn và có lợi cho ta”11.

Ngày 03-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư “Gửi các chiến sĩ và nhân dân Nam Dương (Inđônêxia)” bày tỏ sự đồng tình “tin chắc rằng cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Nam Dương sẽ thắng lợi, cũng như tin chắc rằng cuộc kháng chiến, cứu quốc của nhân dân Việt Nam nhất định sẽ thành công”12.

Tháng 8-1949, Bác gửi thư tới Hội nghị Canh nông Việt Bắc đóng góp một số ý kiến: “Việc đặt kế hoạch phải sát với tình hình của địa phương và của dân. Thành tích sản xuất phải được tổng kết. Cán bộ phải đi sát dân, bám dân và đề xuất được nhiều phương pháp và biện pháp thi đua với tinh thần chiến sĩ xung phong trong mọi việc”13.

Cũng trong khoảng thời gian này (8-1949), Bác Hồ viết thư gửi Hội nghị Tình báo. Thư có đoạn viết: “1. Tình báo là tai mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ đánh thắng địch. 2. Người xưa nói: “Biết địch, biết ta, thì trăm trận ta thắng cả trăm”. Biết địch là nhiệm vụ của tình báo. 3. Bên ta phải biết rõ bên địch, nhưng đồng thời không để địch biết ta. Vì vậy, nhiệm vụ của tình báo là hết sức giữ kín tình hình và tin tức của ta, không cho lọt đến địch. Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo ắt phải có bốn đức tính: bí mật - cẩn thận - khôn khéo - kiên nhẫn”14.

Ngày 03-8-1953, báo “Cứu Quốc” đăng bài viết của Bác “Tiêu chuẩn đảng viên Đảng Lao động Việt Nam” (ký bút danh Đ.X) gồm: “Không bóc lột người…; suốt đời kiên quyết đấu tranh cho nhân dân, cho chủ nghĩa; luôn luôn rèn luyện tư tưởng của giai cấp công nhân...; đặt lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của nhân dân, lên trên hết, trước hết; phải tuyệt đối chấp hành những nghị quyết của Đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ; Phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng…; phải thường xuyên thật thà tự phê bình…”15.

Ngày 03-8-1966, Bác Hồ gửi “Thư khen Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội” nêu rõ: “Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng... Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”16.

Ngày 04-8

“Quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”.

Ngày 04-8-1923, trên tờ báo Le Paria (Người Cùng khổ), Nguyễn Ái Quốc đăng bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào”, sau khi thuật lại đám tang của một phái viên Xôviết bị bọn phát xít ám hại tại Luxlannơ (Thụy Sĩ) và đám tang của một công nhân người Tuynidi bị cảnh sát Pháp giết tại Pari, bài báo đưa ra nhận xét: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân, người ở Lôdannơ cũng như ở Pari, những người Havơ cũng như những người ở Mốctiních, đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: Chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở.

Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”17.

Khoảng đầu tháng 8-1928, Nguyễn Ái Quốc có mặt tại vùng Uđon ở Đông Bắc Thái Lan (Xiêm), đến Noong Bùa là nơi tập trung đông đảo bà con Việt kiều sinh sống. Tại đây, với cái tên là Thầu Chín, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia hoạt động của Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thúc đẩy tổ chức này mở rộng lực lượng.

Ngày 04-8-1946, tiếp tục tăng cường các cuộc tiếp xúc với chính khách Pháp để vận động cho cuộc Hội nghị ở Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tướng Moúclie sắp sang Việt Nam thay tướng Valuy chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Cùng ngày, Bác còn đến thăm gia đình cựu Thủ tướng Pháp Lêông Blum (Leon Blum) ở ngoại ô Pari.

Ngày 04-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Tôn Đức Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ giữ chức Thanh tra Đặc biệt toàn quốc.

Ngày 04-8-1952, trên bài viết “Máy bay “phản lực” phản Mỹ” đăng trên tờ Cứu Quốc (ký tên là Đ.X) Bác phân tích việc nhiều phi công lái máy bay phản lực tối tân của Mỹ không chấp nhận sang đánh nhau tại mặt trận Triều Tiên để đi đến kết luận: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”18. Đầu tháng 8-1967, Bác gặp Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân tìm hiểu tình hình chiến đấu và đời sống của bộ đội và đặt vấn đề Tại sao các chú chưa bắn rơi được B52? Sau cuộc gặp này Bác thường xuyên nhắc nhở và chỉ đạo bộ đội Phòng không - Không quân tìm các phương án đánh B.52. Cho đến trận thắng mở màn của trung đoàn Tên lửa 238 hạ được “pháo đài bay” tại bầu trời Vĩnh Linh. Bác nhận định: Muốn bắt cọp phải vào tận hang.

Tháng 8-1968, Bác tới dự và nói chuyện với Đảng đoàn Bộ Công an và lưu ý tới công tác bảo vệ an ninh của Hà Nội: “Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất”19 và nhắc nhở: “Lãnh đạo phải quyết tâm làm cho Hà Nội được trong sạch”20.

Cũng vào thời điểm này, Bác Hồ gửi thư biểu dương tinh thần hết lòng vì tiền tuyến của quân và dân Quảng Bình, trong chiến dịch vận tải: “Vì miền Nam” đã “trút gạo trong nồi cho miền Nam đánh thắng”21, chỉ trong hai tháng (tháng 6 và 7) đã chi viện cho chiến trường Trị - Thiên 2.600 tấn gạo.

Ngày 04-8-1969, Bác đã phải để các bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ nhưng vẫn dự họp Bộ Chính trị bàn về công tác ngoại thương và công tác tổ chức.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

 1, 2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.95, 96.
3, 4, 6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 199, 293, 272-273.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, tr.660.
7. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t.7, tr.318.
8. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t.10, tr.388.
9 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.10.
10 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.3, tr.244-245.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr.397.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.179.
13, 14. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t.4, tr.342, 344-345.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.7, tr.237.
16. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.114.
17. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.1, tr.200.
18. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6, tr.537.
19, 20. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.12, tr.385.


 Ngày 05-8

“Yêu xe như con, quý xăng như máu”.

Ngày 05-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục những nỗ lực để cứu vãn sự bế tắc của Hội nghị Phôngtennơblô bàn về quan hệ Việt - Pháp bằng các cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Quốc hội, lãnh tụ Đảng Xã hội Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol), Chủ tịch Hội Nhân quyền Pháp, Giáo sư Êmin Can (Emile Kalm) cùng một số nghị sĩ... Tài liệu “Nhật ký Hành trình” thuật lại công việc vị Chủ tịch nước Việt Nam đã làm: “Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem.

Hôm nào nhiều khách thì Cụ thường thức xem báo đến hai giờ sáng. Anh em tuỳ tùng và các bác sĩ, cho đến cả vợ chồng ông Ôubrắc, thấy Cụ thức khuya dậy sớm quá, ra sức khuyên Cụ đi nghỉ sớm. Nhưng không có kết quả mấy!”22.

Ngày 05-8-1947, nhân dịp Đại hội Báo giới họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư chúc mừng và khích lệ: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, các bạn đã cố gắng làm trọn nhiệm vụ. Thế là tốt lắm, nhưng các bạn cần phải cố gắng thêm”23 và nhắc nhở: “… Lời lẽ phải phổ thông, dễ hiểu, đường hoàng, vui vẻ, làm cho người xem báo có thú vị mà lại có bổ ích. Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch. Kháng chiến nhất định thắng lợi và thành công!”24.

Cùng ngày, Bác ký sắc lệnh quy định chức Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia (lúc này là Võ Nguyên Giáp) có quyền hạn và chức vụ như Bộ trưởng và là thành viên Hội đồng Liên bộ trong Hội đồng Chính phủ25.

Tháng 8-1948, Bác viết thư gửi ông Trưởng ty Bình dân học vụ Hà Tĩnh khen việc “tỉnh Hà Tĩnh đã có mấy làng thanh toán nạn mù chữ”26 và thư gửi đồng bào Quỳnh Côi (Thái Bình) là huyện đầu tiên trong cả nước đã thanh toán nạn mù chữ, trong đó, Bác khẳng định: “Đó là một thắng lợi vẻ vang… Thắng lợi đó là: Do sự săn sóc của các vị phụ lão và thân hào, thân sĩ; do sự giúp đỡ của các cơ quan và đoàn thể; do sự tận tụy của nam nữ giáo viên; do lòng hăng hái của toàn thể đồng bào trong huyện. Chúng ta cũng phải nhắc đến sự đôn đốc của Nha và Ty Bình dân học vụ”27.

Ngày 05-8-1965, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Bác viết thư bày tỏ: “Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú. Tuy còn non trẻ... Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta...”28.

Ngày 05-8-1968, nhân dịp ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội nghị lái xe giỏi và thợ sửa chữa xe giỏi toàn quân, Bác gửi tặng lá cờ đỏ thêu mấy dòng đề từ tặng:

“Yêu xe như con,

Quý xăng như máu,

Vượt mọi khó khăn,

Hoàn thành nhiệm vụ”29.

Ngày 05-8-1969, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm ông bà Trịnh Đình Thảo và Đoàn cán bộ của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam vừa ra thăm miền Bắc.

Ngày 06-8

“Dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, là tự đào thải”.

Ngày 06-8-1945, qua điện đài liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc), Thiếu tá Thômát, người chỉ huy toán “Con Nai” đang tham gia Đại đội Việt - Mỹ ở chiến khu Tân Trào đã thông báo tới người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản, sự kiện đó sẽ tác động mạnh mẽ vào tình hình Đông Dương, nơi phát xít Nhật đang chiếm đóng.

Ngày 06-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và trả lời phỏng vấn nhà báo Sácbonniờ của tờ “L‘Ordre”. “Nhật ký Hành trình” thuật lại: “Báo này thuộc phe hữu. Thường công kích ta. Nhưng sau khi nói chuyện với Cụ, ông Charbonnier viết một bài thật thà và êm dịu. 7 giờ tối, Cụ đi thăm ông Vương Thế Kiệt, Ngoại giao Bộ trưởng và mấy vị đại sứ Trung Quốc tới dự Hội nghị hòa bình ở Pari. Tuy mới gặp nhau lần đầu, nhưng vì mối quan hệ thân thiện đã lâu đời giữa hai dân tộc Hoa - Việt, vả lại hai bên đều ở đất khách quê người, cho nên thái độ rất thân mật và chuyện trò rất vui vẻ”30.

Ngày 06-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện văn tới Hội nghị Bình dân Học vụ khu XII (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Ninh, Hòn Gai và Quảng Yên) khẳng định: “Từ ngày kháng chiến, tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng bình dân học vụ vẫn hăng hái tiến hành, thế là tốt lắm... Như thế thì về mặt trận văn hóa, chúng ta cũng sẽ thắng lợi như về các mặt trận khác trong cuộc trường kỳ kháng chiến”31.

Ngày 06-8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mệnh lệnh gửi Liên khu ủy Việt Bắc chuyển các tỉnh trong Liên khu ủy yêu cầu “các tỉnh phải chỉnh đốn phát triển và củng cố du kích các xã một cách thiết thực để: Ở vùng tự do thì chuẩn bị đánh địch trong thu đông này; ở vùng tạm chiếm thì tích cực khuấy rối và đánh tỉa làm cho địch tiêu hao. Lệnh này phải phối hợp với lệnh chuẩn bị một tuần lễ thi đua diệt địch lập công”32.

Ngày 06-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài "Nhân dân Châu Á thắng lợi" của Bác (dưới bút danh Đ.X) trong đó phân tích nhận định của một tờ báo lớn ở phương Tây (tờ “Life”- Đời sống) rằng “Hầu khắp Châu Á có những người nhằm theo một mục đích chung: Đấu tranh chống những người da trắng để lấy lại những vùng có dầu lửa và những đồng ruộng đầy lúa khoai của họ. Họ đấu tranh và họ thắng lợi”33.

Tháng 8-1959, Bác có bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên đề cập nhiều lĩnh vực của giáo dục nước nhà. Bác nhấn mạnh: “Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là “gõ đầu trẻ kiếm cơm”, mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy rất là vẻ vang. Các cô, các chú phải ngày càng tiến bộ để dạy cho con em ngày càng tiến bộ, nếu không thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến con em... Cán bộ và giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội...”34.

Ngày 07-8

“Việc gì dù khó mấy, quyết chí ắt làm thành”.

Ngày 07-8-1922, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc dự họp Chi bộ Đảng Cộng sản Pháp quận 17 và đi bán báo Le Paria (Người Cùng Khổ).

Ngày 07-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Nhóm Văn hóa mácxit và mời cơm cựu Bộ trưởng Nội vụ Pháp Đaxchiê đờla Vinhơri (D’Astier dela Vigneri) nay là một nghị sĩ Quốc hội và là chủ bút một tờ báo có quan điểm ủng hộ Việt Nam.

Ngày 07-8-1952, trên báo Nhân Dân Bác đăng bài thơ nhan đề “Mừng kênh Vônga - Đông hoàn thành” để chào mừng thành quả lao động của nhân dân Xôviết, từ đó rút ra bài học:

“Đào núi và đắp bể,

Luyện đá vá trời xanh,

Việc gì, dù khó mấy,

Quyết chí, ắt làm thành...

Nước ta đang kháng chiến

Để diệt lũ thực dân.

Khi kháng chiến thắng lợi,

Ta xây dựng dần dần.

Liên Xô đã bước trước,

Việt Nam sẽ tiến sau.

Ta ra sức thi đua,

Thành công ắt cũng mau.

Ta mừng Vônga - Đông,

Ta phất ngọn cờ hồng.

Và hô to:

Kháng chiến nhất định thắng lợi!

Kiến quốc nhất định thành công!”35.

Ngày 07-8-1953, Bác đến nói chuyện với lớp chỉnh huấn của các nhân sĩ, trí thức đang công tác tại các cơ quan của Trung ương. Sau khi giải đáp những thắc mắc về tiền đồ kháng chiến, Bác kết luận: “Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước. Muốn cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, mong các cô, các chú phải có khí tiết ấy"36.

Ngày 07-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Tinh thần quốc tế của giai cấp lao động” biểu dương lao động các nước ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam, mà mới đây nhất là tháng 5-1954, công nhân cảng Angiê (Angiờri) đã bãi công không chuyển chở binh sĩ và vũ khí thực dân sang Việt Nam. Bài báo kết luận:

“Tinh thần quốc tế của công nhân,

Quý giá, nghìn vàng há dễ còn.

Giai cấp cần lao trong bốn bể

Một lòng tương trợ với tương thân”37.

Ngày 07-8-1959, tiếp tục chuyến đi thăm Trung Quốc, Bác đến thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, là nơi có nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, vãn cảnh chùa Đại Tứ Ân và leo lên đỉnh tháp Đại Nhạn.

Ngày 07-8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Liên Xô nhân phóng thành công tàu vũ trụ “Phương Đông 2” do Anh hùng vũ trụ G.Titốp điều khiển, người sau này được Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt.

Ngày 07-8-1964, Bác dự lễ tuyên dương công trạng của các đơn vị không quân và hải quân đã lập chiến công đánh thắng trận đầu vào các ngày 03-8 và 05-8 khi đế quốc Mỹ phát động cuộc Chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta. Trong bài phát biểu, Bác đưa ra thông điệp: “Nhân dân ta rất yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu đế quốc Mỹ và tay sai xâm phạm đến miền Bắc nước ta, thì toàn dân ta nhất định sẽ đánh bại chúng”38.

Ngày 07-8-1965, Bác dự khai mạc Đại hội thi đua “Quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của các lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bài nói, Bác khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc anh hùng”39, mọi âm mưu của địch “nhất định sẽ bị lực lượng “chống Mỹ, cứu nước” của đồng bào ta và sức mạnh đoàn kết của toàn dân ta đánh tan, bị ngọn lửa cách mạng của nhân dân ta thiêu cháy”40.

Ngày 08-8

“Muốn thành công... nhân hòa là quan trọng hơn hết”.

Ngày 08-8-1946, tiếp tục không mệt mỏi vận động hành lang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Bộ trưởng Mariuýt Muté và Tướng Pelé (Pellet) của Bộ Pháp quốc hải ngoại. Ngoài ra, Bác còn tiếp nhà báo Pháp Cuatađơ (Courtade) ký giả của tờ Nhân loại.

Tháng 8-1948, trong bài nói chuyện với Hội nghị Quân sự lần thứ 5, Bác phân tích: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa... Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết.

Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình... Tin cũng có nghĩa là phải tin vào sức mình nữa, nhưng không phải tự mãn tự cao.

Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh.

Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng, ta phải khoan dung.

Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống.

Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Công tác của người tướng là:

1. Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực... phải thưởng phạt cho công minh...

2. Đối với binh sĩ… có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh...

3. Đối với dân… bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi.

4. Đối với địch, thì tuyệt đối chớ khinh địch. Tục ngữ có câu: “Sư tử muốn bắt con chuột cũng phải dùng hết sức mới bắt được”. Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại... Địch vận là tìm cách làm sao phá được địch mà không phải đánh. Cái đó là việc chính trị...”41.

Ngày 08-8-1958, Bác tham dự cuộc họp và thảo luận của Bộ Chính trị về Cải cách ruộng đất và phát biểu quan điểm của mình: “Cương lĩnh đưa ra đúng nhưng không biết cụ thể hóa, Đảng có chủ quan, giáo điều máy móc... Cải cách ruộng đất tuy có sai lầm nhưng cũng có thắng lợi và phải thấy được những thắng lợi này”42 và tự phê bình: “Quan liêu, không sát quần chúng, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo”43.

Cùng ngày, Bác viết bài “Vũ khí hóa học (thuốc độc quân dụng)” đăng trên báo “Quân đội Nhân dân” cảnh báo địch sẽ sử dụng loại vũ khí này trên chiến trường Việt Nam và nhận định “Thuốc độc quân dụng là một thứ vũ khí rất nguy hiểm, nhưng không phải là không chống lại được”44.

Ngày 08-8-1959, trong chuyến thăm Trung Quốc, Bác Hồ đến núi Ly San và thăm lăng Tần Thủy Hoàng và đến huyện Trường An, viếng đền thờ nhà thơ Đỗ Phủ là những nhân vật lớn trong chính trường và thi ca Trung Quốc.

Ngày 08-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng Huân chương Độc lập và viết thư khen quân và dân tỉnh Quảng Bình lập chiến công vẻ vang bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 500 trên địa phận tỉnh nhà.

Ngày 09-8

“Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”.

Ngày 09-8-1922, tờ báo Journal du Peuple (Nhật báo Nhân dân) đăng “Thư gửi Khải Định” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là thời điểm vua Khải Định được thực dân Pháp đưa sang Pháp để tham dự Hội chợ quốc tế tổ chức tại Mácxây. Với một lối hành văn hài hước nhưng sắc sảo, lá thư của Nguyễn Ái Quốc cảnh báo ông vua bù nhìn: “Hòa lẫn với tiếng súng gầm vang, những tiếng thét dữ dội của nhân dân bị áp bức ở các nước này, cũng như của nhân dân nước Ngài, sẽ xé tan bầu không khí yên tĩnh bên tai Ngài. Và nếu như Ngài có đôi chút óc tưởng tượng, Ngài sẽ thấy rằng ý chí của nhân dân - một ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực - một ý chí còn mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, cuối cùng sẽ khoét hổng dần và đánh bật cái tảng đá bề ngoài có vẻ vững chắc là sự áp bức và bóc lột kia đi"45.

Ngày 09-8-1941, trong xã luận báo Việt Nam Độc lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh phân tích: “Tây có hai cách làm cho ta ngu hèn, một là cách bưng mắt..., hai là cách lừa gạt”46 và vạch rõ: “Tây cốt làm cho ta ngu hèn, Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng, tự do”47.

Ngày 09-8-1944, sau một thời gian dài bị giam giữ và giải đi nhiều nhà tù, vì nhiều lý do, chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng ở Quảng Tây phải thả Hồ Chí Minh, cấp đầy đủ giấy thông hành, bản đồ quân sự, tài liệu tuyên truyền và lộ phí. Trước lúc chia tay, Hồ Chí Minh nói với tướng Trương Phát Khuê: “Tôi là một người cộng sản, nhưng điều mà tôi quan tâm hiện nay là độc lập và tự do của nước Việt Nam, chứ không phải là chủ nghĩa cộng sản. Tôi có một lời bảo đảm đặc biệt đối với ông rằng: Chủ nghĩa cộng sản sẽ chưa được thực hiện ở Việt Nam trong vòng 50 năm tới”48.

Ngày 09-8-1946, trong thời gian lưu lại nước Pháp hỗ trợ cuộc đấu tranh ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bảo tàng Ghimờ (Guimet), nơi lưu giữ bộ sưu tập nổi tiếng về văn hóa phương Đông ở Pari; thăm Tổng thư ký Đảng Bình dân và tiếp phóng viên tờ Liberation (Giải phóng).

Ngày 09-8-1949, quân Pháp rút khỏi Bắc Kạn, nhân thị xã đầu tiên được giải phóng, Bác gửi thư cho nhân dân tỉnh Bắc Kạn biểu dương và nhắc nhở: “Càng thất bại thì giặc Pháp càng liều mạng, càng dã man. Ta càng gần thắng lợi to, thì càng phải đề phòng gặp khó khăn nhiều. Vì vậy chúng ta tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch, chớ sơ suất kiêu ngạo”49.

Ngày 09-8-1958, phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về đường lối đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác khẳng định nhiệm vụ miền Nam là lâu dài, gian khổ, nói như vậy không phải là tiêu cực mà có ý nghĩa tích cực, phải chờ thời cơ.

Ngày 09-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới nhà bác học Béctơrăng Rútxen (Bertrand Russel) cám ơn bức điện của nhà triết học Anh lên án những hành động mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam của Mỹ và khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng Hiệp định Giơnevơ nhưng cũng sẵn sàng tiến hành cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 10- 8

“Phải chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc”.

Ngày 10-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ban Trung ương Đảng Cộng hòa Bình Dân, Trung ương Đảng Xã hội và đến trụ sở Đảng Cộng sản Pháp ở Pari thăm các nhà lãnh đạo như Môrixơ Tôrê lúc này là Phó Chủ tịch nước và Giắc Đuyclô, Phó Chủ tịch Quốc hội.“Nhật ký Hành trình” đánh giá: Thế là Hồ Chủ tịch đã thăm đủ các lãnh tụ ba đảng to nhất nước Pháp.

Tháng 8-1950, cùng Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn y phương án tác chiến Chiến dịch Biên giới, Bác phân tích: “Ta đánh vào Đông Khê là đánh vào nơi quân địch tương đối yếu, nhưng lại là vị trí rất quan trọng của địch trên tuyến Cao Bằng - Lạng Sơn. Mất Đông Khê, địch buộc phải cho quân đi ứng cứu, ta có cơ hội thuận lợi tiêu diệt chúng trong vận động”50.

Tháng 8-1952, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch tác chiến chiến dịch Tây Bắc, Bác đã chỉ đạo: “Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch lớn, địa hình hiểm trở, cần nắm chắc địa hình và chú trọng thực hiện đúng chính sách dân tộc, giúp đỡ đồng bào dân tộc, bộ đội phải giữ kỷ luật dân vận”51.

Ngày 10-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng những danh hiệu Anh hùng đầu tiên gồm 4 Anh hùng Quân đội là: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Thị Chiên, La Văn Cầu và Cù Chính Lan (liệt sĩ) và 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa và Hoàng Hanh.

Ngày 10-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài viết của Bác:

“Quê đâu cho bằng quê nhà,

Nhà ta ta ở, việc ta ta làm”.

Nhằm tố cáo âm mưu của chính quyền Sài Gòn và thực dân dụ dỗ đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Phân tích bản chất sự việc, bài báo khuyên nhủ bà con ở lại để khỏi rơi vào thảm cảnh:

“Trông về trời bể mênh mang

Bà con đã cách, xóm làng đã xa

Lưu ly không cửa không nhà

Chân trời góc bể, biết là về đâu!”52.

Ngày 10-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào Khu tự trị Việt Bắc” nhân ngày thành lập đơn vị hành chính đặc biệt này, trong đó xác định: “Mục đích lập Khu tự trị là để làm cho các dân tộc anh em toàn Khu cùng nhau tự quản lý công việc của mình, phát huy khả năng của mình, tiến bộ mau chóng về mọi mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Với truyền thống cách mạng anh dũng và lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào Việt Bắc, Khu tự trị của chúng ta nhất định sẽ ngày càng tiến bộ...”53.

Ngày 10-8-1968, Bác ký lệnh thưởng Huân chương và gửi thư khen ngợi quân và dân Vĩnh Linh đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 trên bầu trời tỉnh nhà và bắn cháy 33 tàu chiến Mỹ, thư kết bằng hai câu thơ:

“Đánh cho giặc Mỹ tan tành,

Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng”54.

Cùng ngày, Bác còn viết “Điện gửi đồng bào xứ Đoài” Nghệ An thăm hỏi địa phương vừa bị máy bay Mỹ ném bom tàn sát nhiều người dân, làm chết hai vị giám mục và ba vị linh mục, phá huỷ nhà thờ và nhà cửa của dân. Bức điện viết: “Tôi rất động lòng khi được tin ngày 21 tháng 7 vừa qua, máy bay giặc Mỹ lại ném bom, bắn phá xứ Đoài... Đồng bào lương và giáo hãy đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau và chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ đồng bào giải quyết những khó khăn trước mắt để khôi phục lại đời sống bình thường và cùng nhau ra sức chống Mỹ, cứu nước”55.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

21. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 248.
22. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 399.
23, 24. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 180, 180-181.
25, 26, 27. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 738, 475, 477.
28. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 486.
29. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 10, tr. 241.
30. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 400.
31 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 182.
32. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 79.
33. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 230.
34 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 489.
35 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 538-539.
36,37. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 116, 327.
38, 39, 40. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 304, 485.
41. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 479-480.
42, 43, 44. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2009, t. 7, tr. 118, 119.
45. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 102.
46, 47. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 145.
48. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 218.
49. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 662.
50. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 4, tr. 455.
51. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 238.
52. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 485-486.
53. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 230.
54, 55. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 380, 379.


 Ngày 11-8

“Không để lỡ cơ hội”.

Ngày 11-8-1942, trên báo Việt Nam Độc lập, Nguyễn Ái Quốc đăng bài thơ “Tặng Toàn quyền Đờcu” đả kích viên Toàn quyền thực dân Pháp Giăng Đờcu (Jaan Decoux) theo quan điểm đầu hàng của Chính phủ Pêtanh (Petain):

“Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù,

Lợi quyền phó mặc bố thằng Cu.

Đối dân Nam Việt thì lên mặt,

Gặp bọn Phù Tang chỉ đội khô!

Về Pháp, không cơm e chết đói,

Ở đây, hút máu béo ni-cu.

Cũng như thống chế Pêtanh vậy,

Chỉ có cu cù được mãi ru!”56.

Tháng 8-1945, để chuẩn bị triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng, Bác đề nghị: Nên họp ngay và càng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng. Không để lỡ cơ hội, và thúc giục các đại biểu trên toàn quốc sớm về dự.

Ngày 11-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng gia chủ là ông bà Ôbơrắc thăm Cung điện Săngtili (Chantilly) sau đó tiếp G.Xanhtơni một chính khách thông hiểu tình hình Việt Nam và có khuynh hướng hòa hoãn.

Ngày 11-8-1961, Bác đi kiểm tra các đoạn đê xung yếu thuộc các xã Đông Mỹ, Sở Thượng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, căn dặn lực lượng bảo vệ đê: “Dù nước to đến đâu, cũng phải giữ đê cho chắc. Phải đề phòng mực nước cao nhất, chớ chủ quan khi nước chưa rút hẳn. Phải bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của cải của Nhà nước ở hai vệ sông”57.

Ngày 11-8-1963, báo Nhân Dân đăng bài “Kinh nghiệm “3 xây, 3 chống” của Bác dưới bút danh “Chiến Sĩ”. Bài báo viết: “... Muốn xây dựng một lâu đài mới thì phải phá cái lều cũ ọp ẹp đi. Muốn xây dựng những tiến bộ mới trong nền kinh tế ta thì phải chống những cái cũ kỹ và lạc hậu”58 ví như chống lãng phí sức người, thời giờ và máy móc...

Tháng 8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia nổi tiếng U.Bớcsét (W.Burchett) về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và đưa ra thông điệp: “... Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”59.

Cũng trong tháng 8-1963, đến thăm Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm, Bác góp ý: Cần chú trọng hơn nữa về đức dục; phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất trong giảng dạy và học tập; tránh lối dạy nhồi sọ, lối học như vẹt; cần kiệm xây dựng nhà trường và căn dặn: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị; phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”60.

Ngày 11-8-1965, Bác ra sắc lệnh truy tặng Huân chương Chiến công cho liệt sĩ Nguyễn Bá Ngọc, 13 tuổi ở xã Quang Trung, Quảng Xương, Thanh Hóa đã dũng cảm cứu bạn khi máy bay Mỹ bắn phá và anh dũng hy sinh, một tấm gương tiêu biểu của thế hệ thiếu nhi thời “Chống Mỹ, cứu nước”.

Ngày 12-8

“Kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị”.

Ngày 12-8-1945, đang ốm nặng, tại căn cứ địa Tân Trào, qua chiếc máy thu, Hồ Chí Minh nghe tin Nhật Bản đã trao công hàm cho phía Đồng Minh để thăm dò khả năng ngừng bắn. Tuy Nhật chưa đầu hàng, nhưng quan sát động thái đó, Bác nhận định “Có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật”61.

Ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp Đoàn Việt Nam đang dự Hội nghị Phôngtennơblô và bà con Việt kiều. Bình luận về cuộc đụng độ vũ trang Việt - Pháp tại Bắc Ninh khi trả lời tờ “Le Combat” (Chiến đấu), người đứng đầu nhà nước Việt Nam nói: “… Ý kiến của tôi là mặc dầu trách nhiệm về bên nào, vụ xung đột ấy cũng rất đáng tiếc... Hội nghị chỉ có thể gián đoạn chứ không thể tan vỡ được. Tôi sẽ không khởi hành trước khi chúng ta có thể đi tới một sự thỏa thuận”62.

Nhằm cứu vãn tình hình, trong ngày 12-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariút Mutờ bày tỏ quan điểm: “Điều trước tiên là chúng ta cần làm dịu đầu óc những người Pháp và những người Việt Nam... cần làm cho cả hai bên hiểu rõ những cái mà họ có thể giành được. Những vấn đề mà người Pháp cũng như người Việt Nam tha thiết nhất, đó là vấn đề độc lập dân tộc và vấn đề Nam Bộ... Tôi chắc chắn rằng, với thiện ý chung và sự tin cậy lẫn nhau, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến một sự thoả thuận có lợi cho cả hai dân tộc chúng ta”6 .

Cũng với mối quan tâm này, Chủ tịch còn gửi thư cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Môrixơ Tôrê yêu cầu các bộ trưởng cộng sản trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ Pháp khi thảo luận hãy ủng hộ quan điểm của Việt Nam và xác định số phận Việt Nam tuỳ thuộc nhiều vào cuộc thảo luận đó.

Ngày 12-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài của Bác “Một làng tiến đến kiểu mẫu” ký tên là Đ.X, giới thiệu gương làng Thọ Xuân (Thanh Hóa) quán triệt quan điểm của Chính phủ về kế hoạch sản xuất và tiết kiệm nên đã tiến hành tổ chức “làm việc tập đoàn”64, tổ chức phân công lao động... do vậy mà: “Phân công hợp lý cả làng/ Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua/ Một mùa gặt bằng hai mùa/ Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây”65 .

Ngày 12-8-1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, các thành viên Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Việt Nam (gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canađa) đến Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ đón tiếp và phát biểu: “Tôi tin chắc rằng Ủy ban Quốc tế sẽ nắm vững tinh thần hiệp định và tuyên ngôn cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, kết hợp nó với tình hình thực tế và đứng trên lập trường công bằng chính trực mà làm tròn chức trách của Ủy ban”66.

Ngày 12-8-1961, trong bức điện gửi Hội nghị Quốc tế chống bom nguyên tử họp tại Tôkiô (Nhật Bản), Bác viết: “Để cho những tội ác kinh khủng do đế quốc Mỹ gây ra ở Hirôsima và Nagadaki không bao giờ còn diễn lại, chúng ta kiên quyết đấu tranh chống việc thử bom nguyên tử và bom khinh khí, kiên quyết đấu tranh đòi giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để”67.

Ngày 12-8-1969, Bác lên khu nhà nghỉ ở Hồ Tây để thăm lãnh đạo đoàn đàm phán tại Pari mới trở về nước. Thời tiết xấu khiến Bác bị nhiễm lạnh và kể từ đó lâm bệnh, nặng dần cho đến lúc qua đời.

Ngày 13-8

“Cần có công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt”.

Ngày 13-8-1921, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đến thăm và lưu lại tại ngôi nhà của Luật sư Phan Văn Trường, số 6 “Vila đê Gôbơlanh” (Villa des Gobelins) ở Pari, sau đó đi họp Chi bộ Đảng Xã hội quận 13.

Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng chính trị của người Việt Nam ở ngòai nước và vận động quốc tế cho công cuộc giải phóng dân tộc68.

Ngày 13-8-1945, nhận được tin Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh, từ chiến khu Tân Trào, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu Giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa, nhanh chóng truyền tin đi cả nước và triệu tập các cuộc họp khẩn cấp của Trung ương và Đại hội Quốc dân. Lệnh khởi nghĩa chỉ rõ: Phải tập trung vào các đô thị, chặn đánh quân Nhật rút lui..., chuẩn bị kháng chiến một khi quân Pháp trở lại.

Ngày 13-8-1946, đứng trước nguy cơ đổ vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cố gắng cứu vãn để tránh một cuộc đổ máu xảy ra, Bác tuyên bố với tờ “Franc-tireur” (“Quân Du kích”): “Tôi không muốn trở về Hà Nội tay không. Tôi muốn khi trở về nước sẽ đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể với sự cộng tác chắc chắn mà chúng tôi mong đợi ở nước Pháp.

Nước Việt Nam không chịu trách nhiệm về các cuộc xung đột đã xảy ra. Cần phải tạo nên bầu không khí thuận lợi cần thiết cho cuộc cộng tác Việt - Pháp... Về phần chúng tôi, chúng tôi quyết định bảo đảm cho nước Pháp những quyền lợi tinh thần, văn hóa và vật chất, nhưng trái lại nước Pháp phải bảo đảm nền độc lập của chúng tôi”69.

Ngày 13-8-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng ngày thành lập Chính phủ Kháng chiến Lào, trong đó khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi chung của khối liên minh Lào - Miên - Việt đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung...”70.

Ngày 13-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài viết của Bác (dưới bút danh C.B) “Kinh nghiệm phát động quần chúng” phê phán những khuyết điểm nghiêm trọng trong đợt 5 Cải cách ruộng đất tại ngót 200 xã. Bài báo viết: “Khuyết điểm chính là không biết tuyên truyền chính sách, không biết chấp hành chính sách”71 do đó mà có hiện tượng nghi ngờ tất cả cán bộ địa phương, không phân biệt người tốt kẻ xấu, bắt bớ lung tung, có nơi vạch thành phần lung tung từ 11 địa chủ tăng lên thành 65 địa chủ và nhiều hiện tượng khác... Bài báo kết luận: “Để giành lấy kết quả tốt, tất cả các đội cần phải thật thà kiểm thảo từng bước công tác, để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”72.

Ngày 13-8-1962, nói chuyện với Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, Bác khẳng định: “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp cụng nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt... Lênin có nói: Công đoàn là trường học của chủ nghĩa cộng sản. Muốn thực hiện lời dạy đó, cán bộ công đoàn phải thấm nhuần và giáo dục cho công nhân thấm nhuần: Ý thức làm chủ tập thể và cần kiệm xây dựng nước nhà. Nâng cao nhiệt tình lao động và tôn trọng kỷ luật lao động. Đẩy mạnh thi đua yêu nước. Ra sức giúp đỡ nông dân cải tiến kỹ thuật canh tác, củng cố hơn nữa khối công nông liên minh. Chống tệ quan liêu, lãng phí, tham ô”73.

Ngày 14-8

“Cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới”.

Ngày 14-8-1921, mật thám Pháp ghi nhận một cuộc gặp gỡ kéo dài hai ngày, tại nhà của Luật sư Phan Văn Trường với nhiều nhân vật trong giới hoạt động xã hội của người Việt tại Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Cao Đoan... và Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm này đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

Ngày 14-8-1926, bài viết Phong trào Cách mạng ở Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc được đăng trên Tập san “Inprekorr” (bản tiếng Pháp) của Quốc tế Cộng sản. Đây là một bức tranh toàn cảnh những biến đổi chính trị trong phong trào giải phóng dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và đi tới một nhận định: “Tình hình chính trị ở Đông Dương có thể tóm tắt trong lời than vãn sau đây của một tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ: "Vụ biến động này... đã làm cho nước ta xưa nay yên ổn biết bao, đã trở thành trung tâm của những cuộc biến động và hỗn loạn”74.

Ngày 14-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, Tống Văn Sơ bị đưa ra phiên tòa xét xử vắng mặt lần thứ hai. Bất chấp sự phản đối của luật sư, phía công tố vẫn tuyên bố trục xuất Tống Văn Sơ khỏi Hồng Kông và đọc lệnh của Thống đốc Anh chỉ định bị cáo phải rời khỏi Hồng Kông trên tàu “Alger” vào ngày 18-8-1931. Viên Công tố cũng đọc lời kháng án của Tống Văn Sơ chỉ rõ việc vi phạm quá trình tố tụng trong khi thẩm vấn và nhiều hành vi sai trái khác và nói trước rằng: Nếu tôi bị trục xuất đến Đông Dương, tôi sẽ bị giết, dù có xét xử hay không xét xử. Từ tháng 11-1929, Tòa án Nam Triều ở Vinh đã tuyên án tử hình vắng mặt Nguyễn Ái Quốc. Đây chính là những lập luận cơ bản mà các luật sư đang vận dụng để kháng án lên các cấp xét xử cao hơn.

Ngày 14-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo đề nghị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã đưa ra nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”75. Hội nghị đã quyết định mục tiêu giành quyền độc lập cho dân tộc và thành lập chính quyền nhân dân, thi hành “Mười chính sách của Việt Minh”, định ra chính sách ngoại giao với Đồng Minh và những nguyên tắc hành động để đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.

Ngày 14-8-1952, báo Nhân Dân đăng bài “Anh hùng và trí thức” của Bác (C.B) khẳng định: “Dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc, cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình, nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và Đoàn thể nêu cao”76. Bài báo nêu tên những trí thức được tuyên dương Anh hùng như Trần Đại Nghĩa; nhiều người được bầu làm Chiến sĩ thi đua như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, thi sĩ Tú Mỡ... “Điều đó chứng tỏ: Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính. Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến. Chỉ một việc đó cũng đủ thấy: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”77.

Ngày 14-8-1953, báo Cứu Quốc đăng bài “Chế độ dân chủ tập trung của Đảng” (ký tên Đ.X) của Bác với kết luận: “Muốn cho Đảng mạnh, phải mở rộng dân chủ, đồng thời thực hiện sự lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và kỷ luật”78.

Ngày 15-8

“Một dân tộc tự đứng trên chính đôi chân của mình”.

Ngày 15-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa thứ ba của Tòa án Tối cao Hồng Kông xét xử, lời khai của Tống Văn Sơ đã tố cáo những vi phạm của cơ quan tố tụng và xác nhận: ... Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc, theo tất cả những gì mà chúng tôi biết, có nghĩa là chiến đấu vì nhà vua và vì đất nước... Chúng tôi là một dân tộc đang chiến đấu và có khả năng tự đứng vững trên chính đôi chân của mình, nhưng cũng cần phải tìm sự viện trợ từ bên ngoài... Vì tổ chức của tôi và tôi trông cậy vào sự giúp đỡ của nước Anh nên tôi không hiểu vì sao tôi lại bị bắt?...

Ngày 15-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang) theo chỉ đạo của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã ra nghị quyết nhanh chóng phát động khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam và yêu cầu các đại biểu nhanh chóng về cơ sở để khẩn trương hành động.

Ngày 15-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện mừng tới Thủ tướng Ấn Độ G.Nêru (J.Nerhu): “Nhân ngày tuyên bố độc lập của Ấn Độ, một ngày long trọng không riêng gì cho quý quốc, mà cho cả đại gia đình Á châu chúng ta, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi nữa, tôi trân trọng yêu cầu Ngài nhận và chuyển cho đại dân tộc Ấn Độ lời chúc tụng nhiệt liệt và lời chào mừng thân ái của chúng tôi.

Tin tưởng vào mối cảm tình và tình đoàn kết giữa các dân tộc Ấn Độ và Á châu, dân tộc Việt Nam cương quyết tranh đấu cho được thống nhất và độc lập”79. Cùng với nội dung tương tự, một bức điện khác được gửi tới Toàn quyền Pakixtan chúc mừng Ngày tuyên bố Độc lập của quốc gia Hồi giáo vừa được tách khỏi Ấn Độ thuộc Anh.

Ngày 15-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn nhân việc nhà bác học Giôliu Quyri từ trần. Điện viết: “… Giáo sư đã hiến tất cả cuộc đời quang vinh của mình cho khoa học, cho sự nghiệp hòa bình và cho hạnh phúc nhân loại. Giáo sư mất đi là tổn thất rất lớn không những cho nhân dân Pháp, mà còn cho cả nhân dân toàn thế giới”80. Vợ chồng Giôliu và Mari Quyri đều nhận Giải Nôben, nhiệt tâm ủng hộ nền độc lập Việt Nam và từng gặp Bác trong thời gian có mặt tại Pari 1946.

Tháng 8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi họa sĩ Picátxô (Picasso) nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của danh họa: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái thiện, cái mỹ, với hòa bình và nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân. Con chim bồ câu hòa bình do Picátxô vẽ, rất quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân khắp trên thế giới, đã biểu hiện một cách rực rỡ lòng tin mãnh liệt của nhà nghệ sĩ lớn ấy vào sự vươn tới hòa bình không gì có thể ngăn cản nổi của nhân dân các dân tộc”81. Năm 1946, khi sang thăm nước Pháp, Bác đã thăm Picátxô và được họa sĩ vẽ tặng một bức chân dung.

Khánh Linh (tổng hợp)

Chú thích:

56. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 240.
57. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 117.
58, 59, 60. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 119, 117, 616.
61. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 270.
62. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 302.
63. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 3, tr. 303.
64, 65. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 540.
66. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 329.
67. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 117.
68. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 172.
69. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 279.
70. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 541.
71, 72. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 331, 332.
73 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 586-587.
74. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 233.
75. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 1, tr. 271.
76, 77. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 542-543.
78. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 354.
79. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 183.
80. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 216.
81. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 388.


 Ngày 16-8

“Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân”.

Ngày 16-8-1935, Nguyễn Ái Quốc đăng ký bản khai đại biểu tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản trong đó nêu một số chi tiết: “... Họ, tên, bí danh trong Đại hội: Lin... Thành phần xuất thân: Gia đình trí thức. Trình độ học vấn: Tự học... Từ năm 1928, tổ chức phong trào công nhân và nông dân ở Xiêm. Năm 1930-1931, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương... Năm 1931, bị bắt, bị tù 2 năm... Đã tham gia Đại hội V Quốc tế Cộng sản… và Đại hội Quốc tế Công đoàn...”82.

Ngày 16-8-1945, tại ngôi đình ở Tân Trào, Đại hội Quốc dân gồm 60 đại biểu thuộc nhiều tầng lớp xã hội tiêu biểu, từ nhiều địa phương trong cả nước dự, đã bầu Ủy ban Giải phóng Dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngay sau ngày Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh (15-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết một bức thư gửi Trung úy Giôn trong cơ quan tình báo của Mỹ (OSS) để chuyển thông điệp: “Ủy ban dân tộc giải phóng của Mặt trận Việt Minh yêu cầu nhà cầm quyền Hoa Kỳ thông báo cho Liên hợp quốc rằng: Chúng tôi đã đứng về phía Liên hợp quốc chống lại bọn Nhật. Nay bọn Nhật đã đầu hàng. Chúng tôi yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện lời hứa long trọng của mình là tất cả các dân tộc đều được hưởng dân chủ và độc lập. Nếu Liên hợp quốc nuốt lời hứa long trọng này và không thực hiện cho Đông Dương được hoàn toàn độc lập thì chúng tôi sẽ cương quyết chiến đấu cho đến khi giành được nền độc lập hoàn toàn”83.

Ngày 16-8-1951, Bác ra “Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập”, nêu rõ: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta quyết chịu đựng muôn nỗi khó khăn thiếu thốn, đói khổ, tang tóc, quyết một lòng đánh tan quân giặc cướp nước. Nhờ lực lượng ấy mà với tầm vông và súng hỏa mai ban đầu, chúng ta đã liên tiếp thắng địch... Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta sẽ đuổi sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước ta, và lấy lại thống nhất và độc lập thật sự...”84.

Ngày 16-8-1958, Bác gửi thư tới Đại hội Nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình họp tại Hà Nội, đưa ra quan điểm: “Cho nên phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc... Giữ gìn hòa bình là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân Việt Nam phải là một chiến sĩ hăng hái đấu tranh cho hòa bình”85.

Ngày 16-8-1965, báo Nhân Dân đăng bài Bác trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp nổi tiếng Philíp Đơvile (Philippe Devilers) về giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với thông điệp: “Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay những cuộc tiến công bằng không quân vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước chúng tôi, rút quân đội và các loại vũ khí Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Đó là “hòa bình trong danh dự”, ngoài ra không có con đường nào khác”86.

Ngày 17- 8

“Nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ”.

Ngày 17-8-1921, ghi nhận trong hồ sơ của Cơ quan mật thám Pháp bài viết “Vụ âm mưu ở Đông Dương” ký tên Nguyễn Ái Quốc. Toàn văn sau này được tập hợp trong tác phẩm nổi tiếng: “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Bài báo tố cáo những tội ác được giới thực dân dựng lên để đàn áp và dễ bề cai trị. Bài báo viết: “Nhưng, người An Nam chúng tôi ở khắp mọi nơi, chúng tôi sẽ kiên quyết đưa sự bất công ghê tởm và phi lý ấy ra phản đối trước tất cả mọi người Pháp chân chính. Chúng tôi mong rằng dư luận nước Pháp thông cảm với những nỗi đau khổ của các anh em và sẽ đấu tranh đòi cho Công lý được thực hiện”87.

Ngày 17-8-1945, sau khi kết thúc Đại hội Quốc dân Tân Trào và bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân danh người đứng đầu Ủy ban đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”88.

Ngày 17-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đặt vòng hoa tại Đài liệt sỹ kỷ niệm Ngày Kháng chiến của Pháp, và từ Pari, gửi điện mừng Ngày Độc lập của Inđônêxia. Điện có đoạn viết: “Chúng tôi rất mong rằng vì hai dân tộc chúng ta cùng chịu đựng một thống khổ, cùng chiến đấu để giành độc lập, có thể cộng tác với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết để thực hiện hòa bình và dân chủ ở miền Đông Nam Châu Á”89.

Ngày 17-8-1947, trong lá thư gửi Hội nghị Thanh niên Việt Nam, Bác khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cho cái tương lai đó…”90  và động viên: “Có chí làm thì quyết tâm ra việc và quyết làm được việc. Tôi lại khuyên các bạn một điều nữa là chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mang, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được. Đó là những kinh nghiệm của một người bạn có lịch duyệt thật thà đem bày tỏ với các bạn. Mong các bạn gắng sức và thành công”91.

Ngày 17-8-1952, trao đổi với các học viên đang tham gia Lớp Chỉnh Đảng Trung ương về cách viết, Bác nói: “Viết cũng như mọi công việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”92.

Ngày 17-8-1962, đến thăm và nói chuyện với học viên Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa tỉnh Hòa Bình, Bác đưa ra quan niệm: “... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”93.

Ngày 18-8

“Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta!”

Ngày 18-8-1945, thông qua Cơ quan tình báo Chiến lược của Mỹ (OSS), Chủ tịch Ủy ban Giải phóng Dân tộc Hồ Chí Minh gửi thông điệp đến Chính phủ Pháp với đề nghị năm điểm: “1. Chính phủ Pháp công nhận Chính phủ Việt Minh. 2. Việt Minh công nhận quyền của Pháp trong vòng từ 5 đến 10 năm, sau đó Chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. 3. Trong 5-10 năm sau đó, Việt Nam hưởng quyền tự trị đối nội. 4. Chính phủ Pháp hưởng quyền ưu đãi trong kỹ nghệ và thương mại ở Việt Nam. 5. Người Pháp có thể làm cố vấn về ngoại giao”94. Cũng với phương thức này, thông điệp còn được gửi tới các nước Đồng Minh.

Cũng trong ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” với những lời tha thiết: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được ĐỘC LẬP, TỰ DO... Vừa đây Việt Minh lại triệu tập “Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội” cử ra ỦY BAN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG VIỆT NAM để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập...

Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ Lâm thời của ta lúc này. Hãy đoàn kết chung quanh nó, làm cho chính sách và mệnh lệnh của nó được thi hành khắp nước. Như vậy thì Tổ quốc ta nhất định mau được độc lập, dân tộc ta nhất định mau được tự do.

Hỡi đồng bào yêu quý!

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”95.

Cũng vào thời điểm này, Bác viết thư cho Sáclơ Phennơ (Charles Fenn), sĩ quan OSS ở Côn Minh (Trung Quốc), người đã chắp nối quan hệ với người đứng đầu quân Đồng Minh ở vùng Hoa Nam, trong thư viết: “Chiến tranh đã kết thúc. Đây là điều tốt cho mọi người… Chiến tranh đã kết thúc thắng lợi. Nhưng chúng tôi, những nước nhỏ và phụ thuộc, không có phần đóng góp hoặc đóng góp rất ít vào thắng lợi của tự do, của dân chủ. Nếu muốn đóng góp một phần xứng đáng chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu. Tôi tin rằng ông và nhân dân Mỹ vĩ đại sẽ luôn luôn ủng hộ chúng tôi. Tôi cũng tin rằng sớm hay muộn chúng tôi cũng sẽ đạt được mục đích của mình, bởi vì mục đích đó là chính nghĩa. Và đất nước chúng tôi sẽ độc lập. Tôi trông chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ của chúng ta ở Đông Dương hay trên đất Mỹ”96.

Ngày 18-8-1962, thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ, Bác nhắc nhở: “Đảng ta là đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội....”97.

Ngày 18-8-1969, mặc dù sức khoẻ không tốt, những Bác vẫn dành thời gian làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh bàn về việc trả lời thư của Tổng thống Mỹ R.Níchxơn (R.Nixon) gửi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 19-8

“Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang”.

Ngày 19-8-1922, báo “L’Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Chủ nghĩa cộng sản và thanh niên Trung Quốc” của Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tiến trình và những cái mốc phát triển của phong trào thanh niên ở Trung Quốc nhân Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản toàn Trung Quốc vừa họp thành công 3 tháng trước (5-1922).

Ngày 19-8-1947, nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc” và “Thư gửi đồng bào Việt Bắc”. Với đồng bào cả nước, Bác phân tích: “Cách mạng Tháng Tám đã giải phóng đồng bào ta ra khỏi chế độ quân chủ chuyên chế và xiềng xích thực dân... đã xây dựng cho nhân dân ta cái nền tảng Dân chủ Cộng hòa và thống nhất độc lập. Noi gương Cách mạng 1776 của Mỹ, Cách mạng Tháng Tám tranh tự chủ chống ngoại xâm. Cũng như Cách mạng 1789 của Pháp, Cách mạng Tháng Tám thực hành lý tưởng: Bình đẳng, Tự do, Bác ái. Theo gót Cách mạng 1911 của Tàu, Cách mạng Tháng Tám thực hiện chủ nghĩa: Dân tộc, dân quyền, dân sinh”98.

Lá thư cổ vũ: “Nay cuộc trường kỳ kháng chiến phải tiếp tục cái nhiệm vụ vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám: Phải làm cho nền Dân chủ Cộng hòa chắc chắn, phải làm cho quyền thống nhất độc lập vững vàng... Chúng ta có cái chí quật cường không nao núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó... Chúng ta dám trả cái giá cho thắng lợi, thì chúng ta nhất định thắng lợi”99.

Còn trong thư gửi đồng bào của căn cứ địa cách mạng, Bác viết: “Đồng bào Việt Bắc đã có một lịch sử cách mạng rất vẻ vang. Xưa kia cụ Hoàng Hoa Thám và những vị anh hùng khác đã dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp suốt mấy mươi năm. Gần đây Việt Bắc là căn cứ địa oai hùng của Quân giải phóng để chống Nhật, kháng Pháp… Có sự vẻ vang đó là vì toàn thể đồng bào Việt Bắc: Kinh, Thổ, Mán, Nùng, Mèo, v.v. ai cũng yêu nước, ai cũng không chịu làm nô lệ, ai cũng đoàn kết, ai cũng hăng hái ủng hộ cách mạng”100.

Cũng trong thời gian này, Bác Hồ còn viết “Thư gửi Nhi đồng toàn quốc” căn dặn: “… Việc gì có ích cho kháng chiến, có ích cho Tổ quốc thì các cháu nên gắng sức làm. Làm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Tuổi các cháu còn nhỏ, thì các cháu làm những công việc nhỏ. Nhiều công việc nhỏ cộng lại thành công việc to. Bác mong các cháu làm việc và học hành, cho xứng đáng là nhi đồng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất và độc lập”101.

Ngày 19-8-1950, trong “Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2-9”, Bác viết: Nước ta vừa độc lập được 5 năm, đã 5 năm nhân dân ta kháng chiến. Chúng ta quyết hy sinh cực khổ để cho nước nhà độc lập, thống nhất và con cháu ta được hưởng tự do, hạnh phúc muôn nghìn đời về sau”, và nêu tấm gương: Đồng chí Tôn Đức Thắng là một con người rất ưu tú của Tổ quốc... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... 

Ngày 20-8

“Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng”.

Ngày 20-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ tư thừa nhận thủ tục trục xuất Tống Văn Sơ tại phiên tòa lần thứ nhất là sai nhưng vẫn tiếp tục ra lệnh trục xuất tiếp. Luật sư Lôdơbi tiếp tục kháng án vì cho rằng nếu việc bắt giam là trái phép thì việc trục xuất cũng không có cơ sở pháp lý.

Ngày 20-8-1935, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, dự bữa cơm thân mật với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Môrixơ Tôrê dẫn đầu và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Vương Minh dẫn đầu.

Ngày 20-8-1945, trước lúc rời Tân Trào về Thủ đô, Bác mời một số nhà lãnh đạo như Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Thái... căn dặn: “Bây giờ ta có chính quyền, chắc các cô, các chú cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa được đâu! Lênin đã nói: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Bởi vậy, một số các cụ, các chú còn ở lại địa phương đây, giúp đồng bào tổ chức cuộc sống sao cho tươi đẹp hơn, ấm no, văn minh hơn... Biết đâu, chúng ta còn trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa…”102. Thực tiễn lịch sử đã diễn ra đúng như những tiên liệu của Bác.

Ngày 20-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhiều nhà tư bản đang đầu tư tại Mỏ than Hòn Gai, giám đốc Công ty Điện và Nước Đông Dương; đồng thời, cũng tiếp tục thuyết phục Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutờ cần phải tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý, trên nguyên tắc cơ bản là nước Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam và Việt Nam bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp.

Ngày 20-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một loạt các sắc lệnh trong đó có việc ban hành: “Huân chương Kháng chiến” các hạng để thưởng cho những người có công với quân đội và các hoạt động quốc phòng; sắc lệnh thành lập “Trường Y sĩ Việt Nam” để đào tạo cán bộ y tế dân y và quân y.

Tháng 8-1962, Bác đến nói chuyện với lớp bồi duỡng cán bộ về công tác mặt trận và căn dặn: “Chính sách mặt trận là một chính sách rất quan trọng. Công tác mặt trận là một công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng… phải làm sao đoàn kết chặt chẽ được mọi tầng lớp nhân dân… đoàn kết được các dân tộc anh em, giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo nhằm… cùng nhau xây dựng Tổ quốc… thực hiện đúng khẩu hiệu:

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công!”103.

Ngày 20-8-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ mừng thọ 80 tuổi Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và tặng người đồng chí lão thành hai câu thơ:

“Càng già, chí khí càng dai.

Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn già”104.

Ngày 21-8

“Chi bộ là sợi dây liên hệ giữa Đảng và quần chúng”.

Ngày 21-8-1920, báo cáo mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc bị ốm phải vào bệnh viện Côsanh (Cochin) ở Pari điều trị.

Tháng 8-1923, báo “Le Paria”(Người Cùng khổ) đăng bài “Ách áp bức không từ một chủng tộc nào” nhân sự kiện một phái viên của nước Nga Xôviết bị bọn phát xít ám sát tại Thụy Sĩ, và việc một công nhân gốc Tuynidi ở Pháp bị cảnh sát giết, tác giả bài báo lên án: “Tất cả những liệt sĩ của giai cấp công nhân... đều là những nạn nhân của một kẻ giết người: Chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này luôn tìm thấy nguồn an ủi cao cả nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở. Sau những bài học đau đớn này, những người bị áp bức ở tất cả các nước hẳn phải hiểu đâu là những người anh em thật sự và đâu là kẻ thù của họ”105.

Ngày 21-8-1941, trên báo Việt Nam Độc lập, Nguyễn Ái Quốc vẽ và viết lời cổ động cho tờ báo:

“Việt Nam độc lập thổi kèn loa

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt

Để cùng nhau cứu nước Nam ta!”106.

Ngày 21-8-1942, trên báo Việt Nam Độc lập đăng bài thơ tuyên truyền đường lối cách mạng của Việt Minh nhằm mục tiêu đoàn kết lực lượng toàn dân, bài thơ có tên “Chơi Giăng”: “... Nước nhà giành lại nhờ tài sắt/ Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng/ Tổ chức, tuyên truyền càng rộng rãi/ Tức là cách mệnh chúng thành công”107.

Ngày 21-8-1946, trước nguy cơ tan vỡ của Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp đề nghị hai bên cần trở lại tiếp tục cuộc đàm phán, nhưng phía Pháp trả lời: “… Những sự khác nhau quá sâu xa giữa hai quan điểm về những vấn đề cơ bản làm cho Hội nghị không họp được, vì có họp cũng không đi đến kết quả nào”108. Tuy vậy, cùng ngày, Bác vẫn tiếp tục gặp gỡ các chính khách như Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mariuýt Mutờ, cựu Toàn quyền Đông Dương Alécxăngđrơ Varen (Alexandre Varenne), ông Giăng Xanhtơni và trả lời báo “Libộration”(Giải phóng)... nhằm cứu vãn tình hình.

Ngày 21-8-1952, trong bài báo “Kế hoạch gia đình” đăng trên báo Nhân Dân, Bác đề cập đến phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm đang được phát động, trong đó có việc hướng dẫn nhân dân xây dựng “kế hoạch gia đình”. Bài báo phê phán cách làm quan liêu, mệnh lệnh, xa rời thực tế, để đi đến kết luận: “Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công”109.

Ngày 21-8-1953, trong bài báo có nhan đề “Chi bộ” đăng trên báo Cứu Quốc, Bác nêu rõ vai trò chi bộ “là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng... luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức cho nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng. Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân… Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của nhân dân...”110.

Ngày 21-8-1969, Bác ký sắc lệnh số 12/LCT ân xá và giảm án cho những phạm nhân thật thà hối cải, tích cực cải tạo, nhân kỷ niệm lần thứ 24 Quốc khánh. Đây là văn bản pháp quy cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thanh Huyền (tổng hợp)

Chú thích:

82. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 60-61.
83. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 273.
84. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 281-282.
85. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 218-219.
86. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 489.
87. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 39.
88. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 274-275.
89 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.
90, 91. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 185, 186.
92. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2007, t. 5, tr. 235.
93 . Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, 2009, t. 10, tr. 591.
94. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2006, t. 2, tr. 276.
95, 96. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 553-554, 550.
97. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd, 2008, t. 8, tr. 268-269.
98. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 187.
99, 100, 101. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 187-188, 190, 193.
102. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 2, tr. 280.
103. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 276-277.
104. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 245.
105. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 1, tr. 200.
106. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 2, tr. 146.
107. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 3, tr. 241.
108. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 3, tr. 309.
109. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 6, tr. 547.
110. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 243.


 Ngày 22-8

“Đoàn kết là sức mạnh của Đảng”.

Ngày 22-8-1945, Bác Hồ rời Căn cứ địa Tân Trào về Hà Nội, lúc này, tổng khởi nghĩa đã thành công và đêm hôm đó tới Thái Nguyên, nơi chính quyền nhân dân cũng đã được thiết lập trước đó hai ngày.

Ngày 22-8-1946, trong bối cảnh các hoạt động ngoại giao đang diễn ra khẩn trương để cứu vãn sự đổ vỡ của cuộc thương lượng Việt - Pháp tại Hội nghị Phôngtennơblô, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với Ê.Misơlê, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.

Tháng 8-1947, Bác làm hai bài thơ khen tặng hai nhi đồng làm liên lạc trong bộ đội Chiến khu II. Thơ “Gửi cháu Phạm Đỗ Hải” - em bị giặc bắt trong khi đang làm nhiệm vụ, đã tìm cách trốn thoát, lại lôi kéo được hai lính địch về theo cách mạng - viết:

“Bác được tin rằng:

Cháu làm liên lạc,

Bị giặc bắt được,

Lại trốn thoát ngay.

Mang hai lính Tây

Theo về bộ đội.

Thế là cháu giỏi.

Biết cách tuyên truyền.

Bác gửi lời khen.

Khuyên cháu gắng sức,

Học hành, công tác,

Tiến bộ luôn luôn.

Gửi cháu cái hôn,

Và lòng thân ái”111.

Còn thư “Gửi cháu Lê Văn Thức“ - em dùng súng dọa Tây, bắt nó phải hàng, lấy được súng mang về - viết:

“Cháu có can đảm

Giơ súng dọa Tây.

Bắt nó hàng ngay,

Lấy được súng nó.

Vì thành công đó,

Bác gửi lời khen.

Khuyên cháu tập rèn

Ngày càng tiến bộ.

Bác lại gửi cháu

Mấy chục cái hôn”112.

Tháng 8-1948, Bác viết thư cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính và anh chị em ngành bưu điện đã chế tạo một cái máy chuyển điện tín và tặng cho Bác. Thư có đoạn: “Việc đó tỏ rằng: Nếu ta cố gắng, thì ta sẽ có nhiều thành công tốt đẹp”113 và “mong rằng toàn thể anh em trong Bộ Giao thông Công chính sẽ hăng hái xung phong thi đua ái quốc làm cho mọi người và mọi việc đều tiến bộ, và làm cho Bộ mình trở nên một Bộ kiểu mẫu, cả về công việc và về tinh thần”114.

Ngày 22-8-1951, trong thư khen bộ đội Thừa Thiên về thành tích chiến đấu và chiến thắng trong trận đánh ở Phú Vang (26-7-1951), Bác căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ: Du kích chiến tranh là chính. Vậy các chú phải giúp đỡ du kích chiến tranh phát triển và củng cố khắp các nơi”115.

Ngày 22-8-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Phải theo đúng kỷ luật của Đảng”, với bút danh C.B, Bác phân tích: “Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau. Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân. Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm... Thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng. Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác...”116.

Ngày 22-8-1969, Bác gửi điện chào mừng các đại biểu tham dự “Cuộc gặp gỡ thế giới của thanh niên và sinh viên vì thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam” tổ chức tại Henxinki, thủ đô Phần Lan. Thư viết: “Cuộc họp mặt của các bạn là một biểu hiện rực rỡ của nhiệt tình và quyết tâm của thế hệ trẻ muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp là tự do, độc lập dân tộc và hòa bình. Giữa lúc chính quyền Níchxơn đang ngoan cố tăng cường chiến tranh xâm lược, cố giữ ngụy quyền Sài Gòn và gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân chúng tôi, cuộc họp mặt đã càng cổ vũ mạnh mẽ nhân dân chúng tôi ra sức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng”117.

Ngày 23-8

“Học tập lý luận cốt là để áp dụng thực tế”.

Ngày 23-8-1925, Nguyễn Ái Quốc làm bài thơ “Hãy thương yêu nhau và cùng nhau đoàn kết” đăng trên báo Thanh Niên, kêu gọi mọi giới đồng bào đoàn kết vì sự nghiệp chung. Bài thơ có những đoạn (dịch lại từ bản tiếng Pháp):

“Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn

Chóng hoặc chày rồi sẽ trúng tên

Vì đơn độc sẽ làm mồi cho hiểm họa

Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi.

Hãy liên kết như thể thân mình

Ngũ quan cùng với tay chân dính liền

Tách rời nhau thời không thể sống

Chỉ cùng với nhau sức lực mới sinh sôi”118.

Ngày 23-8-1945, từ chiến khu Tân Trào, Bác đặt chân lên Thủ đô Hà Nội, lúc này Tổng khởi nghĩa đã thành công. Từ huyện Đa Phúc (khi đó thuộc Phúc Yên), Bác vượt sông Hồng tại bến đò Phú Xá và tạm trú tại gia đình một cơ sở cách mạng ở làng Ga (Phú Thượng, Từ Liêm).

Ngày 23-8-1953, đến thăm và nói chuyện với Lớp Chỉnh huấn Quân khu I, Bác đề cập vấn đề gia đình: “Cố nhiên gia đình ai cũng có, không có không được. Nhưng mình là người cách mạng, người kháng chiến được Đảng giáo dục phải trông xa thấy rộng hơn. Mình có gia đình, gia đình to nhất là giai cấp... nếu giai cấp chưa được giải phóng hoàn toàn thì mình chưa được giải phóng hoàn toàn... Phải cân nhắc kỹ: Hy sinh lợi ích gia đình nhỏ cho gia đình to, hay hy sinh gia đình to cho gia đình nhỏ của mình. Các cô các chú tự cân nhắc đúng thì sẽ ít thắc mắc về tiểu gia đình của mình. Phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung... Người ta ai chẳng có gia đình và thương gia đình. Nhưng cũng có người hy sinh gia đình nhỏ cho đại gia đình. Thí dụ các liệt sĩ nước ta. Cũng có người biết như thế không muốn có tiểu gia đình để toàn tâm toàn ý cho đại gia đình”119.

Tháng 8-1953, sau một phiên họp của Hội đồng Chính phủ trên chiến khu Việt Bắc, Bác làm một bài thơ chữ Hán và đưa cho luật sư Phan Anh xem và được luật sư dịch ra quốc ngữ:

“Ngoài sân trăng sáng lồng cây,

Trăng đua bóng ngả, bóng cài bên song.

Việc quân, việc nước bàn xong.

Bên song ôm gối, gối cùng trăng mơ”120.

Ngày 23-8-1958, Bác đến thăm Trường Đảng Lê Hồng Phong của Đảng bộ Hà Nội, căn dặn cán bộ và học viên nhà trường: “Học tập lý luận cốt là để áp dụng vào thực tế. Học đi đôi với hành, có học mới làm được việc”121.

Ngày 23-8-1965, báo Nhân Dân đăng bài “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” của Bác (với bút danh là “Chiến Sĩ”). Bài báo lên án việc Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn (L.B.Johnson) vừa tăng cường chiến tranh vừa đưa ra chiêu bài thương lượng hòa bình. Bài báo đưa ra thông điệp: Bao nhiêu lính Mỹ vào Việt Nam sẽ trở thành bấy nhiêu cục chì đè nặng lên cổ đế quốc Mỹ và làm nó sa lầy càng sâu thêm... “Chúng thêm 5 vạn hay là 50 vạn lính Mỹ, chúng cũng sẽ thua, ta cũng sẽ thắng”. Cách giải quyết “hòa bình trong danh dự” là Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, như bốn điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  và năm điều của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu rõ”122.    

Ngày 24-8

“Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”.

Ngày 24-8-1920, báo cáo của mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc đến ngôi nhà số 6 phố Buye ở Pari để tìm người chủ gian hàng mà Phan Chu Trinh đã thuê làm xưởng ảnh. Đây là thời kỳ nhà cách mạng trẻ đang theo học và hành nghề rửa ảnh với Cụ Phan.

Ngày 24-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, tại phiên tòa thứ năm, luật sư Ph.Gienkin (F.Genkin) vạch trần thủ đoạn giả dối và phi pháp của chính quyền Hồng Kông trong quyết định trục xuất Tống Văn Sơ, thực chất là đẩy thân chủ của mình vào nanh vuốt của thực dân Pháp ở Đông Dương. Cũng tại phiên tòa này bản khai của Tống Văn Sơ được công bố, trong đó bóc trần sự việc: Tôi 36 tuổi... Tôi đã gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng ở Việt Nam và Đông Dương nói chung, phong trào có mục đích cao nhất là lật đổ toàn bộ quyền lực của Chính phủ Pháp ở đó và thay thế bằng một chính phủ dân tộc dưới sự lãnh đạo của người bản xứ. Tôi đã tham gia tích cực vào phong trào này trong một thời gian trước ngày tôi bị bắt ở Hồng Kông, ngày 06-6-1931. Theo những người cầm quyền của Chính phủ Pháp thì tham gia vào một phong trào như vậy là phạm tội và kẻ phạm tội phải nhận án tử hình... Mục đích thực sự của chính quyền Hồng Kông khi tiến hành các thủ tục trục xuất tôi là nhằm khẳng định việc giao tôi cho Pháp ở Đông Dương để Chính phủ Pháp xử lý tôi theo tội trạng đã nói trên.

Ngày 24-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minhh gửi thư khen ngợi ông Tôn Thất Phong, một nhân viên hoả xa đã chế được một loại thuốc chống căn bệnh sốt rét. Thư biểu dương: “Thế là ông đã lập được công trong thi đua ái quốc”123. Thư còn biểu dương chung đội ngũ công nhân hoả xa với lời căn dặn: “Trong lúc đồng bào không quản lao khổ, anh dũng kháng chiến để tranh độc lập thống nhất cho Tổ quốc, mỗi người cán bộ của ta phải thực hành khẩu hiệu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thì kháng chiến nhất định mau thắng lợi”124.

Tháng 8-1948, Bác cũng viết thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước động viên một trí thức lớn tận tụy và chịu đựng gian khổ đi theo kháng chiến. Thư viết: “Gửi bác sĩ Tước, Tôi gửi biếu chú một cái áo. Áo này là do đồng bào biếu tôi. Chú phải cẩn thận giữ sức khoẻ. Tôi đã dặn anh em địa phương, chú cần gì cứ hỏi họ. Chớ nên câu nệ. Tôi mạnh khoẻ như thường. Chào thân ái và quyết thắng”125.

Ngày 24-8-1953, trên báo Cứu Quốc của Mặt trận Liên Việt, Bác viết bài “Chủ nghĩa xã hội” nêu lên những đặc điểm cơ bản của “chủ nghĩa xã hội”. Đó là: “Mọi tư liệu sản xuất đều là của chung; lực lượng sản xuất chủ yếu là công nhân và nông dân; thực hiện khẩu hiệu “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”; sản xuất có kế hoạch; không có sự phân biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, giữa thành thị và nông thôn”126.

Cũng trong tháng 8-1953, Bác giảng bài tại Lớp chỉnh Đảng Trung ương với chủ đề: “Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn. Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói gì. Thế là vô ích”127.

Bài giảng giải đáp các câu hỏi: Vì ai mình viết? Mục đích viết làm gì? Thế thì viết cái gì? Lấy tài liệu đâu mà viết? Cách viết thế nào? và những kinh nghiệm viết của Bác để rồi đi đến kết luận: “Nói tóm lại viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mà tiến bộ. Quyết tâm thì việc gì khó mấy cũng làm được”128.

Ngày 24-8-1958, Bác dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) và xem trận giao hữu quốc tế giữa hai đội bóng Tuyển Hải Phòng và Tuyển thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia.

Ngày 24-8-1969, giữa lúc bệnh tình đang diễn biến phức tạp, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát “Diễn ca về Điều lệ Hợp tác xã nông nghiệp”, Bác căn dặn những người có mặt nhắc nhở cơ quan tuyên huấn phổ biến rộng rãi hình thức diễn ca để bà con nông dân dễ hiểu, dễ nhớ.

Ngày 25-8

“Giáo dục nhi đồng là một khoa học”.

Ngày 25-8-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, phiên tòa thứ 6 được đưa ra xét xử, luật sư bảo vệ cho bị cáo Tống Văn Sơ tiếp tục tranh biện buộc Tòa phải nhận những sai sót trong quá trình tố tụng nhằm ngăn chặn âm mưu trục xuất để mật thám Pháp bắt.

Ngày 25-8-1942, với bí danh mới là Hồ Chí Minh, Bác đến Ba Mông thuộc tỉnh Tĩnh Tây trú chân và ăn Tết Trung Nguyên (14-7 âm lịch) rồi lên đường đến Trùng Khánh. Chính trên hành trình này, Hồ Chí Minh đã bị các thế lực quân phiệt địa phương bắt giam.

Ngày 25-8-1945, tại làng Ga (Từ Liêm, Hà Nội), Bác nghe 2 đồng chí Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh báo cáo tình hình Thủ đô. Tiếp đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đón Bác vào nội thành và trú tại ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang của gia đình thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô.

Ngày 25-8-1950, Bác Hồ viết “Thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng Toàn quốc” nhấn mạnh: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết: Yêu Tổ quốc, thương đồng bào, chuộng lao động, giữ kỷ luật, biết vệ sinh, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng (chớ nên làm cho chúng hóa ra những “người già sớm”. Nhiều thư các cháu gửi cho Bác Hồ, viết như người lớn viết; đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh). Trong lúc học, cũng cần cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, ở trong trường, ở xã hội, chúng đều vui đều học... Ngày nay chúng là nhi đồng. 11 năm sau chúng sẽ là công dân... Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Vậy các bạn phải cố gắng học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, để tiến bộ mãi. Nhất là phải làm kiểu mẫu trong mọi việc”129.

Trong bài nói chuyện ngày 25-8-1953 với Lớp chỉnh huấn cho cán bộ, công nhân, viên chức các cơ quan Khu I, Bác khẳng định: “Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được”130.

Ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Tổng thống Mỹ Risát Níchxơn (Richard Nixon) đưa ra thông điệp: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình… Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới. Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Với thiện chí của phía Ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”131. Đây cũng là văn kiện cuối cùng của Bác viết chỉ một tuần lễ trước khi qua đời.

Ngày 26-8

“Số phận Châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”.

Ngày 26-8-1911, Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba đang làm thủy thủ trên tàu “Đô đốc Latusơ Tơrêvin”, cập bến Đoongkéc, một hải cảng của Pháp nằm trên bờ biển Măngsơ.

Tháng 8-1914, từ Luân Đôn, thủ đô nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Phan Chu Trinh đang sống ở Pháp. Thư viết: “Kính gửi Nghi Bá đại nhân, tiếng súng đang rền vang và thây người đang phủ trên đất. Năm cường quốc đã vào vùng chiến và chín nước đang đánh nhau. Cháu chợt nhớ đến thư cách đây mấy tháng đã viết về cơn giông bão này. Định mệnh sẽ dành cho chúng ta nhiều bất ngờ và không thể nói trước được ai sẽ là người thắng... Cháu nghĩ trong vòng ba, bốn tháng nữa, số phận Châu Á sẽ thay đổi và thay đổi nhiều”132. Có thể coi đây là văn kiện đầu tiên chúng ta ghi nhận được những bình luận thời cuộc mang tính chính trị đầu tiên của con người sau này trở thành nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Ngày 26-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, giữa lòng Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng để bàn thảo những vấn đề trọng đại trong chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam độc lập, trong đó có chủ trương mở rộng thành phần chính phủ lâm thời, soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” và khẩn trương chuẩn bị ngày tuyên bố độc lập.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người đứng đầu Cơ quan Tình báo chiến lược (OSS) của Mỹ từ Côn Minh vừa tới Hà Nội. Trong cuốn sách “Why Vietnam?” do Trường Đại học Caliphoócnia xuất bản, A.Pátti (A. Patty) thuật lại buổi gặp gỡ diễn ra tại số nhà 48 Hàng Ngang: Tôi rất vui gặp lại ông ta, nhưng sửng sốt khi nhận ra: Thân hình xương xẩu trái ngược với cái trán khá rộng, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt. Trang phục của ông, một tấm áo nâu sẫm và quần rộng... Còn trong câu chuyện: Ông tỏ ra rất khó chịu về việc người Việt Nam phải đón quân đội Trung Quốc và cho rằng việc một số lượng lớn người Trung Quốc tràn vào Việt Nam cộng với số quân Nhật ở đây sẽ làm cho tài nguyên đất nước khánh kiệt một cách ghê gớm. Một cách tinh vi, ông đó liên tưởng đến những sự rối loạn mà quân đội chiếm đóng Tưởng có thể gây ra nếu họ cướp bóc lan tràn và lộng hành đối với dân chúng. Ông yêu cầu tôi báo trước cho Đồng Minh về những khả năng này và tôi hứa sẽ làm đầy đủ... Với nụ cười quen thuộc, ông báo cho tôi biết rằng đúng vào lúc đó, một phái đoàn Chính phủ đã lên đường đi Huế để tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại... Điều quan trọng đối với ông Hồ là Mỹ tiếp tục chính sách chống thực dân của Mỹ đối với Đông Dương... Ông tự nhận là một người “quốc gia - xã hội - tiến bộ” có một sự mong muốn mãnh liệt muốn giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ của nước ngòai. Ông nói một cách lưu loát, không điệu bộ, nhưng với một vẻ thành thật, quyết tâm và lạc quan...

Ngày 26-8-1965, Bác đi thăm Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 23 Bộ đội tên lửa, Đoàn Sông Đà đang tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô, đặt bản doanh tại Phùng, ngoại vi Hà Nội.

Ngày 26-8-1969, sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn biến phức tạp. Bác đang điều trị tại Viện Quân y 108 của quân đội. Một lần, Bác tỉnh dậy và tỏ ý muốn nghe một khúc dân ca. Cô y tá chăm sóc sức khoẻ đã hát một bài dân ca quan họ và được Bác tặng một bông hồng.

Khánh Linh (tổng hợp)

111. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 198.
112, 113, 114. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 199, 482.
115. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 6, tr. 285.
116. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 335.
117. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 12, tr. 486.
118. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 1, tr. 330.
119, 120. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 358, 361.
121. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 128.
122. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 9, tr. 287.
123, 124. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 473.
125. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 4, tr. 241.
126. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 358-359.
127, 128. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 117, 124.
129. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 712-713.
130. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 7, tr. 131.
131. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 12, tr. 488-489.


 Ngày 27-8

“Một Chính phủ thống nhất quốc gia”.

Ngày 27-8-1922, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc cùng một số đồng chí cộng sản trong chi bộ Quận 17, Pari đi dạo tại khu rừng Phôngtennơblô.

Ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh trên đường qua Trung Quốc để “vâng lệnh đoàn thể đi cầu ngoại viện” cho cách mạng Việt Nam bị quan tuần cảnh của Trung Hoa Quốc dân đảng bắt giữ tại Túc Vinh thuộc huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, nằm trong lãnh địa của Đệ tứ Chiến khu. Theo tướng Trương Phát Khuê là Tư lệnh Chiến khu này thì trong người Hồ Chí Minh mang theo chứng minh thư của “Quốc tế phản xâm lược hiệp hội ở Việt Nam“ và thẻ hội viên đặc biệt của “Quốc tế Tân văn xã” nhưng đều quá thời hạn hiệu lực nên bị nghi là gián điệp.

Sau khi bị bắt, Bác tìm cách bí mật viết thư về báo tin cho tổ chức ở trong nước biết để tiến hành vận động các khả năng buộc chính quyền Tưởng Giới Thạch phải trả tự do. Vì vậy, đã có hàng trăm lá thư của các tầng lớp dân chúng từ chiến khu Cao - Bắc - Lạng và Việt kiều ở Hoa Nam đã gửi tới Chính phủ Trùng Khánh và các sứ quán cũng như các hãng thông tấn Trung Quốc và nước ngoài đề cập yêu cầu này. Đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Trùng Khánh cũng gặp Cơ quan tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) yêu cầu gây sức ép với Chính phủ Trung Hoa và nên tranh thủ sự hợp tác với Hồ Chí Minh để chống phát xít Nhật ở Đông Dương.

Tuy nhiên, phải đến tháng 10-1943, sau khi giải nhà cách mạng đi qua nhiều nhà lao ở nhiều địa phương khác nhau, Hồ Chí Minh mới được trả tự do và cũng chính trong thời gian nhiều thử thách này, nhiều bài thơ đã được Bác sáng tác trong tù sau này tập hợp trong tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật ký trong tù).

Ngày 27-8-1945, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban Dân tộc Giải phóng đưa ra đề nghị cụ thể về chính sách đại đoàn kết dân tộc để thành lập Chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đại diện các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái, những nhân vật có danh vọng trong xã hội. Hưởng ứng đề nghị trên, nhiều ủy viên Việt Minh xin rút lui để nhường ghế cho những thành phần khác. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Chính phủ có ba ghế cho Đảng Dân chủ, một cho công giáo và nhiều bộ trưởng không đảng phái.

Cùng ngày, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo: Tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ mà quốc dân giao phó cho. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Độc lập Đồng minh... Nó là một Chính phủ thống nhất quốc gia giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức. Đánh giá toàn bộ sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân.

Ngày 28-8

“Chính sách của Chính phủ trước sau như một vẫn là đại đoàn kết”.

Ngày 28-8-1942, từ Túc Vinh, Hồ Chí Minh bị lính của Trung Hoa Quốc dân đảng áp giải và đưa đến giam trong nhà lao huyện Thiên Bảo.

Ngày 28-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn Độc lập”. Hồi ức của đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gỡ, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong. Bác đang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước (1919), Bác tới Hội nghị hòa bình Vécxây, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đã thay mặt cho cả dân tộc, hái quả tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn vẻ vàng của Người...

Ngày 28-8-1946, tại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc vận động hành lang để cứu vãn sự bế tắc trong quan hệ Việt - Pháp, gặp gỡ nhiều chính khách như Bộ trưởng Tư pháp Tengiăng (Teltgen), Bộ trưởng Canh nông T. Prêgiăng (Prêgent), Bộ trưởng Giao thông Thương mại J. Mos (J.Moch)...

Ngày 28-8-1947, trả lời báo Độc Lập của Đảng Dân chủ về việc mở rộng Chính phủ, Bác nêu rõ quan điểm: “Chính sách của Chính phủ trước sau vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài có đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh việc nước. Thí dụ: Ngoài cụ Đặng Văn Hưởng ra, còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thụy, cựu Tổng đốc; cụ Phan Kế Toại, Khâm sai đại thần; cụ Phó bảng Bùi Kỷ, v.v.. đều rất tận tụy giúp việc kháng chiến. Trước sự đại đoàn kết của Chính phủ và quốc dân đồng bào, mưu mô chia rẽ của thực dân phản động Pháp nhất định thất bại”133.

Ngày 28-8-1963, Bác dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo việc thực hiện kế hoạch nhà nước. Bác phát biểu: “Từ trước nay ta nói hay nói giỏi, nhưng làm thì thế nào?... Ta chủ trương thắt lưng buộc bụng, nhưng người thi hành đã có những biện pháp thiết thực thế nào?”134.

Ngày 28-8-1969, tình hình sức khoẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu rối loạn trầm trọng. Tuy vậy, mỗi lần tỉnh, Bác vẫn yêu cầu được nghe trả lời câu hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?”135. Sau đó, động viên mọi người: Hôm nay, Bác khỏe hơn hôm qua.

Ngày 29-8

“Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần phải càng cao”.

Ngày 29-8-1932, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, mặc dầu chưa đủ cơ sở luật pháp để trục xuất Tống Văn Sơ khỏi nhượng địa của Anh nhằm đẩy nhà cách mạng Việt Nam vào tay thực dân Pháp, nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh cũng không chấp nhận để Tống Văn Sơ được phép sang nước Anh nơi mà Pháp không thể nào bắt được.

Ngày 29-8-1942, ngày đầu tiên Hồ Chí Minh nhập nhà lao huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với thời gian bị giam giữ tại đây kéo dài đến 24-9-1942. Trong khoảng thời gian này, Bác đã làm 22 bài thơ mà bài đầu tiên mang nội dung như một lời tuyên ngôn cho một tinh thần bất khuất và lạc quan:

Thân thể ở trong lao

Tinh thần ở ngoài lao

Muốn nên sự nghiệp lớn

Tinh thần càng phải cao.

Ngày 29-8-1943, đúng một năm sau khi bị bắt giam vào nhà lao Tĩnh Tây, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nhà lao ở nhiều địa phương khác nhau, Hồ Chí Minh bị giải từ Thiên Bảo lại trở về huyện lỵ Tĩnh Tây nhưng bị biệt giam hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân.

Ngày 29-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời người đứng đầu Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ OSS, Đại tá A.Pátti (A.Patty) đến ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang để trao đổi về dự thảo văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và dự kiến tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập và việc quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 18 trở lên, về “chương trình quốc hữu hóa” của Chính phủ Việt Nam đối với một số ngành kinh tế quan trọng.

Cùng ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ Pátti chuyển tới Tổng thống Mỹ Hary Truman (Harry S.Truman) một bức điện với nội dung: Để bảo đảm có kết quả cho vấn đề mà Ủy ban Liên tịch các nước Đồng Minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của Ủy ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi... Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền đại diện trong Ủy ban đó.

Ngày 29-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường gặp các chính khách Pháp như Bộ trưởng Giáo dục Nagiơlăng (Nagelen), Bộ trưởng Ph.Gay (F.Gay), Bộ trưởng Xây dựng Phrăngxoa Biu (Francois Billoux) và chủ bút tờ báo châm trích nổi tiếng “Le Canard Enchainộ” (Con vịt bị trói).

Ngày 29-8-1952, báo Cứu Quốc đăng bài: “Sẵn tiền, sẵn lòng, tát biển Đông cũng cạn” với bút danh ĐX, Bác nói lên tinh thần của nhân dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và kết luận bằng hai câu văn vần: “Nhân dân ta sẵn sức, sẵn của, sẵn lòng/ Cán bộ tận tụy và trong sạch thì mười việc thành công cả mười”136.

Ngày 29-8-1958, đóng góp ý kiến về kế hoạch mở rộng Thủ đô tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác nhắc nhở: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông, hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”137.

Ngày 30-8

“Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng”.

Ngày 30-8-1942, từ trong một trại giam của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Hồ Chí Minh nhờ Vương Tích Cơ, một người Trung Hoa có cảm tình với cách mạng Việt Nam, là người thường đem cơm thăm nuôi, chuyển một bức thư bí mật gửi Lê Quảng Ba, một thành viên Việt Minh đang hoạt động ở vùng biên giới để nối lại liên hệ với phong trào trong nước.

Ngày 30-8-1947 (tức 15 tháng 7 Âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam” với nội dung: “Nhân ngày lễ Phật rằm tháng Bảy, tôi kính cẩn cầu nguyện Đức Phật bảo hộ Tổ quốc và đồng bào ta, và tôi gửi lời thân ái chào các vị trong Hội Phật tử. Từ ngày nước ta trở nên Dân chủ Cộng hòa, Hiến pháp ta tôn trọng tự do tín ngưỡng, thì Phật giáo cũng phát triển một cách thuận tiện. Thế là: Nước có độc lập, thì đạo Phật mới dễ dàng mở mang... Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn Người phải hy sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma. Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, đồng bào Phật giáo đã làm được nhiều. Tôi cảm ơn đồng bào, và mong đồng bào cố gắng thêm, cố gắng mãi, cho đến ngày trường kỳ kháng chiến thắng lợi, thống nhất độc lập thành công”138.

Ngày 30-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới thân nhân Bác sĩ Đuyboa (Dubois): “Được tin lão đồng chí Đuyboa vừa qua đời, tôi rất cảm động và thương tiếc. Suốt đời bác sĩ Đuyboa đã nêu tấm gương sáng của một nhà khoa học tiến bộ, một người chiến sĩ đấu tranh bền bỉ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chính sách phân biệt chủng tộc, vì lý tưởng cao cả, hòa bình, tự do, bình đẳng và tiến bộ của loài người...”139.

Ngày 30-8-1964, báo Nhân Dân đăng bài “Mỹ đang thất bại” (bút danh Chiến Sĩ) điểm lại dư luận phương Tây nói về sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và bài báo khẳng định: “Nếu đế quốc Mỹ tiếp tục khiêu khích, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì sẽ chịu số phận như thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ”140.

Ngày 30-8-1965, Bác gửi thư khen quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 500 máy bay Mỹ và nhấn mạnh: “Giặc Mỹ càng thua đau, càng giãy giụa, chúng còn nhiều âm mưu xảo quyệt và độc ác. Đồng bào, cán bộ và bộ đội ta không được vì thắng lợi mà chủ quan... Hãy phát huy truyền thống Cách mạng Tháng Tám vẻ vang, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, hết lòng hết sức ủng hộ cách mạng miền Nam, đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”141.

Ngày 30-8-1969, tình hình sức khoẻ của Bác diễn biến rất xấu. Buổi chiều, khi tỉnh lại, Bác hỏi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về công việc chuẩn bị lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh và căn dặn: “Các chú nhớ phải bắn pháo hoa mừng chiến thắng để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân”142. Bác còn hỏi han tình hình nước sông Hồng và nhắc nhở phải chú ý đề phòng lũ lụt...

Ngày 31-8

“Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực”.

Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa lần cuối cùng văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và làm việc với Ban tổ chức yêu cầu chuẩn bị thật chu đáo để bảo đảm Ngày lễ Độc lập thành công.

Ngày 31-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới ông G.Nêru (J.Nerhu) chúc mừng Chính phủ lâm thời Ấn Độ: “Chính phủ Ấn Độ tự do đầu tiên đã thành lập... Tôi tin chắc rằng những dây thân ái giữa hai nước chúng ta sẽ giúp cho việc gây hạnh phúc chung cho hai dân tộc chúng ta. Tôi yêu cầu ông chuyển đạt cho nhân dân nước Ấn Độ mới những cảm tình nồng nàn và lòng đoàn kết cảm thông của nhân dân Việt Nam…”143. Cùng thời gian này, tại nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc tiếp xúc tranh thủ sự ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam: Tiếp các vị thư ký của Hội nghị 21 nước Đồng Minh đang họp tại Pari; gặp gỡ Đoàn đại biểu Thanh niên Pháp...

Ngày 31-8-1958, đến thăm Khu tập thể của Thành hội Phụ nữ Hà Nội, gặp các cháu bé trong nhà trẻ, Bác căn dặn người lớn: “Các cháu là mầm non của Tổ quốc, là tương lai của xã hội, các cô phải trông nom, dạy dỗ các cháu chu đáo”144.

Ngày 31-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong hàm cấp tướng cho nhiều nhà lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, các Thượng tướng Văn Tiến Dũng và Chu Văn Tấn, các Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Song Hào v.v..

Ngày 31-8-1960, Bác Hồ gửi thư cho cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa nhân vào năm học mới. Thư nêu rõ: “Văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà... Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế...”145. Cùng ngày Bác tiếp các vị lãnh đạo trong nước và các đoàn đại biểu quốc tế sang Việt Nam dự Lễ Quốc khánh và Đại hội Đảng. Bác nói: “Ở đây chúng ta là anh em, chị em một nhà. Chúng tôi mong các đồng chí xem ở đây như ở nhà”146 và tặng hai câu thơ:

“Anh chị em đoàn kết một nhà

Ấy là tình nặng, ấy là nghĩa sâu”147.

Ngày 31-8-1963, Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị Tuyên giáo miền núi. Về công tác tuyên truyền, Bác nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?... Tuyên truyền huấn luyện phải xuất phát từ chỗ nào? Xuất phát từ nhiệt tình cách mạng, tình thương yêu chân thành đồng bào các dân tộc, từ tinh thần hết lòng phục vụ đồng bào các dân tộc… Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được... Đồng bào các dân tộc rất thật thà và rất tốt. Nếu nói đúng thì đồng bào nghe, đồng bào làm và làm được”148.

Ngày 31-8-1969, giữa lúc bệnh tình càng trở nên trầm trọng, Bác Hồ vẫn quan tâm theo dõi tình hình chiến sự và gửi lẵng hoa tặng các chiến sỹ tên lửa Sư đoàn Phòng không 361 khi được nghe báo cáo thành tích vừa bắn rơi vào ngày hôm trước chiếc máy bay không người lái của Mỹ. Đây cũng là phần thưởng cuối cùng Bác tặng đồng bào và chiến sỹ trước khi từ trần.

Thanh Huyền (tổng hợp)

132. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2006, t. 1, tr. 55.
133. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 196.
134. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 428.
135. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 400.
136. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2007, t. 5, tr. 238.
137. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 129.
138. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 5, tr. 197.
139. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 8, tr. 431-432.
140, 141. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2008, t. 9, tr. 105, 289-290.
142. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 10, tr. 402.
143. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 4, tr. 281.
144. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 131.
145. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 10, tr. 190.
146, 147. Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Sđd , 2009, t. 7, tr. 521.
148. Hồ Chí Minh, Toàn tập , Sđd , t. 11, tr. 128, 137-138.

Bài viết khác: